Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

&   “Khi hành giả trải nghiệm điều gì, chỉ ý thức về điều đó.  Hành giả không cần phải theo dõi nó.  Tâm nguyên sơ không có đặc tính.  Nó là ý thức của tất cả mọi thứ.  Nhưng ngay khi có sự xúc chạm, bên trong hay bên ngoài, chúng làm dứt đoạn chánh niệm, khiến ta buông ý thức, hoàn toàn quên tỉnh giác, quay qua đón nhận tất cả mọi đặc tính của sự việc vừa có mặt.  Rồi phản ứng theo chúng –trở nên buồn, vui hay bất cứ gì.  Lý do khiến ta hành động như thế là vì ta chấp theo các sự thật chế định và bám chặt vào chúng.  Nếu không muốn phải chịu ảnh hưởng của chúng, hành giả phải luôn giữ sự tỉnh giác nguyên sơ.  Điều đó đòi hỏi hành giả phải có nhiều chánh niệm”.

&   Một thiền sinh cảm thấy mình bị mọi người đối xử bất công, nên mong được ngài thiền sư ban cho đôi lời an ủi.  Sư nói: “Có gì ở đó mà cảm thấy bị chèn ép?  Chính con là người bị lung lay trước những việc xảy đến cho con, chỉ có thế.  Hãy quán niệm xem điều gì đang xảy ra và con sẽ thấy rằng tâm là cái tách biệt.  Sự việc xảy ra và qua đi.  Tại sao lại để chúng ảnh hưởng đến ta?  Hãy giữ tâm ngay tại sự tỉnh giác nguyên sơ thì những thứ đó đến, rồi sẽ qua đi, tại sao phải đuổi theo chúng?”

&   “Có gì thực sự là của ta?  Khi ta chết, ta sẽ không thể mang theo thứ gì, vậy tại sao lại lãng phí thời gian ước muốn thứ gì?  Không có gì ta cần phải muốn cả.  Hãy lắng tâm. Hãy nhất tâm.  Ta không cần phải quan tâm đến sự chứng ngộ của bản thân hay của người khác.  Chỉ cần tỉnh giác.  Thế là đủ”.

&   “Bất cứ khi nào có gì xảy ra, hãy để nó chỉ chạm đến ‘ý thức’.  Đừng để nó đi vào tận trái tim ta”.

&   “Hành giả chỉ cần giữ cho cảm quan của ý thức vững chãi, mạnh mẽ, thì không có gì có thể trấn áp được”.

&   “Hãy luôn tỉnh giác –trừ khi ngủ.  Ngay giây phút vừa thức giấc, hãy tỉnh giác, như thế thì không bao lâu trí tuệ sẽ phát khởi”.

&   Một nữ thiền sinh cho rằng cô cảm thấy như mình bị phân ra làm hai: một người hành động, và một người quán sát.  Cô cảm thấy thế trong khi thiền tập cũng như khi không hành thiền –đến độ cô không còn muốn ngồi xuống hành thiền nữa, vì có hành thiền hay không, cũng không khác gì nhau.  Cô đã hỏi ngài Ajaan Fuang về điều đó và sư bảo: “Nếu không muốn, con không phải hành thiền.  Nhưng cần phải luôn giữ cảm giác của ‘người quán sát’.  Ngồi nhắm mắt chỉ là biện pháp ở bên ngoài.  Chỉ cần luôn quán sát.  Khi thân và tâm tách biệt nhau, thân không thể gây áp lực cho tâm.  Nếu thân áp lực tâm, tâm sẽ phải chịu ảnh hưởng của những gì liên quan đến thân”.

&   “Sự tỉnh giác thực sự phải đi kèm với hơi thở”.

&  “Tỉnh giác có nghĩa là ý thức ngay khi uế nhiễm vừa phát sinh, để nhận ra chúng và không phản ứng theo uy lực của chúng”.

&  “Ở đây không có quá khứ, không có tương lai, chỉ có hiện tại.  Không có người nam, không có người nữ, không có sự phân biệt của bất cứ thứ gì.  Không có gì, kể cả cái ngã này.  Cái ngã hiện hữu chỉ trong ý nghĩa chế định”.

&  “Một khi sự tỉnh giác đã vững chãi, hành giả phải vượt lên trên nó”.

&   Năm 1978, một đệ tử của ngài Ajaan Fuang chuyển về sống ở Hong Kong, và ông thành lập một trung tâm nhỏ dạy thiền ở đó.  Trong một lá thư, ông xin Ajaan Fuang viết cho một đề cương ngắn về những điều cần thực hành, và được trả lời như sau:

“Hãy tập trung vào sáu yếu tố: đất, nước, gió, lửa, hư không và thức.  Khi đã thành thục với từng yếu tố, hòa quyện chúng thành một, và trụ vào đó cho đến khi chúng trở nên mạnh mẽ, vững chãi.  Năng lực của hành giả sẽ gom tụ lại cho đến khi cả thân và tâm cảm thấy tròn đầy.  Khi các yếu tố vật lý thăng bằng, hòa hợp, tròn đầy, thì tâm sẽ tự buông chúng và trở thành nhất tâm.  Các yếu tố sẽ là một, tâm cũng sẽ là một.  Lúc đó hành giả sẽ quay vào tâm.  Dồn sức chú tâm đến độ hành giả hoàn toàn ý thức về nó.  Sau đó, buông cả ý thức đó, cùng với bất cứ cái biết nào hành giả đã đạt được, như thế sẽ không còn gì nữa cả.  Buông bỏ ngay cả những gì đang diễn ra mà hành giả có thể ý thức được.  Đó là khi trí tuệ tự tánh sẽ phát khởi, thiền tập sẽ chấm dứt”.

&   Một đêm kia, ngài Ajaan Fuang hướng dẫn một nhóm đệ tử lên ngọn đồi ở Wat Dhammasathit để ngồi thiền.  Hướng về phương nam, trong bầu trời đen tối, họ có thể thấy các ngọn đèn sáng từ các thuyền đánh cá xa khơi.  Sư nhận xét, “Khi ở trên một nơi cao như thế này, ta có thể thấy hết mọi thứ”.  Có thiền sinh lắng nghe và biết rằng câu nói ấy có một ý nghĩa đặc biệt, vì người đó biết rằng sư không chỉ nói đến cái nhìn từ trên ngọn đồi ấy.

Xem mục lục