Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phẩm Định-Huệ

THỨ TƯ

1.– Tổ dạy cho chúng hiểu rằng : “Nầy thiện-tri-thức ! – Pháp-môn ta đây lấy Định Huệ làm gốc ; đại-chúng chớ mê mà nói Định và Huệ riêng khác. – Thiệt Định và Huệ một thể, vốn chẳng phải hai. – Định là “thể” của Huệ, Huệ làm “dụng” của Định ; – trong lúc Định tức là Huệ, thì Định ở nơi Huệ ; – trong lúc Huệ tức là Định, thì Huệ ở nơi Định ; – nếu hiểu nghĩa ấy, tức là Định Huệ đồng học.
2.– “Các kẻ học đạo chớ nói trước Định rồi sau phát Huệ, hay là nói trước Huệ rồi sau phát Định mà chia riêng ra. – Nếu chỗ thấy biết như vậy, thì thành pháp có hai tướng. – Miệng nói lời lành mà trong tâm chẳng lành, thì luống có cái danh Định Huệ ; Định Huệ ấy chẳng phải bình đẳng. – Bằng như tâm và miệng đều lành, thì trong ngoài một cách, tức là Định Huệ bình-đẳng.
3.– “Tự mình tỏ ngộ tu hành, chẳng ở nơi sự kình-cãi ; nếu kình-cãi trước sau, tức đồng như người mê, chẳng dứt được sự hơn thua giỏi dở, thì ngã-chấp và pháp-chấp càng thêm, không lìa khỏi bốn tướng.
4.– “Thiện-tri-thức ! – Định Huệ bằng cách nào ? – Định Huệ ví như đèn sáng ; có đèn tức là sáng, không đèn tức là tối, đèn là “thể” của sáng, sáng là “dụng” của đèn, danh tuy có hai, thể vẫn đồng một ; pháp Định Huệ nầy cũng như vậy.”
5.– Tổ dạy chúng rằng : “Nầy Thiện-tri-thức ! – Nhứt hạnh tam muội là nói : Đối với hết thảy những chỗ đi, đứng, ngồi, nằm, hằng thiệt hành một tâm ngay-thẳng đó vậy – Như kinh Tịnh-Danh nói : “tâm ngay-thẳng là đạo tràng, tâm ngay-thẳng là tịnh độ” ; cho nên tâm làm sự tà-vạy mà miệng chỉ nói ngay-thẳng ; cũng đừng miệng nói “nhứt hạnh tam-muội” mà chẳng làm theo tâm ngay-thẳng. – Vậy cứ làm theo tâm ngay-thẳng mà đối với hết thảy các pháp, đừng có chấp-trước một pháp nào.
6.– “Kẻ mê đắm theo pháp-tướng, rồi chấp cái nghĩa “nhứt hạnh tam-muội” mà nói rằng : “Ngồi im-lặng chẳng động, đừng cho vọng-niệm khởi ở nơi tâm”, tức là nhứt hạnh tam-muội ; nếu hiểu biết như vậy tức là đồng với loài vô-tình, mà trở lại thành cái nhơn-duyên chướng đạo.”
7.– Tổ dạy cho chúng hiểu rằng : “Nầy thiện-tri-thức ! Đạo cần Phải lưu thông, sao lại để cho ngưng trệ ; hễ tâm chẳng trụ nơi pháp, thì đạo mới thông lưu ; bằng tâm trụ nơi pháp, thì gọi là mình tự trói. – Nếu nói : ngồi im chẳng động là phải, thì cũng như ông Xá-Lợi-Phất, khi ngồi im lặng trong rừng mà bị ngài Duy-Ma-Cật la rầy đó chẳng khác.
8.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Lại có người dạy ngồi, để xem lòng quán tịnh, đừng động thân và đừng khởi niệm, cứ do đó mà lập công, rồi kẻ mê không rõ trở lại chấp cái ngồi mà thành khùng thành điên. – Những bọn như vậy đông lắm, nó cứ dạy nhau thế ấy, cho nên biết là thiệt lầm.”
9.– Tổ lại dạy chúng rằng : “Thiện-tri-thức ! Chánh-giáo xưa nay, gốc không có đốn tiệm ; nhơn vì tánh người có bén có lụt, kẻ mê thì lần lần hiểu biết, người ngộ thì chốc-lát tỏ liền, nhưng đến khi tự biết được bổn tâm và tự thấy được bổn tánh, thì không sai khác ; vì vậy lập ra cái giả-danh kêu là : ”Đốn Tiệm”.
10.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Pháp-môn của ta đây, từ xưa đến nay, trước hết lập vô-niệm làm tông, vô-tướng làm thể, vô trụ làm bổn. – Vô-tướng là ở nơi tướng mà lìa tướng, vô niệm là ở nơi niệm mà không niệm, vô-trụ là bổn tánh của người, đối với những sự lành, dữ, tốt, xấu trong thế gian, cho đến kẻ thù người thân cùng khi nói năng xúc-phạm, khinh-khi, kình-cãi, đều coi như không có, chẳng nghĩ đến sự trả oán hại người, ở trong niệm niệm chẳng nhớ cảnh trước. – Nếu như niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối nhau chẳng dứt, thì gọi là : trói buộc ; còn đối với các pháp mà niệm niệm chẳng trụ, tức là không có gì trói buộc ; ấy là nghĩa lấy vô-trụ làm “bổn”.
11.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Ngoài lìa hết thảy các tướng, thì gọi là : vô-tướng ; mà đã lìa hết tướng rồi, tức là pháp thể thanh-tịnh ; ấy là nghĩa lấy vô-tướng làm “thể”.
12.– “Thiện-tri-thức ! – Đối với các cảnh, tâm chẳng nhiễm tới, kêu là vô niệm, ở trong tâm niệm của mình thường lìa các cảnh, chẳng bao giờ đối cảnh sanh tâm. – Bằng như trăm việc chẳng nghĩ tới chỉ cứ diệt trừ cái niệm cho hết, hễ một niệm dứt thì chết, chết rồi lại phải thọ sanh nơi khác, đó là lầm to. – Cho nên kẻ học đạo cần phải nghĩ lấy ! – Nếu chẳng biết ý pháp thì phần mình lầm còn chưa hại mấy, lại khuyên người khác lầm theo ; tự mê chẳng thấy, trở chê kinh Phật ; vì vậy nên lập vô-niệm làm “tông”.
13.– “Thiện-tri-thức ! – Tại sao vô-niệm làm “tông” ? – Bởi vì người mê miệng nói thấy tánh, mà đối với cảnh có niệm, tâm niệm lại khởi ra tà-kiến, rồi hết thảy trần-lao vọng tưởng từ đó sanh ra, nhưng tự-tánh vốn không có một pháp gì khá đặng. – Nếu còn có chỗ đặng mà chả nói sự họa sự phước, thì tức là trần lao tà-kiến, cho nên pháp-môn nầy lấy vô-niệm (không niệm) làm “tông”.
14.– “Thiện-tri-thức ! – “Không”, là không việc gì ? – “Niệm” là niệm vật gì ? – “Không”, là không hai tướng và là không các thứ tâm trần lao. – “Niệm”, là niệm bổn-tánh chơn-như, chơn-như tức là cái “thể” của niệm, mà niệm tức là cái “dụng” của chơn-như. – Chơn-như tự-tánh của mình khởi niệm, chớ chẳng phải : mắt, tai, mũi, lưỡi mà khởi niệm được, vì chơn-như có tánh cho nên khởi niệm ; chớ chơn-như nếu không tánh, thì : mắt, tai, sắc, tiếng tiêu hoại tức-thời.
15.– “Thiện-tri-thức ! – Chơn-như tự-tánh mình khởi niệm, sáu căn tuy có thấy, nghe, rõ, biết chẳng nhiễm muôn cảnh, mà chơn-tánh vẫn thường tự-tại ; cho nên kinh nói : Hay phân biệt được tướng các pháp, đối với nghĩa thứ nhứt chẳng động.” 
Xem mục lục