Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

TOẠ THIỀN CHÂM: TÂM YẾU TOẠ THIỀN

Hy Huyền Đạo Nguyên

Carl Bielefeldt dịch

 

Một hôm, Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiễm đang ngồi thiền, một nhà sư hỏi ngài, “Thầy suy nghĩ gì khi ngồi yên ở đây?”.

            Vị thầy trả lời, “Ta suy nghĩ cái chẳng suy nghĩ”.

            Nhà sư hỏi tiếp, “Thế nào là suy nghĩ cái chẳng suy nghĩ?”.

            Vị thầy trả lời, “Không suy nghĩ”.

           

Biết đó là những lời dạy của Đại sư, chúng ta cần nghiên cứu và tham dự vào sự chánh truyền của việc ngồi yên. Đây là sự tìm hiểu việc ngồi yên được truyền trong con đường của Phật. Lời của Dược Sơn thật đặc biệt: Ngài suy nghĩ về không suy nghĩ. Những lời này biểu lộ cái tận cùng da, thịt, xương, tuỷ của suy nghĩ và cái tận cùng da, thịt, xương, tuỷ của không suy nghĩ.

           

Nhà sư hỏi, “Thế nào là suy nghĩ cái chẳng suy nghĩ”. Thật vậy, dù (quan niệm) không suy nghĩ (vô niệm) thì đã xưa cũ, nhưng ở đây, ngài nghĩ về nó như thế nào? Có thể có không suy nghĩ khi ngồi yên không? Khi ngồi yên chúng ta có thể không thâm nhập được cái này như thế nào? Nếu chúng ta không phải là loại ngu đần coi thường cái bên cạnh, chúng ta phải có sức mạnh và sự suy nghĩ để tham hỏi khi ngồi bên.

           

Vị thầy trả lời, “Không suy nghĩ”.

           

Dầu công việc “không suy nghĩ” thì trong sáng như pha lê, khi chúng ta suy nghĩ cái không suy nghĩ, chúng ta luôn luôn dùng không suy nghĩ. Có người nào đó đang không suy nghĩ, và chính cái người này duy trì chúng ta. Dù chính chúng ta ngồi yên, sự ngồi của chúng ta không phải là suy nghĩ: nó tự trình bày chính nó như là ngồi yên. Dù ngồi yên là ngồi yên, làm sao nó có thể nghĩ đến ngồi yên? Thế nên, ngồi yên không phải là phương cách của Phật, cũng không phải là phương cách để thức tỉnh, cũng không phải phương cách để thông tỏ.

           

Sự truyền riêng về việc ngồi yên của Dược Sơn tiêu biểu cho thế hệ thứ ba mươi sáu từ Phật Thích-ca Mâu-ni. Từ Dược Sơn ngược về ba mươi sáu thế hệ là Phật Thích-ca. Và trong sự chính truyền như vậy, có việc suy nghĩ cái không suy nghĩ của Dược Sơn.

           

Nhưng gần đây, một số người không học ngu ngốc nói rằng, “Một khi trong ngực không có lo toan, nỗ lực tập trung khi ngồi thiền là một trạng thái bình an”. Quan điểm này không so sánh được với những nhà Tiểu thừa, nó thậm chí còn thấp hơn thừa của người và trời. Làm sao người có kiến giải như vậy mà lại được gọi là người học lời Phật? Lúc này, vào thời Đại Tống, lại có nhiều hành giả như vậy. Buồn thay, con đường chư Tổ đã bị cỏ hoang lấp mất.

           

Rồi lại có loại người chủ trương rằng cầu đạo bằng ngồi thiền là một việc thiết yếu cho người sơ tâm và người học lâu, nhưng nó không nhất thiết là một sự tuân thủ của chư Phật và chư Tổ. Đi là Thiền, ngồi là Thiền, nói hay nín, động hay tịnh, bản chất cốt ở thong dong. Thế nên họ nói, chớ chỉ gắn mình nổ lực tập trung trong hiện tại (khi ngồi thiền). Quan điểm này là chung giữa những người tự gọi mình là một nhánh của dòng Lâm Tế. Chính vì một thiếu kém trong sự truyền thừa của dòng chính thống Phật giáo mà họ nói vậy. Cái gì là “sơ tâm”? Chỗ nào mà không có sơ tâm? Chúng ta từ bỏ sơ tâm chỗ nào?

