Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Phần này là một bản dịch trọn vẹn bản văn Tâm Giải Thoát Tự Nhiên. Nó là một của Ba Vòng nói về Giải Thoát Tự Nhiên trong Dzogpa Chenpo của Longchen Rabjam. Nó gồm ba chương. Chương thứ nhất là về những cái thấy, những tri kiến về “nền tảng”, chương hai về con đường thiền định, và chương ba về sự hoàn thiện quả. Trong phần này chúng tôi cố gắng giữ gìn chuỗi thứ tự những dòng kệ Tây Tạng trong bản dịch, nhưng có một số chỗ không thể tránh khỏi phải xáo trộn chữ từ dòng này sang dòng khác.

Kính lễ Phổ Hiền (Kuntu Zangpo)(1) Vinh Quang
Từ tinh túy(2) rốt ráo thanh tịnh siêu việt khỏi tư tưởng về đối tượng
Khởi lên như vầng sáng tĩnh lặng(3) tinh túy của bản tánh(4) tự nhiên thành tựu
Thanh tịnh khỏi những tính cách khác nhau của nhị nguyên người nắm bắt và cái được nắm bắt,(5)
Tâm,(6) thoát khỏi những phân biệt về phương diện và thiên chấp : con tôn kính quy mệnh.
Những hiện hữu hiện tượng là vô sanh, tự tánh bình đẳng ;
Trong đó thuần chỉ những hình tướng vốn tự giải thoát và tâm(7) thuần không có chút nắm bắt ;
Về vương quyền kỳ diệu này, Tâm Tự Nhiên Giải Thoát.
Hãy nghe khi tôi nói cho các bạn cái tôi đã chứng ngộ.

SỰ GIẢI THOÁT BẰNG CÁCH CHỨNG NGỘ NỀN TẢNG,”
chương một của
TÂM GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN, ĐẠI TOÀN THIỆN

