Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

 

1. Milarepa:Tên Tây Tạng có nghĩa “Mila người mặc áo vải khổ hạnh” (1052-1135). Một trong những thánh nhân nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Ông là học trò của Marpa và bị thầy thử thách khắc nghiệt, cuối cùng ông được truyền giáo pháp Đại thủ ấn (Mahamudra) và Naro Chodrug. Ông sáng lập tông phái Kargyupa. Ngày nay Phật giáo Tây Tạng vẫn còn nhắc nhở về cuộc đời và các bài ca của ông. Milarepa sinh tại Tây Tạng, gần biên giới Nepal. Lúc ông lên bảy, cha mất, gia sản bị chiếm đoạt, gia đình ông bị đối xử tệ bạc. Nhằm trả thù, ông học phép tà và trong một lần dùng phép, ông giết hại nhiều người. Ăn năn, ông tìm gặp đạo sư của tông Nyingmapa là Rongton, nhưng vị này khuyên ông nên gặp Marpa. Ông trở thành đệ tử của Marpa năm 38 tuổi, nhưng suốt sáu năm ông chỉ được xem là kẻ hầu, và Marpa thử thách khắc nghiệt khiến ông kiệt sức và gần muốn tự sát. Nhờ vậy ác nghiệp được trả xong. Marpa bắt đầu cho ông học pháp bằng cách sống viễn ly cô tịch, truyền giáo pháp Naropa và đặc biệt dạy phép nội nhiệt. Chỉ khoác một chiếc áo mỏng manh, Milarepa sống nhiều năm trong cái lạnh của Himalaya, chỉ chuyên tâm thiền định trong hang động. Sau chín năm độc ẩn, ông bắt đầu nhận học trò, trong đó có y sĩ Gampopa là người quan trọng nhất. Ông mang giáo pháp cho đời bằng các bài ca bất hủ.

 

2. Marpa (1012-1097): Đạo sư nổi tiếng của Nam Tây Tạng. Ông đi Ấn Độ và mang về giáo pháp Đại thủ ấn, Naro Chodrug. Marpa là thầy của Milarepa và đóng vai trò quan trọng nhất trong tông phái Kargyupa. Ông là người tu hành nhưng vẫn tham gia công việc thế tục một cách hài hòa. Thời trẻ, Marpa học tiếng Sanskrit, sau đó ông đổi toàn bộ sản nghiệp lấy vàng để du hành truân chuyên sang Ấn Độ. Tại đó, ông gặp Naropa, là người giáo hóa ông suốt 16 năm. Trở về Tây Tạng, ông phiên dịch kinh sách, sống cuộc đời nông dân, lập gia đình với Dagmema và có nhiều con. Sau đó trên đường tìm đạo, ông lại đi Ấn Độ một lần nữa. Về lại Tây Tạng, ông nhận Milarepa làm học trò. Sau khi đã thử thách khắc nghiệt ông mới chịu truyền bí pháp cho Milarepa. Khi tuổi đã cao, ông di Ấn Độ lần thứ ba vì một bí pháp khác. Tại đó ông gặp Atisha và gặp Naropa lần cuồi. Marpa thực hiện phép yoga giấc mộng và tiên tri việc thành lập tông Kargyupa.

 

3. Gampopa (1079-1153): Một trong những cao tăng Mật tông quan trọng của dòng Kagyupa tại Tây Tạng. Năm 26 tuổi sau khi vợ mất, ông trở thành tăng sĩ và theo giáo pháp của phái Kadampa. Trong quá trình tu học, ông được gặp Milarepa, một vị cao tăng đắc đạo, và được Milarepa truyền cho Đại Thủ Ấn. Sau Milarepa mất, ông thành lập tông Kagyupa. Ông là tác giả của “Lamrim” (báu vật giải thoát), đã hợp nhất hai trường phái Kagyupa và Kadampa, “như hai dòng nước hòa vào nhau”.

 

4. Giác Thành (Bodhgaya): Có khi được gọi là Bồ-đề đạo tràng, là một trong bốn thánh địa của Phật giáo, cách Patna 90 km về phía Nam. Ở đây đức Thích-ca Mâu-ni đã giác ngộ sau khi thiền định 49 ngày dưới cội Bồ-đề. Ngày nay tại đây còn lại tháp Đại Bồ-đề do một nhà vua Tích Lan xây dựng.

