Ngài Phra Acharn Mun (1870 - 1949) tại tỉnh lỵ Ubol Rajathani, tổng Khambong, quận Khongjiem, Thái Lan. Ngài là vị thiền sư lỗi lạc, nổi danh nhất trong thời của Ngài. Ngài được tất cả các vị đệ tử thân cận thật sự kính mộ. Khi lắng nghe những thời Pháp và những lời dạy của Ngài về Giáo Pháp vi diệu, những môn đệ sống gần Ngài nhận thấy rõ rằng Ngài đã đạt đến một tầng liễu ngộ rất cao siêu. Cảm tưởng mạnh mẽ và sâu đậm khó phai mờ ấy về sau luôn luôn được chứng minh tỏ rõ. Hàng đệ tử của Ngài bao gồm các bậc xuất gia cũng như các vị cư sỹ tại gia từ khắp nơi trong xứ Thái và xứ Lào lân cận. Từ buổi thiếu thời đến ngày cuối cùng, cuộc đời của Ngài thật vô cùng vẻ vang rực rỡ, dù khi còn là cư sỹ hay đến lúc đã xuất gia. Đời của Ngài quả thật hy hữu, quả thật rất tinh khiết và trong sáng, bất luận kim cương hay ngọc báu nào cũng khó có thể sánh bằng.
-------☀️☀️☀️-------
☀️ Đại niệm và Đại tuệ
Ngài Acharn nói rằng tâm Ngài đã vững chắc đạt được từ lâu trong Tầng Thánh Quả thứ Ba (A Na Hàm Quả) nhưng vì phải đảm nhận nhiều bổn phận giáo huấn và đào luyện đệ tử, Ngài không có thời gian để gia công thành tựu tầng Thánh Cuối cùng. Ngài đã hoàn thành, khi lần này đơn độc du hành trong vùng rừng Chiengmai với nhiều điều kiện thuận lợi. Môi trường và khí hậu đặc biệt thuận lợi, cơ thể vật chất và tâm trí dồi dào, sẵn sàng để hỗ trợ cho bất kỳ mức độ tinh tấn nào, tâm tỉnh giác và sẵn sàng. Giáo Pháp tối thượng dường như đã sẵn sàng ló rạng ở chân trời, và sự Chấm Dứt Đau Khổ không còn xa. Cuộc chiến tiến dần đến giai đoạn kết thúc, người khát khao Giáo Pháp dồn được con cáo ô nhiễm vào một góc tường. Giờ đây các ô nhiễm đã kiệt sức và bị dồn vào đường cùng, chỉ chờ ngày chết, khi người khát khao Giáo Pháp nhảy tới và tận diệt chúng. Mặc dù đây chưa hẳn là kết thúc cuộc chiến nhưng kết quả không thể thay đổi nữa.
Đến giai đoạn phát triển này, tâm đã kiên cố trang bị với cái có thể gọi là đại niệm (mahāsati) và đại tuệ (mahāpañña), luôn hoạt động và không giảm sút, mặc dù không quyết tâm cố gắng để kiểm soát. Một cách tự động, tự nhiên và liên tục, đại niệm và đại tuệ hoạt động nhanh chóng và hiệu quả khi đối phó với những hoàn cảnh bên ngoài hay bên trong. Mọi sự đều được kiểm tra và quán chiếu rồi buông xả, để chúng về nơi của chúng. Có sự khác biệt rõ ràng với những giai đoạn phát triển ban đầu, khi mà niệm và tuệ cần phải cố gắng trau dồi và kiểm soát. (Và dù đã tận lực chuyên cần, sự tiến bộ vẫn giống như sự tiến bộ trong trò chơi “Rắn và thang” của trẻ con, lúc thì nhanh chóng nhảy vọt lên cao, rồi lúc khác lại tụt qua “ổ rắn” về nơi mà nó bắt đầu trò chơi từ bao lâu rồi). Có làm hay không làm điều này hay điều nọ, và hiểu biết và lý do để suy nghĩ điều này hay điều nọ vì lý do này nọ, và cách để xử lý điều này điều nọ một cách hợp lý, tất cả đều trọn vẹn nằm trong đại niệm và đại tuệ. Không cần phải cố gắng một cách có ý thức, nó tự động phát khởi bởi vì ngoại trừ khi ngủ, ngày đêm, từng giây từng phút, lúc nào nó cũng hoạt động giống như mạch nước không ngừng rỉ thấm vào giếng nên giếng không bao giờ cạn.
Ngài luôn luôn quán chiếu các duyên cho cảm giác, sự ghi nhớ hay hồi tưởng, sự hình thành suy nghĩ, và ý thức - bản chất tự nhiên của chúng được mũi tên niệm và tuệ xuyên thấu. Còn sắc uẩn thì đã mất hết ý nghĩa của một đề tài quán chiếu vì Ngài đã chứng đắc tầng Thánh Bất Lai. Bốn uẩn phải được quán chiếu tận tường và đầy đủ khi chúng biến chuyển xuyên qua ba giai đoạn sanh, trụ và diệt, tất cả đều dựa trên nền tảng anattā (vô ngã), không có thực thể nguyên vẹn thường còn gọi là “đàn ông”, “đàn bà” và “thú.” Xin lặp lại, không có “đàn ông”, “đàn bà” và “thú”, “tôi”, “anh”, “anh đó”, “chị kia”, “chúng tôi”, “chúng nó”, hay bất luận uẩn nào trong bốn uẩn (nói chi đến sắc uẩn thô thiển). Chân lý này phải được chứng ngộ rõ ràng qua hiểu biết xuyên thấu hay tuệ giác chứ không phải chỉ bằng trí nhớ hay hiểu biết học giả. Phải ghi nhớ rằng hai mức độ hiểu biết này cách xa nhau một trời một vực.
Hiểu biết bằng cách hồi nhớ (ở mức độ trí thức) có chiều hướng thổi phồng tự ngã, kích động cảm giác, đưa đến trạng thái tâm rối loạn điên cuồng và tăng trưởng ảo kiến tự ngã. Sự thật này được thấy hiển nhiên trong nhiều buổi thảo luận Giáo Pháp thấy có tranh cãi nhỏ mọn, phê bình chỉ trích lẫn nhau và khẩu chiến. Mỉa mai thay, tất cả những cái đó chỉ tạo thêm ô nhiễm, không phải từ bỏ. Mục tiêu của việc thảo luận về Pháp phải là để loại trừ ô nhiễm. Nhận thức chân lý bằng cách phát triển trí tuệ trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ này phải đưa đến kết quả làm suy giảm hay loại trừ luôn ô nhiễm, thô và tế, tùy theo mức độ phát triển trí tuệ.
Không ô nhiễm nào có thể ẩn núp hay lẩn trốn dưới con mắt lục soát của trí tuệ đã phát triển đầy đủ, hay đúng hơn là niệm và tuệ, là khí giới hữu hiệu nhất để loại trừ ô nhiễm. Chính nhờ trí tuệ mà Đức Phật và các Thánh Đệ Tử có thể thành tựu Giác Ngộ. Hẳn không phải do sự hiểu biết bằng cách học hỏi, suy tư và ghi nhớ, vốn còn ở tầm mức trí thức, suy tư, biện luận. Nói như vậy không phải có ý cho rằng nhận thức và ghi nhớ là vô dụng, vì chúng dẫn đường chỉ lối trong những giai đoạn phát triển đầu tiên, nhưng ngay cả ở những giai đoạn đầu cũng cần phải cẩn thận không nên lầm tưởng chính đó là chân lý.
Chân lý mà Đức Phật và các Thánh Đệ Tử của Ngài tuyên ngôn, ban truyền cho thế gian, bao giờ cũng do sự phát triển trí tuệ, không phải chỉ do tri giác và trí nhớ. Như vậy, điều tối quan trọng cho người Phật tử thực hành Giáo Pháp là luôn luôn thận trọng với sự hiểu biết bằng trí nhớ, không bao giờ lầm lẫn xem chắc đó là trí tuệ. Phải ghi nhớ rằng kiến thức trần gian, sự hiểu biết nhờ ghi nhớ không bao giờ làm giảm suy hay đè nén ô nhiễm, chứ đừng nói đến loại trừ ô nhiễm. Cái tâm bị trí nhớ tràn ngập vẫn còn bị ô nhiễm tràn ngập như trước.
Người Thái có thành ngữ nói rằng “một hòn núi kiến thức có thể đè nặng trên mình con người, thay vì nâng cao con người lên.” Chính vì mục đích muốn khuyến khích người Kalama phát triển trí tuệ mà Đức Phật khuyên dạy họ không nên đặt niềm tin nơi một vị thầy chỉ vì mình suy diễn, ước đoán, hay nghe tiếng đồn v.v. Ngài khuyên họ nên trước hết tự mình giác ngộ chân lý để có thể tự biết (nhờ trí tuệ) điều gì thiện và điều gì bất thiện. Sự hiểu biết như thế là hiển nhiên, không cần ước đoán, suy luận, hay nghe lời đảm bảo của ai khác. Đối với Đức Phật và Chư vị Thánh Đệ Tử, không cần phải tìm kiếm ai để bảo đảm hay để xác nhận kiến thức của các Ngài. Chính đặc tính gọi là sanditthiko (tự mình chứng ngộ) của Giáo Pháp là sự bảo đảm tín cẩn nhất.
Ngài Acharn nói rằng giai đoạn thực hành này quả thật hấp dẫn và thú vị. Không còn thèm ăn hay ngủ. Không còn cảm giác mệt nhọc hay uể oải tinh thần, ngày qua ngày, đêm qua đêm. Tâm liên tục chiến đấu với ô nhiễm không chút do dự, lo âu. Ngài không để mất chút thời gian nào. Trong cuộc sống đơn độc giữa rừng, thời giờ hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài.
Không bao lâu sau khi rời Wat Chedi Luang, Ngài Acharn đến một đầm lầy rộng lớn có tên là Nong Auh (trong ngôn ngữ Thái Lan, “auh” là một tiếng reo mừng, thể hiện sự đốn ngộ sau một loạt những thử nghiệm và mò mẫm). Đến đây, tâm của Ngài bắt đầu biểu dương năng lực một cách tráng lệ và ngoạn mục, như một tuấn mã vừa được đào luyện tốt và đang hăng hái. Nó lanh lẹ phóng vọt lên, lượn xuống, rồi vượt ra ngoài để thâu nhận tin tức và mục kích ngoại cảnh và những diễn biến trong tất cả những tầng tâm thức, rồi rút trở về xé tan ô nhiễm bên trong, đào xới tận gốc rễ. Đó là năng lực và cường độ trước kia đã bị giam hãm trong một thời gian lâu dài khi Ngài bận tâm lo giúp người khác. Lúc ấy tâm bị cầm giữ và gò bó trong những chuyện thế gian với những tập tục cổ truyền, giờ đây cửa đã mở ra, năng lực tiềm tàng của nó được thả tự do. Sức mạnh của niệm và tuệ trở nên vô cùng chủ động và năng động. Nó vọt phóng ra ngoài quan sát Tam Giới, và lao trở vào quán chiếu bên trong. Tâm tích cực hoạt động với tất cả năng lực trên mọi phương diện, lúc thì từ bỏ, khi buông xả, đặt xuống rồi cắt xén, nghiền nát và khoan thủng vào những hóc hẻm ô nhiễm còn lại.
Giống như cá kình khổng lồ dũng mãnh, ngụp lặn và biểu diễn đủ trò nhào lộn giữa biển cả mênh mông. Khi nhìn lại, tâm thấy xa xa ló rạng ở chân trời vầng mây đen kịt của tội ác và hiểm họa đang tích tụ một cách hăm dọa, thúc giục tâm chiến đấu thành tựu Giải Thoát bằng mọi giá. Chăm chú nhìn về phía trước, Ngài thấy ánh sáng vinh quang tỏ rạng hình như ra dấu chào mừng, sẵn sàng đón rước vào để tận hưởng kho tàng kiến thức vô tận.
Ngài Acharn thuật lại nhiều hơn nữa về giai đoạn tối quan trọng này trong cuộc đời Ngài, nhưng không thể ghi chép đầy đủ mọi điều Ngài kể trên những trang giấy này.
☀️ Chứng Ngộ Cuối Cùng.
Không bao lâu sau, nhờ sự hỗ trợ của Đại Niệm và Đại Tuệ, khi tận lực chuyên cần liên tục thực hành không gián đoạn, một đêm nọ lúc về khuya, ngồi trên mặt phẳng của một tảng đá to, dưới một cội cây đơn độc tầng lá sum suê, bên cạnh đồi núi, Ngài Acharn chăm chú hành thiền. Quanh đó là trảng đất trống, thỉnh thoảng có một làn gió hiu hiu nhè nhẹ thổi qua, làm tăng thêm phần mát mẻ và thoải mái cho tình trạng tĩnh lặng của cảnh vật. Đây là nơi mà Ngài thường ngồi lúc ban ngày. Tiếc rằng người viết không biết nơi ấy chính xác là đâu vì quên ghi lại tên của cội cây kể trên, luôn cả tên ngọn đồi và châu quận ấy. Tâm của người viết lúc bấy giờ đang say mê với câu chuyện đến độ không còn nhớ gì đến chi tiết. Mãi nhiều ngày sau đó, sự kỳ diệu của câu chuyện vẫn chưa phai mờ. Người viết cũng tự thấy thương cho mình, không biết có duyên lành thành tựu thế không. Vào lúc ấy, không bao giờ có ý nghĩ sẽ ghi lại cuộc đời của Ngài Acharn như đang thực hiện trong hiện tại.
Từ chiều đến khuya đêm ấy, Ngài Acharn suy niệm về Pháp Thập Nhị Nhân Duyên, trong lúc thiền tọa và thiền hành, và theo cả chiều xuôi và chiều ngược, lặp đi lặp lại, rà đi soát lại toàn bộ phạm vi mà vô minh và ái dục cấu hợp để tạo những sắc thái đau khổ khác nhau trong tâm. Đây là điểm then chốt giữa cuộc chiến giữa Ngài Acharn, sử dụng khí giới tận diệt của Đại Niệm và Đại Tuệ, và vô minh, lừng danh khét tiếng về những mánh khóe gian xảo của nó. Vô minh rất thông minh, không chỉ trong những thủ đoạn tự vệ mà còn lanh lợi khéo léo trong chiến thuật tấn công, có thể đột ngột xung kích kẻ thù và gây những hậu quả tai hại khủng khiếp. Và điều này dĩ nhiên từ ngàn xưa, người còn lăn lộn trong vương quốc của Tái sanh và Tái tử đều phải nằm trong nanh vuốt đầy quyền uy của nó. Tuy nhiên trong cuộc chiến một mất một còn với Ngài Acharn đêm ấy, vị quốc vương quyền uy và xảo quyệt của Tam giới đã bị truất phế, không còn ai cứu giúp. Hắn đã bị Ngài Acharn dùng vũ khí tuyệt vời của Đại niệm và Đại tuệ đánh ngã. Quyền thế, cho đến nay là bất khả kháng (đối với người thế gian), sau cùng đã bị Ngài Acharn thử thách, và cuối cùng tuyệt đối đánh bại.
Theo tường thuật của Ngài Acharn, vào lúc bấy giờ, Tam Giới hình như rung động với ngưỡng phục và kinh ngạc. Trong nhiều cảnh trời khác nhau, chư thiên đồng thanh reo lên biểu lộ lòng nhiệt thành tán dương ca ngợi rằng trên thế gian giờ đây có thêm một vị Thánh Đệ Tử của Đức Phật, và họ vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, cảnh người có thể không ai hay biết gì đến điều này, vì bận lo lợi dưỡng trong dục lạc ngũ trần, họ không thể biết rằng trong giây phút vừa qua, một người vừa chứng ngộ Giáo Pháp tối thượng.
Sau một lúc, khi tiếng hò reo dần dần lắng dịu thì còn lại bên trong Ngài sự thanh tịnh tuyệt đối của Giáo Pháp, làm mát mẻ cả thân lẫn tâm và bao trùm toàn bộ thế gian. Đối với Ngài, đó là sự huyền diệu không thể mô tả cho người khác. Mọi tâm từ và quan tâm giáo huấn người khác giờ đây (tạm thời) tan biến. Vì Giáo Pháp ở mức độ này vi tế, thâm sâu và kỳ diệu đến mức đa số mọi người khó lòng hiểu được. Trong một lúc, Ngài do dự không biết có nên truyền báo tin này cho người khác không, vì thọ hưởng một mình những kỳ diệu của Giáo Pháp thế này đã hạnh phúc rồi. Ngài hết lòng mang ơn Đức Phật, đã chứng ngộ toàn thể chân lý và từ bi ban truyền Giáo Pháp nhằm mục đích soi sáng Con Đường Giải Thoát cho thế gian. Giáo Huấn của Đức Phật tuyệt đối là chân lý, không thể nghĩ bàn trên mọi phương diện. Xuyên qua lòng sùng kính biết ơn thâm sâu và rộng lớn, suốt đêm Ngài rất cảm kích tưởng nhớ đến các ân đức của Đức Phật. Giáo Pháp thâm diệu đến mức độ nếu thuyết giảng chỉ làm cho người đời nặng lời phê bình chỉ trích, và kết quả là chỉ có chiều hướng làm mất lòng hơn là có thể giúp ích người khác. Đó là những suy nghĩ tạm thời thoáng qua trong tâm Ngài liền sau khi vừa khám phá ra Giáo Pháp Tối Thượng. Sau giây phút cảm nhận như thế, Ngài nới rộng bối cảnh, ôn nhìn trở lại việc tu tập của mình và xem xét khả năng của người khác. Con Đường của Đức Phật là cho tất cả những ai, giống như Ngài, muốn và dám chịu đựng mọi thử thách. Trên thế gian còn nhiều người như vậy. Từ khi Đức Phật tuyên ngôn ban truyền Giáo Pháp đã có vô số những vị đệ tử có đủ khả năng lĩnh hội và thành tựu Giáo Pháp ấy trong khi Ngài còn hiện tiền và sau khi đã viên tịch. Chỉ sau khi nghĩ lại như thế, Ngài quyết định truyền giao lại bức thông điệp của Đức Phật đến tay những ai thành tâm và tôn kính lắng nghe. Không lợi ích gì khi dạy cho những người không chịu nghe hoặc chịu nghe một cách hờ hững, không tôn kính cũng không chú tâm, xem thường Giáo Pháp. Chỉ sau khi chịu đựng một loạt đau khổ, Giáo Pháp Tối Thượng mới toàn thắng. Như vậy, thật vô ích khi “hòa tan” Giáo Pháp vô giá “trong đại dương” cũng như ta ngâm cho tan một món đồ không giá trị. Giáo Pháp được tuyên ngôn cho người muốn nghe. Lương y biên toa cho thuốc là nhằm trợ giúp cho người bệnh vượt qua khỏi khổ nhọc đau nhức. Ngày nào mà bệnh nhân còn muốn sống với cơn bệnh của mình thì còn làm ngơ với những lời khuyên của lương y.