           

Hãy biết rằng để học đạo, sự tham cứu là theo đạo trong ngồi thiền. Điểm chính yếu của sự tham cứu này là hiểu rõ rằng có một thực hành của một vị Phật, sự thực hành này không tìm kiếm cách để thành một vị Phật. Bởi vì sự thực hành của một vị Phật thì không phải để thành Phật, đó là sự chứng ngộ công án. Vị Phật hiện thân đây không làm Phật; khi chuồng, lồng tan vỡ, một vị Phật ngồi thì chẳng can thiệp gì để làm Phật. Chính vào lúc như thế - từ một ngàn, từ mười ngàn kiếp quá khứ, từ vô thuỷ - chúng ta có thần lực đi vào Phật và đi vào Ma. Bước tới hay bước lui, năng lực đó đầy tràn hào rãnh.

           

Khi Đạo Nhất ở núi Nam Nhạc ngồi thiền trong am suốt ngày, Thiền sư Hoài Nhượng nhân đi ngang hỏi, “Tôn giả, ông dự tính làm điều gì khi ngồi đây?”.

           

Chúng ta nên nỗ lực tập trung một cách bình an vào sự tham cứu câu hỏi này. Có phải nó có nghĩa là phải có cái gì dự tính ở trên và vượt khỏi ngồi thiền? Có phải không có con đường để dự tính ngoài sự ngồi thiền? Có cần dự tính chút ít gì không? Hay nói hỏi loại dự tính nào xảy ra chính vào lúc chúng ta ngồi thiền? Chúng ta cần một nổ lực tập trung để hiểu chi tiết điều này. Hơn là yêu thích con rồng được chạm trổ, chúng ta cần yêu thích con rồng thật. Chúng ta cần học rằng cả rồng chạm trổ và rồng thật đều có khả năng tạo mây làm mưa. Chớ cho là giá trị cái ở quá xa, và cũng chớ coi thường nó; hãy hoàn toàn quen thuộc với nó. Chớ khinh thường cái ở gần bên tay, chớ đánh giá cao nó; hãy hoàn toàn quen thuộc với nó. Chớ xem nhẹ đôi mắt, chớ quá trọng đôi mắt. Chớ xem nhẹ đôi tai, chớ quá trọng đôi tai. Mắt và tai hãy trong sáng và sắc bén.

           

Đạo Nhất nói, “Con dự tính làm Phật”.

           

Chúng ta cần làm rõ và thâm nhập nghĩa những lời này. Làm Phật nghĩa là gì? Có phải làm ra một vị Phật bởi Phật hay không? Có phải làm ra một vị Phật của Phật hay không? Có phải làm một hay hai khuôn mặt Phật sẽ khởi sanh? Có phải dự tính làm Phật là lột bỏ thân tâm? Hay dự tính làm Phật, khi có cả vạn cách để thành Phật, thì chúng ta lại dính mắc vào dự tính này?

           

Cần phải nhận ra rằng lời của Đạo Nhất có nghĩa ngồi thiền luôn luôn là dự tính làm một vị Phật, luôn luôn là sự dự tính làm một vị Phật. Sự dự tính này phải có trước làm một vị Phật, nó phải có ngay giây phút làm một vị Phật, và nó phải có sau đó. Bây giờ tôi hỏi thế này: Một dự tính làm một vị Phật này vướng mắc vào bao nhiêu cách làm một vị Phật? Những vướng mắc này xoắn xuýt với những vướng mắc. Mọi vướng mắc đều nằm trong một dự tính làm một vị Phật. Chúng ta chớ tìm cách tránh một dự tính này: khi chúng ta không có một dự tính này, chúng ta tiêu mất thân tâm. Khi chúng ta tiêu mất thân tâm, đó là không có sự vướng mắc của một dự tính.