 

5. Potala: Cung điện của Đạt-lai Lạt-ma tại kinh đô Lhassa. Potala cũng là địa danh của trú xứ Quán Thế Âm tại trung quốc (Phổ Đà Sơn)

 

6. Quán Thế Âm: Một trong những vị Bồ-tát quan trọng nhất của phái Đại thừa. Quán Thế Âm thể hiện lòng bi, một trong hai dạng của Phật tính. Trong nhân gian ngài là vị bảo hộ tránh tai họa và thường được phụ nữ hiếm muộn cầu tự. Trong các loại tranh tượng về ngài, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng ngài có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên bảo quan có hình Phật A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi cầm hoa sen xanh, vì vậy ngài cũng được gọi là “người cầm hoa sen” (Padmapani) hay nhành dương liễu và một bình cam lồ. Có người xem đức Đạt-lai Lạt-ma là ứng thân của Quán Thế Âm Bồ-tát.

 

7. Đạt-lai Lạt-ma: Nguyên nghĩa là “đạo sư với trí huệ như biển cả”. Danh hiệu do nhà vua Mông Cổ Altan Khan phong cho phương trượng của trường phái Gelugpa (Hoàng mạo) năm 1578. Từ 1617, Đạt-lai Lạt-ma thứ năm trở thành người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng. Kể từ đó, người ta xem Đạt-lai Lạt-ma là hiện thân của Quán Thế Âm. Mỗi một Đạt-lai Lạt-ma được xem là tái sinh của vị Lạt-ma trước. Đạt-lai Lạt-ma thứ sáu là vị có trình độ rất cao thâm và cũng là một nhà thơ. Vị hiện nay là vị thứ 14, sinh năm 1933, sống lưu vong tại Ấn Độ từ 1959 đến nay. Ngài là người lãnh giải Nobel hòa bình, đồng thời là người đại diện Phật giáo xuất sắc nhất hiện nay trên thế giới. Danh sách các vị Đạt-lai Lạt-ma: 1/ Gedrun Drub. 2/ Gendun Gyatso. 3/ Sonam Gyatso. 4/ Yonten Gyatso. 5/ Losang Gyatso. 6/ Jamgyan Gyatso. 7/ Kelsang Gyatso. 8/ Jampel Gyatso. 9/ Lungtog Gyatso. 10/ Tsultrim Gyatso. 11/ Kedrub Gyatso. 12/ Trinle Gyatso. 13/ Tubten Gyatso. 14/ Tenzin Gyatso.

 

8. Patrul Rinpoche (1808-1887): Một trong những đại sư quan trọng nhất của Đại Thành Nyingmapa, học trò của Dodrup Chen. Học trò quan trọng của ngài là Jumi Pham Nam và Dodrup Chen thứ ba.

 

9. Đại Thành (Dzogchen): Giáo pháp chủ yếu của Nyingmapa. Giáo pháp này được xem là Mật giáo cao nhất do đức Thích-ca Mâu-ni chân truyền. Được gọi là “Đại” vì nó cùng tột, và “Thành” vì không cần bất cứ phương tiện nào khác. Tâm thức vốn luôn thanh tịnh, hành giả chỉ cần trực nhận điều đó. Theo truyền thuyết, Dzogchen được Liên Hoa Sinh và Vimalamitra đưa vào Tây Tạng trong thế kỷ thứ VIII, và sau đó được Longchenpa tổng kết ở thế kỷ XIV. Cuối cùng tông phái này được Jigme Lingpa kết tập và truyền đến ngày nay.

 

10. Doe Khyentse (1800-?)

 

11. Kelsang Gyatso, Đạt-lai Lạt-ma thứ bảy (xem chú thích 7)

 

12. Liên Hoa Sinh: Padma Shambhava, sống cùng thời với vua Tây Tạng Trisong Detsen (755-797), là một nhân vật lịch sử, người sáng lập Phật giáo Tây Tạng. Ngài sáng lập Nyingmapa, được đệ tử gọi là đức Phật thứ hai. Ngài có nhiều thần thông nhiếp phục ma quái và thiên tai. Cách tu hành của ngài rất đa dạng, từ sử dụng phurbu đến tu tập các phép thiền định. Ngài thuộc dòng các vị đại sư Đại Toàn Năng (mahasiddha), để lại rất nhiều thần thoại. Ở vùng Himalaya, người ta gọi ngài là Guru Rinpoche (đạo sư quý báu). Tương truyền Liên Hoa Sinh được sinh ra tại Tây-bắc Kashmir, sớm thông làu mọi kinh sách, nhất là giáo pháp Mật tông (tantra). Vào thế kỷ VIII, ngài đến Tây Tạng, chống lại ma quỷ thiên tai và ảnh hưởng của giáo phái Bon. Ngài cho xây tu viện Samye năm 775 và thời gian hoạt động của ngài tại Tây Tạng xem như chấm dứt tại đó, nhưng có nhiều tài liệu cho rằng ngài ở Tây Tạng lâu hơn nhiều. Liên Hoa Sinh truyền giáo cho 25 đệ tử, trong đó có nhà vua Tây Tạng, quan trọng nhất là bí lục về “Tám tuyên giáo”. Ngoài ra ngài còn để lại nhiều kinh sách giấu trong rừng núi (terma) và chỉ được khám phá vào thời điểm nhất định. Học trò quan trọng và là người viết lại tiểu sử của ngài là bà Yeshe Tsogyal.

 

13. Drukpa Kunley (1455-1570) “con rồng tốt bụng”, một trong những cuồng thánh nổi tiếng nhất Tây Tạng. Ngài trước theo học dòng Drukpa trong tông Kagyupa, sau đó lại thích du phương giáo hóa. Ngài được xem là hiện thân của hai vị Đại toàn năng Saraha và Shavaripa. Ngài có công lớn trong việc truyền Phật pháp đến Bhutan và nổi danh trong quần chúng vì sự mê gái và rượu bia. Ngài để lại nhiều bài hát thổ lộ nhận thức chân lý trực tiếp, có thể so sánh được với những bài kệ của các thiền sư Trung Hoa.

“Tên là Rồng điên, Drukpa Kunley
Ta không phải du tăng xin ăn xin áo
Ta đã xuất gia hành hương
Một cuộc hành hương bất tận.”

 

14. Machig Labdron (1055-1149): Nữ đạo sư Tây Tạng, được xem là người phát triển và hoàn thành phép tu Chod (xem thêm chú thích 23).

 

15. Tịch Thiên (Shantideva): Một cao tăng thuộc phái Trung Luận. Truyền thuyết cho rằng ông là một vương tử miền Nam Ấn Độ, sống vào thế kỷ 7 và 8 và hoạt động tại viện Nalanda. Ông là tác giả của Siksamukkaya và Bodhicaryavatara. Bồ-đề Hành là kinh điển giáo khoa của Phật giáo Tây Tạng.

 

16. Văn-thù (Manjusri): Bồ-tát tượng trưng cho trí tuệ, một trong những vị Bồ-tát quan trọng của Phật giáo. Lần đầu tiên được nhắc đến trong tác phẩm Ayamanjusrimulakalpa thuộc thế kỷ IV. Tranh tượng trình bày Văn-thù với lưỡi kiếm và kinh Bát-nhã Ba-la-mật. Người ta xem đó là biểu tượng trí tuệ phá đêm tối của vô minh. Ngài được xưng tán trước khi hành giả nghiên cứu kinh điển, nhất là kinh điển thuộc Trung Luận tông. Ngài tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ. Ngài cũng xuất hiện dưới dạng phẫn nộ, có tên là Yamantaka (Kẻ chiến thắng thần chết), có dạng vị thần đầu bò. Đây là dạng thần bảo hộ Yidam quan trọng của Gelugpa. Trong Phật giáo Tây Tạng, các vị luận sư xuất sắc như Tsongkhapa thường được xem là một hiện thân của Văn-thù.

 

17. Naropa (1016-1100): Một vị đại sư Ấn Độ theo truyền thống tantra của 84 vị Đại toàn năng. Người truyền Mật giáo cho ngài là Tilopa, một trong những Đại toàn năng danh tiếng nhất. Naropa truyền bá Đại thủ ấn nên phép tu này được gọi là “Sáu yoga của Naropa” (Naro Chodrug), được Marpa truyền qua Tây Tạng và ngày nay vẫn là giáo pháp quan trọng của Kagyupa. Naropa từng nhận trách nhiệm quan trọng tại Nalanda.

 

18. Tilopa (988-1069): Một trong những vị Đại toàn năng và người đầu tiên truyền Đại thủ ấn. Ông là người thống nhất các phép tu tantra của Ấn Độ và truyền cho học trò Naropa. Tilopa có nghĩa là người làm dầu mè vì ông từng làm dầu mè kiếm sống.

 

19. Chamgyan Khyentse Wangpo (1820-1892) đạo sư miền Đông Tây Tạng

 

20. Sanakavasa (Thương-na-hòa-tu), tổ thứ ba thiền tông Ấn Độ, sau Maha Ca-diếp và A-nan.

 

21. Vajriputra, một trong 16 A-la-hán của Đại thừa, là các vị bất sinh. Theo truyền thống Tây Tạng, ông là con của vua Uddhayana, được Katyayana hướng dẫn và đắc pháp trên một hoang đảo. Tranh tượng hay vẽ Vajriputra tay cầm phất trần.

 

22. Dodrup Chen, dòng tái sinh gồm ba vị Dodrup Chen đệ nhất, nhị và đệ tam. Truyện này kể lại cuộc đời của Dodrup Chen đệ nhị, người chết trẻ.

 

23. Chod, phép tu Tây Tạng, xem thân mạng và đời sống của mình như vật thể cúng dường để giải thoát nghiệp lực. Phép này thường được tụng niệm với chiêng trống và dựa trên quan điểm Không tính của tư tưởng Bát-nhã. Được nữ đạo sư Machig Labdron phát triển đầu tiên.

 

24. Jamgon Kongtrul (1813-1899), đại sư phép Đại Thành ở miền Đông Tây Tạng.

 

25. Chogyur Lingpa (1829-1879), một trong những người kiếm được bí lục của Liên Hoa Sinh.

 

26. Tara: Nữ Bồ-tát, được đưa vào kinh điển khoảng thế kỷ VI. Tây Tạng phân biệt Tara trắng và Tara lục. Tranh tượng Tara có nhiều dạng với ấn quyết và pháp khí khác nhau.

 

27. Kinh Bồ-đề Hành, tác phẩm của Shantideva, trình bày các bước tu học Bồ-tát vị, từ lúc phát Bồ-đề tâm (Bodhicitta) cho đến lúc đạt trí Bát-nhã (Prajna), dựa trên sáu Ba-la-mật (Paramita). Kinh Bồ-đề hướng dẫn cho cư sĩ hay người mới nhập dòng. Trong tác phẩm này Tịch Thiên giảng giải hai phép thiền quán đặc biệt nhằm giúp vị Bồ-tát tương lai nhận biết tại sao mình lại cứu độ chúng sinh và từ đó mà có các hành động cần thiết. Một mặt, hành giả phải tu học phép quán chiếu cái nhất thể giữa mình và người (paramasamatha), mặt khác phải học phép hoán chuyển giữa mình và người (paratmaparivartana).

 

28. Nalanda, viện Phật học danh tiếng tại Ấn Độ, được Chakraditya, tiểu vương Magadha, thành lập vào thế kỷ thứ hai. Dần dần Nalanda trở thành trú xứ của các luận sư nổi tiếng của Trung Luận tông như Long Thọ, Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân giảng dạy. Các vị này đều lần lượt làm viện trưởng. Nalanda lúc đông nhất có đến 10.000 học viên. Các khách phương xa như Huyền Trang, Pháp Hiển, Nghĩa Tịnh đều đến đây tu học. Nalanda là nơi giảng dạy dạo Phật, kéo dài được 1000 năm. Tại Tây Tạng có một học viện cũng được đặt tên là Nalanda, xây dựng năm 1351. Theo Huyền Trang và Nghĩa Tịnh thì các tu sĩ học pháp Nhân minh luận, toán, y học. Ngoài các vị viện trưởng còn có các vị hộ pháp (Dharmapala), Trần-na (Digagna), Huyền Trang, An Tuệ (Sthiramathi) giảng dạy. Nalanda bị tín đồ Hồi giáo phá hủy vào thế kỷ 12 và 13.

 

29. Dakini: Tây Tạng gọi dakini là Khadroma (Kha: Không gian. Dro: chuyển dịch. Ma: nữ giới), có nghĩa là vị nữ thần di chuyển trên bình diện thực tại cao nhất. Tranh tượng truyền thống vẽ các vị này dưới dạng lõa thể đáng sợ. Sự lõa thể tượng trưng cho sự thật không che đậy. Phật giáo Tây Tạng xem dakini là thần bảo hộ, là người giải phóng năng lực hành giả và hòa nhập vào năng lực chính mình.

 

30. Nyingmapa: Một trong những tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng, tông này thống nhất truyền thống của Liên Hoa Sinh và của các cao tăng Vimalamitra, Vairochana từ Ấn Độ truyền qua vào thế kỷ VIII. Từ thế kỷ XV trở đi, giáo lý tông này được hệ thống hóa nhưng không được thu nhận vào Đại tạng (Kangyur/Tengyur). Giáo pháp này lấy Đại Thành làm cơ sở và dựa vào luận giải của Longchenpa. Nhóm Nyingmapa nguyên thủy gồm cả tăng và tục, và giữ được truyền thống qua thời kỳ Phật giáo bị Langdharma bức hại (836-842). Qua thế kỷ XI, phái này bắt đầu phát triển và trong nội bộ chia làm ba dòng chính: lịch sử, trực tiếp và huệ nhãn. Dòng lịch sử hay Kama (tuyên giáo) dựa trên hiển giáo pháp Phổ Hiền, trong đó có giáo pháp quan trọng của ba thừa chỉ có trong dòng Nyingmapa như Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga. Dòng trực tiếp hay Terma dựa trên các bí lục do Padmashambhava truyền lại. Thí dụ Tử thư (Bardo Thodol) là một tác phẩm terma. Dòng huệ nhãn dựa trên tiếp xúc với báo thân của các vị đạo sư đã nhập diệt trong lúc nhập định, theo lời khai thị của các vị đó để tuyên giáo vào một số thời kỳ nhất định. Thí dụ Longchenpa được xem là trực tiếp nhận khai thị của Padmashambhava.

 

31. Gyalwa Karmapa: vị tái sinh Karmapa thứ 16. Karmapa là tên một dòng cao tăng lãnh đạo phái Karma Kargyu và là dòng tái sinh tulku lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tương truyền rằng sự hiện diện của dòng cao tăng này đã được Phật Thích-ca và Liên Hoa Sinh tiên đoán. Tới nay đã có 16 lần tái sinh. Kể từ thê kỷ XV, mỗi vị được xác nhận tái sinh sẽ mang vương miện đen trong một buổi lễ. Vương miện này được xem là hiện thân của Quán Thế Âm.

 

Mục đích dòng này là giữ sự truyền thừa của Vajrayana. Danh sách các vị Karmapa: 1/ Karmapa Dusum Khenpa. 2/ Karmapa Karma Paksi. 3/ Karmapa Rangchung Dorje. 4/ Karmapa Rongpe Dorje. 5/ Karmapa Deshin Sherpa. 6/ Karmapa Tongwa Dolden. 7/ Karmapa Chodrug Gyatso. 8/ Karmapa Mikyo Dorje. 9/ Karmapa Kwangchug Dorje. 10/ Karmapa Choying Dorje. 11/ Karmapa Yeshe Dorje. 12/ Karmapa Chengchup Dorje. 13/ Karmapa Dudul Dorje. 14/ Karmapa Thegchog Dorje. 15/ Karmapa Khachap Dorje. 16/ Karmapa Rigpe Dorje.

 

32. Kagyu, một trong bốn tông lớn của Phật giáo Tây Tạng, chủ trương thực hành Đại thủ ấn và Naro Chodruk. Vào thế kỷ XI, Marpa đưa giáo pháp này vào Tây Tạng, truyền cho Milarepa, rồi Gampopa, môn đệ của Milarepa. Từ tông này phát sinh ra Karma-Kagyu. Kagyupa rất chú trọng việc tâm truyền tâm. Giáo pháp này bắt nguồn từ đức Phổ Hiền, được xem là hóa thân của pháp thân (dharmakaya) và được Tilopa truyền cho Naropa. Marpa nhà dịch thuật mang qua Tây Tạng. Vào thế kỷ XII, Kagyu thu nhận thêm giáo pháp Kadampa và từ đó trở thành một tông lớn, lấy nơi sinh của người sáng lập là Dagpo Kagyu làm danh hiệu. Chỉ trong thế hệ sau, tông này phân thành bốn nhánh: 1/ Khamsang hay là Karma-Kagyu. 2/ Tsalpakargyu. 3/ Baramkargyu. 4/ Phagmodrukpakargyu. Nhóm cuối cùng chia thành tám bộ phái, trong đó Drukpakargyu và Trigungkargyu còn tồn tại đến nay. Một tông phái có liên hệ với Kargyupa do Khyunpo Naljor thành lập. Tên phái này là Shangpakargyu và phái này có một hệ Đại thủ ấn riêng do em gái của Naropa là Niguma truyền lại đến ngày nay.

 

33. Ngũ Đài Sơn: Một trong bốn ngọn núi thiêng liêng tại trung quốc, trú xứ của Bồ-tát Văn-thù. Ba ngọn kia là Phổ Đà Sơn của Quán Thế Âm, Nga Mi Sơn của Phổ Hiền, và Cửu Hoa Sơn của Địa Tạng.

 

34. A-đề-sa (Atisha) 980-1055: Luận sư chuyên nghiên cứu các phương pháp chứng ngộ Bồ-đề tâm (Boddhicitta). Là tổ của dòng Maghada và thuyết sư tại Đại học Vikramashila. Ông được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình. Ông là người sáng lập trường phái Kadampa, gây ảnh hưởng lên Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Tsongkhapa. Đệ tử quan trọng nhất của ông là Dromton. Thế kỷ X được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Độ qua Tây Tạng, thông qua dòng vua miền Tây Tây Tạng. Lúc đầu nhà vua cử sứ giả qua Ấn Độ thỉnh kinh, thí dụ dịch giả Rinchen Sangpo. Về sau nhà vua mời hẳn luận sư Ấn Độ qua Tây Tạng, và đó là Atisha. Năm 1042 ông đến Tây Tạng, sống ở Netang và bắt đầu công cuộc giáo hóa. Trong tác phẩm Bodhipattapradhipa (Bồ-đề đạo đăng luận) ông trình bày toàn cảnh giáo pháp Đại thừa và chia hành giả theo ba căn cơ: loại người mong được tái sinh nơi tốt lành; loại người tu vì sự giác ngộ của chính mình (Tiểu thừa); và loại người tu vì sự giác ngộ của tất cả chúng sinh (Bồ-tát). Công trình chính của Atisha là xếp đặt thứ tự Kinh sách, không phổ biến bừa bãi. Ông là người đưa Tara trở thành một vị thần bảo hộ quan trọng của Tây Tạng. Trong các tác phẩm của mình, Atisha thống nhất hai trường phái chính của Bát-nhã Ba-la-mật: quan điểm tánh không của Long Thọ và tính bao trùm của tâm thức giác ngộ theo Vô Trước.

 

35. A-dục vương (Ashoka): Vua xứ Maurya miền Bắc Ấn Độ, trị vì từ năm 272 đến 236 trước dương lịch. Mất năm 231. Trong lịch sử Ấn Độ ông để lại nhiều dấu tích quan trọng. Sau cuộc viễn chinh năm 260, ông tỉnh ngộ và theo Phật giáo, quyết định thành lập “quốc vương phụng sự Phật pháp”. Ông đi khắp nước để bảo vệ luật lệ và chánh pháp. Ông cũng là người cổ vũ việc ăn chay và chống tệ giết thú cúng tế. Trong thời của ông, đạo Phật phát triển mạnh ở Tích Lan. Một người con trai của ông là Mahinda cũng rất có công với đạo Phật. Tài liệu về ông rất nhiều sai khác. Theo văn hệ Pali, ông là một quốc vương chỉ phụng sự đạo Phật. Theo tài liệu khảo cổ, nhất là tư liệu khắc trên đá do chính ông cho ghi lại thì ông ủng hộ tất cả các giáo phái, đúng như trách nhiệm của một nhà vua. Các tư liệu khắc trên đá hay dùng từ Pháp (dhamma). Người thấy rằng ở đây không phải là Phật pháp mà là một hệ thống luân lý, do nhiều trào lưu tôn giáo thời đó tổng hợp lại. Quan điểm của Atisha là làm sao cho thần dân được hạnh phúc, trong đó gồm tự do, từ bi, tránh chém giết, biết giữ giới, tôn trọng sự thật, hướng nội… Dưới triều đại ông, nhà nước can thiệp vào Tăng đoàn khi Tăng đoàn bị đe dọa chia rẽ. Lần đó một số Tăng sĩ bị loại khỏi giáo hội và hoàn tục.

 

36. Tonglen: Pháp tu Kim cang thừa Tây Tạng, nhằm chuyển ác nghiệp chúng sinh lên chính mình, tự mình gánh chịu mọi quả xấu thay cho chúng sinh.

 

37. Yeshe Tsogyal (757-817): Người phụ nữ nổi tiếng nhất của tông Nyingmapa Tây Tạng và là đệ tử xuất chúng của Liên Hoa Sinh. Bà thuộc vương tước Khacheng, năm 12 tuổi được vua Trisong Detsen cho vào cung. Tại đây bà gặp cao tăng Ấn Độ Shantirakshita. Sau đó bà được Liên Hoa Sinh chọn là bạn đồng tu, truyền cho phép phurbu. Bà là người ghi lại nhiều lời khai thị của Liên Hoa Sinh trong các bí lục terma và ghi lại đời ông. Khoảng cuối đời bà sống tại miền Đông Tây Tạng. Ngày nay người ta còn thờ cúng bà như một dakini. Theo một số truyền thuyết bà sống trên trăm tuổi.

 

38. Bát-nhã Ba-la-mật Kinh (Prajna Paramita Sutra): Câu chuyện này có lẽ nói đến bộ Tâm Kinh chỉ dài hơn 200 chữ của Bát-nhã Ba-la-mật Kinh (“Kinh đưa người qua bờ kia”). Thật ra toàn bộ là một bộ Kinh gồm khoảng 40 Kinh Đại thừa được gọi chung là Bát-nhã. Kinh này là dạng Kinh Phương đẳng (Vaipulya Sutra) và có lẽ được ghi lại khoảng đầu dương lịch. Ngày nay phần lớn Kinh chỉ còn trong dạng chữ Hán hoặc Tây Tạng, không mấy còn trong dạng Sanskrit. Trong bộ này, Kinh Kim cương Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Vajracchedika sutra) và Ma ha Bát-nhã Ba-la-mật đa Tâm kinh (Maha Prajna Paramita Hrdaya sutra) là nổi tiếng nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng, kể cả Anh và Pháp ngữ. Luận sư quan trọng nhất của Kinh Bát-nhã là Long Thọ.

 

39. Thangka: Chỉ các tranh vẽ của Phật giáo Tây Tạng. Nội dung tranh thường là đồ hình mandala, các tiền kiếp đức Phật, vòng luân hồi, các vị thiện thần ác thần, các vị đạo sư. Tại Tây Tạng người ta tin rằng việc hoàn thành một thangka mang lại rất nhiều công đức tương tự như in Kinh sách.

 

40. Vairochana: Người Tây Tạng sống ở thế kỷ VIII, là một trong năm người đầu tiên được thọ tỳ-kheo. Có thời gian ông là thông dịch viên cho Liên Hoa Sinh. Về sau vua Trisong Detsen gửi ông đi Ấn Độ học mật pháp. Ông có thần thông đặc biệt, gọi là thần túc thông, đi nhanh như chim bay. Khi về lại Tây Tạng ông phiên dịch Kinh sách, đặc biệt là Kinh sách Bát-nhã. Sau nhiều năm sống ở Kham, ông đi trung quốc và truyền giáo pháp Mật tông tại đó.

 

41. Trisong Detsen (742-798): Vua Tây Tạng có công lớn đưa Phật giáo vào nước này. Ông là người mời Liên Hoa Sinh đến Tây Tạng, cho dịch Kinh sách và xây nhiều bảo tháp. Ông là một trong 25 học trò của Liên Hoa Sinh.

 

42. Sri Simha: Người Tây Tạng sống vào thế kỷ VIII, là một trong những người thuộc phái đoàn được nhà vua Trisong Detsen cử di Ấn Độ để mời Liên Hoa Sinh qua Tây Tạng. Ông là một trong năm người Tây Tạng đầu tiên thọ tỳ-kheo, và là người có công dịch Kinh sách qua tiếng Tây Tạng. Người ta kể rằng cuối đời ông chết thảm khốc.

 

43. Vimalamitra: Người Ấn Độ sống vào thế kỷ VIII, vốn là thầy của Liên Hoa Sinh. Ông được Trisong Detsen mời qua Tây Tạng giáo hóa, và tham gia dịch nhiều Kinh sách.

 

44. Maha Ati: Một trong ba pháp tu tối thượng của tantra Ấn Độ, là Maha yoga, Anu yoga, và Ati yoga.

 

45. Garab Dorje

Tương truyền là vị đạo sư đầu tiên của trường phái Đại Thành. Có nhiều giả thuyết về năm sinh cùa Garab Dorje, có sách ghi là năm 516 tdl, tức 28 năm sau khi Phật Thích-ca thành đạo. Có tài liệu cho rằng ông sinh năm 55 sdl.

 

46. Dudchom Rinpoche (1904-1987): Vị đạo sư cuối cùng của dòng Nyingmapa, từ trần tại Pháp. Ông là một trong những tu sĩ và thiền sư xuất sắc nhất của Tây Tạng trong thế kỷ XX. Ông được xem là một hiện thân của Liên Hoa Sinh và là người khám phá nhiều bí lục.

 

47. Đại Ấn Quyết (Maha mudra): Một trong những giáo pháp cao nhất của Kim cương thừa, được truyền dạy trong tông phái Kargyupa. Trong tiếng Tây Tạng, Đại ấn quyết được hiểu là “tâm ấn về chứng ngộ Không” (sunyata), về giải thoát khỏi luân hồi (samsara), và hiểu rằng hai mặt đó không hề rời nhau. Giáo pháp này xem Phật Phổ Hiền (Samantabhadra) hiện thân của pháp giới (Dharmkaya), là người đã truyền Đại ấn quyết cho vị đại toàn năng Tilopa, rồi tiếp tục truyền cho Naropa, Marpa, và Milarepa qua Tây Tạng. Phép tu của Đại ấn quyết bắt đầu bằng tu chỉ (Samatha) và dựa vào đó mà biến mọi kinh nghiệm thành liễu ngộ Không. Có người xem Đại ấn quyết như “thiền” Tây Tạng. Ngoài phép tu thông thường, có phép tu đặc biệt là Naro Chodrug.

 

48. A-di-đà (Amitabah): Nghĩa là “vô lượng quang”. Một trong những vị Phật quan trọng và được thờ cúng nhiều nhất trong Đại thừa (Mahayana). A-di-đà là giáo chủ của cõi Cực Lạc (Sukhavati) ở phương Tây. Phật A-di-đà (48) được thờ cúng trong Tịnh độ tông, tại trung quốc, Nhật Bản, và Việt Nam.

 

49. Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991): Là một đại sư của phép Đại thành, và cũng là người khám phá nhiều bí lục của Liên Hoa Sinh. Ông là đệ tử của Chamyang Khyentse Choki Lodro và là thầy của nhiều Lạt-ma khác, kể cả Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV hiện nay.

 

50. Bí lục (terma): Trong Phật giáo Tây Tạng, terma là Kinh sách của thế kỷ thứ VIII vào thời kỳ mới truyền bá Phật pháp, phải giấu kín để được khám phá lúc cơ duyên chính muồi. Người khám phá ra Kinh sách đó gọi là terton, có trách nhiệm truyền bá và giải thích. Đặc biệt trong dòng Nyingmapa, mọi người rất tin tưởng terma. Việc cất giữ Kinh sách ở chỗ bí mật thật ra là truyền thống Ấn Độ. Người ta còn kể lại rằng Long Thọ nhận Kinh điển từ Long vương (Naga) trao cho. Tông phái có nhiều terma nhất là Nyingmapa, mà phần quan trọng nhất là do Liên Hoa Sinh và Yeshe Tsogyal truyền lại. Các bí lục này không chỉ gồm giáo pháp từ Ấn Độ, mà của cả xứ Orgyen. Theo tương truyền, Liên Hoa Sinh giấu ở 108 chỗ tại Tây Tạng. Một trong những bí lục quan trọng ấy kể về cuộc đời Liên Hoa Sinh, và bộ Tử thư. Ngoài ra còn có những tài liệu về thiên văn và y học. Khoảng giữa thế kỷ 10 và 14, nhiều vị nhận được khải thị tìm được terma, thường thường là khải thị trong giấc mộng hoặc linh ảnh. Các vị đó có trách nhiệm tìm kiếm, xếp đặt, và luận giải thêm. Trong trường phái Nyingmapa, các vị terton được trọng thị, nhất là năm vị “vua tìm báu vật”, trong đó có Orgyan Pema Lingpa (1445-1521). Có khi một terma vừa được tìm ra thì phải giấu trở lại vì chưa đến lúc công bố. Các terma đó được gọi là “của báu phải giấu hai lần”.

 

51. Saraha, một trong các vị Đại toàn năng Ấn Độ. Tương truyền ông là con của dakini. Người ta kể ban ngày ông cử hành lễ bà-la-môn để kiếm tiền, ban đêm tu học Mật tông và hay uống rượu. Các truyện kể về ông đều nhắc lại truyện củ cải một cách thú vị. Trong các tranh tượng, người ta thường vẽ ông là thợ rèn mũi tên.

 

52. Đại toàn năng (Maha siddha): Trong Kim cương thừa, đó là những vị khổ hạnh đã đạt giáo pháp tantra. Họ có siddhi đánh dấu giác ngộ. Người ta nhắc đến nhiều nhất 84 vị của thế kỷ thứ 8 đến 12 tại Ấn Độ, là những vị tu học khác hẳn truyền thống tu tập ở chùa Đại thừa. Đó là những vị nam nữ thuộc nhiều tầng lớp xã hội, để lại nhiều bài kệ đặc biệt. Ngày nay vẫn còn tiểu sử của các vị ấy trong Kinh sách Tây Tạng như Chatrapa người hành khất, Kantali thợ may, và Kumaripa thợ gốm. Người ta còn kể đến Indrabhuti và em gái Laksminkara, và luận sư Shantipa. Các vị có điểm chung là đều trải qua cơn chấn động lớn, gặp được khai thị của đạo sư và biến chấn động thành giải thoát. Các vị thường có thái độ khó hiểu và ưa dùng nghịch lý để diễn tả cái không thể lĩnh hội được của sự thật vô thường. Trong tiểu sử của vị đại toàn năng Tandepa, ta thấy sự hòa nhập của một cuộc đời tối tăm nhất và sự giác ngộ. Ông là người ham đánh bạc, phá tan gia sản và chỉ nhờ câu khai thị “Thế giới thật ra cũng trống rỗng như túi tiền của mình”, ông mới giác ngộ và đạt Niết-bàn. Tại Tây Tạng, truyền thống ca hát của các vị đại thành này được Milarepa và Drukpa Kunleg tiếp nối. Bài ca của người thợ rèn Saraha có đoạn: “Ai thấu hiểu rằng, đầu đuôi chẳng có tâm thức nào cả, người đó đã thực hiện tâm Phật ba đời.”

 

53. Kadampa: Nguyên ngữ là “khai thị bằng lời”, một tông phái của Phật giáo Tây Tạng do đại sư Atisha sáng lập. Tông này chủ trương tái lập Kinh điển sau khi thấy Phật giáo suy tàn ở Tây Tạng vào thế kỷ X. Giáo pháp quan trọng nhất được gọi là Lojong (sám hối). Tông này không còn truyền đến ngày nay, nhưng giáo pháp lại được các tông phái khác hấp thụ, nhất là Gelugpa. Đóng góp lớn nhất của Kadampa vào Phật giáo Tây Tạng là một số phép tu thiền, hay còn gọi là phép sám hối. Phép này dựa trên quan điểm Bồ-tát đạo, và được xem như một pháp tu để phát triển Bồ-đề tâm. Trong thời Atisha, phép này chỉ truyền miệng, về sau mới ghi lại. Hai văn bản quan trọng nhất là “Tám câu sám hối” của Kadampa Geshe Langri Thangpa và “Bảy ý nghĩa của sám hối”.

Theo : sách Cầm Tay của NXB Thành phố Hồ Chí Minh và WP: Chúc Huy Nguyễn minh Hoàng

Xem mục lục