DẪN NHẬP TÓM TẮT
Đức Phật Gautama (Cồ Đàm) sinh ở miền Bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, là nam tử của một vị vua và được thân phụ nuôi dạy để kế thừa ngai vàng. Sự chào đời và thuở ban đầu của Ngài thật khác thường, và rõ ràng là ngay từ đầu, vị thái tử trẻ tuổi Siddharta (Tất Đạt Đa) đã có duyên tiền định để trở thành một bậc siêu phàm. Thuở thiếu thời của Ngài trải qua trong xa hoa ở chốn hoàng cung, ít phải lo nghĩ hay bận tâm, và Ngài thật tài ba xuất chúng trong mọi lãnh vực hoạt động vào thời đại của ngài, cả về học thuật lẫn thể thao.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, Ngài bắt đầu hoài nghi về giá trị bền vững của đời sống thế tục của mình. Trốn thoát khỏi cung điện của vua cha, Ngài đi tìm một cuộc đời có ý nghĩa hơn, tu học với một số những vị Thầy được kính nể như những bậc sư phụ về triết học và thiền định. Lòng cầu tìm chân lý của Ngài chân thành tới nỗi Ngài nhanh chóng đạt được những thành tựu thiền định tối thượng khiến những vị Thầy này không thể dạy Ngài thêm được gì nữa, nhưng Ngài vẫn chưa thoả mãn. Mặc dù dốc lòng tu hành khổ hạnh qua bao năm tháng, Ngài nhận ra rằng không có điều nào trong những hệ thống này có thể giúp Ngài vượt lên trên những giới hạn của một thế giới hữu vi là một thế giới hiện hữu dựa trên những yếu tố duyên hợp. Ngài quyết định một mình tiếp tục công cuộc tìm kiếm, và bằng nỗ lực của riêng mình, cuối cùng đã đạt được Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) ngày nay.
Điều Ngài khám phá ra thâm diệu và bao la đến nỗi lúc đầu Ngài ngần ngại phát lộ những khám phá đó cho người khác, sợ rằng không ai có thể hiểu được. Tuy nhiên sau đó Ngài bắt đầu giảng dạy, và nhanh chóng lôi cuốn một số đông đệ tử đi theo Ngài, nhiều người trong số đó trở thành những bậc đại thành tựu giả về thiền định.
Sự đa dạng của những người tìm tới Đức Phật để thọ nhận giáo pháp và thực hành con đường của Ngài đòi hỏi một cách thức giảng dạy cũng đa dạng y như thế, và những giáo huấn Ngài giảng dạy cũng dị biệt, tương ứng với trình độ hiểu biết và căn cơ của những cá nhân hay nhóm người dị biệt này. Như vậy, những giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy trong cuộc đời của Ngài có thể được phân chia một cách tổng quát thành ba loại – (1) những giáo lý cuối cùng được tập hợp trong Kinh điển Pali và trở thành nền tảng cho Trường Phái Theravāda (Nguyên Thủy), nhấn mạnh vào giới luật và đạo đức; (2) giáo lý Mahāyāna, hay Đại Thừa, chú trọng vào lòng bi mẫn và quan hoài tới người khác; và (3) giáo lý của Kim Cương Thừa hay Mật Thừa, sử dụng vô số phương pháp thiện xảo khác nhau để dẫn tới kinh nghiệm chứng ngộ sâu xa trong một thời gian tương đối ngắn. Giáo lý Kim Cương Thừa được chính Đức Phật truyền dạy chỉ trong một phạm vi giới hạn, nhưng Ngài đã tiên đoán rằng giáo pháp ấy sẽ được những bậc giác ngộ khác xuất hiện sau Ngài truyền bá trong thế giới. Đây là lý do tại sao Kim Cương Thừa chính là một giáo lý của Đạo Phật không khác gì hai trường phái kia, mặc dù Kim Cương Thừa không được giảng dạy rộng rãi trong thời Đức Phật còn tại thế.
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, những dị biệt giữa các giáo lý khác nhau mà Ngài đã giảng dạy càng trở nên rõ rệt hơn khi những trường phái và truyền thống dị biệt hình thành. Chẳng hạn như truyền thống Theravada hiện nay đã khởi đầu với một nhóm đệ tử của Đức Phật, sau này được phân ra thành mười tám trường phái. Tương tự như vậy, Đại Thừa được đa dạng hóa thành một số truyền thống, mỗi truyền thống có những dị biệt triết học vi tế đặc thù. Kim Cương Thừa cũng thế, trong đó có vô số những pháp môn thực hành khác nhau; nhiều pháp môn trong số đó đã chỉ được truyền dạy lại cho một người đệ tử duy nhất.
Trong những thế kỷ tiếp theo sau đó, các truyền thống dị biệt này dần dần được truyền bá khắp xứ Ấn Độ và tiếp tục truyền xa hơn nữa, cho tới khi Phật Giáo đã trải rộng tầm ảnh hưởng đến Trung Á, Đông Á và Nam Á, thậm chí đến tận Nam Dương (Indonesia). Một vài truyền thống đã hoàn toàn bị thất truyền, trong khi có những truyền thống khác lại hợp nhất dưới một hình thức mới mẻ hơn của Phật Giáo. Vào thế kỷ mười ba, sự xuất hiện của Hồi Giáo và những biến động chính trị trong xã hội Ấn Độ đã cuốn dạt Phật Pháp ra khỏi xứ sở đã sản sinh ra Đạo Phật, và chính giáo lý này lại được bảo tồn ở những quốc gia khác – Theravāda ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan và Cam Bốt, Đại Thừa ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Dương, và Kim Cương Thừa chủ yếu là ở Tây Tạng. Tây Tạng đã may mắn bội phần. Tây Tạng không chỉ là một trong số ít quốc gia trong đó Kim Cương Thừa tiếp tục được hành trì mà Tây Tạng cũng là quốc gia duy nhất trong đó toàn bộ các loại giáo lý từ cả ba truyền thống của Đạo Phật đã được truyền dạy và bảo tồn.
Trải qua nhiều thế kỷ, rất nhiều những kết hợp của các giáo lý của Đức Phật đã được trao truyền từ đạo sư xuống tới đệ tử trong nhiều dòng truyền thừa bao gồm bốn trường phái chính (Nyingma, Sakya, Kagyu, Gelug) của Phật Giáo Tây Tạng mà chúng ta biết tới ngày nay. Các thành viên của những dòng truyền thừa này không chỉ đơn giản là những học giả uyên bác nghiên cứu các giáo lý mà họ nhận lãnh, nhưng là những bậc đã đắc quả, đã từng hành trì và thông suốt những gì đã được truyền dạy cho họ, và như thế có đầy đủ phẩm tính để truyền thụ giáo lý cho các đệ tử của mình.
Trong bốn trường phái này, phái Nyingma (tên xuất phát từ tiếng Tây Tạng có nghĩa là “cổ”) tuân theo những truyền thống được giới thiệu trước tiên vào thế kỷ thứ tám bởi các Đạo Sư Ấn Độ như Sāntaraksita (Tịch Hộ), Vimalamitra (Tì Ma La Mật Đa), và Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) là bậc Đạo sư mà những người Tây Tạng gọi bằng Guru Rinpoche, “Đạo Sư Tôn Quý,” và những truyền thống này được tiếp tục truyền xuống qua những vị Đạo sư Tây Tạng đã chứng ngộ viên mãn chẳng hạn như Longchenpa, Jigme Lingpa và Jamyang Khyentse Wangpo. Những dòng truyền thừa này còn được truyền dạy xuống qua ba dòng chính yếu khác – dòng Kagyupa, Sakyapa và Gelugpa – và đã được đưa vào Tây Tạng sau thế kỷ thứ mười, tiếp theo sau thời điểm mà một vị vua phi-Phật Giáo đã có những nỗ lực hủy diệt Giáo Pháp ở Tây Tạng. Giống như những hình thức dị biệt của Phật Giáo tại nhiều nơi khác nhau ở Á Châu đã được kế tục và biến thái để đáp ứng nhu cầu của những con người và văn hoá khác nhau thì mỗi một trường phái trong bốn trường phái [của Kim Cương Thừa tại Tây Tạng] đều có nguồn gốc hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh hết sức khác biệt gồm có lịch sử, địa dư và ngay cả chính trị – những khác biệt về lịch sử, địa dư và chính trị này được dùng như một lăng kính để phân chia ánh sáng của giáo lý của Đức Phật thành một quang phổ nhiều màu của những truyền thống và dòng truyền thừa khác nhau. (Điều đáng buồn là có một số Phật tử có khuynh hướng quên đi rằng ánh sáng này có chung một nguồn mạch, và như trong các tôn giáo lớn khác của thế giới, sự phân chia bè phái đôi khi đã che lấp mất thông điệp chân chính yếu của Phật Giáo.)
Những giáo lý được bảo tồn trong các dòng truyền thừa của Phật Giáo Tây Tạng được chứa đựng trong khối Kinh văn linh hiển khổng lồ của truyền thống đó. Kangyur (nghĩa: Lời Đức Phật), gồm trên một trăm bộ, bao gồm những Kinh điển có nguồn gốc từ thời của Đức Phật, và được phân ra thành (1) Luật Tạng (Vinaya), đề cập tới đạo đức học và giới luật, (2) Kinh Tạng (Sūtras), là tạng liên quan tới thiền định, và (3) Luận Tạng (Abhidharma), bao gồm triết học Phật Giáo. Có nhiều luận giải viết về những kinh tạng này, cũng như viết về những tác phẩm Phật Giáo chính yếu khác; những bộ luận giải này đã được biên soạn và sau đó đã tạo thành hơn hai trăm pho sách của Tangyur (nghĩa: Dịch Các Luận Giải). Kangyur lẫn Tangyur được dịch qua tiếng Tây Tạng chủ yếu là từ tiếng Phạn, tạo thành Đại Tạng Kinh Điển Phật Giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhist Canon). Thêm vào số này còn có một khối lượng khổng lồ những trước tác khác gồm những giáo lý từ Ấn Độ được đưa vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ tám trở đi (kể cả nhiều giáo lý Kim Cương Thừa), và vô số những bình giảng về cả ba Thừa (Thanh Văn Thừa, Đại Thừa và Kim Cương Thừa) do các Đạo Sư Tây Tạng biên soạn. Tuy nhiên khối lượng giáo lý khổng lồ được tìm thấy trong Phật Giáo Tây Tạng có thể được tóm tắt trong Tứ Diệu Đế là giáo lý được Đức Phật thuyết giảng không lâu sau khi giác ngộ. Chân lý thứ nhất (Khổ Đế) chỉ ra rằng thế giới hữu vi của chúng ta (trạng thái hiện hữu dựa vào điều kiện nhân duyên) không bao giờ có thể đưa chúng ta thoát khỏi trạng thái đau khổ, không bao giờ thực sự đem lại sự mãn nguyện. Bất kỳ hạnh phúc nào ta có chỉ là nhất thời và vào một thời điểm thích hợp nào đó sẽ đưa tới đau khổ. Lý do của Khổ Đế, như đã được giảng dạy trong chân lý thứ hai (Tập Đế), là bất kỳ hành động nào ta có thể làm, nói, hoặc suy nghĩ cũng đều đem đến một kết quả mà ta sẽ phải kinh qua trong đời này hoặc trong một đời tương lai. Quả thật, tái sinh là kết quả của những hành vi của ta, và ta được tái sinh trong những điều kiện như thế nào thì những điều kiện này cũng đều lệ thuộc trực tiếp vào những hành vi mà ta đã từng làm trong những đời trước, và đặc biệt là lệ thuộc trực tiếp vào những động cơ tác ý và thái độ tương ứng. Điều này (nguyên lý nhân quả) giải thích lý do tại sao một số người lại nghèo khổ suốt đời mặc dù họ hết sức nỗ lực để trở nên giàu có, trong khi những người khác có đủ mọi thứ họ mong muốn mặc dù chẳng phải làm gì. Chân lý thứ hai tiếp tục chỉ cho ta thấy rằng động lực phía sau các hành vi của chúng ta chính thực là những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như thù ghét, tham luyến, kiêu ngạo, ganh tị và, đặc biệt là vô minh, gốc rễ của tất cả mọi thứ khác. Vô minh không chỉ có nghĩa là thiếu trí tuệ trong cách chúng ta hành xử như thế nào, mà còn là sự vô minh căn bản nằm đằng sau cung cách chúng ta nhận thức về toàn thể thế giới hiện hữu này, và sự vô minh ấy thường xuyên bị mắc kẹt trong tư tưởng bám chấp vào một ý niệm bản ngã của riêng ta, và vào ý niệm của một cái ngã của thế giới bên ngoài, như thể bản thân ta và thế giới ấy bền vững có thật và bất biến trường tồn. Bởi vì những hành vi của chúng ta không bao giờ chấm dứt, nên việc ta phải tái sinh liên tục trong thế giới hữu vi này cũng chẳng thể nào chấm dứt được. Chỉ khi nào ta ngừng hành động do vô minh lôi kéo thì vòng quay này mới có thể đứt đoạn, giống như chân lý thứ ba (Diệt Đế) đã chỉ cho ta thấy, và giảng dạy về sự chấm dứt đau khổ và giải thoát khỏi thế giới hữu vi (giải thoát khỏi trạng thái hiện hữu dựa vào điều kiện nhân duyên).
Chân lý thứ tư (Đạo Đế) giảng dạy cách thức (hay con đường) giúp ta thành tựu việc chấm dứt khổ đau và giải thoát khỏi thế giới hữu vi do nhân duyên kết hợp. Điều này thật sự có nghĩa là, một mặt bao gồm công phu tích lũy các thiện hạnh, chẳng hạn như tôn kính và cúng dường Phật, Pháp (giáo lý của Ngài), và Tăng đoàn (cộng đồng các hành giả), thực hành hạnh bố thí, v.v., và một mặt khác, bao gồm công phu thực hành thiền (thiền chỉ và thiền quán), là những gì có thể trực tiếp tẩy trừ gốc rễ vô minh, nguyên nhân của đau khổ. Một hành giả đi theo con đường này với ý hướng chỉ giải thoát cho bản thân mình có thể đạt được mức độ chứng ngộ thâm sâu và trở thành một bậc A La Hán (bậc chiến thắng những cảm xúc tiêu cực). Nhưng đây không phải là giác ngộ viên mãn (hay toàn giác). Chỉ có những bậc hành giả với tâm nguyện tốt lành muốn tất cả chúng sinh đều đạt được giác ngộ tối thượng, những bậc ấy mới có thể đạt được Phật Quả. Những hành giả đi theo con đường Đại Thừa dựa trên lòng bi mẫn như thế được biết đến như là các vị Bồ Tát. Hơn nữa, nếu vị Bồ Tát ấy còn hành trì các giáo pháp thâm diệu và thiện xảo của Kim Cương Thừa thì vị ấy có thể đạt được giác ngộ viên mãn trong một thời gian rất ngắn.
Khi còn tại thế, Đức Phật đã thành lập một cộng đồng các tăng và ni, và các vị ấy đã đóng vai trò nòng cốt trong việc hộ trì và tiếp nối giáo pháp. Tuy nhiên, điều này không loại trừ các cư sĩ nam và nữ là những đệ tử nghiêm cẩn trên con đường tu. Cộng đồng các cư sĩ này được phản ảnh ở Tây Tạng là nơi mà từ thế kỷ thứ tám trở về sau, cộng đồng các hành giả bao gồm hai giáo đoàn hỗ trợ lẫn nhau: một mặt, là một cộng đồng tu sĩ rất đông đảo, và một mặt khác là một truyền thống vững mạnh gồm các hành giả cư sĩ, là các hành giả du già hay các gia chủ, nhiều vị trong số đó có vẻ như sống một cuộc đời bình thường trong khi theo đuổi một con đường tâm linh thâm diệu và cuối cùng đã đạt được giác ngộ viên mãn.* Theo truyền thống Nyingmapa, việc thọ giới xuất gia được coi là một phương tiện hỗ trợ rất lợi ích cho công phu hành trì, nhưng đó không có nghĩa là phương cách duy nhất để tiến bộ trong thiền định. Điều này đã khích lệ cho những người ao ước muốn đưa giáo lý vào thực hành nhưng không thể tự đặt mình trong một nếp sống tu viện.
*‘Cộng đồng những người độc thân khoác y đỏ’ và ‘cộng đồng những người áo trắng với bện tóc dài’.
Trước đây Albert Einstein đã lưu ý rằng Phật Giáo là truyền thống ông cảm thấy đáp ứng được những tiêu chuẩn mà ông cho là cần thiết cho một con đường tâm linh thích hợp với thế kỷ hai mươi. Ngày nay các vật lý gia hiện đại đang đưa ra những kết luận đến gần với giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy hai ngàn năm trăm năm trước. Trong khi những hấp lực của chủ trương duy vật có một ảnh hưởng bất lợi cho đời sống tâm linh cổ truyền ở khắp Châu Á, thì có một số đông những người Tây phương, càng lúc càng gia tăng, đang tỏ ra quan tâm đến những triển vọng tốt lành mà việc nghiên cứu và thực hành theo Phật Giáo có thể đem lại cho họ.
Khi sự tương tục của những dòng truyền thừa Phật Giáo bị đe doạ bởi các biến động chính trị ở Tây Tạng trong những năm bắt đầu từ 1950 trở đi, nhiều vị Lạt Ma với đầy đủ phẩm hạnh - là những vị không chỉ thọ nhận những dòng truyền dạy đúng đắn từ các vị Thầy của mình, mà đã hoàn toàn thấu triệt và chứng ngộ các giáo lý qua công phu nghiên cứu và thiền định, các vị ấy đã mưu cầu việc bảo tồn những giáo lý này bằng cách đưa những giáo lý ấy sang Ấn Độ. Vào cùng thời điểm đó, một số du khách Tây phương tới Ấn Độ bắt đầu tỏ vẻ quan tâm tới các Lạt Ma và tới di sản tâm linh của các Ngài. Do bởi Đức Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche) đã có nói, trong các giáo lý Đạo Phật, Kim Cương Thừa sẽ chứng tỏ (cho thấy tiềm năng) đặc biệt mãnh liệt và hữu hiệu cho những người sống trong một thời đại mà những cảm xúc ô nhiễm lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nên nhiều vị Thầy đã cảm thấy việc đưa những giáo lý này sang Tây phương là một việc làm vô cùng thích hợp. Kim Cương Thừa đặc biệt mềm mỏng uyển chuyển và thích ứng được với những loại tình cảnh mà con người thời đại tự đâm đầu vào, và giờ đây giáo lý ấy đang được giảng dạy cho đủ loại người trên khắp thế giới mà vẫn không đánh mất đi hình thức cổ truyền.