Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

PHẦN III
PHỤ LỤC

Chương IX 
Minh Họa Các Tư Thế Tọa Thiền

Minh Họa các Tư Thế Tọa Thiền

Các tư thế minh họa trong các trang sau đây sắp xếp theo lịch sử từ tư thế kiết già cổ điển xa xưa đến cái băng tọa thiền thế kỷ 20. Trong khi các Thiền sư ngày xưa cũng như ngày nay đều đồng nhất tuyên bố tính cách ưu việt của tư thế kiết già so với các tư thế khác (vì các lý do như đã thấy ở chương đầu của sách này). Theo kinh nghiệm riêng và với mỗi tư thế ấy, người biên tập có thể chứng minh rằng bất cứ tư thế nào trong các tư thế ấy cũng có thể thỏa đáng cho người có đủ quyết tâm theo đuổi tọa thiền.

Sự ngồi thực hành với bàn chân của chân này gác lên đùi của chân kia là một tư thế cổ nhất đã có trước đức Phật. Qua bằng chứng khảo cổ ở Ấn độ, không những chúng ta được biết rằng hàng nghìn năm trước khi đức Phật ra đời, tư thế kiết già đã được sử dụng trên xứ sở này mà còn các mô hình điêu khắc trên tường khai quật được ở các cổ mộ Ai cập cũng cho thấy các hình ngồi theo tư thế kiết già, chứng tỏ rằng các nền văn minh khác Ấn độ cũng đã  biết đến tư thế ngồi độc đáo này.

Chấp nhận rằng đối với người phương Tây không được giáo dưỡng với cách ngồi xếp chéo chân, tư thế kiết già có thể là khó khăn, nhưng không phải là không thể được. Những người phương Tây trưởng thành dù không là lực sĩ cũng có thể làm chủ được tư thế bán già bằng cách kiên quyết tọa thiền đi đôi với tập thể dục dạng chân đơn giản (gồm cả dùng tay đè các đầu gối xuống sau khi tắm nước nóng) để dần dần đưa các đầu gối xuống cùng mức với tấm nệm. Tư thế kiết già đương nhiên là một hạt dẻ khó cắn bể hơn, nhưng nó sẽ nhượng bộ không ít trước sự nỗ lực có hệ thống.

Tư thế trình bày ở hình 5 được sử dụng rộng rãi ở Miến điện và các quốc gia Phật giáo ở vùng Đông-nam châu Á. Ưu thế của nó là ít khó chịu đối với những người mới bắt đầu so với các tư thế kiết già và bán già, vì hai chân không xếp chéo lên nhau, nhưng nó không có được sức chống đỡ thân mình mạnh mẽ như tư thế kiết già, vì thế khó mà giữ cho cột sống thực thẳng đứng trong một thời gian lâu mà không có sự gắng sức.

Tư thế ngồi cổ truyền của người Nhật, hình 6, có thể dễ thích ứng hơn đối với người phương Tây bằng cách chèn giữa hai mông và hai gót chân một cái bồ đoàn. Một cái bồ đoàn kiểu ấy được trình bày trong hình 7. Khi đặt nó giữa hai mông và hai gót chân, nó đem lại cho tư thế này sự dễ chịu hơn, vì nó loại bỏ mọi sức ép trên hai gót chân. Đối với người mới bắt đầu, lưng sẽ dễ thẳng nhất trong tư thế này.

Một chiếc ghế thông thường, khi ngồi theo cách ngồi thông thường, tức là với cái lưng cong, không đủ thích ứng cho tọa thiền. Nhưng nếu dùng theo cách vẽ trong hình 8, với bồ đoàn đặt dưới dưới hai mông sẽ giúp cho cột xương sống thẳng đứng, và với hai bàn chân đặt yên trên sàn nhà nó có thể có hiệu quả [cho tọa thiền].

 

Hình 1. Tư thế kiết già (chính diện), với bàn chân phải trên đùi trái và bàn chân trái trên đùi phải, hai đầu gối chạm nệm. Hai đầu gối phải thẳng đường với nhau, bụng thư dãn và hơi nhô ra một chút. Hai bàn tay nằm yên trên hai gót chân, hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau làm thành một hình bầu dục [với các ngón trỏ].

