Other (439)


Không biết chính là điều sâu sắc nhất - JOHN TARRANT | TRẦN KHIẾT BÁCH dịch

1,256

Thực hành thiền định là một cách thể nhập trọn vẹn đời sống của mình, không  một chút dè dặt. Khi thiền định, khi ngồi xuống và ghi nhận mà không đánh giá ta đang làm như thế nào, thì đó là ta tự thể hiện mình cho chính cuộc đời của mình. Trong lúc thiền định, chẳng có điều gì đang đòi hỏi ở ta. Chỉ có mặt ở đây trên cái hành tinh này, chỉ cần kinh nghiệm về cái khoảnh khắc của sự hiện hữu này, chỉ cần kính trọng quà tặng của việc được sinh tồn, là đủ. Và đó chính một quà tặng, một món quà tặng chỉ đến với mình ta. Ta không cần phải đòi hỏi.

Nếu  ta không   tự thể  hiện mình cho chính cuộc đời của mình, ta có khuynh hướng đòi hỏi người khác lấp đầy những điều vụn vặt mà với chúng ta sẽ không tự thể hiện được mình. Điều đó chỉ làm phiền người khác. Cho nên tình yêu bắt đầu với việc thực sự tự thể hiện. Và việc thực hành sẽ là sự hỗ trợ. Đó chính là cách không tránh né những điều vụn vặt khó khăn, đau đớn ấy. Đó cũng  chính là không  tránh  né vẻ đẹp và sự diệu kỳ của đời sống, sự tuyệt vời và khả năng của chúng  ta trong việc nối kết với người khác. Tình yêu bắt đầu từ đó.

Tuy nhiên chúng ta thường vướng phải một ít những lỗi lầm căn bản. Thông thường chúng ta có ý nghĩ rằng một mối quan hệ cũng giống như một cái máy, một thứ mà chúng ta có thể sửa chữa nếu chúng ta bơm vào đó một loại dầu thích hợp hay thay thế một vài cái bánh răng đúng cỡ. Như thế là chúng ta nghĩ rằng một mối quan hệ chỉ là vấn đề tính toán tổng số của những điều tốt và điều xấu, những gì chúng ta nhận được và không nhận được.

Nếu chúng ta bắt đầu nhìn nhận về người khác như một món quà, điều này sẽ giúp chúng ta tránh được những cái bẫy ấy. Tôi có một đứa con gái ở tuổi hoa niên và hai bố con tôi rất gần gũi với nhau. Ta nhận ra rằng với một đứa con, ta có mặt mà không đòi hỏi nhiều ở sự đáp trả. Đó không phải là một sự trao đổi: cho điều này, nhận được điều kia. Điều đó cũng có thể giống như vậy đối với tất cả những mối quan hệ khác của ta, với người yêu, với thầy cô giáo của mình, với bạn bè, với những gì ta có. Đó không phải là sự buôn bán. Bồ đề tâm là một từ chuyên chở ý nghĩa mong muốn mở rộng cả tâm lẫn trí của ta chỉ vì điều đó là tốt cho cả thế giới này chứ không phải tốt cho ta (mặc dầu nó cũng tốt cho ta). Bồ đề tâm chẳng phải là một điều gì huyền bí; đó chính là một kinh nghiệm nhân văn hết sức cơ bản. Đó chính là một phần thuộc về bản chất của tâm thức.

Mối quan hệ không phải là một sự kiện tách biệt với việc tu tập tâm thức của ta. Chúng ta có dính líu vào một mối quan hệ vì tất cả chúng  ta cùng ở trên một con đường. Chúng ta thực hành và ở một mức độ nào đó những mối liên hệ của chúng ta trở thành một phần của việc thực hành ấy. Đó chẳng phải là một thứ gì khác biệt với sự thực hành của chúng ta. Đó không phải là cái điều mà tại nơi kia nó mang lại cho ta hạnh phúc cho nên ta có thể thực hành tại nơi này. Đó không phải là một thứ gì dùng để thuê mướn hoặc giữ cho ta ở yên mà đó chính là một phần của việc thực hành.

Có một vòng cung rộng lớn đối với tình yêu, chính là con đường có cả một vòng cung rộng lớn để tu tập tâm linh. Khi có mặt trên vòng cung rộng lớn ấy, bạn không nói, “Tôi đã từng cố thực hành thiền định mà không đạt được điều mình muốn; vậy, đó không phải là điều thích hợp với tôi”. Nếu có tu tập tâm linh trong cuộc đời của mình, bạn thực sự thể hiện mình trong cuộc đời của bạn. Nếu tâm thức của bạn không bình ổn và bất an, thì chính là bạn đang thể hiện mình cho cái tâm thức không bình ổn và bất an ấy của bạn. Nếu bạn ngừng chống đối trạng thái ấy, nếu bạn ngừng suy nghĩ rằng cái tâm ấy phải khác đi, nếu bạn mở lòng ra một chút – dù chỉ là một chút từ tâm vào lòng từ bi mà bạn không thể có trọn vẹn – thì con lừa cũng sẽ bắt đầu trở về nhà.

Bạn không cần phải tài giỏi về cái khoản tu tập ấy. Bạn chỉ cần có một chút tinh thần hướng về sự tu tập ấy, rồi việc thực hành sẽ bắt đầu dạy cho bạn và mang lại cho bạn những  quà tặng. Tốt hơn là hãy cứ tu tập tâm linh một cách thực sự kém cỏi thay vì chẳng tu tập gì cả. Thật vậy, tốt hơn là cứ tu tập tâm linh một cách thật sự bết bát thay vì tu tập nó một cách thiện xảo, vì nếu bạn tu tập tâm linh một cách kém cỏi thì bạn có thể học được một điều gì đó, bao lâu mà bạn vẫn còn tu tập.

Cách đây không lâu, vào lúc mẹ tôi hấp hối, tôi vội vã quay về nhà, đến bệnh viện, cầm lấy tay mẹ và ngồi bên mẹ. Buổi sáng hôm sau, mẹ tôi vẫn còn sống, thế là tôi  cũng lặp lại những hành động hôm trước. Trong lúc đó thì mấy người chị của tôi thương  lượng với các cô điều dưỡng để đề nghị họ tăng lượng dưỡng khí; còn cha tôi thì cố gắng khuyến khích mẹ tôi ở lại với thế gian này, bảo bà hãy nên vì ông mà dùng thêm một vài muỗng trứng sữa, nhưng mẹ tôi đã hốt hoảng ngăn ông lại. Riêng tôi, tôi chẳng có việc gì để làm, chẳng có một vai trò đặc biệt nào, và tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể như vậy lại là điều tốt. Tôi nghiệm ra rằng khi tôi muốn mọi người trong căn phòng hôm ấy xử sự khác đi, điều đó bắt đầu trở nên khó chịu. “Ba này, hãy bình tĩnh. Con muốn nói rằng mẹ con đang hấp hối. Mẹ con có muốn ăn đâu?” hay, “Mẹ, chỉ vì bố con thương  mẹ, bố cố giúp đỡ mẹ và nếu mẹ cố ăn một chút thì có thể cũng tốt hơn chứ”. Hoặc, “Này các chị, các chị cứ bình tâm đi. Dưỡng khí bây giờ có giúp được gì cho mẹ nữa đâu?”. Tôi có tất cả những  suy nghĩ kiểu ta-hãy-cải-thiện-thế-giới-này như thế, nhưng tôi nhận ra rằng khi tôi chẳng làm gì với những ý tưởng ấy, mọi sự đều yên. Người ta làm những việc họ đang làm vì họ cần như vậy. Tôi là ai mà tôi dám nghĩ người ta nên làm những gì? Thông cảm cho việc người ta quan tâm đến nhau tới mức nào thật là một điều tuyệt vời.

Công án của tình huống này là “Không biết chính là điều sâu sắc nhất”.  Điều gì xảy ra nếu ai đó không thể được cải thiện? Biết đâu, nếu họ từ bỏ hút thuốc lá, họ lại trở thành  những kẻ giết người hàng loạt? Vậy, việc không muốn làm thay đổi người khác thì sao? Còn về việc không muốn tự mình thay đổi thì sao?

Chúng ta dành quá nhiều thời giờ để quật roi lên lưng con lừa. Nếu ta dừng việc đó lại, ta có thể thấy rằng ta đang thay đổi theo những cung cách đáng ngạc nhiên, và người khác cũng thay đổi như thế. Hầu hết những dự án nhằm  thay đổi người khác hay thay đổi chính mình thực sự chỉ là những dự án trang trí nội thất cho những  phòng  giam. Thế mà việc tu tập tâm linh thực ra lại là việc phá vỡ nhà giam. Khi bạn tự thể hiện cho chính cuộc đời của mình, bạn muốn dùng phương tiện nào? Có phải bạn muốn mất thời giờ của mình để nói với người khác rằng họ cần phải khác đi?

Tình thương yêu có nghĩa là chấp nhận sự khác biệt của mọi người mà không cố gắng biến đổi họ – không chỉ chấp nhận, chịu đựng, mà còn là coi trọng, hiểu rõ bằng sự thông cảm, và yêu thích tính độc đáo của mọi người. Đấy chính là con đường  vậy. Nếu như sự việc bạn khác tôi là một cánh cổng chứ không phải là một trở ngại, thì sao?

* Tiến sĩ John Tarrant là một vị giảng sư Thiền học đã thực hành  theo  trường  phái Tâm phân  học của Carl Jung trong  nhiều  năm. Ông là tác giả các tác phẩm Bring Me the Rhinoceros (tạm dịch: Mang lại cho tôi con tê giác) và The Light Inside the Dark (tạm dịch: Ánh sáng trong bóng tối). Ông dự phần vào việc đào tạo y sĩ và nhân viên quản trị tại Duke Integrative Medicine, đồng thời điều hành Pacific Zen Institute.

JOHN  TARRANT - TRẦN  KHIẾT  BÁCH dịch

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 147

1,256

TIẾN TRÌNH THÀNH TOÀN TỰ NGÃ – MỘT KINH NGHIỆM CHUNG CỦA NHÂN LOẠI

TIẾN TRÌNH THÀNH TOÀN TỰ NGÃ – MỘT KINH NGHIỆM CHUNG CỦA NHÂN LOẠITÂM LÝ HỌC CHUYÊN SÂU – LƯU HỒNG KHANH---&&&---& Tiến trình thành tựu bản thân trong cả hai giai

909
Kinh tế học và tài nguyên dưới góc nhìn Phật giáo

Kinh tế học và tài nguyên dưới góc nhìn Phật giáoThienNhien.Net – Trong bối cảnh của suy thoái kéo dài của nền kinh tế và những hệ lụy tới ngành nông nghiệp

22,025
Thiền sư Liễu Quán

Thiền sư Liễu QuánTổ Liễu Quán mở pháp môn ở núi Thiên Thai thuộc Thuận Hóa. Ngài đặt bài kệ: "Thật Tế Ðại Ðạo, Tánh Hải Thanh Trừng v.v..." để làm pháp

13,901
THÓI QUEN

✅Những gì chúng ta làm thường xuyên. Nó là thói quen tuyện vời chứ không phải một hành động. _ Aristotle✅Đức hạnh tuyệt vời là kết quả của thói quen. Chúng ta

851
HOA THIỀN - J. Krishnamurti - Ẩn Hạc

FOREWORDMan, in order to escape his conflicts, has invented many forms of meditation. These have been based on desire, will and the urge for achievement, and imply conflict and a struggle to

18,145
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,344
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,765
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,677
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,446
Chùa Việt
Sách Đọc