Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
CHƯƠNG VIII
QUY Y


Chiều Chủ nhật

Như chúng ta đã nói trước bữa ăn sáng, một số người bày tỏ ý nguyện được thiết lập một mối liên kết với Phật, chúng ta hãy làm một lễ quy y trong một hình thức rất đơn giản, một nối kết với Phật, Pháp và Tăng.

Khi người ta thiết lập một liên kết với Phật, dầu đức Phật lịch sử đã từng hiện hữu, người ta hiểu Phật trong nghĩa rất sâu xa, trong nghĩa tuyệt đối, Bu nghĩa là người đã thức tỉnh, ddha là người đã hoàn thành mọi đức hạnh. Buddha, Phật, là người đã thức tỉnh khỏi trạng thái huyễn ảo và đã phát triển mọi tính cách có thể phát triển được. Mặc dầu đó là một trạng thái vốn có nội tại nơi mỗi người, ban đầu cần phải quy y, nương dựa vào Phật cho đến lúc người ta có thể nhận ra Phật tánh bên trong này.

Pháp cũng có thể giải thích theo nhiều mức độ, nhưng ở đây nó nghĩa là lời dạy, nó sẽ là con đường dẫn chúng ta đến tự do giải thoát, con đường dạy cho chúng ta phát triển tình thương.

Tăng, đó là cái cho phép chúng ta đào sâu vào các lời dạy với sự giúp đỡ của những người bạn tâm linh.

Chắc chắn có nhiều điều phải làm và nhiều điều không được làm. Một cách rất đơn giản, khi quy y Phật, người ta cam kết kính trọng tất cả các bậc giác ngộ. Khi quy y Pháp, người ta phát nguyện : “từ giây phút này đến khi tôi đạt giải thoát, nếu tôi không thể giúp đỡ chúng sanh, thì ít ra tôi cũng tránh bằng mọi phương tiện có thể để không làm hại họ.” Khi quy y Tăng, người ta có quyết định này : “cho đến khi tôi đã có một sức mạnh khá lớn, cho đến khi tôi đã có một quyết tâm đầy đủ, tôi sẽ thực hành những pháp tu cần thiết”. Và mặc dầu được khuyên hãy duy trì một liên kết với mọi chúng sanh dầu họ thế nào, khi người ta chưa đủ vững chắc để có thể giúp đỡ họ, người ta cũng nên tránh có những tiếp xúc với những người phá hoại hay gây hại.

Trong bản chất, ý nghĩa của sự quy y là phát triển lòng đại bi : nếu không thể giúp đỡ, thì ít ra cũng không làm hại. Đến một trạng thái người ta không thể làm hại chúng sanh nữa và tiếp theo là học cách giúp đỡ họ, đó thật sự là một điều kỳ diệu !

Sự cam kết cũng cốt nói lên lời nguyện quy y ba lần trong một ngày ; điều đó không khó, không dài, chỉ giản dị : Namo Buddhaya, Namo Dharmaya, Namo Sanghaya.

Những giáo huấn của Phật rất rộng lớn, tuy nhiên trong bản chất chúng cốt ở tránh những hành động gây hại cho mình và cho người, vắn tắt đó là sự thực hành bất hại, bất bạo động. Và điều ấy không áp dụng chỉ cho con người mà còn cho chó, mèo, chim, cho đến các côn trùng rất nhỏ và mọi chúng sanh khác. Mặc dầu nghiệp của chúng khiến chúng có các hình dạng như thế, chúng cũng như chúng ta đều có Phật tánh, bản tánh giác ngộ. Vậy hãy có môït thái độ từ ái với tất cả chúng sanh và không bao giờ làm hại họ. Tất cả chúng sanh đều kiếm tìm hạnh phúc và từ chối khổ đau, thế nên tất cả những gì chúng ta có thể làm để đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, đó là con đường của các bậc giác ngộ như là đức Phật.

Để lập lại lời nguyện quy y của chúng ta hay để thiết lập sự liên kết này cho lần đầu tiên, chúng ta hãy quán tưởng trong khoảng không gian trước mặt hình tượng đức Phật, ngồi trên tòa sen trên một dĩa mặt trời và một dĩa mặt trăng, một hình tượng thật giản dị, vàng chói, phóng ra vô số tia sáng vàng chói. Phật ngồi trong tư thế kim cương, bàn tay phải đặt trên gối phải, các ngón tay hướng xuống đất, lòng bàn tay quay vào phía trong, và bàn tay trái, lòng bàn tay ngửa hướng về trên, đặt thẳng ngang mức lỗ rốn, trong tư thế thiền định. Đó là Phật kết ấn “dùng đất làm chứng” (địa chứng ấn). Sự biểu lộ của khuôn mặt ngài thì ngập tràn tình thương và lòng bi mẫn, và ngài đã hoàn thành nơi mình tất cả tướng chánh và tướng phụ của giác ngộ. Người ta thấy Ngài như thế trước mặt mình.

Người ta có thể tự hỏi tại sao quán tưởng Phật trong tư thế ấy, bàn tay phải trên đầu gối phải, tay trái ngang rốn. Ngay trước khi đạt đến giác ngộ, đức Phật ngồi thiền định dưới cây Bồ đề. Ngài đã phát nguyện không cử động cho đến lúc tìm ra chân lý tuyệt đối, và như luôn luôn trong các trường hợp đó, rất nhiều mãnh lực tiêu cực biểu lộ tìm cách ngăn chặn sự thành công của công cuộc tìm kiếm này. Vì để đạt đến một mức giác ngộ như thế, phải tích chứa một số công đức khổng lồ, các thế lực ấy vặn hỏi đức Phật : “Nhưng ngài có quyền gì đòi hỏi đạt đến giác ngộ ? Ngài đã chứa nhóm được bao nhiêu công đức mà nghĩ đến chuyện có thể đạt đến giác ngộ ?” Khi ấy, không để bị phân tâm, Phật trả lời : “Ta lấy đất làm chứng cho những công đức đã tích chứa được trong hàng nghìn tiền kiếp !” Chính là để ghi nhớ việc này mà chúng ta quán tưởng Phật trong tư thế ấy.

Để nhận sự quy y hay lập lại lời nguyện quy y, người ta cầu nguyện và lễ ba lạy. Người ta có thể tự hỏi : “Nhưng làm sao có thể chỉ đơn giản gợi ra sự hiện diện của đức Phật trước mặt và sau đó liên kết với Ngài ? Người ta có bằng chứng nào rằng ngài thật sự ở đó ?” Chính đức Phật đã nói : “Trước bất kỳ ai nghĩ nhớ đến ta, ta sẽ hiện diện ngay lúc ấy.” Thế nên, gợi ra một cách mạnh mẽ sự hiện diện của đức Phật và của các bậc giác ngộ, các vị sẽ thật sự có mặt ở trước chúng ta ! Vậy thì trước sự hiện diện của các vị, chúng ta nói lời nguyện và lễ ba lạy.

Lạy là một thao tác rất trọn vẹn : người ta chắp hai tay trước trái tim để biểu thị rằng điều mà người ta làm, người ta làm từ tận đáy lòng. Các ngón tay của bàn tay phải và bàn tay trái chạm nhau biểu trưng sự kết hợp của đại bi và trí huệ. Khi lạy, người ta đứng, hai chân xếp dính nhau ; người ta chắp tay ngang trái tim để tượng trưng cho sự kết hợp của đại bi và trí huệ, tiếp theo là trước trán, cổ họng và trái tim – ba trung tâm – và người ta tách mở hai tay, điều ấy nghĩa là người ta sắp làm việc cho chúng sanh bằng cách dùng trí huệ và đại bi. Sau đó người ta chạm mặt đất ở năm điểm : trán, hai đầu gối và hai lòng bàn tay, điều này biểu trưng sự chuyển hóa của năm nguyên tố thành năm trí và sự vượt qua năm Con Đường, năm giai đoạn.

Khi đưa hai bàn tay chắp trước trán, cổ họng và trái tim, đó là dâng cúng thân, ngữ, tâm của chúng ta, và cầu xin nhận được sự ban phép lành của thân, ngữ, tâm của các bậc giác ngộ.

Ở đây, vì không có chỗ, chúng ta không đứng lạy, chỉ đơn giản chắp hai tay trước trái tim và làm lễ lạy trong tâm thức trước sự hiện diện của Phật bằng cách để hai tay chắp trước trán, cổ họng và trái tim.

Vậy chúng ta hãy mạnh mẽ gợi ra sự hiện diện của Phật trước mặt và hãy đánh thức sự phát tâm nơi chúng ta, nghĩa là chúng ta làm sự quy y này để có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh và cho chúng ta, và xác định trong tâm với một quyết định lớn lao : “Kể từ giây phút này tôi không làm điều gì gây hại cho bất kỳ ai và tôi sẽ cố gắng, bằng sự tối đa của khả năng tôi, giúp đỡ tất cả những ai mà tôi có thể.” Nếu không thể giúp đỡ người khác, người ta sẽ cố gắng tránh làm hại họ.

Tiếp theo, chúng ta hãy tụng đọc ba lần Namo Buddhaya, Namo Dharmaya, Namo Sanghaya, vừa đặt hai tay lần lượt ở ba chỗ : trán, cổ họng và trái tim. Đọc lần đầu tiên, là để khởi động ý nguyện quy y, lần thứ hai là để xác nhận điều đó, và lần thứ ba là để thực sự nhận lấy sự ban phước của việc trao truyền quy y.

Sự trao truyền quy y này đến với chúng ta theo một dòng liên tục từ giây phút đức Phật đạt đến giác ngộ cách đây hơn hai ngàn năm cho đến thời chúng ta. Đường dây này đến với chúng ta một cách không gián đoạn. Thế nên, các phước lành của sự trao truyền này là toàn vẹn và rất mạnh mẽ, và chúng ta nhận chúng hôm nay là để phụng sự tất cả chúng sanh.
 
Sự việc quy y và thiết lập mối liên kết này là một hành động rất quan trọng. Chính đức Phật đã nói để giải thích sự quy y là mạnh mẽ bao nhiêu : “Nếu năng lực ấy có một hình thể và người ta dùng cả trái đất làm đồ đựng, toàn thể trái đất cũng không đủ sức chứa nó.” Đó thật sự là một điều cực kỳ quan trọng, cực kỳ mạnh mẽ. Sau khi quy y, mọi thiền định người ta làm, mọi tu hành đều mạnh mẽ và lợi lạc rất nhiều.

Sự liên kết mà chúng ta đã thiết lập, chúng ta không để nó như vậy, chúng ta hãy đóng dấu nó, nếu người ta có thể nói thế, bằng dấu ấn của lòng đại bi.

Làm thế nào ? Bằng mọi năng lực thân tâm, chúng ta phát một lời nguyện trong cái ngày tốt lành, phước đức này ! Thật vậy, hôm nay là ngày thứ mười âm lịch, ngày được dành cho đạo sư vĩ đại Padmasambhava, người đã đem Phật giáo vào Tây Tạng. Hôm nay, chúng ta đã thiết lập một liên kết với các bậc giác ngộ, và mọi kết quả sinh ra từ điều đó, chúng ta hãy phân phát cho mọi chúng sanh để dập tắt mọi nỗi khổ đau của họ và dẫn dắt họ nhanh chóng đến mức độ giải thoát hoàn toàn, nơi ấy chẳng còn chút đau khổ nào. Chính trong mục đích ấy mà chúng ta hãy hồi hướng thiện nghiệp...

Xem mục lục