Cái thấy rốt ráo thanh tịnh không có những cực biên hay trung tâm.
Nó không thể được chỉ ra bằng cách nói “Nó là cái này”, trong nó cũng không có bất kỳ phân biệt cao thấp hay rộng hẹp nào,
Nó siêu vượt khỏi thường và đoạn, thoát khỏi những nhiễm ô của bốn khẳng định cực đoan.(8)
Tìm, sẽ không bao giờ tìm ra ; quan sát, nó không thể thấy.
Nó xa lìa phương hướng và thiên vị, siêu thoát khỏi mọi đối tượng của ý niệm.
Nó không có lập trường quan điểm, không phải không mà cũng chẳng không không.
Không có chứng ngộ và không chứng ngộ, không tính đếm, không mục tiêu đối tượng.
Tất cả mọi hiện tượng vốn thanh tịnh và giác ngộ một cách bổn nguyên,
Thế nên nó không sanh không diệt, không quan niệm và diễn tả.
Trong cõi giới(9) tối hậu, thanh tịnh và bất tịnh vốn là tự nhiên thanh tịnh và
Những hiện tượng là đại toàn thiện bình đẳng, lìa ý niệm vọng tưởng.
Vì không có trói buộc và giải thoát, trong đó không có đi, có đến, có ở.
Hình tướng và tánh Không là những quy ước đặt bày, người nắm bắt và cái được nắm bắt là huyễn hóa.
Hạnh phúc và khổ đau của sanh tử và niết bàn như những giấc mộng tốt và xấu.
Từ khoảnh khắc ban đầu xuất hiện, bản tánh của nó thoát khỏi mọi tạo tác.
Từ đó và trong nó, nhân quả duyên sanh của khởi diệt vĩ đại
Xuất hiện như một giấc mộng, như huyễn hóa, một ảo ảnh thị giác, một thành Càn Thát Bà,
Một tiếng vang, một phản chiếu, không có thực tại nào.
Mọi biến cố như sanh, trụ, diệt, trong thực tánh của chúng là vô sanh.
Thế nên chúng sẽ không bao giờ diệt cũng không chịu đựng đổi thay nào trong ba thời.
Chúng không đến từ đâu cũng không đi về đâu.
Chúng không trụ ở đâu : chúng như mộng như huyễn.
Một người ngu mê bị bám chấp vào hiện tượng cho là có thực,
Và nắm bắt chúng như những hiện tượng vật chất thô nặng, “tôi” và “bản ngã tôi”, trong khi
Chúng như một cô gái huyễn biến mất khi chạm đến.
Chúng không thật bởi vì chúng lừa dối và chỉ tác động như hình tướng xuất hiện.
Sáu cõi chúng sanh và những Tịnh Độ của chư Phật cũng
Không phải là những tập hợp của nguyên tử, mà chỉ là những tự-xuất hiện của những tâm chúng sanh.
Ví dụ, trong một giấc mộng chư Phật và những chúng sanh
Xuất hiện như là thật, với những đặc tính không thể nghĩ bàn.
Tuy nhiên, khi người ta thức dậy, chúng chỉ là một đối tượng thoáng chốc của tâm.
Mọi hiện tượng của sanh tử và niết bàn phải được thấu hiểu theo cùng cách ấy.
Không có tánh Không tách lìa với những hiện tượng bề ngoài nào.
Cũng như lửa và sức nóng, những phẩm tính của lửa.
Quan niệm về sự tách biệt của chúng chỉ là một phân chia bởi vọng tâm.
Nước và phản chiếu của mặt trăng trong nước là một, bất khả phân trong ao.
Cũng thế, những hình tướng(10) và tánh Không(11) là một trong Pháp tánh(12) vĩ đại.
Những hình tướng ấy là không sanh từ vô thủy, và chúng là Pháp thân.
Chúng giống như những phản chiếu, vốn tự nhiên không nhiễm ô và thanh tịnh.
Sự tạo tác của tâm ra hiện hữu và không hiện hữu của chúng là một ảo tưởng,
Thế nên chớ ý niệm hóa bất kỳ hình tướng nào sanh khởi ;
Những đối tượng xuất hiện ấy cũng là những phản chiếu của tâm.
Chúng như một khuôn mặt và hình phản chiếu của nó trong một tấm gương.
Trong khi vốn không làm gì có nhị nguyên, tri giác nhị nguyên là
Đặc tính tự nhiên của những kinh nghiệm của thói quen(13) từ vô thủy.
Tâm và những giấc mộng không tách lìa nhau,
Hơn nữa nó giống như sự xuất hiện của những giấc mộng với một người bị nhiễm độc bởi giấc ngủ.
Người ta phải biết rằng, không làm gì có một phân biệt căn bản giữa (chủ thể và đối tượng).
Chẳng hạn, giống như một đứa bé nhìn một tấm gương,
Người không biết thì lấy hay bỏ những đối tượng bên ngoài.
Khi một người mẹ thấy tấm gương, bà lau sạch nó ; tương tự
Thừa Nhân và Quả(14) biến đổi những đối tượng bên ngoài.
Một phu nhân, thấy nó, lau sạch mặt mình ; cũng thế
Người biết tánh Như(15) nhìn vào Tự Tâm.
Đây là Thừa Cốt Yếu, không hình tướng.
Trong tâm vốn vô tự tánh, những sự vật khác nhau
Khởi lên do những duyên như những phản chiếu
Xuất hiện trong một tấm gương hay trong đại dương.
Tinh túy tánh Không, bản tánh bất đoạn, và
Tính cách xuất hiện đa thù, trò phô diễn huyễn thuật, là
Sự phóng chiếu phân hai của sanh tử và niết bàn trong Nhất Tâm.
Nó giống như màu của một pha lê bị biến đổi bởi áo đen hay trắng.
Tinh túy thì không biến đổi, nhưng do những tri giác làm duyên như căn cứ của sự sanh khởi,
Những tri giác khác nhau có vẻ như thay đổi vào lúc chúng xuất hiện ;
Nhưng thực tế nó không thay đổi như sự thanh tịnh của pha lê.
Tâm vốn nguyên trống không, không có gốc rễ,
Nó không nhiễm ô bởi những hình tướng xuất hiện của sanh tử và niết bàn.
Suốt khắp ba thời từ vô thủy, trạng thái Phổ Hiền,
Tinh túy của sự toàn thiện bất biến tự nền tảng
Thì không bị nhiễm ô bởi những hình tướng của sáu đối tượng,(16) như trăng trong nước.
Với những hình tướng không hiện hữu của sanh tử niết bàn như một trò huyễn thuật,
Chớ nỗ lực phân biệt lấy bỏ, phủ nhận và bảo vệ, hay hy vọng và e sợ.
Đạt giải thoát bằng cách biết bản tánh của trò phô diễn huyễn thuật :
Đó như là, thấy đạo quân của huyễn hóa thì người ta bị bắt vào, nhưng
Do biết thực tại, không có gì sợ hãi. Cũng thế
Không cần thiết phải nhất thiết từ chối những hình tướng đối tượng.
Bản tánh của sanh tử là tinh túy của tâm,
Nó vốn nguyên là không sanh và giác ngộ,
Thế nên bằng cách thấy Tâm, sự chứng ngộ bản tánh của toàn bộ đời sống đạt được.
Bấy giờ không có Thái Bình nào khác để thành tựu.
Đó như sợ hãi những lực lượng của chính mình lầm cho là của những ai khác,
Rồi sau, nhận biết chúng, người ta cất khỏi gánh nặng.
Giờ đây do sự ban phước của Đạo Sư vinh quang,
Những tư tưởng thế gian được chứng ngộ là Pháp thân. Thế nên
Đại Lạc tự nhiên sanh khởi bên trong vô tận.
Không cần gì chấp nhận hay chối bỏ vì tất cả hiện tượng hiện hữu sanh khởi như là Đạo Sư.
Mọi giáo huấn không bao giờ vơi cạn là sự nâng đỡ cho giác ngộ.
Sự thỏa mãn trong An Lạc không bao giờ chấm dứt.
Tất cả là hạnh phúc, phổ khắp trong Pháp tánh, từ đó
Trò chơi biến đổi không ngừng của những hiện tượng là
Sắc thân(17) vốn tự viên thành và Pháp thân, những hình tướng xuất hiện và tánh Không, hai sự tích tập Phước-Huệ,
Phương tiện thiện xảo và trí huệ, thiền định và ra khỏi thiền định,
Tất cả vốn tự viên thành một cách tự nhiên.
Năm Thân và Năm Trí Bổn Nguyên tự nhiên không do chế tạo
Được hoàn thiện trong trạng thái của Tánh Giác Bổn Nhiên, không chỗ bám níu cho tri giác và thức.
Những địa, những con đường, sự gom tụ và tham thiền –
Những phẩm tính – là tự nhiên hoàn thiện trong tinh túy Pháp tánh.
Tánh Giác Bổn Nhiên tự-khởi vĩ đại không thiên trệ
Không thoái hóa biến chất bởi một (đối tượng) được nắm bắt và không ràng buộc bởi một chủ thể.
Nó giống như bản tánh của huyễn hóa, bất nhị và thanh tịnh.
Thế nên ích gì mà suy tính, luận bàn hay tham thiền ?
Không có gì là những giai đoạn phát triển và thành tựu, không nhị nguyên, không hợp nhất,
Không quan điểm hay phân chia các Thừa.
Tất cả những cái ấy đều là những quy ước và vẽ vời của tâm thức.
Tất cả là trạng thái tự-hữu và vốn tự-giải thoát.
Tánh Giác không có điểm nhắm và không thể định nghĩa như “nó là cái này”,
Thế nên chớ cố gắng nắm hiểu nó, suy nghĩ đây kia, vì nó siêu vượt tâm thức.
Tâm thì không làm và vốn toàn thiện ;
Chớ làm méo mó nó bằng những đối trị sửa sang và chuyển hóa : hãy để nó thong dong.
Nếu Pháp tánh, trong đó chứng ngộ và không chứng ngộ là bình đẳng,
Không bị biến chất hư hỏng vì bám nắm nó bằng những rào lưới tham thiền,
Bấy giờ trong nghĩa tối hậu không có “là” hay “không là”, không có hiện tượng hay tánh Không.
Nó không thể được định nghĩa như là “một và nhiều” và v.v….
Nó siêu vượt cái thấy và thiền định, thoát khỏi khẳng định và phủ định, không đến không đi,
Tự do với những cực đoan, bất nhị, như huyễn hóa và một giấc mộng.
Mục đích của hai chân lý(18) là ngừa tránh sự bám chấp cho là có thực.
Trong thật nghĩa vốn không có tuyệt đối và tương đối.
Những sự vật không hiện hữu như chúng được lý giải,
Vậy mà người ta bị trói buộc trong mạng lưới của sự nắm hiểu chúng như là “cái này đây”.
Bất cứ cái gì người ta khẳng định, họ sẽ rơi vào những cực đoan của bám chấp ;
Và qua những nỗ lực và những thành tựu, sanh tử sẽ không ngừng.
Nghiệp tốt và xấu làm cho lang thang trong thế giới này,
Và những kinh nghiệm hạnh phúc và đau khổ, cao và thấp, như sự quay tròn của một guồng nước.
Trong sanh tử của ba thời, chúng sanh của ba cõi lang thang trong mê vọng ;
Họ bị hành hạ bởi bệnh vô minh, những tạo tác và nỗ lực –
Không có bắt đầu hay chấm dứt cho nó – ôi đáng thương cho những chúng sanh !
Kye Ho ! Tất cả chỉ như mộng và huyễn.
Trong nghĩa tối hậu không có sanh tử và ai lang thang trong đó.
Tất cả vốn là giải thoát trong cảnh giới Phổ Hiền.
Không làm gì có căn cứ, gốc nguồn hay bản chất. Thỏa mãn biết bao nhiêu !
Tâm không biến cải, xưa nay thanh tịnh
Không bị nhiễm ô bởi những hiện tượng của hiện hữu : đó giống như một phản chiếu.
Trong đối tượng xuất hiện không có gì được ý niệm hóa để nắm bắt ;
Trong bản tâm tự hữu, không có gì để được quan niệm là người nắm bắt.
Trí huệ bổn nguyên bất nhị này thường trụ ngoài những tri giác nhị nguyên.
Bởi thế, tâm bất đoạn và đối tượng của nó là đại biểu tượng.
Con voi của bất thủ (không nắm bắt) rong chơi tự do trên cánh đồng bằng
Từng bước của Tự-Giải Thoát, trang sức bằng uy quyền của bất nhị.
Nó hủy hoại đầm lầy của lấy bỏ, hy vọng và nghi ngờ….
Nó sở hữu sức mạnh của chứng ngộ và đi vào đại dương bất nhị.
Nó lang thang tự do mà không có những phần đoạn khác nhau giữa sanh khởi và giải thoát,
Và không bị trói buộc bởi những sợi thừng của những đối tượng để đoạn trừ và những đối trị.
Nó tự do nắm giữ quan điểm thành tựu đầy quyền uy.
Bằng cách thành tựu trọn vẹn quyền năng vĩ đại, thế giới hiện tượng khởi sanh là Pháp thân.
Khi những tri giác của sáu đối tượng là không dứt và người tri giác rốt ráo trống không,
Và Tâm thoát khỏi những cực đoan đạt đến tự do không mục đích,
Bấy giờ Tánh Giác Bổn Nhiên của sự bất nhị giữa sanh tử và niết bàn đạt đến Địa nguyên sơ,
Đó gọi là sự chứng đắc Phật tánh.
Vì là sự hoàn thành tuyệt hảo mục tiêu của bản thân mình và của những người khác,
Nó là sự chứng đắc giác ngộ trong Tịnh Độ không gì sánh.
Than ôi ! Những người tham thiền giống như thú vật
Ngừng dứt những tri giác và ở trong chỗ không có tư tưởng nào.
Họ gọi đó là bản tánh tuyệt đối và trở nên kiêu căng.
Do đạt được kinh nghiệm trong trạng thái (tập trung) ấy, họ sẽ tái sanh vào cõi thú.
Dù cho họ không lọt vào kinh nghiệm đó, họ cũng không thoát khỏi tái sanh vào định Sắc và Vô Sắc giới.
Sẽ không có cơ hội để giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Thế đấy, những người kiêu căng cùng cực,
Họ bị con ma quan điểm phá hoại của họ ám nhập,
Đi theo những giáo lý do thức tạo tác và làm mê lầm.
Bởi vì những tạo tác ô nhiễm của họ, họ sẽ không thấy Pháp Tánh.
Dù họ có phân tích Hai Chân Lý, họ cũng sẽ rơi vào thường và đoạn.
Dù họ có phân tích cái tự do thoát khỏi những cực biên, họ cũng sẽ chỉ khám phá cái thấy tột đỉnh của sanh tử.
Dù họ có làm gì, vì sự nô lệ vào quan điểm của họ,
Họ sẽ không bao giờ thực sự thấy Trí Huệ Bổn Nguyên tự nhiên.
Nghĩa thực sự thì không bị che ám bởi suy tính, diễn tả và những ý niệm.
Do không hiểu những đường lối đích thực của suy tính, kinh nghiệm và ý niệm hóa,
Sai lầm xảy ra khi xoay chuyển nghĩa của đối tượng tìm kiếm thành những nỗ lực của người tìm kiếm.
Tâm và trí huệ bổn nguyên giống như nước và tánh ướt của nó :
Trong mọi thời không có sự chia tách giữa chúng,
Nhưng chúng bị làm hỏng vì những phân biệt của lấy bỏ thức tâm.
Tâm và đối tượng của nó, bất kỳ cái gì xuất hiện, chính là bản tánh thiết yếu,
Nhưng do thiên vị nắm bắt, tánh rỗng rang khai mở của nó bị ngăn chặn.
Bây giờ, nếu các người muốn nghĩa của Pháp thân thoát khỏi ý niệm hóa(19)
Chớ nỗ lực tìm kiếm bản tánh bổn nhiên.
“Vương quyền của bất kỳ cái gì sanh khởi” đình chỉ lập tức những bám luyến và ý niệm,
Không phân biệt, không “biết” theo như “nó là cái này”,
Trong nó những hiện tượng không hiện hữu như là chúng có sanh khởi.
Trong bản tánh của chúng, chúng không hiện hữu như chúng có vẻ là thế.
Tri giác bình thường, vốn vô ngại và giải thoát từ vô thủy,
Là cái thấy của Đại Toàn Thiện Tự Nhiên.
Bản tánh của những hiện tượng được ví như hư không,
Nhưng những hiện tượng là không thể quan niệm, như bản tánh của hư không,
“Tâm thì không sanh và những hiện tượng như hư không”
Chúng ta nói thế, nhưng đó chỉ là chỉ định và đặt tên.
Nó tự do khỏi “là” và “không là”, vượt khỏi tư tưởng.
Nó không thể được chỉ định bằng cách nói “Đây là”, và nó vốn toàn thiện từ vô thủy.
Kye Ho ! Trong bản tánh thanh tịnh của hiện hữu hiện tượng
Là Tánh Giác Bổn Nhiên thanh tịnh, không nắm bắt và đốn giác hiện tiền.
Từ tối sơ khởi hiện, nó không hiện hữu nơi đâu.
Đại Toàn Thiện vốn tự giải thoát – khi nào tôi sẽ có thể thấy nó ?
Trong Tâm không gốc rễ, không chỗ trụ, thanh tịnh vốn xưa nay,
Không có cái gì để làm và không có ai để làm – thỏa mãn biết bao !
Tánh Giác Bổn Nhiên của những hiện tượng không mục đích,
Trong đó nắm hiểu luận bàn đại loại “nó là thế, là kia” tan biến – hạnh phúc biết bao !
Trong cái thấy và thiền định tuyệt nhiên không phân biệt,
Không rộng hay hẹp, cao hay sâu – thích thú biết bao !
Trong hạnh và quả tuyệt nhiên không có lấy bỏ, mong và nghi,
Không có cái gì để đắc, không có cái gì để mất – ấm áp biết bao !
Trong bản tánh hoàn toàn bình đẳng như huyễn,
Không có tốt để lấy và xấu để bỏ – tôi cảm thấy tức cười !
Trong những tri giác mờ ảo, mau phai, không xác định,
Chắp vá, không liên tục, không ngăn ngại và tự nhiên,
Bất cứ cái gì xuất hiện, không có sự nắm bắt “nó là cái này” hay “đây là những hình tướng này”.
“Là” và “không là” là tâm nắm bắt ; và viễn ly tâm ấy là Pháp thân.
Khi trong đối tượng không mục đích, những hình tướng bất định khởi sanh,
Cái biết không nắm bắt đạt vào giải thoát mà không có nhị nguyên ;
Bấy giờ tất cả những hiện tượng của tri giác là trò chơi vĩ đại của Tâm.
Trong Tâm vốn giải thoát khỏi nền tảng, gốc rễ và bản chất,
Những phẩm tính tự nhiên không từ chế tạo vốn hoàn thiện trọn vẹn.
Bằng cách giải thoát chối bỏ và chấp nhận vào trong Pháp thân, hạnh phúc sẽ thành tựu.
Tất cả những ý niệm luận bàn là những thứ chế tạo.
Nếu bất cứ cái gì sanh khởi mà thoát khỏi sự ý niệm hóa, thì chính nó là Trí Huệ Bổn Nguyên đích thực.
Bằng cách giải thoát lấy và bỏ trong trạng thái của chính nó, hạnh phúc sẽ thành tựu.
Bằng cách giải thoát lấy và bỏ trong trạng thái của chính nó, đối tượng của tư tưởng được siêu thoát.
Với Phật tánh vốn thanh tịnh rốt ráo và tự nhiên,
Chớ tìm kiếm ở đâu khác ngoài tự tâm các người.
Ngoài chính người tìm kiếm không có nơi tách biệt nào khác để tìm kiếm.
Đấy như giai cấp của người huyễn và nước trong một ảo ảnh.
Không có nhị nguyên của sanh tử và niết bàn khi sự nắm hiểu nhị nguyên
Đã dừng dứt trong Tánh Giác Bổn Nhiên tự hữu không biến chất.
Ai thấy nghĩa bình đẳng của tất cả những hiện tượng
Và chứng ngộ Tâm là vô sanh như bầu trời
Thì thành tựu những hiện tượng thế giới và chúng sanh là cảnh Phật thanh tịnh tự nhiên,
Trạng thái bình đẳng của sự thành tựu tự nhiên vô sanh.
Tinh túy của những hình tướng và tâm là tánh Không, và đó là nghĩa của Pháp thân ;
Bản tánh của nó là không dứt, và đó là sự xuất hiện của Báo thân ;
Những tính cách của chúng thì đa dạng và đó là Hóa thân.
Hiểu biết như thế,
Mọi sự là Ba thân, Trí huệ Bổn Nguyên và Tịnh Độ.
Không làm gì có sự sửa sang, chuyển hóa, từ bỏ và đối trị, thế nên hoàn toàn mãn nguyện.
E Ma ! Chúng sanh do bám chấp vào nhị nguyên ta – người,
Khi họ ở trong sanh tử ảo huyễn như mộng,
Bất cứ nỗ lực nào họ làm đều là những nhân và những quả của sanh tử.
Bằng cách kinh nghiệm nền tảng phổ quát(20) vô niệm, họ lạc vào cõi Vô Sắc ;
Kinh nghiệm thức sáng tỏ – trống không của nền tảng phổ quát, họ lạc vào cõi Sắc ;
Kinh nghiệm sáu thức, họ lạc vào cõi Dục.
Những biến đổi của tâm là những bước đến những cõi khác nhau của sanh tử luân hồi.
Với người muốn giác ngộ, nghĩa của cái tuyệt đối không biến cải
Là để cho tâm thong dong không nỗ lực.
Tâm bình thường, không biến cải và tự nhiên,
Không nhiễm ô bởi nắm bắt sanh tử và niết bàn, đạt giải thoát trong trạng thái tự nhiên của nó.
Đạt giải thoát theo cách ấy, an trụ trong bản tánh khoảnh khắc hiện tiền
Mà không có tư tưởng là trạng thái của Pháp thân ;
Nền tảng bất đoạn của sanh tử, sáng tỏ và tánh Không là Báo thân, và
Sự lưu xuất, giải thoát ngay khi sanh khởi là Hóa thân.
Với xác tín tự tin vào điều đó
Chắc chắn những tư tưởng thế gian sẽ được giác ngộ.
Kye Ho ! Bởi vì tính cách của những hình tướng và của tâm là biến đổi,
Hãy nhìn vào tấm gương của Pháp thân vô trụ.
Sự sanh khởi của không-người-nắm-bắt trong những hiện tượng không mục đích
Là bí mật của tâm ; không có cái gì khác có ý nghĩa.
Đó là tính cách tự nhiên của Tánh Giác Bổn Nhiên vốn tự toàn thiện, nghĩa thiết yếu của bất cứ cái gì sanh khởi ;
Chớ có tạo ra những sửa sang và biến dạng.
Những hiện tượng là tánh chất của vô tự tánh.
Bầu trời của tâm không-nắm-bắt không có trung tâm hay chỗ hết.
Dù chúng khởi sanh tự nhiên mà không có sự sanh ra hay diệt mất,
Sự vắng tuyệt bác bỏ, khẳng định và bám luyến vào những tính chất, đó chính là thực nghĩa ;
Và chúng không biến đổi suốt hết cả ba thời – điều này người ta cần biết.
Trí huệ bổn nhiên vốn sẵn, thoát khỏi nhị nguyên cái được tri giác và tâm
Chỉ có thể có ý nghĩa bằng cách chứng ngộ nó, nhưng không có cái gì được chỉ ra và không có gì để thấy.
Tâm tuyệt đối thì đẹp đẽ trong trạng thái tự nhiên của nó.
Bằng những phương tiện khác nhau – tham thiền không dao động, trí huệ phân tích và
Những giới điều, hiểu biết trí thức và những giáo huấn – người ta sẽ chỉ đạt được cái hiểu lý thuyết,
Nhưng người ta không bao giờ thành tựu Trí Huệ Bổn Nguyên trần trụi.
Chẳng hạn, dù cho người ta có chỉ ra, “Đây là hư không”,
Thì nó không phải là một vật có thể thấy, thế nên đó chỉ là một cách để phân biệt, chia rẽ.
Sự khởi lên của chứng ngộ qua lòng tốt của Lama thì
Giống như mặt trời xua tan bóng tối.
Khoảnh khắc người ta thấy tất cả là Pháp thân bởi Trí huệ Bổn Nhiên trực tiếp hiện tiền,
Vô minh được chuyển thành Trí Huệ Bổn Nguyên và những nhiễm ô thành những dấu hiệu (của Năm
Trí Huệ Bổn Nguyên).
Người ta cần hiến mình (cho thực hành) bằng mọi phương tiện mà không dao động.
Những chứng đắc chung và không chung sẽ thành tựu trong đời này.
Những người ngu ghét sanh tử và tìm niết bàn.
Đó cũng như ném bỏ một viên ngọc như ý rất hiếm có,
Lấy một viên ngọc như ý khác cần chùi sạch,
Và sau khi chùi nó, kiếm chung quanh để đổi lấy một món nữ trang rẻ tiền.
Tâm tự-giải thoát, viên ngọc quý báu,
Bằng cách chứng ngộ tự tánh của nó sẽ chùi sạch những vết bẩn mê lầm.
Hiểu rằng nó là kho báu của muôn vàn đức hạnh
Và là trái tim của sự hoàn thành lợi lạc cho bản thân và những người khác.
Khi sự chứng ngộ nghĩa của Tâm khởi hiện
Như những sóng và nước, những phóng chiếu và an trụ đều ở trong trạng thái của Pháp thân.
(Bấy giờ) bất cứ cái gì xảy ra, không cần từ chối hay chấp nhận.
Không bao giờ cần một thực hành từ chối hay chấp nhận nào.
Trong mọi thời với người yogi vui vẻ
Nó là yoga ‘dòng sông vĩ đại miên man’,
Trong trạng thái của bản tánh toàn thiện vĩ đại hoàn toàn bình đẳng.
Ngay khi chứng ngộ hiện khởi, (tâm) trở nên trong trẻo và sáng ngời tự nhiên.
Dù khi có trở lại sự phóng chiếu, nó sẽ ở trong Pháp tánh như cũ
Vì Tánh Giác Bổn Nhiên quang minh không có những cực biên và trung tâm,
Không có nhị nguyên của những ô nhiễm và những đối trị.
Như vậy, những sự vật để từ bỏ, những đối trị, xa lìa, chứng đắc, hy vọng và nghi ngờ, đều được giải thoát trong trạng thái tự nhiên của chúng.
Người không biết làm sao phân biệt ngọc và đèn
Nghĩ rằng ánh sáng đèn là ánh sáng của ngọc.
Nếu người ta không phân biệt định và những kinh nghiệm của sự tự-giải thoát,
Bấy giờ y sẽ bị trói buộc bởi tham luyến vào sự giải thoát khỏi ngay chính sự sanh khởi.
Nếu người ta không phân biệt giữa những kinh nghiệm và chứng ngộ,
Nó sẽ bị mê lầm do bám trụ vào những kinh nghiệm cho là chứng ngộ.
Sau khi chứng ngộ, trong mọi thời gian không có những thay đổi của tốt và xấu.
Do đạt được kinh nghiệm về điều đó, những kinh nghiệm đức hạnh khởi lên.
Ví như hư không, trong đó bốn đại thay đổi,
Không chịu bất kỳ biến chất nào : hư không vốn nguyên như cũ.
Cũng thế, đối với yogi đã chứng ngộ Tâm,
Không có chứng ngộ hay và dở do tăng hay giảm của những kinh nghiệm.
Nếu có cái hay và dở, thì đó là kinh nghiệm, không phải là chứng ngộ.
Chứng ngộ thực sự phải được tìm thấy ở một bậc thánh.
Sau đó, thuận theo (những lời dạy của ngài) người ta cần an trụ trong tham thiền,
Thiền định về nó là cái thấy tuyệt đối rốt ráo.
Thấy nó, người thượng căn sẽ đạt giải thoát.
Không dựa vào những kinh nghiệm tri giác, mọi sự sẽ khởi sanh như là chứng ngộ.
Không có cái gì để từ chối, thế nên không có đối trị nào để thiền định,
Như với một người khỏe mạnh thì thuốc thang chẳng cần.
Như thế, các bạn cần học cái thấy không nắm bắt, thoát khỏi thiên chấp.

GIẢI THOÁT QUA KINH NGHIỆM VỀ CON ĐƯỜNG
cho người trí năng trung bình và kém
chương hai của
TÂM GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN, ĐẠI TOÀN THIỆN

Trong thiền định, nó là tự-toàn thiện vĩ đại tự nhiên,
Không cần những sửa sang chỉnh trị và chuyển hóa : bất cứ cái gì khởi sanh đều là Đại Toàn Thiện.
Không cần chấp nhận và từ chối, khi trong chính trạng thái bổn nguyên
Thế giới và chúng sanh của sanh tử và niết bàn an trụ như như bình đẳng.
Trong “Tánh giác Rigpa Bổn Nhiên bất cứ cái gì sanh khởi đều là Nó”, sáu thức tự phát,
Hãy hộ trì “Tánh Giác Rigpa không do tạo tác” như một đứa bé.
Nếu các bạn ở trong trạng thái vô trụ qua sự viễn ly tâm thức
Các bạn sẽ thành tựu một cách tự nhiên và không biến đổi, vương quyền bất khả tư nghì.
Trong “tâm bình thường”, không sanh tạo và tự nhiên,
“Tâm tự nhiên” như nước đổ vào trong nước,
Hãy hộ trì “tâm bất nhị” rỗng rang với những tạo tác và biến dạng ;
Nơi “tâm không nỗ lực” thường trụ trong Pháp tánh bao la.
Trong sự rỗng rang tự do bổn nhiên, sự thanh bình của tâm,
Hãy lưu lại tự nhiên và lịch thiệp như một người già.
Qua trạng thái vĩ đại của tự-khởi, trong đó không có sự tuân thủ những thời kỳ thiền định,
“Tánh Giác Bổn Nhiên tự-giải thoát” vĩ đại và lơ là đang ngự trị.
Trong “Tánh Giác Bổn Nhiên không mục đích” nó là đại vô ngại,
Hãy hộ trì “Tánh Giác Bổn Nhiên không nắm bắt” như một người điên.
Qua “Tánh Giác Bổn Nhiên tự giới luật” nó không có mảy may phân biệt,
Những hoàn cảnh xấu khác nhau khởi sanh như trò chơi của Pháp tánh.
Những tri giác khác nhau là tự tâm mình, sự phô diễn thần kỳ của Tánh Giác Bổn Nhiên ;
Hãy an trụ không sợ hãi như sư tử.
Qua đại Trí Huệ Bổn Nguyên, người nghiến nát những tri giác mê lầm,
“Tánh Giác Bổn Nhiên tự nhiên sanh” khởi hiện như là tự-giải thoát vĩ đại.
Cho đến khi người ta đã hoàn toàn đạt được tinh túy của chứng ngộ,
Hãy tham thiền như với đôi mắt của chó sói, không có những khác biệt của đêm ngày.
Bằng cách đạt kinh nghiệm và sự quen thuộc, nếu mẹ (trạng thái hoàn toàn giác ngộ) và con (sự chứng ngộ của con đường) được hợp nhất,
Mọi sự sẽ khởi sanh đồng thời trong vô tư vĩ đại.
Trong “Tánh Giác Bổn Nhiên không thiên trệ” nó không có ở giữa và những cực biên,
Không có sự chỉ định như “nó là cái này”, hãy an trụ như hư không.
Bấy giờ ý nghĩa của “Tánh Giác bổn nhiên không thiền định”, không do tạo tác và không biến chất,
Nó là “Tánh Giác Bổn Nhiên tự sanh khởi”, sanh khởi bên trong một cách tự nhiên.
Trong sự tẩy sạch tự nhiên vĩ đại, thoát khỏi sự làm bẩn của những nhiễm ô,
Hãy hộ trì “Tánh Giác Bổn Nhiên tự nhiên sáng tỏ” như đại dương.
“Tánh Giác Bổn Nhiên giải thoát-ngay-khi-sanh-khởi” khởi hiện như những sóng lớn, như
Một khuôn mặt trong tấm gương và sự phản chiếu của những vì sao.
Trong Tâm bất động và bất biến, hãy hộ trì Pháp tánh thường trụ như núi Tu Di.
“Tánh Giác Bổn Nhiên toàn thiện đồng thời”, tự nhiên toàn thiện và không hợp tạo,
Trung tính (của tốt và xấu) và sự bất nhị của những hành động và nỗ lực sẽ được thành tựu tự nhiên.
Trong Tâm Bẩm Sinh tự-khởi sanh và tự-giải thoát,
Hãy an trụ không ngừng như một dòng sông.
Bất cứ tư tưởng nào sanh khởi sẽ cùng một vị Pháp thân :
Không cần gì phải lấy-bỏ, tất cả là ở trong niết bàn trọn vẹn.
Tóm tắt, trong bất cứ cái gì sanh khởi, trò chơi của Pháp tánh,
Tự do khỏi ý niệm và tham thiền tự-giải thoát được hoàn thành một cách tự nhiên.
Bằng cách kéo dài thiền định không cách hở,
Người ta cần tu hành những thực tập của chứng ngộ mà không có biếng lười.
Để cho “sự tiến bộ” của thực hành này, nó là chỗ nương dựa con đường,
Với “những hành động của người huyễn”, thoát ngoài lấy bỏ,
Để chuyển những biến cố bất lợi vào con đường, và để hợp nhất thiền định và xuất định,
Hãy đi đến những đỉnh núi, nghĩa địa, đảo nhỏ và bãi chợ….
Những nơi chốn làm cho tâm dao động,
Và hãy để cho thân nhảy nhót, miệng hát những bài ca,
Và tâm phóng chiếu đủ thứ tư tưởng :
Hãy nấu chảy chúng hòa với cái thấy và thiền định của
tự-giải thoát khoảnh khắc.
Bấy giờ mọi sự khởi sanh chính là con đường.
Thỉnh thoảng hãy làm sự thực hành sùng mộ (tri giác) những hiện tượng là (mạn đà la của) Lama,
(Và sự thực hành) tích tập công đức, tịnh hóa những nhiễm ô, và tham thiền về vô thường,
Tất cả những hiện tượng hiện hữu bản tánh đều là mộng và huyễn.
Chúng như một tiếng vang, một ảo ảnh, một phản chiếu và một hóa hiện thần thông.
Và như một ảo tưởng thị giác và phản chiếu của trăng trong nước, bản tánh của chúng là trống không.
Hãy tu hành những hình tướng đa thù là không thật và mờ ảo,
Một cách tức thời, không phân biệt nhận dạng chúng.
Đã tu hành những thực tập thiền định và xuất thiền định suốt ngày đêm không đi lạc,
Trong trạng thái của lạc, sáng tỏ và vô niệm, (chúng) vốn giải thoát-ngay khi-khởi sanh và tự nhiên hiện tiền,
Thiền định tự-trụ (tiến bộ) không ngừng.
Bằng cách làm tan biến những giấc mộng huyễn hóa vào trong (bản tánh) không thực và sáng ngời của chúng,
Ngày và đêm, sanh tử và niết bàn được giải thoát trong thực tánh của chúng.
Bằng cái thấy người ta mở rộng sự kéo dài, bằng thiền định người ta ngăn che dao động,
Bằng những hành động người ta đương đầu với những hoàn cảnh,
Và bằng những kết quả người ta tự bảo vệ không rơi vào những lầm lỗi.
Bản tánh của chứng ngộ, Trí Huệ Bổn Nguyên vô niệm,
Thường trụ trong mọi thời gian không biến đổi.
Vào lúc đó, thuần chỉ bản tánh đơn nhất, trạng thái bổn nguyên ;
Trong “trạng thái-không-thiền định” đó, người ta được bảo đảm chân thường.
Sau đó, sẽ không có quả nào hơn, Đại Lạc, để tìm kiếm,
“Tánh Giác Bổn Nhiên bất cứ cái gì sanh khởi đều là Nó” là Ba thân vốn tự viên thành.
Không một nỗ lực, sự lợi lạc của mình của người đều thành tựu.
Chỉ hiện tiền Tánh Giác Bổn Nhiên, đầy đủ mọi phẩm tính, công đức và thoát khỏi những phân biệt.
Như thế, một yogi đạt giải thoát chỉ trong đời này,
Làm tan biến địa đại vào trong nước, nước vào lửa, lửa vào không khí, không khí vào thức, và thức vào Tịnh Quang(21) sáng rỡ.
Rồi, hợp nhất với Trí Huệ Bổn Nguyên và Pháp Giới
Bảo đảm chân thường trong trạng thái của tánh bổn nguyên.
Vì lợi lạc cho những người khác, như một giấc mộng,
Trí huệ bổn nguyên và Hai thân(22)
Xuất hiện với chúng sanh, như những phẩm tính của mục tiêu (làm lợi lạc cho những người khác).
Đây là bản tánh của Trí Huệ Bổn Nhiên, bí mật của tâm,
Và tự-giải thoát tức thời tối thượng. Do chứng ngộ nó
Sự khai triển bao la những đức hạnh là giống như
Mặt trăng non ngày mồng một đến mặt trăng ngày rằm,
Khiến cho đối với người ta có vẻ như mặt trăng tăng trưởng,
Trong khi thực sự không có tăng hay giảm. Cũng thế
Dù cho người ta thấy khuôn mặt của sự chứng ngộ và tăng trưởng năng lực của thiền định,
Sự chứng ngộ thì không biến đổi, và tuy nhiên những công đức của kinh nghiệm khởi lên.
Vì sự sáng tỏ của mặt trăng, bóng tối trên mặt trăng có vẻ nhỏ lại,
Hay vì bóng tối trên mặt trăng nhỏ đi, mặt trăng có vẻ lớn lên. Cũng thế
Bởi vì sự lìa xa khỏi nắm bắt nhị nguyên, kinh nghiệm và chứng ngộ có vẻ tăng trưởng. Hay
Bởi vì sự tăng trưởng của chứng ngộ, những nhiễm ô có vẻ bớt đi.
Dù cho người ta hoàn thiện những đức hạnh từ bỏ và chứng ngộ,
Tinh túy không đổi thay và bản tánh thì không dứt,
(Vì) Pháp tánh vốn thanh tịnh và giải thoát khỏi mọi điều kiện nhân duyên.
Tóm tắt, nếu những nhiễm ô không khởi lên như là hiện thực,
Bấy giờ sau khi từ bỏ năm độc sẽ không có con đường tuyệt hảo chuyển tiếp nào (để theo).
Nếu các bạn không biết bí mật của sự tự-giải thoát (của tất cả vào trong một) Thân đơn nhất,
Bấy giờ các bạn sẽ bị mê lầm bởi nắm bắt nhị nguyên của những nhiễm ô và những đối trị.
Nếu người nắm bắt và cái được nắm bắt không được giải thoát ngay tại chính chỗ của chúng vào điểm quyết định,
Thì dù người ta có nói về một quan điểm cao, đó cũng chỉ là những lời bí mật của ma, và
Dù người ta có sự tham thiền tốt đẹp, kết quả cũng chỉ là hạnh phúc của những cõi cao hơn.
Bất cứ nỗ lực nào được làm cũng chỉ là những nguyên nhân của sanh tử.
Cái thấy rộng rãi, thiền định vô trụ, không mục đích,
Thái độ hành xử được tinh thuần, và tự do với sự nắm bắt có chủ tâm là quan trọng.
Khi trong bất kỳ ai, giữa những hiện hữu hiện tượng vô trụ không mục đích,
Sự bất nhị bao la của giải thoát-ngay khi-sanh khởi hiện tiền không dao động,
Đó là dấu hiệu của một thiền giả (yogi) đã vượt qua đại dương sanh tử.
(Bấy giờ) không có sự trói buộc chặt chẽ bởi đối tượng được nắm bắt và sự bám chấp vào chủ thể nắm bắt,
Tất cả mọi hiện hữu ở trong cõi giới phúc lạc của Pháp thân đồng thời toàn thiện.
Không có sợ hãi khi vượt qua những đèo núi, thung lũng và hẻm núi chật hẹp (gặp trên con đường thực hành).
Nó là sự về đến nơi quê nhà sinh quán của mình, siêu vượt mọi hy vọng và sợ hãi.
Bằng cách thấu đạt kinh nghiệm theo lối ấy, (những dấu hiệu của) bốn yếu tố như là
Những cấp đôï chứng đắc con đường không nắm bắt sẽ khởi lên.
[a.] Nghiệp lành được tích tập trước kia, lòng tốt của Lama.
Thời gian và thiện xảo trong phương tiện : khi những duyên này hội đủ với nhau,
Bấy giờ “Tánh Giác Bổn Nhiên tự hữu” vô ngại, tự do, đơn giản,
Nó là cái không nắm bắt – ngay khi – khởi sanh, được trực tiếp chứng ngộ,
Đó là cái thị kiến vĩ đại của “Chứng Ngộ Trực Tiếp Pháp Tánh”
[b.] Do xác tín rằng mọi sự được gán tên bên ngoài và bên trong là Pháp thân,
Bất cứ cái gì sanh khởi, sẽ không có gì để lấy-bỏ, sửa sang hay chuyển hóa
Mọi sự sẽ khởi sanh độc chỉ như là sự thực tập của chứng ngộ.
Bấy giờ, khi những kinh nghiệm này được tăng trưởng,
Người ta sẽ có thể chuyển những hoàn cảnh bất lợi của xác nhận và phủ nhận những hiện hữu bên ngoài và bên trong vào con đường.
Do sự khởi lên (của chứng ngộ) giải thoát sẽ đạt được, và bằng cách an trụ (trong nó), lạc sẽ tựu thành.
Do có được kinh nghiệm, các loại “nhãn”, trí, thần thông và v.v….
Những đức hạnh khác nhau của Tánh Giác Bổn Nhiên khởi lên.
Bấy giờ, điều đó được biết như là “Thị Kiến của Khai Triển Kinh Nghiệm”
[c.] Do mở rộng thêm kinh nghiệm,
Tánh Giác Bổn Nhiên (trở thành) sự sáng tỏ, tánh Không và Trí Huệ Bổn Nguyên trần truồng,
Trong đó không có hôn trầm và trạo cử, không có dao động và không dao động,
Không có khác nhau giữa thiền định và xuất thiền định, mà nó luôn luôn (không ngừng) như một dòng sông.
Khi một cấp độ những đức hạnh phi thường như vậy đã thành tựu,
Đó là sự đạt đến “Thị Kiến về sự Toàn Thiện của Tánh Giác Bổn Nhiên”
[d.] Khi người ta không hề dời khỏi trạng thái này,
Người ta thoát khỏi những ý niệm hóa nắm bắt những đặc tính, và siêu vượt khỏi những đối tượng tham luyến, những cái để đoạn trừ và những đối trị với chúng,
Mọi sự đồng thời toàn thiện và thoát khỏi những nắm hiểu có chủ định và
Sự bám luyến những hiện hữu bên ngoài và bên trong cạn kiệt
Bấy giờ đó là sự chứng ngộ “Thị Kiến về sự Tan Biến vào trong Pháp Tánh”.
Rồi, bằng cách đem Tánh Giác Bổn Nhiên đến chỗ hoàn thiện trong bốn thị kiến,(23)
Những Sắc thân tan biến vào Pháp thân,
Và người ta đạt giải thoát bằng cách siêu vượt những hình tướng trống không và những nắm bắt –
Đó là sự đạt được thường hằng trong trạng thái bổn nguyên.
Khi người ta thực hành theo cách này, bởi vì người ta không lạc khỏi con đường (chánh),
Cũng có (những dấu hiệu của) ba cấp độ những giấc mộng :
Thứ nhất, do tu hành sự giải thoát của những hình tướng xuất hiện (vào trong) tâm ngay lúc sự sanh khởi của chúng,
Khi những giấc mộng xấu chuyển hóa thành những giấc mộng tốt,
Đó là dấu hiệu của một vị của công đức của người ta(24) do sự tịnh hóa nghiệp xấu.
Giống như khói đến từ lửa và ngũ cốc đến từ hạt giống.
Thứ hai, do có được kinh nghiệm, sự nhận biết những giấc mộng
Và giải thoát tức thời của những giấc mộng xảy ra một cách đồng thời.
Đó là dấu hiệu của giải thoát thậm chí của bản thân cái đối trị (nhận biết) vào trạng thái tự nhiên của nó.
Thứ ba, qua quán chiếu trọn vẹn, kinh nghiệm toàn bộ sẽ đạt được,
Những giấc mộng ngừng dứt, và người ta cả ngày và đêm ở trong tịnh quang.
Đó là một dấu hiệu đã làm tan biến những tư tưởng thế gian vào trong bản tánh của chúng.
Bấy giờ người ta gần với sự đạt đến niết bàn tối hậu, và đồng thời
Sự đạt đến thường hằng trong trạng thái bổn nguyên của tịch diệt.
Đã giải thoát ba cõi và ba cửa(25) trong trạng thái của Ba Thân,
Người ta đạt đến niết bàn, nó không ở trong những cực đoan của trạng thái bình an.
Trong Tâm, không có những kiến lập và từ bỏ từ vô thủy,
Không cần có những đối trị sửa sang và chuyển hóa (bởi vì) nó ở trong bản tánh vốn có bẩm sinh.
Nó tự do với mọi nắm bắt phân biệt, thế nên
Nó là sự thành tựu tự nhiên mà không có thiền định cũng không có cái gì để thiền định.
Như thế trong Tâm Bình Thường Tự-Giải Thoát
Không có trong và ngoài, và vượt khỏi những cực biên của người nắm bắt và cái được nắm bắt.
Xác nhận và phủ nhận đều tự-giải thoát, và những nhiễm ô và những đối trị sanh khởi như là bản tánh vốn có bẩm sinh.
Giải thoát đạt được mà không có mục tiêu đối tượng nào (như là) “cái này”, “cái kia”.
Không cần gì chấp nhận hay từ bỏ. Trí Huệ Bổn nguyên toàn khắp là
Thoát khỏi những phân biệt, là đại lạc, không phải tìm kiếm và vốn tự thành tựu.
Nó là “đại giải thoát toàn diện”, tự do từ vô thủy và tự nhiên,
(Trong nó) không có cái gì được nhận biết như là “ai” (chủ thể), “cái này” (hành động), hay “chúng nó” (những đối tượng).
Nó là vô trụ, không mục đích, thoát khỏi nắm bắt và siêu vượt những cực đoan có-không.
Kye Ho ! do sự giải thoát toàn bộ của nó từ vô thủy,
Tánh Giác không-nỗ-lực giải thoát trong trạng thái bình đẳng
Sự thống trị vốn tự thành tựu của nó thì không sanh không diệt.
Thế nên nó không trụ, không thể tri giác và bản chất của nó là không thể giải thích.
Mọi sự đều ở trong trạng thái vô tác và là thật tánh.
Ah Ho ! Trong tri giác vốn tự nhiên và thanh tịnh từ vô thủy,
Khởi hiện Tánh Giác Bổn Nhiên kỳ diệu khiến người ta phải cười.
Không có nhị nguyên của tâm và đối tượng của nó, và người tri giác vốn không có tự tánh.
Nó không thể được chỉ định bằng cách nói “nó là cái này” – nó là tự do trong cái không mục đích vĩ đại.
Nó là trạng thái đơn nhất của phương tiện và trí huệ đồng thời toàn thiện.
Mọi sự thì không biến đổi và an trụ bình đẳng như chúng vốn là.
Trong nó không quan niệm ra những khác biệt của những hành tinh, ngôi sao, ngày tháng của lịch ;
Nó siêu việt thời gian và sự tính đếm của thời gian.
Bốn châu lục không hiện hữu, Núi Tu Di và mặt trời mặt trăng là trống không ;
Không có mạn đà la để quan niệm ra, và không có trì tụng hay thực hành những khổ hạnh.
Không có những đối tượng được quan niệm ra ; chúng là trống không (thanh tịnh) trong hình thức những kinh mạch, tinh chất và luân xa.
Dù những đối tượng bên ngoài tự chúng xuất hiện, chúng không bị ý niệm hóa.
Thế nên toàn cõi thế gian, năm đối tượng,(26) là trống không trong tinh túy.
Mọi sự là không sanh khởi, (vì chúng là) lâu đài tôn nghiêm tự-sanh khởi.
Không có ai sáng tạo, (vì chúng là) hóa thần của ý nghĩa tuyệt đối.
Sự phóng chiếu và thu hồi của những tư tưởng là trò chơi vĩ đại của Trí Huệ Bổn Nguyên.
Những đối tượng là những mây cúng dường ; bằng cách cúng dường chúng cho những hóa thần-Trí Huệ Bổn Nguyên
Những tích tập vĩ đại được hoàn thiện ; những âm thanh và lời nói là Đại Thần Chú.
Những nhiễm ô sanh khởi tự nhiên như trí huệ bổn nguyên ; đây là Giai Đoạn Thành Tựu tự-sanh.
Không cần những hành động và nỗ lực, vì nó tự nhiên vốn thành tựu.
Nó là trạng thái vượt qua (ba la mật), sự toàn thiện của những giai đoạn và những con đường.
Nó không trụ như là khoảng giữa, vì nó là sự hợp nhất thuần túy.
Không có lấy một vi trần của nhiễm ô, đối trị hay lỗi lầm che ám.
Thế nên, “thiền định của bất kỳ cái gì sanh khởi” được tự nhiên thành tựu không cần sức.
Những hiện tượng đồng và dị và nhân quả của thiện hạnh trắng và ác hạnh đen tác động như duyên khởi :
Chúng vô tự tánh nhưng chúng không ngừng xuất hiện như những phản chiếu.
Thế nên người ta cần biết sự tự giải thoát toàn thể siêu việt.
Do nghiệp tốt và xấu mà những thế giới cao và thấp được kiến lập.
Nếu nghiệp được siêu thoát, niết bàn tự nhiên sẽ được đạt đến.
Nếu người ta thực hành chấp nhận và chối bỏ, người ta chắc chắn sẽ thoát khỏi sự bất thiện.
Nhưng dù nếu người ta thực hành thiện hạnh, người ta cần không bị ràng buộc bởi tham luyến (thiện hạnh).
Về sau người ta cần tìm kiếm ý nghĩa của tự do khỏi chấp nhận và chối bỏ.
Người ta cần lấy những bậc thánh làm gương mẫu và cần thực hành.
Hãy từ bỏ những hoạt động vô nghĩa và mê lầm trẻ con.
Hãy luôn luôn sống cùng người hiền thánh.
Hãy theo những thực hành sơ bộ (sNgon-Gro) không lầm lạc của chứng ngộ, nghe và suy nghĩ.
Hãy kiên định chịu đựng (những hoàn cảnh khắc nghiệt) một mình trong chốn núi non hẻo lánh,
Với quyết tâm có được chân tánh.
Hãy làm giảm những lăng xăng trù tính bằng cách suy nghĩ về vô thường và ghê sợ.
Thực hành Pháp với những nỗ lực từ lòng mình là cốt yếu.
Nếu trong đời này người ta không thể tiến hành con đường giải thoát,
Thì sau này sẽ khó tìm được đời người tự do(27) và thuận lợi(28) và Chánh Pháp.
Hãy kéo lên ngọn cờ chiến thắng của sự thực hành trong một chốn cô đơn,
Và kiểm điểm lại điều gì mình đã thành tựu nếu mình chết lúc này.
Nếu người ta dùng ngày và đêm để ở trong Pháp theo cách như vậy,
Thì dù người ta mất đi thân thể như huyễn này, Tâm không có sanh không có chết.
Người ta sẽ bảo đảm cho sự trị vì của Pháp thân bất biến.
Cuộc đời này sẽ đầy ý nghĩa và sự thành đạt tối thượng sẽ hoàn thành.
Dù người có trí trung bình và kém
Sẽ đạt giải thoát trong trung ấm hay sẽ thành tựu quả trong đời kế tiếp.
Họ sẽ tìm thấy con đường giải thoát khỏi nhân quả của sanh tử.
Và đạt được thành trì của Tâm trong xứ sở của Đại Lạc.
Đây là trái tim của nghĩa tuyệt đối.
Nếu đi một con đường lầm lạc, có nhiều che ám của sai trệch ;
(Nên) người ta sẽ không bao giờ thành tựu bản tánh Như.
Họ mệt mỏi trong đời này và không kết quả trong đời tới.
Bởi thế người ta cần tìm kiếm cái thấy và thiền định không sai lầm.
Nếu sự tu hành của người ta không có những tư tưởng từ, bi và Bồ đề tâm,
Thì chắc chắn đó là một con đường khác với Đại thừa.
Nếu thực hành đến một mức mà tâm người ta trở nên khô cứng,
Thì chắc rằng sự thực hành Pháp và hành giả cả hai đã đi trên những đường lối tách biệt.
Nếu người ta bị bám luyến vào những thiền định bên ngoài, bên trong và chặng giữa,
Thì chắc rằng người ta không có cơ hội chứng ngộ tánh bất nhị.
Nếu người ta không nhớ sự khẩn thiết phải thoát khỏi và sự ghê sợ sanh tử,
Chắc chắn người ta bị mê lầm bởi ma của sự bám luyến cuộc đời này.
Nếu người ta không có đạt được nào mới dù người ta thiền định,
Thì chắc rằng đã có những sai trệch và che ám, như hôn trầm và trạo cử.
Nếu “tính ướt” của an định không thấm nhuần quán chiếu,
Đó không phải là thiền định quán chiếu mà chỉ là một hình dung của chứng ngộ.
Nếu người ta nói về bất nhị từ một cái hiểu trí thức,
Mà không thể giáp mặt với những hoàn cảnh không thuận lợi, bấy giờ cái bất nhị trí thức ấy chỉ là một chỗ dựa cho năm độc sanh trưởng.
Nếu sức mạnh của thiền định quán chiếu không nâng đỡ cho thiền định an định,
Đó không phải là thiền định an định mà chỉ là sự trụ trong vô minh,
Và dù đạt được vững chắc, nó là nguyên nhân của những cõi cao.
Đối với định nằm trong hôn trầm, trạo cử và giải đãi, thiền định của loài thú,
Chớ bao giờ bị hấp dẫn. Sức mạnh của Trí Huệ Bổn Nguyên của quán chiếu,
Một khi được chứng ngộ không dấu vết dơ nhiễm qua lời thuyết pháp của những bậc thánh,
Chuyển mọi loại thiền định thành những hỗ trợ cho Giác Ngộ.
Lạc, sáng tỏ và vô niệm đều không do tạo tác sẽ khởi hiện bên trong.
Nếu khác đi, thì không phải là tinh túy tuyệt đối.
Nếu người ta không hiểu bí mật của Tánh Giác Bổn Nhiên bây giờ,
Rồi người ta sẽ bám luyến vào thiền định, và sẽ bị trói buộc bởi chuỗi xích chấp nhận và chối bỏ.
Ít sự việc thuận lợi sẽ xảy đến, và những cái không thuận lợi sẽ đến nhiều như mưa.
Những ước mong của người ta sẽ không thành và người ta sẽ luôn luôn bị sợ hãi quấy rầy.
Dù cho lạc, sáng tỏ và vô niệm có được phát minh bởi thân, ngữ và tâm
Cũng như một cái bình trong tay một đứa con nít, không có lợi lạc vì chúng sẽ bị vỡ.
Nguồn không do tạo dựng, bất hoại của những chứng đắc,
Sự chứng ngộ cái tinh túy tự nhiên, tìm kiếm nó là quan trọng.
Dù có điều thân, im lời, làm linh hoạt tâm, ngăn ngừa những tư tưởng,
Và đâm xuyên với ngọn giáo của tỉnh giác trong sáng và sống động,
Thì ngăn ngừa những ý niệm và cảm giác trong trạng thái nắm bắt
Người ta chỉ thành tựu những cõi Sắc và Vô Sắc của sanh tử.
Đối tượng bề ngoài của những giác quan, những tri giác không ý niệm và trong sáng ;
Trạng thái của Trí Huệ Bổn Nguyên vĩ đại, tự-giải thoát của năm độc,
Và Trí Huệ Bổn Nhiên vi tế thanh tịnh không hôn trầm trạo cử
Được (một số người) xem như những đối tượng để đoạn trừ, gọi là (những đoạn trừ) “rất thô, thô và vi tế”
Những con lừa ấy cố gắng tìm những cách để chối bỏ chúng.
Người ta gom tụ những tư tưởng đã qua bằng những tư tưởng kế tiếp, và
Chỉ bằng cách kinh nghiệm điều đó, nói rằng họ thấy nghĩa vốn sẵn xưa nay
(Như thế) người ta tính đếm những sanh khởi và dừng diệt (của những tư tưởng) và tiếp tục những tư tưởng,
Và chấp nhận chúng như nghĩa của bất nhị : sự thiền định này là mê lầm.
Dù cố gắng thiền định bao nhiêu, nếu từ mạng lưới tư tưởng,
(Trạng thái định ở) sau khởi lên trên sự dừng dứt của những tư tưởng trước,
Dù người ta xem (sự dừng dứt này) là giải thoát, nó chỉ là những tư tưởng nối tiếp nhau, chẳng phải là giải thoát.
Trong con đường của phương tiện thiện xảo,(29) buông thả cho lạc của những giác quan,
Là sự tham luyến nhục dục ; thế nên trong hầu hết trường hợp, đó là nguyên nhân của tái sanh vào cõi thấp.
Dù nếu người ta đạt đến những cõi hạnh phúc, rồi họ cũng sẽ tái sanh trong các cõi thấp.
“Phương tiện thiện xảo” là con đường của chỉ rất ít yogi.
(Trong con đường này) có những nguy hiểm lớn lao của những che ám trệch lối, và rất khó khăn để thấy nghĩa của chứng ngộ.
Chuyển tiếp lần lượt (mà không hợp nhất) hai sự tích tập các giai đoạn phát triển và thành tựu, với (những quán tưởng) và không có (những quán tưởng)
Được một số người tuyên bố là thật nghĩa, và họ bám dính vào đó ; nhưng sẽ có ít lợi lạc.
Chỉ có đạt được những cõi cao ; không thể chấm dứt sanh tử.
Tóm tắt, trước kia người đã tích tập ít phước tài tốt đẹp,
Và đi vào những con đường thấp, lạc hướng và sai trệch, họ đáng thương biết bao nhiêu.
Nguyện vào một lúc nào tất cả chúng sanh tìm thấy những con đường tuyệt hảo, không lầm lạc
Và theo đó đạt đến giải thoát !
Bất kỳ ai có tánh Không và đại bi không lầm lạc
Và pháp giải thoát tức thời, họ đang ở trên con đường đến Pháp thân tự-trụ.
Sự hiển lộ của nó là trí huệ – quán chiếu trần trụi, và
Vì nó là nơi an trú, nó là phương tiện của trạng thái bình đẳng an định.
Nó là tự nhiên, hợp nhất và thoát khỏi mọi tạo tác và biến chất.
Sự thay đổi tạo ra dao động và sự vững chắc vượt thắng chúng (tạo tác và biến chất).
Trong trạng thái không có hôn trầm, trạo cử, thoát khỏi gốc của những nhiễm ô,
Bất cứ cái gì khởi sanh chính là Pháp thân tự-giải thoát.
Tuy nó tự biểu lộ chính nó, nó hằng ở trong trạng thái bất nhị bình đẳng.
Không cần lấy bỏ, nó là nghĩa của chân tâm.
Trong tánh vốn sẵn đủ, Trí Huệ Bổn Nguyên của Pháp tánh,
Xin hãy tu hành không gián đoạn.
Đây là sự tự-giải thoát của bản tánh tuyệt đối vốn sẵn.
Nó là sự thiền định tối thượng sâu mầu và tuyệt hảo,
Tinh túy của trái tim, được cô đọng lập đi lập lại.
Nó là tinh túy của tất cả đỉnh cao, chân lý kim cương
tối thượng.

KẾT QUẢ ĐẠI THÀNH TỰU TỰ NHIÊN
chương ba của
TÂM GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN, ĐẠI TOÀN THIỆN 

Kết quả thành tựu tự nhiên có hai phương diện : lập tức (hay tạm thời) và tối hậu.
Với cái lập tức, bằng cách thiền định về cái thấy, người ta sẽ hoàn thành những đức hạnh.
Những nhiễm ô và tâm nhị nguyên sẽ được giải thoát trong trạng thái tự nhiên của chúng.
Sự ổn định, vững chắc trong tương quan với những hiện tượng bên trong và bên ngoài sẽ hoàn thành.
Người ta sẽ hoàn thành những “nhãn”, trí và thần thông.
Chứng ngộ sẽ khai triển, lòng bi vì những người khác sẽ khởi sanh.
Vào lúc đó, trong Trí Huệ Bổn Nguyên tức thời của Tánh Giác Bổn Nhiên,
Nếu xếp thành những khía cạnh khác nhau, những đức hạnh sau đây hiện diện :
Những hình tướng xuất hiện như phương tiện thiện xảo, và giai đoạn phát triển là sự tích tập công đức.
(Qua đó người ta đạt) sự từ bỏ những ý niệm phiền não và những tư tưởng được nắm bắt.
Tánh Không (như là) trí huệ, và giai đoạn thành tựu (là) sự Tích Tập Trí Huệ Bổn Nguyên.
(Qua đó người ta đạt) giải thoát khỏi những nhiễm ô trí thức bẩm sinh và những tư tưởng nắm bắt.
Keo kiệt, không đạo đức, giận dữ, giải đãi, phóng dật,
Kém trí, không phương tiện, yếu đuối, không hứng khởi và vô minh ;
Những trạng thái thanh tịnh của mười khía cạnh này là
Sự thành tựu bố thí, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, tham thiền, trí huệ, phương tiện thiện xảo,
Thần lực, nguyện vọng, và trí huệ bổn nguyên, Mười Hoàn Thiện.
Khi chứng ngộ khởi sanh do lòng tốt của Lama,
Sự khai triển của niềm tin tối thượng là “Hoan hỷ địa”.
Sự tự giải thoát của những nhiễm ô là “Thanh Tịnh địa”
Trí Huệ Bổn Nguyên phúc lạc, trong sáng và vô niệm là “Phát Quang địa”
Tự-giải thoát của những tư tưởng phóng chiếu là “Diệm Huệ địa” (địa Sáng Rỡ)
Mục tiêu không gì ngoài những bậc Thế Tôn là “Nan Thắng địa” (địa Vô Địch)
Hiện thực hóa sự chứng ngộ là “Hiện Tiền địa” (địa Hiện Thực).
Giải thoát khỏi sanh tử là “Viễn Hành địa” (địa Đi Chơi Rong Ở Xa).
Sự chứng ngộ không còn biến động như núi Tu Di là “Bất Động địa”.
Tối thượng của tất cả là “Thiện Huệ địa”.
Tràn ngập khắp bầu trời của Tâm, Địa Thứ Mười là “Pháp Vân địa”.
Sự hoàn thiện của tích tập công đức và Trí Huệ Bổn Nguyên là (những con đường) “tích tập” và “áp dụng” (tư lương vị và gia hạnh vị),
Thấy và kinh nghiệm nghĩa của chứng ngộ là (những con đường) “thấy” và “thiền định” (Kiến đạo vị và Tu tập vị),
Sự giải thoát được gọi là giai đoạn của “Kết Quả” (Cứu cánh vị).
Tự do với ba độc (trong tánh giác bổn nhiên) là (nghĩa) của Ba Tạng.
(Cũng thế), sự tịnh hóa (tánh giác bổn nhiên) của ba cửa là sự hoàn thiện của Ba Học (Giới, Định, Huệ).
Giải thoát khỏi mọi sự (trong tánh giác bổn nhiên) là Kriya Yoga, và đó (cũng) là Carya Yoga.
Đạt đến quán chiếu chứng ngộ là Yoga Tantra và Anuttara Yoga.
Thế nên bốn tantra này được thành tựu trong (tánh giác bổn nhiên).
Lợi lạc cho chính mình (trong tánh giác bổn nhiên) là những thừa của Thanh Văn và Bích Chi Phật,
Lợi lạc cho những người khác là Đại thừa, và chứng ngộ là Kriya Tantra,
Kinh nghiệm (của thiền định) là Upatantra, và thọ hưởng nó là Yoga Tantra,
Và phương tiện thiện xảo và trí huệ là Maha Yoga và Anu Yoga ;
Tất cả chín thừa tương đương với tự-toàn thiện của Ati Yoga (Đại Toàn Thiện) :
Sự nhớ (niệm) và tham thiền với tinh túy của Trí Huệ Bổn Nguyên
Hiện diện (trong tánh giác bổn nhiên) như là những phần của “tự-giải thoát tức thời”
Có nghĩa là những giai đoạn, những con đường và Giác ngộ là đồng nhất (trong tánh giác bổn nhiên).
Trí Huệ Bổn Nguyên vốn sẵn đủ, tâm giác ngộ, Đại Ấn (Mahamudra),
Đều hoàn thiện (trong tánh giác bổn nhiên) như sự thành tựu vĩ đại tự nhiên.
[a. Pháp thân] : Trong quả tối hậu, trạng thái bổn nguyên không trụ trong những cực đoan,
Là cảnh giới Phật của Pháp thân, không thể quan niệm và không thể diễn tả.
Khi Pháp giới và Trí Huệ Bổn Nguyên đã trở nên không thể tách lìa,
Giác Ngộ Viên Mãn đạt được và Ba Thân tự nhiên thành tựu.
Trong Trí Huệ Bổn Nguyên Vi Tế ở trong cõi giới như bầu trời
Bản tánh toàn giác ở (trong trạng thái) hiện khởi.
Nó không có những thành tựu và những từ bỏ, thế nên nó là Pháp tánh thành tựu tự nhiên,
Không sanh, không diệt, bản tánh như hư không.
[b. Báo thân] : Từ trạng thái ấy xuất hiện (1) Cõi Phật thanh tịnh và trang nghiêm đẹp đẽ,
Mạn đà la tự-xuất hiện sáng rỡ và thành tựu tự nhiên,
(Cùng với) (2) những Đạo Sư của Năm Bộ(30) với đầy đủ tướng trọn hảo, ánh sáng chiếu soi,
Mỗi vị thọ hưởng bản tánh của Cõi Tối Hậu, Đại Viên Cảnh Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quan Sát Trí
Và Thành Sở Tác Trí, Năm Trí Huệ Bổn Nguyên.
(3) Với quyến thuộc đệ tử tự tri giác của mười phương và bốn thời,(31)
Những mạn đà la của những Đạo Sư Năm Bộ, nhiều như một chậu chứa đầy hột mè,
Những vị khắp không gian mười phương.
Những cửa lớn, khung cửa, cửa gió và hàng rào (của những lâu đài)
Đẹp đẽ rực rỡ phù hợp với mỗi bộ
Mọi sự đều thành tựu tự nhiên trong bản tánh của một mạn đà la duy nhất.
(4) Khắp nơi, không biên giới hay trung tâm đều thấm nhuần những giáo lý toàn thiện bình đẳng.
(5) Ba thời và thời gian không-thời-gian là thời gian của Phổ Hiền.
Nó là trạng thái vốn thành tựu xưa nay và bất biến.
[c. Hóa thân] : Từ trạng thái ấy (biểu lộ) (1) Năm loại Tịnh Độ của chư Phật Hóa Thân Tự Nhiên :
Ogmin, Ngon-ga, Rinchen Yongkang,
Pematseg và Lerabtrub,
Trong đó những Đạo Sư của Năm Bộ trong tất cả ba thời,
Phô bày Sắc Tướng Như Gương Tuyệt Hảo cho những Đệ tử trong Mười Địa.
Do những tia sáng của các Ngài, những đệ tử được tịnh hóa những che ám cho đến Địa Thứ mười,
Và có thể đạt được Địa Thứ Mười Một “Sáng Chói Hoàn Toàn”.
Những Tịnh Độ này xuất hiện cho những Đứa Con Thanh Tịnh của bậc Chiến Thắng.
Từ những tia sáng phát từ những miệng của những sắc tướng Báo thân
Trong sáu cõi thiên, bán-thiên, người, thú, quỷ đói và địa ngục
Biểu lộ những sắc tướng của (sáu vị Phật :) Gyachin, Thegzang, Sakyamuni,
Seng-ge Rabten, Khabar Deva, và
Awa Lang-go.
Các Ngài hoạt động cho lợi lạc của những chúng sanh bất tịnh, và y cứ nơi cảnh giới tối hậu bình an.
Những Hóa thân Khác Nhau như những hình thức nghệ thuật, sự sanh ra (như những chúng sanh),
Những ao, cầu, hoa sen, cây như-ý,
Dược liệu, ngọc và đèn
Cung cấp nguồn hạnh phúc và hoan hỷ cho chúng sanh và
Đem đến cái tốt tối hậu (giác ngộ) như kết quả rốt ráo.
Sau khi giải thoát hết những đệ tử, những Đạo Sư sẽ tan biến vào Pháp giới.
Điều này được hiểu theo ba phương diện :
(a.) Sự tan biến của những “Hóa thân Khác Nhau” và những “Hóa thân Chinh Phục Chúng Sanh”
Như khi không có đồ chứa nước (đệ tử), sự phản chiếu tan biến.
Sự phóng chiếu và thu hồi của trò chơi của cái Tự Nhiên (Hóa thân) chỉ là trò chơi.
(b.) Khi những người trong địa vị đệ tử đã đạt an lạc,
Đạo Sư, năm loại “Hóa thân Tự Nhiên”
Tự động tan vào Báo thân tự-biểu lộ vốn không phân cách,
Như sự tan biến của mặt trăng non vào không gian.
(c.) “Báo thân tự-biểu lộ” tan vào cõi giới Pháp thân.
Bấy giờ nó không xuất hiện bên ngoài, mà trong bản tánh nền tảng của nó, đó là mạn đà la vĩ đại.
Nó không trụ trước hay sau, tăng hay giảm, hay biến đổi ;
Như dù có khuyết có đầy bề ngoài, mặt trăng vẫn là một.
Và nếu có một đệ tử, các thân sẽ xuất hiện lại như trước.
Đây là những kết quả của Giải Thoát Viên Mãn.

[ LỜI KẾT ]

Như thế lời dạy này, tinh túy của mặt trời,
Được soi sáng bởi sự mọc lên của Ánh Sáng Rực Rỡ Không Nhiễm(32)
Ngày nay trong thời đại chiến đấu (khi người ta) bị bao bọc trong bóng tối của những tà kiến,
Để xua tan (những thứ ấy), con đường tuyệt đối này được viết ra.
Do công đức tạo luận, nguyện tất cả chúng sanh, giống như bản thân tôi,
Đồng đạt Giải Thoát trong trạng thái bổn nguyên, không còn sót lại.
Nguyện cho họ hoàn thiện trọn vẹn những phẩm tính của từ bỏ và chứng ngộ,
Và trở thành những Vị Nắm Vương Quyền Của Pháp, hoàn thành tự nhiên lợi lạc cho chúng sanh.

Lời dạy Dzogpa Chenpo (Đại Toàn Thiện) này về Tâm Giải Thoát Tự Nhiên được Yogi Trimed Dzer (Longchen Rabjam, 1308-1363) viết ra, người đã được Acarya Padmasambhava vinh quang vĩ đại của Orgyen ban phước vì lợi lạc của những thế hệ tương lai ở nơi linh thánh siêu tuyệt, Thành Trì Orgyen, và hoàn thành trên đỉnh Kangri Thodkar. Nguyện đưa đến đức hạnh !

CHÚ THÍCH PHẦN VII

  1. Kuntu Zangpo, S. Samantabhadra. Danh hiệu của Phật Bổn Nguyên : sự hợp nhất của cõi giới tối hậu và trí huệ bổn nguyên của chân lý tối hậu.
    2. Ngo-Bo, S. bhava. Bản tánh, tính chất và bản tánh của những hiện hữu. Trong bản văn chúng tôi phần nhiều dịch nó thành “tinh túy”.
    3. gDangs : Vầng sáng bên trong hay tự nhiên, sự sáng tỏ tối hậu hay vi tế, bản tánh sáng ngời ; năng lực, sự sâu thẳm tối hậu bên trong hay vi tế.
    4. Rang-bzhin, S. svabhava. Nghĩa là tính cách của những hiện hữu. Trong bản văn phần nhiều được dịch là bản tánh.
    5. gZung Drin : sự bám nắm và người bám nắm, cái được nắm bắt và người nắm bắt, tri giác hay sự nắm hiểu thuộc về chủ thể và đối tượng.
    6. Sems-Nyid, S. cittata. Nó là bản tánh tuyệt đối của tâm ; tâm tánh ; tâm-như-vậy ; thật tánh của tâm ; tánh giác bổn nhiên ; tinh túy của tâm. Trong bản văn, được dịch đơn giản là “Tâm”.
    7. sNang-Sems : những hình tướng xuất hiện và tâm, “cái được tri giác và tâm”, những hình tướng đối tượng và tri giác của chủ thể. Trong bản văn này, hầu hết được dịch là “tri giác”.
    8. Là, không là, cả hai và không phải cả hai.
    9. dBings (Ch’os Byings), S. dharmadhatu ; cõi giới, cảnh giới tối hậu.
    10. sNang (-Ba), S. avabhasa. Những hình tướng ; cái được tri giác ; những hiện tượng bề ngoài hay như huyễn, chân lý tương đối.
    11. sTong (-Nyid) S. sunyata. Tánh Không ; bản tánh chân thật ; sự rỗng rang ; chân lý tuyệt đối.
    12. Ch’os-Nyid, S. dharmata. Bản tánh tuyệt đối của những hiện hữu, Pháp tánh ; tánh Như.
    13. Bag-Ch’ags, S. vasana. Những dấu vết hay thói quen (tập khí) do những hành động và kinh nghiệm quá khứ tạo ra.
    14. Gyu-’Bras (Kyi) Theg-pa : những Thừa Nhân và Quả. Thừa Nhân là con đường chung của tu hành Phật giáo, Tiểu thừa và Đại thừa. Thừa Quả là con đường của tu hành tantra hay kim cương thừa, trong đó gồm cả ati yoga, hay Dzogpa Chenpo (Đại Toàn Thiện).
    15. De-Nyid, S. tathata ; cái như thế, như thị ; bản tánh chân thật.
    16. Yul-Drug : Sáu đối tượng của giác quan : sắc, thanh, hương, vị, xúc và những biến cố của tâm thức.
    17. sZhungs-sKu, S. rupakaya. Sắc thân của Phật, nó là Báo thân và Hóa thân.
    18. Chân lý Tuyệt đối và Chân lý Tương đối.
    19. dMigs-Med, S. nivaralamba : tính không tuân thủ, không có mục đích.
    20. Kun-gZhi, S. alaya, Hán Việt : a lại da thức.
    21. A’od-gSal, S. abhasvara, prabhasvara : sự sáng tỏ, tịnh quang, định quang minh.
    22. sKu-gNyis : hai Thân của Phật, thân tuyệt đối không có hình sắc (dharmakaya) và sắc thân (rupakaya).
    23. bZhi : trong bản văn đọc là gZhi (căn bản), nhưng theo Khyentse Rinpoche nó phải đọc là bZhi, tức là Bốn Thị Kiến của Đại Toàn Thiện.
    24. Nghĩa là chỉ có một vị của công đức trong tính cách của con người.
    25. sGo-gSum : thân, ngữ, tâm.
    26. Yul-lNga : sắc, thanh, hương, vị và xúc.
    27. Dal (-Ba) : Đời người tự do có tám phương diện : tự do thoát khỏi sự tái sanh trong những cõi địa ngục, quỷ đói, súc sanh, chư thiên sống lâu, người hoang dã, người tà kiến, trong một thế giới nơi không có Phật đã từng xuất hiện, và làm một người ngu đần.
    28. ’Byor (-Ba) : Một đời người thuận lợi có mười sự phú bẩm : sanh làm người, có đủ mọi khả năng (đủ mọi bộ phận giác quan), sanh trong một xứ sở trung tâm có liên hệ với Pháp, không trở lại một cuộc sống tà mạng, có niềm tin vào Phật pháp, có Phật đã từng xuất hiện và thuyết Pháp, Phật pháp được gìn giữ, người ta đã đi vào Phật pháp và người ta đã được chấp nhận bởi một vị thầy thiêng liêng.
    29. Thabs-Lam, S. upayamarga : sự tu hành mật truyền gồm những thân kim cương của chính mình và của những người khác.
    30. Rigs-lNga’i sTon-Pa : S. Aksohya

(A Súc), Amogasiddhi (Bất Không Thành Tựu), Ratnasambhava (Bảo Sanh), Amitabha (A Di Đà), và Vairocana (Tỳ Lô Giá Na).
31. Dus-bZhi : quá khứ, hiện tại, tương lai và thời gian-không-thời-gian.

  1. Dri-Med A’od-Zer : một trong những tên của Kunkhyen Longchen Rabjam.
  2. Những Giáo huấn Thiền định
    về Tâm Giải Thoát Tự Nhiên, Đại Toàn Thiện

Đây là một bản dịch trọn vẹn bản văn ngắn của Longchen Rabjam tựa đề Nghĩa Tinh Yếu – Những giáo huấn về những Giai Đoạn của Con Đường của Tâm Giải Thoát Tự Nhiên, Đại Toàn Thiện. Nó là một tóm gọn của Tâm Giải Thoát Tự Nhiên, sắp xếp những giáo lý thành những phần tu hành, bắt đầu từ những sơ bộ đến cấp độ cao nhất của thiền định Thregchod. Vì nó rất ngắn và cô đọng, nhiều chỗ khó hiểu. Dù nó giải thích phương tiện tu hành, thích hợp là đi vào thực hành này chỉ sau khi có đầy đủ những giáo huấn và những trao truyền riêng biệt từ một đạo sư rất thẩm quyền.

NGHĨA TINH YẾU – NHỮNG GIÁO HUẤN VỀ NHỮNG GIAI ĐOẠN CỦA CON ĐƯỜNG CỦA TÂM GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN, ĐẠI TOÀN THIỆN

Kính lễ Vajrasattva Vinh Quang,
Bản tánh Ngài từ vô thủy là vô sanh,
Không thể diễn tả, không thể quan niệm, bất nhị, Thân Tối Hậu,
Tâm Đại Bi, Phổ Hiền tự nhiên hiện tiền,
(Bậc là) sự Toàn Thiện tự nền tảng không có biến đổi : con kính lễ Ngài.
Những giáo lý cho những yogi vì sự chứng đắc của họ chắc chắn ngay trong đời này,
Những ban phước trực tiếp của các bậc Thánh,
Nghĩa tự-giải thoát của bất cứ cái gì sanh khởi mà không lấy hay bỏ,
Tôi sẽ viết ra để chỉ dạy ở đây.

Đức Phật giác ngộ viên mãn đã tuyên thuyết vô số những cổng vào của các thừa và những loại giáo lý với đại bi và phương tiện thiện xảo phù hợp với bản chất và trí năng của chúng sanh. Nghĩa của tất cả những giáo lý này bao gồm trong tánh giác bổn nhiên, tâm giác ngộ. Dù có nhiều giáo lý để thực hành về nó, có rất ít con đường (thực sự) đưa đến giải thoát trong chỉ một đời, bởi vì những con đường khác bị giới hạn trong những luyến chấp nắm bắt những cực đoan biên kiến. Giáo huấn về Tâm Giải Thoát Tự Nhiên của Đại Toàn Thiện là phương pháp bí mật nhất của sự chứng ngộ tức khắc những chấp nhận và chối bỏ là sự giải thoát ngay tại nền tảng của chúng. Giáo lý này vượt khỏi hết mọi thừa khác. Để học nó, có ba phần : (a) dòng các đạo sư, (b) giáo lý được truyền qua các vị ấy, và (c) mệnh lệnh giao phó giáo lý (cho những hộ pháp) vì sự quan trọng của nó.

Dòng những Đạo Sư

Giáo lý này được truyền qua :

  1. Samantabahadra (Phổ Hiền), Thân Tối Hậu của cảnh giới Phật không gì so sánh
    2. Amitabha (A Di Đà), Báo Thân
    3. Padmasambhava, Hóa thân
    4. Dakini Yeshey Tshogyal
    5. Guru Silamati
    6. Khedrub Geleg Gyatsho
    7. Choje Monlam Odzer
    8. Bản thân tôi (Longchen Rabjam)

Giáo lý được truyền qua các vị ấy

(i) Giáo lý thực hành để tự-giải thoát ngay trong đời này.
(a) NHỮNG SƠ BỘ

(1) HỢP NHẤT VỚI GURU ĐỂ NHẬN NHỮNG BAN PHƯỚC

Hãy ngồi trên một chỗ tiện lợi. Hãy quy y Tam Bảo và phát Bồ đề tâm. Bấy giờ hãy quán tưởng một cách tức thời : Trên đỉnh đầu là đại đạo sư Padmasambhava, không tách lìa với bổn sư của mình, ngồi trên một tọa cụ hoa sen, mặt trời và mặt trăng. Ngài mặc y phục Heruka, chói ngời với những tướng chánh và tướng phụ. Da ngài màu xanh. Ngài cầm một chày kim cương và chuông trong tay và ôm người phối ngẫu. Ngài trang sức bằng ngọc quý và xương. Trong lòng ngài là đức bà dòng họ Kharchen (tức Yeshey Tshogyal). Bà có nước da màu hơi đỏ. Bà cầm một lưỡi dao cong và một xương sọ và ôm người phối ngẫu. Hai vị được tất cả những đạo sư của dòng phái bao quanh và vô số chư Phật, Bồ tát, Daka, và Dakini. Trước các ngài, trong tâm mình : hãy lễ kính, cúng dường, sám hối tịnh hóa nghiệp xấu, tùy hỷ công đức, thỉnh cầu chư đạo sư chuyển bánh xe Pháp và cầu xin các vị ở lại không vào sự diệt tận của phiền não. Rồi cầu khẩn các ngài :

Guru quý báu ! (hiện thân của tất cả các bậc giác ngộ) Xin ban những phước lành cho con (và tất cả chúng sanh) để tịnh hóa những che chướng của thân, ngữ, tâm, của con đạt được những thành tựu của thân, ngữ, tâm (của những bậc giác ngộ) và có thể đạt đến Phật tánh ngay trong đời này.

Rồi suy nghĩ, “Ánh sáng phát ra từ thân của Guru (và của chúng hội). Chỉ do ánh sáng chạm đến mà những che chướng của thân ngữ tâm của tất cả chúng sanh được tịnh hóa và toàn thể vũ trụ được chuyển hóa vào trong bản tánh của Guru. Rồi ánh sáng phát ra từ thân, ngữ, tâm của tất cả (những đối tượng của sự sùng mộ) và đi vào đỉnh đầu mình, làm phát sanh trí huệ bổn nguyên của lạc, sáng tỏ và vô niệm, nó là sự chứng ngộ phi thường, sự tự-giải thoát tức thời.” Giữ hơi thở trong một lúc. Thực hành bằng cách kéo dài (dần dần) thiền định. Vào lúc kết thúc, hồi hướng những công đức bằng cách thấu hiểu trạng thái của sự xuất hiện như huyễn thuật. Nếu người ta tu hành như thế trong bảy ngày, những ban phước phi thường và những dấu hiệu thành tựu của Guru sẽ nhận được một cách thình lình.

(2) TU HÀNH CÚNG DƯỜNG MẠN ĐÀ LA ĐỂ HOÀN THIỆN 
HAI ĐẠI TÍCH TẬP

Hãy quán tưởng chúng hội những Guru và những mạn đà la của những hóa thần bổn tôn trong bầu trời trước mặt mình. Sắp xếp những phẩm vật cúng dường Mạn Đà La. Suy nghĩ, “Tất cả thế giới và cả Phật mười phương được tượng trưng bởi hệ thống thế giới bốn châu và làm bằng đủ loại châu báu quý giá. Chúng đầy những vật thọ hưởng khác nhau của trời và người.” Rồi cúng dường chúng cho thánh chúng với thân thể, sự sung túc và công đức của chính mình, và nghĩ rằng tất cả chúng hội đều vui lòng. Hãy tiếp tục cúng dường Mạn Đà La trong bảy ngày. Mục đích của thực hiện hai sự tích tập công đức và trí huệ bổn nguyên là phát sanh sự chứng ngộ phi thường trong tâm mình.

(3) TU HÀNH THẦN CHÚ MỘT TRĂM ÂM ĐỂ TỊNH HÓA 
HAI CHE CHƯỚNG

Từ trạng thái (thiền định) tánh không, hãy quán tưởng tức khắc Vajrasattva màu trắng và một mặt. Ngài cầm chày kim cương và chuông. Ngài trang sức hồng ngọc quý và ngồi kiết già. Ở tim ngài, giữa một hoa sen và dĩa mặt trăng là một chữ HUM bao quanh bởi thần chú một trăm âm. Những tia sáng phát ra từ những chữ khắp mọi hướng và những che ám của tất cả chúng sanh được tịnh hóa (chỉ bằng chạm vào những ánh sáng). Trì tụng thần chú một trăm âm càng nhiều càng tốt trong bảy ngày. Mục đích của sự tu hành này là tịnh hóa những che chướng của nghiệp xấu và chứng ngộ bản tánh tối hậu một cách nhanh chóng.

(4) THỰC HÀNH VỀ VÔ THƯỜNG CỦA ĐỜI SỐNG ĐỂ ĐÍCH THỰC PHÁT SANH SƯ VƯỢT LÊN KHỎI SANH TỬ VA CHÁN SỢ NÓ

Hãy suy nghĩ, “Đời người có được những tự do và thuận lợi quý giá, nhưng bản chất của nó hẳn là vô thường và nhanh chóng hủy hoại. Những đối tượng xuất hiện bên ngoài là vô thường bởi vì chúng thay đổi với ngày, tháng, năm. Không có chúng sanh nào vượt khỏi cái chết.” Nghĩ về “cái chết xảy ra cho bà con và bạn bè của mình.” Hãy nghĩ về “sự chắc chắn của cái chết của chính mình vì cuộc sống là vô thường. Thân thể người ta đang tan rã và phân tán như một bong bóng nước đang vỡ, và không có gì chắc chắn là người ta không chết trong hôm nay.” Hãy nghĩ, “Hôm nay là ngày chót của ta ở trong thế giới này, bốn đại đang tan biến và tâm và thân đang tách rời.” Hãy thiền định về điều này từ tận đáy lòng trong bảy ngày. Mục tiêu của thiền định này là để khởi điểm (tỉnh giác về) vô thường trong tâm mình, giảm bớt những dự phóng của ý thức, và khiến người ta có thể đi vào và nỗ lực tu hành pháp.

(5) SỰ THỰC HÀNH QUY Y, NÓ KHỞI ĐẦU CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hãy quán tưởng Tam Bảo trong bầu trời trước mặt mình, như chư Phật của ba thời mười phương với chư Bồ Tát, những Mạn Đà La của những Hóa thần bổn tôn và những A La Hán và Bích Chi Phật. Với ý định nương dựa các ngài như những chỗ quy y cho đến khi người ta đạt đến giác ngộ, hãy tụng đọc những lời cầu nguyện quy y Guru và Thánh chúng. Khi làm thế, hãy nghĩ, “Khi các bậc cha mẹ thương yêu và tốt lòng với con cái của họ, những bậc để quy y đang nhìn chúng sanh với lòng bi mẫn.” Đọc những lời cầu nguyện quy y từ đáy lòng mình, nghĩ rằng, “Tất cả chúng sanh đang lập lại vang to lời quy y với tôi.” Hãy hiến mình cho sự thực hành này trong bảy ngày. Mục tiêu là để làm bình lặng những ngăn chướng của việc tu hành Pháp và khai triển chứng ngộ.

(6) SỰ THỰC HÀNH KHAI TRIỂN BỒ ĐỀ TÂM,

NÓ LÀ SỰ TIẾN LÊN TRÊN CON ĐƯỜNG CỦA PHÁP

Hãy nghĩ đến những khổ đau của địa ngục nóng và lạnh, sự đói khát của cõi ngạ quỷ, sự nô dịch của cõi thú, sự chiến đấu của cõi Atula và cái chết rồi rớt xuống của cõi trời v.v…. ở trước mặt mình. Như thế, chúng sanh khổ đau trong mọi lúc, và bản chất của sanh tử không gì khác hơn là khổ đau. Thế nên hãy nghĩ, “Nguyện cho tất cả chúng sanh, họ đang tả tơi trong những đau khổ của sanh tử, nhờ những công đức, thân thể và sự sung túc của tôi…. được ở trong bốn kinh nghiệm vô lượng hưởng thụ hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau (không lìa khỏi hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau, và thản nhiên) không có thương ghét. Rốt ráo, nguyện họ đạt được trạng thái Phật tánh.” Khai triển Bồ đề tâm bằng lời nói với một lễ nghi đơn giản và tụng đọc :

Ôi các bậc giải thoát, với các đứa con của các ngài, xin hãy chú ý đến con.
Như chư Phật ba thời
Khai phát tâm Bồ đề,
Cũng thế vì lợi lạc của chúng sanh,
Con phát tâm Bồ đề trong chính thân tâm của con.
Trong những con đường của các ngài đã chỉ dạy (trong kinh điển),
Con tu hành thích hợp theo trình tự.
Nguyện con có thể hủy diệt những khổ đau của chúng sanh,
Và bất cứ điều gì con làm, nguyện nó làm cho lợi lạc của những người khác được đáp ứng.

Cũng thiền định về sự tu hành mang lấy những khổ đau của những người khác vào chính mình và đem hạnh phúc của chính mình cho họ. Hãy thiền định về lòng bi sâu sắc trong bảy ngày. Mục tiêu của nó là bất cứ cái gì người ta làm bằng thân xác hay lời nói đều chỉ vì lợi lạc của những người khác, và nhờ đó trở thành sự tu hành trong con đường Đại thừa.

(7) TU HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG THIẾT YẾU CỦA NGHĨA XÁC ĐỊNH ĐỂ PHÁT SANH SỰ CHỨNG NGỘ BẢN TÁNH TỐI HẬU

(a) TÌM KIẾM AN ĐỊNH

Hãy ngồi trong thế tréo chân. Tham thiền trong trạng thái mà trong đó những tư tưởng quá khứ đã dứt, những tư tưởng tương lai chưa sanh, và đối với hiện tại không có những ý niệm hóa trong bất kỳ giác quan nào. Tham thiền về cái này trong bảy ngày. Mục tiêu là trừ những tư tưởng xấu bình thường, những che chướng, và làm cho dễ nhận ra hơn bất cứ tư tưởng ngoại sanh nào khởi lên bằng cách phân biệt những phương diện của sáng tỏ và những bất tịnh trong tánh giác bổn nhiên.

(b) PHÁT SANH QUÁN CHIẾU

Vào lúc những tư tưởng đang phóng chiếu thô hơn trước, người ta cần phân tích chúng. Khi những tư tưởng phân tán, hãy tìm chúng khởi lên ở đâu. Hãy tìm kiếm thân thể từ đỉnh tới đáy và những hiện tượng bên trong, bên ngoài và ở giữa. Hãy tìm kiếm màu sắc, hình dạng, và bản sắc của những tư tưởng. Vì chúng không khởi sanh từ đâu, người ta chứng ngộ trạng thái của Tâm không sanh, giải thoát khỏi những gốc rễ. Khi một tư tưởng đang hiện diện, hãy phân tích màu sắc, hình dạng và bản sắc của nó là cái gì và nó ở trong, ở ngoài hay ở giữa. Người ta sẽ chứng ngộ sự sáng tỏ vĩ đại, không dứt và tánh Không của Tâm, sự hiện diện vĩ đại ở nền tảng. Những tư tưởng thình lình khởi lên và rồi biến mất đi đâu không dấu vết. Vào lúc dừng dứt (của những tư tưởng), bằng cách phân tích chúng đi đâu, người ta sẽ chứng ngộ nghĩa của tánh giác bổn nhiên, sự giải thoát trong trạng thái của bản thân nó, không có chút dấu vết gì, siêu vượt mọi nhận biết.

(c) NHẬN BIẾT HỢP NHẤT 
(CỦA AN ĐỊNH VÀ QUÁN CHIẾU)

Đã buông xả thân tâm một cách tự nhiên, hãy ở trong sự bình đẳng, bình an, sáng tỏ và tỉnh biết, trong trạng thái của tâm siêu vượt khỏi những tư tưởng và nhớ nghĩ. (Kết quả là), phương diện làm bình lặng chuyển động của những tư tưởng và nhớ nghĩ là “an định” và thấy nó rõ ràng và sống động là “quán chiếu”. Kinh nghiệm cả hai phương diện một cách đồng thời là “hợp nhất”. Mục tiêu của sự tu hành này là nhận biết định với phương tiện thiện xảo. Hãy tham thiền trong một ngày về mỗi thứ.

(ii) Con dường hiện thực, đưa vào sự chứng ngộ. Hãy để tâm và thân trong trạng thái buông xả hoàn toàn. Sự nhận biết xảy ra ngay điểm của tâm hiện diện khoảnh khắc. Tất cả thế giới và chúng sanh bên ngoài và bên trong là những cách thức sanh khởi của tâm của chính mình. Chúng như những giấc mộng. Bản thân cái tâm cũng trống không trong tinh túy của nó, sáng tỏ trong bản tánh của nó và sanh khởi sai khác trong tính cách của nó, như những xuất hiện của những hình sắc trong một tấm gương không dơ bẩn. Chúng tự do đối với mọi tạo tác thành những cực đoan có hiện hữu và không hiện hữu khi chúng xuất hiện, nhưng đồng thời chúng cũng tự do với sự có thể nhận biết. Thế có nghĩa là không có một bản tánh tối hậu nào khác tách biệt khỏi tâm hiện tại đang phóng chiếu trong nhiều hình thức khác nhau.

Đại Đạo Sư (Padmasambhava) nói :

Nếu người ta hiểu rằng tâm đích thật là bản tánh tối hậu,
Bấy giờ không có cảnh giới tối hậu nào khác để thiền định về nó.
(Chỉ) biết những phương pháp để chứng ngộ và giải thoát là đủ,
Vì tâm đích thực là Pháp thân (Thân Tối Hậu.)
Con đường toàn hảo này là độc nhất cao hơn (những con đường khác)
Đây là : Thừa phổ quát toàn khắp của Phổ Hiền.
Bất cứ ai thực hiện cái gọi là từ bỏ những tư tưởng, thiền định về không tư tưởng,
Và nhìn vũ trụ như những kẻ thù của sự giải thoát và như mê lầm, sẽ rơi (vào những cực đoan).

Thế nên hãy buông xả tự nhiên trong chính tâm hiện tại mà không có những cố gắng và đặt tên nào khởi sanh, hãy tham thiền trong nó (tâm hiện tại) bằng cách buông xả bình thường, như tâm vốn là, và trần trụi không có những lấy-bỏ. Ở trong tinh túy nó là sự giải thoát ngay trên sự thấy ; trong bản tánh nó giải thoát ngay trên sự thấu hiểu ; và trong tính cách nó là tự-giải thoát, đó là trạng thái tự nhiên của tâm. Bất cứ cái gì sanh khởi (trong tâm), hãy đối xử với nó mà không quá chú ý, bấy giờ tâm ở yên trong sự tự nhiên của tánh giác bổn nhiên và sự tự trọn vẹn hiện thành một cách tự nhiên. Vào lúc đó, không có ảnh hưởng của vướng mắc vào lấy hay bỏ, hãy an trụ trong trạng thái của tánh giác bổn nhiên bất biến, trí huệ bổn nguyên giải thoát tức thời, là sự hợp nhất của lạc, sáng tỏ và vô niệm. Khi không nắm bắt tâm hiện tại với những khẳng định “cái này là cái này”, bản thân tỉnh giác nội tại trở thành tự-giải thoát, và đồng thời nó tan biến. Khi tỉnh giác nội tại tan biến, hãy ở yên trong trạng thái không có những đặt tên gán ghép và những ô nhiễm cho đến khi sự tỉnh giác nội tại kế tiếp khởi sanh. Khi nó khởi sanh trở lại chớ có kéo dài sự tỉnh giác nội tại vô tri mà hãy ở yên trong nó một cách tự do, hộ trì nó một cách rỗng rang, và để cho nó vận hành mà không bám níu vào nó. Giống như lấy những vật từ một bình không đáy, hãy gặt hái kinh nghiệm trong cái tỉnh giác nội tại, nó là trong suốt, tức thời, tự-giải thoát, không ngăn ngại và không có tiêu điểm đối tượng nào của cái “cái này là cái này”. Tóm tắt, khi cái thấy và thiền định của sự giải thoát-ngay khi-khởi sanh xảy ra (theo cách) tự-khởi sanh và vỡ toang từ chiều sâu, cả hai thứ đối tượng để đoạn trừ và những đối trị được giải thoát qua sự tự-tan biến. Bấy giờ, vì tất cả hiện tượng hiện hữu khởi lên như là bản tánh tối hậu, sự thiền định không có cách hở, ngừng nghỉ. Khi tánh giác bổn nhiên và tánh không tự-giải thoát không có nắm bắt, những nhiễm ô được tịnh hóa như là trí huệ bổn nguyên. Khi những đức hạnh hiện diện như là sự toàn thiện tự nhiên, người ta siêu vượt những cố gắng và những thành tựu. Khi tất cả khởi lên như là bản tánh, nó là sự chứng đắc bản tánh tối hậu, thanh tịnh khỏi mọi lỗi lầm và che chướng. Bởi thế, tất cả những tư tưởng và nhớ nghĩ bình thường hiện tại là trạng thái tự tánh của Thân Tối Hậu. Đại Đạo Sư (Padmasambhava) nói :

Trong tâm thoát khỏi những ý niệm :
Hãy ở yên trong tánh bình đẳng không có thiền định.
Dù (con) thiền định, hãy ở yên tự nhiên không có bác bỏ.
Hãy ở yên trong cái khoảnh khắc không có dao động,
Dù (con) dao động, hãy ở yên tự do không bác bỏ.
Hãy ở yên trong đình chỉ, không có quan sát.
Dù (con) quan sát, hãy ở yên trống trơn không có bác bỏ.
Hãy ở yên trong bản năng nguyên sơ, không có phóng chiếu.
Dù (con) phóng chiếu, hãy ở yên “tại đây” không có bác bỏ.
Hãy ở yên trong rạch ròi không có rút lui.
Dù (con) rút lui, hãy ở yên rõ ràng trong sáng không có bác bỏ.
Hãy ở yên trong rỗng rang không có những nỗ lực.
Dù (con) nỗ lực, hãy ở yên kềm giữ không có bác bỏ.
Hãy ở yên trong sáng sủa không có những sửa sang chỉnh trị.
Dù (con) sửa sang chỉnh trị, hãy ở yên một cách thanh tịnh không có bác bỏ.
Hãy ở yên trong không cố gắng không có chỗ được.
Dù (con) được, hãy ở yên tự nhiên không có bác bỏ.
Hãy ở yên trong tánh tự nhiên không có từ chối.
Dù (con) từ chối, hãy ở yên cái không sanh mà không có bác bỏ.
Hãy ở yên trong cảnh giác không có giới hạn.
Dù (con) bị giới hạn, hãy ở yên tự nhiên không có bác bỏ
Hãy ở yên trong buông xả không có những cố gắng.
Dù (con) cố gắng, hãy ở yên tự nhiên không có bác bỏ,
Hãy ở yên trong không có-căn cứ mà không có tham thiền.
Dù (con) tham thiền, hãy ở yên tự nhiên không có bác bỏ.

Tâm hiện tại được giải phóng tự do vào trạng thái của tánh tự nhiên, sự toàn thiện tự nhiên không sửa sang chỉnh trị của bất cứ cái gì sanh khởi, không có sự bám luyến đối với những hiện tượng bên ngoài và bên trong. (Trong tâm hiện tại), vì không có những tư tưởng từ chối hay chấp nhận, trạng thái của bất nhị của tâm tồn tại không dừng dứt. Vì không có những tư tưởng thô, tâm lang thang hoang dã được giải thoát khỏi những tư tưởng của cõi dục. Vì những tư tưởng phóng chiếu sanh khởi trong tánh tự nhiên, tâm siêu vượt khỏi mọi trệch hướng về những cõi sắc và vô sắc. Không có sự nắm bắt như là “cái này”, an định được thành tựu tự nhiên. Vì tánh tự nhiên (của tâm) hiện khởi một cách tự phát, quán chiếu được thành tựu tự nhiên. Vì không có phóng chiếu và trụ định tách lìa, sự hợp nhất của chúng được thành tựu tự nhiên. Vì nó được giải thoát trong bản thân trạng thái tức thời khoảnh khắc (hay một cách tức thời trong trạng thái của chính nó), trí huệ được thành tựu một cách tự nhiên. Vì không có trụ, định được thành tựu một cách tự nhiên. Vì không có sự nắm hiểu cái giải thoát-ngay trên-sanh khởi, trí huệ bổn nguyên được thành tựu một cách tự nhiên. Vì mọi lỗi lầm đều hiện diện qua việc nắm bắt, chúng được giải thoát trong tự do khỏi sự nắm bắt và những chướng ngại. Vì tất cả đức hạnh khởi lên trong trí huệ tánh giác, chúng tiến bộ không ngừng. Đó là tâm được hoàn thiện trong tánh tự nhiên của chính nó, và đó là sự đạt được thành tựu tối thượng về Đại Ấn (Mahamudra), ngay trong đời này.

Hãy ở yên trong tánh giác không do tạo tác, tự nhiên và không ngăn ngại,
Trạng thái của bất cứ cái gì sanh khởi, qua cái tự-sanh khởi vĩ đại (sự chứng ngộ)
Vị vua không có chỗ nương dựa toại nguyện với sự không có những nắm bắt.
Và đạt được Thân Tối Hậu vô sanh, trạng thái thường trụ.

(iii) Kết luận.

(a) NHỮNG THỰC TẬP THIỀN ĐỊNH

Trong những thời kỳ xuất thiền định – lúc tu hành tham thiền thực sự, tánh tự nhiên của tâm hiện tại của bất cứ cái gì sanh khởi – hãy tu hành một cách rõ ràng sức mạnh của những thực tập (thấy rằng) tất cả những hình tướng bên ngoài và tỉnh giác bên trong, cũng như những kinh nghiệm tu tập, đều không hiện hữu ngay từ điểm sanh khởi của chúng, như một giấc mộng, huyễn thuật, ảo ảnh, mặt trăng trong nước, và sự xuất hiện không thực. Những thực tập này giải thoát sự luyến bám vào mọi hiện hữu cho là thật có. Dù trong giấc ngủ, người ta an trụ trong Pháp thân, sự dứt bặt mọi nắm bắt, tìm hiểu.

(b) XUA TAN NHỮNG CHE ÁM, NHƯ LÀ BỆNH TẬT VÀ 
NHỮNG TÁC ĐỘNG GÂY HẠI

Bệnh tật và những tác động gây hại là những biểu lộ của những tư tưởng, nếu được khảo sát, chắc chắn rằng chúng không hiện hữu ở đâu cả, bên ngoài, bên trong hay chặng giữa. Thế nên với một thái độ vui vẻ bởi vì nhờ (cơ hội) chuyển những chướng ngại che ám thành phương tiện thực hành trên con đường của cái không sanh, hãy thiền định (bằng cách suy nghĩ và quán tưởng) : về sự xuyên thấu vào và làm nhẹ những đau đớn của bệnh, và về sức mạnh của những thực tập lòng bi và của sự thấu hiểu sự không hiện hữu trong chính thật tánh của những chướng ngại gây hại. Chắc chắn sẽ làm bình lặng chúng.

(c) TIẾN BỘ TRONG NHỮNG THỰC TẬP

Nếu sự tu hành đức hạnh trở nên chậm chạp, hay nếu không có tiến bộ, hãy mạnh mẽ cầu nguyện đến Guru, phát sinh sự vượt lên khỏi và ghê sợ (sanh tử) trong tâm, hãy tích tập công đức bằng những lễ tiệc cúng dường (Tshog) và thiền định về từ, bi và Bồ đề tâm. Hãy đi đến một nơi hoàn toàn hoang vắng như một nghĩa địa, một thung lũng, hay những đỉnh núi. Hãy quán tưởng Guru trên đỉnh đầu, và chạy, nhảy (vòng quanh một cách tự nhiên), kêu to những lời nói (bất cứ lời nào xảy đến), và phóng chiếu trong tâm thức những kinh nghiệm sướng khổ và lấy bỏ. Rồi kết hợp những kinh nghiệm ấy một cách tự nhiên với sự tự-giải thoát tức thời. Tu hành như thế nhiều ngày làm sản sinh ra nhiều chứng ngộ phi thường khác nhau. Đây là những điểm rất cốt yếu của sự tu hành.

Một hành giả đã có được những kinh nghiệm như vậy đạt được xác tín tự tin không sợ chết và giải thoát người nắm bắt và cái được nắm bắt trong trạng thái tự nhiên của chúng. Nó chứng ngộ một cách trực tiếp những thành tựu chung và không chung ngay trong đời này. Đây là một cô đọng ngắn vì giải thích sự tu hành này trong chi tiết thì không cùng. Những giáo lý cho sự đạt giải thoát ngay trong đời này đã trọn vẹn.

Chỉ dạy về Sáng Tỏ, Căn cứ Sanh Khởi của Trạng Thái Trung Ấm

Nhờ những kinh nghiệm trong những điểm cốt yếu về giải thoát tức thời của sanh và chết (qua thiền định) trong quá khứ, cũng như vào lúc trạng thái giấc mộng trung ấm (rMi-Lam Bar-do), trạng thái tự nhiên của giải thoát bổn nguyên, vốn thoát khỏi những nắm bắt, hiện khởi. Vào lúc chết, do làm tan biến (hay chuyển di sự tập chú của năng lực của) đất (nguyên tố của thân) vào nước, thiền giả mất đi năng lực thể xác, do làm tan biến nước vào trong lửa, thủy đại khô đi, bằng cách làm tan biến lửa vào trong không khí, hơi nóng rút khỏi những chu vi bên ngoài, và bằng cách làm tan biến không khí vào trong thức, thiền giả ngừng thở. Bằng cách làm tan biến (hay chuyển di sự tập chú năng lực của) hình sắc vào trong âm thanh, nó sẽ không thấy những hình sắc bằng mắt mình, bằng cách làm tan biến âm thanh vào hương nó sẽ không nghe âm thanh nào nữa, bằng cách làm tan biến hương vào vị nó sẽ không cảm thấy hương với mũi, bằng cách làm tan biến vị vào trong xúc nó sẽ không cảm thấy vị với lưỡi, bằng cách làm tan biến xúc vào những hiện tượng nó sẽ không cảm thấy xúc chạm, và bằng cách làm tan biến những hiện tượng vào tâm thì những tư tưởng thô chủ thể và đối tượng ngừng dứt. Điều này tương tự với trở nên vô ý thức. Đó là sự hòa tan của tám thức vào nền tảng phổ quát. Ngay vào thời điểm tham thiền trong định, người ta giải thoát mình như là những thành phần của năm gia đình (bộ) Phật và đạt đến trạng thái bổn nguyên. Nó là trạng thái có đầy đủ năm gia đình Phật và sự toàn thiện.

Ngay vào lúc tham thiền một cách tự nhiên và không có điểm tựa vào ánh sáng xanh như là Trí Huệ Bổn Nguyên của cảnh giới Tối Hậu, người ấy giải thoát tự-tỉnh giác của nó như là thân của Phật Vairocana (Tỳ Lô Giá Na). Cũng thế, sự tham thiền về ánh sáng trắng như là Trí Huệ Bổn Nguyên Giống Như Tấm Gương giải thoát nó như là Aksobhya (A Súc), ánh sáng vàng như là Trí Huệ Bổn Nguyên Bình Đẳng giải thoát nó như là Ratmasambhava (Bảo Sanh), ánh sáng đỏ như là Trí Huệ Bổn Nguyên Phân Biệt giải thoát nó như là Amitabha (A Di Đà), và ánh sáng lục như là Trí Huệ Bổn Nguyên của sự Thành Tựu giải thoát nó như là Phật Amoghasddhi (Bất Không Thành Tựu). Rồi qua thân biểu lộ người ấy phụng sự chúng sanh. Đây là sự đạt được giác ngộ hoàn toàn tại nền tảng bổn nguyên. Đây là (phương pháp của) sự giải thoát tức thời bằng cách hợp nhất (trí huệ bổn nguyên) với sự sáng tỏ (hiểu là tịnh quang – bản dịch Việt) của trạng thái trung ấm khi nhận biết trí huệ bổn nguyên của lạc, sáng tỏ và vô niệm tự nhiên hiện diện và không phải tìm kiếm, nó tự nhiên khởi lên và tự nhiên được nhận biết khi người ta đã có những kinh nghiệm trong điểm cốt yếu tự-giải thoát tức thời này trong quá khứ. Vì tinh túy của tánh giác bổn nhiên là Tánh Không, nó không trụ ở đâu cả. Vì bản tánh của tánh giác bổn nhiên là sáng tỏ, căn cứ khởi lên là không ngừng. Vì tính cách của tánh giác bổn nhiên là sai khác, nó hiện diện trong trạng thái tất cả-đồng khởi, tự do khỏi những phân biệt. Những cái này (được gọi là) ba tính chất phú bẩm (của tánh giác bổn nhiên). Bấy giờ bốn thị kiến riêng biệt của sự tan biến của bốn đại xuất hiện và chúng là bốn tính chất phú bẩm. Bấy giờ người ta đã đạt giải thoát như năm thân (của năm gia đình Phật) bằng cách chứng ngộ sự sáng tỏ như là những trí huệ bổn nguyên. Chúng là năm tính chất phú bẩm (của tánh giác bổn nhiên). Bấy giờ người ta làm lợi lạc cho chúng sanh qua những biểu lộ. Nó là sự phú bẩm của hoàn thiện toàn triệt. Bấy giờ bằng cách làm tan biến Báo Thân vào Thân Tối Hậu và bảo đảm trạng thái bất biến của bản tánh tối hậu, người ta ở trong sự hoàn thiện đại bình đẳng. Nó là sự phú bẩm của đại hoàn thiện toàn triệt. Đó là giáo huấn về sự giải thoát trong trạng thái trung ấm cho những hành giả (trí năng) bình thường.

Những Giáo Huấn Phụ Thêm về sự Tiếp Tục Tiến Trình Nghiệp trong Trạng Thái Trung Ấm của Hiện Hữu (Srid-Pa Bardo)

Nếu người ta không thể nhận ra hay duy trì sự sáng tỏ vào lúc chết, bấy giờ người ta sẽ lấy một thân (vi tế hay) thân bằng thức, thân ấy xuất hiện trong nửa đầu của thời kỳ đời sống trong trạng thái trung ấm trong hình dạng của lần sanh trước và nửa sau trong hình dạng của lần sanh tới. Thân này có đủ mọi khả năng giác quan, và nó đi đến bất kỳ nơi đâu (trong sanh tử) bằng ý nghĩ do bởi nghiệp lực của nó. Người có thân đó đi qua không ngăn ngại tất cả mọi sự vật chỉ trừ bụng người mẹ của nó và tòa Kim Cương (Trạng Thái Giác Ngộ). Nó trải qua nhiều kinh nghiệm hạnh phúc và khổ đau như những hình tướng xuất hiện trong một giấc mộng. Sự kéo dài của sự việc này là không xác định. Một số người tái

sanh nhanh hơn trong khi những người khác phải ở trong 49 ngày. Khi họ biết rằng họ đã chết, họ kinh nghiệm sự buồn rầu. Vào thời gian đó, nếu họ nhớ lại những giáo huấn đã nhận được trước kia và tu hành sự không nắm bắt vĩ đại những hình tướng và tâm, và nếu họ cầu nguyện Guru, bấy giờ có những người tu hành trong số họ đạt được giải thoát. Trong tình hình này, cũng rất quan trọng là tâm cần nhớ nghĩ đến các cõi tịnh độ, thấu hiểu rằng những tri giác trong trạng thái trung ấm là không thật, và nhớ lại sự sùng mộ và kính ngưỡng (với các bậc giác ngộ). Có nói (trong kinh điển) rằng những người tu hành như vậy sẽ tái sanh trong những cõi tịnh độ và đạt giác ngộ ở đó.

Cách tốt nhất (tu hành chuyển trạng thái trung ấm thành phương tiện cho những chứng đắc cao hơn) là sự thấu hiểu rằng những hiện tượng là không thực sự hiện hữu. Cách tốt thứ hai là tri giác những hình tướng như là giai đoạn phát triển, giai đoạn thành tựu, và những tịnh độ giống như một huyễn thuật. Cách tốt ít nhất là tu hành niêm kín những cánh cổng của những tử cung của các cõi thấp. Để đóng kín những cánh cửa của tái sanh người ta cần nhận biết những hình ảnh tượng trưng của chúng. Cánh cửa tái sanh của cõi thiên xuất hiện như một khu vườn hay một lâu đài, của cõi bán thiên như một bánh xe ánh sáng, của cõi người như một cái nhà, hoặc là một nhà để vui chơi hay đầy người, của cõi thú như một cái hang hay một túp lều, của cõi quỷ đói như một khe núi khô, một cái hang hay một chỗ dơ bẩn, và của cõi địa ngục như bóng tối và một cơn mưa giông và v.v…. Vào lúc đó, chớ bị hấp dẫn bởi bất kỳ cánh cửa tái sanh nào như vậy. Hãy tri giác một cánh cửa tái sanh đặc biệt, hoặc của cõi trời hay cõi người, như là một lâu đài cõi trời và trong đó quán tưởng một chữ “HUM” rồi đưa thức đi vào chữ. Nghĩ rằng “Ta sẽ gặp Pháp và đạt thành tựu tối thượng trong đời tới”, hãy quán tưởng mình là vị thần bổn tôn. Bằng phương pháp này người ta tái sanh trong một đời sống quý báu của con người hay của chư thiên, có những phẩm tính tự do và thuận lợi, người ta gặp những bạn thánh hạnh, như là những vị thầy tâm linh và đạt sự thành tựu tối thượng trong đời đó. Giáo huấn về trạng thái trung ấm đã trọn vẹn.

Những Giáo huấn về Kết Quả, sự Toàn Thiện

Dù người ta đạt giải thoát trong đời này, trong trạng thái trung ấm hay trong đời tới, kết quả nhất định là Phật quả không gì sánh. Bằng cách làm cho tâm mình trở nên hoàn toàn thanh tịnh bởi được tự giải thoát, và bằng cách chứng ngộ nghĩa của sự sáng tỏ (tịnh quang) một cách trực tiếp, người ta sẽ bảo đảm sự an trụ trong trạng thái của Thân Tối Hậu vô nhiễm. Vào lúc đó, như mặt trời và mặt trăng mọc lên trong bầu trời, từ trong trạng thái của Thân Tối Hậu Báo thân xuất hiện cùng với năm điều chắc thực và phụng sự chúng sanh ở trong mười địa. Qua nhiều hình thức khác nhau của Hóa thân, người ta hoàn thành những lợi lạc của nhiều chúng sanh một cách tự nhiên. Đặc biệt, (a) nếu người ta chứng ngộ những tự-xuất hiện của trạng thái trung ấm là sự sáng tỏ của nền tảng, người ta bảo đảm trạng thái của Thân Tối Hậu. Bấy giờ, từ trạng thái đó, những lợi lạc cho chúng sanh xảy ra qua những Báo thân và những Hóa thân. (b) Nếu người ta chứng ngộ những tự-xuất hiện như là những xuất hiện của trí huệ bổn nguyên có năm khía cạnh, người ta bảo đảm trạng thái của Báo thân và đáp ứng lợi ích của chúng sanh bằng những Hóa thân. Và rồi những Hóa thân tan biến vào trong những Báo thân, chúng lại tan biến vào trong Thân Tối Hậu, và ở đó người ta ở trong nền tảng bổn nguyên. Rồi lại từ trạng thái bổn nguyên này, người ta phụng sự chúng sanh qua những xuất hiện của hai Sắc thân. (c) Nếu người ta chứng ngộ tự-xuất hiện như là những thân thanh tịnh và cõi Phật thanh tịnh của những Hóa thân, người ta bảo đảm trạng thái của Hóa thân và những xuất hiện của những Báo thân và Hóa thân tan biến vào trong Thân Tối Hậu, và từ nó người ta hoàn thành những lợi lạc của chúng sanh (qua hai sắc thân).

Trong chính tỉnh giác bổn nhiên hiện tại này, cả sanh tử và niết bàn được thành tựu. Thế nên, nếu người ta không thể chứng ngộ nó, nhiều loại hạnh phúc và đau khổ khác nhau khởi sanh trong những hình tướng xuất hiện như mộng của sanh tử trong giấc ngủ vô minh, và người ta lang thang trong ba cõi và sáu loại chúng sanh. Nếu người ta có được những kinh nghiệm của chứng ngộ, thì những thị kiến của niết bàn như mộng xuất hiện như những cõi tịnh độ khác nhau của Báo thân và họ phụng sự chúng sanh trong những giấc mộng. Bất cứ màu sắc nào xuất hiện, ngay khoảnh khắc xuất hiện của chúng, (bằng cách nhận biết rằng chúng) không hiện hữu trong thực tế, chúng biến mất như những giấc mộng biến mất khi người ta tỉnh dậy và rồi chúng trở thành một vị trong Thân Tối Hậu, thoát khỏi mọi tạo tác, như những hình tướng xuất hiện của ban ngày.

Thế nên, nếu người ta không chứng ngộ tánh Không, tinh túy của tỉnh giác bổn nguyên hiện tiền, bấy giờ vì vô minh, người ta trở nên mê lầm vào tâm và cõi vô sắc. Những cái này thuộc về bản tánh vô niệm. (Cũng thế, nếu người ta không chứng ngộ) sự sáng tỏ (quang minh), bản tánh (của tỉnh giác bổn nhiên hiện tiền), bấy giờ bởi vì sân giận người ta trở nên mê lầm vào trong ngữ và cõi sắc. Những cái này thuộc về bản tánh sáng tỏ. Nếu người ta không chứng ngộ những đặc thù đa dạng, tính cách (của tỉnh giác bổn nhiên hiện tiền), bởi vì tham người ta trở nên mê lầm vào thân thể và cõi dục. Những cái này thuộc về bản tánh lạc.

Kết quả là, từ những hành động bất thiện người ta sẽ chịu khổ trong những cõi địa ngục, từ những hành động thiện nhiễm ô không liên hệ với những tham thiền (người ta sẽ chịu khổ) trong sự lưu lạc của người và chư thiên, từ sự sáng tỏ của tham thiền người ta sẽ chịu khổ trong những cõi sắc và từ việc ở yên trong những tham thiền vững chắc (người ta sẽ chịu khổ) trong cõi vô sắc.

Khi người ta thấy và chứng ngộ tánh giác hiện tiền, bấy giờ tinh túy tánh Không của nó là Thân Tối Hậu thoát khỏi những tạo tác, bản tánh sáng tỏ của nó là Báo thân với năm điều chắc thật và tính cách của nó, xuất hiện trong nhiều hình thức khác nhau, là Hóa thân xuất hiện một cách thích ứng để thành tựu lợi lạc của chúng sanh một cách tự nhiên. Thân Tối Hậu là sự tự do khỏi mọi tạo tác, như hư không, và từ trạng thái đó xuất hiện “cõi Phật không gì sánh” của Báo thân, với những đạo sư của chư Phật An Bình và Hung Nộ của Báo thân trang nghiêm bằng những tướng chánh và tướng phụ. Những vị đạo sư ấy làm hài lòng vô tận chư Phật tự-xuất hiện và chư Bồ tát thập địa với những giáo lý Đại thừa cho đến khi sanh tử trống trơn. Từ trạng thái ấy (Báo thân), qua vô số Hóa thân của thân, ngữ, tâm bất tận với (hai) trí huệ thấu biết chân lý tuyệt đối và những đa thù quy ước, người ta thực hiện những hành động giác ngộ cho chúng sanh trong tất cả sáu loại khắp mười phương, phù hợp với những tri giác khác biệt của họ. Đây là lòng đại bi của vô lượng hành động giác ngộ.

Trong phương diện của biểu lộ trí huệ bổn nguyên của chư Phật có hai phạm trù : năm cái vĩ đại của Báo thân, chúng là tinh túy xuất hiện bên trong ; và hai cái vĩ đại của Hóa thân, chúng là những hình thức xuất hiện bên ngoài. Năm trí huệ bổn nguyên bên trong là : những trí huệ bổn nguyên của cảnh giới tối hậu, như tấm gương, bình đẳng, phân biệt và thành tựu. Hai trí huệ bổn nguyên bên ngoài là : trí huệ bổn nguyên biết mọi chi tiết của những hiện tượng quy ước một cách riêng biệt không lầm lẫn chúng, và trí huệ bổn nguyên biết bản tánh tối hậu một vị như nó là. Sự giải thích những giai đoạn hiện khởi của kết quả, sự hoàn thiện của con đường, đã trọn vẹn.

Con đường tuyệt hảo và cỗ xe vĩ đại của chúng sanh phước đức :
Trí Huệ Bổn Nguyên vốn sẵn đủ bất nhị tự giải thoát
Là tâm tự-giải thoát, hiện tại khoảnh khắc.
Nó giải thoát đồng thời ngay-khi-khởi sanh và giải thoát tự nhiên không trước hơn hay sau hơn.
Nó không ô nhiễm do bị nắm bắt và không dơ bẩn bởi người nắm bắt.
Nó là sự khởi sanh của tất cả những nhiễm ô phiền não như là chính trí huệ bổn nguyên.
Vì (giáo lý này) được trao truyền cho tôi nhờ hồng ân của Guru,
Cho những người học đạo tương lai, tôi đã gom chúng lại như những giáo huấn viết ra.
Người muốn giải thoát khỏi cuộc sanh tử này cần nương dựa vào đây.
Bất luận thế nào, người nào tạo ra từ chối và chấp nhận
Không có cơ hội tốt cho những giáo lý bất nhị,
Trên con đường này, vì tất cả kinh nghiệm chính là trí huệ đích thật,
Người ta đạt được trạng thái vĩnh cửu của Thân Tối Hậu, cái toàn thiện tại ngay nền tảng.
Hỡi các bạn ! Trong tòa lâu đài tinh chất này thoát khỏi những cực biên,
Hãy sở hữu sự giàu sang của Tâm Tối Hậu.
Chắc chắn rằng người ta sẽ đạt được kết quả đại phúc lạc trong chỉ đời này.
Và sau đó, những lợi lạc của những người khác sẽ được thành tựu tự nhiên.
Cuộc đời chúng ta đổi thay như những đám mây,
Thân thể thì không có tự tánh như bọt nổi.
Khó nghe được những giáo lý và càng khó hơn là thực hành điều người ta đã nghe.
Thế nên hãy nhanh chóng phát sanh năng lực tinh tấn.
Do làm chín những quả và hoa của những nỗ lực đức hạnh đúng thời,
Nguyện tất cả chúng sanh đạt được trạng thái của Phật.
Ở Kangri Thodkar (Núi Tuyết Đỉnh Trắng), thành Ogyen (Oddiyana, tức Pamasambhava),
Bản văn này được viết bởi Trimed Odzer (Ánh Sáng Rực Rỡ Vô Nhiễm, tức Longchen Rabjam).
Do những công đức, nguyện cả ba cõi không sót một ai
Đều thành tựu trạng thái của Trọn Hảo (tức là Phổ Hiền).

Giáo huấn nghĩa tinh yếu của con đường của những giai đoạn của Tâm Giải Thoát Tự Nhiên của Đại Toàn Thiện, được viết ra bởi Longchen Rabjam (Pháp Giới Bao La Vô Tận), đã trọn vẹn.

Mệnh Lệnh giao Phó Giáo Lý vì sự Quan Trọng của Nó

Vì giáo lý này là một tinh chất của những giáo huấn bí mật nhất, nếu nó được dạy cho hơn ba người phước đức, điều đó sẽ đem lại những trừng phạt của những Dakini. Thế nên hãy giữ nó một cách nghiêm nhặt (bí mật). Hỡi hộ pháp vinh quang Legden Nagpo, hộ pháp nữ cho những tantra Ekajati và Rahula, hiền triết của (đẳng cấp) Za, xin hãy bảo vệ giáo lý này một cách nghiêm nhặt. Nguyện nó được là đức hạnh!

Xem mục lục