Giáo lý vô ngã đã được trình bày đầy đủ ở trên, nhưng khách quan mà nói, nó không phải dễ hiểu đối với đa số quần chúng. Tất cả mọi người đều quen ăn nói có chủ từ, nay bỗng nhiên giáo lý vô ngã nói là cái chủ từ đó (Ta) không có, vậy thì còn cái gì đây? Đã có bao nhiêu nghi vấn khởi lên đối với vô ngã như:
Không có Ta thì ai đi tái sinh?
Không có Ta thì ai tạo nghiệp, ai chịu quả báo?
Không có Ta, vậy ai tu, ai giải thoát?
Không có Ta thì ai vãng sinh về Cực Lạc?
Vô ngã vậy ai thành Phật? Ai chứng A-la-hán? Ai nhập Niết bàn?
Ngay từ thời đức Phật và sau Phật cũng đã có những nghi vấn như trên. Điển hình là phái Độc Tử bộ (Vajjiputtaka). “Lúc đức Phật còn tại thế, có ngoại đạo tên là Độc Tử (Vajjiputta) xuất gia theo Phật. Môn đồ của ông tiếp nối cho đến thế kỷ thứ 2 sau khi Phật nhập Niết bàn, họ tách khỏi Nhất thiết Hữu bộ và thành lập một bộ phái tên là Độc Tử bộ, chủ trương có Bổ đặc già la (puggala, pudgala) là một cá thể ngã, nhưng ngã này không giống như thần ngã hay linh hồn của ngoại đạo có nguyên chất, chủ tể tồn tại ngoài năm uẩn. Cái ngã Bổ đặc già la này không hẳn là năm uẩn, cũng không phải nằm ngoài năm uẩn, nhưng không phải là hoàn toàn không có, vì khi người ta tạo nghiệp nhân lành dữ nhưng chưa thọ quả báo, tất phải có cái năng lực liên hệ giữa nghiệp nhân và quả báo trong tương lai. Nếu không có năng lực đó, khi người ta chết rồi, năm uẩn tan rã, cái gì dẫn đến sự hiện hữu trong tương lai? Do đó hẳn phải có Bổ đặc già la duy trì nghiệp mới có thể có trạng thái luân hồi, nếu chết rồi là hư vô thì đâu có luân hồi, đâu có giải thoát? Vả lại Phật là đấng Nhất thiết trí, biết hết mọi pháp, nếu không có Bổ đặc già la (ngã) thì lấy cái gì để biết mà thành nhất thiết trí? Tâm, tâm sở không thể biết hết mọi pháp, vì tâm, tâm sở biến diệt không ngừng. Còn Bổ đặc già la này thường trú bất biến mới biết cả sắc lẫn tâm một cách tự tại. Bộ phái này chia tất cả pháp thành ba nhóm: nhóm hữu vi pháp, nhóm vô vi pháp, và nhóm phi cả hai. Bổ đặc già la thuộc nhóm thứ ba. Họ còn chia tất cả làm năm tạng (kho): Quá khứ pháp tạng, Hiện tại pháp tạng, Vị lai pháp tạng, Vô vi pháp tạng, và Bất khả thuyết pháp tạng. Bổ đặc già la thuộc tạng thứ năm này. Nghĩa Như Lai tạng trong Đại thừa Phật giáo về sau rất có quan hệ với thuyết Bổ đặc già la này”.
Trong hai mươi bộ phái Tiểu thừa Phật giáo Ấn Độ, ngoài Độc Tử bộ ra còn có bốn bộ phái khác cũng đồng quan điểm trên, đó là: Pháp Thượng bộ (Dhammuttarika), Hiền Trụ bộ (Bhaddayanika), Chánh Lượng Bộ (Sammitiya) và Mật Lâm Sơn bộ (Channagarika). Mặc dù Phật dạy về lý Vô ngã, nhưng năm bộ phái này vẫn còn tin vào một cái ngã đặc biệt, có thật. Vì thế các phái khác đã lên án họ là bị ngoại đạo trà trộn. Tuy nhiên khái niệm “ngã đặc biệt” của họ có thể đã khơi mào cho những khái niệm như Pháp thân, Phật tánh, Như Lai tạng, A lại da thức, Chân như, Chân tâm, Chân không, Chân ngã của Đại thừa Phật giáo sau này.
