Phù hợp với những kinh, những tantra và những lời dạy của những thành tựu giả, tôi sẽ giải thích tiến bộ như thế nào dọc theo những địa và những con đường bằng cách thiền định về những giáo huấn thực hành sâu xa này của Quán Thế Âm. Mười địa và năm con đường của truyền thống kinh cũng như bốn cấp bậc của yoga của truyền thống mantra tạo thành những địa và con đường của Kinh thừa và Mật thừa; thế nên khó kết hợp chúng với nhau. Cũng thế, khó liên hệ chúng với bốn cái nhìn thấy của Đại Toàn Thiện, vì mỗi con đường này thì riêng biệt.
Đây là một cái nhìn sơ lược tổng quát về Bốn Yoga:
Tính chất định nghĩa của yoga thứ nhất, nhất tâm, là nhận biết bản tánh của tâm bạn. Hơn nữa, bạn chứng ngộ rằng những xuất hiện không là gì khác hơn bản tánh của tâm bạn, và bản tánh ấy giống như sự trống không của không gian.
Yoga thứ hai thoát khỏi tạo tác ý niệm, gồm nhận biết rằng mọi xuất hiện là giả hợp ; bạn chứng ngộ rằng bản tánh thật sự của tâm là trống không và thoát khỏi mọi tạo tác ý niệm.
Thứ ba, trong yoga của một vị, bạn nhận biết rằng sanh tử và niết bàn đồng một bản tánh, nó là chìa khóa để đạt đến giác ngộ.
Trong yoga thứ tư, yoga của không-thiền định, bạn nhận biết rằng toàn bộ sanh tử và niết bàn vốn là không sanh, không trụ và không diệt. Nhị nguyên căn bản nhất của chủ thể và đối tượng vốn là không có nền tảng và là một bản tánh, Pháp thân. Nhiều điểm được bàn luận trong bốn yoga cũng liên quan đến các giai đoạn Phá Thấu và Nhảy Qua của thực hành Dzogchen.
Về Bốn Yoga của Đại Ấn, hai yoga đầu – nhất tâm và thoát khỏi tạo tác ý niệm – được bàn luận nhiều trong chương này, và trong những thiền giả Phật giáo Tây Tạng, một số khá nhiều đã đạt được kinh nghiệm đích thực trong hai cấp bậc này. Những yoga một vị và không-thiền định là những cấp bậc cực kỳ cao cấp của thiền định, và vì sự đơn giản, tác giả nói ngắn hơn nhiều về chúng trong bản văn này.
Zhang Rinpoche nói:
Đại Ấn vốn là một,
Nhưng những người ngu trở nên mê mờ khi cố gắng hình dung ra những địa và những con đường.
Ngài ám chỉ đến những người đốn ngộ và những người ở giai đoạn Nhảy Qua. Những cá nhân tiệm tiến thực hành theo mười địa và năm con đường, thế nên Naropa nói, “Trước tiên kinh nghiệm nhất tâm.” Những Lời Hàng Đầu Của Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói, “An trụ trong thực tại của nhất tâm, định tĩnh và quán chiếu không thể phân chia.” Ý nghĩa là cái nhất tâm này gồm sự an trụ trong thực tại như không gian của tánh không và quang minh. Khi đó bạn chứng ngộ bản tánh của thiền định là tánh không và quang minh hợp nhất như không gian đó. Như thế, với nhất tâm bạn còn dò dẫm trong bóng tối. Khi đó cái thức sau thiền định của bạn còn sự vật hóa những hiện tượng bằng cách bám chấp vào chúng là bình thường và thật. Do đó dù bạn có xác quyết quang minh trống không trong khi nhập định, tâm thức sau đó của bạn cũng mê mờ về những sự vật bình thường, thế nên có vết dơ do bám chấp vào chúng như là thật, và những vết dơ của nghiệp không được tịnh hóa.
Nếu bạn không tỉnh giác, bạn lìa khỏi thiền định, điều này đưa đến tách lìa; và dù bạn tỉnh giác, bản tánh không được thấy (trong trạng thái sau thiền định), thế nên không có chứng đắc. Bạn vẫn cần đến những gán ghép đặt lên kinh nghiệm, và bạn còn có cảm thức về một đối tượng và người thiền định ; thế nên đó vẫn là thời thiền định mà trong đó tâm bị sự vật hóa. Sắc uẩn và năm lối đi của thức được tịnh hóa. Chúng được tri nhận là trống không tự nhiên, vô trụ trong một bản tánh cốt lõi. Bởi vì bạn vẫn bị lệ thuộc vào sự nắm bắt, những chứng ngộ thực nghiệm bị dơ nhiễm. Về những xuất hiện với tánh giác trong trẻo của bạn, bạn phân biệt chính xác nhân quả thô và tế, nhưng bởi vì còn bị bám chấp cho là thật, tính nhân quả bị sự vật hóa. Khi bạn không phóng dật, bạn ở trong trạng thái hậu thiền định.
Vào lúc này bạn thoát ra khỏi những tính chất, và bạn chủ yếu trau dồi định tĩnh trong một trạng thái thoát khỏi trí năng. Bạn biết bản tánh cốt lõi của quang minh trống không.
Hơn là tập chú vào Đại Ấn như là một trạng thái, một số người trở nên bối rối vì quan tâm một cách ám ảnh đến những địa và những con đường. Những cá nhân đốn ngộ không cần bận tâm theo con đường tiệm tiến mười địa và năm đường, bởi vì nhờ sự tích tập công đức lớn trong quá khứ và sự tịnh hóa, sự thực hành của họ rất đơn giản và tức thời. Những người đã tiến bộ qua thực hành Nhảy Qua của Đại Toàn Thiện cũng không cần quan tâm đến mười địa và năm đường. Những cá nhân tiệm tu, trái lại, phải thực hành theo mười địa và năm đường, tiến hành qua mỗi cái của những thừa.
Trong Bốn Yoga, người ta phải trước tiên hoàn thành trạng thái nhất tâm, nó là một hợp nhất của định tĩnh và quán chiếu, và bởi thế là một mức độ cao của sự vững chắc chú tâm. Do đó, cấp độ nhất tâm thứ nhất là hoàn thành định tĩnh, trong đó nhất tâm chú ý vào tánh giác của chính mình, nó vốn không dứt và quang minh. Điều này được thực hiện khi tâm thoát khỏi những che ám. Tiến bộ đến một cấp độ cao hơn của nhất tâm đòi hỏi trau dồi quán chiếu. Thực hành mà không có định và quán đích thực, khi chỉ rỗng rang, thì vu vơ. Có nhiều phương pháp tập định, nhưng cái nào cũng phải dẫn đến sự không thể phân chia của định và quán, tức là tính cách trống trải của tánh không và quang minh. Điều này tạo thành bản chất của cái đầu tiên trong bốn yoga – nhất tâm. Nó có thể so sánh với sự chứng ngộ Tiểu thừa về vô ngã với những dấu tích bám chấp vẫn còn. Sự chứng ngộ như vậy chưa được xem là viên mãn, vì còn có tư tưởng “Đây là vô ngã”. Trạng thái này giống như mặt trời chưa hoàn toàn mọc lên khỏi chân trời. Bạn chứng ngộ bản tánh của trạng thái thiền định, nhưng bạn chưa có hiểu biết chắc chắn sanh khởi từ tánh không và quang minh. Đó bởi vì bám chấp vẫn còn. Sau những thời thiền định, thói quen cũ bám chấp vào sự hiện hữu có bản chất của những hiện tượng sanh khởi trở lại. Khi ngồi thiền, bạn có một cảm thức về tánh không của những hiện tượng, nhưng nếu có ai gõ cửa, sự chú ý của bạn lập tức bị thu hút về đó, và bám chấp xảy ra. Điều này được diễn ta bằng từ sự vật hóa – bám chấp vào hiện tượng là có bản chất hay tự tánh.
Do bám chấp, sự tịnh hóa không trọn vẹn. Bạn đã có những chứng ngộ về những trường tâm thức khác nhau... như là trống rỗng, không có nền tảng, vô tự tánh nhưng bạn còn bám vào nó cho là thật, chứ không như mộng hay huyễn hóa. Vì bạn bám chấp vào những hiện tượng trong tương quan nhân quả như là thật, những tương quan nhân quả cũng bị sự vật hóa.
Dagpo Rinpoche nói, “Yoga nhất tâm là quang minh và không dứt, và đó là cái thức khoảnh khắc.”
Saraha nói :
Do nắm chắc mà không có chánh niệm, có tánh không không dứt.
Nếu thức được để trong cách thế của chính nó, sẽ có vững chắc.
Và :
Nếu bạn ở lại đó, một cảm thức về lạc sẽ xảy ra.
Kinh nghiệm những xuất hiện của sự vật là trống không
Thì giống như nhận biết nước dù nó xuất hiện như băng.
Thức khoảnh khắc là khoảng giữa sau khi những tư tưởng quá khứ đã tan biến và trước khi những tư tưởng tương lai chưa sanh. Trong phần thực hành này, những tư tưởng của ba thời không hiện diện. Khi trong định, bạn hoàn toàn thoát khỏi những tạo lập của trí óc. Trong trạng thái này, một cảm thức lạc có thể xảy ra, và nếu bạn nghĩ, “Ta thích nó. Điều này thấy tốt”, bạn chỉ tiếp diễn vòng sanh tử của chính bạn. Trong ba cái lạc, trong sáng và vô niệm, không bám vào lạc dẫn đến chứng ngộ hóa thân ; không bám vào trong sáng dẫn đến chứng ngộ báo thân ; và không bám vào vô niệm dẫn đến chứng ngộ pháp thân.
Sự biệt lập tâm thức được Nagarjuna bàn trong Năm Cấp Bậc, yoga của hiện diện tự nhiên được dạy bởi Lawapa, yoga của kinh nghiệm samadhi (định) được dạy bởi Nawaripa, cắt đứt những gán ghép như được Maitripa giải thích, yoga của vô ngã trong Kinh Đi Vào Lanka, sự vững chắc thiền định được thực hành bởi người non nớt, những giọt sương của Sáu Pháp, và ý nghĩa của quán đảnh cái bình, tất cả đều được nói là đồng nghĩa. Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Trong giai đoạn trung bình của nhất tâm, thỉnh thoảng bạn vào định dù bạn đang không thiền định, và sự vững chắc đến khi bạn đang thiền định. Trong sự trong suốt của tu định ‘lạc, trong sáng và vô niệm’ bạn có thể làm hiển lộ một số loại tri giác siêu giác quan có nhiễm ô và những khả năng siêu thường có nhiễm ô. Trong trạng thái đó khởi tưởng sanh ra ít hơn trước, và bất cứ cái gì sanh khởi đều tiến vào sự trong suốt của chính nó. Sau đó, bất cứ nơi nào bạn tỉnh giác về những xuất hiện rỗng không chúng cũng thấm nhuần quang minh trống không, có lúc điều này khởi sanh như thiền định, và có lúc nó khởi sanh có bản chất hơn, nghĩa là không như huyễn. Những giấc mộng xảy ra kém thường xuyên hơn trước. Có lúc bạn có một kinh nghiệm như vậy, có lúc bạn không có, và bạn bị hấp dẫn bởi thiền định này.
Trong giai đoạn giữa của yoga nhất tâm, sự vững chắc của samadhi khởi sanh tự nhiên dù khi bạn không đang chính thức thiền định. Nhưng bạn không nên tự mãn, ngừng ở đây. Nếu như vậy bạn sẽ bị đem trở lại vào sanh tử vì nhiều khuynh hướng thói quen chưa được loại bỏ. Những phẩm tính lạc, trong sáng và vô niệm thật sự là một bản tánh; chúng vốn là bản tánh sâu xa nhất của tánh giác của bạn. Qua những cấp bậc của thực hành này những phẩm tính nội tại này sẽ càng lúc càng biểu lộ.
Một kết quả của thực hành này là thành tựu tri giác siêu giác quan và những khả năng siêu thường, nhưng vì hoàn toàn chưa thoát khỏi phiền não và che chướng nên chúng được gọi là có nhiễm ô. Không thích hợp và thậm chí tai hại khi đáp ứng theo những khả năng đó với bám luyến hay thích thú, vì điều đó sẽ ném bạn ra khỏi con đường. Tuy nhiên, tri giác siêu giác quan và những khả năng siêu thường không bị nhiễm ô của một người thức tỉnh hoàn toàn hẳn là đáng mong muốn. Vừa không nhiễm ô vừa tối hậu, chúng thuộc về bản tánh giác ngộ viên mãn.
Trong giai đoạn này của nhất tâm, mọi cái sanh khởi với tâm xuất hiện trong quang minh của chính nó, phô diễn mà không có tự tánh. Những nội dung của tâm sanh khởi như những đám mây nhỏ trên bầu trời hay như những làn sóng gợn trên mặt đại dương. Những khởi niệm tuôn tràn vẫn còn xảy ra, và do nghiệp lực có trước, có lúc những hiện tượng xuất hiện thành cụ thể, có thực. Khi ít khi nhiều bạn có những giấc mộng minh bạch và sự thích thú thiền định trở nên mạnh mẽ hơn. Những giai đoạn trước bạn có chiều hướng dễ mệt, chán, bây giờ bạn khao khát thực hành.
Gyalwa Yang nói :
Dựa vào đó, sự tĩnh lặng bất cứ khi nào bạn an trụ trong thức quang minh, vô nhiễm, vô niệm tạo thành sự làm chủ samadhi của nhất tâm cấp vừa.
Phagmo Drušpa nói :
“Bạn đạt được sự làm chủ samadhi của giai đoạn vừa của nhất tâm.” Điều này phù hợp với sự xác nhận trong Trao Truyền Miệng của Dòng những Siddha rằng lạc trong sáng và vô niệm của vững chắc thiền định được hòa nhập như thế và sự làm chủ việc ở lại trong đó với bất kỳ sự kéo dài nào là nhất tâm thực nghiệm. Giai đoạn vừa của nhất tâm, trong đó ‘bản sao’ của quang minh trống không được duy trì với chánh niệm – dù có thể có những phóng dật thỉnh thoảng khi nó không được duy trì liên tục – được gọi là hơi ấm và đỉnh của con đường chuẩn bị (nõan địa và đỉnh địa). Khi kinh nghiệm đã trở nên vững chắc, nếu quang minh trống không đó được duy trì với chánh niệm, nó sẽ trở nên thường trực, dù có lúc không được cố ý duy trì. Đây cũng gọi là hơi ấm và đỉnh. Đó là lời dạy của Gotsangwa.
Phagmo Drušpa nói, “Giai đoạn lớn của nhất tâm là sự liên tục của kinh nghiệm.”
Yang Gošnpa nói :
Một khi cái đó đã khởi sanh không dứt đoạn, mọi khởi tưởng được bình lặng trong trạng thái đó. Thậm chí giấc ngủ xảy ra trong trạng thái đó, và bốn loại hoạt động không lìa khỏi nó. Khi điều này xảy ra, đó gọi là sự liên tục của kinh nghiệm của giai đoạn lớn của nhất tâm. Bấy giờ bạn cảm thấy một niềm tin mạnh mẽ rằng đây là không-thiền định, và có nói rằng sự chứng ngộ thực nghiệm đã sanh khởi.
Tới điểm này, dù mức độ thật sự của bạn là giai đoạn lớn của nhất tâm, bạn cảm thấy như bạn đã đạt đến giai đoạn kết thúc của bốn yoga, tức là không-thiền định. Nói cách khác, bạn cường điệu tính chất thực của sự chứng ngộ của bạn.
Suốt chương này và chương kế tiếp, có một phân biệt về kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ thật sự. Cái trước kéo theo một cảm thức bám chấp lay lất, trong khi cái sau là quán chiếu đích thực. Danh từ chứng ngộ thực nghiệm (hay qua kinh nghiệm) ám chỉ một chứng ngộ và một sự bám chấp vào nó đi theo sau, trong đó người ta nghĩ, “Đây là thiền định của tôi. Tôi đã đi đến mức độ này, nọ.”
Khi nói về chứng ngộ từng phần, Zhang Rinpoche bình luận :
Có nói rằng bạn chứng ngộ bản tánh vào lúc nhất tâm lớn, và bản tánh được nói là trong sáng và không dứt. Bạn có niềm tin vào thức trong sáng và không dứt, giống như trung tâm của không gian trong trẻo; và bạn xác định bản tánh của nhất tâm không thông qua ý niệm. Trong trạng thái của lạc, trong sáng, vô niệm, bạn hiện diện giản đơn trong sự sáng ngời và tĩnh lặng; nhưng nếu sự xác quyết không sanh khởi, đó là vì không liên hệ với kinh nghiệm quán chiếu. Do chưa giáp mặt với bản tánh của mình, bạn lang thang giữa bóng tối của nhất tâm.
Như thế, bản tánh còn chưa được thấy. Như một kết quả của tâm không biết bản tánh của nó, sự phân biệt giữa kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ không có. Sự vững chắc thiền định trong đó có những xuất hiện nhưng không có xác quyết thì giống như một trẻ nhỏ thấy mặt trăng, hay một người khờ dại nhìn cái chùa. Sự xác định như vậy là chứng ngộ qua kinh nghiệm bị dơ nhiễm do bám chấp những đối tượng. Cho tới khi nhất tâm, trí huệ bổn nguyên thấu hiểu con đường còn chưa sanh khởi; bởi vì nó không phải là định chân thực. Như vậy, vì những xuất hiện hình tướng sau đó không được thấy như là những huyễn hóa, nên không có trạng thái hậu thiền định chân thực.
Trạng thái nhập định và sau thiền định có theo mức độ thực hành riêng của bạn. Tâm ở trong quang minh trống không một cách vô niệm, nhưng bởi vì sự theo níu của tâm vào những đối tượng chưa được tịnh hóa, đây là định trên danh nghĩa. Sau đó, bởi vì bạn còn bám chấp vào sự có thực, đây là trạng thái hậu thiền định trên danh nghĩa, vì đó giống như đi theo một con chó mà tưởng là người.
Khi bạn an nghỉ trong định của lạc, trong sáng và vô niệm, đó là chót đỉnh của năng lực nhất tâm. Nếu có lúc điều này không xảy ra thậm chí cả trong khi thiền định, và có khi nó xảy ra cả khi không thiền định, thì năng lực của nhất tâm vẫn còn chưa hoàn thiện.
Một khi mọi khởi tưởng được an lặng trong trạng thái thiền định chỉ đơn giản bằng cách chánh niệm về nó, và một khi trạng thái ngủ vẫn xảy ra trong tịnh quang qua kinh nghiệm, bấy giờ khởi tưởng sanh khởi như thiền định. Nếu khởi tưởng không thể an lặng với chánh niệm tỉnh giác và bạn phải kéo nó lại với cái mốc của thiền định, đó là khởi tưởng chưa sanh khởi được như thiền định. Nếu tánh giác không được duy trì với chánh niệm, nó lìa khỏi trạng thái thiền định. Dù tánh giác được duy trì, nếu bản tánh của khởi tưởng không được thấy khi an nghỉ trong dòng tương tục đã có trước kia, thì không có chứng đắc.
Khởi tưởng thuộc về bản tánh của thiền định, nhưng nếu bạn còn cần rút tâm lại bởi vì một cảm giác là mình bị phóng dật bởi những tư tưởng, bạn còn chưa thực sự chứng ngộ bản tánh của khởi tưởng. Nếu bạn còn cần duy trì tánh giác của bạn với chánh niệm, thì yêu cầu phải có một nỗ lực nào đó, nhưng trong trạng thái tự nhiên, bạn không cần rút tâm lui lại hay đối xử với sự khởi tưởng như là một cái gì tách lìa khỏi thiền định. Trong trạng thái tự nhiên, khởi tưởng chỉ đơn giản lưu xuất từ trạng thái thiền định như những tia sáng từ mặt trời.
Do trau dồi thiền định đó một thời gian lâu, tâm bạn sẽ xa lìa tám mối quan tâm thế gian, bạn sẽ thoát khỏi những loài ăn bám bên ngoài và bên trong, và bạn sẽ có thể phô diễn những khả năng siêu thường như ảnh hưởng và thống trị bằng thiền định những nguyên tố... Khi điều này xảy ra, những phẩm tính của nhất tâm đã sanh khởi. Nếu tâm không sử dụng được, nếu tinh túy và cặn bã của thiền định không tách biệt được do thiếu sự bình an của tâm thức, và nếu bạn không thể đem lại những dấu hiệu chung của hơi ấm (nõan địa), những phẩm tính không sanh khởi.
Trong tri giác của samadhi trong trẻo, trên sự phân biệt chính xác quan hệ nhân quả tế và thô, nếu bạn hiểu nhân quả khi vẫn ‘sự vật hóa’ người tạo và cái được tạo, bạn đã (chỉ) thông hiểu thực tại quy ước. Trên con đường thế tục và nhiễm ô ấy bạn không thể gỡ dòng tâm thức bạn ra khỏi những khuynh hướng thói quen. Dù với samadhi về tánh không, nếu bạn không hiểu những xuất hiện là những biến cố tương thuộc, duyên sanh, bạn không thông hiểu thực tại quy ước.
Nhờ sự lộng lẫy trong sáng của thiền định của bạn, nếu thiện cảm sanh khởi cho những chúng sanh đang kiệt quệ vì đủ loại khởi tưởng, bạn đã đạt được hạt giống của sắc thân (rupakaya), và bạn có thể phụng sự chúng sanh theo khả năng của bạn. Nếu năng lực của kinh nghiệm của bạn ngăn chặn sự biểu lộ của lòng bi, bạn chưa hoàn thành hạt giống của lòng vị tha, và điều này có thể so sánh với trạng thái dừng diệt của Thanh Văn. Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói:
Trong giai đoạn lớn của nhất tâm, định, sau thiền định và bốn loại hoạt động thường trực tiến hành ngày đêm không dứt đoạn trong trạng thái quang minh trống không. Mọi khởi tưởng cũng như những xuất hiện có từ khởi tưởng và những giấc mộng cũng tiến hành trong trạng thái ấy. Tự tâm thấm nhuần một cảm thức về tánh không, bao gồm lạc trống không, tánh giác trống không, những xuất hiện trống không và quang minh trống không; và mọi sự vật chủ yếu khởi sanh như vô số kinh nghiệm như huyễn như mộng. Bởi vì có nói nhiều phẩm tính (của samadhi), và bạn nghĩ không có thiền định nào tinh tế hơn cái này, bạn có thể kết luận đây là không-thiền định lớn. Tuy nhiên, không bám vào những chứng ngộ qua kinh nghiệm này, hãy nhận biết khởi tưởng là quang minh trống không và là những xuất hiện trống không. Bạn sẽ hoàn thành chánh niệm nhất định xác quyết mọi sự là tâm và xác quyết tâm là vô sanh và tự do tự nhiên. Rõ ràng những tư tưởng đi rong sẽ dứt, và bạn sẽ kinh nghiệm vị hướng dẫn tâm linh của bạn như là Phật. Bạn sẽ tiến hành thường trực ngày đêm trong trạng thái của quang minh trống không đó, và sự khao khát hiện hữu sanh tử sẽ dứt.
Nếu bạn đi vào không-thiền định ngay trên việc thấy bản tánh một cách vô niệm, năng lực của nhất tâm được hoàn thiện, những phẩm tính của nó được giữ gìn, và bạn thấy bản tánh của nó. Cho đến khi điều này xảy ra, hãy phát sanh nồng nhiệt và hãy thực hành!
Năm trường của kinh nghiệm giác quan bị loại bỏ ở đây, thế nên hãy từ bỏ khát khao với đời này, với tài sản, với samadhi và v.v... Hãy duy trì vệ sinh tốt, bạn cần ở trong đơn độc.
Ở đây sự khác biệt giữa trạng thái định và sau thiền định được tạo nên theo việc an trụ hay không an trụ. An trụ trong lạc, trong sáng và vô niệm là trạng thái định. Không an trụ trong đó là trạng thái sau thiền định. Trong nhất tâm lớn, mọi chứng ngộ và kinh nghiệm liên hệ đều tan biến vào vào trạng thái ấy, và ngày đêm chúng đều sanh khởi như quang minh trống rỗng như không gian. Cấp độ của việc hoàn thành không-thiền định cốt ở kiên nhẫn và những giai đoạn tối cao của con đường chuẩn bị.
Sự Trao Truyền Miệng của Dòng những Siddha nói :
Ở điểm này bạn đạt được trí huệ phân biệt hòa nhập với samadhi để xác quyết bản tánh. Việc này liên hệ với những dấu hiệu sau: khi ở trong chánh niệm với sự tham thiền nồng nhiệt liên tục cho đến khi giác ngộ, sự mềm mại của thân và tâm, một niềm vui phi thường đáp ứng những nhu cầu bao la của chính mình và những người khác, và sự bình thản vĩ đại thoát khỏi uể oải tinh thần, tất cả những cái đó đồng thời sanh khởi. Nếu trạng thái thiền định của bạn không có những dấu hiệu này, nó có thể là kinh nghiệm thiền định, nhưng không phải là chứng ngộ Đại Ấn.
Và :
Dù nó được kinh nghiệm như là không-thiền định, nó là yoga nhất tâm trong Bốn Yoga của chứng ngộ.
Thầy của tôi, đại trí giả Gyal Rongwa, nói :
Ở giai đoạn Pháp tối cao của con đường chuẩn bị, bạn có cảm giác rằng bạn đã chứng ngộ tánh không một cách tri giác, nhưng bạn chưa chứng ngộ tánh không.
Những nhận xét này có vẻ có cùng ý nghĩa.
Sự khác biệt giữa nhất tâm và thoát khỏi tạo tác ý niệm là : trong cái trước khởi tưởng không khởi tưởng như là Pháp thân, còn trong cái sau thì như vậy. Tantra của Dòng Sông Ali Kali Vĩ Đại nói :
Thứ hai, nhờ định như huyễn
Trong sự quân bình thiền định vĩ đại thoát khỏi tạo tác ý niệm.
Năng lực của định không thể nghĩ bàn sanh khởi.
Trên chỗ đạt được hơi ấm, bạn làm chủ sự tái sanh.
Ở điểm này, bạn không còn bị nghiệp trước kia quăng ném nữa, mà có thể chọn lựa chỗ tái sanh. Trong đời kế tiếp bạn không cần cố gắng có được một số phẩm tính nào đó nữa, mà chúng như một gia tài thừa kế về tâm linh, sanh khởi như kết quả của đời trước.
Trong sự chứng ngộ bình đẳng, sự cắt đứt lớn những gán ghép thoát khỏi tạo tác ý niệm, và bản tánh của tâm được chứng ngộ không có sự tạo tác của ý niệm. Nếu bạn nghĩ, “Đây là tánh không. Không có gì hết thảy”, và bạn hiểu sai thực tại quy ước, đó gọi là tánh không loại giả, nó không thể thoát khỏi tạo tác ý niệm. Những đối tượng hay sự vật xuất hiện như đối tượng không có tự tánh, thế nên thức có do đối tượng là như huyễn. Dù bạn không bám vào sự thực có của sự vật, nhưng nếu những xuất hiện sanh khởi mà không có xác quyết, thế là có vết dơ của không nhận biết, và những vết dơ của phiền não chưa được tịnh hóa. Nếu tánh giác không được duy trì với chánh niệm không lay động, thì có sự lìa khỏi thiền định. Bằng cách duy trì và thấy bản tánh của bất cứ cái gì sanh khởi, bèn có cả xa lìa và chứng đắc. Định và sau thiền định thì khác biệt như là (1) trí huệ bổn nguyên, vô niệm chứng biết bản tánh của mình, sanh khởi không có đối tượng và (2) thức sau đó thì như huyễn. Trong định, bạn nuôi dưỡng trí huệ bổn nguyên, vô niệm, nó chứng biết bản tánh không có một đối tượng; và trong thức sau đó bạn thiền định về sự không có tự tánh, như huyễn. Đây là thời gian để thiền định về tự tâm vừa cả khi nhập định và sau đó.
Do tịnh hóa sự bám chấp của tỉnh giác tham cầu kinh nghiệm, thọ ấm được tịnh hóa. Vì không có một cái gì được chỉ định một cách quy ước, tưởng ấm được tịnh hóa. Với sự chứng ngộ rằng tâm và những đối tượng thì thoát khỏi tạo tác ý niệm, thức ấm được tịnh hóa. Đã tịnh hóa kinh nghiệm thiền định của bạn, chứng ngộ sanh khởi không có đối tượng nào. Do biết rằng kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ là không trộn lẫn, bạn phân biệt giữa kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ. Do thấu hiểu năng lực của tánh không là duyên khởi và nhân quả như huyễn, (bạn chứng ngộ) nhân và quả là như huyễn. Ở điểm này, bạn từ bỏ cuộc đời này, và bạn thiền định chủ yếu về tánh không trong một trạng thái trong đó những tư tưởng về những dấu hiệu được tự nhiên giải phóng. Nhận biết bản tánh của khởi niệm, quan trọng là thức của bạn vẫn sống động, uy lực và không rơi vào bình thản vô ký.
Khi chúng ta nói đến lạc, trong sáng và vô niệm, có một cảm thức về kinh nghiệm thiền định mà chúng ta biết như vậy. Trong cách này kinh nghiệm thiền định ít nhất cũng có một dấu vết bám chấp thậm chí trong trạng thái rất vi tế. Một trong những đặc tính nổi bật của kinh nghiệm thiền định trong bối cảnh này là nó sanh khởi theo những xu hướng thói quen trước kia của chúng ta. Nói khác, nó đến từ những hạt giống của tâm thức chúng ta, những ưa chuộng và thói quen, trong khi chứng ngộ nảy sanh từ thấu rõ thực tại, ngược với việc có một kinh nghiệm về cái gì.
Khi nhận biết bản tánh của khởi tưởng động ý, quan trọng trong giai đoạn này là không lạc vào một trạng thái thụ động hay trống rỗng. Thức cần có được sinh lực.
Đức Dagpo Rinpoche nói :
Trong yoga thoát khỏi tạo tác ý niệm, do thấy bản tánh vô sanh của tánh giác, bạn không có những hy vọng về thức tỉnh tâm linh ở trên; bạn không lo âu về sanh tử ở dưới; bạn không bám níu vào những hình tướng xuất hiện ở giữa; và bạn không thể bị tác động bởi bất cứ cái gì khác.
Bà La Môn Vĩ Đại (Saraha) nói :
Giống như nhận biết nước thậm chí khi nó xuất hiện là băng,
Trong (yoga) thứ hai, không ngăn chặn những xuất hiện của tâm chánh niệm,
Tánh không và lạc sanh khởi không có phân cách.
Đấy giống như băng tan vào nước.
Tịnh quang như được dạy trong Năm Cấp Độ, cái không thể nghĩ bàn được Lawapa dạy, yoga như được Sawa-ripa dạy, cơ hội để đạt được quán đảnh như Maitripa dạy, yoga không có đối tượng thông hiểu như được dạy trong Kinh Đi Vào Lanka, sự quân bình thiền định thấy rõ thực tại, và thực tại của quán đảnh bí mật, tất cả là đồng nghĩa.
Gyalwa Yang Gošnpa nói :
Bằng cách duy trì thiền định nhất tâm theo cách đó, không tham cầu, sau một thời gian trong trạng thái của kinh nghiệm thanh tịnh đó bạn sẽ thấy chân lý của tự thân thực tại, thoát khỏi tạo tác ý niệm. Cái gì được thấy ? Bạn thấy chính bạn. Cái gì thấy ? Chính bạn thấy. Đây là cái thấy không có một đối tượng và một chủ thể. Giữa sự dừng dứt của thức đã qua và trước sự sanh khởi của thức tương lai, có hoặc là sự khởi niệm chốc lát của thức hiện tại hoặc là bản tánh cốt lõi của vô niệm, nó nhận biết bản tánh của chính nó mà không có một đối tượng. Vào lúc này bạn phân biệt lằn ranh giữa sanh tử và niết bàn. Mọi cái hiểu và các kinh nghiệm về Pháp được thuyết trước kia mà bạn xem là quá đỗi thân thiết được thấy như là những vỏ trấu bên ngoài. Khi tâm nhìn ra ngoài, nó thoát khỏi tạo tác ý niệm, và khi nó nhìn vào trong, nó thoát khỏi tạo tác ý niệm. Sự nhận biết của cái thấy bản tánh thoát khỏi tạo tác ý niệm thì không có nền tảng, vô trụ. Không có thể tìm ra sự định danh quy ước nào dành cho nó, và nó không thể là một đối tượng của tâm thức. Không có một đối tượng nào, bạn nhận biết chính bạn. Sự cắt đứt không có ý niệm những gán ghép giả định là thấy tánh, bản tánh cốt lõi này là tự do đối với tạo tác ý niệm.
Trí Huệ Ba La Mật Cô Đọng nói về ý nghĩa của điều đó :
Sắc không được thấy, thọ cũng không được thấy. Tưởng không được thấy, hành cũng không được thấy. Thức về bất cứ cái gì, tâm và trí không được thấy. Bậc Đạo Sư nói rằng đây là thấy thực tại. Không có thí dụ nào khác tương tợ với cái thấy này có thể được tìm ra. Nếu điều này có thể đặt thành lời của chúng sanh bằng cách nói, “Hư không được thấy”, hãy chiêm nghiệm nghĩa cách nào hư không hay không gian được thấy. Như Lai đã dạy thấy thực tại theo cách đó.
Như thế, điều này vượt khỏi phạm vi kinh nghiệm thiền định. Sự chứng ngộ này thì đồng dạng với thức bình thường và thoát khỏi năm uẩn. Nó không có nền tảng như là thực thể có bản chất, do đó nó thoát khỏi sắc ấm. Do tịnh hóa sự bám nắm vào cái biết qua kinh nghiệm, nó thoát khỏi thọ ấm. Do vắng mặt những định danh quy ước, nó thoát khỏi tưởng ấm. Do vắng mặt một chúng sanh bị ràng buộc, nó thoát khỏi ấm của những yếu tố cấu tạo. Do vắng mặt sự thông hiểu một đối tượng được xác định, nó thoát khỏi thức ấm. Sự chứng ngộ thoát khỏi năm ấm thành tựu như tri giác tham thiền, đây là điều Phật chỉ dạy. Kinh Tinh Túy của Amoghapasa ghi lại nghĩa đó: “Sự tham thiền này thoát khỏi năm ấm được đức Phật nhắc nhở.” Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Bất cứ điều gì bạn thiền định, không nương dựa vào nỗ lực nắm hiểu của ý thức, thì có chứng ngộ bản tánh. Bản tánh này thoát khỏi những cực biên động tĩnh, và thuộc trí huệ bổn nguyên, nó là bản tánh cốt lõi của tâm và của sự sanh, trụ, diệt của khởi niệm. Có sự thấu hiểu không tính toán rằng mọi hiện tượng thì thoát khỏi tạo tác ý niệm. Mọi kinh nghiệm được hiểu là trống không và không có đối tượng. Như bóc vỏ trấu của tánh giác, hay như tìm thấy một kho tàng, có một chứng ngộ trần trụi, lộ toàn thân, sống động, thoát khỏi tạo tác ý niệm. Bạn nghĩ rằng bạn đã đạt được sự làm chủ tâm, đây là điều duy nhất. Từ ban sơ, có một cái thấy biết đồng nhất. Những biến đổi bất thường trong kinh nghiệm không xảy ra, hoặc có xảy ra, không có vui hay buồn. Hướng tâm ra những hiện tượng bên ngoài, mọi sự xuất hiện như huyễn và tiến vào tánh không. Và dầu nếu không thế, cũng không có sự cản trở chống trái. Như thế, những xuất hiện là bất định và vô trụ, và thấy biết sanh khởi, tuyệt không có gán ghép định danh. Bạn chứng ngộ rằng thực tại là như thế, và trong sự hòa nhập của định và quán những dấu hiệu của khởi niệm được giải phóng ngay tại chỗ của chúng. Những tư tưởng sanh khởi như là Pháp thân. Những xuất hiện hình tướng được chứng ngộ là tâm của chính bạn. Do biết tự tâm là Pháp thân, cái thấy của bạn thấm tràn tánh không. Như thế, những xuất hiện này cũng duy chỉ được xác quyết là trống không, không hiện hữu và không nền tảng. Có lạc trong tánh không. Sự chứng ngộ trổi vượt về nhân quả và tánh không được gọi là “yoga thoát khỏi tạo tác ý niệm”.
Yang Gošnpa nói :
Dù cho bản tánh của quang minh và tánh không có được thấy, nếu bạn không thoát khỏi mọi dấu vết của bám níu vào sự nhận thức tánh không, bạn chưa phân biệt được giữa kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ ; thế nên đó là cấp độ nhỏ của thoát khỏi tạo tác ý niệm.
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Có những cấp độ nhỏ, vừa và lớn. Ở cái thứ nhất, bạn chứng ngộ rằng những xuất hiện và tâm chỉ là bản tánh của tánh giác, thoát khỏi sanh khởi và diệt dứt. Tuy nhiên, một dấu vết của bám níu vào nhận thức khía cạnh của tánh không vẫn còn lặng lẽ trong đó ; và bởi vì bạn chưa thoát khỏi nó, bạn chưa thực sự phân biệt được giữa kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ. Trong thức theo sau đó, khi nó không được chánh niệm giữ gìn, sự bám chấp vào bạn và thù sẽ không dứt, và sự bám chấp vào những đối tượng không cắt đứt. Như thế, sự bám chấp xấu và tốt xảy ra, tách lìa khỏi thực hành Đại Ấn là xấu, không tách lìa là tốt. Những bản văn không nói nhiều về thấy tánh trong giai đoạn này.
Cũng có một mức độ mê lầm đáng kể khi ngủ và mộng, và có ít trồi sụt trong sự thực hành tâm linh của bạn. Đức Phagmo Drušpa nói, “Với cấp độ giữa, tính không gốc rễ được chứng ngộ.” Gyalwa Yang Gošnpa nói :
Vào lúc này, sự chứng ngộ rằng tâm thoát khỏi sanh và diệt chính là thức trần trụi, bình thường ; và những xuất hiện do khởi tưởng và những khuynh hướng thói quen thì sáng sủa và sống động. Tỉnh giác thì trống không, và chuyển động thì trống không. Chúng không sanh khởi như những hiện tượng thực, chúng không diệt dứt như những hiện tượng không thực ; và chúng không trụ ở như những hiện tượng quy ước. Thế nên chúng thoát khỏi sanh, diệt và trụ. Nghĩa của ba cửa giải thoát (không, vô tướng, vô tác) được thấy. Nhờ sự vắng mặt của cái xấu, nghĩa là sự dấn thân, can thiệp của thức, có thực hành tâm linh đích thực. Bởi vì cái này đưa bạn vào con đường không ô nhiễm, nó là con đường thực sự của giải thoát. Sự chứng ngộ này trở thành vững chắc, và vết dơ thoái hóa của yếu tố nhận thức của sự bám níu vào tánh không rốt ráo được tịnh hóa. Thức bình thường trở thành không đối vật và sáng tỏ. Bạn thoát khỏi gốc rễ căn bản của bám chấp vào những xuất hiện và bám chấp vào tánh không ; thế nên giai đoạn vừa của sự thoát khỏi tạo tác ý niệm được nói là một chứng ngộ không gốc rễ.
Những xuất hiện không thật có sanh khởi – ngược với cực đoan chấp thường – chúng cũng không diệt dứt như những hiện tượng không thật – ngược với cực đoan chấp nhận. Bởi vì tâm không dự vào với những đối tượng của nó bằng cách bám nắm nữa, không có cái xấu của sự việc này, thế nên thực hành tâm linh đích thực xảy ra. Vào giai đoạn thực hành này, có những xuất hiện, nhưng nhờ bám nắm vắng mặt, không còn nữa một cảm thức về nhị nguyên một chủ thể/đối tượng.
Một Doha nói :
Ai biết sự không gốc rễ tận cùng này ?
Chính là sự chứng đắc cao tột nhờ lòng tốt của thầy.
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Giai đoạn vừa của tự do khỏi tạo tác ý niệm kèm theo một cảm thức thô, qua kinh nghiệm về sự tự do của tâm thoát khỏi sanh, diệt và trụ. Những vết dơ thô của bám nắm vào tánh không được tịnh hóa, và bạn thoát khỏi cảm thức về thanh tịnh hay khao khát. Thức bình thường trở thành không đối vật và rực rỡ. Mọi khởi niệm và mọi phiền não của bám nắm những xuất hiện và tánh không là không có nền tảng, không gốc rễ, và đơn giản là nhận biết bản tánh của chúng trong trạng thái thật của chính chúng là đủ. Những đối tượng bên ngoài còn chưa hoàn toàn được dò thấu, thế nên vẫn có một chút không thoải mái với những xuất hiện. Bạn tự hỏi, “Từ đâu chúng sanh khởi ? Chúng là trống không, nhưng những xuất hiện này diệt dứt, và chúng không tác động nữa như những biến cố tương thuộc duyên sanh.” Khi những tư tưởng như vậy, kèm theo chút hy vọng và lo sợ, sanh khởi trong suốt thức sau đó và khi mộng, nhiều trạng thái mê lầm và không mê lầm xảy ra. Thức tiếp sau cái đó gọi là nhận biết. Bấy giờ bạn ở trong trạng thái của nhận biết trong định một cách không cố gắng.
Về năm con đường, cực điểm của cái đầu tiên trong bốn yoga – yoga nhất tâm – tương đương với bốn giai đoạn của con đường chuẩn bị. Vào giai đoạn này, chưa có một chứng ngộ trực tiếp về chân lý tối hậu (Pháp thân). Thoát khỏi tạo tác ý niệm, yoga thứ hai, tương đương con đường thấy, nó là con đường thứ ba cũng như con đường thiền định, con đường thứ tư.
Gotsangwa nói :
Trong giai đoạn thứ nhất của tự do khỏi tạo tác ý niệm bạn chứng ngộ rằng mọi hiện tượng thoát khỏi sanh, diệt và trụ. Điều đó làm căn bản cho mọi phẩm tính tuyệt hảo. Niềm vui vẻ phi thường sanh khởi, cho nên địa thứ nhất được gọi là Hoan Hỷ địa (hay Cực Hỷ địa).
Do chứng ngộ mọi hiện tượng là thoát khỏi mọi tạo tác ý niệm, bạn tự do khỏi những vết dơ của phiền não, chúng được loại bỏ trên con đường thiền định ; thế nên địa thứ nhì được gọi là Ly Cấu địa. (Dịch theo bản Anh : Không Vết Dơ.)
Do sự ban phước của vị hướng dẫn tâm linh của bạn, bạn chứng ngộ rằng tâm vốn tự do khỏi sanh và diệt ; thế nên địa thứ ba gọi là Phát Quang địa (địa Sáng Tỏ).
Trong sự chứng ngộ không gốc rễ này, những phẩm tính vĩ đại của Phật khởi hiện, và những nhu cầu của chúng sanh được đáp ứng ; thế nên địa thứ tư là Diệm Huệ địa (địa Rạng Rỡ).
Do tịnh hóa những vết dơ của những khuynh hướng thói quen, chúng khó tẩy sạch, địa thứ năm được gọi là Nan Thắng địa (địa Khó Tịnh Hóa).
Đức Phagmo Drušpa nói, “Cấp độ lớn của thoát khỏi tạo tác ý niệm cắt đứt những gán ghép vọng tưởng trên những hiện tượng bên trong và bên ngoài.”
Gyalwa Yang Gošnpa nói :
Vào lúc đó bản tánh của khởi tưởng là lạc trong sự diệt dứt của dòng thức (bất tịnh). Sự bám níu vào vui và buồn sanh khởi liên hệ đến những xuất hiện. Từ điểm này, bạn phân biệt giữa kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ. Chứng ngộ và kinh nghiệm thiền định trộn lẫn, và không có sự tách lìa của hai cái này, chứng ngộ tịnh hóa kinh nghiệm thiền định. Những lợi lạc của chứng ngộ hiện ra và được duy trì nhờ kinh nghiệm thiền định. Như thế, chứng ngộ này là tối hậu. Bạn chứng ngộ rằng mọi hiện tượng có thể có ở trong và ngoài được gồm trong sanh tử và niết bàn thì thoát khỏi tạo tác ý niệm, và bạn hiểu rằng không có một mảy lông nào mà không trống không. Như thế, những hiện tượng xuất hiện là vô ngã, vô tự tánh. Những xuất hiện và tâm bạn được chứng biết là cùng chỉ những ý tưởng chung, và bạn chứng biết rằng những xuất hiện không phải ở ngoài, mà là tâm của chính bạn. Đó cũng là ý nghĩa được các nhà Duy Thức xác nhận. Do chứng ngộ bản tánh của Bồ đề tâm, nó thoát khỏi tạo tác ý niệm, bạn cắt đứt những gán ghép trên tánh không. Đây là trí huệ tối hậu. Mọi hiện tượng không có tự tánh, vô sanh và vô trụ. Có lúc bạn hạnh phúc, nhưng khi có một suy giảm nơi sự tươi mới của bất cứ ý niệm nào sanh khởi, bạn có chút bất hạnh. Bạn không chứng ngộ hơn chỉ một khía cạnh của Đại Ấn. Một vị sanh khởi, và không có phân biệt giữa tự do và không tự do với tạo tác ý niệm hay giữa tánh không và không phải tánh không. Những xuất hiện thì tươi mới, chứng ngộ thì tươi mới, và bạn hài lòng với bất cứ cái gì xảy ra, bất cứ cái gì xuất hiện, bất cứ cái gì sanh khởi. Đó là sự chứng ngộ đầu tiên về Đại Ấn chân thật. Tịnh quang và tự do khỏi tạo tác ý niệm đã được hiện thực.
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Trong cấp độ lớn của thoát khỏi tạo tác ý niệm, bạn cắt đứt những gán ghép vọng tưởng lên mọi hiện tượng trong và ngoài. Bạn biết rằng những xuất hiện là chính tâm bạn. Tâm và hình tướng không có tự tánh, và bạn thoát khỏi bất kỳ đối tượng tập chú nào. Sự chứng ngộ hoan hỷ thuần nhất này giống như trung tâm của không gian. Trước kia bạn bất hạnh với những xuất hiện, nhưng hạnh phúc với tánh giác, và bạn đi vào thực hành về tánh giác. Bây giờ bạn biết rằng những xuất hiện là tâm. Bạn biết rằng tâm là trống không. Đó là cái dụng của tánh không. Tánh không là cái cao nhất của những thiền định. Những gán ghép hư vọng lên tánh không được cắt đứt và được thấy là không có tự tánh hay là không nền tảng. Sự bất hạnh mỏng manh bởi vì sự suy giảm của ‘cái đang là’ tươi tắn mới mẻ ở những hình tướng xuất hiện hiện tại được xác định là một xuất hiện không nền tảng, như huyễn.
Vào điểm này, thiền định là không ngừng vào ban ngày ; và ban đêm, có lúc chứng ngộ sanh khởi và có lúc mê lầm sanh khởi trong thức sau đó, gồm sự bám nắm vào những giấc mộng. Điều này xảy ra do để cho chánh niệm và nguyện vọng của bạn suy vi trong giấc ngủ. Khi có sự xáo động do những điều kiện kéo dài, mạnh mẽ, thức sau đó có thể tiếp tục một ít lâu. Từ điểm này trở đi, nếu thiền định tiến hành mà không có cảm thức về một người làm, bạn sẽ không bao giờ có lúc nào lìa khỏi nó.
Chánh niệm không dứt nương dựa một ít vào sự thông hiểu không phóng dật, tỉnh táo, thế nên chánh niệm là quan trọng. Chánh niệm là tiêu chuẩn phân biệt giữa định thoát khỏi tạo tác ý niệm ở một mặt và thức tiếp theo sau ở mặt kia. Cái duy nhất đứng giữa thoát khỏi tạo tác ý niệm và cả hai sanh tử và niết bàn là sự hiện diện hay sự vắng mặt của chánh niệm. Tôi nói chánh niệm là cái quan trọng nhất. Nếu bám chấp không xâm phạm vào bất cứ cái gì, thì dù giận ghét thường trực tự nó vẫn là trống không. Nếu bám chấp luồn vào mà không có nhận biết hiện diện, những phiền não và khởi tưởng xuất hiện như chúng là có thật, và đó là vô minh.
Khi bạn không lìa khỏi nhận biết, dòng những xuất hiện hình tướng như những phiền não đi đến chỗ ngừng, và tuy nhiên không có gì để chối bỏ hay chấp nhận. Như một chỉ dẫn cho điều đó, bạn không có cảm thức tìm kiếm tánh không ngoài bất cứ xuất hiện nào. Những xuất hiện với thức sau chứng ngộ thuần khiết thì trong trẻo và vô nhiễm. Bạn sẽ không luôn luôn ở trong trạng thái này, thế nên hãy nương dựa vào thông hiểu có chánh niệm. Khó mà thông hiểu mỗi tư tưởng với chánh niệm, thế nên hãy nương dựa vào chánh niệm không ngừng dứt.
Nếu bạn không bị làm hại bởi những hoàn cảnh hàng ngày, đó gọi là sự chứng ngộ của cấp độ lớn của thoát khỏi tạo tác ý niệm. Bấy giờ bạn chứng ngộ rằng bản tánh cốt lõi của tâm là thoát khỏi hay tự do với sanh, diệt và trụ. Bạn thấy vượt khỏi trí thức. Bạn từ bỏ thật sự thế gian. Bạn không cảm thấy ghen ghét, đố kỵ với ai. Nhiều phẩm tính như tri giác siêu giác quan sanh khởi. Trong trạng thái sau thiền định, những xuất hiện hình tướng sanh khởi như những huyễn hóa. Bản tánh của Bồ Đề tâm được chứng ngộ. Bạn thoát ngoài những hy vọng và lo sợ. Gốc rễ của bám nắm bị cắt đứt. Tám mươi hai che ám trên con đường thấy bị đoạn trừ. Bạn không trở lại vòng sanh tử nữa. Ngoài năng lực của những ý nguyện, bạn không nhận chịu sự sanh ra trong vòng sanh tử do ảnh hưởng của nghiệp. Khi điều này xảy ra, bản tánh cốt lõi của tự do khỏi tạo tác ý niệm đã được thấy, và đó gọi là sự toàn thiện của khả năng và sự hoàn thành những phẩm tính tuyệt hảo. Cũng ở đây, những khao khát về ba cõi hữu bị rơi rụng. Bạn ở nơi đơn độc bao la, một thất thiền định phong kín, ở nơi hoang dã và ngữ ngôn chấm dứt.
Trước trạng thái này, trong thiền định bạn thấy có người đang hành thiền. Một khi không còn có cảm thức về mình như là người làm, chỉ đơn giản tiếp tục và không bao giờ lìa khỏi cái đó. Bao giờ bạn còn trên con đường, bạn phải có một số nỗ lực để duy trì tỉnh giác để cho thực hành có thể tiến bộ. Vào điểm này, nếu bám chấp len vào, những phiền não sẽ sanh khởi : chúng sanh khởi như thể chúng không có thật, nhưng chúng thuộc về bản chất vô minh.
Chúng ta có thể ẩn cư, nhưng ngược lại, nếu chúng ta theo sự thực hành của Dudjom Rinpoche, mọi xuất hiện sẽ là những xuất hiện thanh tịnh của Hóa thân. Mọi âm thanh sẽ giống như những tiếng vang của lời Phật, và mọi tư tưởng sẽ là những diễn tả của Pháp thân. Nếu bạn có thể thực hành theo cách đó suốt ngày đêm, bạn sẽ kinh nghiệm mọi sự là một vị. Không có gì để phải từ bỏ, và không có gì để phải kiếm tìm.
Khi nói đến thực hành này của Dudjom Rinpoche, bạn có thể nghĩ ngài chỉ là một hành giả trên giai đoạn phát sanh, nhưng điều này sai. Thật ra, ngài là một hành giả Dzogchen phi thường. Nhưng những điều ấy liên hệ với chúng ta thế nào ? Trước hết chúng ta trau dồi một cái nhìn thấy thanh tịnh về những xuất hiện, những âm thanh và biến cố tâm thức. Về mỗi cái trong ba cái ấy, chúng ta có thể nói đến tinh túy, bản tánh và lòng bi thấm khắp tất cả những xuất hiện, âm thanh và hoạt động tâm thức. Sự thực hành chín phần này lưu xuất từ một bản tánh, tức là tánh giác. Tánh giác của chúng ta là tinh túy của mọi giáo lý Đại Ấn và Đại Toàn Thiện.
Gotsangwa nói :
Với sự chứng ngộ trưởng thành của cấp độ nhỏ của thoát khỏi tạo tác ý niệm, cả sanh tử và niết bàn biểu lộ rõ ràng là vô sanh, thế nên địa thứ sáu được gọi là Hiện Tiền địa (địa Biểu Lộ).
Lằn phân cách giữa con đường còn nhiễm ô và con đường không nhiễm ô của thiền định là cấp độ vừa của thoát khỏi tạo tác ý niệm, thế nên địa thứ bảy là Viễn Hành địa.
Giống như đất, địa thứ tám là Bất Động địa.
Đích nhắm của những thành tựu giả vĩ đại phái Kagyu, những người đã có được những quán chiếu sâu xa vào Đại Ấn, không phải là một cái hiểu ý niệm về sự liên hệ giữa mười địa và Bốn Cấp Bậc Yoga. Tuy nhiên, nhiều vị đã có được một cái hiểu thấu suốt, qua thực hành, về Bốn Yoga, nhất là hai Yoga đầu. Yoga thứ tư, yoga không thiền định, không được bàn luận nhiều vì nó khó đạt đến. Thay vì quan tâm đến một chứng ngộ mà chúng ta chưa thành tựu và có thể còn xa, tốt hơn là xoay sự chú ý của chúng ta vào cái chúng ta có một cơ may thực hiện được. Điều này cũng đúng với cái nhìn thấy thứ tư của Nhảy Qua, tịch diệt vào trong tự thân thực tại. Những người thực hành Dzogchen thường không bàn luận cấp bậc này bởi vì chỉ từ nghe những giáo lý người ta có thể trở nên vênh vang, nghĩ rằng họ hoàn toàn hiểu nó hay thậm chí đạt được nó rồi ! Bởi vì mức độ chứng đắc này rất cao cấp, không quan trọng để có một cái hiểu ý niệm chính xác về nó, khi mà thật ra, kinh nghiệm riêng của chúng ta quanh quẩn, lạch bạch ở sau xa.
Gyalway Chošjey nói :
Nhất tâm của thoát khỏi tạo tác ý niệm là chánh niệm không phóng dật về bản tánh của bất cứ cái gì xuất hiện ; và đó là cái thấy của nhất tâm. Thoát khỏi tạo tác ý niệm của thoát khỏi tạo tác ý niệm là tính không nền tảng của bất kỳ cực đoan nào của những tạo tác ý niệm khi bạn quan sát cái gì. Một vị của thoát khỏi tạo tác ý niệm là một vị trong trạng thái tánh không của mọi sự. Không-thiền định của thoát khỏi tạo tác ý niệm là hoàn thành sự tin chắc vào đó và hộ trì nó thường trực suốt ngày đêm.
Về mặt nhất tâm của yoga thứ hai, thoát khỏi tạo tác ý niệm, bất cứ kinh nghiệm nào bạn có thể có, dù nó liên hệ đến sanh khởi những xuất hiện hay thực hành của bạn về định tĩnh và quán chiếu, chính mặt chánh niệm không phóng dật này là nhất tâm của thoát khỏi tạo tác ý niệm. Mặt thoát khỏi tạo tác ý niệm của thoát khỏi tạo tác ý niệm ngụ ý rằng bạn chứng ngộ tánh không trong mọi sự kinh nghiệm được hay quan sát được. Trong cách thức kinh nghiệm một vị của thoát khỏi tạo tác ý niệm, bạn nhận biết bản tánh “một” của tất cả những nhị nguyên. Trong dòng kinh nghiệm thế gian, chúng ta đi qua nhiều nhị nguyên: sanh tử và niết bàn, vui và buồn, bình an và xáo động v.v... Một vị không ngụ ý rằng những kinh nghiệm này là không có, nhưng chúng có cùng một bản tánh. Trong tinh túy, những cái chúng ta dán nhãn như là sanh tử và niết bàn, vui và buồn... về cốt lõi là đồng bản tánh. Không thiền định của thoát khỏi tạo tác ý niệm là hoàn thành sự tự tin vào chứng ngộ trước kia và hộ trì nó một cách thường trực ngày đêm.
Có nhiều người đã thành tựu những cấp độ lớn và vừa của thoát khỏi tạo tác ý niệm qua kinh nghiệm. Bởi thế hãy nhận biết chứng ngộ qua kinh nghiệm của riêng bạn như thể bạn nhận biết một cái chén của riêng bạn. Tôi khuyến khích bạn để hết tâm trí vào những thực hành cho mức độ của bạn.
Trích đoạn trong:
TÁNH GIÁC LỘ TOÀN THÂN - NAKED AWARENESS Practical Intruction on The Union of Mahamudra and Dzogchen - Snow Lion Publications, 2000 - NXB. THIỆN TRI THỨC, 2003
Những Giáo Huấn Thực Hành về Sự Hợp Nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện
của Karma Chagmé với bình giảng của Gyatrul Rinpoche
Dòng Truyền Thừa Kagyu Kagyu là dòng Khẩu Truyền (hoặc có khi còn được gọi là Nhĩ Truyền) do chư đạo sư trực tiếp truyền lại cho đệ tử, từ miệng của Thầy qua
Hành trạng và truyền thừa Theo Thuyền Uyển Tập Anh, “Thiền Sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi là dòng Bà La Môn, gốc ở Nam Thiên Trúc, vân du qua Trung Hoa; vào
Sự thấu hiểu về giáo lý tánh không trong Phật giáo là điều vô cùng thiết yếu để có thể trải qua tiến trình sống và chết một cách thực tiễn và
NGHIỆP CỦA NHỮNG ĐỨC HẠNH GIẢI THOÁT, NHỮNG PHƯƠNG TIỆN THOÁT KHỎI SANH TỬNghiệp của những hành vi đức hạnh phối hợp với những đức hạnh giải thoát dẫn người ta đến
Chủ đề của tiểu luận này, mahaprajnaparamita (đại trí huệ ba la mật) trong tiếng Sanskrit, là tiêu đề tổng quát và vấn đề căn bản của một nhóm kinh điển Phật
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt