Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phẩm Cơ-Duyên

 THỨ BẢY

 1.– Tổ từ khi đắc pháp nơi Huỳnh-Mai, về làng Tào-Hầu ở Thiều-Châu, không ai biết cả. – Thuở đó có kẻ nho-sĩ tên Lưu-Chí-Lược lễ đãi Tổ rất hậu, – Chí-Lược có người cô làm vãi, tên Vô-Tận-Tạng, hằng tụng kinh Đại-Niết-Bàn ; Tổ nghe qua liền rõ nghĩa mầu, bèn vì cô giảng nói.

2.– Ni-cô cầm quyển kinh mà hỏi chữ.
3.– Tổ đáp : “Chữ thì ta chẳng biết, nghĩa xin cứ hỏi.”
4.– Ni-cô nói : “Chữ còn chẳng biết, thì nghĩa làm sao rõ được ?”
5.– Tổ đáp : “Lý mầu của chư-Phật chẳng cần thiết gì văn-tự.”
6.– Ni-cô kính phục, lấy làm lạ, bèn thông cáo với các người kỳ-lão đức vọng trong làng rằng : Sư đó là người có đạo đức, nên thỉnh về cúng dường. – Khi ấy có cháu huyền-tôn của ông Ngụy-Võ-Hầu, tên là Tào-Thúc-Lương, cùng các cư-dân đua nhau đến chiêm-bái.
7.– Nguyên Bửu-Lâm là một ngôi chùa xưa, nhưng từ khi cuối đời nhà Tùy, bị việc binh hỏa mà bỏ hư, nên mọi người mới nhơn chỗ nền cũ đó mà gầy dựng ngôi chùa lại, rồi rước Tổ về ở không bao lâu mà thành một nơi Bửu-phường.
8.– Tổ ở đó được chín tháng ngoài, lại mắc phải bọn ác tìm đuổi. – Tổ bèn trốn qua núi phía trước, lại bị bọn ấy phóng hỏa, đốt rụi cỏ cây ; Tổ ẩn mình, núp vào trong kẹt đá mới được thoát khỏi. – Hòn đá ấy đến nay còn dấu “đầu gối” của Tổ ngồi kiết-già, và dấu lằn “áo bố” ; nhơn đó người đời gọi là : “Hòn đá tỵ nạn”. – Tổ sực nhớ lời của Ngũ-Tổ dặn rằng ”Gặp Hoài thì ở gặp Hội thì trốn”, nên ngài ẩn mình nơi hai ấp ấy.
***
9.– Tăng-nhơn là Pháp-Hải, người ở Khúc-Giang thuộc về Thiều-Châu, ban đầu đến ra mắt Tổ mà hỏi rằng : “Sao gọi là : ”Tức tâm tức Phật”, xin ra ơn chỉ giáo cho.”
10.– Tổ đáp : Niệm trước chẳng sanh là : tức Tâm ; niệm sau chẳng dứt là : tức Phật ; – tạo thành hết thảy các tướng là : Tâm ; xa lìa hết thảy các tướng là : Phật. – Nếu ta nói cho đủ, thì cùng kiếp, nói chẳng hết.
11.– Vậy nghe kệ ta đây :
Tức tâm là Huệ,
Tức Phật là Định,(1)
Định Huệ đồng trì,
Trong ý thanh tịnh.(2)
Tỏ pháp-môn nầy,
Do ngươi tập tánh,(3)
Dùng gốc vô sanh,
Song tu là chánh.(4)
12.– Pháp-Hải nghe nói ngộ liền, rồi dùng kệ tán-thán rằng :
Tức tâm gốc là Phật,
Chẳng ngộ mà mình khuất,(5)
Ta biết Định Huệ nhơn,
Song tu lìa các vật.(6)
13.– Tăng-nhơn là Pháp-Đạt người ở Hồng-Châu khi bảy tuổi đã xuất gia, thường tụng kinh Pháp-Hoa đến lạy Tổ mà cúi đầu chẳng tới đất.
14.– Tổ trách : “Lễ lạy mà chẳng cúi sát đất, thì chi bằng đừng lạy ; trong lòng ngươi chắc có một vật, tập sẵn việc gì chăng ?”
15.– Pháp-Đạt bạch : “Tôi tụng kinh Pháp-Hoa đã đến ba ngàn bộ.”
16.– Tổ nói : “Ngươi nếu niệm đến muôn bộ, rõ được ý kinh, mà chẳng lấy cái đó làm hơn thì cùng với ta đi cặp.