Kinh điển giáo lý của Phật vi diệu thậm thâm, bao la bát ngát, các đệ tử hậu thế chỉ nắm vững được một phần nào thôi nên mới sinh ra hàng chục bộ phái với những ý kiến khác nhau. Nhưng tựu chung mọi sự khác biệt đều nằm xung quanh vấn đề ngã và pháp, không và có, hữu và vô như: ngã pháp câu hữu, ngã không pháp hữu, ngã pháp câu không, pháp vô khứ lai, chư pháp đản danh, v.v...
Ngoài ra vào thời đức Phật còn tại thế cũng có các vị tỳ kheo mặc dù quán chiếu vô ngã nhưng vẫn còn cảm giác “tôi là”. Thí dụ như kinh Khemaka, thuộc Tương Ưng bộ kinh (Samyutta III, 126) tập 3, Thiên Uẩn. Trong kinh kể lại chuyện tôn giả tên Khemaka bị trọng bệnh đau đớn. Các tỳ kheo khác đến viếng thăm rồi hỏi tôn giả Khemaka có thể chịu đựng đau đớn được không? Tôn giả Khemaka đáp là không chịu đựng được vì bệnh không thuyên giảm.
Các tỳ kheo hỏi: “Trong năm thủ uẩn này, Tôn giả Khemaka quán có cái gì là tự ngã hay ngã sở không?”
Tôn giả Khemaka đáp: “Tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả.”
Các tỳ kheo hỏi: “Nếu tôn giả Khemaka không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả, thời tôn giả Khemaka là vị A-la- hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận”.
Tôn giả Khemaka đáp: “Trong năm thủ uẩn này, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả. Nhưng tôi không phải là bậc A-la-hán, đã đoạn tận lậu hoặc. Dầu cho tôi có chứng được “tôi là” nhưng tôi cũng không quán “cái này là tôi”.
Các tỳ kheo hỏi: “Tôi là, là cái gì? Tôi là sắc hay khác sắc? Tôi là thức hay khác thức? “
Tôn giả Khemaka đáp: “Tôi không nói: Tôi là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức. Dầu rằng tôi có chứng được tư tưởng “Tôi là” nhưng tôi không có quán “cái này là tôi”... “Này chư Hiền, dầu cho vị Thánh đệ tử đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, nhưng với vị ấy cái dư tàn ngã mạn “tôi là”, dư tàn ngã dục “tôi là”, dư tàn ngã tùy miên “tôi là” chưa được đoạn trừ... Vị ấy sau một thời gian, sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này, ngã mạn “tôi là”, ngã dục “tôi là”, ngã tùy miên “tôi là”chưa được đoạn tận nay đi đến đoạn trừ”.
Sau cùng qua cuộc đàm luận, tôn giả Khemaka và khoảng sáu mươi tỳ kheo được tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc.
Mặc dù không quán năm uẩn là tôi, không quán sắc là tôi, thọ là tôi, v.v... nhưng tôn giả Khemaka vẫn còn cảm giác “tôi là”, cùng với những dư tàn ngã mạn, ngã dục, ngã tùy miên “tôi là”. Trường hợp của tôn giả Khemaka không khác gì trường hợp của đa số chúng ta. Chúng ta được học giáo lý đầy đủ, nào là ngũ uẩn vô ngã, ngũ uẩn giai không, nhưng có ai chứng quả đâu? Vẫn còn chấp ngã và phiền não đầy dãy. Như vậy là sao? Phải quán như thế nào đây?
Khi vừa nghe tôn giả Khemaka nói “tôi là” thì các thầy tỳ kheo liền hỏi ngay “tôi là, là cái gì?” “Tôi là” có hay không? Nếu có thì “tôi là” là cái gì? Có phải là năm uẩn không? Nếu không phải năm uẩn thì là cái gì? Trong kinh là không bao giờ nói “Tôi là” có hay không, mà chỉ nói cái này, cái kia không phải là tôi. Hiểu được “năm uẩn không phải là tôi” chưa đủ để chứng đạo, cần phải tinh cần quán chiếu, với thời gian, cái cảm giác dư tàn “tôi là” mới dần dần tan biến. Nhưng đối với những người không hành thiền, không quán chiếu thì quả thật khó hiểu.
