Thấy vọng tưởng tức là bốn thân. Là sự bảo vệ vô thượng của tánh Không
Trong châm ngôn “Thấy vọng tưởng tức là bốn thân / Là sự bảo vệ vô thượng của tánh Không,” câu hỏi căn bản là bảo vệ cho ai, bảo vệ cái gì ? Mọi loại câu hỏi khác đều bao hàm trong đó, nhưng căn bản chúng ta đang nói về việc có một thấu hiểu hay chứng ngộ cách thế chúng ta tri giác những sự vật như chúng là.
Trong tri giác, trước hết có một cảm thức chờ đợi hay rỗng rang. Nơi đó có sự không chắc chắn như làm sao để tri giác những sự vật, không phải là biết làm sao để khiến cho một tình huống riêng biệt nào đó thành nắm bắt được. Rồi chúng ta có một ý niệm rõ ràng làm sao để tổ chức những sự vật. Thứ ba, chúng ta bắt đầu tạo một tương quan giữa hai cái đó. Và cuối cùng chúng ta có một kinh nghiệm toàn bộ về cái toàn thể. Điều ấy tạo thành bốn trạng thái của tâm thức mà chúng ta đi qua, bốn giai đoạn của tâm thức hay tiến trình tâm thức. Bốn tiến trình này liên hệ với bốn thân : dharmakaya (pháp thân), sambhogakaya (báo thân), nirmanakaya (hóa thân) và svabavikakaya (tự tánh thân).
Bản chất pháp thân của phản ứng của chúng ta với thế giới thì thường thường không chắc chắn, mơ hồ. Những chiến lược chưa được thành hình, kế hoạch hoàn toàn chưa tổ chức – nó chỉ là một cảm thức rỗng rang căn bản. Phương diện hóa thân là giai đoạn thứ hai của tiến trình này. Ở điểm này có một loại sáng tỏ nào đó trong ấy chúng ta có một nắm bắt căn bản về tình huống một cách tổng quát. Và để tạo một nối kết giữa sự bất định hay rỗng rang với sự sáng tỏ, chúng ta cần báo thân, nó là cầu nối qua khoảng trống giữa hai lãnh vực và nối kết chúng với nhau. Thế nên pháp thân và hóa thân được nối kết với nhau nhờ báo thân. Theo truyền thống đặc biệt này, đó là cách hiện thực để nhìn vào những sự vật.(1)
Tự tánh thân là sự thấu hiểu toàn bộ sự vật, kinh nghiệm toàn thể bao quát. Khi chúng ta bắt đầu lóe sáng tâm thức chúng ta để chớp ảnh một đối tượng, khi chúng ta có một nắm bắt về nó, khi chúng ta bắt đầu thấu hiểu một liên hệ nào giữa những thân – cái toàn thể đó gọi là tự tánh thân.
Tự tánh thân là một trạng thái tổng quát của hiện hữu, và trạng thái ấy của tâm thức cũng chứa đựng cái được biết như là siêu vượt khỏi sanh, diệt và trụ. Siêu vượt khỏi sanh nghĩa là tiến trình tư tưởng không xảy ra được. Không có cái gì như là sự sanh của một tâm thức hay sự sanh của một tư tưởng xảy ra trong trạng thái hiện thể ấy của chúng ta cả, chỉ đơn giản là hiện hữu và rỗng rang. Siêu vượt khỏi diệt nghĩa là không có tư tưởng nào thực sự lắng xuống, trừ phi chúng được thay thế hay gối lên bởi một cái khác. Và siêu vượt khỏi trụ nghĩa là những tư tưởng không trụ ở đâu cả, dù cho có một loại cái gì đó tạm thời theo duyên có mặt. Thế nên ý tưởng về tự tánh thân là thấy vượt khỏi sanh diệt và trụ của tiến trình tư tưởng.
Lý do bốn thân – pháp thân, báo thân, hóa thân và tự tánh thân – trở thành một sự bảo vệ vĩ đại là : chúng ta bắt đầu thấu hiểu cách thức tâm thức của chúng ta hoạt động như thế nào, trạng thái của hiện thể chúng ta là gì. Chúng ta thấu hiểu rằng bất cứ cái gì xảy đến trong tâm thức chúng ta luôn luôn thuộc về dòng chảy ấy, hồ sơ lai lịch ấy, bản chất ấy. Đau đớn thình lình, giận dữ thình lình, hiếu chiến thình lình, đam mê thình lình – bất cứ cái khởi lên luôn luôn theo thể thức tương tự, tiến trình tương tự. Mọi sự luôn luôn tương hợp với bốn thân. Dù cho chúng ta có không xem tự tâm của chúng ta là hoàn toàn siêu việt và giác ngộ hay tỉnh thức, thì khuôn mẫu của nó vẫn là khuôn mẫu của bốn thân. Những tư tưởng khởi lên như vậy : bạn không thể trông chừng sự sanh ra của nó, chúng có đó như vậy. Chúng chết đi, chúng như vậy (Vidyadhara búng ngón tay). Chúng không trụ, chúng như vậy (Vidyadhara lại búng ngón tay). Toàn bộ sự việc là một tiến trình tự nhiên.
Châm ngôn này có vẻ hơi tối nghĩa, nhưng nó liên quan với ý niệm Bồ đề tâm tuyệt đối về việc hiểu tâm thức của bạn bằng cách nghiên cứu và canh chừng chính bạn và thực hành shamatha và vipashyana. Bằng cách thực hành những kỷ luật này, bạn bắt đầu chứng nghiệm rằng yếu tính của tâm bạn là trống không, rằng bản tánh của tâm bạn là sáng và trong, và rằng sự diễn đạt hay biểu lộ của tâm bạn là hoạt động. Sự thấu hiểu này chỉ có thể đến khi bạn đang ngồi trên đệm thiền. Chỉ ở trên đệm thiền bạn có thể thấy rằng tâm thức bạn không có nguồn gốc. Những tư tưởng khởi lên không từ nơi đâu, bạn có thể phán đoán điều ấy bằng cách nhìn vào chúng dầu xa bao lâu. Bạn cũng không biết những tư tưởng đi về đâu. Tư tưởng đến và tan biến, chỉ như thế. Hơn nữa bạn cũng không biết những tư tưởng của bạn trụ chỗ nào – đặc biệt khi bạn đã phát triển một cảm thức căn bản của chánh niệm và tỉnh giác.
Khi bạn tiếp tục thực hành chánh niệm và tỉnh giác, sự hình như lộn xộn và hỗn loạn trong tâm thức bạn bắt đầu có vẻ vô lý. Bạn bắt đầu nhận ra rằng những tư tưởng của bạn không có chỗ sanh thực sự, không nguồn gốc, chúng đúng là xuất hiện như Pháp thân. Chúng không sanh. Và những tư tưởng của bạn không đi đâu cả, chúng không diệt. Bởi thế, tâm thức của bạn được thấy là Báo thân. Và hơn nữa, không có hoạt động nào thực sự xảy ra trong tâm thức bạn, thế nên ý niệm cho là tâm thức bạn có thể trụ vào cái gì cũng bắt đầu tỏ ra vô lý, bởi vì không có gì để trụ vào. Bởi thế tâm thức bạn được thấy là Hóa thân. Hợp toàn bộ sự việc với nhau – hoàn toàn không có sanh, không có diệt và không hành động hay trụ ở – bởi thế tâm thức bạn được thấy là Tự tánh thân. Vấn đề không phải là làm cho tâm thức bạn thành một cái trống không. Chính như là một kết quả của siêu chánh niệm và siêu tỉnh giác mà bạn bắt đầu thấy rằng không có gì thực sự xảy ra – dù đồng thời bạn cũng biết rằng một số sự vật đang xảy ra.
Chứng ngộ rằng sự lộn xộn và hỗn loạn trong tâm thức bạn không có nguồn gốc, không dứt diệt và không trụ ở đâu cả là sự bảo vệ tốt nhất. Tánh không là sự bảo vệ tốt nhất bởi vì nó cắt đứt sự vững chắc, cứng đặc của những tư tưởng của bạn. “Tôi có tư tưởng vững chắc của tôi” hay “Đây là tư tưởng quan trọng của tôi” hay “Tư tưởng của tôi rất hấp dẫn” hay “Trong những tư tưởng của tôi, tôi hình dung một điều vĩ đại nào đó” hay “Con người ‘ngôi sao’ đó bước xuống và nói chuyện với tôi” hay “Thành Cát Tư Hãn hiện diện trong trí tôi” hay “Chính Jesus Christ hiển lộ trong tâm thức tôi” hay “Tôi có một dự án khổng lồ để làm sao xây dựng một đô thị, hay làm sao viết một vở nhạc kịch lớn hay làm sao chinh phục thế giới” – chúng có thể là mọi thứ, từ mức độ ấy xuống đến : “Làm sao tôi kiếm sống sau sự việc này ?” hay “Đâu là cách tốt nhất cho tôi để làm sắc bén nhân cách của tôi hầu tôi được nổi bật trong thế giới ?” hay “Tôi ghét những vấn đề rắc rối của tôi làm sao !” Mọi dự phóng và tư tưởng và ý niệm đều rỗng không ! Nếu bạn nhìn phần đằng sau của chúng, thì cũng giống như một chiếc mặt nạ. Nếu bạn nhìn phần đằng sau của một chiếc mặt nạ, bạn thấy nó là một phần trống. Có thể có vài lỗ trống, nơi mũi và miệng – nhưng nếu bạn nhìn đằng sau nó, nó chẳng giống cái gì là bộ mặt, nó chỉ là một thứ tạp nhạp với những lỗ trống trong đó. Chứng ngộ điều đó là sự bảo vệ tốt nhất của bạn. Bạn thấu hiểu rằng bạn không là một nghệ sĩ sáng tạo vĩ đại nhất nữa, rằng bạn không là cái gì trong những ý niệm lớn lao của bạn. Bạn nhận ra rằng bạn chỉ đang dàn dựng những sự việc không có thật, vô lý. Đó là sự bảo vệ tốt nhất để cắt đứt mê lầm, vọng tưởng.
Châm ngôn này liên hệ với việc đem mọi sự vào con đường đạo ở mức độ Bồ đề tâm tuyệt đối. Nó rất tinh tế. Có khả năng rằng khi bạn nghe câu đó, nếu bạn chỉ đơn giản thiền định về bốn thân, mọi sự rồi sẽ được bảo vệ, bạn có thể nghĩ rằng thằng bé choai choai của bạn sẽ được bảo vệ, những anh chị của bạn, tài sản và xe cộ của bạn được bảo vệ. Nhưng sự bảo vệ này hoàn toàn không phải ở cấp độ đó ; nó là sự bảo vệ của tánh Không, đó là bạn không có chỗ nào để trụ nữa, bạn lơ lửng trong tánh Không. Nó là một cách tiếp cận rất thông tuệ toàn bộ sự vật. Bạn không nói về tính cách vô ngã ở đây, bạn đang cố gắng tìm ra sự che chở cho bạn. Nhưng bạn thấy ra tự thân bạn là vô ngã và chứng ngộ rằng không có cái gì để bảo vệ cả. Thế nên sự bảo vệ của bạn là không nền tảng. Nó là một tiếp cận rất có tính y học lâm sàng trong ý nghĩa nào đó. Không thể có mầm mống ở đâu cả khi bạn không có nền tảng, miếng đất để gieo giống vào trên đó.
Ý niệm bốn thân không đặc biệt cho mật thừa, nó là tư tưởng cao cấp của đại thừa. Ba thân xuất hiện trong lần chuyển bánh xe Pháp thứ ba trong Uttaratantra của Maitreya(2) và trong Kinh Kim Cương.(3) Thế nên nó không đặc biệt là một ý niệm mật thừa. Nhưng đồng thời, nó là mật thừa trong một số ý nghĩa. Nếu tôi có thể nói thế, ý niệm đối xử với những došn và với những hộ pháp chịu ảnh hưởng nhiều bởi mật thừa. (Xem châm ngôn tiếp theo “Bốn thực hành là cái tốt nhất của những phương pháp.”) Toàn bộ sự việc đặt nền trên những nguyên lý đại thừa, nhưng có một dòng ngầm những kỹ thuật được mượn từ kim cương thừa. Thế nên cái hiểu được trình bày từ quan điểm đại thừa, nhưng những kỹ thuật là mật thừa.