Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Phạn ác nhân bách, bất như phạn nhất thiện nhân. Phạn thiện nhân thiên, bất như phạn trì Ngũ-giới giả. Phạn Ngữ-giới giả, vạn bất như phạn nhất Tu-đà-hoàn. Phạn bách vạn Tu-đà-hoàn, bất như phạn nhất Tư-đà-hàm. Phạn thiên vạn Tư-đà-hàm, bất như phạn nhất A-na-hàm. Phạn nhất ức A-na-hàm, bất như phạn nhất A-la-hán. Phạn thập ức A-la-hán, bất như phạn nhất Bích-chi-Phật. Phạn bách ức Bích-chi-Phật, bất như phạn nhất tam thế chư Phật. Phạn thiên ức tam thế chư Phật, bất như phạn nhất Vô Niệm, Vô Trụ, Vô Tu, Vô Chứng chi giả."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy:

"Đãi một trăm người ác ăn, không bằng đãi một người thiện ăn. Đãi một ngàn người thiện ăn, không bằng đãi một người trì Ngũ-giới ăn. Đãi một vạn người trì Ngũ-giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn ăn. Cúng dường một trăm vạn vị Tu-đà-hoàn, không bằng cúng dường cho một vị Tư-đà-hàm ăn. Cúng dường một ngàn vạn vị Tư-đà hàm, không bằng cúng dường cho một vị A-na-hàm ăn. Cúng dường một ức vị A-na-hàm, không bằng cúng dường cho một vị A-la-hán ăn. Cúng dường ức vị A-la-hán, không bằng cúng dường cho một bậc Bích-Chi-Phật ăn. Cúng dường một trăm ức bậc Bích-Chi-Phật, không bằng cúng dường cho một đức Tam Thế Chư Phật ăn. Cúng dường một ngàn ức đức Tam Thế Chư Phật, không bằng cúng dường cho một đấng Vô Niệm, Vô Trụ, Vô Tu, Vô Chứng ăn."

 

Lược giảng:

Đây là chương thứ mười một của bộ kinh này; đại ý so sánh sự hơn kém của ruộng phước (phước điền) để người đời biết được sự hơn kém của việc cúng dường (cũng như bố thí).

Đức Phật dạy: "Đãi một trăm người ác ăn, không bằng đãi một người thiện ăn."

Trong chương trước, chúng ta đã được biết qua về hạnh bố thí. Muốn thực hành hạnh bố thí, thì điều quan trọng là phải biết cách bố thí. Bởi vì nếu trồng phước mà không biết cách, trồng không đúng phương pháp, hoặc không hiểu gì về pháp trồng phước, thì e rằng có trồng cũng chẳng được phước!

Cho nên nói rằng nếu quý vị bố thí vật thực cho một người tốt thì sẽ được phước điền lớn hơn phước điền của việc bố thí cho một trăm người xấu.

Vì sao vậy? Bởi vì nếu quý vị đãi một trăm người ác ăn, sau khi ăn uống no nê rồi thì họ cũng chỉ biết đi làm chuyện ác mà thôi. Như thế, hóa ra những việc ác mà họ gây ra đều có sự trợ giúp của quý vị, và quý vị mặc nhiên trở thành kẻ đồng lõa, giúp cho họ làm chuyện bất lương. Tuy nhiên, nếu quý vị đãi một người thiện ăn, bố thí cơm nước cho người ấy, sau khi no bụng rồi thì người ấy lại đi làm việc tốt. Những thiện sự mà người ấy thực hiện được, có thể nói là nhờ sự giúp đỡ của quý vị mà thành tựu. Do đó, "đãi một trăm người ác ăn không bằng đãi một người thiện ăn"!

"Đãi một ngàn người thiện ăn không bằng đãi một người trì Ngũ-giới ăn." Ở đây, "đãi ăn" bao gồm tất cả duyên bố thí - đồ ăn, thức uống, châu báu, tiền bạc, và luôn cả đầu, mắt, não, tủy. Nếu quý vị đem cả sanh mạng của mình ra bố thí để giúp người khác làm việc thiện, thì những việc thiện mà họ thực hiện được đều là nhờ quý vị mà thành tựu. Trái lại, nếu quý vị bố thí tánh mạng mình để giúp đỡ kẻ ác làm việc xấu, thì quý vị chỉ tạo nên tội lỗi mà thôi. Vậy, quý vị đãi một ngàn người thiện ăn (người thiện tức là người tốt, không hề làm điều ác), thì công đức tạo được sẽ không lớn bằng công đức bố thí cho một người trì Ngũ-giới.

"Đãi một vạn người trì Ngũ-giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn ăn." Ở đây, "người trì Ngũ-giới" tức là những người đã quy y Tam-Bảo, thọ trì Ngũ-giới, và tu hành Thập Thiện Hạnh. Công đức bố thí thức ăn cho mười ngàn người trì Ngũ-giới thì không lớn bằng công đức cúng dường vật thực cho một vị Thánh nhân đã chứng Sơ-quả Tu-đà-hoàn.

"Cúng dường một trăm vạn vị Tu-đà-hoàn, không bằng cúng dường cho một vị Tư-đà-hàm ăn." Quý vị cúng dường thức ăn cho một triệu vị Thánh nhân Sơ-quả Tu-đà-hoàn thì không bằng cúng dường cho một vị Thánh nhân Nhị-quả Tư-đà-hàm, bởi vì Thánh nhân thuộc hàng Sơ-quả thì không biết được cảnh giới của các bậc ở hàng Nhị-quả. Các bậc Sơ-quả đã phá được kiến-hoặc, còn các bậc Nhị-quả thì đã phá được sáu phẩm tư-hoặc của Dục-giới (những điều này đã được đề cập đến trong chương đầu). Cho nên, cúng dường vật thực cho vị Nhị-quả Tư-đà-hàm thì được nhiều công đức hơn là cúng dường cho vị Sơ-quả Tu-đà-hoàn.

"Cúng dường một ngàn vạn vị Tư-đà-hàm, không bằng cúng dường cho một vị A-na-hàm ăn." Cúng dường thức ăn cho mười triệu vị Nhị-quả Tư-đà-hàm, những bậc Thánh nhân đã đoạn trừ xong sáu phẩm tư-hoặc của Dục-giới, thì không bằng cúng dường cho một vị Thánh nhân Tam-quả A-na-hàm. Bậc Tam-quả A-na-hàm là bậc Thánh nhân đã đoạn trừ hết cả chín phẩm tư-hoặc của Dục-giới, chứng đắc quả vị thứ ba trong hàng A-la-hán.

"Cúng dường một ức vị A-na-hàm, không bằng cúng dường cho một vị A-la-hán ăn." Cúng dường thức ăn cho một trăm triệu vị Thánh nhân đắc Tam-quả A-na-hàm thì công đức tạo được sẽ không bằng công đức cúng dường cho một bậc A-la-hán.

"Cúng dường mười ức vị A-la-hán, không bằng cúng dường cho một bậc Bích-Chi-Phật ăn." A-la-hán còn được gọi là Thanh-Văn, tức là bậc Thánh nhân nhờ được nghe thanh âm, tiếng nói của Phật mà ngộ Đạo. Bích-Chi-Phật còn được gọi là Duyên-Giác hay Độc-Giác. Duyên-Giác là bậc Thánh nhân nhờ tu Thập Nhị Nhân Duyên trong thời có Phật trụ thế mà được ngộ Đạo. Vào đời không có Phật xuất thế, bậc Thánh nhân nhờ quán tưởng mọi cảnh giới của vạn vật đều là huyễn hóa, vô thường mà ngộ Đạo, được gọi là Độc-Giác. Như vậy, nếu quý vị cúng dường vật thực cho một tỷ vị A-la-hán, thì sẽ không bằng cúng dường cho một bậc Bích-Chi-Phật.

"Cúng dường một trăm ức bậc Bích-Chi-Phật, không bằng cúng dường cho một đức Tam Thế Chư Phật ăn." "Tam Thế Chư Phật" tức là những đức Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu quý vị cúng dường cho bất cứ một đức Phật nào thì công đức cũng đều lớn hơn công đức cúng dường cho cả mười tỷ vị Bích-Chi-Phật.

Thế nhưng "cúng dường một ngàn ức đức Tam-Thế Chư Phật, không bằng cúng dường cho một đấng Vô Niệm, Vô Trụ, Vô Tu, Vô Chứng ăn." Quý vị cúng dường thực vật cho một trăm tỷ đức Tam Thế Chư Phật, thì cũng không bằng cúng dường cho một Thánh giả đã đạt tới cảnh giới "không nghĩ, không trụ, không tu, không chứng."

"Vô niệm" nghĩa là nghĩ mà không nghĩ; "vô trụ" nghĩa là ở mà không ở; "vô tu" nghĩa là tu mà không tu; "vô chứng" nghĩa là chứng mà không chứng. Đó là cảnh giới ở quả vị Viên-Giáo Sơ-địa. Các Thánh giả "Vô Niệm, Vô Trụ, Vô Tu, Vô Chứng" này cũng chính là Pháp-thân Đại-sĩ; các ngài đều có thể thị hiện Bát Tướng Thành Đạo, và đều có năng lực "bách giới tác Phật" - làm Phật trong một trăm thế giới.

Chúng ta cúng dường thì cần phải biết về các đạo lý cúng dường cũng như những lợi ích đạt được từ sự cúng dường cho mỗi thành phần. Do đó, chúng ta nên gần gũi các bậc Thiện-tri-thức để học hỏi. Quý vị thân cận Aịc-tri-thức thì sẽ bị tiêm nhiễm tà tri tà kiến, còn gần gũi Thiện-tri-thức thì sẽ học được chánh tri chánh kiến. Nếu quý vị cúng dường cho kẻ ác thì sẽ gây nên tội lỗi, còn cúng dường cho người tốt thì sẽ được công đức. Đó là những điều chúng ta cần phải biết!

Chú thích:

Bát Tướng Thành Đạo (Tám Tướng Trạng Thành Đạo). Đây là tám tướng trạng thị hiện từ khi Đức Phật giáng sanh cho đến khi nhập diệt; và Thành Đạo là một trong số tám tướng trạng này.

Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bát Tướng Thành Đạo là: 1) Đản sanh từ cõi trời Đâu-suất; 2) Nhập thai; 3) Trụ thai; 4) Xuất thai; 5) Xuất gia; 6) Thành Đạo; 7) Chuyển Pháp luân; 8) Nhập Niết-bàn.

Theo Thiên-Thai tông, Bát Tướng Thành Đạo là: 1) Giáng Đâu-suất thiên; 2) Thác thai; 3) Xuất sanh; 4) Xuất gia; 5) Hàng ma; 6) Thành Đạo; 7) Chuyển Pháp luân; 8) Nhập Niết-bàn.

Xem mục lục