Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

 

CHƯƠNG XX
THỜI GIAN VÀ BIẾN CHUYỂN
 
Tôi muốn nói đôi chút về bản chất của thời gian, bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể hưởng được sự phong phú, vẻ đẹp tuyệt vời và ý nghĩa sâu thẳm của tính chất phi thời gian, của tính thể chân lý khi nào chúng ta hiểu được toàn thể tiến trình của thời gian. Dù sao đi nữa, tựu chung chúng ta đều tìm kiếm, mỗi người mỗi cách, mọi người đều đi tìm cảm giác hạnh phúc, tràn trề, phong phú. Hiển nhiên một đời sống có ý nghĩa, nguồn lợi giàu sang của hạnh phúc chân chất, không thể nào thuộc về thời gian. Cũng giống tình yêu, một đời sống tràn trề hạnh phúc mang tính chất phi thời gian ; muốn hiểu tính chất phi thời gian, chúng ta không nên đi đến tính chất phi thời gian bằng con đường thời gian ; thay vì thế, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của thời gian. Chúng ta không nên dùng thời gian như là một phương tiện để vươn tới, đạt tới, thể hiện, túm lấy tính chất phi thời gian. Nhưng cả đời chúng ta , chúng ta chỉ làm thế ; mất thì giờ cố gắng túm lấy những gì vượt bên ngoài thời gian ; do đó, chúng ta cần phải hiểu thời gian có nghĩa là gì ; vì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giải thoát khỏi thời gian. Điều quan trọng nhất vẫn là hiểu thời gian trong toàn thể ý nghĩa của thời gian , chứ không phải chỉ phiến diện, một vài khía cạnh thôi.
Có điều đáng để ý là đời sống của chúng ta phần lớn đều trôi đi trong thời gian – thời gian , không phải theo nghĩa liên tục niên lịch, những giây phút, những giờ, những ngày và những năm ; thời gian, tôi muốn nói ở đây là thời gian theo nghĩa ký ức tâm lý. Chúng ta sống bằng thời gian, chúng ta là kết quả của thời gian. Tâm trí chúng ta là sản phẩm của nhiều ngày quá khứ và hiện tại chỉ là sự lướt đi của quá khứ đến tương lai. Tâm trí chúng ta , sinh hoạt chúng ta , hiện thể chúng ta đã được xây dựng trên thời gian ; không có yếu tố thời gian ; chúng ta không thể suy tư, bởi vì tư tưởng là kết quả của nhiều ngày quá khứ và không có tư tưởng nào mà không có trí nhớ. Trí nhớ là thời gian ; vì có hai loại thời gian, thời gian niên lịch và thời gian tâm lý. Thời gian theo nghĩa ngày đã qua, đo bằng đồng hồ và thời gian theo nghĩa ngày đã qua , tạo ra do trí nhớ. Các ngài không thể xua bỏ thời gian niên lịch ; đó là một việc làm phi lý – vì các ngài sẽ trễ tàu hỏa. Nhưng thực sự có thời gian nào khác ở ngoài thời gian niên lịch ? Cố nhiên có thời gian như thời gian của ngày đã qua, nhưng có thời gian nào là thời gian do tâm trí nghĩ ra ? Có thời gian nào ở ngoài tâm trí ? Nhất định thời gian hiểu theo nghĩa thời gian tâm lý, là sản phẩm của tâm trí. Không có căn bản của tư tưởng thì không có thời gian – thời gian chỉ là trí nhớ, tạo thành bởi ngày đã qua cùng với ngày hôm nay để khuôn đúc ra ngày mai. Nghĩa là trí nhớ của kinh nghiệm ngày đã qua đáp ứng lại với hiện tại và tạo ra tương lai – và tương lai vẫn là tiến trình của tư tưởng, lối đi của tâm trí. Tiến trình tư tưởng tạo ra sự tiến triển tâm lý trong thời gian, nhưng sự tiến triển này có thực không, thực như là thời gian niên lịch ? Và chúng ta có thể nào dùng thời gian thuộc về tâm trí, thời gian như là phương tiện tìm hiểu sự vĩnh cửu, tìm hiểu tính cách phi thời gian ? Như tôi đã trình bày, hạnh phúc không thuộc về ngày đã qua, hạnh phúc không là sản phẩm của thời gian, hạnh phúc luôn luôn ở trong hiện tại, một trạng thái phi thời gian. Tôi không biết các ngài có bao giờ để ý rằng mỗi khi các ngài đạt tới trạng thái thần cảm ngây ngất, đạt tới cơn sảng khoái sáng tạo một đám mây rực ngời nổi bật lên giữa đám mây đen chung quanh thì ngay lúc ấy, thời gian không còn hiện hữu nữa ; chỉ có hiện tại trực tiếp thôi. Nhưng ngay sau đó, khi đã trải qua giây phút hiện nghiệm trong hiện tại, tâm trí lại hồi tưởng lại, muốn tiếp diễn lặp lại kinh nghiệm đã qua, cố gắng vận dụng nỗ lực để thâu đạt lại trạng thái ấy ; do đó, tâm trí đã tạo ra thời gian. Thế là thời gian đã được tạo ra do tâm trí muốn gia tăng lượng số kinh nghiệm muốn có “thêm nhiều hơn nữa”, thời gian là sự sở hữu thâu đạt, và thời gian cũng là sự thoát ly ; nhưng sự thoát ly siêu thoát cũng vẫn là sở hữu của tâm trí. Vì thế chỉ tạo một kỷ luật cho tâm trí trong thời gian, ràng buộc qui định tư tưởng trong khuôn khổ thời gian, tức là trí nhớ, nhất định không thể nào khai mở được thế giới phi thời gian.
Sự biến chuyển tâm thức có phải là một vấn đề thời gian ? Phần đông chúng ta đã quen suy tư rằng thời gian rất cần thiết cho việc chuyển biến tâm thức : tôi là một cái gì đó, và tôi muốn đổi hiện thể ra thành một lý tưởng nào đó và điều này phải đòi hỏi thời gian. Tôi tham lam, với tất cả hậu quả của sự tham lam ấy như sự hỗn loạn tâm trí, sự chống đối xung đột, khốn cùng ; muốn đem đến sự chuyển biến tâm lý ; muốn trừ khử tính gian tham ấy, chúng ta nghĩ rằng phải cần có yếu tố thời gian. Nghĩa là thời gian được coi như một phương tiện để tiến tới một thực tại nào cao cả hơn, trở thành một nhân vật nào vĩ đại hơn. Vấn đề là như thế này : mình có tính tàn bạo, phũ phàng, gian tham, đố kỵ, nóng nảy, tội lỗi, hoặc đắm đuối trong nhục cảm. Muốn đổi hiện tính này, thời gian có cần thiết không ? Trước tiên, tại sao chúng ta cần thay đổi hiện tính, thay đổi cái đang là , hoặc muốn đem đến một sự chuyển biến tâm thức ? Tại sao ? Bởi vì hiện tính không làm thỏa mãn chúng ta ; hiện tính tạo ra xung đột, phiền phức ; và vì chán ghét trạng thái ấy, cho nên chúng ta muốn một cái gì tốt hơn, đẹp hơn, cao thượng hơn. Do đó , chúng ta thèm muốn biến chuyển bởi vì hiện tại đang đau đớn, khó chịu , xung đột. Thời gian có thể chiến thắng được sự xung đột không ? Nếu các ngài cho rằng thời gian có thể chinh phục được sự xung đột, các ngài vẫn còn vướng trong xung đột. Các ngài có thể nói rằng mình phải cần hai mươi ngày hoặc hai chụ năm để tiêu trừ sự xung đột, để thay đổi hiện tính, nhưng trong thời gian ấy, các ngài vẫn còn vướng kẹt trong sự xung đột ; do đó, thời gian không đem đến sự chuyển biến tâm thức được.
Khi chúng ta dùng thời gian như là một phương tiện để thâu đạt một đức tính, một đức hạnh hoặc một thể trạng nào đó thì chúng ta chỉ triển hạn hoặc trốn tránh hiện thể, trốn tránh cái đang ; và tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải hiểu điểm này. Sự gian tham hoặc sự bạo động tạo ra đau đớn, phiền toái trong thế giới tương giao của chúng ta với một người khác, tức là xã hội ; và khi ý thức được trạng thái phiền toái này, mà chúng ta gọi là tính gian tham hay tính bạo động, chúng ta tự nhủ “ rồi đây tôi sẽ bỏ tính ấy. Tôi sẽ thực hành tính bất bạo động, tôi sẽ tập không đố kỵ, tôi sẽ luyện lòng hiếu hòa” – vậy thì các ngài muốn thi hành sự bất bạo động, bởi vì sự bạo động là trạng thái phiền phức, xung đột, và các ngài nghĩ rằng rồi đây các ngài sẽ đạt tới trạng thái bất bạo động và chiến thắng được sự xung đột. Cái gì xảy ra trong thực tế ? Vì ở trong trạng thái xung đột, các ngài muốn đạt tới một trạng thái mà không còn sự xung đột nào xảy ra nữa. Vậy thì phải chăng trạng thái không còn xung đột ấy chỉ là kết quả của thời gian, của một thời hạn ? Nhất định là không ; vì các ngài vẫn còn bạo động và vẫn còn nằm trong thế xung đột , khi mà các ngài còn mong đạt tới trạng thái không còn xung đột.
Vấn đề chúng ta là : chúng ta có thể nào vượt qua sự xung đột, sự phiền phức trong một giai đoạn của thời gian, không phân biệt ngày, năm hoặc kiếp ? Cái gì xảy ra , mỗi khi các ngài nói, “tôi sẽ thi hành sự bất bạo động trong một thời gian nào đó”. Chính sự thi hành, thực hành ấy chứng tỏ rằng các ngài đang ở trong thế xung đột, phải thế không ? Các ngài sẽ không thực hành gì cả, nếu các ngài không chống cự, chống đối sự xung đột ; các ngài cho rằng cầm cự chống đối lại sự xung đột là cần thiết để vượt qua xung đột, và vì chống đối như thế, cho nên các ngài phải cần có thời gian. Nhưng chính sự chống đối với xung đột đã là một hình thức của xung đột. Các ngài đã phung phí năng lực để chống đối lại sự xung đột qua những hình thức như lòng gian tham, tính đố kỵ, hoặc tính bạo động, nhưng tâm trí các ngài vẫn còn trong thế xung đột ; do đó, điều quan trọng là nhìn thấy được sự sai lầm của tiến trình nô lệ vào thời gian như là một phương tiện để vượt qua sự bạo động và để thoát khỏi tiến trình ấy. Lúc nhìn thấy được như vậy, các ngài sẽ có khả năng thể hiện bản thể mình : sự phiền phức tâm lý ấy chính là sự bạo động rồi.
Muốn hiểu bất cứ sự thể nào, bất cứ vấn đề nào, thuộc khoa học hoặc thuộc về con người, điều quan trọng nhất là gì, điều chính yếu nhất là gì ? Một trí óc trầm lặng , phải thế không ? Một trí óc chăm chú miệt mài vào sự giao cảm. Đó không phải là một tâm trí chấp nhất, độc chiếm, chuyên đoán, cố gắng tập trung tư tưởng – vì tập trung tư tưởng chỉ là nỗ lực để chống chế một cái gì đó – Nếu thực sự tôi muốn hiểu một cái gì đó, tức khắc liền xuất hiện trạng thái trầm lặng của tâm trí. Khi các ngài muốn nghe nhạc hoặc ngắm nhìn một bức tranh mà các ngài yêu dấu, mà các ngài có tình cảm nồng nàn, thì tâm trạng các ngài là gì ? Lập tức xuất hiện sự trầm lặng, phải thế không ? Khi các ngài nghe nhạc, tâm trí các ngài không còn lang thang tán loạn nữa, các ngài lắng nghe. Cũng như thế, khi các ngài muốn hiểu sự xung đột, các ngài không còn nô lệ vào thời gian nữa ; các ngài chỉ đối diện với cái đang , tức là xung đột. Rồi lập tức sự trầm lặng xuất hiện, sự trầm lặng của tâm trí. Khi các ngài không còn lệ thuộc vào thời gian như là một phương tiện để chuyển hóa cái đang , vì các ngài thấy được sự sai lầm của tiến trình ấy, lúc đó, các ngài đối diện với cái đang và khi các ngài chú tâm tìm hiểu cái đang , hiển nhiên các ngài đạt được một tâm thái trầm lặng. Trong một trạng thái linh hoạt mà thụ động ấy, sự giao cảm xuất hiện. Khi mà tâm trí còn xung đột, thống trách, chống chế, kết án qui tội thì không thể nào có sự giao cảm được. Nếu tôi muốn hiểu các ngài, tôi không nên phê phán các ngài, hiển nhiên là thế. Chính tâm trí trầm lặng chính trí óc thanh tĩnh mới có thể mang đến sự chuyển biến tâm thức. Khi trí óc không còn chống chế, không còn trốn tránh, không còn xua bỏ, hoặc qui trách hiện thể (cái đang ) mà lại chỉ thụ động ý thức thôi, thì lúc ấy, trong trạng thái thụ động của tâm trí, các ngài sẽ thấy rằng sự biến chuyển tâm thức hiện đến, nếu các ngài thực sự đi sâu vào vấn đề.
Cách mạng chỉ có thể thực hiện ngay bây giờ chứ không phải trong tương lai ; sự hồi sinh là ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai. Nếu các ngài thể nghiệm với những gì tôi vừ trình bày, các ngài sẽ thấy rằng lập tức thể hiện sự phục sinh, sự lạ tuyệt vời của đời sống, vẻ mới lạ tươi tắn của tâm hồn, vì tâm trí luôn luôn vẫn trầm lặng khi tâm trí chú tâm, khi tâm trí có ý muốn tìm hiểu, giao cảm. Đối với chúng ta , điều khó khăn nhất vẫn là chúng ta không có chủ tâm tìm hiểu, bởi vì chúng ta sợ hãi điều ấy, sợ hãi nếu chúng ta tìm hiểu được, việc ấy có thể mang đến một hành động cách mạng trong đời sống chúng ta ; do đó, chúng ta chống chế lại. Đó là cơ thức bảo vệ, phòng thủ đang vận hành, khi chúng ta dùng thời gian hay dùng lý tưởng như một phương tiện để chuyển biến dần hồi, chuyển biến theo điệu tiêm tiến.
Do đó, sự hồi sinh chỉ có thể thực hiện trong hiện tại, chứ không phải trong tương lai, cũng không phải vào ngày mai. Kẻ nào trông cậy vào thời gian như là phương tiện để thâu đạt hạnh phúc hay để thực hiện chân lý hoặc thực hiện Thượng đế thì chỉ là tự lường gạt ; hắn sống trong mê muội và trong xung đột. Kẻ nào thấy rằng thời gian không phải là con đường thoát khỏi nỗi khó khăn hiện nay của chúng ta, do đó, hắn thoát ra được sự sai lầm, hiển nhiên chính hắn mới là kẻ có ý định tìm hiểu, giao cảm, do đó, trí óc hắn trầm lặng một cách tự nhiên, không có gì bó buộc, không cần phải thực hành tôi luyện. Khi trí óc trầm lặng, tĩnh lặng, không tìm kiếm bất cứ câu trả lời nào, không chống chế, không trốn tránh – chỉ có lúc ấy mới có sự hồi sinh thực sự, vì lúc ấy tâm trí có khả năng trực nhận sự thực ; và chỉ có chân lý mới giải phóng, chứ không phải nỗ lực của ngài trong việc đi tìm sự giải phóng.
Xem mục lục