           

úc ấy, Nam Nhạc cầm một viên ngói và bắt đầu mài nó trên một hòn đá. Đạo Nhất hỏi: “Thưa thầy, thầy đang làm gì thế?”.

           

Ai mà không thấy ngài đang mài bóng một viên ngói? Câu hỏi, “Thầy đang làm gì thế?” là mài bóng viên ngói. Nhưng chúng ta cần tin rằng có một thông điệp cốt yếu cần được hiểu trong cả vạn hoạt động. Chúng ta nên biết rằng, cũng như có thể chúng ta thấy Phật mà không biết không hiểu Ngài, chúng ta thấy sông mà chẳng biết sông, thấy núi mà chẳng biết núi. Hấp tấp cho rằng những biện tượng trước mắt không cho lối mở nào thêm nữa thì chẳng phải là học Phật.

            Nam Nhạc nói, “Ta mài cái này để làm một cái gương”.

            Đạo Nhất nói, “Làm sao ngài có thể làm ra một cái gương bằng cách mài một viên ngói?”.

           

Thật vậy, dù người mài ngói có thể là một người bằng sắt, chẳng mượn sức ở ai khác, mài ngói không thể làm ra một tấm gương. Và dù nếu nó làm ra được một tấm gương thì phải sáng trí và nhạy bén lắm.

            Nam Nhạc trả lời, “Làm sao ông có thể làm một vị Phật bằng cách ngồi thiền”.

           

Điều này được hiểu rõ: có một nguyên lý là ngồi thiền không phải để chờ đợi làm một vị Phật. Không có gì tối tăm nơi thông điệp căn bản là làm một vị Phật thì chẳng liên quan gì đến ngồi thiền.

            Đạo Nhất hỏi, “Vậy thì cái gì là đúng?”.

            Nam Nhạc nói tiếp, “Ông đang học ngồi thiền hay đang học Phật ngồi?”.

           

Tham cứu những lời này, chúng ta cần phân biệt rõ hoạt động cốt lõi của chư Tổ sư. Không biết thực tại viên mãn của việc ngồi thiền là gì, chúng ta sẽ lầm là cứ ngồi theo tư thế của Phật. Có ai là con cháu dòng dõi lại có thể nói học ngồi thiền là học ngồi theo tư thế của Phật? Thật vậy, chúng ta nên biết rằng ngồi thiền của sơ tâm là ngồi thiền lần đầu tiên, và ngồi lần đầu tiên chính là Phật ngồi lần đầu tiên. Về ngồi thiền, Nam Nhạc nói:

            Nếu ông học ngồi thiền, thì thiền định không phải là ngồi yên lặng.

           

Điểm cốt yếu ở đây nói rằng ngồi thiền là ngồi thiền chứ không phải là ngồi yên lặng. Từ khi sự kiện ngồi không phải là ngồi yên lặng được biệt truyền cho chúng ta, sự ngồi yên lặng không bị giới hạn của chúng ta là tự ngã của chính chúng ta. Tại sao chúng ta cần hỏi dòng xa hay dòng gần? Làm sao chúng ta có thể bàn đến mê hay ngộ? Ai tìm kiếm trí huệ và đoạn trừ? Rồi Nam Nhạc nói:

            “Nếu ông học Phật ngồi, thì Phật không có hình tướng cố định”.

           

Đây là cách nói điều phải nói. Lý do Phật ngồi là Ngài tự trang nghiêm bằng vô tướng. Khi nói Phật không có tướng cố định, ngài Nam Nhạc diễn tả tướng của Phật. Thế nên, vì sự trang nghiêm của Phật là cái vô tướng, nếu các ông học ngồi thiền, các ông là một vị Phật ngồi. Trong pháp vô trụ, có ai lấy hay bỏ (cái gì) như là không phải Phật? Có ai lấy hay bỏ nó như là Phật? Chính bởi vì ngồi thiền buông hết mọi lấy và bỏ mà gọi đó là Phật ngồi. Nam Nhạc nói tiếp:

            “Nếu ông học Phật ngồi, đó là giết Phật”.