Một thí dụ khác tương tự vấn đề trên, đó là kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, kinh số 143 thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Một hôm trưởng giả Cấp Cô Độc bị bệnh nặng sắp lìa đời, ngài Xá Lợi Phất và A-Nan hay tin bèn đến thăm. Đến nơi ngài Xá Lợi Phất dạy cho trưởng giả phép quán Vô ngã. Tôi xin trích dẫn vài đoạn kinh Giáo Hóa Người Bệnh, kinh này tương đương với kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, nhưng do Thiền Sư Nhất Hạnh dịch tương đối dễ hiểu hơn.
“Bây giờ cư sĩ hãy quán niệm như sau về sáu giác quan:
Con mắt này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào con mắt này.
Cái tai này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái tai này.
Cái mũi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái mũi này.
Cái lưỡi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái lưỡi này.
Thân thể này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào thân thể này.
Ý căn này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào ý căn này....
... Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu thức:
Cái thấy này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái thấy này.
Cái nghe này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nghe này.
Cái ngửi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ngửi này.
Cái nếm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nếm này.
Cái xúc này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái xúc này.
Cái ý thức này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ý thức này....
... Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về năm uẩn:
Hình sắc không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi hình sắc.
Cảm thọ không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi cảm thọ.
Tri giác không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tri giác.
Tâm hành không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tâm hành.
Nhận thức không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi nhận thức....
... Này cư sĩ! Các pháp đều do nhân duyên sinh khởi và do nhân duyên hoại diệt; thật ra tự tính của các pháp là không sanh cũng không diệt, không tới cũng không đi ....
Trong năm uẩn này không có gì có thể được gọi là ta, là người, là thọ mạng. Không thấy được sự thực đó tức là vô minh ....”
Từ đầu đến cuối phép quán, không có cái gì là tôi hết, và tôi không bị kẹt hay giới hạn bởi cái gì hết. Vậy thì tôi là cái gì? Trong kinh không thấy nói tới. Nhưng sau khi được ngài Xá Lợi Phất hướng dẫn quán niệm như trên thì ông Cấp Cô Độc mệnh chung và sinh lên cõi trời Tam thập tam thiên (Đao lợi).
Cũng tương tự như trên, trong kinh Không phải của các ông, thuộc Tương Ưng bộ kinh, đức Phật dạy các Tỳ kheo phải từ bỏ năm uẩn như sau:
“Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.
Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các ông?
Sắc, này các Tỷ-kheo, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.
Thọ, này các Tỷ-kheo, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.
Tưởng, này các Tỷ-kheo...
Các hành, này các Tỷ-kheo...
Thức, này các Tỷ-kheo, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang lại cỏ, củi, cành cây, lá của Jetavana này, và đốt chúng hay tùy theo duyên sử dụng chúng. Các ông có nghĩ rằng: “Người ấy mang chúng tôi, hay đốt, hay tùy theo duyên sử dụng chúng tôi”?
- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao như vậy? Vì cái ấy không phải chúng con. Bạch Thế Tôn, cái ấy không phải thuộc tự ngã của chúng con.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, sắc không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông. Thọ không phải của các ông... Tưởng không phải của các ông. Các hành không phải của các ông... Thức không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.”
Con người là năm uẩn, nay nếu từ bỏ năm uẩn thì còn lại cái gì đây? Và hơn nữa cái gì biết từ bỏ năm uẩn? Phải có một cái không phải là năm uẩn thì mới từ bỏ năm uẩn được chứ?
Trong Bát nhã tâm kinh nói Bồ tát Quán Tự Tại chiếu kiến ngũ uẩn giai không liền thoát khỏi mọi khổ ách. Như vậy tức là vị Bồ tát này thấy được ngũ uẩn vô ngã. Nhưng Bồ tát dùng cái gì để chiếu kiến? Tự thân Bồ tát không ngoài ngũ uẩn, do đó ta có thể nói “ngũ uẩn Quán Tự Tại chiếu kiến thấy ngũ uẩn giai không” cũng không sai.Vậy thì trong ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cái nào thấy ngũ uẩn giai không? Sắc thấy ngũ uẩn giai không? Hay thọ, hay tưởng thấy ngũ uẩn giai không? Hay hành, hay thức thấy ngũ uẩn giai không? Phải có một cái gì trong “ngũ uẩn Quán Tự Tại” thấy được ngũ uẩn giai không chứ?
Giáo lý Vô ngã nói không có cái Ta, vậy thì ai chứng quả A-la-hán? Ngài Xá Lợi Phất có chứng A-la-hán không? Nếu có thì ai chứng? Bởi vì Xá Lợi Phất chỉ là một cái tên (danh) đặt cho một ngũ uẩn. Do đó khi ngũ uẩn tên là Xá Lợi Phất chứng quả A-la-hán thì uẩn nào chứng A la Hán? Hay là cả năm uẩn đều chứng A la Hán?
Qua hai trường hợp trên của Bồ tát Quán Tự Tại và ngài Xá Lợi Phất, ta có thể chắc chắn rằng sắc uẩn không thể quán chiếu và chứng quả. Còn lại bốn uẩn kia (thọ, tưởng, hành, thức) mà danh từ khác gọi là danh (nama) hoặc tâm (citta) may ra có phần trong việc quán chiếu và chứng quả.
Các kinh sách thường lập đi lập lại ngũ uẩn không phải là Ta, sắc không phải là Ta, thọ không phải là Ta, v.v... và nói cái Ta chỉ là một danh từ tạm lập, một giả danh được đặt trên năm uẩn. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng đi xa hơn một chút, người ta có thể hỏi Ai bịa đặt ra danh từ Ta để gọi năm uẩn? Hoặc cái gì gọi năm uẩn là Ta? Nếu trả lời là tất cả mọi người đồng ý gọi năm uẩn là Ta vậy thì mọi người là gì? Mọi người đều là năm uẩn, vậy thì uẩn nào bịa đặt ra cái “danh từ” Ta? Hơn nữa danh từ Ta (ngã) không hẳn chỉ là một “giả danh” như cái bàn, cái xe. Khi thấy một miếng ván và bốn cái chân gỗ, mọi người Việt Nam đều đồng ý gọi đó là cái bàn thì danh từ “cái bàn” xuất hiện. Nay nếu tất cả người Việt Nam đồng ý gọi cái bàn là cái ghế thì danh từ “cái ghế” được xuất hiện. Do đó danh từ cái bàn hay cái ghế không có thật, chỉ là giả danh, do người ta đồng ý đặt ra. Cái xe cũng vậy, khi có khung xe, bánh xe, lốp xe, cảng xe, cửa xe, mui xe, thùng xe, trục xe, v.v... được ráp lại chung với nhau thì người ta gọi đó là cái xe, và danh từ “cái xe” được sinh ra. Nay nếu tất cả mọi người đồng ý gọi “cái xe” là “cái bàn” cũng được, đó chỉ là vấn đề quy ước (convention). Nhưng cái Ta (ngã) không phải chỉ là một danh từ quy ước và giả lập trên năm uẩn, mà nó là một cảm giác thâm sâu trong lòng mọi người. Khi hai đứa bé cỡ một, hai tuổi chơi chung với nhau, nếu đứa này giựt đồ chơi của đứa kia thì tức khắc đứa kia sẽ la khóc, cào cấu đứa này. Hai đứa bé này chưa biết nói, chưa biết bịa đặt ra “danh từ” Ta, nhưng chúng đã có một cái ngã (Ta) trong người rồi, một cái ngã thâm căn cố đế, tích trữ và duy trì từ nhiều kiếp. Cái ngã này trong Duy thức học gọi là “câu sinh ngã chấp”, tức là một cái ngã được sinh ra cùng lúc với con người.
Trả lời nghi vấn
Giờ đây chúng ta thử trả lời những câu thắc mắc ở trên, để xem sau vô ngã còn gì không?
1. Vô ngã tức không có Ta vậy thì ai đi tái sinh?
- Các bộ luận trả lời rằng không có một cái Ta (ngã) nào đi tái sinh hay đầu thai hết. Khi năm uẩn này tan rã thì có một dòng nghiệp lực đi tái sinh.
2. Không có Ta thì ai tạo nghiệp, ai chịu quả báo?
- Đa số Phật tử dù muốn dù không đều chấp vào một cái ngã (Ta). Thông thường ai nấy đều nghĩ rằng “tôi tu kiếp này thì kiếp sau tôi sẽ hưởng phước sung sướng”. Nghĩ như vậy trên phương diện tục đế (bình dân) kể ra cũng đúng chứ không sai. Vì nếu tôi tu kiếp này mà kiếp sau người khác hưởng phước thì tôi tu làm chi?
Nhưng theo giáo lý Vô ngã thì cái tôi kiếp này không phải là cái tôi kiếp sau nữa. Vì ngũ uẩn kiếp này sau khi chết nó tan rã, và ngũ uẩn kiếp sau là một ngũ uẩn khác. Do đó không thể nói tôi kiếp này chính là tôi kiếp sau, vì hình sắc của thân kiếp sau sẽ hoàn toàn khác, bốn uẩn kia (thọ, tưởng, hành, thức) cũng vậy. Nhưng giữa hai cái ngũ uẩn này được nối tiếp với nhau bởi một dòng nghiệp lực. Trong kiếp sống này, nếu tạo tác bất cứ cái gì qua thân, khẩu, ý thì nó đúc kết thành nghiệp (karma) tức là một loại năng lực vô hình. Và chính cái năng lực (nghiệp lực) vô hình này sẽ tiếp tục trôi chảy và xuất hiện nơi ngũ uẩn kế tiếp. Vì thế những gì ngũ uẩn kiếp này làm thì ngũ uẩn kiếp sau (tuy khác) sẽ phải chịu ảnh hưởng.
Luận sư Phật Âm (Buddhaghosa) trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), chương XIX, Đoạn nghi thanh tịnh, câu 20, có nói:
Không có người làm nghiệp
cũng không người gặt quả báo
Chỉ có hiện tượng trôi chảy
thấy khác thế là không đúng ....
Theo ngài Phật Âm thì không có người nào tạo nghiệp mà chỉ có một sự tạo nghiệp, không có ai chịu quả khổ mà chỉ có một sự đau khổ. Cũng như không có trời mưa mà chỉ có một sự mưa. Tất cả chỉ là một dòng biến chuyển vô chủ của tâm-sinh-vật lý, trong đó không có người nào là chủ nhân tác động cả.
Nhưng nói theo cách khác, chính tâm sở tác ý (cetana) hay ý muốn làm, tức ý nghĩ nằm bên trong hành động, tự nó là “người tạo nghiệp”, nó khởi lên tác động khiến thân, khẩu, ý tạo nghiệp. Và tâm sở thọ (vedana), tức cảm thọ, là “người chịu quả”, vì phải cảm thọ đau buồn hay vui sướng.
3. Không có Ta, vậy ai tu, ai giải thoát?
- Không có ai tu mà chỉ có một hợp thể năm uẩn (hay danh sắc) tu. Không có ai giải thoát mà chỉ có một sự giải thoát, tức là dòng nghiệp lực chấm dứt khi năm uẩn này tan rã. Nó không tiếp tục trôi chảy sang đời sống khác.
4. Không có Ta thì ai vãng sinh về Cực Lạc?
- Ngũ uẩn nào niệm Phật thiết tha cầu sinh về Cực Lạc thì sau khi chết, ngũ uẩn này tan rã, dòng nghiệp thức sẽ tái sinh về cảnh giới Cực Lạc.
5. Vô ngã vậy ai chứng A-la-hán? Ai thành Phật? Ai nhập Niết bàn?
Khi một hành giả (một dòng tâm-sinh-vật lý) tu tập diệt trừ được cái Ta hay bản ngã thì chứng quả A-la-hán. Phật và A-la-hán đều chứng được vô ngã, nhưng khác nhau ở chỗ trong vô lượng kiếp trước Phật đã hành bồ tát đạo, tích tụ vô lượng công đức và trí tuệ.
Không có ai nhập Niết bàn bởi vì Niết bàn không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái tâm linh. Khi chứng quả A-la-hán tức là đạt được Niết bàn, còn gọi là Hữu-dư -y Niết bàn, tức Niết bàn còn dư báo là thân và tâm. Khi vị A - la-hán viên tịch thì gọi là Vô-dư-y Niết bàn, tức là không còn lưu lại năm uẩn.
Trên đây là trả lời các câu hỏi qua giáo lý Vô ngã của truyền thống Nam tông, Nguyên thủy (Theravada). Không biết bạn đọc có hiểu và chấp nhận được không? Nếu được thì quá tốt, còn không thì tôi sẽ tiếp tục bàn luận và giải đáp.
Vấn đề ngôn ngữ
Trong chương Vô ngã ở trước, phần “Hai loại ta”, tôi có nói về sự giới hạn của ngôn ngữ gây ra lủng củng và mâu thuẫn chẳng hạn như trong những thí dụ sau:
“Ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi bởi vì chấp ngũ uẩn là ngã”.
“Ta chấp ngũ uẩn là ngã nên trôi lăn trong sinh tử luân hồi”.
“Vì vô minh, ta chấp danh sắc là ngã, cho giả là thật, ... vì thế ta tái sinh luân hồi, lang thang từ kiếp này sang kiếp khác”.
“Bị màn vô minh che lấp, ta chấp ngũ uẩn là Ta, ... và đó là nguyên nhân đưa đến sanh tử, tử sanh”.
Những cách nói trên đều bao gồm một câu chính: ta chấp ngũ uẩn là ta. Trong câu này có bốn phần:
Ta
Chấp
Ngũ uẩn.
Là ta
Khi nghe như vậy, có người thắc mắc: “Giáo lý vô ngã nói không có ta, vậy thì ai chấp? Cái ta ở phần 1 là cái ta nào, ở đâu ra mà chấp cái này cái kia? Cái ta phần 1 có khác cái ta phần 4 không? Nếu ta không chấp ngũ uẩn là ta thì chấp cái gì là ta? Nếu ta không phải là ngũ uẩn thì ta là cái gì?” Mới vô đầu câu đã có cái ta đứng lù lù ngay đó rồi thì nói gì đến vô ngã? Nếu bỏ cái ta phần 1 đi thì câu nói này thiếu chủ từ, không ai hiểu được.
Khi nói “ta chấp ngũ uẩn là ta” tức là vô tình xác nhận sự có mặt của cái ta dù có chấp hay không chấp ngũ uẩn, dù các phần 2, 3, 4 có hay không. Bởi vì ta là chủ từ của câu nói, do ta đã có nên ta mới chấp cái này cái kia được. Khi cái ta đã có (hiện hữu) thì nó có thể chấp bất cứ cái gì khác ngoài năm uẩn là ta cũng được. Nó có thể chấp hoa là ta, núi là ta, nước là ta, không gian là ta. Thí dụ như khi ta héo buồn thì ta nghĩ “ta là hoa tươi mát”. Khi ta bị xao xuyến bồn chồn thì ta nghĩ “ta là núi vững vàng”. Khi ta bị lay động lăng xăng thì ta nghĩ “ta là nước tĩnh lặng”. Khi ta cảm thấy yếu đuối nhỏ bé thì ta nghĩ “ta là không gian thênh thang”. Khi ta (ngã) đã có mặt rồi thì muốn chấp hay tự cho ta là gì cũng được, không nhất thiết phải là ngũ uẩn.
Qua phần “Hai loại ta” ở trước, bạn đọc có thể nói cái ta ở phần 1 chỉ là cái ta tương đối, một danh từ quy ước, giả lập thuộc tục đế (samvrti-satya) để chỉ định con người. Nếu vậy tại sao không đổi lại là: “con người chấp ngũ uẩn là ta”, nghe dễ hiểu hơn không. Nhưng con người là gì? Con người gồm có hai phần là thân và tâm (vật chất và tinh thần). Vậy có thể đổi câu trên thành: “thân và tâm chấp ngũ uẩn là ta được không?” Kể ra cũng được, nhưng thân thể là vật chất làm sao biết chấp cái gì? Do đó có thể loại trừ “thân” ra khỏi câu trên. Cuối cùng câu “ta chấp ngũ uẩn là ta” sẽ trở thành “tâm chấp ngũ uẩn là ta”.
Câu này cũng có bốn phần:
Tâm
Chấp
Ngũ uẩn
Là ta
Phần 1, chủ từ là tâm chứ không phải là ta, ở đây không có cái ngã nào xen vào hết. Còn cái ta ở phần 4 là một cái danh được gán vào cho ngũ uẩn, nó không có từ đầu mà chỉ là một sản phẩm sau này.
Tóm lại khi nói về vô ngã mà dùng chủ từ “ta” trong các câu như trên là điều mâu thuẫn, bởi vì tiền đề là vô ngã (không có ta) mà nói câu nào cũng thấy có ta ở trong. Khi nói đến chấp thì phải xác định ít nhất ba phần là chủ từ, động từ, và túc từ: (ai, cái gì) - chấp - (cái gì). Nếu dùng chủ từ chúng sinh thì có thể được, bởi vì chúng sinh quá tổng quát bao gồm sáu loài (thiên, nhân, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục) không liên quan trực tiếp đến cái ngã (ta). Nếu dùng chủ từ chúng ta cũng tạm được, nhưng bắt đầu có cái ta lấp ló đâu đó. Nếu dùng chủ từ ta thì rơi vào sự chấp ngã ngay từ đầu. Do đó cách nói dễ hiểu và đúng nhất là: tâm - chấp - ngũ uẩn - là ta.
“Vô ngã còn gì?” Câu trả lời chính xác là: Vô ngã còn lại thân và tâm. Nhưng thân là phần vật chất không biết tư duy nên không có gì đáng nói. Tâm mới là cái đáng nói và cần nói khi luận về vô ngã. Bởi vì nếu thiếu tâm thì vô ngã sẽ trở thành hư vô luận, làm cho người đời hoang mang, tưởng rằng không còn gì nữa hết. Hơn nữa trong tất cả kinh điển Phật giáo, dù Nam tông hay Bắc tông, đức Phật đều luôn luôn đề cập, nhấn mạnh về việc tu tập và thanh lọc cái tâm. Tu vô ngã chính là tu tâm, và tu tâm cũng chính là tu vô ngã.
Vô ngã còn tâm
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:
Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ, tâm tạo,
Nếu với tâm ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo. (Kệ 1)
Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ, tâm tạo,
Nếu với tâm thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình. (Kệ 2)
Ở đây đức Phật nói rõ tâm là chủ chứ không phải cái Ta. Hạnh phúc hay khổ đau đều bắt nguồn từ tâm. Tâm ô nhiễm, suy nghĩ việc bất chánh, ích kỷ thì sinh ra nói năng, hành động xấu ác, tạo nghiệp ác, và phải chịu quả khổ. Tâm thanh tịnh (trong sạch) thì nói năng, hành động tốt, tạo nghiệp lành, nên an lạc hạnh phúc liền theo sau. Do đó tu theo đạo Phật là tập sửa cái tâm cho thanh tịnh.
Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Chính lời chư Phật dạy. (Kệ 183)
Các đạo giáo thường dạy người ta ăn hiền ở lành, không làm điều ác. Nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ. Không làm điều ác mới chỉ là người hiền và lương thiện. Chuyên làm các hạnh lành thì trở thành thánh nhân. Ngoài hai điều trên đức Phật dạy cần phải làm cho tâm ý trở nên thanh tịnh mới giải thoát khỏi sinh tử. Tâm hoàn toàn thanh tịnh là Phật, là A-la-hán.
Trong kinh Lăng Già (Lankavatara), đức Phật giảng nói về Như lai tạng (Tathagatagarbha) và cảnh cáo là không nên xem Như lai tạng là tự ngã. Có đoạn bồ tát Đại Huệ hỏi Phật:
“Bạch Thế Tôn, trong nhiều đoạn kinh Như lai tạng được Thế Tôn mô tả như là có bản chất ngời sáng, bản lai thanh tịnh, thường hằng thanh tịnh, đủ 32 tướng tốt, thường tồn tại trong thân chúng sinh. Như hạt minh châu vô giá bị bọc trong tấm vải bẩn; (Như lai tạng) tuy bị quấn chặt bởi chiếc áo uẩn, xứ, giới, bị cáu bẩn bởi chất bẩn tham dục, thù hận, ngu si, hư vọng, phân biệt các thứ, vẫn được Thế Tôn mô tả là thường hằng, trường cửu, tịch tĩnh, bất biến. Phải chăng thuyết Như lai tạng của Thế Tôn không đồng với thuyết tự ngã của ngoại đạo?
Phật đáp: “... Các đức Như lai sau khi giảng thuyết Như lai tạng bằng các nghĩa cú tính không, thật tế, niết bàn, bất sinh, vô tướng, vô nguyện; với mục đích khiến cho những kẻ phàm phu dẹp bỏ nỗi kinh hoàng về vô ngã”.
Giáo lý vô ngã thường khiến cho hàng phàm phu sợ hãi, hoang mang, “không có ta thì còn gì? Không còn gì nữa chăng?”. Dó đó đức Phật giảng về Như lai tạng để chúng sinh khống chế nỗi sợ hãi ấy.
Không có ta nhưng có tâm, có Như lai tạng là một tâm thể thường hằng, thanh tịnh, bất biến. Nhưng Như lai tạng không thể là đối tượng nhận thức thông thường của thế gian cho nên kinh Lăng Già đề nghị thay Như lai tạng bằng A-lại-da thức để có thể giải thích dễ dàng bản chất và hoạt động của tâm thức bình thường. Điều này sẽ được bàn đến sau ở chương “Tâm”.
Trả lời nghi vấn
Biết được vô ngã còn tâm thì chúng ta trở lại những câu hỏi ở trên để giải đáp một cách khác:
1. Không có Ta thì ai đi tái sinh?
- Tâm đi tái sinh.
2. Không có Ta thì ai tạo nghiệp, ai chịu quả báo?
- Tâm tác ý tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý. Khi ngũ uẩn tan rã, tâm vô minh khát ái, thèm sống nên bị nghiệp lực dẫn dắt đi tìm một ngũ uẩn khác để tiếp tục hiện hữu.
3. Không có Ta, vậy ai tu, ai giải thoát?
- Khi tâm biết đạo, hiểu đạo, tu tập loại trừ tà kiến chấp ngã, ái dục thì tâm giải thoát. “Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc”.
4. Không có Ta thì ai vãng sinh Cực Lạc?
- Do tâm chuyên cần niệm Phật, nhớ tưởng Phật, đến khi ngũ uẩn tan rã, tâm vãng sinh về Cực Lạc. Nói theo Duy Thức Học thì những chủng tử trong A-lại-da thức biến hiện ra một thân chánh báo và một cảnh y báo tương ưng với cảnh Cực Lạc.
5. Vô ngã vậy ai chứng A-la-hán? Ai thành Phật? Ai nhập Niết bàn?
- Khi tâm không còn chấp ngã, bao nhiêu ô nhiễm, ái dục được diệt trừ thì tâm đó chứng quả A-la-hán. Tâm vô ngã và thành tựu vô lượng công đức thì tâm đó là Phật. Tâm vô ngã là Niết bàn chứ không có Ai nhập Niết bàn.
Các vị A-la-hán khi chứng quả, thân vẫn là thân cũ, nhưng tâm hoàn toàn mới hẳn, trong sạch, không còn chấp ngã, không còn bóng dáng của cái Ta.
Tâm là nền tảng của sinh tử và Niết bàn. Khi tâm mê mờ, vô minh thì gọi là chúng sinh. Khi tâm giác ngộ, giải thoát thì gọi là Phật, Bồ tát, A-la-hán. “Tâm, Phật, chúng sinh, tam vô sai biệt”, tâm, Phật, chúng sinh cả ba đều không khác. Bởi vì thể tánh của Phật là tâm, thể tánh của chúng sinh cũng là tâm. Nhưng vẫn có sự khác biệt trên phương diện tướng và dụng. Tâm Phật là tâm vô ngã thanh tịnh dung thông pháp giới, nên hiện ra báo thân, và ứng thân trang nghiêm thần thông tự tại. Còn tâm chúng sinh là tâm chấp ngã ô nhiễm nên hiện thân trong năm uẩn, phải chịu sinh, già, bệnh, chết.