Bài Viết (701)


LUẬN THIỀN TỊNH SONG TU - VĨNH MINH DIÊN THỌ (Tổ Thứ 6 Tịnh Độ Tông)

1,496

SỰ TÍCH CỦA ĐẠI SƯ VĨNH MINH DIÊN THỌ.

Pháp nạn xảy ra vào năm thứ năm Đường Vũ Tông Hội xương, khiến Phật pháp chịu đựng sự phá hoại lớn lao, giáo pháp thời ấy suy đồi không kể xiết, tiếp đến cuối đời ngũ đại tương tranh, pháp vận lại càng suy vi tưởng như không thể trùng hưng ; nhất là sau thời đại năm thứ hai Hiển Đức Châu Thế Tông (Tây lịch 955) Phật giáo lại một lần nữa bị phá hoại. Phật tháp, Phật tượng, chuông đồng bị đúc thành tiền tệ. Thời ấy, chỉ trừ Phương Nam Ngô Việt, Phật giáo còn giữ lại một chút hơi thừa. Kịp đến đời Tống Kiền Long Nguyên niên, Thái Tổ thống nhất thiên hạ, đề xướng Phật giáo, đến các triều của Thái Tông, Châu Tông, Nhân Tông đều có ý để phục hồi lại thời huy hoàng của Phật giáo, cái văn minh của đông phương rực rỡ này, lại một lần nữa được phục sinh bừng dậy. Sự nghiệp dịch kinh và phát triển của giáo lý ấy, thực ra chỉ là thâu thập những tàn dư đổ nát, tất cả không có cách gì sánh nổi với thời đại thịnh Đường. Cái gọi là thuở kỳ của nghiên cứu lý luận đã khuất chìm trong dĩ vãng, Phật giáo của triều đại Tống bước rẽ vào một chu kỳ thực tiễn. Thuở ấy Thiền tông đặc biệt hưng thạnh, Tông Thiên Thai đứng kế và Tông Tịnh Độ cũng được phục nguyên, chấn chỉnh đôi phần, Phật giáo thật sự có thể được lợi ích dài lâu hay không, chính là do phương thức tu trì cụ thể, do vậy thành quả thừa hưởng sau đây là tinh hoa trước đây của triều đại nhà Đường, Đáo cho cùng từ sơ Đường đến nay, Thiền, Tịnh hai tông cùng nhau tranh luận, các bậc thạc học như Tuệ Nhật Pháp Chiếu đều chỉ trích tánh cách tâm cao bụng trống của các Thiền gia, và cũng chính tánh cách biên kiến này, Luận Niệm Phật và Niệm Phật Tông Kính, cực lực bài xích, như tiếng chuông cảnh tỉnh cho những Thiền gia cố chấp ấy. Chẳng hạn, Nam Dương Tuệ Trung đề xướng học thuyết hành giải kiêm tu. Bách Trượng Hoài Hải hiệu đính Thiền lâm thanh quy, khi pháp định lễ Trà Tỳ, nên xưng thánh hiệu Di Đà, các sự kiện như vậy tuy chưa thành hệ thống, nhưng chủ trương Tịnh độ của các vị ấy thì thật sự đã quá rõ ràng. Đến năm cuối, đời Ngũ Đại, Vĩnh Minh DiênThọ xuất thế, Nghị Nhiên đề nghị Thiền Tịnh song tu, lý sự vô ngại, không hữu tương thành, vì đó là nguyên lý.nền tảng của Phật giáo. Cùng lúc đây là thời kỳ mà quan điểm kiến tánh thành Phật của Thiền Tông, cũng phải từ đó phát triển ra vô số pháp môn thiện hạnh, và cơ sở Thiền Tịnh song tu ấy đã cung cấp cho Thiền Tông một vũ khí sắc bén nhất. Về sau, sau các Thiền gia như Thiên Y Nghĩa Hoài, Tuệ Lâm Tông Bổn, cũng đồng hợp phối với quan điểm ấy. Sau đời Nguyên Minh, học giả Phật học nổi lên tợ mây đùn, thành hình tánh cách vĩ đại nhất của pháp môn Thiền Tịnh song tu của Phật giáo Trung Hoa.

