Trong những người tôi biết ít có ai sẵn lòng với cái chết như Cụ Suzuki. Biết vậy nhưng tôi vẫn lặng người khi nghe tin ông qua đời. Chợt nhớ lại lời quở của một Thiền sư trách đệ tử mình đã đau buồn trước cái chết của một người bạn. Còn gì vui hơn sự trả lời câm lặng của một đại công án? Còn gì buồn hơn sự mất mát một người bạn thân?
Tôi biết Bác sĩ Suzuki và phu nhân từ 50 năm trước, nhưng có hơn một nửa thời gian đó tôi không liên lạc với ông, vậy mà ông và những người bạn của ông - Yanagi Sôetsu và R. H. Blyth - đã thay đổi nhãn quan của tôi, và tôi không sao quên được nụ cười thân ái dưới cặp chân mày rậm rạp của ông.
Có một lần, ở New York, ông đập tôi một cú Thiền bảng đau điếng. Yanagi, Hamada Shôji và tôi đang ở thăm ông và cô Okamura ở phòng của ông và tôi đã nhân cơ hội này để cảm ơn ông về những điều mình đã học được từ sách vở của ông, sau đó tôi đã đề nghị ông giải thích về sự tập trung ban đầu của ông vào Thiền tông và sau đó là Phật giáo Tịnh độ - Con đường của một người và Con đường của nhiều người. Ông dội ngược ánh mắt lại tôi "Nếu anh còn thấy phân biệt thì anh chưa hiểu gì cả - không có nhị nguyên tính trong Phật giáo". Rồi, với nụ cười thân tình, ông giải thích đó là vấn đề một người quyết tâm mò mẫm leo lên một ngọn núi đá. Nó nguy hiểm, y có thể vấp ngã, y có thể tử vong, nhưng nếu y thành công, lên tới đỉnh y sẽ thấy nhiều người đã lên tới đó bằng một con đường có sẵn từ lâu ở bên kia sườn núi. Hệ quả tất nhiên, y tự nhủ, người của ‘jirikido’1 (chẳng hạn như một nghệ sĩ cô độc) không bao giờ nên quên người của ‘tarikido’2 trên con đường của nhiều người, và ngược lại.
Cũng vào dịp ở New York, chúng tôi được bà John D. Rockefeller mời dự buổi tiệc trưa ở làng Greenwich - một buổi tiệc gồm hơn chục người. Sau khi ăn xong bà chủ có nhã ý mời chúng tôi tham quan tòa nhà Liên hiệp quốc và ngắm cảnh dòng sông bên dưới từ trên sân thượng. Tôi nhớ mình đã quan sát dáng dấp bé nhỏ của Bác sĩ Suzuki đang đưa mắt lướt nhìn lên mặt tiền của cái hộp kiếng khổng lồ này. Chúng tôi lên bằng thang máy, bước ra một gian phòng thênh thang, sàn nhà bóng loáng. Yên lặng bao trùm cho tới khi, sau một hồi ngắm nghía, Bác sĩ Suzuki với giọng nói nhỏ nhẹ, hỏi: "Vậy ai lau chùi cửa kiếng?"
Ba năm sau tôi đã đến thăm Bác sĩ Suzuki ở Tokyo và nhớ đến dịp đó, tôi đã mang đến cho ông một tấm ảnh cắt ra từ một tờ báo tiếng Anh in hình một người thợ treo lơ lững bên ngoài mặt tiền bằng kiếng của tòa nhà để lau chùi. Ông chắc lưỡi thán phục.
Một con người giác ngộ vĩ đại đã vĩnh viễn xa lìa chúng ta.