Tính cách duyên sanh của tất cả các pháp được nói rõ trong đoạn đối thoại sau đây của kinh Na Tiên Tỳ Kheo, một đoạn kinh mà hầu như tất cả chúng ta đều đã từng đọc qua. Xin trích ra đây vì đặc điểm dễ hiểu và dễ nhớ của nó:
Vua Di Lan Ðà hỏi đại đức Na Tiên:
- Ðại đức nói không hề có cái ta và cái của ta như tà kiến và ngã chấp vẫn thường nhận lầm. Nếu không có cái ta thì ai thâu nhận các món cúng dường, ai tham thiền nhập định, ai đắc quả và nhập Niết Bàn, ai giữ giới, ai phạm giới, ai tạo nghiệp... Như thế có kẻ giết đại đức cũng không phạm tội sát sanh chăng? Ngay cả các đạo hữu của đại đức gọi đại đức là Na Tiên cũng không có nốt? Na Tiên đó là ai, đại đức nghe rõ chứ?
- Tâu đại vương, bần tăng đã nghe rõ.
- Người nghe đó có phải là Na Tiên không?
- Tâu đại vương, không phải đâu.
- Thế thì ai là Na Tiên? Cái gì là Na Tiên? Tóc trên đầu là Na Tiên chăng?
- Tâu đại vương, không phải.
- Lông, móng, răng, da, thịt, xương, gân... là Na Tiên chăng ?
- Tâu đại vương, không phải.
- Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Na Tiên chăng?
- Tâu đại vương, không phải.
- Hay năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức họp lại là Na Tiên chăng ?
- Tâu đại vương, không phải.
- Hay ngoài năm uẩn ra, còn có cái gì là Na Tiên chăng ?
- Tâu đại vương, cũng không phải nốt.
Sau đó, đại đức Na Tiên hỏi nhà vua:
- Chẳng hay đại vương đến đây bằng bộ hay bằng xe?
- Bạch đại đức, trẫm đến bằng xe.
- Ðại vương bảo ngài đến bằng xe, đó là ngài nói thật chứ?
- Bạch đại đức, trẫm nói chắc thật.
- Vậy xin đại vương cho bần tăng biết rõ về cái xe. Gọng xe có phải là xe không?
- Thưa không phải.
- Trục, bánh, căm, thùng, mui, gác chân... có phải là xe không?
- Thưa không phải.
- Hay tất cả các món ấy hợp lại và buộc chung là xe?
- Thưa không phải.
- Hay ngoài các món ấy ra, có một món nào khác gọi là xe?
- Thưa cũng không phải.
- Vậy cái gì là xe?
Vua không đáp được.
Sau đó đại đức kết luận: Ðúng như lời nữ Tôn giả Vajirà đã bạch với Ðức
Thế Tôn khi ngài còn tại thế: " Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ hợp lại mà giả thành. Nhiều thứ cơ thể hợp lại thì giả thành một vật gọi tên là chúng sanh".
Ðó là điều được Bồ tát Long Thọ nói trong bài kệ:
Các pháp nhân duyên sanh
Tôi nói: tức là Không
Cũng gọi là giả danh
Củng là nghĩa Trung đạo.
Bằng thiền quán, một khi thấu đạt được tính cách duyên sanh này, mọi sự vật đều được nhìn thấy như là giả danh, giả hợp. Củng bằng cái nhìn trực quan ấy, các nhà Nam tông nói : " Các pháp vô ngã", còn trong ngôn ngữ các nhà Ðại thừa, thì: Các pháp đều vô tự tánh.
Tánh cách duyên sanh, vô ngã, vô tự tánh ấy được nói rõ hơn trong bài kệ:
Cái này có thì cái kia có
Cái này không có thì cái kia không có
Cái này sanh thì cái kia sanh
Cái này diệt thì cái kia diệt.
Nhưng chúng ta tự hỏi trong một thế giới mà tất cả đều duyên sanh, đều không có tự tánh, đều vô thường sanh diệt sanh diệt trong từng niệm niệm như thế, thì đâu là khổ giải thoát, đâu là chỗ an thân lập mạng, đâu là chỗ quy về, đâu là hòn đảo kiên cố giữa đại dương trùng trùng sanh tử ? Trong " ba cõi đều chẳng an " , đâu là chỗ an toàn, đâu là cái mà kinh Lăng Nghiêm nói là " không tùy thuộc nhân duyên, chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên "? Chỗ giải thoát đó, cái " không phải nhân duyên" đó, đạo Phật gọi là Niết Bàn. Kinh điển Nam tông (kinh Udàna) nói về niết bàn như sau: " Hỡi các Tỳ kheo, có cái không sanh, không khởi phát, không tăng mạo, không tùy thế. Nếu không có cái không sanh, không khởi phát, không tăng tạo, không tùy thế ấy ắt không có lối thoát nào cho cái có sanh, cái có khởi phát, cái có tăng tạo, cái có tùy thế. Bởi vì có cái không sanh, không khởi, không tạo, không tùy thuộc điều kiện, nên mới có lối thoát cho cái có sanh, có khởi, có tạo, có tùy thuộc "
Cái Niết Bàn ấy được chứng nhập qua sự tu hành viên thông về nhĩ căn của Bồ tát Quán Thế Âm như sau (kinh Lăng Nghiêm): Ban đầu ở trong cái nghe, vào dòng mất đi tướng sở chỗ vào đã vắng lặng, hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh ra. Như vậy dần tiến thêm, cái nghe và chỗ nghe đều hết. Chẳng dừng lại nơi sự hết cái nghe và chỗ nghe, thì năng giác sở giác đều không. Không giác cùng tột tròn vẹn thì năng không và sở không đều diệt. Sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền. Tức thì vượt khỏi thế gian lẫn xuất thế gian, tròn sáng khắp mười phương, được hai đều tột bậc: Một là trên hợp với Bản Giác Diệu tâm của mười phương chư Phật, cùng với chư Phật Như Lai đòng một sức Từ; hai là, dưới hợp với mười phương chúng sanh trong sáu nẻo, cùng với tất cả chúng sanh đồng một Bi ngưỡng :. " Niết Bàn ấy chính là Tánh không của hệ thống Bát Nhã:Chỗ thâm áo đây, nghĩa của nó là Không, là Vô tướng, là Vô tác,Vô khởi, Vô sanh, Vô Nhiễm, là ly, là tịch diệt, là Như, là pháp tánh thiệt tế, là Niết Bàn. Những pháp trên đây cùng một nghĩa" (phẩm Thâm Áo).
Nếu không có cái " không sanh, không khởi, không tạo tác, không tùy thuộc" ấy nếu không có cái sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền ấy, thì đạo Phật không thể xác nhận được chính mình như là đạo xuất thế, và không có căn cứ cho sự tồn tại của chính mình. Bởi vì với Khổ đế và Tập đế, đạo Phật chỉ mới nêu lên vấn đề, và cách nêu lên vấn đề như vậy văn chương và các khoa học thế gian cũng đề cặp đến. Không có thêm Diệt đế và Ðạo đế, nghĩa là không có sự giải quyết vấn đề, thì đạo Phật cũng không có lý do để tồn tại.
Sức mạnh của đạo Phật nằm ở sự xác lập Niết Bàn, cái Niết Bàn không tùy thuộc sanh tử nên dầu ở trong sanh tử mà vẫn Niết Bàn, cái Niết Bàn siêu vượt khỏi cả xuất thế gian nên hằng ở cùng chúng sanh đòng một Bi ngưỡng ". Và chúng ta cũng thấy qua lịch sử đạo Phật, những thời kỳ chánh Pháp hưng thịnh rực rỡ nhất là những thời kỳ trong đó có nhiều người con của Phật khẳng định được và xác lập được cái Niết Bàn đó ngay tại giữa thế gian này. Ðó là điều kinh thường nói: Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, đó cũng là Tâm Ấn chư Phật, như ngài Bồ tát Quán Thế Âm đã diễn tả.