Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Bài Giảng Thứ Ba

TAM PHÁP ẤN


Bây giờ chúng ta hãy bàn chi tiết về Tam Pháp Ấn, ba đặc tính chung của chư pháp, tức là vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và vô ngã.

Tất cả mọi sự mọi vật đều biến đổi không ngừng, vì vậy chúng đều là vô thường. Tất cả đều có tính cách “bất thỏa mãn,” tức là “khổ”, khi người nào có thể nhìn ra thực tướng của vạn vật thì họ thấy rằng chúng chỉ là ảo tưởng. Không có thứ gì mà chúng ta có thể thực sự coi là “của ta.” Đối với nhãn quan không hoàn hảo của chúng ta thì vạn vật có vẻ như có bản ngã; nhưng khi nhãn quan chúng ta đã trở thành trong sáng và chính xác, không còn bị khuất lấp, thì chúng ta nhận thức được rằng trong bất cứ sự vật nào cũng đều không có bản ngã.

Ba đặc tính này là những điểm giáo lý mà Đức Phật nhấn mạnh nhiều hơn bất cứ giáo lý nào khác. Tất cả Phật Pháp có thể qui nạp vào ba điểm “vô thường,” “khổ” (bất thỏa mãn), và “vô ngã.” Khi Đức Phật đề cập tới Tam Pháp Ấn, có khi ngài nói rõ ràng, có khi chúng được diễn tả bằng những từ ngữ khác, nhưng trên cơ bản đều nhằm mục đích chứng tỏ cùng một chân lý. Lý luận về đặc tính vô thường của vạn vật đã từng xuất hiện trước thời đại của Đức Phật, nhưng nó chưa hề được giảng giải một cách thâm thúy như là Đức Phật đã thuyết giảng. Đặc tính “khổ” (hoặc “bất thỏa mãn”) cũng đã được người ta nói tới từ trước thời Đức Phật, nhưng không đủ thâm thúy. Trước đó, nó chưa được xét theo quan điểm của nhân duyên, và chưa ai chỉ dẫn cách diệt trừ hoàn toàn sự đau khổ. Các bậc hiền giả trước thời Đức Phật không hiểu thực tướng của khổ như Đức Phật đã hiểu khi ngài giác ngộ. Về phần đặc tính “vô ngã,” hiểu theo nghĩa tối hậu, thì Đức Phật là người đầu tiên thuyết giảng về nó. Giáo lý này bảo chúng ta rằng khi một người đã hiểu hoàn toàn thực tướng của chư pháp thì họ biết rằng không có điều gì có thể được coi là một cái ngã hoặc thuộc về một cái ngã. Đức Phật là người duy nhất thuyết giảng điều này, ngài là người đã thực sự thấu hiểu hoàn toàn thực tướng của chư pháp, tức là bản chất đích thực của mọi sự mọi vật.

Có nhiều cách tu hành để giúp trí huệ nhìn thấy Tam Pháp Ấn, nhưng có một sự thật quan trọng mà một người đạt tới trí huệ hoàn hảo sẽ nhận ra: Sự thật đó là “không có gì đáng để nắm giữ hoặc bám víu lấy.” Không có gì đáng để chúng ta giữ làm sở hữu. Tóm lại: Tất cả đều không đáng để chúng ta chấp thủ, tất cả đều không đáng để chúng ta trở thành. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức được rằng chấp thủ bất cứ điều gì hoặc “là” bất cứ điều gì đều là ảo tưởng, giả tạm, ảo ảnh, và rằng tất cả đều không đáng được chấp thủ hoặc trở thành, thì lúc đó chúng ta mới thấu hiểu được Tam Pháp Ấn, gồm vô thường, khổ, và vô ngã. Một con người dù cho sớm tối đều tụng đọc mấy trăm lần câu “anicca, dukkha, anatta” (“vô thường, khổ, vô ngã”), nhưng người đó vẫn không thể nhận thức được ý nghĩa đích thực của Tam Pháp Ấn. Bởi vì chúng ta không thể ý thức được ba đặc tính đó bằng cách nghe hoặc tụng niệm.

Trí huệ do nhận thức bằng trực giác, hay “Trí Huệ Bát Nhã,” khác hẳn với lối suy tư bằng lý trí. Chúng ta không bao giờ có thể đạt tới trí huệ bát nhã qua cách suy nghĩ bằng lý trí. Chỉ có “nội tâm ngộ chứng” mới có thể đạt tới trí huệ bát nhã. Giả thử chúng ta đang khảo sát một tình cảnh mà chúng ta đã bất cẩn để cho mình bị vướng mắc vào điều gì khiến cho chúng ta đau khổ. Nếu khi khảo sát tỉ mỉ quá trình của những sự việc xảy ra, chúng ta thực tâm cảm thấy chán ghét và tỉnh ngộ đối với chuyện đó, thì có thể nói rằng chúng ta đã phần nào đạt được trí huệ bát nhã. Trí huệ trong sáng này có thể phát triển dần dần cho tới khi trở thành hoàn hảo, và nó có khả năng giúp chúng ta giải thoát khỏi tất cả mọi sự mọi vật. Nếu một người cả ngày lẫn đêm tụng đọc lớn tiếng câu “vô thường, khổ, vô ngã”, hoặc ngày đêm nghiên cứu về Tam Pháp Ấn, nhưng vẫn không từ bỏ ảo tưởng đối với vạn vật, vẫn không từ bỏ sự khao khát hoặc mưu cầu đối với vạn vật, hoặc lòng ham muốn bám víu vào vạn vật, thì người đó chưa thể đạt được trí huệ bát nhã. Nói tóm lại, nhận thức được Tam Pháp Ấn – vô thường, khổ, vô ngã - tức là nhận thức được rằng không có gì đáng để chấp thủ hoặc mưu cầu.

Có một chữ trong Phật Pháp có thể dùng để bao trùm ý nghĩa của Tam Pháp Ấn, đó là chữ “không tánh” (sunnata), hoặc “trống rỗng,” mọi vật đều không có tự ngã, không có bản chất gì để khiến chúng ta phải cố sức bám víu lấy như là vật sở hữu của mình. Cốt lõi của Phật Giáo là sự quan sát dẫn tới trí huệ bát nhã để hiểu rằng mọi thứ đều trống rỗng và không đáng để bám víu vào. Đây là điểm then chốt của việc tu hành theo giáo lý nhà Phật. Khi chúng ta đã biết rõ rằng mọi sự mọi vật đều trống rỗng bản ngã tức là chúng ta hiểu được toàn thể Phật Pháp. Chỉ cần một câu “trống rỗng bản ngã” cũng có thể tóm tắt được những chữ “vô thường,” “bất thỏa mãn” (hay “khổ”) và “vô ngã.” Khi một vật nào đó thay đổi không ngừng và trong đó không có yếu tố nào không thay đổi, thì có thể nói rằng nó là “trống rỗng.” Khi một vật chỉ gồm toàn ảo tưởng thì có thể coi nó như là trống rỗng, không có bất cứ thực thể nào đáng để chúng ta bám víu. Khi chúng ta khảo sát và thấy rằng nó không có bất cứ thành phần ổn định nào có thể coi là bản ngã của nó, mà chỉ biến đổi và thăng trầm tùy theo luật thiên nhiên, thì vật đó có thể coi là trống rỗng bản ngã. Bất cứ ai đã nhận thức được không tánh (hay sự trống rỗng) của vạn vật, thì người đó sẽ nhận thức được rằng tất cả mọi thức đó không đáng để họ phải sở đắc hoặc mưu cầu. Trạng thái vô tư đối với sự sở đắc hoặc mưu cầu có sức mạnh bảo vệ chúng ta khỏi bị nô lệ những vô minh hoặc bất cứ ràng buộc tình cảm nào khác. Khi một người đã đạt tới cảnh giới này, thì tâm trạng người đó không còn có thể thiếu kiện toàn nữa; sẽ không còn để cho mình bị ngoại vật chi phối nữa; sẽ không còn để cho mình bị ngoại vật quyến rũ nữa. Lúc đó cái tâm của người này được tự do và độc lập vĩnh hằng, và đã thoát khỏi đau khổ.

Câu nói “tất cả đều không đáng được chấp thủ, tất cả đều không đáng được trở thành” cần nên hiểu theo một nghĩa đặc thù. Những chữ “chấp thủ” (nắm giữ lấy) và “trở thành” dùng ở đây có nghĩa là nắm giữ hoặc trở thành do vọng tưởng, vì cái tâm vẫn còn muốn nắm giữ và bám víu vào ngoại vật. Câu nói này không có ý bảo rằng chúng ta có thể sống mà không cần thủ đắc hoặc mưu cầu bất cứ thứ gì. Thông thường có những thứ mà người ta không thể thiếu. Người ta cần có tài sản, vợ con, vườn tược, ruộng nương, v.v. Để sống trên sân khấu nhân sinh, người ta khó tránh sự hơn thua, người ta phải có một địa vị nào đó, phải đóng một vai trò nào đó. Vậy thì tại sao Phật Pháp dạy chúng ta hãy coi mọi vật đều không đáng chấp thủ hoặc mưu cầu ? Câu trả lời là: Những ý niệm về chấp thủ và mưu cầu chỉ là tương đối, chúng chỉ là những ý tưởng phàm tục căn cứ vào vô minh. Nếu nói theo ý nghĩa của thực tại thuần túy, hoặc chân lý tuyệt đối, thì chúng ta không thể nào chấp thủ hoặc mưu cầu thứ gì. Tại sao vậy? Lý do đơn giản là vì cả người chấp thủ lẫn vật bị chấp thủ đều là vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và không thuộc bất cứ ai. Nhưng nếu một người không nhận thức được điều này thì đương nhiên họ sẽ nghĩ rằng “ta kiếm được… Ta có… Ta là…” Chúng ta thường tự động suy nghĩ như vậy, cho nên quan niệm chấp thủ và mưu cầu chính là nguồn gốc của lo âu và đau khổ.

Chấp thủ và mưu cầu là một hình thức của dục vọng, nghĩa là thứ dục vọng không muốn để cho mình bị mất tài vật hoặc địa vị đang có. Đau khổ phát sinh từ dục vọng muốn sở hữu cái này cái kia và dục vọng muốn mình ở địa vị này nọ. Nói tóm tắt, đau khổ là do dục vọng; và dục vọng phát sinh khi chúng ta không nhận thức được rằng mọi vật bẩm sinh không có gì đáng để chúng ta ham muốn. Bắt đầu từ lúc thơ ấu chúng ta đã có quan niệm sai lầm rằng sự vật trên thế gian đáng được ham muốn, đây là một bản năng và là nguyên nhân của dục vọng. Theo sau dục vọng là những kết quả thuộc loại nào đó, những kết quả này có thể phù hợp hay không phù hợp với dục vọng. Nếu chúng ta đạt được kết quả như mong muốn thì chúng ta lại sẽ mong muốn được có nhiều hơn nữa. Nếu không đạt được kết quả như mong muốn, người ta sẽ chật vật và cố gắng cho tới khi nào đạt được bằng cách này hay cách khác. Cứ tiếp tục như vậy sẽ dẫn tới cái vòng lẩn quẩn: nghiệp - quả - nghiệp - quả … là điều mà chúng ta gọi là “bánh xe luân hồi.” Ở đây đừng hiểu chữ “luân hồi” này như là vòng luân hồi vô tận của kiếp này sang kiếp khác. Ở đây chữ này dùng để chỉ một cái vòng tròn ác tính của ba sự việc: dục vọng – hành động để đáp ứng dục vọng – hậu quả từ hành động đó – không thể dập tắt dục vọng - lại phải có thêm dục vọng - lại hành động nữa - lại gây ra kết quả khác - lại gia tăng dục vọng… và cứ tiếp tục như thế mãi mãi. Đức Phật gọi đó là “bánh xe luân hồi” bởi vì đây là một cái vòng tuần hoàn vô tận, cứ quay tròn mãi mãi. Chính vì cái vòng tròn này chúng ta phải gánh chịu đau khổ. Khi cắt đứt được cái vòng ác tính này có nghĩa là thoát khỏi mọi hình thức của đau khổ, tức là đạt tới Niết Bàn. Bất cứ người nào, dù là nghèo mạt hay tỉ phú, hay vua chúa, hay thần thánh, nếu sa vào cái vòng ác tính này thì nhất định sẽ phải trải qua đau khổ cách này hay cách khác, tùy theo dục vọng của họ . Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng cái bánh xe luân hồi này đã chấp chứa quá đầy đau khổ. Để sửa sai tình huống này nếu chúng ta chỉ dùng đạo đức thì chưa đủ. Để giải quyết vấn đề chúng ta phải dùng tới những nguyên tắc tối cao của Phật Pháp.

Chúng ta đã thấy rằng đau khổ bắt nguồn từ dục vọng, đây chỉ là điều mà Đức Phật đã nói trong Đệ Nhị Đế (tức “tập đế” trong Tứ Diệu Đế). Dục vọng có thể chia làm ba loại. Thứ nhất là dục vọng “cảm quan,” ham muốn và tìm thú vui trong các sự vật, trong hình dạng, mầu sắc, âm thanh, mùi vị, hoặc những vật có thể sờ mó được. Loại thứ nhì là dục vọng “muốn trở thành cái gì,” muốn là cái này cái nọ tùy theo sở thích cá nhân. Loại thứ ba là “không muốn trở thành cái này cái nọ.” Dục vọng trên thế gian chỉ gồm có ba loại này. Nếu không tin, bất cứ ai hãy thử tìm một loại dục vọng thứ tư xem có tìm thấy không.

Mọi người đều có thể nhận xét rằng bất cứ nơi đâu có dục vọng là ở đó có đau khổ; và khi chúng ta bị buộc phải hành động theo dục vọng thì chúng ta đương nhiên sẽ phải chịu khổ tùy theo hành động của mình. Sau khi đã có kết quả, chúng ta vẫn không thể dập tắt dục vọng của mình và lại tiếp tục ham muốn thêm nữa. Sở dĩ chúng ta phải tiếp tục chịu đau khổ là vì chúng ta chưa thoát khỏi sự chế ngự của dục vọng, và còn làm nô lệ cho nó. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng một kẻ ác làm điều ác vì y muốn làm ác, và y phải trải qua loại đau khổ phù hợp với bản chất của một kẻ ác. Một người thiện muốn làm điều thiện, và người này cũng phải trải qua một loại khổ khác phù hợp với bản chất của một người thiện. Nhưng xin đừng hiểu lầm rằng điều này có ý bảo chúng ta hãy ngừng làm điều thiện. Nó chỉ muốn dạy chúng ta cần phải ý thức rằng có nhiều cấp độ đau khổ khác nhau, và chúng vi tế đến nỗi một người bình thường không thể nhận thấy chúng. Chúng ta phải hành động theo lời khuyên của Đức Phật: Nếu chúng ta muốn hoàn toàn thoát khổ, chỉ làm điều thiện vẫn chưa đủ để giải thoát. Cần phải vượt lên trên phạm trù hành thiện, để tâm chúng ta không còn bị bất cứ dục vọng nào khống chế. Đây chính là tinh nghĩa của Phật Pháp. Không một tôn giáo nào khác trên thế giới có thể sánh được với giáo lý này, vì vậy chúng ta cần phải ghi nhớ trong trí. Khắc phục được ba loại dục vọng này là hoàn toàn giải thoát được khổ.

Chúng ta làm cách nào để diệt trừ dục vọng, làm cách nào để dập tắc nó, cắt đứt nó ra khỏi gốc rễ, và vĩnh viễn kết thúc dục vọng? Câu trả lời rất đơn giản: Hãy quan sát và lưu ý với Tam Pháp Ấn, gồm vô thường, khổ (bất thỏa mãn), và vô ngã, cho tới khi chúng ta hiểu rõ rằng không có thứ gì đáng để ham muốn. Trên đời này có thứ gì đáng để chấp thủ hoặc mưu cầu hay không? Khi một người đã sở hữu một vật hoặc đạt tới một địa vị mong muốn, chẳng lẽ không dẫn tới cái khổ mới hay sao? Hãy tự mình hỏi mình câu này: Những ngoại vật và địa vị mà bạn có thể gặt hái và đạt tới, có thứ nào không mang lại ưu phiền và lo âu cho bạn? Hãy nghĩ kỹ đi. Sau khi lập gia đình và có con bạn có được rảnh trí và tự do hay không, hay là bạn phải có thêm nhiều trách nhiệm? Địa vị và chức tước cao có mang lại sự bình thản không, hay là bạn phải gánh vác thêm những trách nhiệm nặng nề? Khi nhìn sự vật theo cách này, chúng ta sẽ thấy ngay rằng chúng chỉ luôn luôn đem lại những gánh nặng và trách nhiệm. Tại sao vậy ? Bởi vì tất cả mọi sự mọi vật đều là gánh nặng, chỉ vì chúng đều có đặc tính vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và vô ngã. Sau khi đã sở hữu thứ gì đó, chúng ta lại phải cố gắng giữ lấy nó, muốn nó ở trong tình trạng như ý chúng ta, hoặc có lợi cho chúng ta. Nhưng bản chất của vật đó là vô thường, bất thỏa mãn, và không thuộc bất cứ ai. Nó không thể thích nghi với những mục tiêu của bất cứ ai. Nó nhất định sẽ thay đổi, bởi vì bản chất của nó là vô thường. Cho nên, tất cả những nỗ lực của chúng ta đều là để chống lại và kháng cự với định luật vô thường; và cuộc đời chúng ta chỉ gồm toàn những toan tính để khiến cho sự vật thích nghi với những mong muốn của chúng ta, cho nên có thể nói rằng cuộc đời là biển khổ vô biên.

Có một phương pháp để nhận thức rằng không có gì đáng để chấp thủ hoặc mưu cầu. Phương pháp này bao gồm việc khảo sát mọi vật một cách tường tận để nhận ra rằng khi có sự hiện diện của ham muốn thì chúng ta có những cảm giác hướng về chấp thủ hoặc mong đạt được địa vị nào đó; và khi dục vọng hoàn toàn bị lấn át bởi trí huệ nhìn thấy thực tướng của chư pháp thì thái độ của chúng ta đối với sự khao khát chấp thủ và khao khát địa vị sẽ đổi khác. Hãy lấy một thí dụ dễ hiểu bằng cách xét về hành động ăn thực phẩm. Nếu hai người cùng ăn, một người ham ăn những thứ ngon miệng, còn người kia thì ăn thực phẩm không phải vì ham muốn mà là ăn tùy theo sự hiểu biết rõ ràng của mình (tức là nhìn thấy thực tướng của sự vật); đương nhiên là lối ăn của hai người phải khác hẳn nhau. Tướng ăn của họ phải khác nhau, cảm giác của họ khi ăn phải khác nhau, vì vậy những kết quả từ hành động ăn của họ phải khác nhau.

Cần nên nhận thức rằng chúng ta vẫn có thể ăn dù khi chúng ta không ham muốn những thực phẩm ngon miệng. Đức Phật và các bậc A La Hán đều là những vị không còn dục vọng, nhưng quý ngài vẫn còn có thể làm chuyện nọ chuyện kia. Thật ra họ vẫn có thể công tác nhiều hơn gấp bội so với tất cả những dục vọng của chúng ta. Họ dựa vào sức mạnh nào mà làm được như vậy? Câu trả lời là họ hành động bằng sức mạnh của trí huệ, tức sự nhận thức triệt để về thực tướng của chư pháp. Ngược lại, chúng ta hành động do sự thúc đẩy của dục vọng; hậu quả là chúng ta khác với quý ngài, và chúng ta cứ tiếp tục bị đau khổ. Quý ngài không ham muốn chấp thủ thứ gì, vì vậy những người khác được hưởng lợi nhờ lòng nhân đức của họ. Trí huệ bảo họ hãy thuyết giảng sự hiểu biết của họ thay vì làm ngơ, vì vậy họ sẳn lòng truyền bá đạo pháp cho chúng ta.

Sự giải thoát khỏi dục vọng đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích bất ngờ. Thí dụ như khi thân và tâm thoát khỏi dục vọng, chúng ta sẽ ăn theo sự thúc đẩy của sự chọn lựa sáng suốt thay vì bị thúc đẩy bởi dục vọng như trước kia. Nếu chúng ta muốn giải thoát khỏi đau khổ, muốn đi theo bước chân của Đức Phật và các vị A La Hán, thì chúng ta phải tự huấn luyện để hành động theo trí tuệ chứ không phải theo dục vọng. Nếu bạn là sinh viên hay học sinh, hãy học cách phân biệt phải trái, tốt xấu, đồng thời xác minh rằng việc học hành là con đường tốt nhất đối với bạn. Nếu bạn là người đi làm, hãy học cách phân biệt phải trái, tốt xấu, đồng thời hãy tự khiến cho bạn thấy thỏa mãn rằng việc làm đó là việc tốt nhất đối với bạn và mang lại phúc lợi đối với mọi người liên hệ. Kế đó bạn hãy làm việc tận tâm, với sự bình thản và trang nghiêm xuất phát từ trí huệ. Khi làm việc gì, nếu do dục vọng thúc đẩy thì chúng ta sẽ lo lắng trong khi làm chuyện đó và chúng ta lo lắng sau khi làm xong; nhưng nếu chúng ta làm chuyện đó với sự hướng dẫn của sức mạnh trí huệ thì chúng ta sẽ không lo lắng gì hết. Đó là sự khác biệt giữa hai điểm.

Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng tất cả đều là vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và vô ngã; có nghĩa là chúng không đáng để chấp thủ hoặc mưu cầu. Nếu trong đời sống chúng ta cần phải giao tiếp với chúng, thì cần phải lấy trí huệ mà làm, để những hành động của chúng ta không bị ô nhiễm bởi dục vọng. Nếu hành động một cách khôn ngoan, chúng ta sẽ không vướng vào đau khổ từ đầu tới cuối. Tâm chúng ta sẽ không mù quáng nắm giữ và bám víu vào sự vật, vì nó không coi chúng là đáng chấp thủ. Chúng ta sẽ hành động một cách sáng suốt và phân minh, và có thể tiến hành tùy theo tập tục truyền thống, hoặc tùy theo luật pháp. Thí dụ như: nếu chúng ta có đất đai và tài sản, chúng ta không nhất thiết có lòng tham đối với chúng. Chúng ta đừng bám víu vào những thứ đó đến nỗi rằng chúng trở thành một gánh nặng đè nén và dằn vặt tâm trí chúng ta. Luật pháp đương nhiên bảo đảm rằng miếng đất đó thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Đừng khổ tâm lo lắng vì nó, vì nó sẽ không tuột ra khỏi tay chúng ta để biến mất. Cho dù có người đến cướp đoạt, chúng ta vẫn còn có thể kháng cự và bảo vệ tài sản của mình một cách thông minh. Chúng ta có thể kháng cự mà không trở thành giận dữ, không để cho ngọn lửa thù hận bùng lên. Chúng ta có thể trông cậy vào pháp luật và kháng cự mà không cần phải chịu đau khổ. Đương nhiên là chúng ta cần phải trông nom tài sản của mình; nhưng nếu chẳng may chúng bị mất, dù chúng ta kích động cảm xúc của mình tới đâu thì cũng chẳng có ích gì. Tất cả đều là vô thường, thay đổi không ngừng. Khi ý thức được điều này, chúng ta sẽ không còn buồn bực về bất cứ chuyện gì.

Đối với “danh vị” cũng giống như vậy. Chúng ta đừng bám víu vào địa vị này nọ, bởi vì thật ra trên thế gian không có danh vị nào có thể khiến cho người ta vừa lòng. Tất cả danh vị đều sẽ mang lại loại đau khổ nào đó. Chúng ta sẽ khảo sát một kỹ thuật đơn giản, gọi là “Vi pát sa na” (vipassana) (xem chương VIII), phương pháp thực hành Phật Pháp một cách trực tiếp. Nó bao gồm sự tĩnh tâm quán tưởng nhìn vào nội tâm để thấy rằng trên thế gian không có thứ gì đáng để chúng ta ham muốn được trở thành, vì thật ra không có danh vị nào có thể coi là hoàn toàn thỏa mãn. Bạn hãy tự khảo sát vấn đề này; hãy thử xét xem có địa vị nào giúp bạn thỏa mãn hay không. Ở địa vị là một người con? một bậc cha mẹ? người chồng? người vợ? ông chủ? đầy tớ? Trong những thứ này có địa vị nào có thể khiến bạn vừa lòng hay không? Cho dù bạn là người chiếm ưu thế, ở địa vị cao hơn người khác, thậm chí là người đã thắng chăng nữa, bạn có vừa lòng hay không? Bạn có vui thích được làm con người hay không? Cho dù là thiên thần hay thần thánh chăng nữa, địa vị của họ có vui thú hay không? Khi đã thực sự thấu hiểu thực tướng của chư pháp, bạn sẽ thấy rằng tất cả mọi sự đều không thể làm vừa lòng như ý muốn. Chúng ta cứ mãi mãi chấp thủ mọi vật một cách vô ý thức. Nhưng tại sao chúng ta để cho dục vọng điều khiển mình một cách mù quáng, đến nỗi có thể nguy tới tính mạng hoặc bị thương tích? Chúng ta cần phải hiểu mọi vật và sống một cách khôn ngoan, hãy dấn thân vào đời bằng cách nào để cho mọi sự chỉ có thể gây đau khổ tối thiểu cho chúng ta, hoặc tốt hơn hết là không gây ra một chút đau khổ nào.

Còn một điểm khác cần lưu ý: Chúng ta phải tìm cách giúp cho người đời, bạn hữu, và nhất là những người bà con thân quyến gần gũi với chúng ta, để họ hiểu rõ chân tướng sự tình, để họ cũng có chánh tri chánh kiến như chúng ta. Làm như vậy chúng ta mong rằng sẽ không còn những chuyện ngang trái trong gia đình, trong thành phố, trong quốc gia, và tối hậu là khắp thế giới. Mỗi cá nhân sẽ không còn tham niệm, không chấp trước và không bị trói buộc vào sự vật hay địa vị nào. Trái lại, đời sống của mỗi người sẽ được hướng dẫn bởi trí huệ, bởi tri kiến thường hằng và sáng suốt nhìn thấy rằng trên thế gian không có gì mà chúng ta có thể thực sự nắm giữ và bám víu vào. Mọi người sẽ ý thức được rằng tất cả mọi sự mọi vật đều là vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và không có bản ngã; tất cả đều không đáng để chúng ta phải ham muốn hoặc si mê. Muốn từ bỏ dục vọng hay không, muốn có chánh tri chánh kiến theo như Phật Pháp hay không, tất cả đều là do chúng ta. Một người đã làm được như vậy thì xứng đáng được coi là một Phật tử chân chính. Dù rằng người đó có thể chưa từng đi tu hoặc thọ giới, nhưng thật sự là đã thấm nhuần vào chân đế của Phật, Pháp, Tăng rồi. Tâm của họ sẽ đồng nhất với tâm của Phật, Pháp, Tăng. Cái tâm đó hoàn toàn trong sạch, giác ngộ, và thanh tịnh, chỉ vì nó không coi bất cứ điều gì là đáng để chấp thủ. Vì vậy, một người có thể trở thành một Phật tử chân chính nhờ phương pháp giản dị là luôn luôn chú tâm quan sát, ý thức về những đặc tính vô thường, bất thỏa mãn, và vô ngã, cho tới khi người đó nhận thức được rằng trên thế gian không có gì đáng để chấp thủ hoặc mưu cầu.

Khởi nguồn và động lực của những hình thức đại ác là từ dục vọng muốn chấp thủ hoặc mưu cầu; những hình thức tiểu ác đến từ những hành động do dục vọng thúc đẩy một cách ít mãnh liệt hơn; và tất cả điều thiện bao gồm những hành động đặt căn bản trên loại dục vọng vi tế nhất - tức là dục vọng muốn chấp thủ và mưu cầu ở trình độ thiện. Ngay cả những hình thức thiện cao nhất cũng vẫn còn đặt căn bản trên thứ dục vọng vi tế và mờ nhạt đến nỗi người ta không coi nó có điều gì xấu. Nhưng sự thật thì hành động thiện không thể nào hoàn toàn thoát khỏi đau khổ. Một người đã hoàn toàn thoát khỏi dục vọng - tức là một vị A La Hán – là người không còn hành động vì dục vọng thúc đẩy, và đã trở thành người không thể làm điều gì ác. Những hành động của bậc A La Hán vượt ra ngoài những phạm trù thiện ác. Tâm của họ hoàn toàn tự do và đã siêu việt khỏi những giới hạn của thiện và ác. Vì vậy họ đã hoàn toàn giải thoát khỏi đau khổ.

Đây là nguyên tắc cơ bản của Phật Giáo. Cho dù chúng ta có thể thực hành hoặc mong muốn thực hành, đây là con đường để giải thoát khỏi đau khổ. Có thể hôm nay chúng ta chưa muốn thực hành; một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy rằng mình cần phải thực hành. Khi chúng ta đã hoàn toàn rũ sạch điều ác và đã cố gắng tinh tiến hết sức, nhưng tâm trí vẫn còn bị đè nặng bởi những loại dục vọng vi tế mờ nhạt, và không có cách gì để diệt trừ chúng, ngoại trừ sự cố gắng thoát ra khỏi sức mạnh của dục vọng, vượt lên trên dục vọng chấp thủ hoặc mưu cầu bất cứ điều gì, dù là thiện hay ác. Nếu có cái gọi là Niết Bàn, nơi không còn bất cứ loại đau khổ nào, thì ở nơi đó tuyệt đối không còn dục vọng.

Tóm lại, liễu ngộ thực tướng của chư pháp – hiểu theo ý nghĩa tột cùng của những chữ này – là nhìn thấy mọi vật đều là vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và vô ngã. Khi đã thực sự ý thức được điều này, tâm chúng ta sẽ nhìn thấy chân tướng của vạn vật để không còn chấp thủ hoặc mưu cầu điều gì nữa. Nhưng nếu chúng ta buộc lòng phải dấn thân vào những sinh hoạt trên thế gian liên quan tới chấp thủ và mưu cầu, thì hãy hành động một cách thông minh, với sự thúc đẩy bởi trí huệ, chứ không phải bởi dục vọng. Khi hành động như vậy chúng ta thoát khỏi đau khổ.

Xem mục lục