17.– “Nay ngươi ỷ lấy công-nghiệp ấy mà tự mình đều chẳng biết lỗi, vậy nghe bài kệ ta đây :
Lạy gốc bẻ mạn tràng,
Đầu sao chẳng chí đất,(7)
Có ta tội ắt sanh,
Quên công phước không bực.(8)
18.– Tổ lại hỏi : “Ngươi tên chi ?”
19.– Bạch : “Tôi tên Pháp-Đạt.”
20.– Tổ nói : “Ngươi tên Pháp-Đạt, nào hề Đạt-Pháp.” – Lại đọc bài kệ nữa rằng :
Ngươi nay tên Pháp-Đạt,
Cần tụng chưa thôi dứt,
Đọc khống luống theo hơi,
Tỏ lòng gọi Bồ-tát.(9)
Ngươi nay có duyên cớ,
Ta vì ngươi nói cho,
Chỉ tin Phật không nói,
Hoa sen miệng mọc ra.(10)
21.– Pháp-Đạt nghe kệ liền ăn năn tạ lỗi và thưa rằng : “Từ nay về sau, tôi phải kính nhường cả thảy ; đệ tử nầy tuy tụng kinh Pháp-Hoa, mà chưa rõ được nghĩa kinh, tâm hằng có chỗ nghi, Hòa-thượng là bực trí-huệ rộng lớn, xin lược giải nghĩa lý trong kinh ấy cho nghe.”
22.– Tổ nói : “Nầy Pháp-Đạt ! – Pháp là rất Đạt, mà tâm ngươi chẳng Đạt ; kinh vốn không nghi, mà tâm ngươi tự nghi, vậy ngươi niệm kinh ấy, lấy cái gì làm tông ?”
23.– Đạt bạch : “Kẻ học đạo nầy, căn-tánh tối-tăm chậm lụt, lâu nay cứ y theo kinh văn tụng niệm, chớ đâu biết được tông-thú.”
24.– Tổ nói : “Ta chẳng biết mặt chữ, ngươi thử lấy kinh ra tụng một bận, rồi ta sẽ nói cho ngươi nghe.”
25.– Pháp-Đạt liền cất tiếng tụng kinh đến phẩm “Thí-dụ”.
26.– Tổ bảo ngừng rồi nói : “Kinh ấy gốc lấy “nhơn duyên xuất thế” làm tông, dầu có nói thí-dụ nhiều cách đi nữa, cũng không vượt ngoài nơi đó.
27.– “Sao là nhơn-duyên ? – Trong kinh nói : “Các Phật Thế-Tôn chỉ vì nhơn-duyên là một việc lớn mà hiện ra nơi đời một việc lớn ấy, tức là việc biết thấy của Phật”.
28.– “Người đời, ngoài thì mê về nỗi trước-tướng, trong thì mê về nỗi trước-không, nếu được đối với tướng mà lìa tướng, đối với không mà lìa không, thì tức là trong ngoài chẳng mê. – Bằng ngộ được pháp ấy, thì một niệm tâm mở-mang, ấy là mở được chỗ biết thấy của Phật.
29.– “Phật cũng như Giác, chia làm bốn môn ; Mở chỗ biết thấy của Giác, Bày chỗ biết thấy của Giác, Tỏ chỗ biết thấy của Giác, Vào chỗ biết thấy của Giác.
30.– “Nếu nghe được chỗ “mở bày” thì “tỏ vào” được, tức là cái biết thấy của Giác, thì chơn-tánh bản-lai xuất hiện ra được. – Ngươi chớ nên giải lầm ý kinh, thấy trong đó nói : “khai” (mở), “thị” (bày), “ngộ” (tỏ), ”nhập” (vào), rồi cho đó là chỗ biết thấy riêng của Phật ; chớ bọn ta không có phần gì ở trong. – Nếu hiểu lầm như thế, ấy là chê kinh, nhạo Phật. – Vì kia đã là Phật, thì đã đủ các sự biết thấy ; cần chi lại phải mở nữa. – Vậy ngươi nay phải tin chỗ biết thấy của Phật ấy, chỉ là tự-tâm của ngươi, chớ không phải Phật nào khác nữa.
31.– “Bởi vì tất cả chúng-sanh, tự che lấy tánh sáng-suốt của mình mà ham mến theo trần-cảnh, rồi ngoài thì chuyền níu, trong thì rối loạn, mà đành chịu giong-ruổi theo đường sanh-tử : đến nỗi nhọc sức Thế-Tôn kia, từ nơi chánh định đứng dậy mà nói cách nầy cách khác khuyên bảo chúng-sanh yên nghĩ, chớ tìm cầu ở bền ngoài, thì đối với Phật vẫn không khác ; cho nên ngài nói rằng : “Mở chỗ biết thấy của Phật”. – Ta nay cũng khuyên cả thảy mọi người, thường thường mở chỗ biết thấy của Phật ở trong tâm mình.
32.– “Người đời tâm tà, ngu mê mà làm ra tội, miệng nói lành, tâm ở dữ, tham-lam, nóng giận, ghen-ghét, dua-nịnh, kiêu-ngạo, lấn người hại vật, ấy là mình tự mở chỗ biết thấy của chúng-sanh.
33.– “Bằng như sửa lòng ngay thẳng, hằng sanh trí-huệ soi sáng tâm mình, bỏ dữ, làm lành, ấy là mình tự mở chỗ biết thấy của Phật.
34.– “Ngươi phải niệm-niệm, mở chỗ biết thấy của Phật, chớ nên mở chỗ biết thấy của chúng-sanh. – Hễ mở chỗ biết thấy của Phật, tức là xuất-thế, mà mở chỗ biết thấy của chúng-sanh, tức là thế-gian. – Ngươi nếu chỉ bo-bo chấp chỗ tụng niệm ấy làm công-khóa hằng ngày, thì chẳng khác nào con ly-ngưu kia thương tiếc cái đuôi dài.”
35.– Pháp-Đạt bạch : “Nếu như vậy thì chỉ cầu rõ được nghĩa, chớ chẳng cần nhọc sức tụng kinh sao ?”
36.– Tổ nói : ”Kinh có lỗi chi mà ngăn cấm ngươi niệm ; chỉ vì mê với ngộ ở nơi ngươi, tổn với ích ở nơi mình, hễ miệng niệm mà tâm làm, tức là mình chuyển kinh ; còn như miệng niệm mà tâm chẳng làm, tức là mình bị kinh xây chuyển.
37.– Vậy nghe bài kệ ta đây :
Tâm mê Pháp-Hoa chuyển,
Tâm ngộ chuyển Pháp-Hoa.(11)
Tụng kinh lâu chẳng rõ,
Với nghĩa vẫn thù gia.(12)
Không niệm, niệm ắt chánh,
Có niệm, niệm thành tà.(13)
Có không đều chẳng quản,
Cỡi mãi Bạch-ngưu xa.(14)
38.– Pháp-Đạt nghe kệ thoạt nhiên mủi lòng buồn khóc, rồi tỏ ngộ liền bạch với Tổ rằng : “Pháp-Đạt nầy, từ trước đến nay, thiệt chưa từng chuyển nổi kinh Pháp-Hoa, mà bị kinh Pháp-Hoa chuyển.”
39.– Lại bạch nữa rằng : Trong kinh có nói : “Từ các bực Đại-Thinh-văn cho đến các bực Bồ-tát, đều hết sức nghĩ mà cùng nhau đo lường cũng không thể dò thấu trí Phật.” – Nay Thầy dạy kẻ phàm phu nầy chỉ ngộ được tự-tâm, thì gọi là chỗ biết thấy của Phật ; nếu tự mình chẳng phải bực người Thượng-căn, thì không sao tránh khỏi sự nghi báng. – Lại trong kinh nói : “Ba thứ xe mà đệ-tử nầy chưa rõ : xe dê, xe nai với xe trâu trắng, khác nhau bằng cách nào, xin Hòa-thượng ra ơn chỉ dạy một lần nữa.”
40.– Tổ nói : “Ý kinh dạy đã rành rẽ, mê lầm là tại ngươi. – Các người trong bực Tam-thừa, mà không thể dò thấu trí Phật là cái hại tại nơi đo lường, dầu ngươi cùng nghĩ cạn suy, lại càng cách xa hơn nữa.
41.– “Phật vốn vì kẻ phàm-phu mà nói, chớ chẳng phải vì Phật mà nói ; lý ấy bằng chẳng khứng tin, thì mặc kia lui ra khỏi chiếu. – Có biết đâu mình đã ngồi trên xe trâu trắng mà lại còn ra ngoài cửa tìm lấy ba xe.
42.– “Huống chi trong kinh-văn đã nói cho ngươi biết rằng : Chỉ có một Phật-thừa không có thừa nào khác, hoặc hai, hoặc ba, nhẫn đến vô số phương-tiện, nhiều thứ nhơn-duyên và lời lẽ ví dụ mà nói, là cũng đều vì cớ “một Phật thừa” mà nói ra pháp ấy.
