Kho báu ngọc quý
để xua tan mọi chướng ngại
Các trả lời cho các câu hỏi của Yeshe Tsogyal
Ở nơi ẩn cư Samye Chimphu, công chúa Tsogyal xứ Khar-chen, thỉnh cầu đạo sư Padmakara : Xin chiếu cố, đại sư ! Dù ngài đã chỉ cho một cô gái kém thông minh như con rằng tất cả thế giới và chúng sanh là Pháp thân, vậy mà sự tu hành Pháp của con vẫn lạc vào hiểu biết lý thuyết ý niệm do liên hệ tương tục với tập khí của tri giác sai lầm. Con xin ngài từ bi ban cho con sự chỉ dạy cho phép con nối kết bất kỳ điều gì con làm với bản tánh bổn nhiên của Pháp tánh ! Padmasambhava trả lời : Hãy nghe đây, Tsogyal ! Con phải có ba điểm then chốt khi thực hành giáo lý Mật thừa của Đại thừa : điểm then chốt của thân, tư thế ; điểm then chốt của mắt, cái nhìn ; và điểm then chốt của tâm, cách thức an trụ. Trước hết, trong một nơi kín đáo, ngồi tư thế khoanh chân kiết già trên một tọa cụ thoải mái, để hai tay ngang nhau, dựng thẳng xương sống. Nếu thân con duy trì trong trạng thái bổn nguyên của nó, thiền định xảy đến tự nhiên. Không thực hiện tư thế thân thể đúng, thiền định sẽ không xảy ra. Tiếp theo, đối với cái nhìn, chớ nhắm mắt, chớp mắt hay nhìn qua bên. Hãy nhìn thẳng không lay động vào trước mặt. Khi cái thấy của mắt và tâm thức chia nhau một bản tánh đơn nhất, bấy giờ thiền định xảy ra tự nhiên. Không có cái nhìn đúng, thiền định không xảy ra. Điểm then chốt của tâm là thế này : chớ để trạng thái bổn nhiên của tâm bình thường theo đuổi các dạng thức quen thuộc ở quá khứ, chớ để nó nhìn về các hoạt động phiền não ở tương lai, và chớ để nó tạo tác thứ gì bằng danh tướng ý niệm trong trạng thái hiện tại của con. Qua sự an trụ tỉnh thức trong cách thế tự nhiên của nó, thiền định xảy ra tự nhiên. Nếu con phóng tưởng hay tán tâm, thiền định không xảy ra. Khi trong cách này con để cho ba cửa ở yên trong trạng thái tự nhiên của chúng, mọi vọng niệm thô và tế lắng xuống và tâm con yên ổn thả lỏng trong chính nó. Đây gọi là samatha, chỉ. (Khi tâm con) không chướng ngại, vô trụ, và trần trụi trong sự tỉnh giác tự nhiên (đây gọi là vipashyana, quán).(10) Khi cả hai trong một khoảnh khắc thức giác, an trụ trong sáng một cách sống động như là một thực thể không thể phân chia, đó gọi là chỉ không lìa quán. Hiểu biết theo danh tướng ý niệm là khi con giữ ý thức như một mục tiêu. Kinh nghiệm là khi con khám phá tính vô trụ của nó, và chứng ngộ xảy ra khi các trạng thái này của tâm an trụ trong sáng một cách sống động như là yếu tính của sự thiền định của con. Cái ấy không có một khác biệt nào với sự chứng ngộ của chư Phật ba đời. Nó không phải là một sự tạo tác đặt căn bản trên lời dạy sâu xa của vị thầy, cũng không phải là kết quả của trí thông minh sắc bén của một đệ tử. Đó gọi là đạt đến trạng thái bổn nhiên của nền tảng. Khi tham thiền như thế, ba kinh nghiệm về lạc, trong sáng và vô niệm sẽ hiện bày. Tâm thức tự do khỏi tưởng gọi là vô niệm và có ba loại. ‘Không có niệm thiện’ nghĩa là tự do khỏi sự bám níu vào người tham thiền và đối tượng được tham thiền. ‘Không có niệm ác’ là sự cắt đứt dòng tư tưởng thô và tế. ‘Không có niệm trung tính’ là sự nhận ra khuôn mặt bổn nhiên của tánh Giác như là không chỗ trụ. Trong trạng thái vô niệm này, sự trong sáng là sự sáng rỡ không bị che chướng và trần trụi của tánh Giác. Có ba loại trong sáng. ‘Trong sáng tự nhiên’ là trạng thái tự do khỏi một đối tượng. ‘Trong sáng bổn nguyên’ không xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất thời. ‘Trong sáng bổn nhiên’ thì không do ai tạo ra được. Có bốn loại lạc. ‘Cảm giác phúc lạc’ là tự do khỏi các điều kiện đối nghịch của không hòa điệu. ‘Lạc vô niệm’ là tự do khỏi sự đau khổ của ý niệm danh tướng. ‘Lạc bất nhị’ là tự do khỏi sự bám níu sự trụ tướng nhị nguyên. ‘Lạc vô điều kiện’ là tự do khỏi nguyên nhân và điều kiện. Khi các loại kinh nghiệm này sanh khởi, con cần ba thứ xả ly : xả ly lạc là giống như một người điên ; xả ly sự trong sáng là giống như giấc mơ của một trẻ nhỏ ; và xả ly vô niệm là giống như một thiền giả đã hoàn thành sự tu hành thiền định của mình. Khi con có các thứ này, con thoát khỏi các khuyết điểm của thiền định. Nếu con bị hấp dẫn và bám níu vào ba kinh nghiệm này, con lạc vào ba cõi. Khi bám níu vào lạc, con sẽ lạc vào dục giới ; khi bám vào sự trong sáng con sẽ lạc vào sắc giới ; và khi bám vào vô niệm con sẽ lạc vào vô sắc giới. Dầu cho con nghĩ rằng con không dính cũng không bám vào chúng, con cũng còn một sự dính chấp vi tế bên trong. Để cắt đứt cái bẫy này, có chín trạng thái định liên tiếp nhau, khởi đầu bằng bốn thiền để xa lìa tư tưởng tham ái. Sơ thiền là thoát khỏi ý tưởng về người tri giác và cái được tri giác, nhưng vẫn còn nằm trong sự phân biệt một đối tượng và hành động tham thiền. Nhị thiền là thoát khỏi ý tưởng và phân biệt, trong khi còn trụ vào sự thưởng thức mùi vị vui sướng của định. Tam thiền là đạt đến tâm không động, nhưng còn hơi thở vào và hơi thở ra. Định của tứ thiền hoàn toàn thoát khỏi tư tưởng ý niệm với sự tri giác trong sáng không bị che chướng. Bốn thiền vô sắc tẩy trừ tư tưởng ý niệm về sắc giới. Trụ vào ý tưởng “tất cả hiện tượng đều như hư không,” con lạc vào Không Vô Biên Xứ. Trụ vào ý tưởng “thức là vô cùng và không phương hướng,” con lạc vào Thức Vô Biên Xứ. Trụ vào ý tưởng “Cái Biết trong sáng là không hiện diện, không vắng mặt, và không thể tạo thành một đối tượng của tri thức,” con lạc vào Không Hiện Diện Cũng Không Vắng Mặt (Vô sở hữu xứ). Trụ vào ý tưởng “Tâm này không nhờ vào một thực thể nào ; nó là vô hữu và trống không,” con lạc vào cõi tri giác về Không Có Gì Tất Cả. Các trạng thái này còn có sự nhiễm ô vi tế của ý niệm danh tướng, sự hấp dẫn thuộc về tâm thức và các kinh nghiệm của tâm nhị nguyên. Diệt Thọ Tưởng Định xa lìa các ý niệm về các trạng thái này. Sự dừng bặt thuộc về phân tích là sự dừng dứt của sự dấn thân của sáu thức vào các đối tượng của chúng, nó gồm cả sự cắt đứt hoạt động của hơi thở và tâm nhị nguyên. Sự dừng bặt thuộc về không phân tích là đi đến tự tánh của con. Đó là sự thản nhiên tối hậu. Trong chín cấp bậc định này, bốn trạng thái thiền là “chỉ sanh ra quán.” Như thế, định của bốn thiền này là hòa hợp với tự tánh và là cái trổi vượt nhất trong mọi loại định thuộc về thế gian. Bốn thiền vô sắc là các bẫy của định. Diệt thọ tưởng định là cái định bình an của bậc Thanh Văn. Bằng sự hiểu biết những trạng thái này, con có thể phân biệt các loại định khác nhau, xóa tan các chướng ngại trong thực hành thiền định và không đi lạc. Năm con đường bao gồm trong ba. Cắt đứt các bẫy này và thực hành một thiền định không khuyết điểm, con an trụ thanh tĩnh và sống động trong phúc lạc, trong sáng và vô niệm suốt trạng thái thiền định.(11) Trong trạng thái sau-thiền-định, các hình tướng khởi lên không ngăn chướng và đều vô tự tánh như một giấc mộng hay ảo huyễn. Con biết được bản tánh của nhân và quả, làm đầy tràn công đức, đạt được “hơi ấm của định,” và như thế hoàn thành con đường tích lũy. Thực hành như thế một thời gian dài, con thấy được một cách hiện thực, bản tánh vô trụ và tự chiếu hiện diện nơi con. Nhận ra bản lai diện mục của con là con đường của cái thấy. Kinh nghiệm các tướng, trí huệ và tánh Không là vô sở trụ và tự thông tỏ, tức là con thấy trực tiếp bản tánh bổn nhiên không tùy thuộc điều kiện. Sự ngăn che của phiền não bị phá hủy tận gốc rễ. Chứng ngộ rằng nhân và quả đều trống không, sanh tử không có hiệu hữu chắc thật. Đây gọi là địa đầu tiên, Hoan Hỷ địa. Trạng thái thiền định không lìa rời Phật tánh và mọi sự sau-thiền-định sanh khởi như ảo huyễn. Quen dần với trạng thái này và hộ trì nó một cách vững chắc, mọi hiện tượng trở nên bất nhị. Hãy nhận biết chúng như là tự tâm hiện, các hình tướng và tâm hòa trộn thành một. Khi tánh Không sanh khởi như nhân và quả, con chứng ngộ duyên sanh. Suốt trạng thái thiền định mọi hiện tượng là không chỗ trụ và hiện diện như tinh chất của tánh Giác. Sự hiện diện nhẹ nhàng của các hình tướng bên ngoài trong thời gian sau-thiền-định là con đường của sự tu tập. Duy trì điều ấy một thời gian dài, con chứng ngộ rằng sanh tử và Niết bàn là bất nhị, vượt khỏi sanh và diệt, là vô trụ xứ và tự thông tỏ không trộn lẫn nhiễm ô và rốt ráo toàn thiện. Sự che chướng trí huệ hoàn toàn biến mất, và vào khoảnh khắc tất cả mọi sự hiện ra như tánh giác bổn nguyên là con đường thành tựu, tức là trạng thái Phật tánh. Tsogyal lại hỏi : Xin chiếu cố, thưa đại sư. Đây là tánh bổn nhiên của sự vật, nhưng làm thế nào người ta ứng dụng, thi hành cho đến khi đạt đến an định ? Padmasambhava trả lời : Nghe đây Tsogyal ! Có ba loại cư xử. Trước hết, để thiết lập con đường có cách cư xử chung, tổng quát. Tiếp theo, để làm phát sanh sự nâng cấp, có cách cư xử bí mật của kỷ luật