Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có nhục nhãn chăng?
Bạch Thế Tôn, như vậy. Như Lai có nhục nhãn.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có thiên nhãn chăng?
Bạch Thế Tôn, như vậy. Như Lai có thiên nhãn.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có huệ nhãn chăng?
Bạch Thế Tôn, như vậy. Như Lai có huệ nhãn.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có pháp nhãn chăng?
Bạch Thế Tôn, như vậy. Như Lai có pháp nhãn.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có Phật nhãn chăng?
Bạch Thế Tôn, như vậy. Như Lai có Phật nhãn.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, Phật nói là cát chăng?
Bạch Thế Tôn, như vậy. Như Lai nói là cát.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, có số sông Hằng nhiều như số cát ấy, những thế giới của Phật lại như số cát của những sông Hằng kia, như vậy có nhiều chăng?
Bạch Thế Tôn, rất nhiều.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Trong bao nhiêu cõi nước nhiều như thế, chúng sanh có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai thảy đều biết. Vì sao thế? Như Lai nói các tâm đều chẳng phải là tâm, đó gọi là tâm.
Tu Bồ Đề! Tâm quá khứ chẳng thể đắc, tâm hiện tại chẳng thể đắc, tâm vị lai chẳng thể đắc.
E rằng chúng ta nghe nói nhiều về tánh Không thì nghĩ rằng tánh Không là không có gì cả, chẳng có sự khác biệt nào cả trong thế giới, nên Đức Phật nói về năm loại mắt. Qua năm loại mắt này, chúng ta thấy trong tánh Không nền tảng vẫn có sự vật và sự phân chia cao thấp giữa các sự vật, dù cái có này, cái cao thấp này chỉ là chân lý quy ước, tương đối. Nhưng nếu bỏ qua chân lý quy ước, tương đối này thì sẽ dẫn đến đoạn kiến, bác bỏ nhân quả, bác bỏ mọi giá trị. Chấp không là cái xấu ác lớn nhất, không thể tiến bộ mà còn sa đọa. Bồ tát Long Thọ nói:
Đại Thánh nói pháp Không
Để lìa các tà kiến
Nhưng nếu lại chấp Không
Chư Phật không thể độ.
(Trung Luận, phẩm Quán về Hành)
Nhục nhãn là mắt thịt mọi người đều có. Thiên nhãn là mắt thấy xa và tinh vi của hàng chư thiên. Huệ nhãn là mắt thấy vô ngã của hàng Thanh Văn. Pháp nhãn là mắt thấy vô ngã và vô pháp của hàng Bồ tát. Và Phật nhãn là mắt Phật, con mắt của bậc giác ngộ, con mắt của Nhất thiết trí trí.
Đức Phật biết mỗi tâm niệm của mỗi chúng sanh trong vô số thế giới nhiều như số cát của vô số sông Hằng. Những tâm niệm ấy khác nhau, không phải tất cả như nhau, vì tính chung theo chủng loại đã có sáu loại: trời, a tu la, người, thú vật, quỹ đói và địa ngục. Sở dĩ Đức Phật biết được tất cả vì ngài thường trụ trong cái Nền tảng của tất cả. Nền tảng đó là tánh Không. Tánh Không là nền tảng vô phân biệt của tất cả các phân biệt. Càng đi sâu vào tánh Không thì chẳng phải là không có gì cả, mà trái lại, sự phân biệt, sự khác nhau của mọi sự lại càng trở nên rõ ràng. Thế nên các Kinh Đại thừa nói bước đầu hành giả bước vào Căn bản trí hay Vô phân biệt trí, tức là trí huệ Bát nhã thấu rõ tánh Không, nhưng dần dần, trên nền tảng trí huệ tánh Không này phải phát sanh Hậu đắc trí hay Phân biệt trí, thấu rõ sự sai biệt của Hằng hà sa số sự vật.
Nơi một vị Phật thì Vô phân biệt trí và Phân biệt trí đều biểu lộ đến chỗ viên mãn. Nói cụ thể, thấy một sự vật gì thì biết sự vật ấy là tánh Không đồng thời vẫn biết rõ tướng khác biệt của sự vật ấy. Vị Phật là vị thấy đồng thời tánh và tướng của một sự vật ở mức độ trọn vẹn nhất. Nói một cách khác, bậc giác ngộ thấy tánh Không và hiện tướng đồng thời, đồng hiện hay đồng khởi. Nói một cách khác nữa, hiện tướng và tánh Không là bất nhị, không hai.
Thấy, biết một cách chi ly như thế mỗi tâm niệm của chúng sanh trong khắp cả mười phương mà vẫn giải thoát, vẫn không ô nhiễm vì vẫn an trụ trong tánh Không: sự khác biệt vô số của thế gian là chẳng thể đắc.
Thực hành theo lời dạy của Phật, khi nào chúng ta thực sự thấy những tâm niệm tốt xấu của chúng ta “đều chẳng phải là tâm”, vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc, ngay đó chúng ta giải thoát. Khi nào chúng ta thực sự thấy tâm quá khứ của chúng ta là chẳng thể đắc, tâm hiện tại của chúng ta là chẳng thể đắc, tâm vị lai của chúng ta là chẳng thể đắc, ngay khi đó chúng ta tự do.
Để thấy được như vậy, sự thực hành luôn luôn của chúng ta phải là: khi tâm niệm khởi, nó đồng khởi với tâm Không vô niệm; nó chính là tâm Không vô niệm. Khi tướng xuất hiện, nó đồng hiện với tánh Không vô tướng; nó chính là tánh Không vô tướng.