Đại sư Diên Thọ, người huyện Dư Khang, phủ Lâm An (Tỉnh Triết Giang, huyện Dư Khang), thế danh là Vương, vào độ tuổi hai mươi một lòng quy Phật, trong ngày chỉ ăn một lần, thường tụng Pháp Hoa. Hai mươi tám tuổi làm quan trấn tướng chốn cung đình, đến triều vua Ngô Việt, cáo thoái từ quan, tuổi mới ba mươi, vào chùa Long Sách xuống tóc xuất gia, bái thiền sư Bích Nham làm đệ tử, khổ tu hạnh Đầu Đà. Nhưng sau đó, đến núi Thiên Thai, chín tuần nhập định dưới ngọn Thiên Trụ, lại đi tham phỏng đích tôn Pháp Nhãn Đức Thiệu, thoáng nhìn, Đức Thiệu biết là bậc đại căn, bèn truyền ngay mật chỉ, Diên Thọ tiếp thu, chợt khế ngộ đôi điều. Sau đó lại vào chùa Quốc Thanh tu sám Pháp Hoa, mặc tọa trong Thiền viện Trí Giả, làm ra hai thẻ bói một là : Nhất tâm tu Thiền, hai là : tụng Kinh Vạn Thiện (Tịnh Độ), Tịnh độ trang nghiêm, cả bảy lần đầu rút được quả bói Vạn Thiện, bèn quyết lòng chẳng những tu Thiền, mà còn thề nguyện nỗ lực tụng Kinh Vạn Thiện. Sau năm thứ hai Triều Châu Quảng Thuận (Tây lịch 952) về trụ cư núi Tuyết Bảo, tiếp đến Nguyên niên Tống Kiền Long (Tây lịch 960) nhân chiếu thỉnh cầu vua Ngô Việt Trung Ý, phục hưng chùa Linh Ẩn tỉnh Hàn Châu, sang năm về trụ tích chùa Vĩnh Minh (tịnh từ Hàng Châu) có hơn hai ngàn người theo ngài tu học, họ từng làm kệ rằng:

Muốn tìm yếu chỉ của Vĩnh Minh
Hỏi thăm hồ nước cổng sân trình
Mặt trời tỏa chiếu sinh ánh sáng
Gió đùa sóng nhẹ gợn mênh mông.

(Dục thức Vĩnh Minh chỉ
Môn tiền nhất hồ thủy
Nhật chiếu quang minh sinh
Phong lai ba lãng khỏi.)

Mười lăm năm, sư trụ trì chùa Vĩnh Minh, thụ giới Bồ Tát đủ khắp bảy đồ chúng, vì thế được tôn xưng là Di Lặc hạ sinh. Trong mười lăm năm đó, vô số hạnh lành được sư thi thiết, ngày thời phóng sinh, đêm thì thí thực quỷ thần. Tụng Kinh Pháp Hoa có đến một vạn ba ngàn bộ (mười ba ngàn bộ), cả cõi Đông Hải nức lời khen ngợi, tiếng thơm lan đến tận Thái Lan, vua Quang Tông Đại Thành cùng với đoàn tùy tùng tìm sang học đạo, cúng dường vàng bạc, vải vóc và các chuỗi niệm Phật bằng loại gỗ quý, đồng thời phái ba mươi sáu tăng nhân đến học. Một tông pháp nhãn mà Vĩnh Minh truyền thụ cho vua Thái Lan và học chúng kể cả tăng nhân là pháp mà ngài thực hành ở Đông Hải. Thường khóa là một trăm việc Phật là cho một ngày, trong đó điểm quan trọng là : Thụ trì thần chú (chú Đại Bi, chú Tôn Thắng Đà La Ni) niệm Phật, lễ Phật, sám hối, tụng Kinh (Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã T âm, Phẩm Tịnh Hạnh của Kinh Hoa Nghiêm), tọa Thiền, thuyết pháp. Mỗi ngày lễ lạy mười vị Phật của mười phương : Thích Ca, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Quan Âm, Thế Chí v.v... Mỗi Đêm đến nơi hoang vu cúng tế thí thực quỷ thần (trích dẫn Tri Giác Thiền Sư Tự Hành Lục). Sự phát nguyện cầu sinh Tây phương, mỗi ngày niệm một trăm ngàn danh hiệu Phật A Di Đà, đêm đến lên cao một góc có hàng trăm người đồng niệm Phật, cảm động đến cõi trời thiên sứ hay trổi nhạc hòa điệu với Phật âm, vua Ngô Việt nghe thế cảm sâu đức độ ấy vua bèn cho xây dưng Hương Nghiêm Tây Phương điện để thỏa chí nguyện của sư ban tôn hiệu là Thiền sư Trí Giác. Tống Khai Bảo năm thứ tám, tháng mười hai, Sư viên tịch ở chùa Vĩnh Minh thọ thế bảy mươi hai tuổi (Tây lịch 975). Sự nghiệp trước tác của Sư quá nhiều : Tông Kính Lục - một trăm quyển, Vạn Thiện Đồng Quy Tập - sáu quyển. Thần Thê An Dưỡng Phú, Duy Tâm Quyết, Thọ Bồ Tát Giới, mỗi bộ một quyển, tổng cộng có hơn sáu mươi bộ, có thể cho rằng, Sư là bậc thạc học của cả một thời đại. Nền trị học của Sư, cái tánh chất đức hạnh mà Sư nắm giữ, có thể so bằng phẩm hạnh của đại sư Trí Giả.

 GIÁO CHỈ LÝ SỰ SONG TU

Đại sư Diên Thọ là người đại biểu thành tựu ở đỉnh cao nhất của Thiền Tông với chủ trương : Tổ Phật đồng thuyên, Thiền giáo nhất thể, Triết trung pháp tướng, Tam luận, Hoa nghiêm, Thiên thai, dùng Thiền tông sâu thông tất cả.Sự giữ gìn giới luật thanh nghiêm, niệm Phật, trì chú, vui cầu vãng sinh, thâu thập mọi pháp Phật vào một thân tứ đại. Thế nhưng chỉ có nhất thừa Hoa Nghiêm mới là đáo cùng pháp diệu đủ đầy, Sư cho rằng cái tâm sáng trong huyền diệu của mỗi chúng ta, vốn là cội nguồn của vạn pháp, lý của Sư thì cao vời khó chạm, luận thì hùng dũng kiên cường khó thể cự đương, tánh cách chiết trung tổng hợp ấy là nét đặc sắc của nền trị học của Sư.

Đề cập đến việc trì chú của Thiền Tông, từ tổ sư Đạt Ma đến giờ, chưa từng nghe nói đến, Triều Lý Đường Khai Nguyên về sau, mật giáo phát triển rất trù phú, ảnh hưởng luôn cả Thiền Tông. Chẳng hiểu ai đã truyền thụ mật chú cho Sư ? Chẳng hạn Thiên Thủ Thiên Nhãn, Đại Bi Tâm Đà La Ni, Phật Đỉnh Tôn . Thắng Đà La Ni, để sau này tất cả thiền đường đều lấy đó tụng trì, ngay cả cách thức hành trì Mật Tông của Khuê Phong đời Đường, Sư cũng biết.

Tóm lại, điểm muốn hỏi ở đây là vào thời đại của Đại sư Diên Thọ, các Thiền giả chỉ chấp lý quên sự, nói chung hoặc chấp sự quên lý, cả hai đều rớt vào trong biên kiến. Để thuyết minh lý sự vô ngại, ý nghĩa của thông hữu tương thành, Đại sư Diên Thọ cực lực tuyên giảng lý và sự hợp nhất, nghĩa lý tinh túy của Thiền Tịnh Song Tu, Vạn Thiện Đồng Quy Tập, một tác phẩm của sư, trong đây trỏ thẳng vào mười nghĩa tu hành trọn vẹn (viên tu).

1. Lý sự Vô Ngại
2. Quyền thực song hành
3. Nhị đế đồng khởi
4. Tánh tướng nhiếp dung, cùng vận động
5. Thể dụng tự tại (bản thể và tác dụng tự tại)
6. Không hữu tương thành
7. Kiêm tu chính hạnh và trợ hạnh
8. Đồng dị nhất trừ ( trừ luôn tánh cách đồng nhất và khác biệt)
9. Tánh tu bất nhị
10. Nhân quả không sai biệt

Nói đến pháp môn lý sự vô ngại, nghĩa là đề cặp đến tín niệm căn bản của Sư. Điểm trọng yếu, trình bày như sau : ở phương diện lý thể, thông thường cái gọi là bản thể các pháp, thuộc về pháp vô vi không sinh diệt, phạm trù của chư pháp thực tướng. Ở phương diện sự tướng, thông thường cái gọi là hết thảy hiện tượng của thế gian, với hàng vạn sai biệt, muôn vẻ muôn hình chúng thuộc về pháp có sinh diệt, phạm trù của hư huyễn giả hữu (có cũng như không). Thế nhưng cả hai không hai, không khác chẳng phải là hai thái cực mang tánh tuyệt đổi, do vậy cả đời độ sinh, thế nhưng chẳng có một chúng sinh nào có thể độ, cả đời thuyết pháp, thế nhưng không có pháp nào có thể nói ra. Vì thế, do sự mà hiểu lý, rời vốn lý sự là không, sự do lý mà thuyết lập, do lý nên sự lộ ra, Nếu rời lý sự chẳng thể hiểu, chẳng hạn sóng và nước, rời lý sự chẳng thể thành, chẳng hạn nước thành sóng.

Khi sự nói rằng, phàm phu rời lý hành sự ; Thanh văn rời sự chấp lý, nghĩa là sự muốn nói đến Bồ Tát hạnh, hạnh ấy chính là lấy vô sở đắc làm phương tiện, có chẳng trái ngược không (hữu bất thừa không) tục (đế) chẳng ngại vì chân (lý/thánh đế). Trụ nơi bản thể chư pháp (lý thể vô vì), làm Phật sự bằng chính những thiên sai vạn biệt muôn vẻ muôn màu (hữu vi), vả lại mọi thiện hạnh là yếu tố quyết định là vốn lương thực mà Bồ Tát mang theo vào chánh giác (Bồ Tát nhập đạo tư tưởng). Bằng trợ duyên Bát Nhã, bằng vạn hạnh thúc bước (vạn hạnh là hành túc). Bát Nhã là mắt tuệ soi đường, cả hai vạn hạnh và tuệ nhãn, dẫn đến Phật quả, vùng đất thanh lương. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm viễn hành thất địa Bồ Tát, tu mười phương tiện thù thắng tuệ :

1. Khéo tu không vô tướng, vô nguyện Tam Muội, để khởi lòng bi không buông bỏ chúng sinh.

2. Chứng được pháp chư Phật bình đẳng, mà vẫn hay vui cúng dường chư Phật.

3. Quán sát pháp không trí mà vẫn thu thập phước đức.

4. Rời xa ba cõi mà vẫn trang nghiêm chúng (ba cõi).

5. Trừ sạch hẳn phiền não mà vẫn hay vì chúng sinh diệt tận góc rễ của tham, sân, si và vô minh.

6. Chư pháp như huyễn như mộng, như ảnh như tiếng vang, như trăng trong nước, như bóng trong gương, Bồ Tát biết tự tánh không hai, thế nhưng vẫn thuận theo muôn sai vạn biệt, khởi tạo mọi sự nghiệp

7. Bồ Tát biết rằng, hết thảy cõi Phật đều như hư không, thế nhưng vẫn lấy mọi diệu hạnh thanh tịnh để trang nghiêm.

8. Bồ Tát biết rằng pháp thân Phật vốn vô thân, mà vẫn lấy thân tướng đẹp trang nghiêm pháp thân ấy.

9. Bồ Tát biết rằng âm thinh chư Phật là tánh không tịch diệt, mà vẫn hay vì chúng sinh diễn hiện, vô lượng loại âm thanh thanh tịnh sai biệt.

10. Bồ Tát biết rằng, ba đời chỉ trong một niệm, thế nhưng vẫn tùy chúng sinh, khởi ý giải phân bao loại tướng, với mọi thời, qua bao nhiều số kiếp để tu các hạnh.

Vả lại Kinh Duy Ma nói rằng: Tuy hành “Không” nhưng Vẫn gieo trồng các cội đức, đó là Bồ Tát hạnh. Tuy hành “vô tướng” nhưng vẫn độ thoát chúng sinh, đó là Bồ Tát hạnh. Tuy hành “vô tác” mà hiện thụ thân (hiện ra có thân tướng), đó là Bồ Tát hạnh. Tuy “vộ khởi”: nhưng vẫn khởi tạo hết thảy hạnh lành, đó là Bồ Tát hạnh. Cả đoạn Kinh trên đều trở vào phạm trù giáo chỉ lý sự vô ngại, và sự tu hành phải thuận theo yếu tính của các pháp đó. Chẳng thể nhập định buông dứt mọi hiện tượng, chứng chân lý, bỏ tục đế, trí tuệ và lòng bi phải cùng vận hành, phải thấy đủ cả hai mặt mới có thế toàn tri ý nghĩa của không hữu tương thành.

Một đời dạy dỗ của Như Lai được Diên Thọ phân tách và chia thành ba phạm trù : 1) Tướng tông ; 2) Không tông ; 3) Tính tông.

- Tướng tông gần như quy trọn cho “hữu" (hiện tượng hiện hữu).

- Không Tông phần nhiều nói không phải “Không".

- Và chỉ có tính tông, vừa nói không vừa nói có, hiển nhiên là giáo pháp trực chỉ. Tuy nhiên nói tánh y vào tướng, nhưng không thể nói rằng tướng phá tánh. Vào thời ấy các giới học giả vẫn thích luận đàm huyền lý, vô hình trung mọi thứ đã bị thủ tiêu. Theo Đại sư Diên Thọ những gì mà đức Phật nói : Phi tâm, phi Phật, phi sự, phi lý, chẳng qua đó là phương tiện khéo để đối trị với pháp chấp, nghĩa là nằm bên dưới đó, có một cái mà ta cần chứng nghiệm, hay nói cách khác, thực tin là giáo chủ ; trạng huống của những quan điểm lầm lạc đó, chẳng hạn xem chim Hạc là Phượng Hoàng, ý kiến này Diên Thọ chỉ thẳng vào các Thiền giả, trạng thái rớt vào Không kiến của họ, hoặc chủ nghĩa hư vô. Để bổ túc cho nhận định của, vì thế Đại sư Diên Thọ trích dẫn lời của Tam Tạng pháp sư từ mẫn như sau ; Thánh giáo dạy rằng, hành giả tu Thiền định là trụ tâm một chỗ (chế tâm nhứt xứ), và lại niệm niệm tương tục, nhằm rời trạng huống hôn trầm, giữa tâm cân bằng hay tâm bình đẳng. Nếu rớt vào tình huống ngủ gật, nghĩa là việc chướng ngại khi hành Thiền cần nên niệm Phật, tụng kinh, lễ bái, hành đạo, giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh. Tóm lại, thực hiện các hạnh lành, qua đó hồi hướng vãng sinh, sinh về Tịnh Độ Tây phương, thêm nữa khởi tín luận chứng minh rằng. Nếu đơn thuần tu pháp chỉ (thực hành phương pháp chỉ quán) thì trạng thái hôn trầm dễ phát sinh, và nhất là khi sự lười biếng xảy ra, phải trụ ngay vào lòng bi mẫn vui tu tất cả thiện hạnh. Đáo cho cùng, bất cứ ở đâu và lúc nào, trong khả năng có thể, tu học các hạnh lành. Nghĩa là tọa Thiền phải tùy hành với sự trao dồi các thiện đức. Vạn Thiên Đồng Quy Tập, một tác phẩm trứ danh của ngài nói rằng: Vạn hạnh ư! Đấy là tinh chất lương thực mà Bồ Tát dùng cho cuộc lữ hành vào nẻo giác, vạn hạnh là các cấp độ được xem như việc trợ đạo của chư Phật... Hội Pháp Hoa tam thừa quy nhập Nhất thừa, Vạn thiện quy vào hướng Bồ Đề, hết thảy đại phẩm (Bát Nhã ?) vốn không hai, nghĩa là vạn hạnh chứa trong chúng khuynh hướng quy vào trí tuệ (hàm quy chủng trí).

Tiếp đến chương thứ ba của Vạn Thiện Đồng Quy Tập đưa ra các giải thích như sau: Những thiền giả chấp lý mê sự, quên mất bổn chỉ, chân tánh vốn tròn đủ, chăng nhờ cầu (cầu cạnh) nơi sự, giòng khát ái chỉ cần khô cạn, chân lý tức khắc hiện tiền, kẻ học Phật chấp lý mê sự, ngang nhiên giảng dạy danh tướng, ví như (lầm lũi vào biển bụi mù, không biết dừng chân) không biết chăm chỉ tu học pháp lý, nếu cả hai hợp nhất thì thật 1à toàn mỹ, bức rời một trong hai hẳn phải sa vào biên kiến; vì thế sự lý song tu, tổ Phật đồng thuyên giải, Thiền giáo nhất quán. Đây là chủ trương của Đại sư Diên Thọ. Quyển một Tông Kính Lục nói rằng:

Hỏi: nêu muốn hiểu thấu tông chỉ (chân lý) chỉ một cách đơn thuần rút ra ý tổ, "cần gì dẫn luôn cả ngôn giáo của Phật và Bồ Tát và cho rằng đó là kim chỉ nam ?…

Đáp : Đề cập đến vấn đề trên, từ xưa đến giờ, không phải là không cho phép tham cứu giáo điển của chư tổ sư, thế nhưng e rằng qua văn nghĩa sẽ phát sinh các kiến giải sai lầm, quên mất lời Phật dạy và ý nghĩa của kinh điển.… Lòng Phật phơi bày chân thật, và có gì cho là sai quá lắm đâu? Chẳng hạn Hòa Thượng Lạc Sơn, một đời duyệt đọc Kinh Đại Niết Bàn, sách luôn cầm tay… Hơn thế hai mươi tám tổ của Tây Thiên (Ấn Độ) cho đến Lục Tổ Huệ Năng của cõi này, và luôn cả Đại sư Mã Tổ Hồng Châu cùng với Đại sư Nam Thiên Trung Hoa, Thiền sư Nga Hồ Đại Nghĩa, Thiền Sư Tư Không Bản Tịnh, đều là các nhà bác học của kinh luận. Thế nhưng sự chứng ngộ tròn vẹn của chính họ, thẩm quyền chỉ dạy học đồ, tự đó cũng đủ chứng minh, xét cho cùng không ngoài tự nỗi lòng, dám đâu bày đặt vẽ vời.

 DUY TÂM TỊNH ĐỘ VÀ NGUYÊN NHÂN CỐT LÕI VÃNG SINH

Nền tăng học thuyết sự lý của Đại sư Diên Thọ, lấy nhất tâm làm nguyên lý, nghĩa là nền học thuyết này phát nguồn từ việc quán chân như, chân lý, bằng chân thật tâm. Và tâm như Hoa Nghiêm nói, ví với nhà họa sỹ, có thể vẽ ra mọi sự kiện. Ở phương diện này là quán tâm thức, vốn thuộc về tâm duyên lự (tư lự duyên vào các hiện tượng, phát sinh cảnh trí). Trong đây tâm thể chân thật, tức là cánh cửa chân như, tâm duyên lự tức thuộc về phạm trù sinh diệt, sinh diệt môn, thế nhưng thể là dụng, dụng (tác dụng hoạt dụng) không rời thể (bản thể). Dụng là thể, bản thể không rời tác dụng, chỉ là một tâm, tâm này bình đẳng, thời toàn thể pháp giới do tâm này biến hóa, hết thảy hiện tượng sai biệt xô nhau hiện khởi, tâm này có thể thành Phật, thành chúng sinh, ngay cả địa ngục, thiên đường, không có một pháp nào ngoài tâm ấy, lấy đó để hiểu rõ ràng Duy Tâm Tịnh Độ.

Cốt lõi của pháp duy tâm Tịnh Độ đơn nhất này, các Thiền giả lộn lạo nhận rằng không có Tây Phương, không có Tịnh Độ Di Đà, không có việc cầu nguyện vãng sinh, cõi này không cần phải bỏ, cách suy nghĩ ấy hiện hữu khái niệm thư xả, chấp giữ thực pháp ngoài tâm, đi ngược với lý Duy Tâm. Vì thế Thiên Thai Thập Nghi Luận : kẻ trí cầu sinh Tịnh Độ, để toàn tri cái thực thể bất khả đắc của sinh, trạng thái không thể quan niệm này là “vô sinh” chân thật. Kẻ ngu vì “cái sinh”, mà bị trói buộc, nghe nói đến “sinh”, phát sinh ý nghĩ cởi bỏ “cái sinh”. Nghe nói đến “vô sinh” phát sinh ý nghĩ cởi bỏ “vô sinh” ta phải hiểu cho rằng: sinh tức vô sinh, vô sinh tức sinh. Tuy vậy Luận Quần Nghi lại nói: “Cho dầu biết trong Kinh nói rằng Chư Phật quốc độ (các cõi Phật) và chúng sinh đều là không, thế nhưng vẫn hành giáo hóa chúng sinh sinh Tịnh Độ”. Và nói vô tướng giáo thành thực đủ (viên thành thật). Xét cho cùng chỉ là để phá những cái biên kiến, bám chấp mà thôi. Tin rằng vạn pháp, mọi hiện tượng là nhân duyên sinh, y tha khởi. Người tin sâu nhân quả như vậy, mới có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa duyên sinh vô sinh. Giả dụ kẻ nào đức tin chưa đủ, lòng loạn nổi trôi, quán hành mỏng cạn, vẫn phải cầu nguyện vãng sinh. Phạm trù chỉ quán của Luận Khởi Tánh nói rằng: “Nếu kẻ nào tâm tánh khiếp nhược, phép chỉ quán e khó thành tựu, nên chuyên niệm Di Đà, ’ cầu sinh về thế giới Tây phương cực lạc”. Luận vãng sinh cũng nói: “Đã sinh Tịnh Độ, phát nguyện về lại cõi tử sinh, cứu tế chúng sinh khỏi nạn, phải hiểu cho rằng vãng sinh tịnh độ chỉ thuận về tự lợi, lợi tha (sống đời sống cho người) mới là bản lề của Tinh Độ”.

Hạt giống trổ sinh hoa trái Tịnh Độ theo Diên Thọ ngôi thượng phẩm phải riêng là hạt giống thiền định, giới luật. Hành đạo niệm Phật là của trung và hạ phẩm. Chương hai của Vạn Thiện Đồng Quy Tập nói: Hạnh xét theo cửu phẩm, từ định tâm, chuyên tâm, sinh và ngôi trung phẩm trở lên, cái gọi là định tâm tu chỉ, thực hành quán, được vãng sinh thượng phẩm, chuyên tâm chỉ niệm danh Phật, trợ lực bằng các hạnh lành, phát nguyện hồi hướng vãng sinh, sự tu tập này sinh vào ngôi hạ phẩm. Và thụ Bồ Tát giới trong cửu phẩm, kẻ thiện căn thọ giới tu Thiền, sinh thượng phẩm, phần còn lại của những phẩm vị sau, dành cho những kẻ trung và hạ căn hành đạo niệm Phật. Xét đến trì giới, chương hai của Vạn Thiện Đồng Quy Tập cho rằng: phần đông Thiền Tông khinh chê giới luật, sao không biết rằng thọ Bồ Tát Giới, phát tâm Bồ Đề, thừa nhận Đại Thừa, khiến kẻ phá giới sám hối niệm Phật, cũng có thể được vãng sinh. Giả dụ đã thọ giới lại tạo nghiệp xấu, nương vào sức đã trì giới năm xưa, lắng nghe quyền lực thiện căn Đại Thừa. Lâm chung niệm Phật, gặp thiện hữu chỉ dạy, lại vì thiện nghiệp mỏng yếu, ác nghiệp sâu dày, thế nhưng với giới Bồ Tát, thành ra vẫn là điều kiện tất yếu vãng sinh. Vì vậy, lấy tâm Bồ Đề làm nguyên nhân cốt lõi để vãng sinh Tịnh Độ.

Lại nữa thường khuyên mọi người cao giọng niệm Phật và giảng dạy học thuyết mười niệm vãng sinh, phải biết rằng một âm thanh Phật hiệu, diệt trừ hằng sa tội chướng. Kinh Pháp Hoa dạy “Nếu người tâm hỗn loạn, hãy vào trong tháp miếu, mô Phật một lần xưng, đều được thành Phật đạo". Kinh A Di Đà nói “Nếu kẻ nào nắm giữ danh hiệu Phật, được sự hộ niệm của tất cả chư Phật”. Kinh Bảo Tích nói “Cao giọng niệm Phật, ma quân thoái chạy”. Kinh Nghiệp Bảo Sai Biệt nói “Tụng Kinh niệm Phật cao giọng, thu hoạch được mười loại công đức”. Có nhiều hình thức niệm Phật, ngồi niệm, như thuyền đi ngược nước, hành đạo niệm Phật. (Niệm Phật có nhật khóa, trước Tam Bảo, hoặc niệm Phật khi thực hiện hóa đạo?) Ví như thuyền đi thuận nước, mặc dầu vậy, Tọa niệm vẫn có thể diệt trừ tám mươi ức kiếp tội chướng tử sinh.

Nếu như năm vóc gieo xuống đất, cung kính lễ lạy Phật, phước đức của hành vi này là vô lượng, không thể có khái niệm. Hơn thế giáo chỉ mười niệm, niệm Phật dành cho kẻ một đời làm ác, lâm chung niệm Phật mười câu, tội ấy liền diệt sinh ngay Tịnh Độ, trưng dẫn Kinh Na Tiên Tỳ Kheo để làm chứng lý “Chẳng hạn, đá ném xuống nước, đá chìm mất, đá chở trên thuyền, tuy nặng ngàn cân, nào có chìm đâu ! Nên kẻ tạo ác do niệm Phật công đức, thoát cảnh rơi vào địa ngục". Đại Trí Độ nói “Khi làm chung thần lực của Tâm thắng hơn sức mạnh toàn thân, cho phép một chút, với thần lực của tâm này, như đóm lửa nhỏ nhoi, cũng đủ đốt thiêu thế giới” (Tinh tinh chi hỏa, khả dĩ thiêu nguyên) Do tâm quyết định dũng mãnh của phát tâm chung này, có thể thắng cả trăm chứa nhóm lực hành, điều này làm luận chứng cho thần lực pháp môn mười niệm vãng sinh khi phút lâm chung.

Chủ trương của Đại sư Diên Thọ là người đã chết nên thực hành phép hỏa táng, vì lẽ có sinh tất có diệt, sau từ khi buông bỏ thân thô lậu dốc lòng quy kính Tam Bảo, tức là cởi bỏ thân vô thường được thể Kim Cang; đổi thân ù ly lấy thân kiên cố. Diên Thọ trích dẫn Kinh Luận, liệt kê những sự tích mà các tiên đức từ xưa đã lưu Thánh tích lại cho hậu thế, nếu còn hối tiếc mạng thân, đáo cũng rơi vào thế tục, phiêu lãng khắp cõi từ sinh. Vả lại, Phật pháp quý ở việc hành trì, không đặt trọng tâm vào lời nói, dẫu nói dài, nói dai hằng trăm ngàn vạn thước, vẫn không bằng thực hành được nửa tấc, hoặc một gang tay. Nội dung ở đây mà Đại sư Diên Thọ muốn nói, là bớt nói nhiều, chủ yếu nhấn mạnh đến việc thực hành.

Tóm lại, Đại sư Diên Thọ trọng hành trì, khuyến thực tiễn, thời ấy Thiền Tông tuy còn tọa Thiền, nhưng để chúng vẫn chuyên chấp pháp hữu vi, danh tướng, rong ruổi theo hư danh. Vì thế, Diên Thọ treo bảng niêm yết Lý Sự Song Tu, trọn đời không biếng nhác tự tu một trăm lẻ tám việc Phật, nhất là tin sâu Tịnh Độ Vãng Sinh, mỗi ngày niệm mười ngàn câu Phật hiệu, thực tiễn tinh cần.

Đại sư Diên Thọ y theo chủ trương giáo chỉ lý sự song tu, của Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Luận Khởi Tín, phối hợp hai tông Thiền và Giáo của đương thời, tháo gỡ các mối rối ren của hai giáo hệ ấy, do chịu ảnh hưởng cuả Đại Sư Tuệ Nhật. Đối với Thiền học và niệm Phật luận đến giờ, hệ thống lý sự song tu tức hàm hữu ý nghĩa của cái gọi là Tụng Kinh Vạn Thiên. Sự hồi hướng Vãng sinh Tịnh Độ của Sư, nhất là trong phép trì danh, vì theo lý thông thường điều ấy, phép trì danh vẫn là nguyên nhân then chốt để vãng sinh Tây Phương.

Đại sư Diên Thọ từng viết, Tứ Khoa Liệu Giảng có thể nói thi kệ là chuẩn tắc của học thuyết Thiền Tịnh Song Tu, Tứ Khoa Liệu Giảng nói : Có Thiền không Tịnh Độ, mười người chín người lạc âm cảnh, nếu hiện tiền, theo cảnh ấy mà đi. Không Thiền có Tịnh Độ, ngàn tu ngàn người được, chỉ diện kiến Di Đà, lo gì không chứng ngộ. Có Thiền kiêm Tịnh Độ, ví như cọp mọc sừng, hiện thế làm thầy người, đời sau làm Phật tổ (làm Phật làm tổ). Không Thiền không Tịnh Độ (niệm Phật), giường sắt với cột đồng. Ôi ! vạn kiếp ngàn sinh nào có ai nương cậy. Trong kệ ấy, câu thứ ba - có Thiền có Tịnh Độ - chỉ cho Thiền Tịnh Song Tu - như cọp mọc thêm sừng – Cọp thêm sừng là tối lý tưởng, vì thế, chính bản thân Sư thực tu một pháp môn duy nhất ấy. Câu thứ nhất, “có Thiền không Tịnh Độ” nói chung chỉ cho đồ chúng của Thiền tông lúc bấy giờ, các vị ấy trong mười người tu Thiền hết chín người đọa địa ngục, ma đạo. Câu thứ nhì nói chung Diên Thọ chỉ cho bọn căn cơ thấp. Không Thiền có Tịnh Độ, vạn người tu không sót một người, chỉ cần hội ngộ Phật Di Đà tự có thể thoát khỏi sinh tử Toàn bài kệ này chỉ nói lên Diên Thọ là bậc thượng trí đại căn. Cho nên, Thiền Tịnh Song Tu còn đối với kẻ độn căn hạ trí, chuyên tâm niệm Phật, khắc kỳ vãng sinh Tịnh Độ lo gì chẳng thể khai ngộ. Có thể nói hệ thống giáo hóa này, đồng với tôn chỉ của đại sư Thiện Đạo.

Trích dịch từ đầu trang 309 đến cuối trang 317 -Tịnh Độ Tư Tưởng Luận, Quyển 65 Phật Giáo Cơ Kim Hội Tập Thành. Tác giả: Ấn Hải - Dịch giả: Pháp Hiền

1,496

THIỆN CĂN, PHƯỚC ĐỨC VÀ NHÂN DUYÊN - Cư Sĩ Diệu Âm

THIỆN CĂN, PHƯỚC ĐỨC VÀ NHÂN DUYÊN   Tác Giả: Cư Sĩ Diệu Âm    Lời Tri Ân Diệu Âm chỉ có một lòng chí thành tha thiết muốn giao lưu pháp Niệm Phật Hộ

20,138
ĐÔI ĐIỀU CƯƠNG YẾU VỀ KINH ĐỊA TẠNG, Thích Thông Huệ

ĐÔI ĐIỀU CƯƠNG YẾU VỀ KINH ĐỊA TẠNG Thích Thông HuệTựa đề của kinh Địa Tạng cần giải thích trước tiên là "U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát

18,242
TÙY TỰ Ý TAM MUỘI - ẤN QUANG ĐẠI SƯ

Phật pháp rộng lớn như Pháp giới, rốt ráo như hư không.Muốn tu tập nhưng chẳng nắm được chỗ trọng yếu, ắt đến nỗi dõi nhìn biển rộng thở than, sinh ý

896
THIỀN SƯ VĨNH GIA HUYỀN GIÁC

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, họ Đới, ở Ôn Châu, thuở nhỏ học tập kinh luận, chuyên về pháp môn Chỉ Quán của tông Thiên Thai. Nhân xem kinh Duy Ma

838
AN CƯ THỜI HIỆN ĐẠI Thích Nhật Từ

AN CƯ THỜI HIỆN ĐẠIThích Nhật Từ  Kinh mô tả, mùa an cư đầu tiên, đức Phật đã có mặt tại vườn Nai, còn gọi là vườn Lộc Uyển. Như vậy lịch

22,201
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc