Chủ nhật 2 tháng 12 năm 1984
Trong khóa này chúng ta hãy đơn giản làm một thiền định ngắn như chúng ta đã thấy chiều hôm qua, theo các giai đoạn sau đây :
– Trước tiên, chúng ta kiểm chứng trong vài giây phút tâm thái của chúng ta, ý định chúng ta, trước khi bắt đầu sự thực hành và chúng ta phát sanh ý định tích cực là làm những điều này để giúp đỡ mọi chúng sanh.
– Tiếp theo chúng ta thở ra ba lần các năng lực tà vạy, bằng lỗ mũi phải, trái và đồng thời cả hai lỗ mũi.
– Rồi chúng ta quan sát hơi thở trong bảy chu kỳ ra-vào bằng cách tập trung sự chú tâm chỉ vào hơi thở. Trong một khoảng thời gian tương đương chúng ta thư giãn mà không tập trung vào bất cứ thứ gì. Lần nữa, chúng ta lại tập trung vào hơi thở trong bảy chu kỳ ra-vào. Lại thư giãn trong một khoảng thời gian tương đương và lại bắt đầu một lần thứ ba tập trung và thư giãn.
– Sau đó, chúng ta dùng một hình tướng tỏa sáng làm chỗ dựa của thiền định. Trong khoảng không trước mặt, chúng ta thấy một khối cầu ánh sáng trắng nó tiêu biểu cho yếu tính, bản chất của đại bi của tất cả các bậc giác ngộ. Với những ai quen thuộc với các kỹ thuật quán tưởng, hãy thấy trong vòng tròn ánh sáng đó hình tướng của đức Phật đại bi vô biên là đức Quán Thế Âm.
– Trước sự hiện diện của bậc giác ngộ đại từ đại bi, chúng ta tán tụng ba lần trước khi tụng ca thần chú của Quán Âm (OM MANI PADME HUNG). Khi tụng ca thần chú này, ánh sáng phóng xuất từ đức Quán Thế Âm và tịnh hóa toàn triệt tất cả ba nghiệp thân, ngữ, tâm, và như thế chúng ta hoàn toàn thanh tịnh. Chúng ta nghĩ như vậy trong khi tụng chú.
– Tiếp theo, hình tượng ánh sáng này tan biến vào chúng ta và người ta trở thành một hình thể ánh sáng từ trái tim, từ toàn thân, chiếu ra vô số tia sáng chói lọi tỏa khắp mọi hướng, chuyển hóa mọi khổ đau của vũ trụ thành lạc phúc. Như thế mọi khốn khổ bị dập tắt và tan biến ; mọi chúng sanh tràn đầy lạc phúc và trở thành thân thể bằng ánh sáng.
Trong khi quán tưởng, vào lúc người ta phóng ra những tia sáng của lòng đại bi, người ta có thể dừng lại vài chốc lát trên mỗi một hình thái của lòng đại bi của tâm giác ngộ (tượng trưng bởi bốn cánh tay của Quán Âm) : lòng từ ái khiến chúng ta cầu chúc cho mọi chúng sanh được hạnh phúc bởi chính nguyên nhân của hạnh phúc ; lòng bi mẫn khiến chúng ta mong rằng mọi chúng sanh được giải thoát khỏi tất cả khổ đau và chính nguyên nhân của khổ đau ; niềm vui khiến chúng ta sung sướng vì hạnh phúc của người khác và tâm xả khiến chúng ta phát triển nơi mình ba tình cảm trên một cách bình đẳng đối với mọi chúng sanh.
Chúng ta hãy bắt đầu cuộc thiền định này và theo đuổi nó qua từng chặng.
Sau khi đã trải qua vài chốc lát để an bình tâm thức, giờ đây chúng ta hãy bắt đầu sự thiền định và học hỏi chính liên quan đến bardo.
Mỗi khi người ta tiến hành một điều gì khá quan trọng, không chỉ là một sự thiền định – hoàn toàn bình thường khi bắt đầu thiền định bằng cách lắng yên tâm thức – mà ngay trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn khi người ta cần có một quyết định quan trọng để làm một công việc, tốt hơn là đừng làm nó trong sự vội vã, mà rất hữu ích trong một trường hợp như thế hãy để vài phút để an định tâm thức : trực giác hay sự thấu hiểu về tình thế sẽ rất chính xác và cực kỳ tỏ rõ.
Đến lúc này, chúng ta đã thấy bardo của cuộc đời hiện tại, nghĩa là trạng thái trung gian trải dài từ khi sanh ra đến lúc mà chúng ta có thói quen gọi là chết ; chúng ta cũng đã thấy những sự tu hành tâm linh cho phép chúng ta đối xử với những tình huống khác nhau mà chúng ta có thể gặp trong suốt giai đoạn này, cũng như bardo giấc mộng.
Chủ đề tiếp theo là bardo của lúc chết. Khi người ta nói đến cái chết, một số chúng ta xem nó là hoàn toàn tiêu cực ; số khác khi gặp một vài tình huống nghĩ rằng không có gì cả sau khi chết, vậy thì họ có thể trốn thoát và tỵ nạn trong cái chết.
Với vài người đã được nhận một sự chuẩn bị và họ đã theo đuổi sự tu hành và thiền định về bardo, thì không có cái chết. Đấy đơn giản chỉ là một lối đi qua, một giai đoạn. Những người lợi căn và họ gặt hái kết quả của nghiệp tốt không cần phải đến một đời làm việc, họ chỉ cần ba hay sáu tháng thực hành tận lực ; chắc chắn rằng ngay cả thân thể họ sẽ tan thành ánh sáng. Lúc ấy điều xảy ra là, chính trong trạng thái tâm thức này, dầu không lìa khỏi thân thể này, mọi nguyên tố, mọi che ám đều được thanh tịnh hóa trong trí huệ đạt được : thân thể tạo bởi năm ấm, năm nguyên tố, cũng như các dạng thức khác nhau của tâm thức đều được nhận biết trong bản tánh chân thật và thanh tịnh của chúng như là những sự thể không phải bất toàn mà là đại toàn thiện. Khi biết thật tánh của năm nguyên tố, người ta hiểu rằng đấy là năm Bà Mẹ, năm ấm là năm trạng thái giác ngộ trong hình tướng của những vị Phật Thiền (Dhyani Buddha, – Năm gia đình của chư Phật ; liên kết với mỗi gia đình là một tình thức riêng biệt đã được chuyển hóa thành một trong năm trí của trạng thái giác ngộ), tám loại thức cũng được biết như là các trạng thái của tâm giác ngộ – tám vị đại Bồ Tát – điều ấy làm cho ngay trong sắc thân này, thân và tâm được hoàn toàn giải thoát trong một trạng thái ánh sáng. Đó là điều mà người ta gọi là thân thể cầu vồng.
Nhiều giai đoạn cần thiết để đạt đến một mức độ chứng đắc như vậy :
– Giai đoạn phát triển, kyérim.
– Giai đoạn hoàn thiện, dzog-rim.
– Giai đoạn đại toàn thiện, dzog-pa-chenmo.
Trong các giáo huấn về Đại toàn thiện, mà người ta cũng gọi là Đại viên mãn, có những sự tu hành dẫn vào bản tánh trí huệ của tâm thức, điều người ta gọi là trekcho. Và cũng có những huấn luyện, thực hành cho phép nhận ra mọi hiện hữu hiện tượng như chúng thật sự là, nghĩa là chúng là sự biểu hiện của ánh sáng viên mãn.
Nhờ vào các thực hành ấy, người ta có thể trở thành lợi lạc cho chính mình và cho người khác đến một mức độ không ngờ !
Người ta nói rằng chỉ một người đạt đến trạng thái chứng đắc này có thể làm lợi lạc cho các chúng sanh có một liên hệ tích cực với người ấy trong các đời quá khứ, trong đời hiện tại, đến một mức mà vào giây phút đó, mười triệu chúng sanh sẽ được đưa đến cùng một mức độ ấy trong cùng một thời gian và vô số chúng sanh được giải thoát khỏi khổ ách. Đối với người đã đạt đến mức độ như vậy, cái chết chẳng là gì cả, cái chết là một trạng thái của tự do và chứng ngộ.
Vậy thì có các giai đoạn tu hành, như chúng ta vừa đề cập.
– Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn phát triển, mà những mức độ khác nhau giúp cho chúng ta chuyển hóa tất cả các kinh nghiệm mà chúng ta đã có trong quá khứ, vào lúc chết, trong khoảng thời gian giữa cái chết và nhập thai, đúng trước khi ra đời và suốt kinh nghiệm về sự sanh ra.
Để chuyển hóa bao nhiêu kinh nghiệm đã sống trong quá khứ cũng như trong đời hiện tại – mọi kinh nghiệm mà chúng ta trải qua và chúng in dấu vào tâm thức nền tảng – có những tu hành mà chúng ta đã đề cập nhiều lần để có thể nhận. Mặc dầu chủ đề thì rất rộng, nói vắn tắt, người ta làm việc trên thân, ngữ, tâm : liên hệ với thân, ngữ, tâm chúng ta có những tri giác ; các sự tu hành này được thực hành để chuyển hóa những tri giác thành trạng thái thanh tịnh giác ngộ về bản tánh tuyệt đối của chúng. Không chỉ để chuyển hóa những kinh nghiệm của quá khứ, mà còn để tự sửa soạn cho kinh nghiệm về cái chết. Và khi chúng ta đi vào giai đoạn sự hòa tan các nguyên tố cái này trong cái kia, điều này liên hệ và tùy thuộc vào các giai đoạn khác nhau của thực hành thiền định mà chúng ta sẽ thấy lát nữa.
Vậy thì, đối với nhiều hành giả, khi các nguyên tố hòa tan cái này trong cái kia, thì đấy là một hình thức thấy lại, ôn lại các kinh nghiệm đã làm trong khi thiền định. Thế nên đó không phải là một kinh nghiệm lo lắng, mà nó giống hơn với sự kiện thấy lại, gặp lại và nhận ra lại những người bạn cũ.
– Trong giai đoạn thứ hai, giai đoạn hoàn thiện hay viên mãn, dzog-rim, có những thực hành hơi thở, tập trung vào những trung tâm khác nhau và sự lưu chuyển của năng lực, những thực hành thiền định bao gồm trong Sáu Yoga (của Naropa).
– Ở mức độ đại toàn thiện hay đại viên mãn, dzog-pa-chenmo, người ta được đưa vào bản tánh thật sự của tâm thức. Giai đoạn này gồm các phần của maha mudra và maha sandi. Nhờ các tu hành này người ta có thể nhận biết bản tánh chân thực của tâm thức ngay trong đời này. Kinh nghiệm về ánh sáng (quang minh) mà người ta có sau khi sự hòa tan của các nguyên tố sẽ được biết như sự gặp gỡ của mẹ và con. Ánh sáng Mẹ và ánh sáng Con hòa tan, lúc đó người ta nhận biết điều ấy và người ta giải thoát. Đối với người đã đạt đến một mức độ thực hành ấy, thì cái chết chẳng có gì để lo lắng, đó là một sự việc cùng cực giản dị.
Với người không có thì giờ hay khả năng hiến mình cho các tu hành như vậy, có một thực hành ngắn mà người ta gọi là phowa, chuyển di tâm thức. Pháp phowa này cũng gồm các mức độ khác nhau, ba lần ba mức độ – ba cho những hành giả có khả năng cao, ba cho các hành giả khả năng trung bình, ba cho những hành giả khả năng kém.
Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến một cách ngắn gọn. Nếu người ta tự hỏi chuyển di là gì, thì phowa nghĩa là chuyển di tâm thức. Nếu chúng ta tu hành phowa trong một tuần hay hơn nữa ba tuần, chúng ta đạt một kết quả. Đó là một cách tu hành chuẩn bị cho chúng ta để không cần trải qua các kinh nghiệm chi tiết khác nhau hiện đến sau khi chết, và cho chúng ta một sự làm chủ toàn diện tình huống.
Người ta có thể xem yếu tố tâm thức như một người du lịch, và thân thể này của cuộc đời hiện tại như là một phòng khách sạn mà một người đi du lịch bỏ lại để đi từ khách sạn này đến khách sạn khác khi thăm viếng các vùng khác nhau. Và khi người ta phải rời cái thân này để qua một đời khác, điều đó cũng giống như một người du lịch rời bỏ một nơi chốn để qua chỗ khác, người ta có thể chọn lựa nếu muốn hoặc là một đời sống khác hay đến một quốc độ của chư Phật.
Với một tu hành như thế, người ta không cần phải lo âu về cái chết nữa, người ta biết đó cũng như một sự dọn nhà. Khi chúng ta phải dọn nhà, chúng ta thường lâm vào tình trạng bối rối, hốt hoảng ; chúng ta không muốn đối diện với tình huống, thay đổi khuôn khổ đã quen, điều đó với chúng ta rắc rối khủng khiếp. Nhưng khi chúng ta biết rằng tuyệt đối phải làm chuyện đó, chúng ta quyết định, chúng ta chấp nhận, thì sẽ tìm ra một chỗ thích hợp và chúng ta sửa soạn. Khi không chấp nhận, thì có những xung đột bên ngoài và bên trong. Cũng thế, khi phải rời thân xác này, nếu chuẩn bị, điều ấy trở nên thật đơn giản.