Người sống trong Giáo Pháp lúc nào cũng tự thấy đủ và có thể cảm thấy thanh bình hạnh phúc trong mọi trường hợp, vì người đó không phụ thuộc vào ai để có sự yên ổn và an lành. Không có gì có thể làm bận rộn hay phiền lụy một tâm hoàn toàn thanh tịnh và bất lay chuyển. Vì vậy, Ngài Acharn thích sống phần lớn trong rừng hoang. Thỉnh thoảng, tùy trường hợp, Ngài giúp đỡ người khác khi hoàn cảnh cho phép. Nơi nào có Giáo Pháp, nơi đó có an lạc và hạnh phúc. Khi tâm là Giáo Pháp thì tự nó là hạnh phúc và an lành. Phải chiến đấu (để tìm những kết quả bên ngoài) chỉ tạo thêm đau khổ cho mình. Điều này làm cho Ngài Acharn rất cẩn thận trong khi thuyết giảng Giáo Pháp, chứ không giảng cho ai cũng giống ai. Lúc nào cũng làm theo phương thức và đường lối giảng dạy của Đức Phật. Đó là kim chỉ nam hướng dẫn đường lối chỉ dạy của Ngài. Và đó cũng phải là kim chỉ nam cho các Phật tử khác để tự nhắc nhở mình tuân theo Giáo Pháp của Đức Phật và thâu gặt trọn vẹn lợi ích trong hiện tại và trong tương lai.
Suy ngẫm thêm về những phương thức và đường lối giảng dạy và thực hành, Ngài Acharn quán chiếu trở đi trở lại Giáo Pháp Tối thượng đã rọi sáng cho tâm Ngài. Đây là Giáo Pháp đầy đủ và trọn vẹn, nhưng cũng đột ngột, không thể đoán trước, không thể tưởng tượng và không thể mô tả. Ngài cảm thấy như đã chết đi và tái sanh, nhưng đây là sự chết rồi sanh vô cùng tuyệt diệu, không thể so sánh với những gì đã được biết. Trí tuệ thâm sâu và huyền diệu phát sanh với kiếp sống mới và tuyệt vời này chưa bao giờ Ngài biết và mơ ước tới, mặc dù nó vốn thuộc về chính tâm. Hào quang rọi sáng cho Ngài quả thật vô cùng huyền diệu, hết sức lạ thường, nên lúc đó Ngài không nghĩ là có ai có thể thấu đạt Giáo Pháp vừa thâm sâu vừa lạ thường như thế.
☀️ Giáo Pháp Về Sự Giải Thoát.
Bản chất tâm của Ngài Acharn rất năng động và thường thích những trò nhào lộn điêu luyện, kể cả khi mới tu tập. Khi đạt được Mục Tiêu Tối Hậu, một lần nữa nó lại biểu diễn sự điêu luyện đúng theo đặc tính của nó. Vào lúc vừa “bẻ gãy vòng quay ba lớp” (Vòng quay ba lớp – tạm dịch từ “vaṭṭa”, có nghĩa là vòng quay ba lớp của ô nhiễm, nghiệp, và quả - tức ô nhiễm, những hành động được ô nhiễm trợ giúp, và những hậu quả đối với tâm do những hành động do ô nhiễm tạo nên rồi lại tạo thêm những ô nhiễm mới. Như thế vòng quay này liên tục không ngừng.), vẫn còn ba vòng của nó bao quanh (cái tâm vừa giải thoát). Với sự chấm dứt của vòng đầu tiên, từ Pāli là lopo (cắt đứt) hiện lên. Với sự chấm dứt vòng thứ nhì, từ Pāli là vimutti (Giải Thoát) hiện lên, nghĩa là tâm đã thực hiện hoạt động cuối cùng để đạt được Giải Thoát hoàn toàn. Với sự chấm dứt vòng thứ 3, phát sanh từ Pāli anālayo (không còn ham muốn), chỉ ra rằng với hoạt động cuối cùng, không còn mảy may ham muốn nào nữa. Từ đây trở đi, tâm trở thành ekacitta (một cái tâm duy nhất), ekadhamma (Giáo Pháp duy nhất), không còn hiện tượng nhị nguyên như trong thế giới phàm tục.
Đó là Giáo Pháp về sự Giải Thoát, dứt khoát tách lìa khỏi tất cả những sự vật trần gian và do đó là chỉ là một. Giáo Pháp Giải thoát này chỉ xảy ra một lần duy nhất, không phải hai hay nhiều lần hơn nữa. Đức Phật và các vị Thánh Đệ tử chỉ biết một lần Giáo Pháp Giải thoát, và do đó trở thành ekacitta và ekadhamma, tâm duy nhất và Giáo Pháp duy nhất, không có sự thành đạt nào cao hơn nữa. Các uẩn thuộc về tâm và thân vẫn còn như trước, chỉ là những uẩn tinh khiết, không có yếu tố nào khác pha lẫn vào. Không còn chất độc, không còn tính chất gây hại. Các uẩn vẫn như trước khi chứng ngộ, không thêm cũng không bớt. Chúng vẫn tác hành theo lệnh của tâm giờ đây đã thoát khỏi mọi hình thức luyến ái vào chúng. Mỗi uẩn hoạt động trong phạm vi của nó, thật như nhau trong lĩnh vực riêng của mình. Không còn xung khắc hay tranh đấu với nhau, vì cả hai đã mát mẻ theo cách của riêng mình. Việc cộng tác này tiếp tục cho đến khi hai bên tách rời ra, mỗi phần đi một ngả. Cái tâm đã được thanh lọc chừng đó trở thành yathādīpo ca nibutto – lửa tắt (vì hết nhiên liệu).
Đến đây đã tới giới hạn của ngôn ngữ quy ước phàm tục. Không thể mô tả hơn được nữa. Đó là những gì xảy đến với Ngài Acharn trong đêm có nhiều biến cố quan trọng này, khi cả ba vòng của “vòng quay ba lớp”, ranh giới giữa thế gian phàm tục và Giải thoát đã được phân định (mặc dù thế gian phàm tục và Giải thoát vẫn tiếp tục cùng hoạt động một thời gian nữa).
Trong phần còn lại của đêm ấy, ngài Acharn cảm xúc đến rơi lụy vì saṁvega (nỗi buồn vô hạn) vì vô minh trong quá khứ của Ngài đã làm Ngài trải qua đau khổ vô cùng tận trong vòng quay những lần sanh và tử. Với thức tỉnh cuối cùng và những chứng ngộ Giáo Pháp mà Đức Phật đã tuyên ngôn hơn 2.000 năm về trước, Ngài giống như người lữ hành đơn độc và mệt mỏi, tình cờ gặp được một ao hồ rộng lớn, nước trong veo, mời khách giải khát để bồi bổ sức khỏe. Ngài cảm thấy như mình có thể cung kính đảnh lễ Tam Bảo ngày đêm, suốt trọn đời, cũng vẫn chưa bày tỏ hết lòng biết ơn của mình đối với Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo của những vị thời xưa đã noi theo cùng một Đạo Lộ. Vào lúc bấy giờ nếu có ai nhìn thấy Ngài đang cung kính quỳ lạy, lệ tuôn đầy mặt, chắc tưởng Ngài vô cùng đau khổ, đang van nài cầu xin thần linh cứu giúp. Nhưng những giọt lệ và những cái vái lạy này chỉ biểu lộ lòng tri ân sâu xa và khiêm nhường nhất đối với những gì đã từ bi dẫn dắt Ngài đến sự khám phá vĩ đại nhất trong đời. Vị tỳ khưu đang quỳ lạy với mặt mày đầy nước mắt kia đã chứng ngộ Phật, Pháp, Tăng trong tâm. Đức Phật dạy: “Người nào thấy Giáo Pháp là thấy Như Lai, thấy Như Lai là thấy Giáo Pháp.”