43.– “Ngươi sao chẳng xét : ba xe là giả, vì cớ buổi trước : một thừa là thiệt, vì cớ ngày nay ta chỉ dạy ngươi bỏ giả về thiệt mà sau khi về thiệt rồi, cái thiệt ấy cũng không có tên kêu là thiệt nữa. – Vậy phải biết bao nhiêu của báu hiện có đó, đều thuộc về ngươi, tự ngươi thọ dụng, cũng chẳng tưởng là của cha, cũng chẳng tưởng là của con, và cũng không tưởng là mình dùng, thế mới gọi là trì kinh Pháp-Hoa, từ kiếp nầy đến kiếp khác, tay chẳng rời quyển, từ ban ngày đến ban đêm, không lúc nào là lúc chẳng niệm.”
44.– Pháp-Đạt nhờ ơn Tổ bày tỏ, nhảy-nhót vui mừng, rồi dùng kệ khen rằng :
Tụng kinh ba ngàn bộ,
Tào-Khê thảy bỏ ngay,(15)
Chưa rành ý xuất thế,
Há dứt kiến đời ngây.(16)
Dê, Nai, Trâu quyền đặt,
Sơ, Trung, Hậu đều hay,(17)
Ai dè trong nhà lửa,
Vua pháp gốc là đây.(18)
45.– Tổ nói : ”Ngươi từ đây về sau mới được xưng là : ông tăng niệm kinh.”
46.– Pháp-Đạt từ đấy lãnh-hội ý mầu, rồi việc tụng kinh cũng chẳng bỏ.
***
  47.– Tăng-nhơn là Trí-Thông, người ở An-Phong thuộc về Thọ-Châu, ban đầu xem kinh Lăng-Già, ước hơn ngàn bận mà chẳng hiểu thấu chỗ Tam-thân Tứ-trí nên đảnh lễ Tổ mà cầu giải ý nghĩa.
48.– Tổ đáp : “Tam thân là : “Thanh-tịnh Pháp-thân”, tức là tánh của ngươi, – “Viên-mãn Báo-thân”, tức là trí của ngươi, – “Thiên-bá-ức Hóa-thân”, tức là hạnh của ngươi. – Nếu lìa bổn-tánh mà nói riêng tam-thân, thì gọi là : có thân mà không trí. – Còn nếu rõ tam-thân không có tự tánh, thì gọi là : tứ-trí bồ-đề.
49.– Vậy nghe kệ ta đây :
Tánh mình đủ ba thân,(19)
Tỏ ra thành bốn trí,(20)
Chẳng lìa duyên thấy nghe,
Vượt lên cõi Phật ấy.(21)
Nay ta vì ngươi nói,
Xét tin trót chẳng mê,
Chớ học người chạy kiếm,
Trọn ngày nói Bồ-đề.(22)
50.– Trí-Thông lại hỏi : “Cái nghĩa “bốn-trí” khá được nghe chăng ?”
51.– Tổ nói : “Đã hiểu ba thân thì rõ được bốn-trí, sao còn hỏi nữa ? – Nếu lìa ba thân mà riêng bàn bốn-trí, ấy gọi là có trí không thân và tức là cái có trí ấy lại thành ra không trí.
52.– Tổ lại đọc kệ rằng :
Trí đại-viên-cảnh, tánh thanh tịnh,(23)
Trí bình-đẳng-tánh, tâm không bịnh,(24)
Trí diệu-quán-sát, thấy chẳng công,(25)
Trí thành-sở-tác, đồng viên cảnh.(26)
Năm tám sáu bảy quả nhơn xây,(27)
Chỉ dùng danh ngôn không thiệt tánh,(28)
Bằng chỗ xây ấy chẳng lưu tình,
Bộn-bàng mãi ở Na-già-định.(29)
 53.– Trên đây là nói xây cái Thức làm Trí. – Trong giáo nói :
Chuyển năm thức trước, làm trí-thành-sở-tác ;
Chuyển thức thứ sáu, làm trí-diệu-quán-sát ;
Chuyển thức thứ bảy, làm trí-bình-đẳng-tánh ;
Chuyển thức thứ tám, làm trí-đại-viên-cảnh.
Tuy thức sáu, thức bảy chuyển ở trong nhơn ; năm thức và thức thứ tám chuyển ở trên quả, nhưng chỉ chuyển cái danh mà chẳng chuyển cái thể.