           

Khi chúng ta là một ông Phật ngồi, chúng ta đang giết Phật. Phật làm gì có hình tướng ngồi, nằm… thậm chí cho đến cả ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ.

            Nếu ông chấp tướng ngồi, ông không đạt lý của việc ngồi.

           

Nguyên lý của việc này là khi làm một vị Phật ngồi, chúng ta không thể không chấp tướng ngồi. Vì có chấp, dù sự bám chấp vào tướng ngồi có trong trẻo như pha lê, chúng ta cũng không đạt lý. Loại nỗ lực tập trung này được gọi là “buông bỏ thân tâm”.

           

Việc Phật ngồi được xem là hoạt động căn bản của chư Phật, chư Tổ và được trao truyền từ xưa đến nay. Những người là Phật, là Tổ thì dùng hoạt động căn bản này, trong khi những người không phải là Phật, là Tổ chưa hề mộng thấy nó. Nói rằng pháp của Phật được truyền từ cõi trời Tây phương đến cõi đất Đông phương bao gồm sự truyền việc Phật ngồi, bởi vì nó là hoạt dụng căn bản của pháp đó. Và nơi nào pháp của Phật không được truyền đến,`nơi đó cũng không có việc ngồi thiền. Cái được kế thừa trong sự truyền này chỉ là ý nghĩa việc ngồi thiền; người không tham dự vào sự biệt truyền này thì không phải là Phật hay Tổ. Khi một người không rõ ràng về một pháp này, y sẽ không rõ ràng về muôn pháp hay muôn sự thực hành. Và không rõ ràng về mỗi pháp của muôn pháp đó, y không thể được cho là có con mắt pháp trong sạch. Y không đạt đạo, làm sao y có thể được đại diện cho chư Phật, chư Tổ đời quá khứ và hiện tại? Do vậy, chúng ta cần xác quyết rằng chư Phật, chư Tổ luôn luôn trao truyền việc ngồi thiền.

           

Vì lý do này, từ thời xưa đến nay đã có những vị đáng tôn kính viết những bản văn về ngồi thiền. Đây là một bản văn của Thiền sư Hoằng Trí:

                                               

                                    TÂM YẾU TOẠ THIỀN

 

                                    Hoạt dụng căn bản của tất cả chư Phật

                                    Tinh tuý hoạt dụng của tất cả chư Tổ

                                    Nó biết mà không chạm đến sự vật

                                    Nó soi sáng mà không đối diện với đối tượng

                                    Biết mà không chạm đến sự vật

                                    Cái biết của nó vốn vi diệu

                                    Chiếu sáng mà không đối diện với đối tượng

                                    Sự chiếu sáng của nó vốn bí nhiệm

                                    Cái biết của nó vốn vi diệu

                                    Nó chưa từng có tư tưởng phân biệt

                                    Sự chiếu sáng của nó vốn bí nhiệm

                                    Nó chưa từng có tư tưởng dù bằng sợi tóc

                                    Chưa từng có tư tưởng phân biệt

Cái biết của nó thì hiếm có vô song

Chưa từng có một tướng dù bằng sợi tóc

Sự chiếu sáng của nó hiểu suốt mà không nắm giữ

Nước thì trong trẻo suốt tới đáy

Một con cá nhàn nhã lượn lờ

Bầu trời bao la không có chân trời

Một con chim bay xa tắp.

           

Tâm yếu của ngồi thiền nghĩa là sự biểu lộ của đại dụng; hành xử vượt khỏi thấy và nghe; nó là tình trạng trước khi cha mẹ sanh ra. Nó có nghĩa là các ông còn tốt, chưa biết phỉ báng chư Phật chư Tổ; các ông tiêu mất thân và mất mạng; nó là đầu hai tấc và cổ bốn phân.

            Hoạt dụng căn bản của tất cả chư Phật.

 

Chư Phật luôn luôn lấy chư Phật làm hoạt dụng căn bản: hoạt dụng căn bản này được thấu hiểu và thi hành ở đây; đó là ngồi thiền.

Tinh tuý hoạt dụng của tất cả chư Tổ.

 

Thầy tôi không nói như vậy – chư Tổ có nguyên lý này. Chính trong ấy mà pháp và y được trao truyền. Mặt xoay khi đầu chuyển là hoạt dụng căn bản của tất cả chư Phật. Đầu chuyển khi mặt xoay là tinh tuý hoạt dụng của chư Tổ.

Nó biết mà không chạm đến sự vật.

 

Biết ở đây dĩ nhiên không phải là trí giác. Trí giác chỉ là chuyện nhỏ. Nó không phải là hiểu; vì hiểu chỉ là giả lập. Thế nên, cái biết này không chạm đến sự vật, và không chạm đến sự vật là biết. Biết như vậy không nên được ước lượng như cái biết phổ quát, cũng không chạm đến sự vật này có nghĩa là khi chúng ta đến trong ánh sáng, tôi gặp chúng trong ánh sáng; khi chúng đến trong bóng tối, tôi gặp chúng trong bóng tối. Nó có nghĩa là ngồi và làm vỡ da  dẻ do mẹ sanh ra.

Nó soi sáng mà không đối diện với đối tượng.

 

Cái chiếu sáng này không có nghĩa là sự chiếu sáng của quang minh hay của ngộ: nó chỉ đơn giản có nghĩa không đối diện với đối tượng. Cái chiếu sáng này không đổi thành đối tượng, vì đối tượng tự chiếu sáng. Không đối diện nó nghĩa là nó không hề bị che giấu ở nơi nào trong thế giới; nó không hiện khởi khi bạn phá tan thế giới. Nó vi diệu, nó bí nhiệm; nó tương tác khi không tương tác.

Cái biết của nó vốn vi diệu,

Nó chưa từng có tư tưởng phân biệt.

 

Nó thì tự biết, không nương dựa vào năng lực của ai khác. Sự biết của nó là hình sắc của nó, và hình sắc của nó là núi và sông. Những núi và sông này thì vi diệu, và sự vi diệu này là bí nhiệm. Khi chúng ta sử dụng nó, nó nhanh nhẹn, tươi tắn và sống động. Khi chúng ta làm ra một con rồng, thì bất kể chúng ta ở trong thành hay ngoài cửa thành. Sử dụng chút nhỏ nhất của cái biết đơn nhất này là cùng ứng với những núi và sông của toàn thể thế giới và biết chúng với tất cả năng lực của mình. Không có cái biết sâu sắc thân thiết về những núi và sông, chúng ta không có cái biết đơn nhất. Chúng ta không nên thương xót tư tưởng phân biệt của chúng ta thì đều đã giác ngộ rồi. “Chưa từng” ở đây có nghĩa “trước kia”; “trước kia” có “đã giác ngộ”. Thế nên, “chưa từng có tư tưởng phân biệt” nghĩa là các ông không gặp một chúng sanh nào.

Sự chiếu sáng của nó vốn bí nhiệm

Nó chưa từng có một tướng dù bằng sợi tóc.

 

Chiều rộng một sợi tóc ở đây có nghĩa là toàn thể thế giới; nhưng nó vốn bí nhiệm, vốn chiếu soi. Thế nên, nó như thể không bao giờ lộ rõ. Chớ nghi đôi mắt, chơ tin đôi tai. Các ông cần rõ nghĩa thiết yếu thoát ngoài giác quan; chớ nhìn vào lời để nắm lý – đây là sự chiếu sáng. Thế nên nó thì vô song thế nên nó không có nắm giữ. Cái này được xem là hiếm có và hiểu suốt, nhưng tôi nghi ngờ chuyện đó.

Nước thì trong trẻo suốt tới đáy

Một con cá nhàn nhã lựơn lờ.

 

Nước thì trong trẻo, không bến bờ - đấy là cái có nghĩa nước thì trong trêo suốt tới đáy. Nếu một mức, sự bơi lội của nó là vô lượng, vô tận. Không có biên bờ nào để đo lường; không có bầu trời nào để đi lên, không có đáy nào để lặn xuống. Và thế nên không có ai để đo đạc mức độ của nó. Nếu chúng ta bàn luận dung lượng của nó, tất cả điều chúng ta có thể nói là nước trong trẻo suốt tới đáy. Công đức của việc ngồi thiền giống như con cá bơi: ai có thể tính đếm bao nhiêu ngàn vạn mức độ? Mức đi xuyên suốt tới đáy thì giống như đường chim bay mà bóng chim cũng chẳng thấy đi thấy đến.

Bầu trời bao la không có chân trời

Một con chim bay xa tắp.

 

“Bầu trời bao la” ở đây chẳng liên quan gì những cõi trời: bầu trời liên quan với những cõi trời thì không phải là bầu trời bao la. Không che giấu cũng không biểu lộ, không có bề mặt hay bên trong, đây là cái có ý nghĩa là bầu trời bao la. Khi con chim bay qua bầu trời, đó là một pháp đơn nhất bay qua bầu trời. Việc bay qua bầu trời này không thể đo lường được: bay qua bầu trời là toàn thể thế giới, vì chính toàn thể thế giới đang bay qua bầu trời. Dù chúng ta không biết sự bay này đi bao xa, để diễn tả cái vượt khỏi tính toán, chúng ta gọi nó là xa tắp. Điều này cũng như nói chúng ta bỏ đi mà không có sợi dây dưới chân. Khi bầu trời bay đi, con chim bay đi; khi con chim bay đi, bầu trời bay đi. Để diễn tả sự tham cứu việc bay đi này, chúng ta nói, “Nó ở ngay tại đây”. Đây là tâm yếu của việc ngồi vững: qua bao nhiêu vạn mức, nó cũng diễn tả là “nó ở ngay tại đây”.

 

Bây giờ khoảng tám mươi năm sau Thiền sư Hoằng Trí, đọc “Tâm yếu toạ thiền” của ngài, tôi làm riêng bài của tôi. Đó là ngày mười tám tháng ba năm 1242, nếu tính ngược lại ngày mất của ngài là khoảng tám mươi lăm năm. “Tâm yếu toạ thiền” của tôi như sau:

 

                                                 TÂM YẾU TOẠ THIỀN

 

Hoạt dụng căn bản của tất cả chư Phật

Tinh tuý hoạt dụng của tất cả chư Tổ

Nó hiện diện mà không có suy nghĩ

Nó trọn vẹn mà không có tương tác

Hiện diện mà không có suy nghĩ

Sự hiện diện của nó vốn thân thiết

Trọn vẹn mà không có tương tác

Sự trọn vẹn của nó vốn xác thực

Sự hiện diện của nó vốn thân thiết

Nó chưa từng có nhiễm ô nào

Sự trọn vẹn của nó vốn xác thực

Nó chưa từng có thẳng hay nghiêng

Thân thiết chưa từng có nhiễm ô

Sự thân thiết của nó buông bỏ mà không xa lìa

Xác thực chưa từng có thẳng hay nghiêng

Sự xác thực của nó kiên trì mà không dự tính

Nước thì trong trẻo suốt tới đất

Một con cá lượn lờ như một con cá

Bầu trời bao la thẳng suốt những cõi trời

Một con chim bay như một con chim.

           

Không phải “Tâm yếu toạ thiền” của Thiền sư Hoằng Trí là chưa nói về nó cho đúng, mà cũng có thể nói như thế này. Trên hết, những con cháu của chư Phật và chư Tổ cần học ngồi thiền như mối quan tâm vĩ đại duy nhất. Đây là chánh ấn của sự biệt truyền.

 

Xem mục lục