Đêm ấy, chư thiên trong các cảnh giới trời đồng thanh tán tụng sự chứng ngộ của Ngài Acharn, tiếng vang dội cùng khắp tam giới, rồi đến đảnh lễ Ngài và tôn kính Ngài thuyết giảng cho một thời Pháp, nhưng vì còn mê mải trong Giáo Pháp Tối Thượng, và sẽ còn ở trong trạng thái ấy ít lâu, nên Ngài mời chư vị trở lại sau. Các vị trời hiểu ý Ngài, bái từ trở về cảnh giới của mình, lòng vô cùng hoan hỷ vì được yết kiến một vị visuddhideva trong đêm đầu tiên khi Ngài vừa chứng đắc.
Tảng sáng sau thời thiền tọa, Ngài Acharn ôn lại những kinh ngạc tuyệt diệu vừa qua trong đêm, và hết lòng cảm tạ những người dân trong làng thường ngày để bát cúng dường mình. Ngài cũng hết lòng tri ân cội cây Ngài ngồi hành thiền dưới gốc. Khi đến giờ đi vào làng hành trì bình, thoạt tiên Ngài cảm thấy hôm ấy mình không cần vật thực vì hạnh phúc Giải Thoát mà Ngài trải qua trong đêm đã bồi dưỡng quá đủ. Nhưng vì tâm từ đối với những người trong làng đã thường ngày cung cấp thức ăn, Ngài cảm thấy có bổn phận phải vào trong xóm làng người thượng này như thường lệ.
Hôm ấy, đối với dân trong làng, những người sớt thức ăn vào bát Ngài, những người đang làm việc trong nhà, và những trẻ em đang vui vẻ chơi đùa trước sân nhà đầy cát bụi, tâm từ của Ngài lên đến một mức độ đặc biệt. Ngài lưu tâm quan sát họ với tâm từ nhiều hơn, trong những ngày trước Ngài không hề đặc biệt để ý đến ai. Và người trong làng cũng vui vẻ hơn, khi thấy Ngài từ xa đi dần đến thì ai nấy cũng có một nụ cười thân ái để chào đón.
Khi trở về nơi trú ngụ trên núi, thân của Ngài không có vẻ gì cần đến vật thực vì Ngài vẫn còn an hưởng hương vị của Giáo Pháp. Ngài không thấy đói, cũng không thấy mệt, nhưng bởi vì sẵn có thức ăn nên Ngài dùng để bảo trì sức khỏe vì không thể nhịn đói quá lâu. Nhưng đối với Ngài lúc bấy giờ thức ăn không còn hương vị nữa, vì đã bị hương vị của Giáo Pháp lấn áp toàn diện. Trong tiếng Pāli có câu sabbarasaṁ dhammaraso janāti – hương vị của Giáo Pháp thắng mọi hương vị.
Tác giả: Phra Acharn Mahā Boowa Ñāṇasampanno
Dịch giả : Sumana Lê Thị Sương – Sunanda Phạm Kim Khánh
NXB: HỒNG ĐỨC, Nắm 2015
Nhất tâm, tinh tấn, vững bền trong giáo pháp của Phật(Lời khai thị của Đại Lão Hòa Thưọng Thích Trí Tịnh) Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh sinh năm 1917, được
Để có thể chân chánh quy y Tam bảo, với lòng khao khát sâu sắc đạt đến giác ngộ tối thượng để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh hữu tình,
Chứng đắc các phép mầu của năng lực tâm linh được xem là một thành tựu tốt đẹp, hoàn hảo, và viên mãn của một bậc thánh. Tuy nhiên, Đức Phật xem
Kinh Tứ Niệm Xứ trong Trung bộ kinh 10 và Trường bộ kinh 22 là hai bản kinh thường được đọc. “Con đường duy nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng
muốn nhìn Phật giáo dười khía cạnh triết học thì nên hiểu theo nghĩa Triết học Hy Lạp cổ đại hơn là triết học ngày nay . Suy tư và nghiên cứu
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt