Other (439)


TỊNH ĐỘ - THIỀN - THIỀN TỊNH SONG TU Bài thứ hai

849

THIỀN - (Bài thứ hai là Thiền, trong loạt ba bài, mời các bạn)

Sao gọi là Thiền?

Thiền là tông phái lấy phương tiện tham thiền là chính nên gọi là Thiền.
Chữ thiền do chữ Thiền na, gốc từ tiếng Phạn, phiên âm và dịch nghĩa qua Trung Hoa gọi là tịnh lự, hiệp chung lại thành chữ Thiền định. Tịnh lự bao hàm tâm vừa an định nhưng tâm cũng vừa trong sáng, cho nên Thiền có thể gọi khác đi của tâm giác ngộ, hay tâm giải thoát, vì vậy trong ngữ cảnh này nhiều người dùng nó để chỉ tâm giải thoát hay đang sống bằng chính nó như: tham thiền, tâm Thiền, cảnh Thiền…
Ngoài ra Phật giáo Tây Tạng lại định nghĩa Thiền là làm quen, với Phật giáo Tây Tạng yếu chỉ Thiền là: cái thấy, thiền định và hạnh, quả.
Cái thấy là hành giả kiến tánh nói theo Thiền tông.
Thiền định là: khi đã kiến tánh hay nhận ra cái thấy nhờ tự ngộ, hay được giới thiệu đưa vào bởi một vị thầy, hành giả thiền định về nó, tức là làm quen và sống tương tục với cái đã nhận biết này sao cho niệm niệm tương ưng. Thì gọi là thiền định.
Cuối cùng là biểu hiện của hành giả trong sinh hoạt sống tự độ và độ tha hòa huyện với nhau gọi là hạnh hay quả, viên mãn thì thành Phật.

Thiền là một phương pháp thực hành có từ lâu đời, đối tượng tham thiền là tâm thức, mà tâm thức thì bao trùm tất cả, “vạn pháp duy tâm”. Cho nên, việc tham thiền, có nhiều thành tựu trên nhiều phương diện. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể chia ra hai phạm vi thành tựu lớn.

Một là,
Thành tựu vẫn còn trong nhân quả nghiệp báo đó là các loại thiền ngoại đạo, tham thiền về các cảnh giới ngoài tâm, và các loại thiền dựa vào sự chứng đắc Tứ thiền và Tứ không là cứu cánh, những sự chứng đắc này đều hưởng phước sanh lên cõi trời tương ứng, nhưng vẫn còn trong vòng sanh tử, khi hết phước lại rơi xuống trở lại.

Hai là,
Thành tựu giải thoát.
Giải thoát ở đây là giải thoát khỏi sự chấp ngã, gọi là ngã Không, và giải thoát khỏi sự chấp pháp, gọi là Pháp Không.
Những tông phái Thiền nào chỉ giải quyết phần nội tâm để nhận ra tâm giải thoát, thì đó là giải quyết Vô Ngã, đây là thừa hẹp.
Còn những tông phái Thiền nào giải quyết ngã Không và cả pháp Không, đây là thừa rộng, vừa giải thoát cho mình và vừa độ sanh, là công hạnh của các vị Bồ tát, con đường tu dẫn đến thành Phật.

Đất nước chúng ta là nơi giao lưu văn hóa, cho nên trong nước cả hai khuynh hướng dạy thiền gồm Nam Tông và Bắc Tông đều có mặt, và có nhiều vị Phật tử tu thiền có những thành tựu đáng kể cả trong hai tông phái lớn này. Tuy nhiên chúng ta nhận thấy, thay vì có duyên có phước được biết và tường tận cả hai: Nam Tông và Bắc Tông, để chúng ta học cái hay của cả hai phái mà ứng dụng tu và giúp người khác tu hành tốt hơn, chúng ta không ít người lại đứng trên lập trường của tông phái mình có duyên gặp trước, hoặc theo nhận thức cá nhân và theo những hạn chế phân biệt chia chẽ của một số người hiện nay, rồi khởi tâm, từ tông phái này chê bai tông phái kia, thật là uổng cho cái nhìn này.
Thay vì trân trọng và quí kính tất cả những tông phái đã làm thành Phật giáo, chúng ta lại có cái nhìn phân phái chống phá lẫn nhau. Trong kinh dạy: “chỉ có trùng sư tử mới ăn thịt được sự tử”, chúng ta có cái nhìn phân phái mang tính cực đoan, có phải chúng ta đang ăn thịt chính chúng ta?
Và, tâm giải thoát nó rộng lớn nó là pháp giới, nó dung chứa tất cả mọi pháp nhiễm tịnh, cớ sao Phật pháp xuất xứ từ thời Phật truyền lại cho chúng ta, chúng ta lại sanh tâm chia chẽ, phân biệt, miệt thị, thật uổng cho mình, uổng cho nhân duyên này biết bao!

Phạm vi giải quyết của Thiền

Ngay từ đầu, chúng ta có một tiên đề, tất cả thế giới hình tướng, hay thế giới tục đế này có được là biểu hiện của Như Lai Tạng, Như Lai Tạng là nền tảng xưa nay giải thoát cho nên thế giới chúng ta đang sống sinh hoạt đây dù như thế nào đi nữa cũng giải thoát như Như Lai Tạng. Vấn đề của chúng ta là: tại sao chúng ta lại thấy nó là thế giới của sanh tử biến hiện theo thời gian và không gian và luân hồi từ đời này qua đời khác không dừng?
Trong mỗi chúng ta, ai ai cũng có viên ngọc tâm nó luôn luôn ứng hiện ra ánh sáng căn bản, viên ngọc tâm này là Như Lai Tạng, nhưng khi ứng hiện chúng ta lại tưởng rằng ánh sáng này là thật có, và trên đó, chúng ta chấp có tâm, và tâm chấp trước hình thành. Sự ứng hiện của ánh sáng căn bản này qua sáu cửa là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nó vốn giải thoát như ánh sáng căn bản vốn giải thoát, chúng ta lại cho sự ứng hiện đó là của một cái tôi biết qua sáu cửa, và khi có một trung tâm tưởng tượng hình thành trên ánh sáng căn bản vốn giải thoát, khi đó cái thấy giải thoát trở thành trói buộc, cho nên trong kinh Viên Giác nói: “từ chỗ vô sanh nhận có sanh”.
Vấn đề của các tông phái thiền Phật giáo là giải quyết sự chấp trước này, tùy theo mỗi tông phái có cách tu hành theo các phương tiện khác nhau nhưng vấn đề chung là giải quyết sự chấp ngã, chấp có một cái tôi, cho nên ba pháp ấn chung cho cả Nam tông và Bắc Tông là: không, vô tướng, vô nguyện, đó chính là vô ngã, nhưng ở Bắc tông: không, vô tướng, vô nguyện, này còn ôm trọn cả chúng sanh nữa trong Bồ tát hạnh.

Về phương pháp thực hành, dù Thiền đứng trên phương tiện thực hành gì, thì cũng dùng ba phương pháp có trong kinh Viên Giác hay Đại Thừa Khởi Tín Luận dạy là: chỉ, quán, và chỉ quán song tu hay gọi là thiền. Lục Tổ Huệ Năng gọi là định huệ đồng thời.

Thiền cũng có thể chia ra theo tính chất thực hành, như đi từ ngoài vào và đi từ trong ra.

Như thế nào là đi từ ngoài vào?
Đi từ ngoài vào là đi từ tướng vào tánh.
Là các pháp môn dạy tu theo thứ lớp, như dựa trên các hạnh đối trị với tâm chấp ngã, tâm chấp ngã này biểu hiện như: tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến, tà kiến… chúng ta thực hành ngược lại để đối trị các loại tâm này nhằm phá đi sự chấp trước, và song song đó là tâm được tịnh hóa dần dần những dơ nhiễm. Dùng ba môn: chỉ, quán, và chỉ quán song tu mà xem xét quán chiếu đối tượng nào mà mình thường xuyên tiếp xúc hằng ngày, để tu hành.
Phương pháp đi từ ngoài vào là thừa nhân, chúng ta tu hành từ nhân ban đầu như vậy, mục đích là tịnh hóa những dơ nhiễm chấp trước bám lấy, che chướng cái thấy giải thoát lưu xuất từ Như Lai Tạng, công việc tịnh hóa phải thiết tha, đủ lâu, để vơi đi những dơ nhiễm, chúng ta sẽ chứng ngộ bản tâm là quả.

Phương pháp đi từ trong ra.
Ngay nơi tướng tức là tánh, hay gọi là: tu trên quả thừa, tu trên quả thừa là sao? Là ngay nhân ban đầu cũng chính là quả. Chúng ta được giới thiệu, dù đang tu trên phương tiện nào, phương tiện đó cũng là biểu hiệu của quả giải thoát, cho nên người tu trên quả thừa, là khám phá trực tiếp quả đã có sẵn. Đây là cách dạy tu thiền được dẫn dắt bởi các vị thầy có thẩm quyền, tức vị thiện tri thức này đã là người thật sự chứng ngộ thiền và họ hướng dẫn mình tu tập. Chính vì thầy là người đã chứng ngộ rồi, với ông, tất cả chỉ là một tướng giải thoát, tất cả chỉ là Như Lai Tạng.
Tu trên quả thừa, phương pháp cũng không ngoài cách phải dựa vào chỉ, quán, chỉ quán song tu. Nhưng vị thầy sẽ tùy căn cơ của mỗi người học mà chỉ dạy họ cần làm gì và trong giai đoạn nào để cho người tu học sớm chứng ngộ tự tánh của tâm. Có thể thầy cho đệ tử tham thoại đầu, hoặc cho một công án, hoặc khuyến khích ngồi thiền, tụng kinh, trì chú, niệm Phật… tùy thiện căn của đệ tử mà vị thầy khuyến tấn cho đệ tử thực hành nhằm tạo phước cho đệ tử, nhằm cởi mở những che chướng nơi tâm thức, phá đi sự che chướng của cái tôi, và khi có vị thầy ở kế bên chăm nom, lúc nào cần, vị thầy sẽ đưa vào, giới thiệu vào để nhận ra bản tánh của tâm, hay nhận ra ánh sáng căn bản lưu xuất từ Như Lai Tạng như đã nói lúc đầu.

Hai cách thức đi từ ngoài vào và đi từ trong ra, cách nào cũng cần sự tha thiết thực hành, thực hành phải miên mật, không cớ gì mà Phật giáo Tây Tạng có một bắt buộc cho Phật tử bất kỳ nào cũng phải qua thực hành sơ bộ, tức là lễ lạy một trăm ngàn lần, cúng dường một trăm ngàn lần, trì chú một trăm ngàn biến … nhằm để tịnh hóa tâm thức bị dơ nhiễm, ngay cả những bậc được công nhận tái sanh cũng phải qua giai đoạn này để làm gương cho những người đời sau.
Chúng ta phải biết và thấy rõ rằng nghiệp thức của chúng ta đeo bám chúng ta rất nhiều đời, chúng ta không ra công để tu hành không giải quyết cái tôi và cái của tôi, thì cho dù chúng ta có tu hành kiếp này qua kiếp khác, nếu chưa giải quyết được cái tôi và cái của tôi luôn che ám mình, thì cũng chỉ là tu phước mà thôi.

Phạm vi của Thiền không chỉ giải quyết vô ngã, mà sau khi chứng ngộ ánh sáng tự tâm rồi, việc tham thiền vẫn đi tiếp như trong kinh Pháp Hoa là: khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, vì vậy chứng ngộ mới chỉ bắt đầu, mới nhận ra tri kiến Phật còn một quá trình lâu dài ngộ nhập nữa, cho nên việc tu hành của chúng ta có rất nhiều việc để làm sau khi nhận ra cái thấy vô ngã.
Vô ngã được chứng nghiệm chỉ là mới bắt đầu của cái thấy giải thoát, sau đó chúng ta còn tu hành tiến qua các Địa như trong những bộ kinh Đại thừa có nêu, nhận ra bản tánh của tâm là vào Sơ hoan hỷ địa, bước đầu tiên đi vào Pháp thân, rồi tu tiếp tiến dần lên các địa để thể nhập trọn vẹn Pháp thân, đến Bát địa, là ngang hàng với A la hán, ngang đây có thể giải thoát sanh tử, nhưng Bồ tát không bỏ đại nguyện của mình để giải thoát sanh tử mà tu tiếp lên các địa trên để thành Phật.

Những hiểu biết sai về Thiền.

_Không chịu hạ thủ công phu thực hành, mà muốn dùng tâm thức thông thường để nghiên cứu nắm bắt Thiền,
Những người này coi học thiền như học các pháp môn khác ngoài đời. Việc làm này được ví dụ như: chúng ta ngồi ở nhà xem bản đồ rồi tưởng mình đã đến đích, còn người thật sự thực hành là người ở trên con đường, người này đang đứng ở thực địa, và khi người này đang đứng ở đâu trên con đường trong đời tu, sự tu hành đời này nữa chừng có mất đi, đời sau họ cũng tiếp tục ngay chính chỗ con đường mà họ đã đi được trước đó. Vì vậy, thực hành và kinh nghiệm về Phật đạo, là quan trọng và thiết thực nhất.
Đứng trên con đường là tâm người thực hành đang tương ưng với con đường mà người thực hành đang tu. Ví dụ: nói đến nhất tâm thì người thực hành phải có kinh nghiệm nơi mình nhất tâm như thế nào? Nói đến Vô niệm thì người thực hành phải nhận ra tâm mình Vô niệm… Đó là con đường cụ thể của sự thực chứng, trong Phật giáo nếu không chứng nghiệm thì việc tu hành chỉ hiểu rồi bằng lòng, thì hiệu quả giải quyết việc sanh tử không trọn vẹn được.
Krishnamurti thường nhắc trong các bài nói chuyện của ông là: “không thể lấy cái đã biết mà biết cái chưa biết”, cho nên vô ngã là một kinh nghiệm chỉ có được trong thực hành. Khi chúng ta văn, tư, tu, và thực hành miên mật cho đến giai đoạn: thân tâm thoát lạc, hay đường ngôn ngữ dứt bặt chỗ tâm hành, hay trong thiền học gọi là đột tử, một lần chết đi.
Phải chết đi sự chấp trước che ám ánh sáng giải thoát lưu xuất từ Như Lai Tạng, khi con người chấp trước đó nhờ thực hành tu hành trong tất cả các hành động như: quán chiếu, dừng chỉ, thiền, tịnh, trì chú, tụng kinh, cúng dường, sám hối, lễ lạy… tất cả những việc làm này là để tịnh hóa con người hư vọng đó. Khi đã tịnh hóa được sự che chướng thì vô ngã hiện tiền.

_Tưởng rằng ngộ là xong hết, mà ngộ chỉ là mới bắt đầu.

Giải thoát và che chướng, hay mê và ngộ chỉ xảy ra trên một tâm. Cho nên hành giả tu thiền giải được một phần che chướng sẽ nhận ra một phần giải thoát. Khi đã thật sự chạm tới tâm giải thoát người tu phải thực hành làm quen với nó trong mọi tình huống, hành trụ tọa ngọa do giai thiền định (đi đứng nằm ngồi đều là thiền định), càng làm quen với tánh giác chừng nào thì tập khí dính mắc càng bị vơi đi, cho đến khi nào làm một với tánh giác thì thành công.
Khi chạm tới tâm giải thoát, đầu đường hay cuối con đường của thực hành là một vị, chỉ một vị giải thoát. Khác nhau là nó trọn vẹn hay chưa trọn vẹn mà thôi. Chỉ một vị.

_Thiền bệnh

Do ảnh hưởng của quá nhiều thông tin, và sách vở hiện nay.
Rất nhiều người hiểu thiền trên mặt ý thức, chữ nghĩa, đây là căn bệnh che chướng của sở tri. Chấp vào sự hiểu biết của mình, nhưng chính những người đó cũng không biết rằng: dùng tâm, ý, và ý thức để hiểu thiền chỉ thỏa mãn sự hiếu kỳ của cái ta mà thôi, và cuối cùng khi có thể hiểu được chút gì đó, họ lại đem cái hiểu này chỉ cho người khác, phân tích chia chẽ, lập luận, chỉ dạy… mình bệnh nặng lại chỉ cho bạn bè bệnh nặng thêm. Mê và ngộ chỉ trên một tâm, người dùng tâm, ý, ý thức để hiểu thiền vẫn còn mê tâm thì làm sao mà có thể nhận ra tâm giải thoát như thế nào?
Đây là căn bệnh rất phổ biến trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Bởi chúng ta thiếu một vị thầy đã chứng ngộ hướng dẫn, bởi chúng ta học pháp theo cung cách thỏa mãn trí tò mò nắm bắt của tâm thức, và bởi chúng ta thiếu phước, khi tiếp cận Phật giáo.

Bệnh kế tiếp là bệnh cuồng thiền,
Những người này đọc trong ngữ lục thấy các vị Thiền sư phá chấp cho đệ tử, các ngài có khi mắng Phật mạ Tổ, dùng ngôn phong lạ lùng để sữa trị những lối mòn ở tâm thức chấp trước của người học. Các ngài tùy theo sự dính mắc của người đến tham vấn mà có cách tháo đinh nhổ chốt cho từng cá nhân. Người đọc không biết khi ở trong tự tánh thì mọi việc làm đều sáng suốt, và không ô nhiễm, như tiếng vang, như huyễn như hóa, và đó là tâm lão bà ứng ra, tâm từ bi ứng ra. Còn chúng ta chưa thật sự như vậy mà cũng dùng ngôn phong như các vị Thiền sư thì:
Thứ nhất, thật là xấu hỗ.
Thứ hai, chúng ta đang tạo nghiệp, chúng ta tự bịt mắt mình, và hành động này còn ảnh hưởng đến người khác khi nhìn vào Phật giáo khi thấy có những cá nhân bệnh hoạn về tâm thức như vậy, bởi vì nếu chúng ta chưa thật sự thấy mà hành động thiếu cẩn thận, thiếu hiểu biết như vậy làm cho nghiệp của mình càng dầy hơn, mỗi ngày một ít chúng ta đang tích lũy nghiệp, đến lúc nào chúng ta mang bệnh cuồng, mở miệng ra là nói chuyện y như Thiền sư, nhưng đến lúc đó thì hết phương cứu chữa! Miệng thì nói như một Thiền sư nhưng tâm thì vô minh u tối. Tự mình đóng cánh cửa giải thoát trước mắt mình vì học đòi cách cư xử lạ lùng xuất cách!

_Biết ít cho là đủ,
Như chúng ta đã biết Như Lai Tạng trùm khắp pháp giới, theo nghiệp chúng sanh mà ứng hiện tất cả thế giới hình tướng, với người thật thấy thì thấy tánh giải thoát mà thế giới hình tướng này cũng đồng một vị với Như Lai Tạng là giải thoát, cho nên tham thiền để chứng ngộ giải thoát, lúc đầu nhờ an định tâm hành giả có thể thấy tâm giải thoát là xa lìa mọi tư tưởng và hình tướng, tâm vô niệm rỗng rang và sáng tỏ, đây là cái thấy giải thoát trong lúc tâm an định, tuy nhiên, nếu một bề an trú và coi đây là cứu cánh của tham thiền, mà nhiều người tu hiểu lầm là đã thấy tánh thì chưa đủ. Phần đông người tu hiện nay bị mắc lỗi này!
Trong kinh Lăng Già dạy:
“Trí huệ của Như Lai,
Sanh khởi vô cùng tận,
Ngoài thật không có đắc
Duy tự tâm mà hiện…”

Hay Lục Tổ thốt lên:
“Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp”.
Vì vậy cái thấy tâm Không mới giải quyết ngã Không còn pháp Không thì chưa, tức là thấy tánh giải thoát nhưng tướng chưa giải thoát, muốn thấy tướng giải thoát thì người tu phải coi đây là một vấn đề cần giải quyết trong cuộc đời tu hành của mình, vì pháp Không hay thấy tướng giải thoát là phần còn lại rất lớn chưa được giải quyết đối với người tu. Không nhận ra: pháp Không, thế giới sống ngoài kia vẫn là thế giới sanh tử, còn Niết bàn mình nhận ra ở đây vẫn đối lập với thế gian, cái thấy chưa đủ rộng để hợp nhất tánh và tướng, giải thoát mà mình thấy vẫn còn hẹp, chỉ giải thoát cho mình, còn thế gian vẫn là thế gian của sanh tử.
Nói theo Bát Nhã thì người tu khi nhận ra tâm Không, thì mới thực hành được câu “sắc tức thị không”, nhận ra vô ngã, nhưng pháp Không thì phải đi tiếp, từ tâm không này phải thấy ngược lại: “không tức thị sắc”, hay “tự tánh hay sanh muôn pháp”, hay “trí huệ của Như Lai sanh khởi vô cùng tận”.

Vì vậy, hành giả chứng ngộ Vô niệm nhưng không trụ vô niệm mà từ tâm vô niệm tịch tĩnh này phải tự mình nhận biết như thế nào là trí huệ, cái gì là chung nhất khi tâm tịch tĩnh, và khi tâm có tư tưởng, khi tâm có hình tướng?
Từ tâm tịch tĩnh vô niệm này người tu phải nhận ra: tư tưởng khởi từ đâu, diễn tiến và chấm dứt ở đâu? Chỉ cần nhận diện được nguồn gốc một tư tưởng là hành giả thấy được “đang khi sanh tức vô sanh”, hay “không tức thị sắc”, hay “tự tánh hay sanh muôn pháp”, hay “trí huệ của Như Lai sanh khởi vô cùng tận”.
Với các hình tướng được tri giác, người tu phải nhận ra các hình tướng đang tri giác không phải là diễn ra có người tri giác và hình tướng đang tri giác.
Phải thấy cái nền cho tất cả mọi tư tưởng, mọi hình tướng đang bày hiện đây chỉ có một vị là tánh giác, hay cái nền này là trí huệ khởi lên từ vô niệm, trí huệ khởi lên từ tâm tịch tĩnh.
Chỉ có một vị là tánh giác. Hành giả an trú trong trí huệ khởi phát từ vô niệm, làm quen với nó đủ lâu đủ thắm thiết, thì nó sẽ nhiếp thâu, soi sáng, làm minh bạch hết tất cả những khởi tưởng, những hình tướng đang hiển hiện. Như gương sáng lúc nào cũng phản ánh mọi biểu hiện, vì gương vốn giải thoát cho nên mọi khởi tưởng, mọi hình tướng dù hiện nhiều hay ít, tốt hay xấu, nhưng cũng giải thoát như gương.
Vấn đề của chúng ta là làm quen với gương tâm này hay trí huệ này, để thấy rằng cuối cùng huệ mạng của mình là bao trùm tất cả, và như vậy mới thật sự thấy ngã Không, và pháp Không.

_Cái nhìn tu theo nhân thừa và tu theo quả thừa,

Tu từ nhân đi tới quả, đây là lối suy nghĩ chiếm phần lớn đối với người tu trong tất cả các pháp môn. Thay vì nhìn nhận với tiên đề là các pháp lưu xuất từ Như Lai Tạng, nó tùy theo nghiệp chúng sanh mà ứng hiện, Như Lai Tạng giải thoát cho nên dù ứng hiện ra hình tướng như thế nào đi nữa các tướng ứng hiện đó cũng giải thoát như Như Lai Tạng. Vì vậy, người tu hành không phải tu đi từ nhân đến quả, tức là từ mê đến ngộ, mà thực ra việc tu hành chỉ là phát hiện ra mọi sự vốn đã hoàn thiện từ lâu rồi, tức là cái quả đã có sẵn: khi chưa tu đã có, khi bắt đầu tu đã có, và có chứng ngộ cũng là thấy cái có sẵn mà thôi.
Nếu chúng ta có một cái nhìn như vậy, tức là chúng ta đang sống trong thế gian nhưng thế gian này là giải thoát, sanh tử này là giải thoát, chúng ta chỉ chấm dứt không theo những che chướng tưởng tượng nữa mà nhận ra chúng ta đang sống trong giải thoát chưa từng che dấu từng phút từng giây.

Một vị Thiền sư dạy: da dầy da mỏng rơi rớt hết, chỉ còn lại cái chân thật!

Thiền sư Việt Nam, Sơ tổ dòng Vô Ngôn Thông là Cẩm Thành khi được hỏi:
_Thế nào là Phật?
Đáp:
_Ở khắp tất cả chỗ.
Hỏi:
_Thế nào là Phật pháp?
Đáp:
_Chưa từng che dấu.

Lời của người xưa chỉ bày cho chúng ta thực tại! Nó có tại đây và bây giờ, việc của chúng ta là tham cho thấu, để không thôi sanh tử cứ đeo đuổi chúng ta mãi thôi.

Tánh Hải

849

HÀNH ĐỘNG CẨM NANG SỐNG THIỀN - Tác giả NGUYỄN ƯỚC

Bạn có thể học nơi chiếc lá tre bình thường điều nên xảy tới.Dưới sức nặng của tuyết, nó trĩu và trĩu xuống. Rồi chiếc lá tre không khua động mà bỗng

921
His Eminence Tulku Neten Rinpoche back to the Sera Monastery

Tại Ấn Độ có đến 16 bậc giác ngộ và giòng Neten Rinpoche bắt đầu từ ngài Lam Tran Ten (tiếng Phạn là ChudaPantaka, tiếng Việt là Chu Lợi Bàn Đà Dà),

2,088
Tiểu Thừa và Đại Thừa

Tiểu thừa và Đại thừaCách thực hành của Thanh Văn hợp theo giới luật của Tiểu thừa, nhìn với tâm định những sự việc của dục giới là sắc, thanh, hương, vị,

15,946
DỊCH CÂN KINH - Trần Tâm Viễn

DỊCH CÂN KINH Trần Tâm Viễn ĐẠT MA DỊCH CÂN KINH  Thế 1  -  Vi Ðà Hiến Chử (1)Tư thế:Ðứng thẳng người, hai chân dang rộng bằng tầm vai, hai tay đặt

12,743
CÁI MỘT

Những làn sóng của sự thù ghét trong đêm tối có thể dễ dàng tan vào đại dương của tình thương của cái Một._Sri Chinmoy🌻 Cái Một là nguồn của tình thương.

859
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,568
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc