Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

LỜI NGỎ 
Do Viet Nalanda Foundation ấn tống tại Hoa Kỳ

Từ khởi thủy, sự có mặt của Bản Hiệu Đính Toàn Bộ “Lời Vàng Của Thầy Tôi,” ấn bản năm 2008, đã xuất phát từ tấm lòng biết ơn sâu xa của những đệ tử người Việt có duyên được tu học theo hệ giảng Longchen Nyingtik (Tâm-Yếu của Đại-Quảng-Trí) với đại sư Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche. 

Vào năm 2005, tại trung tâm Sakya Dokho Choling ở tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, chúng tôi đã lần đầu tiên được thọ nhận khẩu truyền (Tib: lung) toàn bộ trước tác “Lời Vàng Của Thầy Tôi” (gọi tắt là “Lời Vàng”) qua kim khẩu của đại sư Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche. Thầy chúng tôi là một vị đại tăng, một hoá thân thuộc dòng truyền thừa Sakya, nhưng suốt cả đời đã tu tập hành trì theo truyền thống Longchen 

Nyingtik và Đại Viên Mãn (Dzogchen) của dòng Nyingma. Đại sư Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche được biết đến như là một danh sư đã chứng đắc pháp tu Đại Viên Mãn, và đã được Đạo Sư vĩ đại Jamyang Khyentse Chokyi Lodro1 tuyên nhận là một hiện thân về ngữ của ngài Khenpo Ngawang Palzangchung,2  một trong những đại học giả và danh sư cao trọng nhất theo truyền thống Đại Viên Mãn của thế kỷ hai mươi. 

Trong gần ba mươi năm qua, đại sư Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche đã không ngừøng tận tụy giảng dạy từng lời từng chữ trong tập sách “Lời Vàng Của Thầy Tôi” cho biết bao nhiêu là đệ tử, trong hàng tăng ni cũng như cư sĩ tại gia.  Ngày xưa, khi được sư phụ khai tâm và bắt đầu học hỏi, nghiên cứu những giáo lý được giảng dạy trong “Lời Vàng,” đại sư Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche đã học thuộc lòng toàn bộ quyển sách mấy trăm trang chỉ vỏn vẹn có bốn tháng! 

Sau này, khi giảng dạy lại cho học trò, Thầy chúng tôi đã truyền dạy hoàn toàn theo trí nhớ. Không cần đến sách trong tay mà Thầy có thể giảng từng câu từng chữ, theo đúng trình tự, sát lời sát ý, y như đang có quyển sách mở ra trước mặt. Hằng năm, khi từ Tây Tạng qua du hoá tại Hoa Kỳ, Thầy thường bỏ ra khoảng một tháng để ngày đêm giảng dạy về “Lời Vàng.” Nhìn Thầy, nghe Thầy như thế, vàø cảm nhận được rằng lúc nào Thầy cũng chỉ muốn trải thân mình ra để giáo hóa lũ học trò khờ khạo, thì mới hiểu được rằng công ơn muôn một của Thầy to lớn biết dường nào, và sẽ chẳng bao giờ tất cả chúng tôi có thể đền đáp được! 

Cũng vào cuối năm 2005, chúng tôi tình cờ nối được duyên lành với dịch giả Thanh Liên, và sau đó, được anh Thanh Liên cho biết là quyển “The Words of My Perfect Teacher” đã được dịch và phổ biến tại Việt Nam vào năm 2004 với tựa đề “Lời Vàng Của Thầy Tôi.” Thật không gì có thể nói lên được niềm vui sướng và cảm kích của chúng tôi khi nghe tin này và cầm quyển sách ấy trong tay. Quyển “Lời Vàng Của Thầy Tôi,” ấn bản Việt ngữ xuất bản lần đầu tiên vào năm 2004 tại Việt Nam, là công khó của hai dịch giả Thanh Liên và Tuệ Pháp trong Nhóm Longchenpa.

