Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Trong tantra sự chứng đắc những con đường và những địa được nói đến trong chương liên hệ với sự tu hành thuộc kinh, được hoàn thành nhờ sự thiện xảo phi thường trong những phương tiện tu hành. Trong tantra, qua những thực hành trên hai giai đoạn, giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu, người ta chứng đắc những kết quả. Trong chương hai mươi mốt của Pema Karpo, Longchen Rabjam giải thích rằng bằng cách tháo những cái nút thắt của kinh mạch trung ương do làm trưởng thành tâm và năng lực khí của bốn luân xa, dần dần người ta đạt được mười địa và năm con đường.

Ở đây, tôi giải thích bằng cách phối hợp những đường lối tu hành của cái bên trong (tantra) và cái bên ngoài (sutra, kinh). Những tantra trình bày “ba mươi bảy phương tiện của giác ngộ” là phương tiện của chuyển hóa (của những tri giác) như là những mạn đà la ; và phương tiện này trong một số đường lối tương tự với những giáo lý không sai lầm của cách tiếp cận đặc trưng của kinh.

Cả hai truyền thống tân dịch và cựu dịch (của Tây Tạng) đồng ý rằng bằng cách dần dần làm trưởng thành, “đưa đến độ chín” khí và tâm trong bốn luân xa của những kinh mạch (trong thân), những đức hạnh do sự hoàn thiện “bốn con đường” sẽ hiện khởi. Đó là những con đường tích tập, áp dụng, thấy và thiền định. Do sự tháo mở hai trong hai mươi mốt nút thắt của những kinh mạch Roma và Kyangma quanh kinh mạch trung ương cho mỗi địa trong mười địa, người ta đạt những đức hạnh của mười địa liên tiếp nhau ; và bằng cách tháo mở nút thắt cuối cùng, người ta đạt trạng thái Phật tánh. Đây là quan điểm của những học giả và đệ tử cũng như các đạo sư Vimalamitra và Padmasambhava….

Sự tu hành này có hai phạm trù : sự trưởng thành của năng lực khí và tâm và sự hoàn thiện chúng. Sự nhận vào (của khí và tâm) trong chúng (tức là những luân xa lần lượt của những kinh mạch trung ương) là sự trưởng thành, đưa đến độ chín, và sự tháo mở những nút thắt của chúng gồm cả những nút thắt của những nhánh phụ, là sự hoàn thiện.

Với sự trưởng thành của khí và tâm trong những cánh hoa (hay nan hoa) của “luân xa của sáng tạo” ở rốn, sanh khởi sức nóng, những dấu hiệu của những cấp độ nhỏ, vừa và lớn của “con đường tích tập”. Rồi người ta thấy những khuôn mặt của chư Phật trong hình thức Hóa thân và trở nên có thể phô diễn những biểu lộ và những thần thông bởi vì người ta đã hoàn thành những nhãn, những thông và những thần thông thuộc loại nhỏ như là kết quả của thiền định và bằng cách kiểm soát, chế ngự được sự hâm mộ và các thứ khác, tức là “bốn bước thần diệu” của tham thiền. Một số người trí năng thô nói rằng trong “con đường áp dụng” người ta hoàn thành những thần thông mà không phải ở trên cấp độ lớn của “con đường tích tập”. Điều đó không đúng.

CON ĐƯỜNG TÍCH TẬP (Tshogs-Lam)

Bằng cách làm trưởng thành khí và tâm trong “luân xa sáng tạo” ở rốn, bèn khởi sanh những dấu hiệu của sức nóng của những cấp độ nhỏ, vừa và lớn của Con Đường Tích Tập. Người ta có được năng lực sáng tạo những biểu lộ vì người ta đã hoàn thành sự chứng đắc các nhãn, các thông và những thần thông loại nhỏ.

Cấp Độ Nhỏ của Con Đường Tích Tập

Trên cấp độ nhỏ của Con Đường Tích Tập, người ta hoàn thiện tỉnh giác bốn phần (bốn niệm xứ) :

(a) Quán tưởng thân là hóa thần bổn tôn là tỉnh giác về thân (và đó là giai đoạn phát triển).
(b) Sự chuyển hóa của những tư tưởng của cảm thọ như là trí huệ bổn nguyên.
Là tỉnh giác về thọ.
(c) Tham thiền về sự bình lặng toàn bộ những tạo tác của tâm và những biến cố tâm thức
Là tỉnh giác về tâm ; và chúng (b và c) là giai đoạn thành tựu
(d) Chứng ngộ rằng những hiện tượng của những tri giác và những quy kết đặt tên là như huyễn
Là những tỉnh giác về những hiện tượng. Có nói như thế trong các tantra.

Trong Guhyagarbhamayajala-tantra có nói :

Do một hành giả tu tantra : (a) ban phước thân thể của nó là “tỉnh giác về thân”, vì nó tri giác chính mình trong hình thể của hóa thần, như một hình phản chiếu, (b) (chuyển hóa) những tư tưởng của nó thành trạng thái của đại trí huệ bổn nguyên là bản tánh của “tỉnh giác về thọ”, đại lạc, (c) chiến thắng với những tạo tác là “tỉnh giác về tâm”, thoát khỏi sự ý niệm hóa, và (d) chứng ngộ (những hiện tượng là không thật) như những phản chiếu là “tỉnh giác về những hiện tượng”.

Cấp Độ Vừa của Con Đường Tích Tập

Người ta thực hành “bốn sự tịnh hóa hoàn hảo” (bốn chánh cần).

Bằng cách ở lại trong (sự tu hành và hoàn thiện của) những giai đoạn phát triển và thành tựu, người ta tịnh hóa những bám luyến vào bốn cái cần phải đoạn trừ và bốn đối trị của chúng như là thực. Người ta tham thiền nhất tâm với những nỗ lực hoan hỷ của thân, ngữ, tâm như sau : (a) không phát sanh cái không đức hạnh chưa sanh khởi, (b) tịnh hóa cái không đức hạnh đã sanh khởi, (c) phát triển những đức hạnh chưa sanh khởi, và (d) phát triển những đức hạnh đã sanh khởi.

Cấp Độ Lớn của Con Đường Tích Tập

Người ta thực hành “bốn bước thần diệu” (bốn như ý túc).

Khi nỗ lực trong sự thực hành những giai đoạn phát triển và thành tựu ngày và đêm, người ta (a) nắm hiểu những sự tu hành bằng tỉnh giác mà không mất nghĩa của chúng, (b) tham thiền với sự ngưỡng mộ, (c) phân biệt bằng phân tích cái gì là tu hành sai và tu hành đúng, và (d) tham thiền nhất tâm không dao động. Nhờ vậy, đã hoàn thiện sự tham thiền, và qua những “thần thông” do đã hoàn thành sự tiến đến độ chín của khí và tâm, người ta đến những cõi biểu lộ của Phật như Pema Chen, nhận lãnh những giáo lý từ chư Phật, tịnh hóa những nhiễm ô trong bản tính và nhận những tiên tri từ những hóa thần bổn tôn trong những thị kiến thanh tịnh.

CON ĐƯỜNG ÁP DỤNG (sByor-Lam)

Bằng cách làm trưởng thành khí và tâm trong Luân xa của Pháp (ở tim),

Những đức hạnh của con đường áp dụng hiện khởi….

Với “năm khả năng” (ngũ căn), người ta thiền định về ý nghĩa của sự tu hành ở trước hợp nhất hai giai đoạn phát triển và thành tựu : những khả năng (a) niềm tin, (b) chuyên cần,
(c) tỉnh giác, (d) tham thiền, và (e) trí huệ. Người ta hoàn thành sự kiểm soát trên sự tu hành và những khả năng trở thành có thể hủy diệt những cái cần đoạn trừ.

Qua sự tu hành năm khả năng, người ta đạt được (hai cái đầu trong bốn cấp độ của con đường áp dụng) : (a) vô niệm (không có tư tưởng), ánh sáng của trí huệ bổn nguyên là những cấp độ “hơi nóng” (nỗn) với những đặc tính là sự tận diệt hết những nghi ngờ và không có tự do và v.v…., và (b) sự vững chắc của những đức hạnh, sự “tăng trưởng của trí huệ bổn nguyên” là cấp độ “Đỉnh” với đặc tính thấu hiểu mọi hiện tượng như một giấc mộng….

(Như là dấu hiệu của sự hoàn thiện), bất cứ lời nào của chân lý người ta thốt ra đều trở nên thành tựu và người ta luôn luôn sống trong mười hai sự tu hành đức hạnh.

Khi những hiệu quả của năm khả năng (năm căn) trở nên rất mạnh mẽ và có thể phá hủy những cái cần đoạn trừ, chúng là “năm thần lực” (năm lực) (và người ta đạt hai cái sau cùng của bốn cấp độ của con đường áp dụng) : (a) “Trí huệ bổn nguyên được thấu hiểu” và sự chứng đắc từng phần trí huệ bổn nguyên về tánh Như, là cấp độ “các nhẫn” (với đặc trưng là) sự tái sanh trong những cõi thấp chấm dứt. (b) “Trí huệ bổn nguyên được thấu hiểu thông suốt”, sự tham thiền của khoảnh khắc tức thời (trước sự quán thấy), là cấp độ “sự chứng ngộ tối thượng thuộc thế gian” (với đặc trưng là) những đức hạnh của người ta là nguyên nhân không thay đổi của giác ngộ và người ta chứng đắc những tham thiền và những thần thông v.v…. cao hơn những cái trước.

CON ĐƯỜNG THẤY (mThong-Lam)

Bằng cách làm trưởng thành tâm và khí trong “luân xa của hưởng thọ” ở cổ họng, người ta chứng ngộ “con đường thấy” và đạt địa thứ nhất trong mười địa cao cả với một ngàn hai trăm đức hạnh. (Một kết quả là) người ta có thể đi đến và nghe những giáo lý trong những cõi tịnh độ của chư Phật năm bộ của thân thọ hưởng (Báo thân). Một ngàn hai trăm đức hạnh là : những thành tựu đồng thời 100 tham thiền, thấy 100 vị Phật, biết sự nhận lãnh 100 ban phước, đi đến 100 hệ thống thế giới, đi đến 100 tịnh độ, phóng ánh sáng đến 100 thế giới, làm trưởng thành 100 chúng sanh, trụ lại được 100 kiếp, áp dụng trí huệ bổn nguyên của mình với 100 biến cố (biến cố của) quá khứ và tương lai, diễn bày 100 giáo lý, biểu lộ 100 hình thể, mỗi hình thể kèm với tướng tốt của 100 đức hạnh….

Trong con đường này người ta (tu hành và) hoàn thiện bảy chi của giác ngộ : niềm tin, chuyên cần, tỉnh giác, tham thiền, xả, hỷ và khinh an.

CON ĐƯỜNG THIỀN ĐỊNH (bsGom-Lam)

Bằng cách làm trưởng thành khí và tâm trong “luân xa của đại lạc” ở đỉnh đầu, người ta đạt được chín địa (tiếp theo) của con đường thiền định.
Trong con đường này người ta tu hành và làm hoàn thiện “tám chánh đạo”. Từ địa thứ nhứt đến địa thứ mười, người ta cũng chủ yếu hoàn thiện mỗi cái của mười sự hoàn thiện (mười ba la mật) liên tiếp nhau và những sự hoàn thiện khác là phụ. Mười sự hoàn thiện là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, phương tiện thiện xảo, năng lực, nguyện vọng và trí huệ….

Trong mười địa này, một khi những thắt nút vi tế của những cánh hoa của những kinh mạch được mở thoát, khí của trí huệ bổn nguyên được đi vào trong những kinh mạch và nó làm cạn kiệt hay phá hủy tâm và khí nhiễm ô thuộc thế gian với căn cứ của chúng là những kinh mạch….

Vấn đề đi đến những cõi tịnh độ khác đồng thời ở yên trong tham thiền không có gì là mâu thuẫn, vì trong ba địa thanh tịnh (địa thứ tám đến thứ mười) người ta có năng lực kiểm soát sự tham thiền về vô niệm…. Trong địa thứ tám, người ta cũng đạt được sự kiểm soát đối với vô niệm vì tâm thức đã được chuyển hóa, trong địa thứ chín người ta đạt được sự kiểm soát đối với những tịnh độ vì thức của năm giác quan đã được chuyển hóa, và trong địa thứ mười người ta đạt được sự kiểm soát đối với những hoạt động giác ngộ phong phú vì thức của nền tảng phổ quát đã được chuyển hóa….

(Trong hai mươi mốt nút thắt của những kinh mạch), do tháo mở hai mươi nút thắt đầu tiên của ba kinh mạch (trung ương, Roma và Kyangma) người ta đạt địa thứ nhất, (và cũng như thế bằng cách tháo mở những nút thắt còn lại người ta đạt đến những địa) cho đến địa thứ mười. Bằng cách tháo mở nút thắt cuối cùng (cái thứ hai mươi mốt) người ta đạt đến địa của Vajradhara, “địa tối thượng của đỉnh đầu”….

Như khi mặt trời mọc lên, những tia sáng xuất hiện đồng thời, khi người ta đạt được những chứng đắc những con đường và những địa, tự nhiên là người ta có được một cách tất yếu những nhãn và thông, những đức hạnh đoạn trừ và chứng ngộ.

(KẾT LUẬN)

Khi người ta tiến lên những địa và con đường cao hơn, những đức hạnh tăng trưởng như cây cỏ xanh tươi, như rừng và ngũ cốc vào mùa hè. Khi người ta đạt Phật tánh giống như viên ngọc như ý, những bình và cây như ý, dù không có những ý niệm, thì những thân, những trí huệ bổn nguyên, và những hành động giác ngộ tự nhiên thành tựu xuất hiện vì lợi lạc cho chúng sanh, đầy khắp cả không gian. Những cái ấy là những thí dụ (của phương diện xuất hiện của những biểu lộ giác ngộ tức là những hoạt động vì chúng sanh), nhưng không phải nói lên rằng Phật tánh không có mười lực, lòng bi và lòng từ không có ý niệm. Bởi thế, dù cho tâm và những biến cố tâm thức tan biến vào cõi giới tối hậu, thì sự thành tựu những thân và những trí huệ phân biệt là hiện diện vĩnh cửu và tự nhiên trong bản tánh của quang minh như mặt trời và mặt trăng.

Xem mục lục