Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

Những chỉ dạy ở trên đều hướng về phần thực hành sơ cấp hay cơ bản. Bây giờ chúng ta sẽ đề cập phần thực hành cao cấp hơn, với sự nhấn mạnh đặc biệt vào :

(1) Làm thế nào để tăng cường Tumo, hay Nội Nhiệt.
(2) Làm thế nào tăng cường Lạc.
(3) Làm thế nào tăng cường sự Không Khác Biệt.
(4) Làm thế nào phát triển Định Không-Lạc.
(5) Làm thế nào chiến thắng những chướng ngại trong thực hành Tumo.

(1) Làm thế nào tăng cường Tumo, hay Nội Nhiệt

Để tăng cường Nhiệt, thiền giả làm dài lưỡi của ngọn lửa Tumo đến tám bề ngang ngón tay, nhưng nó vẫn tập trung chính yếu vào chính Tumo nguyên gốc – tức là nguồn gốc từ đó lưỡi lửa phát ra. Rồi nó có thể quán tưởng lưỡi lửa dâng lên đến Trung Tâm Trái Tim, Cổ họng hay Đầu. Một số người nói rằng Tumo không nên được quán tưởng trên Trung Tâm Cổ Họng, nhưng bởi vì ở đây chúng ta chú ý đến việc sản sanh ra nhiệt nhiều hơn nữa, thì làm như vậy là đúng đắn. Thiền giả cũng nghĩ rằng lửa Tumo tỏa khắp trong mọi kinh mạch – lớn hay nhỏ, dài hay ngắn – của toàn bộ thân thể. Như thế toàn thân thành một ngọn lửa cháy sáng. Lúc kết thúc thiền định này, tất cả lửa rút về Nội Nhiệt căn bản.

Nếu theo thực hành này, người ta vẫn không thể sản sanh Nhiệt, hay chỉ sản sanh được trong một phần thân, nó có thể làm thực tập sau đây :

Ngồi khoanh chân và hai tay nắm quanh đầu gối ; rồi giữ hơi thở Cái Bình, trong khi luân chuyển phần dưới của bụng theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ nhiều lần ; phình bụng và thót bụng nhiều lần ; xoa bóp thân thể, nhất là những chỗ lạnh… và cũng làm những thực tập khác về thân để tăng cường Nhiệt. Mọi cái này được làm khi đang giữ hơi thở. Quán tưởng một ngọn lửa lớn lan khắp thân thể cũng sẽ giúp cho tăng cường Nhiệt, nhưng điều quan trọng nhất là vẫn nghĩ Lửa Tumo đang cháy sáng trong Kinh Mạch Trung Ương…

Dù những thực tập mạnh mẽ, như Hơi Thở Cái Bình, những cử động của thân v.v… có thể sản sanh nhiệt nhanh chóng, nhiệt được sản sanh đó không bền vững, và không thể kéo dài lâu. Bởi thế lợi lạc rất ít. Nhưng nếu người ta có thể sản sanh ra Nhiệt dần dần và vững chắc, nhiệt ấy sẽ không yếu đi, và lợi lạc vô lượng sẽ có được.

Dầu trời rất lạnh, thiền giả cũng không nên mặc áo lông ; và khi rất nóng cũng không bao giờ để thân trần. Nó cũng không ở gần lửa, phơi mình ngoài nắng nóng, thổi kèn lớn hay thở qua miệng. Nó nên thực hành “Hơi Thở Cái Bình Luôn Luôn Vững Bền”(11) trong mọi lúc, ăn thức ăn tốt và bổ, và giữ gìn cẩn thận Hạt của mình.

Nếu nhiệt mãnh liệt sanh ra nơi một phần thân thể, khắp thân thể, hay giữa xương và da, thiền giả nên biết rằng đó là một triệu chứng thình lình cháy lên của Khí-Lửa. Nhưng vì thứ nhiệt này không bền vững và sẽ nhanh chóng biến mất, nó không cần chú ý vào đó, mà tập trung vào Tumo trong Trung Tâm Rốn, và cố gắng dẫn khí vào Kinh Mạch Trung Ương.

Nếu nó cảm thấy một sức nóng phúc lạc hay “xuất thần” trong Trung Tâm Rốn, rồi tăng cường độ dần dần và bắt đầu lan tỏa khắp thân thể, nó phải biết đây là Nhiệt Tumo chân thực làm tăng trưởng lớn lao sự sản xuất những Hạt đỏ và trắng.

Nếu thiền giả theo những chỉ dạy này nhưng còn chưa sản sanh được Tumo, nó cần làm những thực tập về thân nhiều hơn nữa, như là “Sáu Chuyển Động về Thân của Naropa” và v.v… như những chỗ khác có nói.

(2) Làm thế nào tăng cường Lạc

Ngồi trên mặt bằng, với gót của bàn chân trái (ép vào bụng dưới) sát với cơ vòng của hậu môn (để tránh sự thoát rỉ của Hạt). Rồi quán tưởng Hạt trắng tượng trưng bằng âm Ham Tây Tạng lật ngược [ ] – cỡ bằng một hạt đậu Hà Lan, màu trắng như tuyết, tròn, sáng chiếu lóng lánh, và nằm trong Trung Tâm Đầu. Cũng quán Lửa Tumo trong Trung Tâm Rốn, phần chót trên của nó mảnh như một móc kim nhưng rất nóng – nó bắt đầu phát sanh nhiệt đi vào trong Kinh Mạch Trung Ương ; kết quả là Hạt trắng của Trung Tâm Đầu bắt đầu chảy lỏng và rơi giọt xuống. Qua sự chảy lỏng này của Hạt, một Lạc lớn được sanh ra. Trong thực hành sản xuất ra Lạc này, thiền giả thở không khí vào để quạt Nội Nhiệt Tumo ở dưới Rốn, Nội Nhiệt này lại tiếp tục làm chảy lỏng Hạt trắng ở Trung Tâm Đầu, khiến cho Hạt giọt xuống không ngừng (và không vơi cạn) đến Trung Tâm Cổ Họng và tỏa khắp mọi kinh mạch từ đó. Một nguồn lạc và nhiệt lớn, thấm khắp toàn thân, được sanh ra như vậy. Bấy giờ dòng các Hạt nhỏ giọt chảy xuống đến Trung Tâm Rốn, và lại sản sanh lạc lớn hơn…

Nếu sự quán tưởng này chỉ phát sanh một lạc yếu ớt, thực hành sau đây cần được nhấn mạnh :

Nghĩ rằng lửa Tumo, mảnh như một cây kim, vươn từ Trung Tâm Rốn đến Trung Tâm Đầu, chạm đến Hạt trắng, làm chảy lỏng nó và làm cho nó lan tỏa qua những kinh mạch của Trung Tâm Đầu ; cùng lúc tưởng tượng rằng lạc nhiều hơn được sản sanh ; rồi tập trung vào kinh nghiệm lạc phúc này một lúc ngắn. Theo cách này thiền giả quán tưởng Hạt giọt xuống và lan qua tất cả Bốn Luân Xa.

Sau đó, “tiến trình ngược lại” được áp dụng bằng cách quán tưởng Hạt trắng trở lại Trung Tâm Đầu. Cả hai sự đi xuống và đi lên của Hạt cần được thực hành thường xuyên. Thêm nữa, thiền giả cần quán tưởng Hạt trắng và Tumo hòa lẫn với nhau làm một và tỏa khắp toàn thân qua vô số kinh mạch, như thế tạo ra lạc lớn lao. Khi Hạt trắng chảy giọt xuống Lửa Tumo, cái này co lại vào kích thước ban đầu của nó ; và khi Hạt trắng đi lên, Tumo cũng theo nó lên đến Trung Tâm Đầu.

Trong tiến trình hòa tan, và thở ra, xương sống phải giữ thẳng và những Hạt hòa lẫn (với Tumo) phải được tỏa khắp toàn thân bằng những cử động thích hợp của thân.

Nếu trong khi thực hành như thế, Lạc vẫn chưa thể sanh ra, thiền giả bấy giờ cần quán tưởng phần dưới của Kinh Mạch Trung Ương – xuống đến bộ phận bí mật – và thiền định vào Luân Xa Đại Lạc và ba mươi hai kinh mạch của nó. Tiếp theo, nó quán tưởng Hạt trắng tiếp tục giọt xuống bộ phận và lan tỏa qua những kinh mạch ấy, và kết quả là đại lạc được sanh ra. Những thực tập tiếp thêm theo chiều ngược lại để đưa Hạt lên các Luân Xa cao hơn bấy giờ được áp dụng…

Nếu những biện pháp này vẫn không làm cho một Đại Lạc sản sanh, người ta có thể áp dụng Ấn Hành Động (Karmamudra) bằng cách quán tưởng với một Dakini, trong khi dùng hơi thở để kích thích Nội Nhiệt Dumo, làm chảy lỏng Hạt trắng… Trong thực hành thường lệ, bốn Luân Xa được sử dụng ; chỉ khi làm tăng cường Lạc thì Luân Xa Đại lạc (Trung Tâm Bí Mật) mới được thêm vào và Karmamudra mới được áp dụng. Nếu làm thế thiền giả không thể giữ được Hạt, nó cần đưa các khí phía dưới lên một cách mạnh mẽ, co thắt cơ vòng ở hậu môn, quán tưởng Hạt đi lên đến Trung Tâm Đầu… và làm những bước đi ngược lên khác… Sau đó, nó tức thời thực hành những thực tập thích hợp về thân trong một ít thời gian để lan tỏa Hạt khắp hết thân thể, và rồi thiền định vào Tinh Túy Tâm giác ngộ một khoảng thời gian.

Vài bình luận về kinh nghiệm của Lạc bây giờ cần được nói đến.

Tổng quát, kinh nghiệm có thể chia thành bốn phạm trù :

(a) Nếu thiền giả cảm thấy toàn thân trở nên mềm dịu và nhẹ nhàng, và kinh nghiệm một cảm giác thích thú và dễ chịu khi chạm vào bất cứ vật gì, điều này chứng tỏ rằng nó đã “thuần hóa” được nhiều kinh mạch trong thân. Loại lạc này bởi thế được gọi là Lạc do Kinh Mạch.

(b) Nếu một cảm giác lạc thú tinh tế được cảm thấy trong một phần của thân – như khi một chỗ ngứa được gãi – nhưng cảm giác chỉ chốc lát và nhanh chóng biến mất, thiền giả được gọi là đã kinh nghiệm Lạc do Khí.

(c) Nếu một cảm giác ấm áp và xuất thần đồng thời khởi sanh khắp thân, hay trong một phần thân, đây là lạc được sản sanh do sự tăng cường Hạt đỏ.

(d) Nếu cảm giác là “khoái lạc” giống như lạc của hành động tính dục – mạnh mẽ và thấm toàn thân – nó là một lạc sanh ra do Lửa Tumo làm chảy lỏng Hạt và tùy theo cường độ của nó, có thể chia thành ba nhóm :

(i) Nếu lạc và khoái lạc mạnh mẽ và khó chịu đựng đến nỗi người ta rất khó giữ lại Hạt, bấy giờ nó được gọi là “Lạc Nam”.

(ii) Nếu lạc và khoái lạc mạnh mẽ, nhưng không mạnh như ở trên, và thiền giả khá dễ dàng kiểm soát Hạt, bấy giờ nó được xem là “Lạc Nữ”.

(iii) Nếu lạc và khoái lạc không mạnh như ở trên, và thiền giả rất dễ dàng kiểm soát Hạt, bấy giờ nó được gọi là “Lạc Trung Tính”.

Người ta phải nhớ rằng những lạc này đều do Lửa Tumo làm chảy lỏng Hạt, chúng không phải là Đại Lạc được sản sanh khi những khí đi vào và hòa tan trong Kinh Mạch Trung Ương, điều chúng ta sẽ bàn chi tiết ở sau.

Vì sự giữ lại của Hạt trong suốt kinh nghiệm xuất thần là điều quan trọng chủ yếu, vài bình giảng cần có ở đây. Tổng quát, nhiều người thường có thể giữ lại Hạt nếu họ có thể quán tưởng rõ ràng Ba Kinh Mạch và Bốn Luân Xa với sự trợ giúp của vài thực tập như Sáu Cử Động của Naropa v.v… Nhưng có những người mà Hạt của họ rất không ổn định và khó kiểm soát, bởi thế khi họ thực hành tăng cường lạc, họ thấy khó giữ lại dòng Hạt. Trong trường hợp này, vài thực tập đặc biệt để kiểm soát nó, như là “Những Cử Động thân của Con Cọp”, “Con Voi”, “Con Rùa”, và ”Con Sư Tử” nên được thực hành, những thực tập này làm cho Hạt có thể giữ được, kéo lại và tỏa ra…

(3) Làm thế nào tăng cường sự Không Khác Biệt

Theo những vị Guru, để làm mạnh thêm kinh nghiệm Không Khác Biệt thiền giả quan sát rất cẩn trọng bản chất của Lạc tạo ra bởi Tumo, cũng như bản tánh của tâm và những biểu lộ của nó. Nó cần nỗ lực thấy được bản tánh Không của mọi sự và ở trong trạng thái bổn nhiên càng lâu càng tốt. Trong sự thực hành Yoga về Lạc, nó cố gắng hòa lẫn Lạc và tánh Không. Đây là nguyên lý tổng quát của thực hành Không Khác Biệt. Với người đã chứng nghiệm tánh Không và Tinh Túy Tâm, ít lời này là đã đủ, nhưng với người chưa được như vậy, phải nói thêm rằng :

Để có được sự quán thấy sâu hơn vào Không Khác Biệt, thiền giả cần để một nửa đến hai phần ba trong mỗi thời thiền định để làm việc này. Người ấy không phải quán tưởng các kinh mạch, cũng không thực tập Hơi Thở Cái Bình hay các thứ, mà tập chú vào sự quan sát tánh Không. Nếu nó đã được một mức độ vững vàng trong Định, nó phải dùng sức định đó để tiến thêm trong sự quán chiếu tánh Không ; nếu không, trước tiên nó phải cố gắng đạt đến một Định vững chắc bằng pranayama (sự kiểm soát hơi thở) hay những biện pháp khác. Bởi vì trừ phi Định của nó vững chắc, nó không thể quán chiếu Tự Tâm một cách hiệu quả và đạt đến trạng thái Không Khác Biệt. Sau đó, thiền giả dùng phương pháp “thình lình buông lỏng và thình lình cảnh giác” để đạt đến Định vượt qua sắc tướng, và nhờ đó quán sát sâu xa hơn trước bản tánh của tâm và trò biến hóa của nó. Bấy giờ nó sẽ chứng ngộ rằng Tinh Túy Tâm bất khả tư nghì là một Toàn Thể Minh-Không, siêu vượt mọi ý niệm, và rằng mọi biểu lộ và tư tưởng xao động như sóng tự chúng là trống không, bởi thế mà vĩnh viễn thoát khỏi mọi nghi ngờ và sợ hãi. Thiền giả cũng cần quán sát tâm sanh, trụ và diệt như thế nào, và cố gắng cảm nghiệm những tiến trình này trong một cách sâu xa nhất. Với thực hành đồng nhất tánh Không với âm thanh, với hình sắc, và với Giác Ngộ cũng sẽ cực kỳ có ích.

Một phần ba của mỗi thời thiền định sẽ được dùng để thực hành Hơi Thở Cái Bình “loại nhẹ”, và Đại Ấn (Mahamudra). Sau khi thiền định, người ta vẫn cố gắng giữ Tỉnh Giác sống động, và đồng hóa mọi kinh nghiệm với Con Đường. Những chi tiết về sự thực hành này, xin xem Tổng Quát về Thiền Định Đại Ấn của tôi.

(4) Làm thế nào phát triển Định Không-Lạc

Bây giờ tôi sẽ bình giải ngắn gọn làm thế nào để phát triển Định Không-Lạc.

Thực hành Định này (của Yoga giai đoạn Thành Tựu) là sự hòa nhập sự chứng nghiệm tánh Không của mình với Bốn Lạc sanh ra bởi Tumo. Thực hành với những khí, kinh mạch, và hạt trong khi tâm chìm trong kinh nghiệm Không-Lạc, là con đường nhanh nhất đến giải thoát và giác ngộ. Nhưng trước hết người ta phải khơi dẫn một Lạc vững chắc để nếm mùi, quan sát nó và đồng hóa nó với tánh Không trong cách mật thiết nhất. Ví dụ, khi Hạt chảy lỏng tỏa ra qua Luân Xa Đầu, Lạc Thứ Nhất sẽ khởi sanh. Trong lúc đó tâm thiền giả phóng thẳng vào trong Lạc này – hòa lẫn tâm với tánh Không tự sáng tỏ, hay cái gọi là “Kinh Nghiệm Đại Ấn Không-Lạc Hai trong Một”, mà không có một thất niệm nhỏ nhất nào. Thực hành như thế, đa số các hình thức thô của những tư tưởng phóng dật sẽ được chế ngự. Khi những Hạt đi xuống Trung Tâm Cổ Họng và tỏa ra qua nó, Lạc Tối Thượng sẽ sanh khởi. Và nếu bấy giờ thiền giả tập trung vào Trung Tâm Cổ Họng trong khi đắm mình vào Định Không-Lạc, hầu hết những tư tưởng phóng dật vi tế sẽ được chế ngự. Khi Hạt xuống đến Trung Tâm Trái Tim và tỏa ra qua nó, cái Thứ Ba hay Lạc Siêu Vượt sẽ sanh khởi ; bấy giờ thiền giả tập trung vào Trung Tâm Trái Tim trong Định Không-Lạc, và như thế mọi tư tưởng phóng dật sẽ được chế ngự. Khi những Hạt xuống đến Luân Xa Rốn… Lạc Bổn Nguyên sẽ sanh khởi…

Tiến trình ở trên được gọi là tiến trình Đi Xuống. Sau đó, thiền giả cần thực hành tiến trình Đi lên, nó là sự ngược lại với cái trước… Từ Rốn, Hạt đi lên Trung Tâm Trái Tim, Cổ Họng và Đầu, và Đại Lạc Bổn Nguyên lúc ấy sẽ khởi sanh…

Vào lúc kết thúc thiền định này, thiền giả không lưu tâm tới mọi kinh mạch và Luân Xa, và thực hành Hơi Thở Cái Bình loại nhẹ một số lần, tập trung vào Đại Ấn và Tumo. Trong hoạt động hàng ngày, nó cũng cần cố gắng giữ gìn cảm giác về Không-Lạc và dùng tất cả những gì nó gặp để triển khai thêm mục tiêu này.

Nếu người ta tập trung vào một Luân Xa, khí sẽ tự nhiên tự chứa ở đó. Nếu khí được tập trung vào những Luân Xa, Hạt cũng sẽ trở nên an định và Bốn Trí Huệ-Lạc(12) sẽ khởi sanh.

Một điểm cực kỳ quan trọng cần được nói rõ ở đây. Những Lạc này được sản sanh khi Hạt chảy lỏng bởi Nội Nhiệt Tumo chỉ có thể khởi dẫn Bốn Trí Huệ-Lạc “Tương Tự” nhưng không phải là Bốn Trí Huệ-Lạc “Thật Sự”. Nhưng người nào qua sự thực hành liên tục duy trì và làm an định những kinh nghiệm Không-Lạc này cuối cùng sẽ dẫn khí đi vào trong Kinh Mạch Trung Ương… và Bốn Lạc “Thật Sự” lúc ấy sẽ khởi sanh. Nếu thiền giả có thể nhận ra chúng và đồng hóa chúng với Tinh Túy Tâm minh-không, bấy giờ Bốn Trí Huệ-Lạc sẽ khởi sanh.

Trí Huệ “Tương Tự” còn pha trộn với ngã-pháp vi tế, hay những ý niệm nhị nguyên, là cái biểu lộ ra trong giai đoạn đầu của sự quán sát tánh Không. Trí Huệ Thật Sự là Trí Huệ chân thực thoát khỏi mọi nhị nguyên.

Bốn Lạc sanh ra bởi thực hành Yoga Tumo là quá bao la và quá sâu thẳm trong phạm vi và cường độ, đến nỗi không lời nào có thể diễn tả chúng. Khi một người đạt đến trạng thái này nó được nói là đã đạt đến Định Không-Lạc. Bởi thế Tumo là nền tảng của mọi thực hành Tantra. Từ “Tumo” (TT. gTum Mo) có nghĩa là “một người đàn bà hung dữ có thể phá hủy mọi phiền não” ; nó cũng có thể hiểu là “người có thể sản sanh ra Trí Huệ Minh-Không”. Bởi thế Tumo là Lửa của Trí Huệ siêu việt thiêu sạch mọi vô minh và thói xấu.

Thiền giả cũng cần biết bốn loại Tumo :

(a) Tumo ngoài : Tumo của Yoga Phát Sanh, nó có thể tiêu hủy mọi cái xấu và chướng ngại.
(b) Tumo trong : Tumo của Sinh Khí nó có thể chữa lành bốn trăm lẻ bốn loại bệnh.
(c) Tumo bí mật : Tumo của sự chảy lỏng và đi xuống nó có thể hủy diệt mọi phiền não.
(d) Tumo siêu việt : Tumo của Không Khác Biệt nó có thể làm hiển lộ Trí Huệ Bổn Nguyên.
(5) Làm thế nào chiến thắng những Chướng Ngại trong thực hành Tumo

Những chướng ngại chính khi thực hành Yoga Tumo là bốn cái thông thường chung cho mọi thiền giả và hành giả – bệnh hoạn, gián đoạn, tham dục và cái chết. Nhưng người ta phải không bị chúng hàng phục, mà chiến đấu với chúng bằng sự can đảm và kiên trì. Những khó khăn đặc biệt trong thực hành Tumo là như sau :

Trong giai đoạn đầu, khi các kinh mạch trong thân chưa được thuần hóa, thiền giả sẽ có nhiều khó khăn về thân. Nó sẽ bị quấy nhiễu bởi nhiều loại bệnh hoạn và đau đớn, mất sức và cảm thấy rất yếu. Nếu nó đã có vài bệnh kinh niên hay “bệnh cũ”, chúng sẽ phát triển thêm. Bởi vì những khí chưa được thuần hóa trong giai đoạn bắt đầu, người ta gặp những sự yếu kém (khác) và những khó khăn khi giữ hơi thở. Bởi vì các hạt chưa tỏa khắp toàn thân, tâm thức người ta không thể hoạt động một cách sáng tỏ, và như thế kinh nghiệm của nó sẽ kém. Bởi vì sự tập trung chưa vững chắc, nhiều tư tưởng phóng dật sẽ khởi lên, và kết quả là người ta trở nên rối loạn khó thực hành và tư duy chân chánh. Hơn nữa, khi người ta không biết cách thực hành đúng, những chướng ngại lớn về khí, kinh mạch và hạt sẽ xảy ra. Mọi sự quấy nhiễu này sẽ ngăn cản thiền giả thực hành Tumo. Sự chữa lành thì giản dị : can đảm và kiên trì. Lúc ấy thiền giả nên tham thiền về các khổ của sanh tử luân hồi, sự vô thường của đời sống… để sanh khởi một tinh thần từ bỏ sâu xa. Nó cần làm mới lại nguyện vọng đạt đến Thân Kim Cương Hai trong Một của Phật quyết định chịu đựng mọi đau bệnh và nghiệp quả mà không có một tư tưởng lùi bước. Nó cũng cần đọc tiểu sử của các Guru và bậc Thánh thành tựu để làm mạnh thêm can đảm và quả quyết. Nó phải tin rằng can đảm và kiên trì có thể chiến thắng mọi khó khăn trên Con Đường.

Ngược lại, nếu thiền giả sống quá khổ hạnh, nó sẽ không có sức mạnh để duy trì thực hành Tumo. Kết quả là nó sẽ miễn cưỡng không muốn thực hành thêm, và sẽ dừng lại dọc đường. Trong trường hợp này, nó cần nghỉ ngơi hoàn toàn và ăn thức ăn tốt và bổ để phục hồi sức mạnh và sức khỏe.

Trong thực hành Tumo, nếu người ta thuần hóa được khí và kinh mạch, nó sẽ cảm thấy toàn thân khinh an ; sức nóng sẽ phát sanh (từ Trung Tâm Rốn) và hạt sẽ trở nên nhẹ nhàng và không ngừng.

… Mọi thứ này làm cho nó cảm thấy rất hoan hỷ và mạnh mẽ. Nhưng kết quả là tăng thêm rất nhiều Hạt, và dục lạc cũng tăng thêm tương đương. Ở thời điểm quyết định này người ta cần cực kỳ thận trọng và khéo léo trong việc bảo tồn Hạt của mình. Nếu chểnh mảng hay buông lỏng cố gắng, nó sẽ bị mối nguy mất Hạt – điều này có thể xảy ra trong khi mộng, khi thiền định hay ngay cả khi thức. Sự mất mát Hạt là một thất bại chí tử cho Yoga Nội Nhiệt ; bởi thế người ta phải cực kỳ cẩn trọng để giữ gìn nó. Người ta cần tuân thủ giới luật một cách chặt chẽ và tham thiền về những sự bất tịnh của thân thể con người, và vân vân, để hàng phục dục lạc. Quán sát thâm nhập vào bản chất của dục lạc cũng sẽ giúp cho sự chiến thắng nó.

Nói chung, sự mất mát Hạt làm chướng ngại mọi thực hành thiền định, nhưng nó luôn luôn là chí tử đối với Yoga Nội Nhiệt. Không có lợi lạc nào có thể có được từ bất cứ loại thiền định nào nếu người ta mất đi Hạt của mình. Bởi thế mọi cố gắng cần được làm để bảo tồn năng lực sinh khí này, gồm cả những áp dụng các thực tập đặc biệt khác nữa được chỉ định để giữ lại và củng cố nó.

Khi một thiền giả đã có vài tiến bộ trong thực hành Tumo và có được một số kinh nghiệm tốt về Lạc, Giác và Không Khác Biệt, cũng như những công đức khác, (nó sẽ có một thôi thúc mạnh mẽ) nói những kinh nghiệm của nó cho những người khác ; nhưng nếu làm thế, nó có thể mất mọi công đức và kinh nghiệm và sẽ khó khăn để có được chúng trở lại. Hơn nữa, nếu người ta vi phạm Giới Luật Samaya (những Giới Luật Tantra), nó cũng sẽ mất những kinh nghiệm và thành quả có được trong quá trình cầu Đạo. Nếu điều này xảy ra, nó nên nghĩ rằng mọi kinh nghiệm và công đức là như huyễn – không có tự tánh, như cầu vồng – và không bám chấp vào chúng, mà quán chiếu chân lý tánh Không. Nó cần sám hối lỗi lầm không giữ kín những kinh nghiệm bên trong của mình và phải quyết định không nói cho bất kỳ ai về chúng ngoại trừ Guru của mình, trong tương lai. Nếu nó xâm phạm vài luật Samaya, nó cần thú tội và trì tụng Thần Chú Vajrasattva để tái lập, và cũng cầu xin bậc Guru ban cho những quán đảnh nhập môn mới, hay cầu nguyện Phật Bổn Tôn để quán đảnh nhập môn cho một lần nữa. Nó phải thực sự từ bỏ mọi vinh quang thế gian, kiêu mạn và bám chấp, và quyết định phát triển thiền định như một thiền giả đích thực.

Nếu người ta theo những lời dạy căn bản của giáo pháp, và thực hành tương hợp với những chỉ dạy này, nó sẽ không gặp nhiều chướng ngại. Tuy nhiên, đối với những người khả năng thấp và những người thực hành quá dũng mãnh, nhiều chướng ngại về khí, kinh mạch và hạt sẽ khởi lên. Để chiến thắng chúng, người ta có thể dựa vào một tác phẩm khác của tôi, Sách Đỏ về Yoga Nội Nhiệt.

Những người coi Yoga Nội Nhiệt như là sự thực hành đều đặn và thường xuyên của họ cần giữ vài luật lệ đặc biệt. Để bảo tồn sức nóng, thiền giả trong bất kỳ thời thiền định nào, cần thực hành những thực tập hơi thở ít nhất một khoảng thời gian, và luôn luôn quán tưởng Lửa Tumo. Nó không nên sợ nóng hay lạnh ; ngay trong khí hậu rất lạnh cũng không bao giờ mặc áo lông hay quần áo quá dày, và không bao giờ đi trần trong thời tiết nóng. Nó không thổi tắt một ngọn đèn hay lửa, cũng không uống hay ăn đồ quá lạnh.

Để giữ gìn lạc phúc, thiền giả cần cố gắng nhiều để bảo tồn hạt ; không để mất chúng trong bất kỳ trường hợp nào. Cũng không ăn gừng, ớt, tỏi, tiêu, cá thịt đã hư, hay loại gì quá chua, mặn, hay thức ăn quá nhiều chất bổ. Nó không ở quá gần ngọn lửa hay phơi mình trong nắng nóng ; cũng không ngồi trên đất mà không có đệm, không đi chân trần, ngủ ban ngày, hay làm hoạt động gì đổ nhiều mồ hôi.

Để duy trì sự thiền định sâu xa, nó cần ở nơi tĩnh mịch và từ bỏ mọi hoạt động vô nghĩa.

Xem mục lục