Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

I. BẤT TỊNH HẠNH


A. DUYÊN KHỞI
1. SỰ KIỆN TỲ-LAN-NHÃ
Một thời, đức Phật cùng chúng đại tỳ-kheo gồm năm trăm vị, du hóa đến thành Tô-la-bà,[2] tuần tự du hành đến Tỳ-lan-nhã ,[3] và đêm ấy ngủ dưới bóng cây na-lâu-la-tân-châu-man-đà-la.[4] Bấy giờ bà-la-môn Tỳ-lan-nhã nghe Sa-môn Cù-đàm, họ Thích, bỏ dòng họ Thích đi xuất gia tầm đạo, đã từ nước Tô-la-bà dẫn chúng tỳ-kheo gồm năm trăm vị, tuần tự du hành đến Tỳ-lan-nhã này, và nghỉ đêm dưới bóng cây na-lân-la-tân-châu-man-đà-la. Sa-môn Cù-đàm này có danh xưng lớn như vầy: “Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn. Ngài ở giữa các chúng Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn công bố chánh pháp do tự thân chứng nghiệm bằng thắng trí. Pháp ấy thiện xảo ở khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, có nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh, tự nhiên được tu tập đầy đủ. Lành thay! Chúng ta được chiêm ngưỡng con người Vô trước[5] như vậy. Nay ta nên đến thăm hỏi Sa-môn Cù-đàm.»

Bấy giờ, bà-la-môn Tỳ-lan-nhã liền đến chỗ đức Thế tôn. Khi đến nơi, hỏi chào thăm viếng nhau rồi, ngồi qua một bên.

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện thuyết pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Bà-la-môn sau khi nghe đức Phật nói pháp, lòng sanh hoan hỷ, liền thưa:

«Cúi xin đức Thế tôn thương xót chấp thuận thỉnh cầu của con, cùng với chúng tỳ-kheo an cư ba tháng mùa mưa.»

Đức Thế tôn và Tăng tỳ-kheo im lặng nhận lời. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã biết đức Thế tôn đã im lặng nhận lời thỉnh của mình, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật rồi cáo lui.

Thế tôn cùng chúng tỳ-kheo gồm năm trăm vị nhận lời an cư ba tháng mùa mưa. Bấy giờ có người lái ngựa từ nước Ba-ly[6] lùa năm trăm thớt ngựa đến Tỳ-lan-nhã và ở đây đóng trại chín mươi ngày mùa hạ.

Thời điểm này gặp lúc mất mùa, lúa gạo quý giá, nhân dân đói khát, xương trắng ngổn ngang, khất thực khó được. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã tuy thỉnh Như Lai và Tăng tỳ-kheo an cư ba tháng, nhưng hoàn toàn không cúng dường, cung cấp những nhu cầu cần thiết. Tại sao vậy? [569a1] Vì bị ám bởi Ma Ba-tuần. 

Bấy giờ, các tỳ-kheo ở Tỳ-lan-nhã khất thực không được, nên phải đến khất thực nơi người lái ngựa kia. Lúc ấy, người lái ngựa tự nghĩ: «Hiện nay mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được, xương trắng ngổn ngang. Các tỳ-kheo kia khất thực không được nên đến đây. Nay ta có nên dùng lúa mạch của ngựa mỗi ngày bố thí cho tỳ-kheo năm thăng, Thế tôn một đấu hay chăng?» Nghĩ như vậy rồi, mỗi ngày ông bố thí cho các tỳ-kheo năm thăng lúa mạch của ngựa, Thế tôn một đấu.

Đức Thế tôn nhận được phần lúa ngựa rồi, trao cho A-nan. A-nan khiến người xay làm cơm khô để dâng Phật. Đức Phật dùng cơm khô, còn các tỳ-kheo nấu chín rồi mới ăn. Do đó, giữa đức Phật cùng các tỳ-kheo thức ăn có khác. 

Lúc bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-liên đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên, thưa:

«Kính bạch Đại đức, hiện nay lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được; thực phẩm của các tỳ-kheo rất là thô xấu, nên tất cả đều bị gầy ốm. Nếu đức Thế tôn cho phép, các tỳ-kheo có thần túc đến nước Uất-đơn-việt[7] lấy thức ăn bằng gạo của loại lúa chín muộn tự nhiên,[8] thì chúng con sẽ đi.»

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

«Các vị tỳ-kheo có thần túc thì có thể đến đó để lấy thức ăn bằng gạo lúa tự nhiên, còn các vị tỳ-kheo không có thần túc thì thế nào?»

Tôn giả Mục-liên thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, các vị có thần túc thì họ tùy ý đến, còn các vị không có thần túc thì con sẽ dùng sức thần túc của con để giúp các vị đến đó.»[9]

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

«Thôi đi, thôi đi, đừng nói vậy! Tại sao? Các ông là những con người[10] đã chứng đắc thần túc thì có thể làm như vậy. Còn các vị tỳ-kheo ở đời vị lai sẽ làm sao?»

2. XÁ-LỢI-PHẤT THƯA HỎI
Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở nơi nhàn tĩnh, nghĩ như vầy: «Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài? Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp không tồn tại lâu dài?» Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, đến chỗ Thế tôn, đầu mặt đảnh lễ, ngồi qua một bên. Một lát sau, rời chỗ ngồi, đứng dậy thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, vừa rồi ở chỗ nhàn tĩnh, con nghĩ: ‹Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài? Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp không tồn tại lâu dài?› Cúi xin đức Thế tôn khai thị cho con.»

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

«Đức Phật Tỳ-bà-thi, đức Phật Thức-khí, đức Phật Câu-lưu-tôn, đức Phật Ca-diếp, các vị Phật này có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài. Pháp của Phật Tùy-diệp, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, thì không tồn tại lâu dài.»

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

«Do nhơn duyên gì mà [569b1] Phật Tỳ-bà-thi,[11] đức Phật Thức,[12] đức Phật Câu-lưu-tôn,[13] đức Phật Ca-diệp,[14] các vị Phật này có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài; Pháp của Phật Tùy-diệp,[15] Phật Câu-na-hàm Mâu-ni,[16] thì không tồn tại lâu dài?»[17]

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

«Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diệp không công bố pháp rộng rãi như: Khế kinh, Kỳ-dạ kinh, Thọ ký, Phương đẳng kinh, Vị tằng hữu kinh, Thí dụ kinh, Ưu-bà-đề-xá kinh.[18] Không vì người rộng nói Khế kinh, cho đến Ưu-bà-đề-xá kinh, không kết giới cũng không thuyết giới, cho nên các đệ tử mỏi mệt nhàm chán,[19] vì vậy cho nên pháp không tồn tại dài lâu. Khi đức Thế tôn kia biết tâm các đệ tự mỏi mệt nhàm chán thì chỉ dạy như vầy:[20] ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.› 

«Này Xá-lợi-phất, xa xưa về trước, đức Phật Tùy-diệp cùng với một ngàn tỳ-kheo sống trong rừng Kinh sợ .[21] Này Xá-lợi-phất, nếu có người nào chưa lìa dục mà vào trong rừng kia, thì lông trong người đều bị dựng ngược lên, cho nên gọi là rừng Khủng úy.[22]

«Lại nữa, này Xá-lợi-phất, đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diệp Như lai, là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, quán trong tâm một ngàn vị tỳ-kheo mỏi mệt nhàm chán, thì vì họ nói pháp: ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.›

«Này Xá-lợi-phất, nên biết, lúc bấy giờ đức Phật kia và các vị Thinh văn còn ở đời thì Phật pháp được truyền rộng rãi. Nhưng sau khi đức Phật kia và các Thinh văn[23] diệt độ, mọi người trong thế gian đời sau, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia. Đó là lý do khiến cho Phật pháp mau diệt, không tồn tại lâu dài. Tại sao vậy? Vì không được thâu nhiếp bằng kinh pháp.

«Này Xá-lợi-phất, ví như các loại hoa rải trên mặt bàn, gió thổi thì bay. Tại sao vậy? Vì không dùng sợi chỉ xâu nó lại, cho nên như vậy.

«Này Xá-lợi-phất, đức Phật kia và các chúng Thinh văn khi còn ở đời thì Phật pháp lưu bố. Nhưng sau khi đức Phật kia và chúng Thinh văn diệt độ, người trong thế gian, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia khiến cho chánh pháp mau diệt, không tồn tại lâu dài. Tại sao? Vì không được thâu nhiếp bằng kinh pháp.»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

«Đức Phật Tỳ-Bà-thi, đức Phật Thức, đức Phật Câu-lưu-tôn, đức Phật Ca-diếp vì các đệ tử rộng nói kinh pháp, từ Khế kinh cho đến Ưu-bà-xá kinh, cũng kết giới, cũng thuyết giới. Khi tâm chúng đệ tử [569c1] mỏi mệt nhàm chán, đức Phật biết tâm của họ mỏi mệt nhàm chán, chỉ dạy như vầy: ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.›

«Như vậy, này Xá-lợi-phất, các đức Phật kia và chúng Thinh văn khi còn ở đời thì Phật pháp lưu bố. Nếu các đức Phật kia và chúng Thinh văn sau khi diệt độ; người trong thế gian đời sau, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia, không khiến cho Phật pháp mau diệt. Tại sao vậy? Vì được thâu nhiếp bằng kinh pháp.

«Này Xá-lợi-phất, ví như các loại hoa rải trên mặt bàn được xâu lại bằng sợi chỉ; tuy bị gió thổi nhưng không bị phân tán. Tại sao vậy? Nhờ sợi chỉ khéo xâu giữ lại.

«Cũng vậy, này Xá-lợi-phất, đức Phật kia cùng chúng Thinh văn ở đời rộng nói Phật pháp, như trên.

«Này Xá-lợi-phất, do nhân duyên này mà Phật pháp thời đức Phật Tỳ-bà-thi, cho đến đức Phật Ca-diệp được tồn tại lâu dài, và cũng do nhân duyên này mà Phật pháp thời đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diếp không tồn tại lâu dài.»

Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, mặc y trống vai bên hữu, đầu gối hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:

«Kính bạch đức Thế tôn, nay chính là lúc. Cúi xin đức Đại Thánh vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết giới, khiến cho phạm hạnh được tu tập, pháp được tồn tại lâu dài.»

Đức Thế tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

«Hãy thôi![24] Như Lai tự biết thời. Này Xá-lợi-phất, vì sao Như Lai chưa vì các tỳ-kheo kết giới? Vì trong chúng tỳ-kheo chưa có ai phạm pháp hữu lậu. Nếu có người nào phạm pháp hữu lậu, nhiên hậu Thế tôn mới vì các tỳ-kheo kết giới để đoạn pháp hữu lậu kia. Này Xá-lợi-phất, khi tỳ-kheo chưa được lợi dưỡng thì chắc chắn chưa sanh pháp hữu lậu. Nếu tỳ-kheo được lợi dưỡng thì pháp hữu lậu liền sanh. Nếu pháp hữu lậu đã sanh, Thế tôn mới vì các tỳ-kheo kiết giới, vì muốn khiến cho họ đoạn pháp hữu lậu vậy.

«Này Xá-lợi-phất, tỳ-kheo chưa sanh pháp hữu lậu chỉ vì chưa có danh tiếng, chưa ai biết đến nhiều, chưa có tiếng đồn nhiều, chưa có tài nghiệp nhiều. Nếu tỳ-kheo được danh tiếng, cho đến nhiều tài nghiệp thì pháp hữu lậu liền sanh. Nếu có pháp hữu lậu sanh, nhiên hậu Thế tôn sẽ vì đệ tử kiết giới để đoạn pháp hữu lậu. Này Xá-lợi-phất, hãy thôi! Như lai tự biết thời.»

3. NHÂN DUYÊN TU-ĐỀ-NA: KẾT GIỚI LẦN THỨ NHẤT
Bấy giờ Thế tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Khi ấy, có Tu-đề-na Tử ở thôn Ca-lan-đà .[25] Trong thôn này, ông là người có nhiều tiền của, lắm đồ châu báu, với lòng tin kiên cố, xuất gia hành đạo.

[570a1] Vào lúc bấy giờ, lúa thóc khan hiếm, các tỳ-kheo khất thực khó được. Tu-đề-na Tử tự nghĩ như vầy: «Hiện nay mất mùa, các tỳ-kheo khất thực khó được. Ta nên hướng dẫn các tỳ-kheo đến thôn Ca-lan-đà để khất thực. Các tỳ-kheo sẽ nhân bởi ta mà được lợi dưỡng lớn để có thể tu phạm hạnh. Cũng khiến cho dòng họ ta tích cực hành bố thí, làm các phước đức.» Nghĩ như vậy rồi, Tu-đề-na Tử liền dẫn các tỳ-kheo về thôn Ca-lan-đà.

Mẹ của ông Tu-đề-na nghe con mình dẫn các tỳ-kheo về lại bổn thôn, liền đến đón. Khi đến chỗ con, bà nói với con trai của mình:

«Con nên bỏ đạo, trở về làm người bạch y. Tại sao vậy? Vì cha con đã qua đời, mẹ sống đơn độc, sợ gia tài sẽ rơi vào cửa nhà quan. Của cải của cha con vốn đã nhiều, huống là tài sản của tổ phụ để lại vô lượng. Thật là đáng tiếc! Do vậy, nay con hãy bỏ đạo để trở về đời.»

Tu-đề-na trả lời mẹ:

«Con không thể bỏ đạo, để làm những việc phi pháp này. Hiện tại con rất thích phạm hạnh, tu đạo vô thượng.»

Ba lần người mẹ bảo như vậy, cũng ba lần người con thưa:

«Không thể bỏ đạo để trở về thế tục được!» 

Bà mẹ liền bỏ ra về. Bà ta đến chỗ người con dâu, nói: 

«Khi nào nguyệt kỳ của con đến, tin cho mẹ biết.» 

Người dâu tự biết nguyệt kỳ sắp đến, nên đến thưa với mẹ chồng:

«Thưa đại gia, nguyệt kỳ của con sắp đến.»

Bà mẹ chồng bảo:

«Con nên dùng y phục và nữ trang của ngày cưới trang điểm thân con rồi đến đây.» 

Người con dâu theo lời mẹ chồng dạy, liền tự trang điểm thân mình; rồi cùng mẹ đến chỗ người chồng. Đến nơi, bà mẹ chồng nói với con bà:

«Nay đã đến lúc, con phải bỏ đạo về đời. Tại sao vậy? Vì nếu con không bỏ đạo, tài vật của nhà ta sẽ bị thu vào cửa nhà quan.»

Người con thưa với mẹ:

«Con không thể bỏ đạo!»

Sau khi ba lần nói như vậy, bà nói với con trai:

«Hôm nay hoa thủy của vợ con đã xuất. Con nên lưu lại đứa con để dòng dõi của con không bị đứt.»

Người con thưa:

«Việc này rất dễ. Con có thể làm được.»

Lúc bấy giờ, trước khi Phật chế giới, Ca-lan-đà Tử không thấy được dục là ô uế, liền nắm tay người vợ cũ dẫn vào trong vườn, nơi chỗ khuất vắng, ba lần làm việc bất tịnh. Ngay khi ấy, trong vườn có con quỷ vừa mệnh chung liền gá vào thai. Nương nơi thai đủ chín tháng, sanh ra một hài nhi nam, dung mạo đoan chánh, có một không hai trên đời, được đặt tên là Chủng Tử,[26] các căn đầy đủ. Theo thời gian, Chủng Tử khôn lớn, cạo tóc, mặc cà sa, với lòng tin vững chắc xuất gia học đạo, tinh cần không biếng nhác, đắc quả A-la-hán, thần thông biến hóa, oai đức vô lượng, cho nên có hiệu là Tôn giả Chủng Tử.[27]

Tu-đề-na tập oai nghi của Sa-môn, không việc gì không biết, gặp việc gì cũng làm được; [570b1] và cũng có thể dạy bảo người khác. 

Từ khi Tu-đề-na làm việc bất tịnh rồi, về sau thường ôm lòng sầu ưu. Các đồng học thấy vậy hỏi:

«Thầy có điều gì sầu ưu phải chăng? Thầy tu phạm hạnh lâu, oai nghi lễ tiết không việc gì không biết, tại sao sầu ưu? Hay là không thích sống đời sống phạm hạnh nữa?» 

Tu-đề-na nói:

«Tôi rất thích đời sống phạm hạnh. Nhưng gần đây, nơi chỗ khuất vắng, tôi đã phạm ác hạnh; cùng vợ cũ[28] làm việc bất tịnh, nên ưu sầu.»

Các tỳ-kheo nói với Tu-đề-na:

«Tại sao thầy lại làm việc xấu như vậy? Trong pháp thanh tịnh của đức Như Lai, ở trong dục mà không dục, ở trong cấu bẩn mà không cấu bẩn, hay đoạn trừ khát ái, phá bỏ hang ổ, trừ các trói buộc, ái diệt tận chứng Niết-bàn. Tại sao nay Thầy lại ở trong pháp thanh tịnh này cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh?»

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, cúi đầu lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc ấy đức Thế tôn do nhơn duyên này mà tập hợp các tỳ-kheo.

Đức Thế tôn có khi biết mà vẫn hỏi, có khi biết mà không hỏi; đôi khi đúng lúc thì hỏi, đôi khi đúng lúc mà không hỏi; hợp nghĩa[29]. Bấy giờ đức Thế tôn biết đúng thời, hợp nghĩa, cho nên hỏi Tu-đề-na:

«Thật sự ông có cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh hay không?»

«Đúng như vậy, bạch Thế tôn. Con đã phạm bất tịnh hạnh.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách:

«Việc ông làm là sai, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận. Ông đã làm điều chẳng nên làm.

«Tu-đề-na, tại sao ở trong pháp thanh tịnh này, (như trên, cho đến) ái diệt tận chứng Niết-bàn, lại cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh?»

Đức phật bảo các tỳ-kheo:

«Thà để nam căn vào trong miệng con rắn độc, không nên để vào nữ căn. Tại sao vậy? Vì duyên này không đọa nơi đường ác, còn nếu phạm vào người nữ thì thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác. Tại sao vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện nói pháp đoạn dục, đoạn dục tưởng, diệt dục niệm, trừ tan sức nóng của dục, vượt ra khỏi sự kết buộc của ái. Ta đã dùng vô số phương tiện nói, dục như lửa, dục như bó đuốc cỏ khô trong tay, cũng như trái cây, lại như vật tạm mượn, cũng như xương khô, như cục thịt, như cảnh mộng, như mũi dao nhọn được dẫm lên, như đồ gốm mới làm đựng nước để dưới nắng sáng giữa ngày, như đầu con rắn độc, như con dao xoay vòng, như trên cọc nhọn, như ngọn lao bén đâm.[30] Dục rất là nhớp nhúa, rất là xấu ác, là điều mà Phật quở trách.

«Tu-đề-na, ngươi ở trong giáo pháp thanh tịnh của Ta, (như trên, cho đến) ái diệt tận chứng Niết-bàn, lại cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh.»

[570c01] Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: 

«Tu-đề-na là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới đầu tiên. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, nhắm đến mười cú nghĩa :[31] 1. Nhiếp thủ đối với Tăng. 2. Khiến cho Tăng hoan hỷ. 3. Khiến cho Tăng an lạc. 4. Khiến cho người chưa tín thì có tín. 5. Người đã có tín khiến tăng tưởng. 6. Để điều phục người chưa được điều phục. 7. Người có tàm quý được an lạc. 8. Đoạn hữu lậu hiện tại. 9. Đoạn hữu lậu đời vị lai. 10. Chánh pháp được tồn tại lâu dài .[32]

«Muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy:

Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.»

Đức Thế tôn đã kết giới như vậy cho các tỳ-kheo.

4. NHÂN DUYÊN BẠT-XÀ TỬ: KẾT GIỚI LẦN THỨ HAI
Bấy giờ, tỳ-kheo Bạt-xà Tử[33] sầu ưu không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng với vợ cũ hành bất tịnh hạnh. Sau đó suy nghĩ, «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Song ta vì sầu ưu, không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Như vậy ta có phạm ba-la-di không? Ta sẽ làm như thế nào đây?» Bèn nói với các đồng học:

«Thưa Trưởng lão, đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Song tôi vì sầu ưu, không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ hành bất tịnh hạnh. Như vậy tôi có phạm ba-la-di không? Tôi sẽ làm như thế nào đây? Lành thay, Trưởng lão vì tôi đem việc này bạch lên đức Phật. Tùy theo đức Phật dạy như thế nào, tôi sẽ phụng hành như thế ấy.»

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc bấy giờ đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Ngài dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Bạt-xà Tử:

«Việc ông làm là sai, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận. Ông đã làm điều chẳng nên làm.

«Thế nào, người ngu si, không thích tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh? Vừa mới để vào là ba-la-di. Ông là người ngu si, phạm ba-la-di, không được sống chung. Cho nên, này các tỳ-kheo, nếu có ai không thích tịnh hạnh, cho phép xả giới về nhà. Sau đó, muốn xuất gia lại, ở trong Phật pháp tu tịnh hạnh, nên độ cho xuất gia, thọ đại giới. Từ nay về sau [571a01] nên thuyết giới như vầy:

«Tỳ-kheo nào, cùng với tỳ-kheo đồng giới, không xả giới, giới sút kém không tự phát lồ,[34] phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.»

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. 

5. NHÂN DUYÊN VƯỢN CÁI: KẾT GIỚI LẦN THỨ BA
Tỳ-kheo khất thực[35] sống ở trong rừng.

Trong khu rừng này, trước đó có một con vượn cái[36] đã ở. Tỳ-kheo khất thực này mỗi khi vào thôn khất thực, rồi trở về lại rừng, ăn xong, mang thức ăn còn dư cho con vượn cái này ăn. Cứ như vậy, dần dần thuần phục được nó. Nó đi theo sau tỳ-kheo, thậm chí dùng tay bắt, nó vẫn không chạy. Tỳ-kheo này liền bắt con vượn cái này, cùng làm bất tịnh hạnh.

Bấy giờ, có một số đông tỳ-kheo đi xem xét các trú xứ,[37] tuần tự đến khu rừng này. Lúc ấy, con vượn cái ở trước mặt các tỳ-kheo, xoay lưng lại, bày tỏ dấu hiệu hành dâm. Các tỳ-kheo suy nghĩ: «Con vượn cái này ở trước mặt chúng ta, xoay lưng lại, bày tỏ dấu hiệu hành dâm, đâu không cùng với tỳ-kheo khác làm bất tịnh hạnh hay chăng?» Các tỳ-kheo cùng bảo nhau ẩn mình nơi chỗ vắng để rình xem.

Tỳ-kheo khất thực kia trở lại khu rừng, ăn xong, dùng thức ăn dư cho con vượn. Con vượn ăn rồi, cùng làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo thấy vậy, liền đến nói với tỳ-kheo khất thực ấy rằng:

«Đức Như Lai há không chế cấm tỳ-kheo không được làm bất tịnh hạnh hay chăng?»

Vị tỳ-kheo kia bảo:

«Đức Như Lai cấm chế nam phạm với phụ nữ chứ không chế cấm với súc sanh.»

Các tỳ-kheo nghe nói lời như vậy rồi, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo khất thực kia:

«Tỳ-kheo, sao lại cùng với vượn cái làm bất tịnh hạnh? Vừa để vào liền phạm ba-la-di. Nay muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy:

B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, cùng với tỳ-kheo đồng giới, không hoàn giới, giới sút kém, không tự phát lồ, cho đến cùng với loài súc sanh, phạm bất tịnh hạnh; Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.

C. THÍCH NGHĨA
Tỳ-kheo  nào: gồm có tỳ-kheo danh tự, tỳ-kheo tương tợ, tỳ-kheo tự xưng, tỳ-kheo thiện lai, tỳ-kheo khất cầu,[38] tỳ-kheo mặc y cát tiệt,[39] tỳ-kheo phá kiết sử, tỳ-kheo thọ đại giới do bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu hợp cách.[40] Trong số các tỳ-kheo này, tỳ-kheo ở đây đề cập đến là tỳ-kheo thọ đại giới bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu hợp cách. Trụ trong pháp tỳ-kheo đó gọi là tỳ-kheo.

Cùng với tỳ-kheo:[41] ở đây chỉ các tỳ-kheo khác thọ đại giới bạch tứ yết-ma [571b01] như pháp thành tựu hợp cách, trụ trong pháp tỳ-kheo. Đó là nghĩa ‹cùng với tỳ-kheo.›

Thế nào gọi là đồng giới?[42] Đối với giới mà Ta (Phật) đã kết cho các đệ tử, thà chết chứ không phạm. Trong đây, cùng với các tỳ-kheo khác duy nhất giới, đồng nhất giới, bình đẳng giới; đó gọi là đồng giới.

Thế nào gọi là không xả giới? Xả giới khi đang điên cuồng; xả giới trước người điên cuồng; xả giới khi đau đớn; xả giới trước người đau đớn; xả giới khi điếc; xả giới khi câm; xả giới khi câm điếc; xả giới trước người câm; xả giới trước người điếc; xả giới trước người câm điếc. Người trung quốc xả giới trước người biên địa; người biên địa xả giới trước người trung quốc. Chỗ không tĩnh, tưởng là tĩnh mà xả giới. Tĩnh tưởng là không tĩnh mà xả giới. Giỡn cười xả giới. Trước trời, rồng, dạ xoa, ngạ quỷ, người ngủ, người chết, người không biết gì, không tự nói hoặc nói mà người nghe không hiểu..., các trường hợp như vậy không gọi là xả giới.

Thế nào gọi là xả giới? Nếu tỳ-kheo không thích tu phạm hạnh, muốn được trở về nhà, nhàm chán pháp tỳ-kheo, thường ôm lòng hổ thẹn ,[43] tham thú vui tại gia, tham muốn pháp ưu-bà-tắc, hoặc chỉ niệm tưởng pháp sa-di,[44] hoặc ưa pháp ngoại đạo, ưa pháp đệ tử ngoại đạo,[45] ưa pháp phi sa-môn, phi Thích tử, bèn nói lên lời nói như vầy: «Tôi xả Phật, xả Pháp, xả tỳ-kheo Tăng, xả Hòa-thượng, xả đồng Hòa-thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả các phạm hạnh,[46] xả giới, xả luật, xả học sự, nhận pháp ở nhà. Tôi làm tịnh nhơn. Tôi làm ưu-bà-tắc. Tôi làm sa-di. Tôi làm ngoại đạo. Tôi làm đệ tử ngoại đạo. Tôi làm phi Sa-môn, phi Thích chủng tử.» 

Hoặc lại nói như vầy: «Thôi, không cần Phật. Phật đối với tôi đâu có ích gì. Tôi lìa bỏ chỗ Phật.» Cho đến đối với học sự cũng nói như vậy. Hoặc lại nói những lời nói khác hủy báng Phật, Pháp và Tăng cho đến học sự; khen ngợi gia nghiệp, cho đến phi Sa-môn, phi Thích tử. Bằng lời nói như vậy một cách rõ ràng để nói thì gọi là xả giới.

Giới sút kém :[47] hoặc có giới sút kém mà không xả giới, hoặc có giới sút kém mà xả giới.

Tại sao gọi là giới sút kém mà không xả giới? Nếu tỳ-kheo sầu ưu, không thích phạm hạnh, muốn được về nhà, nhàm chán pháp tỳ-kheo, ôm lòng xấu hổ, ý muốn ở nhà, cho đến ưa muốn làm pháp phi Sa-môn, phi Thích tử, bèn nói như vầy: «Tôi nghĩ đến cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, xóm làng, thành ấp, [571c01] ruộng vườn, ao hồ. Tôi muốn xả Phật, Pháp, Tăng, cho đến học sự.» Liền muốn thọ trì gia nghiệp, cho đến, phi Sa-môn, phi Thích tử. Như vậy gọi là giới sút kém mà không xả giới.

Thế nào gọi là giới sút kém mà xả giới? Nếu khởi tư duy như vầy: ‹Tôi muốn xả giới.› Rồi xả giới. Như vậy gọi là giới sút kém mà xả giới.

Bất tịnh hạnh:[48] là pháp dâm dục. 

Cho đến cùng với súc sanh là chỉ đối tượng có thể hành dâm.

Thế nào là ba-la-di ?[49] Ví như cái đầu của con người đã bị chặt thì không thể mọc trở lại. Tỳ-kheo cũng như vậy, người phạm pháp này không còn thành tỳ-kheo nữa, cho nên gọi là ba-la-di.

Thế nào gọi là không được sống chung?[50] Có hai trường hợp gọi là được sống chung: đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới. Không được cùng chung làm hai việc này cho nên gọi không được sống chung.

D. PHẠM TƯỚNG
Có ba trường hợp hành bất tịnh hạnh thành ba-la-di: loài người, phi nhơn, súc sanh.

Lại có năm loại hành bất tịnh hạnh phạm ba-la-di: thuộc loài người là phụ nữ, đồng nữ, có hai hình,[51] huỳnh môn,[52] người nam. Nơi năm đối tượng này hành bất tịnh hạnh phạm ba-la-di.

Đối với ba loại giống cái hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Những gì là ba? Người nữ, phi nhân[53] nữ, súc sanh cái. Đối với ba đối tượng này hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Ba loại đồng nữ, ba loại nhị hình, ba loại bất năng nam, ba loại người nam; đối với những loại này hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Cũng như vậy, phạm ba nơi của người phụ nữ, thành ba-la-di. Ba nơi là, đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng. Cũng vậy, ba nơi của loài phi nhân cái, súc sanh giống cái, đồng nữ loài người, đồng nữ loài phi nhơn, súc sanh mới lớn, người nhị hình, phi nhân nhị hình, súc sanh nhị hình.

Hành bất tịnh hạnh ở hai nơi của người huỳnh môn, thành ba-la-di. Hai nơi là đường đại tiện và miệng. Phi nhân huỳnh môn, súc sanh huỳnh môn cũng vậy. Ở hai nơi loại bất năng nam, súc sanh đực cũng như vậy.

Tỳ-kheo với tâm dâm, hướng đến nơi đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng của người phụ nữ; vừa vào thì phạm; không vào không phạm. Hai bên có vật cách; hoặc bên có vật cách, bên kia không; hoặc bên kia không có vật cách, bên này có; hoặc cả hai bên đều không có vật cách; thảy đều thành ba-la-di.

Nếu tỳ-kheo với ý dâm, hướng đến ba nơi của hạng phi nhân nữ, súc sanh cái, đồng nữ người, đồng nữ phi nhân, súc sanh nhị hình cũng như vậy. Hay hướng đến hai nơi của người huỳnh môn, phi nhân huỳnh môn, súc sanh huỳnh môn; người nam, phi nhân nam; súc sanh đực lại cũng như vậy.

Nếu tỳ-kheo với ý dâm hướng đến đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng của người phụ nữ đang ngủ hoặc chết mà chưa hư hoại hay phần nhiều hư hoại, vừa để vào liền phạm, không vào thì không phạm. Có vật ngăn cách hay không vật ngăn cách cũng vậy... cho đến, người nam cũng như vậy.

Nếu tỳ-kheo bị oan gia áp bức đưa đến chỗ người phụ nữ, cưỡng đem nam căn đặt vào trong ba nơi. Khi mới để vào có cảm giác thích thú, khi vào rồi, khi ra cũng như vậy, phạm ba-la-di. Khi mới vào, và khi vào rồi có cảm giác thích thú, nhưng khi ra thì không, vẫn phạm ba-la-di. Khi mới vào, khi vào rồi không cảm thấy thích thú, nhưng khi ra có cảm thọ lạc, cũng phạm ba-la-di. Khi vào thọ lạc, khi vào rồi và khi ra không thọ lạc cũng mắc tội ba-la-di. Khi mới vào không thọ lạc, khi vào rồi và khi ra có thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Khi mới vào và khi vào rồi không thọ lạc, khi ra thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Có vật ngăn cách, không vật ngăn cách cũng như vậy... từ giống cái chẳng phải người cho đến người nam cũng như vậy.

Nếu tỳ-kheo bị oan gia áp bức đưa đến chỗ người phụ nữ đang ngủ, hoặc là thây chết chưa hoại, hay phần lớn chưa hoại... mà có cảm giác thọ lạc cũng như vậy. Có vật cách hay không vật cách cũng như vậy. Từ giống cái phi nhân cho đến người nam cũng như vậy.

Nếu oan gia cưỡng nắm nam căn của tỳ-kheo đặt vào trong đường đại tiện để làm việc bất tịnh, khi đặt vào có cảm giác thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Khi vào rồi thọ lạc, khi ra thọ lạc cũng như trên đã nói, cho đến có vật cách hay không vật cách cũng như vậy.

Từ đạo vào đạo; từ đạo vào phi đạo;[54] từ phi đạo vào đạo. Hoặc vào có chừng mức, hoặc vào hết; hoặc nói hoặc không nói. Nếu, với tâm dâm, cho đến chỉ vào như sợi lông, đều phạm ba-la-di. Phương tiện mà không vào, phạm thâu-lan-giá.[55]

Nếu tỳ-kheo phương tiện muốn tìm cầu làm bất tịnh hạnh, thành thì phạm ba-la-di, không thành thì phạm thâu-lan-giá.

Nếu tỳ-kheo dạy tỳ-kheo làm bất tịnh hạnh; tỳ-kheo kia làm theo lời dạy (thì tỳ-kheo dạy) phạm thâu-lan-giá; (tỳ-kheo kia) không làm theo lời dạy (thì tỳ-kheo dạy) mắc đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni dạy tỳ-kheo, làm phạm thâu-lan-giá, không làm thì mắc đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, các chúng khác dạy nhau làm hạnh bất tịnh, làm hay không làm đều mắc đột-kiết-la.

Nếu tử thi phân nửa bị hư hoại mà làm bất tịnh hạnh, khi để vào liền phạm thâu-lan-giá. Nếu phần lớn bị hư hoại, hay bị hoại hết thì phạm thâu-lan-giá. Nơi kẽ hở của xương làm hạnh bất tịnh, phạm thâu-lan-giá. Đào đất làm thành lỗ, hoặc nơi miệng bình, phạm thâu-lan-giá. Tưởng là đạo hay nghi như vậy, tất cả đều phạm thâu-lan-giá.

Nếu nơi đạo mà khởi ý tưởng là đạo, phạm ba-la-di. Nếu nghi là đạo, phạm ba-la-di. Nếu nơi đạo mà tưởng phi đạo, phạm ba-la-di. Phi đạo mà tưởng là đạo, phạm thâu-lan-giá. Phi đạo mà nghi, phạm thâu-lan-giá. 

Tỳ-kheo-ni ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni mắc đột-kiết-la diệt tẫn. Đó là phạm.[56]

Sự không phạm: khi ngủ không hay biết, không thọ lạc, hoàn toàn không có ý dâm thì không phạm. 

Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. bức bách thì không phạm.[57]

Xem mục lục