Theo như lời của anh Thanh Liên thuật lại thì trước đây, vào khoảng năm 2000, trong khi đọc quyển “The Heart Treasure of the Enlightened Ones” (Kho Tàng Tâm Của Các Bậc Giác Ngộ) của đại đạo sư Dilgo Khyentse Rinpoche, anh Thanh Liên thấy trong đó có nhắc đến một tác phẩm bất hủ mang tên “Kunzang Lama’i Shelung” của ngài Patrul Rinpoche. Bản tiếng Anh đã dịch thoát ý tựa sách ra thành “The Words of My Perfect Teacher,” đại ý có nghĩa  là “Những Lời Dạy Của Vị Thầy Toàn Bích Của Tôi.” Tựa đề quyển sách này đã đem đến những rung động sâu xa trong tâm hồn anh. Anh đã nhờ một người bạn thân ở Hoa Kỳ là cư sĩ và dịch giả Nguyên Giác tìm dùm quyển sách này. Anh Nguyên Giác đã gửûi về tặng anh Thanh Liên quyển “The Words of My Perfect Teacher”, ấn bản Anh ngữ phát hành vào năm 1998. 

Ngay sau đó, anh Thanh Liên khởi công chuyển ngữ qua tiếng Việt, bắt đầu với chương viết về Lẽ Vô thường của Cuộc Đời trong Phần Một, và sau đó là những chương về các pháp hành trì trong Phần Hai của quyển sách.  Một thời gian sau, đạo hữu Tuệ Pháp, một dịch giả khác trong Nhóm Longchenpa, cũng đã phát tâm đóng góp vào công tác dịch thuật và chịu trách nhiệm chuyển ngữ Phần Một.  Sau khi Phần Một và Phần Hai được hoàn tất, dịch giả Thanh Liên đã chịu trách nhiệm hiệu đính lại bản dịch đầu tiên, bổ túc thêm các Lời Giới Thiệu, Dẫn Nhập, phần Chú Thích, Thuật Ngữ cùng hình ảnh. Việc hai dịch giả Thanh Liên và Tuệ Pháp trong Nhóm Longchenpa đã bỏ ra nhiều năm tháng để mài miệt chuyển ngữ bản tiếng Việt đầu tiên của “Lời Vàng” với một tác ý hết sức thuần tịnh, quả là một sự hy sinh to lớn và một món quà tinh thần quý giá cho những Phật tử người Việt có ý nguyện theo chân chư đạo sư thuộc truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. 

Được biết rằng lúc đầu, Nhóm Longchenpa có ý định đặt tên cho bản dịch là “Lời Dạy Của Vị Thầy Toàn Hảo Của Tôi” nhưng sau đó, một vị sư người Việt, Sư Hồng Nhật, đã góp ý và đổi tên sách thành “Lời Vàng Của Thầy Tôi.” 

Khi biết được về bản dịch “Lời Vàng Của Thầy Tôi”, ấn bản 2004, chúng tôi đã vô cùng hoan hỷ và phát tâm muốn ấn tống lại tập sách này ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nhiều suy nghĩ, và đã mạo muội thỉnh ý Nhóm Longchenpa cho phép chúng tôi được hiệu đính lại toàn bộ tác phẩm “Lời Vàng” trước khi ấn tống. Chúng tôi thật vô cùng biết ơn Nhóm Longchenpa đã chấp thuận lời thỉnh cầu và trong gần ba năm qua, công việc hiệu đính đã được hoàn tất nhờ vào sự hỗ trợ tinh thần, tài chánh cũng như công sức của nhiều người. 

Khi đại sư Nyima Gyaltsen Rinpoche từ Tây Tạng trở qua lại Hoa Kỳ để thuyết giảng vào mùa xuân năm 2006, chúng tôi đã gọi điện thoại và sử dụng màn ảnh trực tuyến qua hệ thống internet để liên lạc với một số đạo hữu đang tu tập theo truyền thống Kim Cang Thừa ở tại Việt Nam.  Trong dịp này, chúng tôi đã giới thiệu đại sư Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche với dịch giả Thanh Liên, thầy Trí Không, cũng như một vài anh chị đạo hữu khác trong nhóm Orgyen Choling. 

Đại sư Tulku Nyima Gyaltsen đã vô cùng hoan hỉ khi biết được “Lời Vàng Của Thầy Tôi” đã được Nhóm Longchenpa chuyển qua Việt ngữ và phát hành tại Việt Nam.  Cũng trong dịp ấy, Thầy đã ban khẩu truyền những lời khẩn nguyện Đức Longchenpa, vị Sơ Tổ của những giáo lý Tâm-Yếu của Đại-Quảng-Trí (Longchen Nyingtik), cho một số các đạo hữu tại Việt Nam qua màn ảnh trực tuyến của máy vi tính. Thầy đã nhìn sững vào khung ảnh, và thấy hiện lên trong đó hình ảnh của những người đệ tử nhỏ bé, khiêm cung, ở một nơi cách xa nửa quả địa cầu, đang chắp tay búp sen lắng nghe những lời truyền khẩu.  Khi Thầy dứt lời thì ở nơi khoé mắt trái, một giọt lệ bất chợt đọng lại rồi từ từ ứa ra. Đây chính là một kinh nghiệm nhiệm mầu, và một nhân duyên vô cùng hi hữu. 

Sau đó, đại sư Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche đã độ lượng cho phép chúng tôi làm công việc hiệu đính “Lời Vàng” để có thể ấn tống ở Hoa Kỳ. Khi phát tâm làm công việc này, chúng tôi không có một nguyện ước nào khác, ngoại trừ tấm lòng chân thành muốn cho tác phẩm “Lời Vàng” và những giáo lý tâm huyết đã được đại sư Patrul Rinpoche trao truyền, sẽ có thể dễ dàng đến được với người đọc hơn. 

Bản dịch Anh ngữ của Nhóm Dịch Thuật Padmakara vốn dĩ không phải là một văn bản dễ dịch, nhất là những đoạn diễn đạt những ý niệm trừu tượng. Nếu cứ y theo văn phong của Nhóm Dịch Thuật Padmakara mà dịch sát qua tiếng Việt thì câu văn sẽ trở nên rất dài và rườm rà, dễ trở thành rắc rối và tự nhiên đâm ra khó hiểu, khó cảm nhận đối với độc giả người Việt, đôi khi còn có thể xa rời nguyên ý của tác giả. Do đó, dựa trên những lời giảng dạy về các giáo lý và các pháp môn thực hành trong “Lời Vàng Của Thầy Tôi” mà đại sư Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche đã truyền dạy, chúng tôi đã cố gắng chỉnh sửa lại những chi tiết liên quan đến các phương pháp hành trì cho thêm phần rõ ràng và chính xác, và khi cần thiết cũng đã chỉnh sửa câu văn đểø lời và ý trở nên gần gũi hơn với nguyên ý của tác giả. 

Trong Bản Hiệu Đính Toàn Bộ, ấn bản 2008, chúng tôi cũng đã thực hiện và bổ túc thêm những phần sau đây để cho bản dịch được thêm hoàn hảo: 

• Bổ túc tiểu sử của Patrul Rinpoche. (Thanh Liên) 

• Bổ túc Lời Khuyên Của Đại Sư Tulku Nyima Gyalsten Rinpoche.  Đây là thủ bút của Thầy để sách tấn chúng đệ tử tu tập theo các giáo lý đã được giảng dạy trong “Lời Vàng.” 

•  Bổ túc Danh Mục Hình Ảnh và Tranh Họa. 

• Bổ túc và sử dụng các thuật ngữ Phật học đã quen thuộc trong truyền thống Đại Thừa để giúp làm sáng tỏ thêm các khái niệm trong Kim Cang Thừa hiện vẫn còn mới mẻ đối với Phật tử người Việt. 

• Sử dụng các tên Kinh hay tên Luận theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam, là những tên Kinh hay Luận tương đối phổ thông, tạo được cảm giác quen thuộc cho độc giả người Việt là những người đã quen với truyền thống Đại Thừa. Chẳng hạn như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bách Nghiệp, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh, vân vân… Chúng tôi đã tra cứu từ danh sách tên tiếng Phạn của các Kinh hay Luận này, thay vì dịch sát từ tên tiếng Anh qua tiếng Việt. 

• Bổ túc Tài Liệu Tham Khảo (có liệt kê trong bản dịch Anh ngữ) gồm có tên sách bằng tiếng Phạn, tiếng Anh và tiếng Việt. 

•  Bổ túc và hiệu đính phần Thuật Ngữ và phần Chú Thích. 

Vì yếu tố thời gian không cho phép, chúng tôi đã không thể sửa đổi lại cho đồng nhất tất cả các từ tiếng Phạn và tiếng Tạng trong bản dịch lần này cho đúng với lối đánh vần nguyên thủy của Phạn ngữ và Tạng ngữ. Trong các ấn bản kế tiếp trong tương lai, chúng tôi hy vọng là sẽ có thể bổ túc cho thiếu sót này. 

Theo lời yêu cầu của Nhóm Longchenpa, Lời Giới Thiệu được Sư Hồng Nhật viết cho bản tiếng Việt đầu tiên, ấn bản năm 2004, đã được in lại trong Bản Hiệu Đính Toàn Bộ, ấn bản năm 2008 này, để giữ lại đầy đủ tính cách lịch sử của bản dịch đầu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin nói lên quan điểm của chúng tôi về vấn đề này như sau, và quan điểm này dựa trên những giáo huấn từ các vị Thầy khác nhau đến từ tất cả bốn dòng phái của Phật Giáo Tây Tạng mà chúng tôi đã có duyên thọ pháp. Điều chúng tôi muốn thưa ở đây là những giáo lý và pháp môn dự bị sơ khởi (preliminary practices hay Ngondro) của những hành giả tu tập theo truyền thống Đại Viên Mãn (Dzogchen) của dòng Nyingma hay theo truyền thồng Đại Thủ Ấn (Mahamudra) của dòng Kagyu đều không khác biệt. 

Cả hai truyền thống tu tập Dzogchen va Mahamudra đều đòi hỏi hành giả phải có được những hiểu biết rốt ráo về thân người hiếm quý, về vô thường, nhân quả, về những đau khổ của cõi luân hồi. Sau đó, hành giả phải phát tâm quy y, phát tâm Bồ Đề, hành trì pháp môn quy y và lễ lạy, hành trì pháp môn tịnh hoá Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), hành trì pháp cúng dường Mạn Đà La, hành trì pháp bổn sư du già (Guru Yoga), vân vân…  Nói tóm lại, cho dù là theo Đại Viên Mãn hay Đại Thủ Ấn, theo Nyingma hay theo Kagyu thì các hành giả đều phải hành trì mỗi một pháp môn dự bị một trăm ngàn lần, trước khi được hướng dẫn để tu tập các pháp cao hơn. 

Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận thấy là có rất nhiều chi tiết đặc thù trong các pháp môn tu tập thuộc hệ giảng Longchen Nyingtik, đã được đại sư Patrul Rinpoche giảng dạy sâu rộng trong “Lời Vàng,” và đây là những chi tiết có liên hệ mật thiết với dòng truyền thừa Nyingma.  Tuy vậy, nếu nhìn một cách khách quan trong tinh thần bất bộ phái, thì tinh túy của các pháp tu dự bị và các giáo lý này cũng là tinh túy của tất cả bốn dòng phái của Phật Giáo Tây Tạng, gồm có Nyingma, Sakya, Kagyu và Gelug.

Chúng tôi xin chân thành cảm tạ Nhóm Dịch Thuật Padmakara và chi nhánh Alta Mira của Nhà Xuất Bản Rowman & Littlefield Publishing Group, Maryland, Hoa Kỳ đã hoan hỉ cho phép Viet Nalanda Foundation ấn tống bản hiệu đính tiếng Việt  của quyển sách này. Cũng xin đặc biệt cám ơn ông Wulstan Fletcher, vị dịch giả trưởng Nhóm Dịch Thuật Padmakara, đã nâng đỡ tinh thần và giúp ý kiến cho chúng tôi trong lúc khởi đầu để có thể xin được bản quyền dịch thuật từ nhà xuất bản. 

Xin hết lòng cảm tạ Cụ Bà Diệu Tịnh đã bỏ công sức giúp đánh máy tất cả các trang Tài Liệu Tham Khảo bằng tiếng Việt, các đạo hữu Vô Huệ Nguyên, Minh Nguyễn, Minh Phi, Thanh Liên đã giúp duyệt lại bản thảo, Hoài Hương đã bỏ công sức trình bày toàn bộ quyển sách, Minh Phi đã phụ trách liên lạc in ấn, Phổ Từ Diệu Hương, Hồng Như, Chân Giác, Vô Huệ Nguyên đã đóng góp ý kiến, và nhất là hai anh Thanh Liên và Nguyễn Chí Khanh đã nhiều lần chỉ bảo và chia sẻ kinh nghiệm tâm linh quý báu có liên hệ đến “Lời Vàng.”  Cũng xin cám ơn các đạo hữu Nguyễn Minh Tiến và Minh Không đã bỏ thời giờ giúp tra cứu một số danh từ Phạn ngữ và Hán Việt, nhất là tra tìm tên Kinh và tên Luận và giúp thêm ý kiến cho phần Thuật Ngữ. Ngoài ra, chúng tôi còn có được sự cộng tác đặc biệt của đạo hữu Từ Bi Hoa, một người bạn đồng môn, đã bỏ công hiệu đính hai chương trong “Lời Vàng” cũng như đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc và đích đáng cho toàn bộ quyển sách. 

Chúng tôi cũng không quên gửi lời cám ơn chân thành đến tất cả quý thân hữu, đạo hữu khắp nơi đã có lòng quan tâm, khuyến khích, đóng góp tịnh tài, và đã vô cùng độ lượng, kiên nhẫn trong thời gian gần ba năm qua. Nếu không có được tấm chân tình và những đóng góp của tất cả quý đạo hữu, đặc biệt là của Minh Phi, đã ngày đêm chuyên tâm duyệt soát lại toàn bộ bản thảo lần cuối cùng trước khi ấn loát, thì Bản Hiệu Đính Toàn Bộ, ấn bản 2008 có lẽ đã khó có thể được hoàn tất một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết là Bản Hiệu Đính Toàn Bộ, ấn bản 2008 vẫn còn nhiều sơ sót. Ngưỡng mong quý đạo hữu và thiện tri thức xa gần bỏ chút thời giờ để đóng góp ý kiến, giúp cho các ấn bản kế tiếp trong tương lai được hoàn chỉnh hơn. 

Xin hồi hướng tất cả công đức lên cho quả vị giác ngộ của Thầy, Tulku Nyima Gyaltsen Rinpoche, vị Đạo Sư đã từ bi khai tâm chúng con bằng ánh sáng cực kỳ đẹp đẽ và truyền cảm của “Lời Vàng,” cũng như cho quả vị giác ngộ của chư Đạo Sư cùng toàn thể chúng sinh. 

Nguyện cho ánh sáng cực kỳ đẹp đẽ và truyền cảm của “Lời Vàng” sẽ soi rọi tới vô lượng pháp giới... 

Tâm Bảo Đàn (Konchog Jimpa Lhamo) 
Hoa Kỳ, ngày 5 tháng 11 năm 2008 

[1] Jamyang Khyentse Chokyi Lodro (1893-1959) là một trong những vị đại sư chủ xướng phong trào bất bộ phái Rimé khởi đầu vào thế kỷ thứ 19 tại Tây Tạng. [2] Khenpo Ngawang Palzang (1879-1941) còn có danh hiệu làø Khenpo Ngachung, đã cống hiến trọn đời mình cho việc giảng dạy sâu rộng toàn bộ giáo lý Longchen Nyingtik trong “Lời Vàng Của Thầy Tôi” và đã biên soạn tác phẩm “Cẩm Nang Hướng Dẫn Lời Vàng Của Thầy Tôi” (“Guide to the Words of My Perfect Teacher”) dựa trên được chính những ghi chép do Patrul Rinpoche truyền xuống cho một đại đệ tử tâm truyền là ngài Lungtok Tenpei Nyima (Nyoshul Lungtok).  Ngài Lungtok Tenpei Nyima chính là sư phụ của Khenpo Ngawang Palzang.

Xem mục lục