Khi muốn dời nhà từ một nơi này sang một nơi khác và biết rằng phải làm thế thôi, thì mọi sự trôi chảy tốt đẹp, nhưng thông thường, vì phải từ bỏ bà con láng giềng, bạn bè, người trong gia đình ở rải rác nhiều chỗ, chúng ta không muốn chấp nhận điều ấy. Mặt khác, chúng ta không chắc tìm thấy được nơi chỗ ở mới có các láng giềng tốt... Thế nên, chúng ta không thể chấp nhận ý nghĩ phải dời nhà ; đặc biệt chúng ta thấy điều đó rất khó khăn khi chúng ta đang ở yên, trong một mái nhà tiện nghi, với một hoàn cảnh xung quanh dễ chịu.
Trước hết, chúng ta có thể kiểm chứng xem chúng ta thật sự phải ra đi hay không và chúng ta có muốn ra đi hay không, chẳng hạn chúng ta không muốn đi nhưng vì những lý do như thời hạn sử dụng đất đã hết, chúng ta buộc phải làm chuyện đó. Tiếp theo, điểm đầu tiên là xác nhận liệu có một khả năng nào đó đểø kéo dài sự tạm trú của chúng ta nơi chúng ta đang ở hay không.
Vậy thì, nếu người ta có những dấu hiệu tiên khởi của cái chết, cũng có những pháp môn thực hành để kéo dài đời sống. Khi đi đến lúc chấm dứt đời này, việc đó có nhiều nguyên nhân, ở mức độ vật lý, mức độ nghiệp quả – ở mức độ vật lý, vì một cơn bệnh, vì sự quân bình các nguyên tố bị phá vỡ ; ở mức độ nghiệp quả, thời gian chúng ta có quyền sử dụng sắp cạn kiệt. Trong cả hai trường hợp, vẫn có những khả năng kéo dài cuộc sống này.
Nếu là nguyên nhân vật lý, chẳng hạn đó là một mất quân bình của các nguyên tố, người ta có thể dùng thuốc và thử lập lại quân bình, như thế kéo dài đời sống. Nếu là nguyên do nghiệp quả, có những sự thực hành trường thọ gồm những thực tập thiền định có thể dùng để kéo dài cuộc sống. Một nguồn vốn sống lâu cũng rất quan trọng là cứu mạng cuộc sống của các chúng sanh khác : kết quả của hành động tích cực này kéo dài cuộc đời chúng ta và đời của người khác. Ví dụ trên đường chúng ta gặp các con vật người ta đưa tới lò sát sanh, nếu chúng ta có thể cứu mạng chúng, điều ấy sẽ kéo dài thêm mạng sống của ta. Như vậy, khi cứu vớt các cuộc đời khác, chúng ta có thể kéo dài cuộc đời mình.
Chúng ta cũng có thể kéo dài thọ mạng bằng sự thực hành bình thường, chẳng hạn người ta dùng các thần chú, khi ấy người ta hút vào tinh túy của các nguyên tố, bằng sự thực hành các yoga...
Và một ngày nào, khi chúng ta đến lúc biết rằng thật khó kéo dài thêm nữa các hiệu quả của các thực hành này, lúc đó quan trọng là phải sửa soạn những gì liên quan đến tài sản, đến gia đình, đến những cái xung quanh chúng ta. Dầu bắt buộc phải làm, điều quan trọng là hoàn thành các công việc ấy với một thiện ý, để không có điều gì đáng tiếc. Tất cả các sở hữu của chúng ta phải được phân phối rành mạch phù hợp với nguyện vọng sâu xa của chúng ta, để không có vấn đề nào, ân hận nào. Mặt khác, khi người ta dọn nhà qua ở ngay trước mặt, nếu quên một cái gì đó thì rất đơn giản, nhưng khi dọn nhà đến một nơi rất xa, thật sự phải lo đến việc bị phải trở lại vì một chi tiết nào đó.
Vậy thì quan trọng là ra đi vào lúc ấy mà không có một hối tiếc nào. Theo các giáo huấn, có một số rất nhiều các dấu hiệu báo trước xuất hiện hoặc là ở mức độ vật lý hoặc ở mức độ tâm thức, qua các giấc mơ. Cách gì thì sự chỉ dẫn cũng rất chính xác về lúc khởi hành và giờ phút chết, nghĩa là chúng ta được chỉ cho thời gian để chuẩn bị.
Về chuyện này, phải biết rằng tâm thức chúng ta hoạt động một cách rất đặc biệt và đôi khi chúng ta cứ lo cho những sự việc vặt vãnh mà quên cái chính. Thế nên, biết rằng chết sắp đến, phải chuẩn bị, tổ chức tất cả cho sự chôn cất và nói rõ ràng tài sản sẽ được phân phối như thế nào. Tất cả những cái mà chúng ta đang giữ hiện giờ, chúng ta đã nhận được hoặc bằng thừa kế hoặc bằng làm việc. Vậy thì cách nào nó cũng là kết quả lao động của ai đó, và chúng là những thứ phải chú ý để sử dụng cho đúng. Như thế, không để ai bên ngoài bó buộc, chúng ta phải có những quyết định tài sản chúng ta phải được sử dụng cách nào. Nếu người ta có thể dùng chúng trong mục đích từ thiện, như giúp trường học, nhất là các trường trẻ em tật nguyền, hay các viện dưỡng lão, các tu viện tâm linh, đó là những yếu tố sẽ rất ích lợi cho chúng ta vào giây phút chết và những ngày sau đó. Có thể người ta có cảm tưởng rằng đang mất đi điều gì hay điều đó cũng chẳng ích gì. Nhưng hoàn toàn không phải thế đâu : nếu người ta trồng một hạt, không tức thời người ta thấy được trái, có lẽ phải khoảng 3, 6, 9 hay 12 tháng ; nhưng luôn luôn dĩ nhiên có một cái gì đó sẽ mọc lên từ cái mà người ta đã trồng và theo cách mà người ta đã trồng.
Một hành động đích thực chính đáng luôn luôn có một kết quả tích cực, điều đó cũng tùy thuộc vào ý định mà người ta làm việc đó. Một hành động chính đáng được làm với một ý định tích cực sẽ có một kết quả cực kỳ mạnh mẽ.
Khi nói đến nghiệp, nghiệp (karma) đơn giản chỉ là hành động. Hành động là gì ? Đó là năng lực. Nếu người ta dùng năng lực ấy với một thiện ý, điều đó đem lại một kết quả tốt ; nếu dùng nó với một ác ý, sẽ đem lại một kết quả xấu. Vậy thì mọi điều chúng ta có thể làm với một ý định tốt sẽ có những kết quả tốt không chỉ cho chính chúng ta mà còn cho những người khác.
Tâm thức thì rất đặc biệt như chúng ta đã nói. Những điều nhỏ nhặt gây lên nó những ảnh hưởng lớn lao. Chúng ta có những ví dụ về những vị cao cả, những hành giả rất tiến hóa họ có một sự làm chủ hoàn toàn trạng thái mộng và các vị có thể liên lạc với những chúng sanh đang sống trong trung ấm, bên kia cái chết. Các vị có thể biết những kinh nghiệm của các chúng sanh ấy và những bận bịu lo toan của họ. Tôi nghĩ rằng điều ấy phải khá phổ biến trong mọi xứ ở thời quá khứ ; ở Tây Tạng đó là một truyền thống còn sống động tới ngày hôm nay. Những người mà mức độ chứng nghiệm rất cao, rất tiến bộ trên con đường Bồ tát, có khả năng thiên nhãn rất phát triển, bằng sự thực hành có thể dễ dàng có những liên lạc với các chúng sanh đang trong tình trạng trung ấm sau cái chết. Người ta có nhiều câu chuyện về đề tài này ; để giải trí cho các bạn tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện thôi, nó rất giản dị.
Nhưng câu chuyện này không phải là một chuyện kể dành cho trẻ em. Đó là một câu chuyện sống thực, đã xảy ra cách đây khoảng hai mươi lăm năm ở miền đông Tây Tạng. Có một trung tâm tu học được điều khiển bởi một vị thầy vĩ đại, Dugpa Rinpoché. Ngài có thói quen đi ra xung quanh vùng phụ cận, ban cho các lời chỉ dạy cho nhiều đệ tử thuộc nhiều cấp độ, họ quây quần quanh ngài, có cả nhiều người ăn xin. Các người ăn xin này chẳng chú ý bao nhiêu tới lời dạy của ngài hơn là tới thức ăn mà ngài phân phát cho tất cả. Trong đám họ, có một người ăn xin già rất thích món xúp. Có lẽ điều này cũng có trong các xứ khác, nhưng ở Tây Tạng vì những lý do y học và các lý do khác mà người ta nấu xúp cả xương lẫn tủy. Đó là món xúp ông ăn xin già ưa thích. Ngày nọ, ông chết thình lình, và trong nhiều đêm chó của trang trại quấy rầy mọi người khi sủa không ngớt và chạy vòng quanh căn nhà hư nát nơi ông ăn xin già nua thường ẩn mình ở đó để ăn. Vị lạt ma biết bằng thiên nhãn rằng người mới chết rất thích xương và mỗi lần ông dùng một bữa ăn có xương tủy ông giữ lại một ít để nấu xúp. Ông đã cất giấu kho tàng của mình trong một kẻ hở của bức tường, giấu mấy con chó, và ngay cả sau khi chết, ông cũng không thể bỏ được các xương ấy. Dugpa Rinpoché chỉ ra nơi để xương, bảo người ta tán ra thành bột và làm một lễ cúng cầu an cho ông ăn xin. Yên bình trở lại với trang trại.
Tâm thức gắn bó với các vật vô nghĩa như vậy, đôi khi chỉ là vài mảnh xương. Cũng có những câu chuyện về các bà lão không thể lìa bỏ các cây kim, cuộn chỉ của họ... Nhưng chuyện này xảy ra chỉ mới hai mươi lăm năm ! Thế nên, những sự vật nhỏ bé và thấp kém có thể gây cho chúng ta một lo âu lớn, thật quan trọng cần sắp xếp trước khi người ta cảm thấy gần với sự chấm dứt, và phải chuẩn bị tất cả để thoát khỏi mọi bám níu.
Và nếu đến lúc các người thân quanh ta chết, thì cực kỳ quan trọng phải tuân theo các ý muốn cuối cùng của họ, phải tôn trọng chặt chẽ các nguyện vọng hay chúc thư của họ, để không có một xung đột nào với chúng sau khi họ chết, bởi vì họ còn hiện hữu với tư cách là thân thể tâm thức. Họ sẽ rất dễ dàng biết điều mà người khác nghĩ và làm vì không có hàng rào của thân thể vật lý nữa. Trong trạng thái thân thể tâm thức, người ta cực kỳ nhạy cảm với mọi điều đó, và vì thông thường người ta có thể ở khoảng bốn mươi chín ngày trong thân thể tâm thức – thông thường vì điều đó tùy theo cá nhân. Người chết thường ở vùng xung quanh chỗ ở hàng ngày. Nếu người ấy biết rằng người ta không dùng các tài sản của mình theo cách mình muốn, người đó có thể khởi ra oán giận, điều ấy bấy giờ với họ là một nguyên nhân của khổ đau và của những sự khó khăn. Thế nên, điều chính yếu với người ở lại là hoàn toàn vâng theo ý muốn của người chết.
Bây giờ tôi muốn nói với các bạn một chút về sự thực hành phowa, nghĩa là chuyển di tâm thức. Khi người ta sửa soạn một cuộc du lịch để từ bỏ một nơi này để đến một nơi khác, điều quan trọng là cần biết con đường phải theo để đến chỗ kia và các phương tiện cần dùng – người ta có thể đến đó bằng xe hơi, máy bay hay đi bộ, như người ta muốn. Ở đây là sự chuyển di mà nơi đến sẽ là các quốc độ thanh tịnh của chư Phật, và người ta sẽ kết hợp tâm thức mình với bản tánh tự do toàn hảo của Phật.
Để làm sự tu hành này, người ta có thể dùng nhiều hình tướng của các bậc giác ngộ ; ở đây sẽ là Amitabha (A Di Đà Phật). Người ta quán tưởng Phật A Di Đà và trộn lẫn tâm thức mình với bản tánh của tâm thức ngài. Người ta dùng kinh mạch trung ương để làm được việc đó : trong thân thể chúng ta có nhiều kinh mạch vi tế khác nhau ; người ta hãy dùng kinh mạch trung ương cho sự đi qua của yếu tố tâm thức bởi một cái cửa đã được xác định. Trong thân ta có nhiều trung tâm hay là chakra (luân xa) : cái của đầu, cái của cuống họng, cái ở trái tim, cái ở rốn và trung tâm bí mật. Có nhiều trung tâm khác trong thân, nhưng những trung tâm trên là những cái chính, và chúng đều liên hệ với trung tâm thứ năm nằm trong đầu.
Chúng ta có những cửa đi ra khác nhau : những lỗ mắt, tai, mũi, miệng và các lỗ bên dưới.
Khi có các vực thẳm ở đâu đó, người ta tìm cách tránh chúng và sửa soạn đường đi. Ở đây người ta hãy tìm cách đóng lại tất cả các cửa ra khác và chỉ mở lối ra của trí huệ, ở trên đỉnh đầu.
Người ta quán tưởng rất rõ ràng kinh mạch trung ương và đóng mọi lối ra khác nhờ vào một vài âm thần chú bít chặt các lối ra. Trong kinh mạch trung ương, người ta quán tưởng một quả cầu bằng ánh sáng hay một chữ thần chú. Người ta cũng quán tưởng hình tướng một vị Phật, đặc biệt là hình tướng của Phật A Di Đà, ở trên đầu mình. Và, nhờ vào một âm thần chú được phát ra một cách cương quyết, người ta chuyển di tâm thức mình vào trong tâm thức của Phật, hình tướng Phật là một biểu tượng của trạng thái thanh tịnh thuần túy của tâm thức. Vậy là người ta chuyển di yếu tố tâm thức và người ta hòa tâm thức mình với tâm thức của Phật. Tiếp theo, trở lại, người ta làm cho yếu tố tâm thức đi xuống trở lại. Đó là cách mà người ta tu tập.
Khi người ta thấy các triệu chứng báo trước một sự ra đi, một cái chết kề cận, người ta sẽ thực hiện phép chuyển di và lúc đó người ta không trở lại nữa. Còn trong khi tu tập người ta phóng xuất tâm thức và tiếp theo làm cho nó trở lại, và lúc chót của sự thực tập, Phật biến thành Phật Vô Lượng Thọ và tan thành ánh sáng và hòa tan với chúng ta, ở giây phút chính xác này, cần phải quán tưởng là người ta đóng lại cánh cửa của trí huệ. Chỉ để mở nó khi thật sự là lúc ra đi.
Khi người ta trở nên có khả năng sử dụng sự tu hành này, điều ấy rất là lợi lạc và có thể giúp đỡ phụng sự người khác, nghĩa là khi người ta có thể áp dụng nó cho mình khi chết thì người ta cũng có thể giúp đỡ những người đang chết hay vừa chết. Đó là một tu hành cực kỳ lợi lạc và hiệu quả. Rõ ràng có một vài thay đổi trong kỹ thuật theo nhu cầu. Nếu đó là người khác thay vì chính mình, người ta quán tưởng các chữ thần chú... trong thân của người ấy, và nhờ vào sự định tâm và lòng đại bi của chúng ta, người ta có thể thật sự dẫn dắt người này về con đường đúng và che chở cho người ấy khỏi mọi khổ não và mọi kinh nghiệm khó khăn mà họ có thể gặp.
Khi người ta chuyển di yếu tố tâm thức vào trong tâm của Phật A Di Đà, A Di Đà có nghĩa là ánh sáng vô lượng, Vô Lượng Quang... Phật là một bậc thức tỉnh giác ngộ, đó không phải là một người xa lạ, một người đến từ một xứ sở khác, thật ra đó là một phương diện của trạng thái thanh tịnh vốn có của tâm, nó thường trực hiện diện nơi chúng ta. Và khi người ta nói đến năm
mối phiền não mà người ta học cách tịnh hóa, chuyển hóa chúng thành năm hình thái của trí huệ ; khi người ta nói đến năm ấm – sắc, thọ, tưởng, hành, thức – thì dưới hình thức thuần túy, thanh tịnh của chúng, đó là năm vị Phật Thiền (Dhyani Buddha) ; đó không phải là các sự vật ở ngoài chúng ta, đó là những phương diện của trạng thái thanh tịnh vốn có của tự tâm chúng ta.
Khi người ta thực hiện việc chuyển di tâm thức, tuyệt đối phải chú ý là chỉ làm nó đúng vào lúc đáng làm, nghĩa là khi người ta thấy những dấu hiệu bên ngoài và bên trong của sự tan rã các nguyên tố và người ta đã bắt buộc đến chỗ không thể trở lại. Trước khi đó, không chính đáng để làm sự chuyển di tâm thức. Thân thể này vô cùng quý giá, đó là một mạn đà la toàn hảo của các hình sắc của Phật. Nếu người ta thực hiện sự chuyển di trước khi đúng lúc, đúng thời, đó là một hành động rất tiêu cực, một ác hạnh cho mình và cho người. Vậy thì người ta tu hành sự chuyển di tâm thức theo cách có thể thực hiện nó, nhưng độc nhất chỉ dùng vào thời điểm chính xác.
Thực hành thiền định trong đời mình cũng rất hữu ích vào thời điểm chuyển di tâm thức. Người ta có thể hành những thiền định với tâm đại bi bao la hay với tâm Bồ đề. Đó là một trợ giúp lớn lao trong đời hiện tại và trong lúc chết.
Thái độ tích cực thật là một năng lực vĩ đại. Trong suốt cuộc đời, chúng ta gặp nhiều tình huống khác nhau, những tình huống khó khăn chắc chắn có thể đến với ta ; ngược lại có những lúc mà mọi sự đều hanh thông. Những lúc đó, không có gì để kiêu căng vì thành công và hạnh phúc, mà đơn giản chỉ hưởng thụ chúng một cách tự tại và cầu chúc cho mọi người khác cũng được hưởng thụ hạnh phúc đó, mà chúng ta đang có.
Không nên phá hủy hạnh phúc đó bằng cách suy nghĩ “vâng, chắc chắn tôi có điều này điều nọ, nhưng nó chẳng là gì cả, hãy xem những người khác, họ có còn nhiều hơn tôi !” ; “công việc tôi thành công, tốt lắm, nhưng người khác còn có một nghề nghiệp sáng chói hơn !” Không ích gì mà phá hoại hạnh phúc chúng ta đang có ; chúng là kết quả các nghiệp thiện đã chín và nếu người ta phá hủy nó, người ta sẽ có thể không hưởng được nó. Trái lại, phải an vui với những tình huống sung sướng này và thành thật cầu mong rằng tất cả đều có thể biết đến hạnh phúc và an vui !
Rất quan trọng thâu hoạch được sự tu hành mà người ta gọi là sự thực hành cho-nhận. Khi nói đến cho-nhận, điều đó nghĩa là người ta thu vào sự khổ đau của những người khác, người ta chuyển hóa nó và gởi lại những tia sáng của lòng đại bi, như thế chia xẻ năng lực tích cực với những người khác. Đây là một việc mà người ta phải làm mỗi ngày trong cuộc đời thường nhật, điều ấy sẽ là một giúp đỡ lớn lao cho chúng ta vào giờ phút chết. Thật vậy, người ta có thể bảo trì thái độ này vào lúc chết – khi hít vào, người ta hấp thu tất cả mọi khổ đau của những ai đang phải sống trong một hoàn cảnh tương tự, họ cũng đang phải thực hiện sự ra đi ; mỗi ngày, mỗi phút, luôn luôn có vô số người đang hấp hối. Người ta hít vào tất cả đau khổ của họ, người ta chuyển hóa nó thành đại bi và gởi trả lại những tia ánh sáng. Nếu chúng ta thở hơi cuối cùng theo cách này, thì không có cách nào hay hơn để thực hiện chuyển di tâm thức !
Thái độ tinh thần trổi bật lúc chết là cực kỳ quan trọng và nó làm mạnh thêm tất cả mọi hành động nghiệp lực của quá khứ, dầu tốt hoặc xấu. Thế nên thật chính yếu cần có một thái độ tích cực, tốt vào lúc chết. Nếu tham dự với các người hấp hối, lý tưởng là có thể cho họ một môi trường chung quanh an bình và thanh tĩnh để thực hiện việc ra đi, và nhất là tránh tất cả những gì có thể gây ra một cơn giận mạnh, một tức bực hay một tham đắm ích kỷ vào giây phút đó vì điều ấy sẽ gây ra các khó khăn sau đó. Như thế, khi người ta đang lo cho người hấp hối, điều quan trọng nhất là luôn luôn có một thái độ tích cực và một lòng đại bi. Đó là cách tốt nhất để giúp đỡ họ, sự nâng đỡ tốt nhất mà người ta có thể trao cho họ.
(Ngưng nghỉ mười lăm phút)