Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Từ thân xuất gia, thức tâm đạt bổn, giải Vô-vi Pháp, danh viết Sa-Môn. Thường hành nhị bách ngũ thập giới, tiến chỉ thanh tịnh, vi tứ chân đạo hạnh, thành A-la-hán."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Những vị từ giả người thân để xuất gia, biết tường tận tâm tánh, thấu hiểu pháp Vô-vi, được gọi là Sa-Môn. Họ thường xuyên hành trì 250 giới, tiến chỉ thanh tịnh, tu hành bốn đạo hạnh chân chánh, nên được thành bậc A-la-hán."

 

Lược giảng:

Đây là chương đầu tiên trong số bốn mươi hai chương. Chương này nói rằng bậc Sa-Môn có thể chứng đắc quả A-la-hán.

Đức Phật dạy: "Những vị từ giả người thân để xuất gia..." Theo giáo pháp nhà Phật, khi kẻ làm con muốn xuất gia đi tu thì phải được sự ưng thuận của cha mẹ, chứ không như ở nước Mỹ, cứ trên mười tám tuổi là được tự do, muốn làm gì thì làm. Trước kia, vì tùy thuận theo phong tục quốc gia nên Phật giáo ở Trung Hoa và Ần Độ đòi hỏi kẻ làm con phải thưa rõ chí nguyện của mình với song thân và xin phép cáo từ: "Thưa cha mẹ, con đi xuất gia!" Đó gọi là "từ giả người thân." "Xuất gia" có nghĩa là hiến dâng cả thân, tâm và tánh mạng của mình cho Tam-Bảo, và vĩnh viễn không còn đa mang những công việc của người thế-tục nữa. "Từ giả người thân để xuất gia," tức là từ biệt cha mẹ để rời gia đình, đi đến nơi đạo-tràng của Phật, Pháp, Tăng mà tu học, gần gũi ngôi Tam-Bảo.

"Xuất gia" cũng có nghĩa là "Xuất thế tục gia" - ra khỏi cái gia đình của thế gian. Mỗi gia đình đều có những rắc rối riêng của nó, giữa bà con quyến thuộc với nhau lại thường hay xích mích, gây gỗ, chẳng có gì là thực sự vui vẻ, hạnh phúc cả. Vì thế, người ta muốn rời bỏ căn nhà thế-tục và cũng là nhà lửa này.

Lại nữa:

Tam giới vô an, do như hỏa trạch.

(Ba cõi không yên, giống như nhà lửa.)1

Cho nên "xuất gia" cũng bao hàm ý nghĩa "xuất tam giới gia" - ra khỏi căn nhà Dục-Giới, Sắc-Giới, và Vô-Sắc-giới.

"Xuất gia" còn có nghĩa là "xuất phiền não gia" - ra khỏi nhà phiền não. Vì những người còn chung sống với gia đình đều có phiền não, không được an vui thực sự, nên họ muốn xuất gia. Một khi đã xuất gia đi tu thì phải đoạn trừ phiền não và phát tâm Bồ-đề; như thế mới gọi là "xuất gia."

"Biết tường tận tâm tánh." Những vị từ giả thân nhân để đi tu ấy có thể nhận biết bổn tâm của chính họ một cách thấu đáo. Quý vị nên biết:

Tâm sanh, chủng chủng pháp sanh,

Tâm diệt, chủng chủng pháp diệt,

(Tâm sanh, các pháp đều sanh,

Tâm diệt, các pháp đều diệt!)

Ngoài tâm thì không có pháp, và ngoài pháp thì không có tâm. Tâm với pháp chẳng qua chỉ là một! Nếu biết rằng ngoài pháp vốn không có tâm, thì quý vị sẽ hiểu được tánh biến-kế-chấp, và như thế gọi là "thức tâm" - biết được bổn tâm của mình. Quý vị nên biết tâm và tánh xưa nay vốn không có thực thể, không có hình tướng. Nếu hiểu được đạo lý này, tất quý vị sẽ hiểu được rằng tánh y-tha-khởi là hư huyễn. Tánh biến-kế-chấp vốn là không, mà tánh y-tha-khởi cũng là giả tạm, hư huyễn - không có cái nào là thật sự tồn tại cả. Hiểu được như thế mới gọi là "thức tâm đạt bổn - biết tường tận tâm tánh." vậy!

"Thấu hiểu Pháp Vô-vi." Hiểu pháp Vô-vi tức là hiểu pháp Chân-như với tất cả các pháp không phải là một mà cũng chẳng phải là hai. Nếu quý vị hiểu được đạo lý này, tức là Chân-như cùng tất cả các pháp tuy không đồng một thể song cũng chẳng khác biệt gì nhau, tất quý vị sẽ hiểu được tánh viên-thành-thực, tỏ ngộ được bản-thể của mình. Đó gọi là "thấu hiểu Pháp Vô-vi" vậy.

"Được gọi là Sa-Môn." Nếu quý vị có thể làm được như thế - từ giả người thân để xuất gia, biết tường tận tâm tánh và thấu hiểu Pháp Vô-vi - thì quý vị mới xứng đáng để được mang danh hiệu Sa-Môn!

"Sa-Môn" là tiếng Phạn, và có nghĩa là "cần tức" (siêng năng, chấm dứt); đó là:

Cần tu Giới, Định, Huệ,

Tức diệt tham, sân, si.

(Siêng tu Giới, Định, Huệ,

Dứt sạch tham, sân, si.)

Sau khi xuất gia, quý vị không nên "siêng tu tham, sân, si; dứt sạch Giới, Định, Huệ." Nếu quý vị càng ngày càng không có trí huệ, càng ngày càng thêm ngu si, thì đó gọi là "siêng tu làm sao tham, siêng tu làm sao sân và siêng tu làm sao si!" Rồi hằng ngày, tham sân si thì không dứt bỏ được, mà Giới, Định, Huệ cũng chẳng chút tiến triển. Dần dần, quý vị không còn để tâm nghiên cứu xem mình cần phải tu hành như thế nào, phải trì Giới, tu Định, tu Huệ ra làm sao nữa; và những phiền não trong lòng quý vị cứ càng ngày càng gia tăng.

Vì sao lại ra nông nỗi như vậy? Đó là vì nghiệp chướng từ các đời trước của quý vị quá nặng nề. Các nghiệp báo quá nặng nề ấy đeo đuổi theo quý vị, xúi giục quý vị đừng phát Bồ-đề tâm, và xui khiến quý vị cứ xoi mói cái sai của kẻ khác! Từ sáng đến tối, quý vị cảm thấy mình là giỏi giang hơn ai hết, thậm chí còn tài ba lỗi lạc hơn cả thầy của mình nữa: "Thầy tôi không sánh kịp tôi đâu! Quý vị xem, tôi có biết bao là bản-lãnh. Có thể nói rằng trên trời, dưới trời, chỉ độc nhất mình tôi là tôn quý mà thôi!" Những kẻ có quan điểm như thế chắc chắn sẽ đọa lạc!

Đã nhiều phen tôi trông thấy trong chúng xuất gia của chúng ta ở đây, có người ngay cả chắp tay mà cũng không biết chắp sao cho đúng - chỉ úp hai bàn tay lại với nhau một cách lộn xộn, tùy tiện. Chắp tay thì phải chắp trước ngực, đằng này quý vị lại chắp tay trước mắt! Khi chắp tay, mười ngón tay đều phải chụm sát vào nhau, và để ngay ngắn đằng trước ngực; chứ chẳng có ai chắp tay như kiểu của quý vị cả! Xuất gia đã bao nhiêu năm mà ngay cả chắp tay cũng không biết cách chắp, lạy Phật cũng không biết cách lạy, thắp nén nhang cũng không biết cách thắp, thì chao ôi, thật là đáng thương lắm thay! Nếu tự mình không biết thì phải chú ý nhìn xem những người đã tu hành lâu năm, coi cách thức họ chắp tay như thế nào mà học theo đó cho đúng chứ!

Khi giảng Sa-Di Luật-Nghi, tôi có dặn quý vị là đừng thọc ngón tay vào lỗ mũi. Tại sao lại có chuyện đó được? Là vì quý vị chắp tay mà chắp quá cao, cho nên đầu ngón tay mới đụng phải mũi! Chắp tay thì phải chắp ở ngang tầm ngực, chứ không phải ngang miệng, không phải ngang mũi, và cũng chẳng phải ngang mắt. Chắp tay thì phải chắp ngay ngắn ở trước ngực! Nếu chỉ một việc nhỏ nhặt như vậy mà cũng không hiểu rõ, thì làm sao tu Đạo cho được chứ! Nếu cứ theo chiều hướng ấy, thì quý vị càng tu Đạo chỉ càng không hiểu Đạo mà thôi! Tu Đạo thì dứt khoát không được bê bối, không được cẩu thả; bởi hễ sơ xuất một chút là chẳng thể thành công, hễ "sai một ly là đi một dặm" ngay!

"Họ, các vị Sa-Môn, thường xuyên hành trì 250 giới." "Thường xuyên hành trì" có nghĩa là các ngài luôn luôn tu hành đúng theo giới luật và không hề phạm giới. Nhờ vậy, sở học về giới luật của họ được tăng trưởng.

"Tiến chỉ thanh tịnh" "Tiến" là hướng về phía trước mà làm; và "chỉ" là đình chỉ, ngừng lại. Bất luận quý vị đang làm hay không làm gì cả, bất luận là trong lúc động hay tĩnh, quý vị cũng phải thanh tịnh, trong sạch, chẳng có chút nhiễm ô, nhơ bợn.

"Tu hành bốn đạo-hạnh chân chánh." "Bốn đạo-hạnh chân chánh" chính là Pháp Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Các vị Sa-Môn đều siêng năng tu học Pháp Tứ-Đế.

"Nên được thành bậc A-la-hán, chứng được Thánh-quả."

"A-la-hán" là tiếng Phạn, và có ba nghĩa. Vì chứa đựng tới ba nghĩa nên từ ngữ này được xếp vào loại "đa hàm bất phiên" (từ ngữ bao hàm nhiều nghĩa thì không phiên dịch); và do đó vẫn giữ nguyên lối phát âm theo tiếng Phạn là "A-la-hán (Arhat)." Trường hợp giữ lại âm tiếng Phạn này gọi là "phiên tự bất phiên âm" (dịch chữ, không dịch âm) - tức là chữ thì dịch nghĩa sang Hán-văn, còn âm thì vẫn giữ theo cách phát âm của Phạn ngữ.

"A-la-hán" có ba nghĩa là Sát-tặc, Ứng-cúng và Vô-sanh.

1. Sát-tặc (kẻ giết giặc). Bậc A-la-hán rất lợi hại, hễ nơi nào có giặc cướp thì các Ngài liền tìm đến tận nơi để tiêu diệt bọn chúng. Song, như thế chẳng phải là các ngài đã phạm giới sao? Không phải! Bởi vì "sát-tặc" ở đây không phải là giết những tên giặc ở ngoài, mà giết bọn giặc phiền não ở bên trong! Tại sao lại có bọn giặc ở bên ngoài? Là vì có bọn giặc phiền não, có bọn giặc tham sân si chực sẵn ở bên trong! Tâm tham là một tên giặc, tâm sân là một tên giặc, và tâm si cũng là một tên giặc - đó là những tên giặc cần phải bị tiêu diệt. Vậy, nghĩa thứ nhất của từ A-la-hán là "sát-tặc."

2. Ứng-cúng. "Ứng cúng" nghĩa là xứng đáng để thọ nhận sự cúng dường của trời và người. Bậc A-la-hán đã chứng quả vị chính là một đấng Thánh-nhân đã khai ngộ. Người nào cúng dường cho một bậc A-la-hán, thì sẽ được vô lượng vô biên phước báo, không có cách gì tính đếm cho xuể!

Tỳ-khưu là nhân mà A-la-hán là quả. Làm Tỳ-khưu tức là gieo cái nhân thành A-la-hán, và thành A-la-hán là kết quả của việc đã làm Tỳ-khưu. Do đó, khi là Tỳ-khưu ở nhân địa, thầy Tỳ-khưu trồng nhân là Phá-ác thì sẽ được quả là Sát-tặc, nhân là Khất-sĩ thì quả là Ứng-cúng, và nhân là Bố-ma thì quả là Vô-sanh.

3. Vô-sanh. Thế nào gọi là "Vô-sanh" tức là "liễu sanh tử," có nghĩa là sự sanh tử đã kết thúc, không còn cái khổ của sự sanh ra và chết đi nữa. Tuy nhiên, sự sanh tử mà các bậc A-la-hán dứt được là Phần-đoạn Sanh tử, còn Biến-dịch Sanh tử thì các ngài vẫn chưa dứt được, do đó các ngài chỉ thành A-la-hán mà thôi.

Các bậc Sa-Môn hành trì 250 giới của Tỳ-khưu (hoặc 348 giới của Tỳ-khưu ni) tức là làm cho sự học hỏi về Giới của họ được thành tựu, giữ gìn sự thanh tịnh trong mọi việc, mọi lúc, tức là làm cho sự học hỏi về Định được thành tựu, và tu tập bốn đạo-hạnh chân chánh tức là làm cho sự học hỏi về Huệ được thành tựu. Khi việc tu học Giới Định Huệ được viên mãn, thì tham, sân, si cũng bị trừ sạch. Dứt sạch tham, sân, si, thì chứng được quả vị A-la-hán.

Quả vị A-la-hán có tất cả bốn bậc; đó là Sơ quả A-la-hán, Nhị quả A-la-hán, Tam quả A-la-hán và Tứ quả A-la-hán. Phải chứng được Tứ quả A-la-hán thì mới chính thức chấm dứt sanh tử!

Xem mục lục