Trong nhiều sách dạy về Sáu Yoga, sự thiền định về Phật Bổn Tôn (Yidam) không được giải thích rõ ràng. Dầu hiểu rằng người ta trước hết phải thực hành và hoàn tất Yoga Phát Sanh trước khi có thể thực hành Yoga Thành Tựu, ngày nay người Tây Tạng hiếm khi thực hiện cố gắng này. (Đây thực là điều rất đáng tiếc) bởi vì quán tưởng thân huyễn của Phật Bổn Tôn là một nền tảng cho Yoga Thành Tựu đồng thời là một phương tiện để đạt đến Báo Thân viên mãn trong trạng thái Trung Ấm. Sự quán tưởng hình ảnh của Phật Bổn Tôn trong thực hành Yoga Phát Sanh bởi thế được nêu ra sau đây :
Kiếm một bức vẽ rất rõ ràng Phật Bổn Tôn, đặt nó (ở một góc) giữa hai tấm gương, và quan sát tính như huyễn của ba hình ảnh này. Dùng bức hình như một chỗ dựa để quán tưởng Phật Bổn Tôn, cho đến khi Ngài xuất hiện rõ ràng trong con mắt tâm như một người tình trong con mắt tâm của một người đang yêu. Hành giả được khuyên quán tưởng toàn bộ hình ảnh toàn thân cùng một lần, và giữ nó lại rõ ràng càng lâu càng tốt. Sau một lúc thị kiến nhạt mờ đi, và bấy giờ nó cần quán tưởng một phần thân thể cho đến khi nó trở nên cực kỳ rõ ràng. Nó nên bắt đầu với đầu và mặt ; rồi cổ, thân, tay chân… cho đến khi toàn thể thân trở nên sống động và rõ ràng.
Như một người đã xem khiêu vũ trong một thời gian dài có thể dễ dàng hình dung mình như người khiêu vũ, cũng thế người quan sát một bức vẽ có thể quán tưởng nó một cách rõ ràng và dễ dàng. Một thị kiến rõ ràng và bền vững chỉ có thể thiết lập qua thực hành liên tục, đều đặn. Sự ngắt quãng là tai hại cho sự thành tựu quán tưởng.
Người nào thực hành thực tập này cực kỳ tốt có thể thấy thị kiến của mình còn rõ hơn chính bức vẽ ; người thực hành tốt vừa có thể thấy nó cũng rõ ràng như bức vẽ ; và người không tốt thì mờ tối hơn bức vẽ…
Người thực hành quá chặt chẽ sẽ khơi dẫn một số nhiều những tư tưởng phóng dật ; nếu quá buông lỏng, sẽ trở nên hôn trầm. Bởi thế cần tự điều chỉnh với những điều kiện khác nhau và theo con đường trung đạo.
Khi thị kiến về Phật Bổn Tôn trở nên rất vững chắc và rõ ràng, thiền giả cần bước thêm một bước nữa, và đồng hóa thị kiến với tánh Không. Quán tưởng mà không có cái thấy về tánh Không thì cùng lắm chỉ là tưởng tượng tốt. Ngay cả sự thiền định về tính như huyễn của Thân Phật Bổn Tôn mà không có một chứng ngộ trực tiếp về tánh Không thì cùng lắm chỉ tạo ra được một Thành Tựu tương đối chứ không phải tối hậu. Mặt khác, người nào biết tánh Không có thể lập tức thấu hiểu thị kiến về Phật Bổn Tôn như một ảo ảnh của tâm thức được phóng chiếu ra, không có chút thực thể nào. Nó thấy rằng hình tướng là tự thân tánh Không và chẳng cần phải đồng hóa nó với tánh Không…
Trong thiền định thiền giả cần “nhúng” thị kiến Phật Bổn Tôn vào trong tánh Không tự-sáng-chiếu mà không có lơ đãng. Sau thiền định, nó cố gắng giữ gìn tánh Giác và đồng hóa nó với mọi thứ nó gặp…
Tóm tắt, thị kiến Phật Bổn Tôn được phóng chiếu ra trong thực hành Yoga Phát Sanh là một diễn đạt Chân Lý rằng mọi cái xuất hiện là tánh Không, và là một biểu tượng của tánh huyễn không có thực thể hay thực tại nào. Nếu dùng ví dụ, chúng ta có thể so sánh nó với sự xuất hiện huyễn thuật ; với sự phản chiếu của mặt trăng trong nước ; với một cái bóng không xương và thịt ; một ảo ảnh thoáng qua chốc lát ; một giấc mộng do tâm thức phóng chiếu ; một tiếng vang sanh từ duyên khởi ; một ảo tưởng không có thực thể ; một đám mây thường xuyên thay đổi hình dạng ; một cầu vồng, đẹp đẽ và sống động, nhưng không có chất thể ; một tia chớp, nhanh chóng xuất hiện và biến mất ; một bọt nước, thình lình sanh ra và tan vỡ ; một hình ảnh trong gương, biểu lộ sống động nhưng không có tự thể.
Khi thiền giả có thể an định thị kiến Phật Bổn Tôn một cách dễ dàng và thoải mái, bấy giờ người ấy bành trướng Thân của Bổn Tôn đến tầm cỡ vũ trụ ; rút nhỏ nó lại bằng tầm cỡ một hạt cải nhỏ ; và nhân nhiều nó lên từ một đến triệu triệu. Rồi nó rút mọi hóa thân này về Thân nguyên khởi và thiền định về nó trong một ít lâu. Trong sinh hoạt hàng ngày nó cần đồng hóa mọi kinh nghiệm của nó với cõi Phật ; nhà cửa và đô thị với Mạn đà la ; thế giới với quốc độ thanh tịnh của Phật ; mọi người với chư Phật chư Bồ tát. Nó cần nghĩ rằng mọi âm thanh là xướng tụng của những Thần Chú ; mọi tư tưởng là trò chơi của Pháp Thân ; mọi đồ vật và những thứ thưởng thức là đồ cúng dâng lên chư Phật. Theo cách này, nó sẽ tịnh hóa mọi biểu lộ hình tướng của Sanh Tử và hòa lẫn chúng với tánh Không tự-chiếu sáng.
* * *
Để biểu lộ Bốn Không hay Bốn Lạc, trước hết thiền giả đem khí vào Kinh Mạch Trung Ương, và rồi từ cái Không thứ tư, hay Không Bổn Nguyên, Thân Huyễn làm bằng Tâm-Khí sẽ sanh khởi. Để thành tựu điều này, một chữ Hum [ ] màu xanh – biểu tượng của Tâm-Khí – phóng những tia sáng năm màu, được quán tưởng trong Trung Tâm Trái Tim khi duy trì Hơi Thở Cái Bình. Đây là phương cách những khí sẽ được đưa vào Kinh mạch Trung Ương và những dấu hiệu khói, ảo ảnh v.v… và những Ánh Sáng của sự Xuất Hiện, Tăng Trưởng và Đạt Đến sẽ lần lượt sanh khởi. Trong lúc đó chữ Hum cũng tan vào trong Ánh Sáng Vĩ Đại. Bấy giờ thiền giả trầm mình trong Định Ánh Sáng càng lâu càng tốt. Cuối cùng khi nó ra khỏi Định này, nó phóng xuất ra Thân Huyễn của Phật Bổn Tôn làm bằng Tâm-Khí.
Người nào cảm thấy khó làm chủ những việc này cần tập trung trước tiên vào chữ Hum màu xanh khi duy trì Hơi Thở Cái Bình, và thực hành Tiến Trình Hòa Tan của hơi thở đó.