 54.– Trí-thông nghe rồi liền ngộ được tánh-trí, bèn trình kệ rằng :
Ba thân vốn ngã thể,
Bốn trí gốc tâm minh.(30)
Thân trí hòa không ngại,
Ứng vật mặc theo hình.(31)
Dấy tu đều vọng-động,
Trụ giữ chẳng chơn-tình.(32)
Ý nhiệm nhờ thầy dạy,
Trót quên nhiễm ô-danh.(33)
55.– Tăng-nhơn là Trí-Thường, người ở Quy-Khê thuộc về Tín-Châu, khi trẻ tuổi xuất gia, dốc chí cầu thấy tánh, một ngày kia đến tham lễ Tổ.
56.– Tổ nói : “Ngươi từ đâu đến và muốn cầu vật chi ?”
57.– Trí-Thường bạch : “Lúc gần đây, kẻ học đạo nầy ở núi Bạch-Phong, thuộc về Hồng-Châu, có đảnh lễ Đại-Thông Hòa-thượng, nhờ ngài tỏ bày cái nghĩa “kiến tánh thành Phật”, song chưa giải quyết được chỗ nghi ngờ, nên từ xa đến đây kỉnh lễ, cúi mong Hòa-thượng chỉ bảo.”
58.– Tổ nói : “Thầy ngươi có nói những câu chi, thuật lại cho ta nghe thử ?”
59.– Trí-Thường bạch : Trí-Thường nầy đến kia, tính đã ba tháng mà chưa nhờ ngài chỉ dạy điều chi, nhơn một hôm nọ, vì lòng cầu pháp quá thiết, nên một mình vào nhà phương-trượng, cầu hỏi nghĩa “Thế nào là bổn-tâm, bổn-tánh của tôi.” – Đại-Thông Hòa-thượng lại hỏi đệ-tử rằng : “Ngươi có thấy hư-không chăng ?”
Đệ-tử bạch : “Thấy !”
Kia lại hỏi rằng : “Ngươi thấy hư-không có tướng mạo gì không ?”
Bạch : “Hư-không vốn không hình, có chi là tướng mạo !”
Kia nói : “Bổn-tánh của ngươi cũng như hư-không, trót không một vật gì khá thấy, ấy gọi là : chánh kiến ; – không một vật gì khá biết, ấy gọi là chơn-tri ; – lại cũng không có xanh, vàng, dài, vắn, chỉ thấy gốc nguồn trong sạch giác-thể tròn sáng, tức gọi là : kiến-tánh thành Phật, và cũng gọi là : tri-kiến của Như-Lai, – kẻ học đạo nầy, tuy nghe lời ấy, mà cũng còn chưa giải quyết được ; vậy xin Hòa-thượng tỏ bày cho.”
 60.– Tổ nói : Câu nói của thầy ngươi, hãy còn có chỗ thấy biết, cho nên khiến ngươi chưa rõ. – Ta nay tỏ cho ngươi một bài kệ nầy :
Chẳng thấy pháp gì giữ không thấy,
Khác nào mặt-nhựt mây che đậy.
Chẳng biết pháp gì giữ không biết,
Lại như trên không chớp điện nháy.(34)
Những tri-kiến ấy thoạt dấy lên,
Không rõ phương-tiện mà nhận bậy.(35)
Một niệm ngươi nên biết lỗi mình,
Ánh sáng tự-tâm thường hiện vậy.(36)
61.– Trí-Thường nghe kệ, tâm ý rỗng-suốt bèn thuật kệ lại rằng :
Khi không khởi biết thấy,
Trước-tướng tìm Bồ-đề.(37)
Tình còn một niệm ngộ,
Khó thoát buổi xưa mê.(38)
Tự tánh thể nguồn giác,
Theo bóng luống trôi dời.(39)
Chẳng được vào nhà Tổ,
Không khỏi chạy hai nơi.(40)
62.– Một ngày nọ Trí-Thường hỏi Tổ rằng : “Phật đã nói pháp Tam-thừa, sao còn nói Tối-thượng-thừa nữa ; đệ-tử nầy chưa rõ, xin nhờ chỉ dạy cho.”
 63.– Tổ nói : “Ngươi cứ tự quán sát lấy bổn-tâm, đừng chấp theo pháp-tướng ở ngoài, pháp không có bốn thừa, mà tại tâm người có tự nhiều bực riêng khác :
Bực thấy nghe chuyển tụng là : Tiểu-thừa ;
Bực tỏ pháp rõ nghĩa là : Trung-thừa ;
Bực y pháp tu hành là : Đại-thừa ;
Bực muôn pháp đều thông, muôn pháp gồm đủ, hết thảy chẳng nhiễm, lìa các pháp-tướng, không một pháp nào khá đặng, ấy gọi là : Tối-thượng-thừa.
64.– “Thừa”, nghĩa là : “làm”, chẳng phải tranh luận ở đầu miệng, ngươi cứ tự tu, chớ hỏi ta nữa, tất cả trong lúc nào tánh mình cũng tự-như.
65.– Trí-Thường đảnh lễ tạ ơn và theo hầu hạ trọn đời Tổ.
***
*
66.– Tăng-nhơn là Chí-Đạo người ở Nam-Hải, thuộc về Quảng-Châu, đến cầu hỏi rằng : “Kẻ học đạo nầy từ khi xuất-gia xem kinh Niết-Bàn đã trên mười năm, nhưng chưa rõ được đại ý, xin Hòa-thượng xuống ơn chỉ giáo.”
67.– Tổ hỏi : “Ngươi chưa rõ chỗ nào ?”
68.– Chí-Đạo bạch : “Trong kinh nói : “Các hạnh không thường, là pháp sanh diệt, sanh diệt dứt rồi, tịch diệt làm vui”, đệ-tử hãy còn nghi hoặc chỗ ấy.”
69.– Tổ hỏi : “Ngươi nghi cách sao ?”*
70.– Bạch : “Cả thảy chúng-sanh đều có hai thân, tức là sắc-thân và pháp-thân ; mà sắc-thân thì không thường, có sanh có diệt ; còn pháp-thân thì có thường, không tri không giác. – Vậy câu kinh nói : “Sanh diệt dứt rồi, tịch diệt làm vui”, đó chẳng rõ thân nào tịch-diệt và thân nào chịu vui ? – Nếu nói sắc-thân, thì khi sắc-thân diệt rồi, tức là tứ-đại rã tan, hoàn toàn là khổ ; mà đã khổ thì không thể nói vui được. – Còn như nói pháp-thân tịch-diệt, thì pháp-thân tức đồng như loại cỏ cây, gạch đá ; còn cái gì mà chịu sự vui ?
71.– “Lại pháp-tánh là cái thể sanh-diệt, ngũ-uẩn là cái dụng sanh-diệt, một thể năm dụng, sanh-diệt là thường, sanh thì do thể khởi ra dụng, thì diệt thâu dụng trở về thể.
72.– “Nếu cho rằng sanh lại, tức là loài hữu-tình chẳng đoạn chẳng dứt ; bằng chẳng cho rằng sanh lại, thì vĩnh viễn về nơi tịch diệt, không khác gì vật vô-tình. – Như thế thì hết thảy các pháp đều bị cảnh-giới Niết-bàn cấm ngăn đè nén, sanh còn chẳng được, thì có vui gì ?”
 73.– Tổ nói : “Ngươi là con nhà họ Thích, sao lại học theo tà-kiến ”đoạn thường” của ngoại đạo mà nghị luận đến pháp tối-thượng-thừa ? – Cứ theo lời nói của ngươi, thì ngoài sắc-thân lại có pháp-thân khác, lìa sanh diệt mà cầu nơi tịch diệt, lại suy tìm tới chỗ Niết-bàn thường vui mà nói có thân thọ-dụng, đó là giữ chặt lấy nghiệp sanh tử mà đắm mê theo cái vui thế-gian.
74.– “Ngươi nay phải biết : Phật vì hết thảy đám người mê nhận lầm “năm uẩn hòa hiệp” làm tướng tự-thể và phân biệt hết thảy các pháp làm tướng ngoại-trần rồi ham sống, ghét chết niệm niệm đổi dời mà chẳng biết là mộng-hoạn dối giả, uổng chịu sự luân-hồi, lại lấy cảnh “Niết-bàn thường vui” kia, trở cho là tướng khổ mà trọn ngày rảo kiếm ở bề ngoài.
75.– “Phật thương xót vì cớ ấy, nên bày tỏ cái cảnh vui thiệt của Niết-bàn, không sát-na nào có tướng sanh, không sát-na nào có tướng diệt, lại không có cái sanh diệt gì khá diệt, đó là tịch-diệt hiền tiền ; – mà đương lúc hiện tiền, cũng không có cái lượng hiện tiền, mới gọi là thường vui. – Cái vui ấy không có ai thọ và cũng không ai chẳng thọ, thì đâu có cái tên kêu là “một thể năm dụng” như lời ngươi nói : phương chi lại còn nói Niết-bàn cấm ngăn các pháp, làm cho vĩnh viễn chẳng sanh ; đó là ngươi nhạo Phật dể pháp.
 76.– Vậy nghe kệ ta đây :
Bực Niết-bàn vô-thượng,
Tròn sáng thường lặng soi.(41)
Phàm-ngu gọi là chết,
Ngoại-đạo chấp làm đoạn.(42)
Các kẻ cầu nhị-thừa,
Chỉ cho là không dấy.(43)
Thảy suy tính theo tình,
Gốc sáu mươi hai thấy.(44)
Bạ lập cái giả danh,
Đâu phải nghĩa chơn thiệt.(45)
Chỉ có người quá lượng,
Suốt thông không lấy bỏ.
Vì biết pháp ngũ-uẩn,
Cùng cái ta ở trong.
Ngoài bày các sắc tượng,
Mỗi mỗi tướng âm thinh.
Bình đẳng như mộng huyễn,
Không cái thấy thánh phàm.
Chẳng nghĩ là Niết-bàn,
Hai bên ba khoản dứt.
Hằng ứng dụng các căn,
Mà chẳng tưởng là dụng.
Phân biệt cả các pháp,
Mà chẳng tưởng phân biệt.(46)
Lửa kiếp đốt đáy biển,
Gió thổi núi chọi nhau.
Chơn thường tịch diệt vui,
Tướng Niết-bàn như vậy.(47)
Ta nay cưỡng nói ra,
Khiến ngươi bỏ tà-kiến.
Ngươi chớ giải theo lời,
Cho ngươi biết phần ít.(48)
77.– Chí Đạo nghe kệ tỏ ngộ, hớn hở đảnh lễ rồi lui ra.
 ****
78.– Thiền-sư, tên là Hành-Tư, sanh tại nhà họ Lưu ở An-Thành, thuộc về Cát-Châu, nghe nói Tào-Khê mở Pháp-tịch, hoằng hóa rất thạnh, thẳng đến thăm lễ Tổ và hỏi rằng : “Nên làm việc gì ngỏ chẳng sa vào thềm bực ?”
79.– Tổ nói : “Ngươi lâu nay từng làm việc gì ?”
80.– Hành-Tư bạch : “Thánh-đế cũng chẳng làm.”
81.– Tổ nói : “Sa vào thềm bực gì ?”
82.– Bạch : “Thánh-đế còn chẳng làm, thì có thềm bực gì nữa.”
83.– Tổ rất khen trọng, rồi bảo Hành-Tư làm đầu trong chúng. – Một ngày kia Tổ dạy Hành-Tư rằng : ”Ngươi phải tách đi hóa-độ một nơi, đừng để giáo pháp đoạn tuyệt.”
84.– Hành-Tư sau khi đắc pháp, bèn trở về chùa Thanh-Nguyên, thuộc về Cát-Châu, mở rộng giáo pháp mà nối ngài hóa-độ, thụy-hiệu là Hoằng-Tế thiền-sư.
 ***
85.– Hoài-Nhượng thiền-sư, người ở Kim-Châu, con nhà họ Đỗ. – Khi đầu có yết kiến An quốc-sư ở chùa Tung-Sơn. – An bảo qua Tào-Khê khấu vấn, Nhượng đến nơi lễ lạy.
86.– Tổ hỏi : “Ở đâu đến ?”
87.– Bạch : “Ở Tung Sơn.”
88.– Tổ hỏi : “Đem vật gì đi đến như thế ?”
89.– Bạch : “Nói giống như một vật gì là chẳng nhằm.”
90.– Tổ nói : “Có tu chứng chăng ?”
91.– Bạch : “Tu chứng tức chẳng không, ô-nhiễm tức chẳng đặng.”
92.– Tổ nói : “Chỉ cái “chẳng ô-nhiễm” ấy là các Phật đều hộ niệm ; ngươi đã như thế, ta cũng như thế.”
93.– Nhượng rỗng-rang tỏ ngộ, rồi giữ phần hầu-hạ hai bên Tổ trọn mười lăm năm mỗi ngày mỗi tiến tới chỗ mầu nhiệm ; sau qua núi Nam-Nhạc mở rộng dòng thiền-tông, vua sắc phong là : Đại-Huệ thiền-sư.
***
94.– Thầy Vĩnh Gia Huyền Giác, con nhà họ Đái, ở Ôn-Châu, thuở nhỏ học kinh luận, tinh về pháp-môn Chỉ-quán của ngài Thiên-Thai. Nhơn xem kinh Duy-Ma mà phát tỏ cõi lòng. – Hôm nọ tình cờ gặp đệ tử của Lục-Tổ là Huyền-Sách đến thăm, cùng nhau đàm luận, Sách thấy Huyền-Giác nói ra đều ám-hiệp với lời của chư Tổ.
95.– Sách hỏi : “Nhơn-giả đặng pháp nơi thầy nào ?”
96.– Giác nói : “Tôi nghe kinh Phương-Đẳng và các luận đều có thầy truyền dạy, sau nhờ xem kinh Duy-Ma mà ngộ được tâm-tông nhà Phật, song chưa có thầy chứng minh.”
97.– Sách nói : “Từ đời Oai-Âm Vương-Phật về trước thì được, chớ từ đời Oai-Âm Vương-Phật về sau, nếu không thầy mà tự ngộ, đều là phái thiên-nhiên ngoại-đạo cả.”
98.– Giác nói : “Vậy xin nhơn-giả làm chỗ chứng cứ cho ta chút.”
99.– Sách nói : ”Lời nói tôi còn thấp hèn, hiện nay nơi Tào-Khê có Lục-Tổ đại-sư, người ở bốn phương vân tập rất đông mà đều thọ pháp với ngài cả ; ông có đi thời tôi cùng đi với.”
100.– Giác bèn theo Sách đồng đến tham phỏng ; Giác đi nhiễu xung quanh Tổ ba vòng, rồi chống tích-trượng mà đứng.
101.– Tổ nói : “Phàm làm sa-môn phải đủ ba ngàn oai-nghi, tám muôn tế hạnh ; nay đại-đức từ phương nào đến đây, lại sanh lòng ngã-mạn quá thể ?”
102.– Giác nói : “Sự sanh tử lớn lao, cơn vô-thường mau chóng.”
 103.– Tổ nói : “Sao chẳng thể lấy lý “không sanh” và liễu lấy cái “không chóng” ư ?”
104.– Bạch : “Thể vẫn không sanh liễu vốn không chóng.”
105.– Tổ nói : “Như vậy ! – Như vậy !”
106.– Huyền-Giác bèn đủ oai nghi lễ lạy, rồi giây lát cáo từ.
107.– Tổ rằng : “Về quá mau chăng ?”
108.– Bạch : “Gốc mình chẳng động, thì có gì là làm mau !”
109.– Tổ nói : “Ai biết mình chẳng động ?”
110.– Bạch : “Tự nơi nhơn-giả sanh lòng phân biệt.”
111.– Tổ nói : “Ngươi thiệt được cái ý “không sanh”.”
112.– Bạch : “Không sanh há có ý sao ?”
113.– Tổ nói : “Không ý thì cái gì phân biệt ?”
114.– Bạch : “Phân biệt cũng chẳng phải ý.”
115.– Tổ khen rằng : “Hay thật ! – Thầy hãy tạm lại một đêm.” – Nhơn vậy mà người đời gọi ngài Huyền-Giác là : “Nhứt túc Giác”.
116.– Đến sau Huyền-Giác có làm bài “chứng đạo ca” thạnh hành trong đời, thụy hiệu là Vô-Tướng đại-sư, đời xưng là Chơn-Giác vậy.
***
117.– Trí-Hoàng thiền sư, ban đầu tham-học với Ngũ-Tổ, tự cho mình đã đặng pháp chánh-thọ, ở riêng một cái am, rồi cứ ngồi mãi, trót hai mươi năm.
118.– Đệ-tử của Lục-Tổ là Huyền-Sách, đi du phương đến đất Hà-Sóc, nghe danh Trí-Hoàng mới tới am hỏi rằng : “Ông ở đây làm công việc chi ?”
119.– Hoàng nói : “Nhập định.”
120.– Sách nói : “Ông nói “nhập định” là có tâm nhập, hay không tâm nhập ?
121.– “Như không tâm nhập, thì hết thảy những loài vô tình như cỏ, cây, ngói, đá cũng nên đắc định ; còn nếu có tâm nhập, thì tất cả những loài hữu-tình hàm-thức cũng đều đắc định.”
122.– Hoàng nói : ”Chánh trong lúc ta nhập định, chẳng thấy có cái tâm “có không”.”
123.– Sách nói : “Nếu chẳng thấy có cái tâm “có không” thì tức là : thường-định ; còn có gì là xuất nhập ! – Bằng có xuất có nhập, tức là chẳng phải đại-định.”
124.– Hoàng không ngỏ trả lời, giây lâu lại hỏi thầy của ông là ai ?
 125.– