Theo truyền thống của Phật pháp, tu hành tâm thức là một tiến trình tiệm tiến. Chúng ta tịnh hóa chính mình bằng cách thoát khỏi những khuyết điểm lớn nhất của chúng ta trước tiên. Và chúng ta phát triển những phẩm tính tốt bằng cách làm lớn mạnh một số ít chúng ta đã có. Aryadeva,(16) đệ tử chính của Nagarjuna, nói :
Trước tiên từ bỏ cái xấu,
Rồi từ bỏ cái ta,
Cuối cùng từ bỏ tư tưởng.
Bậc trí là người biết điều này.
Đây là con đường mà một người trí đảm đương. “Trước tiên từ bỏ cái xấu.” Để đạt được toàn trí rốt ráo và có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh, cần có một đời sống của con người, nó là chỗ dựa tối cao cho sự tiến bộ đến giác ngộ. Để có được một đời sống làm người, nó là một tái sanh may mắn, cần phải tránh những hành động bất thiện chúng sẽ dẫn đến sự sanh vào ba cõi thấp của sanh tử.
“Rồi từ bỏ cái ta.” Đã bỏ những hành động tiêu cực, chúng ta phải bỏ những nguyên nhân của chúng, là những thức tình tiêu cực. Cái đối trị duy nhất với những thứ này là trí huệ thấu biết sự không thực của sự vật. Theo Nagarjuna và những con cháu tâm linh của ngài, gốc rễ của những thức tình tiêu cực là cái vô minh tin rằng những hiện tượng là thực. Cái này có nhiều dạng, thô và tế. Tuy nhiên, để giải tan ý niệm về bản thể, chúng ta trước tiên phải từ bỏ niềm tin vào sự hiện hữu của cá nhân như một thực thể, hay cái ta. Nhưng không đủ nếu chỉ có một cái hiểu mơ hồ về vấn đề này. Cần phải tinh lọc sự thấu hiểu và nội quán của chúng ta, và phải đạt được trí huệ vi tế ấy nhờ đó ý niệm về cái ta bị trừ tiệt.
“Cuối cùng từ bỏ tư tưởng.” Để đạt giác ngộ, chúng ta phải trừ bỏ không chỉ những thức tình tiêu cực và những nguyên nhân của chúng mà còn là những tập khí thói quen làm che ám hiểu biết. Một khi chúng ta hủy diệt những che chướng này, chúng ta đạt đến toàn giác. Con đường dẫn đến cái ấy là trí huệ thấu hiểu rằng sự vật không có thực tại, vô tự tánh.
Qua thiền định chúng ta có thể kiến lập vững chắc cái thấy tánh Không. Cái thấy phi thường này, thấm đẫm lòng bi và kết hợp với sự tích tập công đức, hủy hoại toàn triệt những màn che làm tối ám hiểu biết. Mục đích của thiền định như vậy là để tác động như cái đối trị với những thức tình tiêu cực của riêng chúng ta và những dấu vết của chúng và, một cách gián tiếp, với những che chướng của tất cả những chúng sanh khác. Một khi mục tiêu này đã hoàn thành, mọi ý niệm, gồm cả ý niệm về tánh Không, phải được từ bỏ.
“Bậc trí là người biết điều này.” Câu này ám chỉ những người biết những giai đoạn khác nhau của con đường và những điểm chính yếu của con đường đó và họ thực hành chúng trong thứ tự đúng đắn hầu đạt đến chứng ngộ viên mãn. Bởi thế rất quan trọng cần biết thực hành thế nào cho thích hợp và không thỏa mãn với một hiểu biết mơ hồ hay phần hạn về con đường. Bồ Tát Hạnh cho một sự giải thích đầy đủ về toàn bộ con đường. Xin hãy nghiên cứu nó với ý định đưa vô cùng chúng sanh, họ đã từng là cha mẹ của chúng ta, đến giác ngộ.(17)
Nếu chúng ta muốn giúp đỡ chúng sanh, chúng ta phải có khả năng giải thoát họ khỏi khổ và trừ bỏ vô minh của họ. Điều này nghĩa là bản thân chúng ta phải có chứng ngộ chân thật, và cái này chỉ có thể thành tựu nhờ tinh tấn và sự triển khai quán chiếu trong sáng và định tĩnh của tâm thức. Đấy là làm thế nào phát triển Bồ đề tâm tương đối và bắt đầu giúp đỡ chúng sanh.
Trước khi thọ nhận thệ nguyện của Bồ đề tâm, chúng ta nên nhớ trong tâm cái gì chúng ta nhắm đến và thế nào chúng ta cần tiến hành. Bấy giờ chúng ta cần đọc tụng Cầu Nguyện Bảy Ngành,(18) với tư tưởng hướng đến lý tưởng của Bồ đề tâm. Cái thứ nhất của Bảy Ngành là xưng tán :
1. Đến tất cả chư Phật, những bậc Đi Như Thế,
Đến Pháp thiêng liêng, vô nhiễm, tối thượng và hy hữu,
Và đến những người thừa kế của Phật, một đại dương của phẩm tính tốt lành –
Để nắm giữ được tâm thái quý giá này, con xin xưng tán và cúng dường trọn vẹn.
Theo sau là ngành cúng dường :
2. Con cúng dường mỗi trái mỗi hoa,
Mỗi loại tinh chất chữa lành,
Tất cả những đồ quý báu thế gian cung cấp,
Và tất cả nước thanh tịnh trong mát ;
3. Mỗi ngọn núi chứa đầy ngọc quý,
Tất cả những khu rừng vắng vẻ thơm hương ;
Những cây cối cõi trời, nở hoa rực rỡ,
Và cành nhánh trĩu nặng trái cây ;
4. Mùi hương thơm của những cõi trời và người.
Mọi hương trầm, cây thành tựu điều ước, và cây ra quả ngọc,
Mọi ngũ cốc lớn lên không cần người trồng,
Và mọi đồ vật lộng lẫy đáng để cúng dường ;
5. Những hồ và ao trên núi trang hoàng bằng hoa sen,
Tiếng hát ngọt ngào của những con thiên nga
Trông đáng yêu, và mọi sự vật hoang dã và tự do,
Suốt khắp những biên giới vô bờ của bầu trời.
6. Con giữ chúng trong tâm, và làm một cúng dường hoàn hảo
Đến chư Phật tối cao và những người thừa kế của các ngài.
Ôi, những đấng Đại Bi, xin nghĩ đến con với lòng từ mẫn,
Những vật thiêng liêng con dâng tặng, xin hãy chấp nhận những sự cúng dường này.
Ở đây chúng ta cúng dường tất cả những thứ gì chúng ta có cùng với tất cả những thứ khác trong vũ trụ, những sự vật sở hữu bởi một người nào và những thứ không thuộc về ai cả. Bấy giờ chúng ta cúng dường thân thể của chính mình. Dầu chúng ta có hay không một thân thể hoàn hảo, chúng ta cũng dâng cúng nó một cách thành thật. Đây là một phương pháp lìa bỏ khỏi những hành động xấu trên mức độ vật chất. Tiếp theo chúng ta cúng dường nước tắm hương, áo quần cõi trời, hương thơm tinh tế, hương trầm, những bài ca tán thán…
Tất cả những đồ cúng dường này không chỉ là số lượng mà còn quan trọng là phẩm chất. Phẩm chất liên quan đến những phẩm vật và cả ý định theo đó chúng được cúng dường. Những phẩm vật cúng dường không phải là những vật có được một cách không lương thiện. Ý định của chúng ta cũng không bị hư hỏng bởi tám mối bận tâm thế gian : được hay mất, sướng hay khổ, khen hay chê, và vinh hay nhục.
Khi chúng ta nói đến những đồ cúng dường không thuộc về ai cả, như là mọi phong cảnh đẹp trong thế giới và trong tất cả những vũ trụ khác chúng không có chủ nhân, thoạt nhìn chúng không có vẻ liên hệ chút gì với chúng ta. Có ích gì khi cúng dường một cách tâm tưởng cái không phải là của chúng ta ? Nhưng Abhidharma có nói, “Mọi hệ thống thế giới là kết quả của nghiệp.”(19) Và theo Đi vào Trung Đạo :
Vô số chúng sanh và vũ trụ
Được tạo ra bởi tâm.
Tất cả những vũ trụ và chúng sanh là kết quả của nghiệp.
Vũ trụ mà chúng ta đang ở và tri giác về nó mà chúng ta chia xẻ với nhau là những kết quả của nghiệp chung. Cũng thế, những nơi chốn mà chúng ta sẽ kinh nghiệm trong những tái sanh tới sẽ là hậu quả của nghiệp mà chúng ta chia xẻ với những chúng sanh khác sống ở đó. Những hành động của mỗi chúng ta, người hay loài không phải người, đã góp phần vào thế giới chúng ta đang sống. Tất cả chúng ta đều có một trách nhiệm chung đối với thế giới của chúng ta và liên hệ với mỗi cái trong đó. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể đem nó để cúng dường.
Tiếp theo đến ngành lễ kính.
24. Đến chư Phật quá khứ, hiện tại và khắp cả tương lai,
Đến giáo pháp và tăng đoàn thiêng liêng
Với thân thể số nhiều như bụi nhỏ
Khắp cả pháp giới con xin lễ lạy.
Lễ lạy là cái đối trị với kiêu căng và tự phụ. Trước khi những vị thầy bắt đầu giảng dạy, các ngài lễ lạy cái ngai trên đó các ngài sẽ ngồi. Các ngài làm thế như một sự bảo vệ với tự phụ. Ở đây chúng ta phải phân biệt giữa tự phụ và tự tin. Tự phụ là không đáng ưa, trong khi chúng ta cần có tự tin và sức mạnh bên trong đến từ nó.
Quy y đi trước ngành sám hối.
26. Cho đến khi tinh túy của giác ngộ đạt được,
Con tiếp tục quy y nơi tất cả chư Phật ;
Cũng thế, con quy y trong Pháp
Và toàn thể chư Bồ tát.
Để làm một sám hối đích thực, cần phải làm với bốn năng lực. Cái thứ nhất là năng lực của chỗ nương dựa, đó là quy y Tam Bảo và phát sinh Bồ đề tâm. Năng lực thứ hai đòi hỏi sự hối tiếc sâu xa và thành thật với mọi hành động xấu chúng ta đã làm cho tới hôm nay và những thức tình tiêu cực chúng ta đã phóng túng. Năng lực thứ ba là quyết định không bao giờ phạm lại những hành động xấu ấy nữa, dầu phải trả giá bằng cả cuộc sống chúng ta. Thứ tư là năng lực của những cái đối trị, như là lễ lạy, trì chú, và những thực hành tịnh hóa đặc biệt.
Khi nghĩ đến những hậu quả của những hành động xấu, chúng ta nên làm cho sự sám hối của chúng ta sâu xa hơn và mạnh mẽ hơn bằng cách suy nghĩ đến sự không tránh khỏi của cái chết và đến sự không chắc chắn khi nào nó xảy ra. Khi chúng ta sắp chết, tương lai của chúng ta sẽ được định đoạt chỉ bởi những hành động tốt và xấu chúng ta đã làm.
33. Thần chết thật phản phé không lường !
Dù điều chúng ta phải làm đã được làm hay chưa,
Chúng ta không thể nán lại. Trong đau yếu hay khi khỏe mạnh,
Chúng ta không thể tin vào mạng sống chớp nhoáng, lập lòe của chúng ta.
34. Chúng ta phải đi khỏi đời này bỏ lại mọi thứ,
Nhưng tôi, do không có ý thức và thận trọng,
Vì bạn cũng như vì thù,
Đã tự đem lại biết bao điều xấu ác.
35. Những kẻ thù của tôi cuối cùng cũng không còn,
Những người bạn của tôi và chính cả tôi
Rồi sẽ ngừng hiện hữu.
Và mọi thứ như thế đều có số mệnh là hủy diệt.
38. “Chính tôi sẽ thình lình ra đi,”
Những tư tưởng như thế luôn luôn cách xa tôi,
Và bởi thế, với ghét, tham và vô minh,
Tôi là nguyên nhân của nhiều lầm lỗi.
Nếu chúng ta nghĩ về cái chết theo cách này, chúng ta sẽ tự nhiên hối tiếc những hành động tiêu cực trong quá khứ của chúng ta và muốn sám hối chúng tức thời, cảm thấy khó chịu cho đến khi nào hoàn toàn làm sạch được chúng. Chính với một cảm giác khẩn cấp như vậy trong tâm thức mà Shantideva nói :
47. Như thế từ ngày hôm nay trở đi, con xin quy y
Với chư Phật, những bậc Bảo Vệ của chúng sanh lưu lạc,
Những bậc làm việc cho điều tốt của mọi loài đang sống,
Những bậc đại lực giải tan mọi sợ hãi cho chúng sanh.
Đức Phật ban cho chúng ta sự quy y đã chiến thắng bốn thứ ma : năm ấm, những thức tình tiêu cực, cái chết và sự kiêu mạn.(20) Tuy nhiên chúng ta không chắc nương dựa được vào sự bảo vệ của ngài nếu không có đại bi của ngài. Từ lúc ngài phát Bồ đề tâm đến khi ngài đạt đến giác ngộ, đức Phật không bao giờ ngừng làm việc vì sự lợi lạc của những người khác, thuận theo những khả năng cá nhân và những nguyện vọng của họ. Vì lý do này ngài được biết như là bậc Bảo Vệ của Chúng Sanh. Chính là nơi đức Phật đại lực, đại bi này, bậc có thể giải tan mọi sợ hãi, mà từ nay chúng ta nương dựa. Chúng ta cũng quy y những lời dạy của ngài và chúng hội Bồ tát thông tỏ những lời dạy này.
Về sự quy y Phật, Dignaga(21) mở đầu tác phẩm Khái Lược Luận Lý của ngài như sau :
Ngài đã trở thành đáng tin cậy và biết làm sao để giúp đỡ
chúng sanh :
Con đảnh lễ Phật, bậc Thiện Thệ, bậc Bảo Vệ.
Chúng ta hiểu đáng tin cậy là người thoát khỏi khổ đau, sợ hãi và biết làm sao giải thoát cho những người khác. Vị ấy giúp đỡ tất cả chúng sanh một cách vô tư, không thiên vị và với đại bi, bảo vệ tất cả khi cần. Tuy nhiên, ngài không xuất hiện một cách tự nhiên và không có nguyên nhân nào, như một đấng sáng tạo vĩnh cữu. Ngài không phải từ vô thủy đã là đáng tin cậy. Ngài đã trở thành một chỗ nương dựa đáng tin cậy như là một kết quả của những nguyên nhân và điều kiện xác định, chủ yếu là mong muốn của ngài giúp đỡ những người khác. Khi bản thân đức Phật còn là một chúng sanh bình thường, muốn được hạnh phúc và không khổ đau, ngài hiểu rằng những cảm giác này được chia xẻ bởi mọi người khác, và ngài đã xúc động bởi lòng đại bi muốn giải thoát họ khỏi lo buồn và đem cho họ hạnh phúc.
Nhưng để giúp đỡ những người khác, chỉ muốn làm thế thì không đủ. Thật vậy, những tư tưởng vị tha có thể trở thành một ám ảnh và làm tăng lo âu của chúng ta. Khi những tư tưởng tốt đẹp và tích cực được kết hợp với trí huệ, chúng ta biết làm sao để giúp đỡ chúng sanh có hiệu quả và có thể thực sự làm thế. Đức Phật, tràn ngập bởi tâm bi, thấy chúng sanh khổ đau như thế nào, và biết rằng nguyên nhân nỗi khổ của họ là sự hỗn loạn không kiểm soát của tâm thức họ, ngài đã biết làm sao giúp đỡ họ. Ngài đã biết rằng tâm thức họ không được kiểm soát, rốt ráo chỉ vì vô minh, sự tin tưởng lầm lẫn vào sự có thực của sự vật. Ngài cũng đã biết làm sao giải trừ vô minh này bằng trí huệ về tánh Không. Vì một đức Phật là người biết như thế nào giúp đỡ chúng sanh bằng cách chỉ cho họ điều họ cần làm và điều họ cần tránh, và trên hết, là người phát giác cho họ trí huệ chứng ngộ tánh Không.
Vì mục đích này Phật Thích Ca Mâu Ni dạy con đường có cấp độ là Bốn Chân Lý Cao Cả với mười sáu phần phụ của chúng.(22) Trước tiên ngài nhóm họp quanh mình những người chưa bắt đầu con đường và làm cho tâm thức họ trưởng thành bằng cách phát hiện cho họ vô thường và khổ, xoay tư tưởng họ khỏi sanh tử. Rồi ngài giải thoát cho những người đã trưởng thành như vậy bằng cách dạy họ sự không thực của những sự vật, làm cho sự thấu hiểu tánh Không sanh khởi nơi tâm thức họ và dẫn dắt họ đến giải thoát tối hậu.
Chúng ta gọi Phật là Đạo sư của chúng ta bởi vì ngài chỉ cho chúng ta cái gì cần tránh và cái gì cần nắm lấy. Bản thân ngài đã khai triển trí huệ tối thượng thấu hiểu tánh Không đến mức độ mọi tri giác nhị nguyên đã biến mất, và sự chứng ngộ của ngài là viên mãn. Trên nền tảng kinh nghiệm của chính ngài, ngài có thể xua tan mọi khổ đau cho những người khác và ban cho họ chỗ nương dựa. Tuy nhiên, cũng như trong đời thường chúng ta không tin người nào cho đến khi chúng ta đã kiểm nghiệm điều người ấy nói là đáng tin cậy và chân thật, theo cách ấy, chúng ta cần khảo sát những lời dạy của Phật cẩn thận trước khi chấp nhận. Nói chung, những lời dạy này có hai phạm trù : những cái chỉ cho làm thế nào đạt được hạnh phúc tạm thời trong các tái sanh cao và những cái dạy cho con đường đến tự do tối hậu của Phật tánh.
Kinh Viếng Thăm Lankara nói đến năm thừa : thừa của con người và chư thiên ; thừa của Brahma (Phạm thiên) ; thừa của Thanh Văn ; thừa của Độc Giác Phật ; và thừa của Bồ tát. Hai thừa đầu là chung cho cả Phật giáo và không phải Phật giáo. Ba thừa sau là đặc biệt của con đường Phật giáo với những lời dạy của chúng về tự do tối hậu và tánh Không, nó là cái chúng ta thường quy chiếu vào khi chúng ta nói đến giáo lý của Phật.
Khi chúng ta khảo sát một lời dạy chúng ta cần phân tích những điểm chính. Nếu chúng đứng vững trước sự phân tích và chứng tỏ là đúng, bấy giờ những mâu thuẫn bề ngoài trong những chi tiết nhỏ là quan trọng thứ yếu. Như có nói trong Khảo Luận Về Luận lý :
Nếu điểm chính là đáng tin cậy,
Cái còn lại là thứ yếu.
Và chính đức Phật nói :
Hỡi chư tăng, cũng như khảo sát vàng để biết phẩm chất của nó,
Các ông cần đem lời ta mà khảo nghiệm.
Một người trí không chấp nhận chúng chỉ vì kính trọng.
Chớ nhận lấy lời Phật y theo chữ nghĩa do sự tôn kính. Hãy khảo sát chúng và kính trọng chúng chỉ khi các bạn đã thấy lý do chắc chắn để làm thế. Dĩ nhiên, niềm tin thì rất quan trọng cho sự thực hành tâm linh, nhưng sự sùng mộ mù quáng vào đức Phật thì không đủ. Chúng ta phải có những lý do vững chắc cho sự kính trọng những lời dạy của ngài. Trong Phật giáo, và đặc biệt trong giáo lý Đại thừa, sự thẩm xét có lý luận có tầm quan trọng lớn lao.
Những khảo luận về luận lý Phật giáo nói về quả và hai phương diện của nó : phương diện biểu lộ và phương diện che đậy. Đối với những người bình thường chúng ta, quả của Phật tánh vẫn nằm trong tối. Nếu chúng ta muốn thấu hiểu nó mà không lạc đường, chúng ta phải dùng con đường hợp nhất phương tiện và trí huệ, vì nó đặt nền trên những nguyên lý vững vàng và phản ánh bản tánh thực sự của sự vật.
Để thực hành đúng, dầu chúng ta theo con đường nào, chúng ta phải không bao giờ đi ngược lại lẽ thường. Trong Phật giáo có nhiều lời dạy khác nhau cho chúng sanh với những khuynh hướng và cấp độ lãnh nhận và thông minh khác nhau. Bởi thế tại sao có những thừa khác nhau của Thanh Văn, Độc Giác và Bồ tát. Cũng vì lý do đó, bốn trường phái triết học – Vaibhashika, Sautrantika, Chittamatra (Duy Thức) và Madhyamika (Trung Đạo) – và nhiều nhánh của chúng đã xuất hiện để đáp ứng với những khả năng trí lực khác nhau