6. ĐỘC THAM
Quí vị cứ tiếp tục thực hành bài luyện tập tôi cho lần cuối, tức là tập trung vào hơi hít vào và hơi thở ra, cố gắng kinh nghiệm rõ từng hơi một.
Bài này bàn về độc tham (dokusan), nó là thời gian dành cho việc mang tất cả các vấn đề thuộc về thực hành ra trước vị lão sư một cách riêng tư. Truyền thống chỉ dạy riêng từng cá nhân bắt đầu với chính Phật Thích-ca Mâu-ni và đã được tiếp tục không gián đoạn cho đến ngày nay. Chúng ta biết thế vì một trong các đại sư phái Thiên Thai (Tendai), đại sư Trí Giả, trong sự hệ thống hóa của ông về toàn bộ các kinh điển thành Tám Giáo và Năm Thời có ghi giáo lý bí mật mà nó tương ứng với độc tham.
Không có sự hướng dẫn cá nhân này, chúng ta
-----------------------------------------------
(28) Đoạn sau đây trích từ một bản thảo chưa xuất bản của Thiên Khi Như Huyễn (Senzaki Nyogen), đã quá cố, miêu tả những dị biệt giữa Lâm Tế và Tào Động một cách thơ mộng và hấp dẫn: “Trong giới học Thiền có người nói rằng: ‘Giáo lý Lâm Tế như sương cuối thu, làm người ta rùng mình, trong khi giáo lý Tào Động như gió xuân êm nhẹ ve vuốt bông hoa giúp nó chóng nở.’ Rồi có người khác nói: ‘Giáo lý Lâm Tế giống như một dũng tướng điều động ba quân không trễ nãi, trong khi giáo lý Tào Động giống như một nông gia chăm sóc ruộng lúa, hết cây này đến cây khác một cách kiên nhẫn.’”
không thể nói việc thực hành tọa thiền của mình là chính thống. Không may, từ thời Minh Trị (Meiji), gần một trăm năm qua, độc tham đã chết thực sự trong phái Tào Động và chỉ còn trong truyền thống Lâm Tế. Nếu chúng ta ví tọa thiền với một cuộc du hành thì một vài người khỏi hành nhanh rồi sau đó chậm lại, một vài người bắt đầu chậm rồi sau đó gia tăng tốc độ. Một vài người thấy giai đoạn này gian nan hơn giai đoạn kia, và tất cả mang những gánh nặng hành lý khác nhau (tức các dự tưởng), chúng ta bắt đầu có thể hiểu được tại sao không thể bỏ được sự hướng dẫn cá nhân trong độc tham.
Người ta có thể hỏi tại sao phải giữ bí mật cuộc độc tham. Vì không có gì là phi đạo đức, tại sao không thể công khai giữa công chúng? Trước hết, vì chúng ta là những người tầm thường với cái ta, trước mặt kẻ khác chúng ta thường có khuynh hướng tỏ ra mình tốt hơn mình thật sự. Chúng ta không thể trơ trụi linh hồn và trần truồng thể xác thực sự. Vả lại, chúng ta ngại nói toàn bộ sự thật vì sợ bị cười. Hoặc giả, bị lão sư quở trách, dùng ngôn ngữ thô bạo, chúng ta sẽ quan tâm đến ảnh hưởng của điều này vì sự có mặt của những người khác hơn là chỉ lắng nghe lão sư với lòng mở rộng.
Còn một lý do nữa để giữ bí mật các cuộc độc tham. Sau kinh nghiệm kiến tánh đầu tiên, quí vị đi từ công án này tới công án khác và nếu có mặt người khác ở đó, khi quí vị cần chứng công án, nghe các câu trả lời của lão sư, họ có thể nghĩ rằng: “A, câu trả lời là như thế” mà hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của công án. Điều này làm tổn thương việc tu tập của họ, thay vì họ đi đến Tự chứng ngộ và trình bày nó với lão sư, họ lại nhớ đến những câu trả lời của lão sư, câu này có thể chấp nhận được, câu kia thì không. Song không phải thế, và như thế là tự làm hại mình. Việc tham công án của họ sẽ thoái hóa và chỉ còn là một tác dụng của lý trí. Vì những lý do đó, quí vị phải giữ im lặng khi có ai hỏi gì về một công án mà người hỏi chưa vượt qua được. Cuộc nói chuyện vô trách nhiệm có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm khác. Tin đồn có thể lan truyền rằng có người bị đánh dã man trong lúc độc tham, chẳng hạn, đem lại cho Thiền tiếng xấu không xứng đáng. Vì thế, đừng bàn luận với bất cứ người nào về công án của mình, dù cho với những người bạn tốt nhất, hay với người thân trong gia đình.
Rõ ràng sự vi phạm bí mật bao quanh hệ thống công án xưa kia đã đưa đến sự suy đồi đều đặn trong giáo lý Lâm Tế. Những gì tôi sắp nói đến không áp dụng cho hàng cư sĩ, những người thường rất nghiêm túc trong tu tập. Nhưng ở tự viện, nơi có những tăng nhân phẫn uất với toàn bộ sự huấn luyện ở những nơi đó, ở địa vị đầu tiên chỉ phục vụ thời kỳ đòi hỏi để hưởng quyền tăng nhân nội trú của một ngôi chùa, vấn đề này trở nên rất nghiêm trọng. Ở các tự viện mà giới luật còn khiếm khuyết, một tăng nhân lớn tuổi hơn thường hỏi một tăng nhân nhỏ tuổi: “Chú đang tham công án gì thế?” Khi được nói cho biết, người lớn tuổi hơn sẽ hỏi: “ Chú có hiểu nó không?” “Không.” – “Được rồi, tôi sẽ bảo chú câu trả lời,” người tăng nhân lớn tuổi hơn nói – “và đáp lại chú phải mua cho tôi một ít bánh ngọt nhé.”
Vị lão sư có thể nói câu trả lời ấy chân xác hay không, nhưng vì một lý do nào đó, ông vô tình có thể chấp nhận câu trả lời không phải của tăng nhân ấy. Sự tu tập này có thể không có gì nguy hiểm đặc biệt nếu một tăng nhân như thế chỉ ở vài ba năm trong tự viện trước khi trở thành tăng nhân nội trú trong chùa, khi không đòi hỏi tăng nhân ấy nhiệm vụ đánh giá sự giác ngộ của người khác. Nhưng điều có thể xảy ra là không có sự khai mở nào cả khi tăng nhân ấy hoàn tất sự tu tập tối thiểu để mình có thể ở lại tự viện có thể đến tám hoặc mười năm, thông qua toàn bộ hệ thống công án với những câu trả lời không phải của mình. Cuối cùng, theo thông lệ trong phái Lâm Tế, khi một người hoàn tất toàn bộ các công án sẽ được nhận danh hiệu là sư. Như thế một người không có sự hiểu biết chân chánh trở thành “đủ phẩm cách” hướng dẫn người khác. Sự tu hành gian trá này đã ngấm ngầm phá hoại giáo lý Thiền. Các học giả Tào Động nghiên cứu Thiền một cách hàn lâm công kích hệ thống công án chính vì những lý do này.
Điểm kế tiếp nói về hỏi những gì là thích đáng trong lúc độc tham. Tất cả các câu hỏi phải liên quan với các vấn đề phát sinh trực tiếp từ sự thực hành của quí vị. Điều này đương nhiên loại bỏ các vấn đề cá nhân riêng tư. Quí vị có thể thấy rằng sự riêng tư trong độc tham đem lại cơ hội tuyệt hảo để bàn đến các vấn đề cá nhân, nhưng phải nhớ rằng những người khác đang chờ và nếu quí vị đưa ra những vấn đề khác ngoài các vấn đề tu tập của mình là quí vị đang làm trở ngại đấy. Đúng ra, quí vị có thể hỏi về cái bao tử của mình, chẳng hạn, nếu nó cồn cào hoặc cái răng đau đến nỗi không thể ăn được, hoặc về các ma cảnh quí vị có thể đang trải qua. Tuy nhiên, quí vị không nên hỏi về giáo lý Phật giáo hay triết học tỷ giảo hoặc sự khác biệt giữa kinh này và kinh khác. Quí vị có thể hỏi bất cứ điều gì chừng nào nó còn phát xuất trực tiếp từ việc thực hành của quí vị.