 

 

Hình 2. Tư thế kiết già (trắc diện), tai thẳng hàng với vai, chót mũi thẳng hàng với rốn. Cằm hơi rút vào một tí. Hai mông đưa ra sau, với lưng thẳng đứng.

 

Hình 3. Tư thế bán già, bàn chân trái trên đùi phải và bàn chân phải dưới đùi trái, hai đầu gối chạm nệm. Để hai đầu gối có thể nằm yên trên nệm, có thể dùng một cái độn phụ đặt dưới cái bồ đoàn tròn thông thường.

 

Hình 4. Tư thế phần tư kiết già (quarter lotus), với bàn chân trái nằm yên trên bắp chân phải, hai đầu gối nằm yên trên nệm.

 

Ghi chú: Trong tất cả các tư thế, kể cả với băng ngồi và ghế, hai mông đưa ra sau, cằm hơi rụt vào, và cột xương sống giữ thẳng đứng. Hai bàn tay giữ sát thân, ở yên cao trên hai đùi hay trên hai gót chân, hai đầu gối thẳng hàng với nhau, bụng thư dãn và hơi nhô ra một chút.

 

 

Hình 5. Tư thế gọi là tư thế Miến điện, hai chân không xếp chéo nhau, bàn chân trái hoặc bàn chân phải ở trước và hai đầu gối chạm nệm. Ở đây cũng cần một chân đế ngồi cao hơn để cho hai đầu gối nằm yên ngay ngắn trên nệm.

 

Hình 6. Trắc diện của tư thế ngồi cổ truyền của người Nhật với hai gối thẳng đường với nhau trên nệm và ngồi choàng qua trên bồ đoàn nhồi trấu nhét giữa hai gót chân và hai mông để xả sức ép trên hai gót chân. Hai bàn tay có thể để yên trên bồ đoàn nhồi trấu. Để cao thêm, có thể đặt cái bồ đoàn tròn trên cái bồ đoàn nhồi trấu.

 

Hình 7. Trắc diện của cách tọa thiền thực hiện trên một cái băng thấp với chỗ ngồi có đệm lót. Để đề phòng hai bàn tay khỏi bị trượt xuống, có thể đặt một cái tọa cụ phụ thẳng đứng trên tấm nệm dưới hai bàn tay.

  

 

Hình 8. Trắc diện của cách tọa thiền trên một chiếc ghế có tựa lưng thẳng, với bồ đoàn dưới hai mông và hai bàn chân đặt yên trên sàn nhà cách nhau bằng khoảng cách giữa hai vai.

Hình 9. Trắc diện của nệm, bồ đoàn tròn, và bồ đoàn phụ để ngồi thiền.  

Bồ đoàn tròn có đường kính khoảng từ 30 đến 45 cen-ti-mét, và dày khoảng từ 8 đến 15 cen-ti-mét. Đồ nhồi tốt nhất là bông gòn, phồng lên khi phơi ngoài nắng; bọt biển cao su có khuynh hướng bung lên. Bông vải miếng dùng cho nệm thì tốt. Nệm tốt nhất không nên dày quá 5 cen-ti-mét, diện tích vuông vức mỗi bề đo khoảng từ 7,5 tấc đến 9 tấc, không có dây hay nút cài. Bồ đoàn phụ đo khoảng từ 30 cen-ti-mét đến 40 cen-ti-mét và dày khoảng 9 cen-ti-mét. Bồ đoàn tròn nên có quai cầm để tiện mang đi, và những lằn xếp “nhô ra.”

Hình 10. Bồ đoàn nhồi trấu và băng tọa thiền thấp.

 

 

Bồ đoàn nhồi trấu có thể nhồi bằng vỏ lúa mạch, vỏ lúa gạo, hay bất cứ loại vỏ nào khác mà không quá cứng và đồng thời cho một độ cứng như nhau. Cái băng có kích thước đo một bề khoảng 49 cen-ti-mét, bề kia khoảng 30 cen-ti-mét, dày khoảng 6 cen-ti-mét, cao khoảng 20 cen-ti-mét phía sau và 15 cen-ti-mét phía trước. Mặt chỗ ngồi lót nệm cho thật thoải mái.

Xem mục lục