du già. Cuối cùng, có cách cư xử tối hậu rốt ráo của tánh Như chân thật. Cư xử thì rất quan trọng vì phần lớn đời sống xảy ra trong những hoạt động hàng ngày sau-thiền-định. Con có thể hiểu một cách trí thức một cái thấy cao sâu, nhưng trừ phi con hành động thuận theo ý nghĩa của nó, thì con sẽ lạc khỏi con đường. Con có thể đạt được một trạng thái thiền định tuyệt hảo, nhưng trừ phi con duy trì được nó suốt các hoạt động sau-thiền-định, nó sẽ nhạt mất. Bởi thế, phải hiểu thấu điểm cốt yếu nhân-quả : không có hạnh xấu và hoàn thành ngay cả các hành động đức hạnh nhỏ nhất. Đó là con đường đúng, tinh túy của giáo lý đức Phật, điểm cốt yếu của trí huệ. Nếu, đã có một thân người, con muốn thực hành Pháp thiêng liêng một cách đúng đắn, chớ để cho ba cửa của con lạc vào sự bình thường thế tục dù chỉ một khoảnh khắc. Trong sự thực hành ban ngày hãy buông thả cho tâm thức con không tạo tác và để cho kinh nghiệm của sáu giác quan được tự do thư thả, như một giấc mộng hay một trò huyễn hóa. Ban đêm, hòa trộn giấc ngủ sâu với pháp tánh trong một trạng thái vô niệm thoát khỏi sự phóng xuất hay tan biến của tư tưởng. Hãy tịnh hóa kinh nghiệm mê lầm của trạng thái mộng, dẫn nó về đường chánh. Thế có nghĩa là tu hành tình thương, đại bi và Bồ đề tâm và trong sự lần hồi quen thuộc với các giai đoạn phát triển và thành tựu. Sáng và chiều, cử hành sự tịnh hóa bảy phần(12) và chớ xao lãng các dâng cúng torma hàng ngày và các thứ. Sám hối các nghiệp xấu với thần chú một trăm âm. Hãy cẩn thận với điểm cốt yếu là nhân quả. Suy nghĩ trở đi trở lại về sự khó khăn có được tự do và của cải, về cái chết và sự vô thường, và về những lỗi lầm khuyết điểm của sanh tử. Hãy tu hành Bồ đề tâm. Tu hành giai đoạn phát triển, đến mức độ mà mọi cái gì xuất hiện và có mặt là mạn đà la của hóa thần. Đối với giai đoạn thành tựu, hãy an trụ trong trạng thái bất nhị nó là các hình tướng không có tự tánh, như sự phản chiếu của mặt trăng trong nước. Lúc chấm dứt, hãy hồi hướng công đức. Thực hành theo cách này, con hòa điệu với các thừa tổng quát, con tiến triển trên con đường đúng, và con đã thiết lập nền tảng cho con đường của yoga. Thực hành cư xử bí mật của kỷ luật yoga sau khi con đã thiết lập nền tảng của con đường và đã đạt được kinh nghiệm, thấu hiểu và tin vào cái thấy và trạng thái chân thật. Cư xử bí mật nâng cấp con đường này và cắt đứt tư tưởng ý niệm. Nó có thể theo đuổi bởi hành giả có sự quen thuộc nhiều và an định vững chắc trong thực hành. Về sự thực hành đúng của Đại thừa, có cái thấy của sự thấu hiểu rằng mọi đối tượng là không thật. Đối với Mật thừa, có cái thấy về vòng hóa thần – giai đoạn phát triển – và tính bất nhị vượt khỏi các biên cực – tức là giai đoạn thành tựu. Khi con nhận thấy mọi chúng sanh là cha mẹ mình, con làm sanh khởi con đường qua sự tu hành tâm con trong Bồ đề tâm. Để cắt đứt sự chấp ngã và tin vào ma quỷ, hãy đến một nơi dễ sợ và cắm trại trong một chỗ đáng sợ nhất. Hãy bắt đầu với việc quy y Tam Bảo, phát triển Bồ đề tâm và cầu xin guru của mình. Rồi sau một hồi lâu thành khẩn quán tưởng từ bi và Bồ đề tâm đối với tất cả chúng sanh nhiều như hư không, mà đầu hết là quỷ ma của vùng ấy. Ở lại và đi ngủ trong Bồ đề tâm tối hậu, trạng thái đại lạc không bị ngăn ngại, vượt khỏi sanh, trụ, diệt, trong đó chư thiên và quỷ ma là bất nhị. Khi con cảm thấy sợ hãi, tập trung và chú tâm vào sự suy nghĩ này : “Sự sợ hãi này khởi ra từ sự tin vào ma quỷ, nó nảy ra từ sự không tin rằng mọi chúng sanh là cha mẹ mình.” Bây giờ sự phóng xuất tư tưởng ấy xuất hiện như là ma quỷ. Thế thì làm sao Bồ đề tâm của ta, hiện chỉ là những lời vô vị và các ý niệm tri thức, thành tựu được chân nghĩa ?” Chú tâm như thế, trau dồi đại bi và Bồ đề tâm thành thật và dâng tặng thân con chẳng màng chi cho mọi vị thần và quỷ ma, đầu hết là quỷ ma của vùng ấy. Nói rằng : “Hãy lấy thịt xương, máu huyết của ta, như các người muốn !”, để tâm con an định trong Bồ đề tâm. Cùng một cách ấy, khi con có một ý nghĩ về thần hay quỷ và Bồ đề tâm của con dao động, hãy nghĩ : “Đây là một phóng ảnh do sự tin vào quỷ ma !” Và đem cho họ thân con chẳng màng. Rồi ở yên trong sự bình thản. Nếu một hồn ma thật sự xuất hiện, hãy nhẩy thẳng vào miệng nó hay vào lòng nó và hoàn toàn bỏ đi ý niệm yêu quý thân con. Trau dồi tâm bi và hồi hướng công đức. Khi sự tin vào quỷ ma bị cắt đứt, các hiện hình ma quái và phô diễn ảo ảnh lắng xuống và quỷ ma của vùng ấy rơi vào sự kiểm soát của con. Sự lắng yên của tư tưởng và sự thuần hóa ma quỷ xảy ra đồng thời. Một khi con hiểu rằng mọi chúng sanh là cha mẹ mình, lúc ấy không thể tin vào quỷ ma, còn có tin vào quỷ ma, ấy là con chưa tu hành đầy đủ. Thứ hai, cắt đứt,(13) hãy nhận biết rằng mọi đối tượng là không thực. Để cắt đứt sự tin vào quỷ ma và sự trụ vào ảnh hưởng của chúng như là thật có, hãy đi đến nơi khủng khiếp nhất để làm mạnh thêm cái thấy về các hình tướng không thật của con. Quy y, phát triển Bồ đề tâm và cầu nguyện. Khi nhận ra rằng mọi hình tướng đều không thật, mọi ý niệm đều là vọng tưởng, mọi sự đều trống không và cái thấy biết của con hiện giờ cũng giống như một giấc mộng hay một ảo giác huyễn hóa, lúc ấy hãy đi ngủ trong trạng thái Không vô quái ngại, trong đó rốt ráo không có gì hiện hữu. Khi con cảm thấy sợ hay khủng khiếp, hãy tập trung tâm con, nghĩ như thế này : “Không hiểu được rằng sợ hãi và khủng khiếp đều giống như một giấc mộng và ảo giác huyễn hóa, ta tin vào ma quỷ. Bây giờ sự phóng tưởng này khởi lên để chỉ cho ta thấy rằng cái thấy về như huyễn của ta chỉ là sự hiểu biết ngoài mặt ý thức. Sự hiểu biết trí thức ấy sẽ không thành tựu thật nghĩa !” Tập trung và chú tâm vào ý nghĩ này và ở yên thoải mái trong trạng thái tất cả đều không thật và huyễn ảo. Con phải nhận biết bản chất không thật của sự phóng tưởng niềm tin vào quỷ ma ngay lúc tư tưởng hay trò huyễn thuật xảy ra. Quyết định rằng nó không có thực tại nào, mà thật sự chỉ giống như huyễn hóa. Nếu trong thực tế một hồn ma xuất hiện, hãy khẳng định rằng nó không thật và nhảy thẳng vào lòng nó. Ngọn gió xoáy của sự hiện hình ma quái sẽ biến mất và con đi qua nó không chướng ngại. Ngay khi con cắt đứt được việc tin vào ma quái, sự biến hiện huyễn ảo tự nhiên lắng yên. Vượt qua được tư tưởng của con và chấm dứt quỷ ma xảy ra đồng thời. Thứ ba, để cắt đứt, tu hành một “giai đoạn phát triển” vững chắc, nhờ đó kinh nghiệm của con biểu lộ như là hình tướng của hóa thần. Để nâng cao giai đoạn phát triển của con và cắt đứt sự tin ma quỷ và sự bám chấp nhị nguyên vào một thế giới chúng sanh, hãy đi đến một nơi đáng sợ. Ở đó, một khi đã phát khởi sự quy y, hãy phát triển Bồ đề tâm, và cầu nguyện. Quán tưởng quang cảnh chung quanh như là cung điện cõi trời và mọi chúng sanh, đặc biệt là hồn linh của vùng ấy, như là hóa thần bổn tôn. Trì tụng thần chú tinh túy, làm bén thêm chánh niệm tỉnh thức, làm sáng tâm con và thiền định một thời gian dài. Ôm trọn tánh Không tối hậu với điểm cốt yếu. Đi ngủ trong trạng thái trong đó mọi thứ dù có xuất hiện cũng không tự thể. Khi một tư tưởng sợ hãi hay khủng khiếp nổi lên, gom tâm vào nhất niệm và suy nghĩ thế này : “Không nhận ra hình tướng đáng sợ và làm khiếp hãi như là hóa thần bổn tôn, tôi tạo ra sự tin vào quỷ ma. Bây giờ sự phóng ảnh của nó xuất hiện như một biến hiện ảo hóa. Giai đoạn phát triển của tôi chỉ là danh từ và hiểu biết nơi bề mặt ý thức. Làm thế nào nó sẽ đưa tôi đến giai đoạn thành tựu ?” Tâm nhất niệm, bỏ đi sự tham trước thân thể và đem nó cho đi như món quà của một buổi tiệc. Quán tưởng sống động rằng tất cả cái gì xuất hiện và hiện hữu là hóa thần bổn tôn. Dâng cúng thân thể con như là cam lồ cho tất cả chúng sanh, cầm đầu là các ma quỷ quấy phá. An trụ tự do trong trạng thái bất nhị không ngăn ngại. Sự tin vào ma quỷ khởi lên vì khi hình tướng ma quái hay biến hiện huyễn hoặc xảy ra, con không thấu rõ hình tướng là mạn đà la của hóa thần. Hãy nghĩ rằng : “Đây đúng là một phóng tưởng !”, và nhớ đến bổn tôn. Đạt được vài thành tựu là do thấu hiểu được rằng con và ma quỷ đều cùng một bản tánh như hóa thần. Thế nên hãy nghĩ rằng : “Gặp được bổn tôn thì thích thú biết bao !” Hãy ôm choàng lấy ma quỷ bằng cách nhảy vào lòng nó, đi vào trong miệng nó và trộn lẫn tâm các con một cách không phân biệt. Trình diện thân xác con như là một quà biếu cho buổi tiệc. Qua việc làm này, con sẽ hiểu rằng các hình tướng là hóa thần, và như thế tất cả các ý niệm dừng bặt, trò biến hiện tự nhiên lắng xuống, và hồn linh của nơi chốn ấy rơi vào sự kiểm soát của con ! Thứ tư, để cắt đứt, hãy hiểu bản tánh của bất nhị nhờ vào một cái thấy vững chắc của giai đoạn thành tựu. Dùng sự sợ hãi, sự tin vào ma quỷ để nâng cao tính chất bất nhị của giai đoạn thành tựu. Để làm thế, hãy làm những điều sơ khởi và an trụ thư thả trong trạng thái bất nhị trong đó thân và tâm là không hai, tướng và tâm là không hai, ta và người là không hai, bạn và thù là không hai, chư thiên và ma quỷ là không hai. Tóm lại, an trụ trong trạng thái nơi đó không có bất kỳ hiện tượng nhị nguyên nào. Duy trì sự liên tục này không lơi lỏng. Nếu sự biến hiện ảo hóa hay tư tưởng về ma quỷ xảy ra khi thực hành như thế này, hãy chú tâm vào tính bất nhị, nghĩ rằng : “Sự phóng ảnh này, sanh từ nghi ngờ, là do bởi tâm ta không an định nhất tâm trong tánh bất nhị !” Ngay khi sự tin vào ma quỷ khởi sanh, hãy yên nghỉ tự do trong tánh bất nhị. Nếu một quỷ ma thực sự xuất hiện, chú tâm một cách nhất niệm và nghĩ rằng : “Tuyệt vời thay có được cơ hội để tu hành trong bản tánh bất nhị như là sự làm mạnh thêm cái thấy !” Hãy nhảy vào lòng ma quỷ, và con sẽ đi qua nó không chướng ngại trong tánh Không bất nhị và không nền tảng. Cuối cùng ma quỷ không có một thực thể nào. Theo cách này, nghĩa của tánh bất nhị hiện rõ bên trong con. Tư tưởng nhị nguyên tin vào ma quỷ bị cắt đứt và sự biến hiện ảo giác bên ngoài lắng xuống. Khi con chứng ngộ tánh bất nhị, con cũng chinh phục được sức mạnh xấu ác và quỷ ma ngăn chặn. Điều này nhờ vào tánh bất nhị và sự duyên sanh lẫn nhau giữa tướng và tâm. Kết quả là, khi con còn hiện hữu thì các quỷ ma còn hiện hữu ; khi con bình an thì các quỷ ma bình an ; khi con giải thoát, các quỷ ma được giải thoát ; khi con được thuần hóa, các quỷ ma cũng thuần hóa. Quỷ ma là quỷ ma của chính con và cắt đứt nó làm cho con an bình. Thế nên, chính là một sự nâng cao, làm mạnh thêm lớn lao khi giáp mặt với một nơi chốn đáng sợ hơn là hành thiền định trong ba năm. Cách cư xử bí mật này không chỉ nhắm đến tư tưởng về quỷ ma mà còn để cắt đứt các bệnh dịch truyền nhiễm như là bệnh cùi và các cảm giác sợ hãi, dị ứng, ghê tởm, nhút nhát, hèn nhát, bối rối v.v… Tóm tắt, bất kể loại tư tưởng nào khởi ra, hãy cắt đứt nó như ở trên. Cuối cùng, cư xử tối hậu của tánh Chân Như là thoát khỏi sự nhị nguyên của chư thiên và ma quỷ. Tự do khỏi sự nhị nguyên của sạch và dơ thì nút khóa của sự trụ tướng nhị nguyên được cởi mở. Tự do khỏi sự thúc đẩy của sự muốn đừng có, muốn trau dồi hay bám níu thì tất cả ý niệm về sanh tử và Niết bàn hoàn toàn tiêu tan mất trong tánh Giác bất nhị rộng rãi vô biên, và con sẽ an trụ trần trụi, độc chiếu như là nhất thể bất nhị, cái tinh chất của đại lạc. Vào lúc ấy, nếu ngay cả Dharmaraja, Thần Chết, móc vào con và đem con đi, con sẽ không cảm thấy sợ hãi. Nếu ngay cả Phật Vajrasattva xuất hiện con cũng sẽ không có một nghi ngờ nào hay không chắc để quyết đoán. Đây chính là sự cư xử tối hậu của thật nghĩa. Qua các loại hành xử bí mật này, con thiết lập nền tảng của trạng thái bổn nhiên, làm mạnh thêm cái thấy, tinh lọc sự thực hành và hưởng quả. Lời dạy này là cực kỳ sâu xa. Tsogyal lại hỏi : Xin chiếu cố cho, thưa đại sư ! Con thỉnh cầu ngài, từ bi ban cho con giáo huấn cốt lõi nó cắt đứt gốc rễ của khổ đau ở trong sự tỉnh giác hiện tiền và đưa cả hai sự sanh và sự chết vào đường Đạo. Padmasambhava trả lời : Nghe đây Tsogyal ! Chỉ bày các điểm then chốt của thực hành qua năm yoga, ta sẽ dạy con giáo huấn cốt lõi dùng bất cứ điều gì con làm như chính con đường. Thứ nhất, đối với yoga giấc ngủ, giây phút rơi vào giấc ngủ giống như đang chết. Bởi thế, phục hồi các samaya của con, lập lại các thệ nguyện Thanh Văn, làm trong sạch dòng tâm thức, cắt đứt sự phức tạp của ba độc, và vắng bặt sự nhớ nghĩ và suy tính. Hãy để mọi hiện tượng bên ngoài và bên trong hoàn toàn tự do trong đại định của Tánh Như, trạng thái không trụ vào bất cứ cái gì. Rơi vào giấc ngủ trong trạng thái của giai đoạn thành tựu không chướng ngại, Pháp thân không ý niệm phân biệt, tức là dùng cái chết như con đường. Làm tan biến mọi hiện tượng bên ngoài và bên trong, thế giới và chúng sanh, bổn tôn và tùy tùng, vào trong chủng tự ở trung tâm trái tim của con. Bằng cách ngủ trong trạng thái không trụ, con dùng ý niệm về cái chết như con đường. Thứ hai, yoga của sự thức dậy giống như sự sanh ra. Ngay khi thức giấc, nhớ lại một cách sống động tánh giác không chướng ngại từ trong giai đoạn thành tựu. Điều này làm tịnh hóa sự tái sanh. Tiếp theo, con phải hiểu các điểm mấu chốt của nhân và quả. Điều này đem đến sinh khí cho bất kỳ sự thực hành tâm linh nào con làm và là một sự làm mạnh thêm lớn lao hơn những cái gì khác. Buổi bình minh, phân phát phần tinh chất trong sạch của thức ăn vào trong các kinh mạch và thải các phần dơ bẩn. Khi bên trong các kinh mạch là hoàn toàn trống rỗng, các lỗi lầm hay đức hạnh bên ngoài, bên trong và bí mật dễ dàng khởi sanh. Lúc ấy các kinh mạch khởi lên như là kinh mạch trung ương, khí prana như là trí huệ, các nguyên tố như là đại lạc, và tâm con thực hiện như là tánh Giác bất nhị. Đây cũng là mục tiêu của sự thi hành vài loại chữa bệnh y học hay nghi thức chữa bệnh. Hơn nữa, nó chính là lý do tại sao đức Phật chứng ngộ sự thật và giác ngộ viên mãn vào lúc bình minh. Thứ ba, yoga về thức ăn phải được phối hợp với một sự truyền pháp và lực của Mật thừa. Nếu con thực hành giai đoạn phát triển, hãy dùng thức ăn như là cam lồ của trí huệ. Hãy quán tưởng hóa thần trong bụng con, hãy hưởng thụ thực phẩm như là một hóa thần hòa tan vào một hóa thần. Nếu con thực hành tịnh hóa nghiệp chướng, hãy dùng thực phẩm như là cam lồ trí huệ. Hãy ăn theo cách hoàn toàn thiêu cháy các chủng tử của sáu loài chúng sanh, các chủng tử đó hiện diện trong hình thể các chữ ở trong trái tim con. Nếu con thực hành giai đoạn kết hợp, hãy dùng thức ăn như là cam lồ của phương tiện và trí huệ bất nhị, và ăn trong cách hợp nhất. Nếu con thực hành giai đoạn thành tựu, hãy dùng thức ăn như là trí huệ của tướng và Không đồng hữu. Hãy hưởng thụ pháp tánh đang ăn pháp tánh. Tóm lại, hãy an trụ không phân chia trong bất cứ định nào con đang thực hành và hưởng thụ. Theo cách này, bất cứ đồ ăn nào con dùng đều trở thành nguyên nhân cho đại định. Thứ tư, về yoga liên tục, một hành giả thực hành con đường một cách đúng đắn phải không bao giờ dung tha cho những phiền não bình thường. Người ấy phải nhận ra mọi mối xúc động khởi ra nhờ vào những kỹ thuật đặc biệt, và đem chúng vào con đường đúng. Gốc rễ của phiền não là năm độc ; ở đây làm thế nào dùng chúng như là con đường. Khi tham muốn mạnh mẽ khởi lên, nhận ra nó bằng chánh niệm, và tư duy về nguyên nhân của nó. Nó khởi sanh vì một tác nhân bên ngoài, bị chao động bởi sự thúc đẩy tình dục với người khác giới. Bây giờ, sự đau đớn của tham muốn cũng như một vòi nước mạnh phụt ra. Cuối cùng tâm con sẽ hoàn toàn tan vào khuôn khổ của điều mà con đã thường quen. Để nhận ra khuôn khổ này, hãy hiểu rằng tác nhân hấp dẫn bên ngoài là do tâm con tạo ra. Nếu không phải thế, thì không có chuyện người con yêu lại được nhìn như một kẻ thù bởi người khác. Sự thúc đẩy tình dục khởi từ tâm con và biểu lộ như tham muốn, giống như ngọn gió khởi từ bầu trời trống rỗng. Bây giờ, đây là cách làm thế nào nhìn vào yếu tính của tham dục và dùng nó như con đường. An trụ trong trạng thái trong đó tác nhân hấp dẫn bên ngoài và sự thúc đẩy tình dục thoát khỏi nhị nguyên : tham muốn do đó trở thành yếu tính của Lạc và Không bất nhị. Tự tánh của tánh Không không được tạo ra từ bất kỳ cái gì, nên sự biểu lộ của nó chính là lạc. Đây là sự hoàn thiện của tham muốn, tức là diệu quan sát trí. Cũng thế, bằng cách nhìn vào yếu tính của giận dữ và an trụ trong nó, con chứng ngộ yếu tính bất nhị của sáng tỏ và tánh Không. Tự tánh là trống không và sự biểu lộ của nó là sáng tỏ. Đây là sự hoàn thiện của giận dữ, tức là đại viên cảnh trí. Bằng cách nhìn vào yếu tính của ngu si và an trụ trong trạng thái đó, con chứng ngộ tánh Giác không có ý niệm. Tự tánh là trống không và sự biểu lộ của nó là vô niệm, không tư tưởng. Sự hoàn thiện của ngu si là trí pháp giới. Trong cách như thế, do đem kiêu mạn và ganh ghét vào con đường mà chúng trở thành bình đẳng tánh trí và trí thành tựu tất cả (thành sở tác trí). Tóm lại, mười điều xấu sanh từ năm độc. Năm độc đến từ ba độc tham, sân, si. Bằng cách nhận ra ba độc này và dùng chúng như là con đường, con giữ vững được các giáo lý của Ba Tạng và an trụ trong ba sự tu hành : Bằng cách nhìn vào yếu tính của tham muốn và an trụ trong trạng thái ấy, con kinh nghiệm lạc phúc, nó trở thành Luật tạng. Con lìa bỏ tham muốn bình thường, đó là sự tu hành Giới. Bằng cách nhìn vào yếu tính của sân và an trụ trong trạng thái ấy, con kinh nghiệm sự sáng tỏ, nó trở thành Kinh tạng. Con lìa bỏ sân hận thông thường, đó là sự tu hành Định. Bằng cách nhìn vào yếu tính của si, và an trụ trong trạng thái ấy, con kinh nghiệm vô niệm, nó trở thành Luận tạng. Con lìa bỏ ngu si thông thường, đó là sự tu hành trí huệ phân biệt. Con sẽ nhận ra mọi phiền não khởi lên và bằng cách này đem chúng vào con đường. Thứ nhất là yoga về thời gian và các điểm cốt yếu. Có năm thời. Thứ nhất, lúc bình minh phần trong sạch và không trong sạch của thức ăn tách lìa nhau, tâm con bén nhạy, thân con mới mẻ, trí thông minh trong sáng, và các bindu tăng thêm. Sức mạnh của lầm lỗi hay đức hạnh mạnh thêm đến độ cần phải nhận biết bất kỳ tư tưởng nào sanh khởi như là tham và đem chúng vào con đường đức hạnh. Thứ hai, vào lúc hoàng hôn, sức mạnh của bindu giảm đi, và cảm giác lo lắng có thể khởi ra. Các sự hóa hiện của thần và quỷ ma lớn lên. Thời gian này giống như sự chết. Sức mạnh của lỗi lầm hay đức hạnh thì lớn hơn, thế nên cần thiết phải nhận biết bất kỳ tư tưởng nào sanh khởi như là sợ hãi hay khủng khiếp và đưa chúng vào sử dụng trên con đường đức hạnh. Thứ ba, khi một phần phiền não lớn lao hay một tư tưởng quấy động sanh khởi, nếu con thất bại không thể dùng nó như con đường, nó có thể bằng giá của cả đời con, hay làm cho con hư hoại các lời nguyện, ngăn chặn định của con, và làm vặn vẹo con đường chân chính. Thế nên, hãy nhận biết nó và đem nó vào con đường. Thứ tư, vào lúc tánh Giác bất nhị bổn nguyên hiện khởi và tâm con hợp nhất như là yếu tính của vô niệm, hãy dùng cái này vào con đường của phương tiện. Khi trong trạng thái áp dụng các điểm then chốt trong khuôn khổ của các thực tập này, hãy thực hành một thời gian dài không xao lãng. Vào lúc ấy, các nguyện vọng và các mối liên kết nhân quả được hình thành. Đây là một điểm cốt yếu, thế nên điều quan trọng là hình thành quyết định. Trộn lẫn các nguyện vọng và các mối liên kết nhân quả với bất kỳ loại ý nghĩ, ý niệm bình thường nào khác là không thích hợp. Vì cái người tạo ra (một nguyện vọng) là một tư tưởng ý niệm danh tướng, đấy cũng giống như lỗi lầm khi dùng một món thuốc tính hàn để chữa một bệnh hàn. Thứ năm, khi cái chết đến con sẽ hoàn toàn dưới sự kiểm soát của năng lực của “nghiệp liên kết” riêng của mình ; bởi thế phải quyết định tạo ra những mắt xích nhân quả tốt. Hãy để cho những việc xấu bị lãng quên, và nhớ lại tất cả các hành động đức hạnh. Chú tâm nhất niệm vào sự thực hành riêng mà con đã từng vững chắc trong đó và trong mỗi khoảnh khắc, hãy thoát khỏi kinh nghiệm lầm lạc. Tóm lại, trong thời gian ấy, cần yếu là tạo ra mối liên kết nhân quả thiện. Tsogyal lại hỏi : Xin chiếu cố, thưa đại sư ! Xin ngài dạy cho các điểm then chốt của các trạng thái trung ấm. Padmasambhava trả lời : Nghe đây, Tsogyal ! Đối với bardo, thời gian từ khi chết đến lúc tái sanh được gọi là bardo của sanh và chết. Nó gồm ba điểm : tốt nhất là đạt đến giác ngộ trước khi kinh nghiệm bất kỳ bardo nào ; tốt tiếp theo là đạt đến giác ngộ trong trạng thái bardo ; thứ ba là làm sao tái sanh. Điểm thứ nhất có bốn phần : các nguyên tố tan biến như thế nào, các tư tưởng ngừng lại thế nào, trí huệ không ý niệm xuất hiện thế nào và Phật tánh được đạt đến bằng cách nhận ra bản tánh của mình như thế nào. Thứ nhất, khi nguyên tố đất tan biến vào trong nguyên tố nước, nút thắt kinh mạch ở rốn giải tan, thì prana của nguyên tố đất bị khủng hoảng, thân cảm thấy nặng nề, ý thức nhạt đi, và một kinh nghiệm giống như một ảo ảnh xuất hiện. Tiếp đó, khi nước tan vào trong lửa, nút thắt kinh mạch ở tim giải tan, prana của nước bị khủng hoảng, miệng và mũi khô, ý thức dừng lại, và một kinh nghiệm giống như khói khởi sanh. Thứ ba, khi lửa tan biến vào gió, nút thắt kinh mạch ở yết hầu giải tan, prana của lửa bị khủng hoảng, thân nhiệt yếu dần, tri giác chập chờn, và một kinh nghiệm giống như đom đóm khởi lên. Thứ tư, khi gió tan biến vào ý thức, nút thắt kinh mạch ở chỗ bí mật giải tan, prana của gió bị khủng hoảng, hơi thở ngừng qua lỗ mũi, ý thức đảo lộn nhẹ và một xuất hiện nhẹ của ánh sáng hiện ra. Các tư tưởng dừng lại thế nào : ở phần dưới chót của kinh mạch trung ương là tinh túy người mẹ của chúng ta trong từ hình tướng chữ A. Khi sức mạnh của kinh mạch bên phải yếu đi, tinh chất này đi lên : dấu hiệu là sự xuất hiện màu đỏ. Vào lúc này, các trạng thái của tư tưởng của tham dừng lại. Ở trên cùng của kinh mạch trung ương là tinh chất từ người cha chúng ta trong hình tướng chữ HANG. Khi sức mạnh của kinh mạch bên trái yếu đi, tinh chất này đi xuống và màu trắng xuất hiện. Vào lúc này các trạng thái tư tưởng của sân dừng lại. Tiếp theo đó, nguyên tố gió tràn khắp trên đỉnh đầu bị khủng hoảng và màu đen xuất hiện. Vào lúc này các trạng thái tư tưởng của si dừng lại. Khi ba độc dừng lại theo cách ấy, kiêu mạn và ganh ghét cũng tự động dừng lại, bởi vì ba độc đã tan biến vào ba kinh mạch. Sau đó hơi thở bên ngoài dừng. Thế nào trí huệ không ý niệm xuất hiện : đến lúc này, hơi thở bên ngoài đã ngừng nhưng hơi thở bên trong chưa ngừng. Mặt trời đi lên và mặt trăng đi xuống gặp nhau và tâm-khí đi vào trong kinh mạch trung ương. Vì ba cái này ở lại trong kinh mạch trung ương và vì các tư tưởng đã dừng trong một lúc ngắn, tánh giác không ý niệm, tâm Pháp thân của chư Phật, xuất hiện trong khoảng một bữa ăn. Thế nào Phật tánh đạt được bằng cách nhận ra trí huệ không ý niệm : do năng lực đã quen dần với sự nhận biết này, và bởi năng lực đắc định qua các lời dạy miệng, con sẽ nhận ra trí huệ câu sanh tự hữu này và đạt Phật tánh, kết hợp hai phương diện Mẹ và Con của Pháp thân. Theo đó, trí giác vượt qua nắp mở của Brahma và đi vào Pháp giới. Đây là lời dạy cho người có khả năng cao nhất để đạt đến Phật tánh không qua bardo. Lời dạy cho người có khả năng vừa để đạt đến giác ngộ trong trạng thái bardo có bốn điểm. Cách thức các nguyên tố tan biến và các trạng thái của tư tưởng dừng lại thì giống như ở trên. Về điểm thứ ba, thế nào pháp tánh biểu lộ trong bardo : nếu người ta không nhận ra trạng thái không ý niệm của Pháp thân như trường hợp người có khả năng cao tột, thì trí tỉnh giác trú trong trung tâm trái tim đi vào con đường của kinh mạch màu lụa trắng. Xảy ra ở bên ngoài, tâm và vật chất lìa nhau và con rơi vào trạng thái không thức giác trong bảy ngày.(14) Tỉnh dậy từ sự hôn mê này, pháp tánh xuất hiện trong năm ngày trong hình dạng các âm thanh, các màu sắc, các ánh sáng và cảnh giới. Âm thanh là âm thanh tự nhiên của nguyên tố lửa, bao la và mãnh liệt. Nó gầm như sấm sét phân chia giữa hai mùa hè và mùa đông. Sự sáng rỡ của tánh Giác biểu lộ trong các màu sắc trong trẻo và sống động. Các tia sáng chiếu từ các màu sắc thì chói chang như một ảo ảnh trên các cánh đồng mùa thu. Thứ tư, thế nào đạt được Phật tánh bằng cách nhận ra khuôn mặt bổn nhiên của con : do sức mạch của tu hành điều đã được trực chỉ, các biểu lộ này của âm thanh, màu sắc và ánh sáng sẽ xuất hiện như là trí huệ câu sanh tự hữu và con sẽ đạt đến Phật tánh. Các cá nhân khác biệt nhau trong sự tu hành và quen thuộc của họ. Đối với thiền giả tu hành trong giai đoạn thành tựu của yoga hóa thần bổn tôn, các biểu lộ này của âm thanh, màu sắc và ánh sáng sẽ mở bày như sự biểu lộ tự nhiên của mạn đà la của hóa thần, và người ấy đạt đến Phật tánh như là Báo thân. Thiền giả đã chứng ngộ sự giả ảo của các hình tướng sẽ thấu hiểu rằng các biểu lộ ấy của âm thanh, màu sắc, ánh sáng là giống như một giấc mộng hay một ảo tưởng huyễn hóa và sẽ đạt được Phật tánh như là Hóa thân. Thiền giả đã chứng ngộ rằng mọi hiện tượng của sanh tử và Niết bàn là kinh nghiệm tự biến hiện của cá nhân (rang nang) sẽ hiểu rằng các biểu lộ này của âm thanh, màu sắc, ánh sáng là tự khởi và vốn tự giải thoát, và sẽ đạt được Phật tánh như là Thân Yếu Tính. Bởi thế, con phải đi qua bardo bằng bất cứ pháp môn tu hành nào con đã có kinh nghiệm và chứng ngộ trong đó. Cuối cùng, thế nào để tái sanh có năm điểm. Cách thế các nguyên tố tan biến và các trạng thái tư tưởng dừng lại cũng giống như ở trước. Thứ ba, thân do thức dần dần được tạo thành qua tám duyên sanh :(15) Vô minh là không nhận ra được rằng ánh sáng là sự tự biến hiện của chính con. Hành (sự tạo lập) xảy ra, bởi sức mạnh của hành, khi năm prana gom lại và tạo thành sự hiện hữu của sanh tử. Từ hành, thức trở nên rõ ràng hơn và sự bám trụ vào một đối tượng xảy ra. Tiếp theo danh và tướng của trạng thái bardo sanh ra.(16) Thức trở nên nhanh nhậy, tạo thành các căn (giác quan). Xúc là khi các giác quan gặp một đối tượng, Thọ là cảm giác sướng khổ. Ái là khi do đó con khởi lên thích hay ghét. Như thế tám yếu tố này tạo thành thân do thức sanh. Thứ tư, thế nào kinh nghiệm bardo xảy ra : các tướng của thói quen và nghiệp biểu lộ ; như thế con kinh nghiệm sự du hành đến quê nhà đời trước và liên hệ với mọi người thân quen bằng cái thức. Thức ăn và nơi ở của con thì bất định, và thân thể bằng thức sống nhờ đồ cúng được đốt. Ngoài việc không thể vào tử cung của người mẹ đời kế tiếp và đi đến tòa Kim Cương, con có thể di chuyển không chướng ngại. Thường trực sợ hãi, bị đe doạ và khủng khiếp, con kinh nghiệm các cái thấy về quỷ ăn thịt, các thú dữ tợn, mưa bão dữ dội và bão tuyết. Con tìm sự ẩn núp, trốn lánh bất cứ chỗ nào. Các giác quan thông tỏ và khả năng của tâm thức thì toàn vẹn. Con có thiên nhãn và có thể nhìn thấy các chúng sanh khác của cảnh giới bardo. Thứ năm, thế nào tái sanh trở lại : Sau khi sự tỏ rạng nhanh chóng của ánh sáng căn bản đã lắng xuống, con kinh nghiệm năm con đường ánh sáng thông thường.(17) Vô minh câu sanh làm cho không thể nhận ra (tánh giác sáng tỏ này là) khuôn mặt xưa nay của con. Vô minh thuộc về ý niệm là ý niệm hóa tánh sáng tỏ, quang minh này thành một cái gì khác. Trụ vào các tướng của cái khác đó, con tái sanh vào sáu loại chúng sanh, như một con hươu mắc trong bẫy hay con ong kẹt trong một bông hoa. Bám trụ vào ánh sáng trắng, con sẽ sanh lại giữa các chúng sanh của địa ngục ; bám trụ vào ánh sáng đỏ, con sẽ sanh lại làm ngạ quỷ. Đi vào trong ánh sáng màu đen thì sanh làm thú vật, đi vào ánh sáng màu vàng dẫn đến tái sanh làm một con người, và bám trụ vào ánh sáng lục dẫn đến tái sanh làm thiên hay Atula. Vào lúc ấy con phải nhớ đến sự đau khổ của sáu loài chúng sanh và không trụ vào bất kỳ loại ánh sáng nào như vậy. Thức trong bardo dễ dàng đổi hướng, thế nên nếu con có thể ở trong sự tỉnh giác chánh niệm và phát khởi sự mong mỏi sâu xa đối với một cõi Phật như là cõi Tịnh Độ con sẽ sanh về nơi ấy không một chút nghi ngờ. Tsogyal lại hỏi : Xin chiếu cố, thưa đại sư. Hành giả chưa đạt đến an định có phải nỗ lực để làm sạch các chướng ngại không ? Làm thế nào để trừ sạch các chướng ngại trên con đường ? Padmasambhava trả lời : Nghe đây, Tsogyal ! Trừ sạch các chướng ngại khỏi con đường có bốn điểm : Trừ sạch chướng ngại của các kinh nghiệm tạm thời về định, làm sạch chướng ngại bệnh tật đau đớn của thân, làm sạch chướng ngại của tư tưởng ý niệm và chư thiên, quỷ ma trong tâm, và làm sạch chướng ngại của ô nhiễm tạm thời do hoàn cảnh xấu. Thứ nhất, làm sạch chướng ngại của các kinh nghiệm tạm thời về định : hôn trầm nghĩa là không thực hiện được sự tỉnh giác sáng tỏ, không ôm trùm nó được với kinh nghiệm của quang minh. Hôn trầm trộn lẫn với giấc ngủ, là do buồn ngủ. Trạo cử nghĩa là tâm thức động theo một đối tượng hay theo đuổi cái gì đó. ‘Động theo’ nghĩa là sự chú tâm không ở yên. Bị tán thất là để cho bị bắt lấy vào trong sự tri giác về cái gì khác. Không an trụ là yên lặng một thời gian ngắn nhưng không thể ở lâu dài. Thất niệm là sự chú tâm của con chuyển động mà không được lưu ý trong khi con vẫn nghĩ rằng nó vẫn ở đó. Trạo cử, động lay có hai loại. ‘Động lay bởi cái khác’ nghĩa là tâm thức động vì hoàn cảnh nào đó. ‘Động lay bởi chính mình’ là cảm giác vi tế của sự suy nghĩ rằng “Yên tĩnh thật ! Trong sáng thật !” đi vào trong trạng thái thiền định. Hôn trầm và trạo cử là các lỗi ban đầu khởi ra do thất bại trong tập trung và trượt vào sự vô ký. Khi cảm thấy hôn trầm, hướng sự chú tâm đến trung tâm trái tim. Trụ tâm ở đó trong khi thiền định nhất niệm và không xao động. Nhờ thế con sẽ không rơi vào hôn trầm hay hôn mê mà vẫn tiếp tục trên con đường. Khi cảm thấy lay động, hướng sự chú tâm đến chỗ dưới rốn, trụ tâm ở đó và thiền định không xao động. Qua việc này, con trở nên hoàn toàn nhất niệm và sẽ không rơi vào các lỗi lầm động niệm hay thất niệm. Tổng quát, nếu sự chú tâm của con được nhất niệm và gom tụ rốt ráo, con không thể bị hôn trầm, hay trạo cử. Bây giờ, dùng cái gì có lợi cho định như là con đường Chánh định tốt đẹp của lạc, trong sáng và vô niệm ; lòng từ, lòng bi hay sự từ bỏ, hay sự sùng tín mạnh mẽ và trong sáng – tất cả đều có một kinh nghiệm về “vị” đi theo, cùng với các chi tiết bổ sung về thân và khẩu. Các kinh nghiệm này là khí prana, đi qua miệng. Có sự nguy hiểm của sự làm mồi cho chấp ngã, thế nên trọng yếu là bao trùm chúng với điểm then chốt. Với thái độ hiểu biết rằng chúng là các kinh nghiệm tạm thời duyên khởi từ tâm nhị nguyên, hãy nhìn vào yếu tính của từng cái. Duy trì trong sự liên tục nhìn thấy ấy mà không trụ vào sự khó khăn cũng không tham đắm. Thế rồi các kinh nghiệm này hiện ra như là yếu tính của tánh Giác bất nhị. Hãy hộ trì sự liên tục này mà không bám níu hay nuôi dưỡng các kinh nghiệm tạm thời. Nếu con cảm thấy một kinh nghiệm phấn chấn, phải cắt tức thời sự bám níu ấy. Nếu con cảm thấy như muốn khóc vì tâm bi mạnh mẽ dâng trào trong con, phải hiểu rằng điểm then chốt của cái thấy là nhận ra tánh Giác. Chớ buông thả trong việc kinh nghiệm mùi vị của nó, mà chỉ duy trì trong sự liên tục. Kinh nghiệm có thể là một biến hiện ảo huyễn của một tinh linh gyalpo. Để cho con không đắm mình trong sự nuôi dưỡng một hồn linh huyền ảo, ta sẽ dạy con các chỉ dạy cốt lõi về cách dùng các kinh nghiệm gây chướng ngại như là những giúp đỡ cho định. Bất kỳ cái gì xảy ra – bệnh tật, đau đớn, nhói tim, hay mệt mỏi cùng cực – hãy hiểu nó chỉ là một kinh nghiệm nhất thời. Chớ ngã lòng hay xem nó như là một sự không may. Hãy để cho đối tượng được cảm nhận và tâm đang cảm nhận xảy ra tự nhiên và được giải thoát. Chớ nhìn chúng như xấu hoặc tốt, mà để chúng tự nhiên sanh khởi và được giải thoát khỏi chúng. Bây giờ ta sẽ giải thích làm thế nào nâng cấp các kinh nghiệm này để chúng siêu vượt khỏi giúp đỡ hay làm hại. Ở trong thức nền tảng a lại da, hiện tượng của sanh tử hay Niết bàn nằm yên hiện diện tự nhiên trong hình thức của các hạt giống. Trong thân Kim Cương, chúng hiện tồn như là các chủng tự-kinh mạch và tâm-prana. Bởi thế, khi con nhận ra khuôn mặt bổn nhiên của trạng thái chân thực và thực hành trong khi vẫn áp dụng các điểm then chốt của định, thì các thắt nút kinh mạch được cởi mở, tâm-prana được sáng tỏ, tập khí được tịnh hóa, và con nắm được sự bắt đầu của những phẩm tính giác ngộ. Như thế, một số các kinh nghiệm của sanh tử và Niết bàn sanh khởi ra. Nếu các khí prana tìm ra một lối mở, chúng sẽ tuôn vào đó. Nếu con tạo ra một ý niệm, các ma sẽ hiện ra. Nếu con bỏ mặc các kinh nghiệm với sự thản nhiên, chúng sẽ không trở thành các phần tử của con đường. Hãy hiểu rằng các thứ xảy ra này là những kinh nghiệm tạm thời. Chớ nhìn bất cứ cái gì như là một lầm lỗi. Chớ nhìn bất cứ cái gì như một là đức hạnh. Tự do với hy vọng, sợ hãi và nghi ngờ, tu hành trong sự để cho kinh nghiệm tạm thời khởi sanh tự nhiên và được tự nhiên giải thoát. Trong cách này, mọi kinh nghiệm trở thành các sự nâng cấp, các sự làm mạnh thêm. Vào những lúc thực hành ẩn cư, có khi tâm được mềm dẻo, có sự tiến bộ trong tu hành tâm linh và thiền giả hứng khởi với các bài hát êm đềm. Có khi tâm không thuần thục được, tu hành tâm linh giảm sút, chú tâm bị tán loạn, và thiền giả cảm thấy khốn khổ sâu xa. Một số kinh nghiệm cao và thấp khởi sanh vào lúc tách lìa sanh tử và Niết bàn. Thay vì cảm thấy thất vọng hay kiêu hãnh, hãy giữ mình vào điểm then chốt là để sự vật xảy ra tự nhiên mà không dính mắc, như thế con sẽ có thể đem chúng vào con đường. Hãy hoàn thành sự thực hành nhập thất không mệt mỏi và không lạc vào phóng tưởng ; thế rồi thứ gì cũng sẽ là một trợ đạo. Thứ hai, để tịnh hóa chướng ngại của bệnh tật và đau đớn của thân, có năm điểm : căn cứ nơi đó bệnh tật trú ẩn, nguyên nhân để cho bệnh tật xảy ra, các hoàn cảnh làm nó hoạt động, các hậu quả chín mùi của nó, và cách thức chữa lành nó. Thứ nhất, bệnh tật tiềm ẩn trong thức nền tảng, trong cách thức cấu tạo của các kinh mạch và bởi các thói quen tập khí. Nó xảy ra vì nghiệp xấu tích tập qua vô minh và chấp ngã. Nó được hoạt động bởi phiền não, tư tưởng, ý niệm danh tướng, khí prana, hay thần và quỷ. Hậu quả chín mùi của nó là 404 loại bệnh, dẫn đầu là nhiệt và hàn, đờm dãi, đau và sưng. Tóm tắt, bệnh tật vô minh câu sanh là nhân chính và bệnh tật vô minh của thức tạo thành ý niệm là duyên chính. Mọi bệnh tật có năm tác nhân : nền tảng tiềm ẩn, nghiệp xấu như là nhân, phiền não như là duyên, tư tưởng ý niệm như là xâu chuỗi liên kết, khí prana như là cái tập hợp quy kết và thần và quỷ là tác nhân phụ trợ. Ví dụ, nếu một bệnh hàn biểu lộ, nó được gây ra bởi tập khí tham ngủ ngầm trong thức nền tảng, và được hoạt động bởi duyên là tham muốn mãnh liệt. Xâu chuỗi liên kết được làm bằng tư tưởng ý niệm “Tôi bị bệnh ! Tôi yếu rồi ! Tôi sẽ làm gì nếu nó tệ hơn ?” Điều này làm cho ‘khí đi xuống làm sạch’ bị lũng đoạn, mở ra cho sự tấn công từ loài âm của các thế lực xấu. Tương tự, hạt giống của sân như là nhân được hoạt động qua duyên là sân mãnh liệt liên kết với xâu chuỗi của tư tưởng ý niệm. Điều này làm cho khí quân bình hỏa bị lũng đoạn, mở ra cho sự tấn công từ loại dương của các thế lực xấu, tạo thành các bệnh nhiệt. Hạt giống của si như là nhân được hoạt động bởi nhân là ngu si nặng nề, liên kết với xâu chuỗi của tư tưởng ý niệm. Điều này làm cho ‘khí an trụ quân bình’ bị lũng đoạn, mở ra cho sự tấn công từ các ‘hồn linh của đất’ ác xấu. Nó sanh ra bệnh đờm dãi. Hạt giống của ghen ghét như là nhân được hoạt động bởi duyên là sự ghen tuông mạnh mẽ, liên kết với chuỗi của tư tưởng ý niệm. Nó làm cho “khí bổ trợ cho sự sống” bị lũng đoạn, mở ra cho sự tấn công từ loài tsen của các thế lực xấu, sanh ra bệnh đau đớn. Hạt giống của kiêu mạn như là nhân được hoạt động bởi duyên là sự kiêu căng mãnh liệt, liên kết với chuỗi tư tưởng ý niệm. Nó làm cho “khí đầy khắp” bị lũng đoạn, mở ra cho sự tấn công của loài gyalpo của các thế lực xấu và sanh ra bệnh sưng. Vì nguyên nhân là vô minh, con phải nhận biết trí huệ câu sanh để chữa các bệnh này. Vì điều kiện là phiền não, con phải đặt sự chú tâm vào tính bình đẳng. Vì mối liên kết là tư tưởng ý niệm, con phải cắt đứt sự trói buộc của tư tưởng. Vì tác nhân gom góp của sự kết thành là khí, con phải chú tâm vào điểm then chốt của khí. Sự nâng đỡ đằng sau là thần và ma quỷ : con phải từ bỏ ý niệm về ma quỷ. Bằng cách làm thế con sẽ thoát khỏi mọi loại bệnh tật. Để chữa lành tính chất của đau ốm có ba điểm : tốt nhất là để cho nó được vốn tự giải thoát ; tốt tiếp theo là từ bỏ những điểm quy chiếu liên hệ đến sự trừ tà hay thiền định ; cuối cùng là chữa bằng quán tưởng. Với cái thứ nhất, chớ dùng ngay cả chỉ một liều thuốc. Chớ tụng hát một âm nào của lễ chữa bệnh. Chớ nhìn đau ốm như là một lỗi lầm, hay nhìn nó như một đức hạnh. Để cho tâm con không tạo tác và tự nhiên. Hoàn toàn buông xả trong trạng thái vô niệm tự nhiên của tính đơn giản. Làm thế, dòng ý nghĩ danh tướng bị cắt đứt ; tánh Giác tự do với tư tuởng hiện lên, và đau ốm được sạch mất. Sự đau ốm và tư tưởng được giải thoát đồng thời. Nói thế nghĩa là, trong thời các sơ khởi, chớ theo đuổi sự đau ốm. Trong thời chính phần, chớ trau dồi sự đau ốm. Trong thời kết thúc, chớ trụ vào cảm giác đau ốm. Qua đó, con sẽ cởi mở đau ốm cũ và không bị làm hại bởi đau ốm mới. Với cái thứ hai, trừ tà hay thiền định, có ba phần : chuyển hóa đối thủ, cắt trực tiếp và làm quân bình. Thứ nhất, nhìn đau ốm với lòng biết ơn, nghĩ đi nghĩ lại : “Tuyệt vời biết bao, nhờ vào ngươi, đau ốm, mà ta có thể cắt đứt con quỷ ý niệm !” Để cho tâm con được hân hoan ; dùng các thực phẩm làm chướng ngại đau ốm và hành đôïng trong cách ngược lại đối với nó. Tiếp theo, ăn một ít chất thơm đặc còn tươi, còn ấm nhưng không hấp. Uống một ít chất thơm lỏng nồng và ấm. Bằng cách thiền định về khí prana, căn bệnh trong phần trên thân bị trục xuất ra ngoài, và căn bệnh trong phần dưới bị xổ thoát ra. Tiến trình làm lành bệnh này là y khoa của sự cắt đứt. Thứ hai, để cắt đứt trực tiếp, hãy biểu lộ một bộ mặt rạng rỡ và dừng lại sự thở than. Về tâm thức, cắt trực tiếp các lo lắng, hy vọng và sợ hãi khi nghĩ rằng : “Tôi đang đau ốm, hay nếu tôi chết, tôi sẽ phải làm gì ?” Với sự dửng dưng toàn diện, hãy ném xa các lo lắng này. Thứ ba, để làm cân bằng, con phải dùng sự bất hạnh như con đường của con ngay khi nó khởi ra. Làm sáng tỏ sự tỉnh giác của con và tự nhớ đến thực hành tâm linh. Chớ thiền định về một quán tưởng để đối trị với đau ốm và chớ áp dụng bất kỳ lễ nghi chữa bệnh hay thuốc thang gì, mà hãy nhìn vào cái người cảm thấy bệnh ! Bằng cách ở trong trạng thái liên tục này, khi một kinh nghiệm xảy ra, nó tự tan biến mất, và khi sự chứng ngộ xảy ra, nó hiện lên như là tánh Giác trống không. Ít ra con sẽ không phải khốn khổ vì ý tưởng cảm thấy đau ốm. Cuối cùng, để chữõa lành bằng cách quán tưởng, hãy phát sanh Bồ đề tâm, dùng thế ngồi kiết già và quán tưởng chính mình như là hóa thần bổn tôn. Tưởng tượng một chữ HUNG xanh đậm trong trung tâm trái tim, cỡ bằng hạt lúa mạch. Nếu bệnh nhiệt, tưởng tượng một chữ HUNG màu trắng cỡ bằng hạt lúa mạch khởi từ chữ HUNG trong trung tâm trái tim và xoay vòng xuyên qua phần trên của thân. Nó hoàn toàn rút ra hết các bệnh tật, giống như một cục nam châm hút các cây kim. Thoát lên từ đỉnh đầu con, nó tan biến vào không gian. Quán tưởng như thế, rút khí lên phía trên. Nếu là bệnh hàn, tưởng tượng một chữ HUNG màu đỏ cỡ bằng hạt lúa mạch xuất hiện từ chữ HUNG trong trung tâm trái tim và xoay vòng xuyên qua phần dưới thân. Thoát ra qua cửa phía dưới, tưởng tượng rằng nó biến mất vào trung tâm trái đất. Nếu con đau trong tay và chân, như nóng hay sưng, quán tưởng một chữ HUNG màu đen ở chỗ đau. Tưởng tượng rằng nó gom cái đau lại và rời khỏi qua chỗ nóng hay ra ngoài qua đầu ngón tay. Đối với bệnh không chẩn đoán được, tưởng tượng rằng một chữ HUNG xanh đậm xuất hiện từ chữ HUNG trong trung tâm trái tim. Nó gom lại tất cả bệnh tật khắp thân và tan biến vào không gian sau khi ra qua lỗ mũi. Tổng quát, khi ở trong tính bình thản, tâm con hoàn toàn trở thành tinh chất của vô niệm. Con phải buông bỏ mọi lưu tâm và thoát khỏi nghi ngờ và do dự về cái được tẩy trừ hay quán tưởng. Sự quán tưởng và tâm con phải là một. Điều quan trọng là nương dựa và tập trung vào ba điểm này. Bây giờ làm sao để tống xuất chướng ngại của một tâm trí chứa chấp những tư tưởng về thần và quỷ. Khi con đã có những kinh nghiệm thường xuyên, nhờ vào sự liên kết giữa cấu trúc của các kinh mạch và sự chuyển hướng của dòng tư tưởng,(18) con sẽ bị tấn công bởi các trò biến hiện huyễn hoặc của các năng lực gọi là ma quỷ và cảm thấy nghi ngờ. Khi tư tưởng sợ hãi và khủng khiếp khởi lên, nhận chân chúng một cách nhanh chóng và đưa chúng vào con đường. Nếu con để chúng chạy rông hay rơi vào quyền lực của chúng, chúng sẽ trở thành một cản trở cho sự tu hành của con. Hơn nữa, trừ phi con nắm được mọi thứ chướng ngại cao hay thấp để dùng như con đường của mình, còn không nó sẽ trở lại với sức mạnh phát triển hơn và trở thành một cản trở cho tu hành. Thật cần yếu dùng các chướng ngại như con đường. Căn bản, để vượt qua sự nhiễm ô nguy hiểm của ý nghĩ mình, phải đem các chướng ngại vào con đường. Các kinh nghiệm về các năng lực xấu hay trò biến hiện huyễn hóa đều được kinh nghiệm trong tâm lầm lạc của con. Thật sự không có “thần” hay “quỷ”û nào ở ngoài con. Ngay khi con kinh nghiệm các năng lực xấu và các trò biến hóa, hãy áp dụng điểm trọng yếu là hiểu rằng chúng không có thực thể nào cả vì chúng không có sanh, trụ và diệt. Khi nào một sự tấn công ảo hóa xảy ra, hãy ngồi thiền, giữ thẳng cái nhìn và nhìn vào bản chất của nó. Rồi tư tưởng hiện lên như tánh giác trống không. Ngay lúc ý nghĩ con chuyển thành tánh Giác trống không, con có sự can đảm tự tin nó cắt đứt hoàn toàn sợ hãi và khủng khiếp. Ngay nếu lũ Ma bao quanh con như một đạo quân, chúng sẽ không thể làm động một sợi tóc trên thân con ; cũng chẳng thể tạo ra cản trở nào. Giữ sự tự tại của ý nghĩ rằng : “Tôi không thể bị hại bởi bất kỳ cản ngại nào !” Nhút nhát nghĩ rằng : “Không biết tôi có gặp trở ngại nào nữa không ?” chỉ tạo ra sự chào mời cho ma quỷ. Mọi kinh nghiệm về quỷ thần đều chính là ý nghĩ danh tướng của con kết thành hình thể. Chúng không có ngay cả một vi trần hiện hữu ngoài (chính tâm con). Hãy cắt đứt dòng tư tưởng ý niệm ! Hãy đem cho các uẩn của con như quà biếu cho một bữa tiệc ! Cho phứt thân con như là thức ăn ! Hãy vứt bỏ chấp ngã ! Áp dụng điểm trọng yếu và thực hành ! Bây giờ, làm sao để trừ sạch những chướng ngại của ô nhiễm tức thời (drib) : con trở thành ô nhiễm do sự gặp gỡ hay chia phần với các bạn bè họ đã xâm phạm lời thệ nguyện samaya của họ, làm hư giới luật hay mắc vào những việc làm xấu ; do tiếp xúc với người bệnh cùi, người mà vợ hoặc chồng vừa mới chết, hay người có trí óc quỷ quái ; hay do ở trong một ngôi nhà có ác nghiệp, có ma quỷ, có kẻ thù, hay sự xấu xa về đạo đức. Con trở nên nhơ bẩn khi ăn thức ăn có được qua sự thù địch, hay từ đạo đức xấu, từ ác nghiệp. Thân thể con bèn khó chịu, định bị yếu đi, và các hộ pháp không bằng lòng. Dấu hiệu các samaya và giới luật của con bị tổn hại là nằm mơ thấy bị rơi xuống, hay đi xuống. Khi dơ bẩn bởi bạn bè, con mơ thấy các chúng sanh bị bôi dơ bằng thứ ô uế của người khác. Khi dơ bẩn bởi chỗ ở, con mơ thấy đi vào một căn phòng dơ dáy. Khi dơ bẩn bởi thức ăn, con mơ thấy đang ăn thứ dơ bẩn. Cách tốt nhất để sửa chữa điều này là bằng sự quán đảnh và sadhana ; tốt tiếp theo là bằng thần chú đà ra ni ; và tốt thứ ba bằng các lễ tẩy tịnh. Bằng mọi cách hãy cố gắng tốt nhất để trừ sạch ô nhiễm. Tsogyal lại hỏi : Xin chiếu cố, thưa đại sư. Làm thế nào một thiền giả có được sự nâng cấp, sự tăng tiến qua việc trừ khử các chướng ngại ra khỏi con đường ? Đạo sư trả lời : Tsogyal, phát sanh sự nâng cấp, tăng thêm trên con đường có ba điểm : bỏ đi các lỗi lầm ngăn chặn sự nâng cấp, đặt nền móng cho sự nâng cấp, và nỗ lực trong các phương pháp cho sự nâng cấp xảy ra. Thứ nhất, gốc rễ của các lỗi không gì khác hơn là chấp ngã, cái thái độ của sự trụ trước sai lầm, thế nên hãy cắt đứt các ràng buộc của chấp ngã. Ném xa sự trụ tâm vào kẻ thù hay bè bạn ! Hãy bỏ những mối quan tâm trần thế ! Từ bỏ các theo đuổi vật chất ! Dấn thân vào không gì khác hơn Pháp từ cốt lõi của lòng mình ! Đúng như một hạt giống không thể tăng trưởng trên đá, sẽ không có sự tăng tiến nào nếu không bỏ đi lỗi lầm chấp ngã. Bởi thế, con hãy từ bỏ gốc rễ của mọi tội lỗi là chấp ngã. Thứ hai, để đặt nền móng cho sự nâng cấp, kiên trì trong bất cứ con đường gì con đã đi vào và cố gắng hiển lộ vài phẩm chất. Dấn thân vào nhiều thực hành mà không tu tập một thứ sẽ không mang đến kết quả. Hãy hiểu điểm then chốt đi vào và ra khỏi con đường : đi vào trong bất cứ con đường nào mà con có kinh nghiệm và ra khỏi các thứ thực hành khác ! Chú tâm hoàn toàn cho đến khi con ổn định trong thực hành đó. Con không thể nắm được một con đường cao hơn nếu không dựa vào một con đường ở dưới. Tu tập như thế, giống như trồng những hạt giống tốt trên đất màu mỡ, con sẽ có được kinh nghiệm, thấy ra yếu tính của con, và tiến bộ. Tóm tắt, sự tu hành mãnh liệt là căn cứ cho các phẩm chất xuất hiện. Thứ ba, về phát sanh sự nâng cấp, có hai điểm : nâng cấp con đường đặc biệt mà con đang đi và nâng cấp kinh nghiệm và chứng ngộ mới khởi. Nếu con không có tiến bộ nào khi thực hành một lời dạy về phương tiện (upaya), thì những phương tiện đã trở nên một chiều do vì bám trước vào tướng và các thuộc tính. Hãy làm nảy sanh sự nâng cấp bởi trí huệ (prajna), khi hiểu rằng mọi hiện tượng đều vô tự tánh. Nếu con không tiến bộ khi thực hành một lời dạy về trí huệ (prajna), thì trí huệ đã trở thành một khuyết điểm bởi vì sự bám trước một chiều vào tánh Không. Hãy chú tâm vào điểm then chốt “nhân quả” và làm nảy sanh sự nâng cấp qua các lời dạy về phương tiện thiện xảo (upaya). Cùng cách ấy, không tiến bộ khi thực hành shamatha (chỉ) là vì lỗi không hiểu trạng thái bổn nhiên. Làm sanh sự nâng cấp nhờ vào vipashyana (quán), sự nhận ra trạng thái chân thật. Không tiến bộ khi thực hành quán là do khuyết điểm thời gian an định quá ngắn ngủi. Hãy làm nảy sanh sự nâng cấp nhờ chánh niêïm vững chắc và chỉ. Cũng thế, hãy hiểu nguyên lý đồng đẳng này (chỉ và quán) với mọi loại trạng thái của thiền định và sau thiền định. Đây là điểm then chốt để làm nảy sanh sự nâng cấp, tăng tiến trong mọi loại thực hành hàng ngày. Thứ hai, để nâng cấp cái mới sanh (kinh nghiệm và chứng ngộ), có sự nâng cấp qua phiền não và sự nâng cấp qua tư tưởng ý niệm. Đối với cái thứ nhất, không có ai không có phiền não, nhưng nếu con lạc vào sự bám chấp sâu nặng, các xúc động sẽ không trở thành phần tử của con đường. Con phải nhận ra chúng và dùng chúng như con đường. Đối với điều này, có ba điểm : các khuyết điểm khi không làm được như vậy, các phẩm chất tốt đẹp khi làm như vậy và cách làm điều đó. Thấy người nào hay phi nhân nào đẹp, tâm con bị choáng váng (vì tham muốn). Các khuyết điểm là vì tham muốn tăng lên, con tạo ra nghiệp xấu, bị bệnh hàn, bị tấn công bởi các lực lượng âm xấu xa došn, và trong tương lai bị thai nghén trong tử cung. Như thế chắc chắn con sẽ bị thuộc vào vòng nghiệp quả. Các phẩm chất tốt đẹp là con có thể thu hút, hấp dẫn người và phi nhân như con muốn, làm nảy sanh định của tánh Không lạc phúc, thoát khỏi bệnh hàn, được các loài bảo vệ giới nữ đi theo và cuối cùng tái sanh ở cõi Cực Lạc. Khi con cảm thấy ham muốn mạnh mẽ, nó có thể được dùng như con đường tại ngay chỗ ngồi này, trong cùng thời công phu này. Chớ ném hòn đá vào mũi con heo !(19) Hãy chùi sạch ngọn nến khi nó còn nóng ! Hãy giết kẻ thù của con khi con bắt được hắn ! Trước tiên, hãy để cho ham muốn tăng đến mức đầy đủ của nó. Rồi, trước khi gây ra bất cứ nghiệp gì, hãy đem nó vào con đường. Vì chính tâm con làm vững chắc sự ám ảnh của ham muốn, khi nhân dạng của tâm thái này hiện lên như tánh Giác bị méo mó, sự trùng hợp tốt đẹp được hình thành trọn vẹn. Nếu không có cái nền tảng tánh Giác bổn nguyên này, ham muốn không thể trở thành con đường ; cũng như một sự phản chiếu không thể thấy được trừ phi tấm gương hết bẩn. Sức mạnh của phiền não phát triển hoàn toàn. Khi cảm xúc được kinh nghiệm trong trạng thái của tánh Giác bổn nguyên, không nghiệp nào được tạo ra. Nó được đưa vào con đường mà không cắt đứt nó với bất kỳ tư tưởng nào khác, giống như hòn đá của triết gia. Cách hiện thực để đem nó vào con đường là nhìn vào nhân dạng của ham muốn và để nó trong trạng thái bổn nhiên. Thế rồi nhân dạng của nó hiện lên sống động như là tánh Giác vô niệm trong đó Lạc và Không thì bất nhị. Thêm nữa, khi con tu hành như thế, hãy đem ham muốn vào con đường nhờ vào từ, bi và Bồ đề tâm. Trước tiên, hãy vận hành Bồ đề tâm ; tiếp theo, thoát khỏi mọi tạo tác của tâm thức ; và cuối cùng, hãy niêm phong bởi sự hồi hướng. Bằng cách vận hành Bồ đề tâm, xúc động của con trở thành con đường của sự giác ngộ. Bằng cách ở yên trong một trạng thái không tạo tác, chứng ngộ sanh ra. Và bằng cách niêm phong với hồi hướng, đức hạnh được hoàn mãn. Hãy tu hành không phóng tâm theo cách này với mỗi trạng thái tư tưởng, từ lúc nó nảy sanh cho đến khi nó được đem vào con đường. Chớ bị ngắt bởi các tư tưởng khác từ khi vận hành Bồ đề tâm đến lúc niêm phong với sự hồi hướng : nếu con bị ngắt quãng, nó không trở thành con đường. Cũng cùng điểm then chốt như thế trong trường hợp các xúc động khác như giận dữ, mờ tối, kiêu căng, ghen ghét. Hãy đem chúng không xao lãng vào con đường ; thế rồi để cho nhân dạng hiện lên như tánh Giác bổn nguyên. Hãy để cho chúng phát triển đầy đủ sức mạnh mà không tạo một nghiệp mới nào. Thứ hai, nâng cấp, tăng tiến qua suy nghĩ ý niệm, có hai phần : tư tưởng tốt và tư tưởng xấu. Loại thứ nhất là khi con có “một kinh nghiệm tốt” tạm thời về các trạng thái phấn khởi của tâm, nhận một sự báo trước của một hóa thần, hay có những dấu hiệu tốt lành nổi bật. Rồi con xem cái sự xảy ra đó như là điều gì tuyệt hảo, ngắm nghía các phẩm chất tốt của chúng, thưởng thức hương vị của chúng. Nếu con cố gắng phát triển kinh nghiệm, nó biến mất. Nếu con thản nhiên với nó, thì không có sự nâng cấp. Để làm sanh ra sự nâng cấp, chớ buông thả trong một trạng thái tư tuởng “tốt”, chớ bám níu nó như là một phẩm chất tốt, và chớ nếm hương vị của nó. Điều con nhìn như là “tốt” chỉ đến từ tâm con. Dùng phương pháp đã giải thích ở trên, đem nó vào con đường mà không bị xao lãng bởi các tư tưởng khác, cho đến khi nhân dạng của chúng hiện lên như tánh Giác bổn nguyên. Loại kia là các kinh nghiệm không mong muốn, sự khuấy động của trí óc, hay một sự tấn công ảo hóa của ma quỷ. Thông thường con nhìn các trường hợp này như thứ gì tiêu cực, xem chúng như là lỗi lầm, và nếm hương vị của chúng : làm thế, chúng trở thành chướng ngại. Chớ chối bỏ tư tưởng xấu, chớ nhìn chúng như là tai hại, chớ buông thả trong chúng. “Xấu” chính là sự sáng tạo ảo hóa của tâm con. Hãy đem nó vào con đường như đã tả ở trên, cho đến khi nhân dạng của chúng hiện lên như tánh Giác bổn nguyên. Các chủ đề đến điểm này là những thứ cần thiết trọn vẹn cho con đường của một thiền giả. Bây giờ, về quả của sự thành tựu con đường, có bốn điểm. Thứ nhất là cách làm việc cho lợi lạc của chúng sanh ; thứ hai là cách tâm trí huệ tồn tại ; thứ ba là cách nhìn những người cần được hóa độ qua tâm đại bi ; và thứ tư là sự bác bỏ các tà kiến về người khác. Thứ nhất, khi các nhiễm ô che tối con đường đã được làm sạch, con chứng ngộ trạng thái bổn nguyên vốn sẵn. Điều này có bốn phương diện : ý nghĩa, dấu hiệu, nhân dạng và cách biểu lộ. Năm thân là nền tảng, năm đường lối của ngữ truyền thông sự hiểu biết ; năm đường lối của tâm là không ý niệm ; năm phẩm chất làm tròn đủ các nhu cầu ; và năm hoạt động chúng vận hành cho lợi lạc của người khác. Thứ nhất là năm thân. Pháp thân (Dharmakaya) thì vô sanh, thanh tịnh và vô ngại, và hoạt động như là nền tảng của bốn thân trí huệ. Báo thân (Sambhogakaya) là tánh giác bổn nguyên của các phẩm chất viên mãn (sam) nó hưởng thụ (bhoga) sự đa thù của hiện tượng mà không trụ. Nó hoạt động như là nền tảng của các xuất hiện hóa thân. Hóa thân (nirma-rakaya) hóa hiện (nirmana) một cách huyễn ảo phù hợp với tính khí của những người cần hóa độ, mà không rời lìa Pháp thân. Nó hoạt động như là nền tảng cho các phẩm chất trí huệ chúng được phô diễn trong bất cứ cách nào cần thiết cho những người cần được hóa độ. Vajrakaya (kim cương thân) là tánh Giác bổn nguyên ; tánh Không và tánh Giác không thể phân chia nó biểu lộ tánh Như. Abhisambodhikaya là tính không sợ, vô úy, không phân chia, thường hằng trong yếu tính. Nó tự nhiên thấu hiểu mọi hiện tượng như là tánh Giác bổn nguyên, vô sở trụ, thông tỏ tự nhiên. Thứ hai là năm cách của ngữ. Ngữ tối hậu của Pháp thân, cái được biểu lộ, là tánh Giác thanh tịnh rốt ráo nó làm nền tảng cho mọi tư tưởng và diễn tả. Ngữ tượng trưng có định hướng của Báo thân là tánh Giác bổn nguyên truyền thông ý nghĩa bằng cái nhìn thấy hình tướng. Lời nói của Hóa thân là tánh Giác bổn nguyên nó truyền thông với sáu loại chúng sanh nhờ sáu mươi phương diện của tiếng nói du dương. Nó đem đến sự hiểu biết cho ý nghĩa mỗi chữ trong kinh nghiệm của người được giáo hóa. Ngữ của trí huệ kim cương là tánh Giác bổn nguyên truyền thông sự hiểu biết về tánh Không bất nhị có thể nghe được. Ngữ abhisambodhi của sự giác tự nhiên thông tỏ là tánh Giác bổn nguyên nó thấu hiểu mọi âm thanh là tánh Giác và nó soi sáng ý nghĩa qua các ban phước chứa đủ trí huệ có năm khía cạnh Ngũ Trí của tâm. Thứ ba là năm đường lối của tâm giác ngộ. Tâm của đại lạc là tánh Giác vô niệm của bản tánh Không vốn sẵn đủ. Tâm của vô niệm là tánh Giác bổn nguyên nó nhận biết mà không danh tướng hóa hiện tượng. Tâm của tính bình đẳng là tánh Giác bổn nguyên của tánh bất nhị của mọi hiện tượng. Tâm Kim cương là tánh Giác bổn nguyên trong nó mọi hiện tượng là sự bất nhị của hình tướng và tánh Không. Tâm giải thoát chúng sanh hoạt động vì sự lợi lạc cho các chúng sanh nhờ bốn hoạt động không vướng mắc. Thứ tư, năm phẩm chất là cõi, cung điện, tia sáng, ngai và đồ trang sức. Cõi của Pháp thân là hư không vốn thanh tịnh của pháp giới. Cõi của Báo thân là “luân xa ánh sáng” của quang minh bổn nhiên. Cõi của Hóa thân là thế giới Ta Bà nghìn tỷ. Cung điện đối với Pháp thân là pháp giới của Akanishtha ; đối với Báo thân là tánh Giác bổn nguyên của kinh nghiệm cá nhân ; và đối với Hóa thân nó là mạn đà la nảy sanh từ kinh nghiệm cá nhân. Các tia sáng đối với Pháp thân là các tia hào quang của năm trí huệ. Đối với Báo thân, chúng là sự chói sáng tự nhiên của trí huệ nó soi sáng với ánh sáng năm sắc. Có dạy rằng hóa thân có 60 tỷ tia sáng chiếu từ mỗi phần của thân thể. Về đồ trang sức, Pháp thân có đồ trang sức của sự thanh tịnh vô sanh. Báo thân có đồ trang sức của sự thông tỏ tự nhiên bất đoạn, các tướng chánh và phụ siêu phàm, mười trang sức tượng trưng : vương miện, khuyên tai, chuỗi hạt dài và ngắn, vòng đeo tay, hai vòng cổ tay và hai vòng cổ chân, một chuỗi đeo cổ dài. Đồ trang sức của hóa thân là 32 tướng chánh và 80 tướng phụ thông thường. Các phẩm chất của thân Kim cương và thân Abhisambodhi không được đề cập đến. Năm hoạt động là : làm yên nghiệp và phiền não ; làm tăng thêm tuổi thọ, công đức và trí huệ ; thu hút tâm, sự tỉnh giác và mọi hiện tượng của sanh tử và Niết bàn ; trừ khử bất cứ thứ gì ách tắc ; và hành động trực tiếp nó chứng ngộ trạng thái bổn nhiên. Bây giờ, về cách hành động cho sự lợi lạc của chúng sanh, có ba phương diện : hành động với một chỗ nương dựa, hành động không có một chỗ nương dựa và hành động bằng bản tánh. Hành động với một chỗ nương dựa nghĩa là hoạt động cho lợi lạc của chúng sanh trong sạch qua Báo thân và cho các chúng sanh không trong sạch qua Hóa thân với căn cứ là tánh Giác Vô nhị của Pháp thân. Đây là cách xác định rằng trí huệ là có mặt. Hành động không có một chỗ nương dựa nghĩa là hoạt động cho lợi lạc của chúng sanh bằng cách xuất hiện như hai sắc thân ở trong tri giác của người được hóa độ, dù cho trạng thái giác ngộ của Phật tánh không có cái trí huệ bị giới hạn trong một cá thể vật chất. Đây là đường lối xác định rằng trí huệ là vắng mặt. Hoạt động cho lợi lạc của chúng sanh bằng bản tánh nghĩa là hoạt động qua sự biểu lộ của bản tánh bổn nhiên của mọi sự nó là “không có gì cả” và tuy nhiên hiển lộ trong bất kỳ cách gì có thể. Đây là đường lối của tính bất nhị (của hai lối trên). Để giải thích thêm, ‘người hành động’ là năm thân hiện diện tự nhiên gọi là Vajradhara. Năm thân này chỉ là sự phân chia của các phẩm tính ; chúng không phải là năm thực thể cụ thể, riêng biệt. Thân Kim cương và thân Abhisambodhi là tên để gọi các phương diện của ba thân, trong khi Pháp thân, Báo thân và Hóa thân là các thân hiện thực. Pháp thân là phương diện của sự chứng ngộ cho sự lợi lạc của chính mình, không hành động cho lợi lạc của chúng sanh. Nhưng hai sắc thân hành động cho phúc lợi của người khác. Điều này nghĩa là báo thân hành động cho các chúng sanh trong sạch như là các Bồ tát của thập địa, trong khi Hóa thân hành động cho lợi lạc của sáu loại chúng sanh bất tịnh. Hoạt động vị tha trong những đường lối bất khả tư nghì là những căn cứ của mười hai công hạnh của Pháp thân, sáu thần thông của tâm, và bốn vô lượng tâm. Các đường lối hoạt động, khi chia ra là mười hai phương diện của ngữ tối thượng ; khi cô đọng lại, chúng là ba tạng kinh điển ; khi xem là phương thuốc, chúng là sự tịnh hóa chữa lành ; và khi xem theo nhân và quả, chúng là các thừa của Mật và Giáo. Chư Phật thường trụ như là trạng thái căn bản của tâm trí huệ, nó là sự không thể phân chia của hai đế (chân đế và tục đế), không rơi vào bất cứ thiên lệch nào, và tự do khỏi đồng và dị. Quả tối hậu là chứng ngộ và an trụ trong tánh Giác bổn nguyên vốn không chia biệt với tâm trí huệ toàn giác của các bậc giác ngộ, không trụ trong bất cứ biên cực nào, tự do khỏi ít và nhiều, và siêu việt đồng và dị. Trạng thái căn bản của tâm trí huệ này vượt ngoài đơn nhất, vì 25 thuộc tính của quả biểu lộ từ các phương diện các phẩm tính của Phổ Hiền. Nó vượt ngoài đa thù, vì sự biểu lộ của 25 thuộc tính này của quả đều được chứa đựng trong tánh Giác tự hữu đơn nhất của tâm Phổ Hiền. Hơn nữa, (tâm trí huệ) thì vượt ngoài đơn nhất bởi vì nó xuất hiện như là chư Phật của ba thân trong tri giác của những người được hóa độ. Nó cũng vượt ngoài đa thù vì chúng là các thực thể thực sự, có chất, nhưng là một trong tánh Không và không có bản ngã. Nếu tâm trí huệ là thực sự đơn nhất, thì sự chuyển hóa của các trạng thái tư tưởng sẽ là giả ; nếu nó thực sự là các thực thể khác biệt, thì một vị Phật sẽ không biểu lộ trong các hóa hiện vô số. Bởi thế nó thường trụ, thoát khỏi đồng nhất hay dị biệt. Cách nhìn những người cần hóa độ và sự bác bỏ tà kiến là như sau. Cái được thấy là các tính khí của những chúng sanh cần hóa độ. Cái nhìn thấy là đại bi của Phật pháp. Cách nhìn có ba phần : trí huệ thấu suốt (bản tánh của sự vật) thấy rằng mọi hiện tượng không sanh khởi. Trí huệ thấu suốt mọi hiện hữu thấy rằng mọi hiện tượng là không diệt mất. Trí huệ thấu suốt tánh bất nhị thấy rằng mọi hiện tượng là bất nhị. Bây giờ ta sẽ bác bỏ các tà kiến về người khác.(20) Hãy xem xét điều này : các đối tượng được thấy, các hình tướng tính khí của chúng sanh, có hiện hữu trong kinh nghiệm của một vị Phật không ? Nếu chúng hiện hữu, các kinh nghiệm lầm lạc ấy phải là các thực thể có thật bởi vì chúng xuất hiện trong một kinh nghiệm chân thực. Bởi thế, chúng phải rốt ráo là giả. Nếu chúng không hiện hữu, thế là tri giác của một vị Phật phải sai lầm bởi vì thấy một cái gì không có. Điều này giống như nhãn thức nhận ra hai mặt trăng bởi vì nhìn các thực thể hiện hữu một cách chấp chặt.(21) Vì điều này nhất thiết không xảy ra, nên hai chân lý là rốt ráo không thể phân chia. Emaho ! Mười hai Thiên Nữ Tenma, hãy giữ gìn giáo lý này ! Như thế ngài đã nói. Bà Tsogyal cất dấu lời dạy này trong một kho tàng màu trắng bằng ốc tù và trên sườn núi phía bắc, nó giống như một đống rắn độc. Bản văn này được khám phá ra bởi Rigdzin Goškyi Demtru Chen, vị vidyadhara với bộ lông kên kên, từ trong kho tàng màu trắng bằng ốc tù và trên sườn núi phía bắc, nó giống như một đống rắn độc. Samaya, ấn, ấn, ấn
Ngai cho Pháp thân là ngai của cái thấy nhất như ; cho Báo thân là trí huệ nhất như ; và cho Hóa thân là đại bi nhất như.
Đây là pháp bí mật, không gì sánh của Tối thượng thừa,
Tinh yếu chân thật của liễu nghĩa,
Con đường ngắn để đạt Phật tánh trong một đời.
Sau khi tiếp xúc với nó, những người theo lời chỉ dạy của ta
Là những người phước đức, những đứa con ruột của Uddiyana !
Kho tàng Ngọc Quý để Trừ Bỏ Chướng Ngại
Là một ngọn đèn chính yếu và sáng tỏ, như ánh sáng
Của mặt trời và mặt trăng, soi sáng giai đoạn thành tựu.
Trong thời tương lai một thiền giả tiền định ẩn danh
Sẽ gặp các giáo huấn cốt lõi này,
Thế nên, Tsogyal, hãy cất giấu chúng như một kho tàng Terma !
Sáu trăm ba mươi năm kể từ bây giờ,
Một con người tiền định của loài hung dữ họ cai quản các terma,
Sẽ xuất hiện từ phương đông ; hãy giao phó nó cho người ấy !
Khi con người tiền định ấy tiếp xúc với các lời dạy này,
Người ấy không phát lộ chúng một cách khinh xuất, mà sẽ chỉ dạy sau khi khảo sát người xứng đáng.