Thủ tục đối với một học viên mới là biếu tiền mua nhang cho vị lão sư trước khi vào độc tham. Người ta có thể hỏi tại sao lại có nghi thức như thế? Độc tham, không thể nhấn mạnh quá đáng, không phải là chuyện tầm phào vô ích. Trong khi mọi người tự do thực hành tọa thiền và lắng nghe lão sư bình thuyết về nhiếp tâm, đặc trưng chủ yếu của độc tham là tạo nên một mối dây nghiệp duyên giữa thầy và trò, ý nghĩa của nó rất sâu xa trong Phật giáo. thế, không thể coi nhẹ độc tham. Hơn nữa, vì những gì diễn ra giữa lão sư và môn sinh trong độc tham có liên hệ với các vấn đề về bản tánh sâu xa và tối thượng, ở đó người ta phải nói sự thật. Trong những cuộc hội họp công cộng thường người ta rất ngại nói những điều làm phật ý người khác, nhưng trong độc tham không thể như thế được, vì chân lý tuyệt đối luôn luôn phải chiếm ưu thế. Vì những lý do này, những nghi thức đã được thiết lập không thể xem nhẹ được.
Mặc lễ phục vào độc tham là đúng, nhưng ngày nay người ta không cố chấp việc ấy, quí vị có thể mặc bất cứ thứ gì thấy thích hợp là được. Khi được báo cho biết sắp độc tham, quí vị hãy sắp hàng phía sau cái chuông bên ngoài phòng tọa thiền. Khi đến lượt mình nghe tiếng chuông tay của tôi, hãy gõ vào cái chuông trước mặt quí vị hai lần và đến phòng này. Quí vị không nên chạy thốc vào vì như thế sẽ gây bối rối và quí vị sẽ không ở trong một tâm thái có lợi cho độc tham. Quí vị cũng không nên đi thơ thẩn vào vì có những người khác đang chờ. Theo tục lệ, đầu tiên quí vị lạy ba lạy ở ngưỡng cửa, rồi lạy ba lạy trước lão sư, và rồi lạy ba lạy nữa ở lối ra khi quí vị bước ra, nhưng bây giờ người ta giản lược chỉ còn ba lạy tất cả, mỗi lạy ở mỗi nơi kể trên.
Khi lạy, trán của quí vị phải chạm nhẹ xuống thảm, hai bàn tay giơ ra phía trước đầu, lòng bàn tay ngửa lên. Rồi co hai cánh tay ở hai cùi chỏ, đưa hai bàn tay lên, lòng bàn tay ngửa quá đầu một tấc. Dáng điệu thọ nhận đôi bàn chân, những phần thấp nhất của thân đức Phật, tượng trưng cho sự khiêm tốn và sự tiếp nhận đầy lòng biết ơn Đạo của Phật vào cuộc sống của mình. Trừ phi đã nhận chìm cái ta của mình, thì quí vị không thể làm được việc ấy. Hãy nhớ rằng vị lão sư không những chỉ là người thay mặt Phật mà thật sự ông đang đứng chỗ của Phật. Lạy như thế thực ra là quí vị đang bày tỏ lòng kính trọng Phật như chính người đang ngồi tại đó và kính trọng Pháp.
Kế tiếp, hãy đến trước tôi cách khoảng ba bốn tấc và nói cho tôi biết môn tu tập của mình. Chỉ nói một cách đơn giản: “Tôi đang đếm hơi thở,” “Tôi đang tham công án ‘Mu’” hoặc “Tôi đang thực hành chỉ quán đả tọa.” Hãy hỏi những câu ngắn gọn và đúng trọng tâm. Nếu có gì cần nói, tôi sẽ nói sau khi quí vị nói xong. Nhưng đừng vào làm phí thì giờ hỏi những điều vớ vẩn, hãy nhớ có những người khác đang chờ gặp tôi. Khi tôi rung cái chuông này là để quí vị tỏ dấu cúi đầu chào từ giã. Sau đó, nếu quí vị nhớ đến điều gì, hãy để đến lần độc tham khác, vì người kế tiếp đã sẵn sang bước vào.
7. CHỈ QUÁN ĐẢ TỌA
Cho đến bây giờ quí vị vẫn còn đang tập trung vào hơi thở, đang cố gắng kinh nghiệm một cách sống động hơi hít vào chỉ là hơi hít vào và hơi thở ra chỉ là hơi thở ra. Từ giờ trở đi, tôi muốn quí vị thực hành chỉ quán đả tọa (shikantaza). Tôi sẽ mô tả chi tiết ngay bây giờ.
Không phải tôi cứ thích thay đổi nhanh chóng các bài tập đâu, tôi làm như thế để cống hiến quí mùi vị các phương pháp tập trung khác nhau (29). Sau khi các bài nói
---------------------------------------------
(29) Nếu quí vị đang thực hành tu tập mà không có thầy hướng dẫn, đừng đổi từ bài tập này sang bài tập khác cho đến khi nào quí vị có thể đếm từ một đến mười mà không mất đếm hoặc đi quá mười, ví dụ, trong mười lăm phút.
nhập môn này kết thúc, quí vị đến trước tôi từng người một, tôi sẽ chỉ định cho từng vị phương pháp tu tập thích hợp với bản chất của nguyện vọng mình, cũng như với mức độ quyết tâm của từng vị, nghĩa là đếm hoặc theo dõi hơi thở, chỉ quán đả tọa hoặc một công án.
Bài này sẽ bàn về chỉ quán đả tọa. Chỉ quán nghĩa là “chỉ” hay “duy” trong khi đả là “đánh” và tọa là “ngồi.” Như thế, chỉ quán đả tọa là một phương pháp thực hành, trong đó tâm chỉ tập trung kịch liệt vào việc ngồi mà thôi. Trong loại tọa thiền này, tâm rất dễ bị xao lãng vì nó không được các trợ lực như đếm hơi thở hay công án trợ giúp. Vì thế, sự bình tĩnh đúng đắn của tâm trở nên quan trọng gấp đôi. Bây giờ, trong chỉ quán đả tọa tâm không được vội vã song đồng thời hãy cắm vững vàng hay đứng sừng sững như núi Phú sĩ (Fuji). Nhưng nó cũng phải linh mẫn và vươn ra như dây cung trương lên. Như thế, chỉ quán đả tọa là một trạng thái của trực thức tập trung cao độ, song không căng thẳng, cũng không vội vã và chắc chắn không bao giờ giải đãi. Ấy là tâm của một người đang đối mặt với cái chết. Chúng ta hãy tưởng tượng mình đang nhập cuộc song đấu kiếm thuật kiểu thường xảy ra ở Nhật bản ngày xưa. Khi đối mặt với đối thủ, quí vị không ngừng theo dõi, thủ thế, sẵn sàng. Nếu lơi lỏng sự cảnh giác, dù chỉ giây phút thôi, quí vị sẽ bị hạ ngay. Một đám đông tụ tập để xem cuộc đấu. Vì không mù, nên quí vị thấy họ qua khóe mắt của mình, và vì không điếc nên quí vị nghe họ nói. Nhưng quí vị không nên để tâm mình bị các ấn tượng cảm giác ấy quyến rũ dù chỉ trong phút chốc.
Trạng thái này không thể duy trì lâu được - thực tế, quí vị không nên thực hành chỉ quán đả tọa hơn nửa giờ mỗi thời ngồi. Sau ba mươi phút, hãy đứng dậy đi vòng quanh theo lối kinh hành, rồi bắt đầu ngồi lại. Nếu thực hành đúng cách, chỉ trong nửa giờ thôi, quí vị sẽ toát mồ hôi, ngay cả trong mùa đông trong một căn phòng không nóng, vì sức nóng do sự tập trung cao độ sinh ra. Khi quí vị ngồi quá lâu, tâm sẽ mất dần sinh lực, thân sẽ mệt và các nỗ lực sẽ nhận được phần thưởng ít hơn là nếu quí vị hạn chế thời gian ngồi trong ba mươi phút.
So với tay kiếm bất tài, một bậc kiếm sư sử dụng thanh kiếm không chút gắng sức. Nhưng không phải luôn luôn như thế, vì có lúc ông ta phải nỗ lực đến độ chót vì kỹ thuật chưa toàn hảo để cứu sinh mạng mình. Chỉ quán đả tọa cũng giống như vậy. Lúc mới bắt đầu không tránh được căng thẳng nhưng với kinh nghiệm chín muồi, sự căng thẳng này trở nên lơi ra song vẫn ngồi với chú tâm đầy đủ. Giống như tay kiếm bậc thầy tuốt kiếm vung lên không chút gắng sức và tiến công một cách giản dị, chỉ quán đả tọa cũng thích hợp với cái ngồi không chút gắng sức, linh mẫn và chú tâm y như vậy. Nhưng đừng tưởng việc ngồi như thế có thể đạt được dễ dàng, dù chỉ trong một phút thôi mà không có sự luyện tập lâu và thành khẩn.
Đến đây chấm dứt bài nói về chỉ quán đả tọa.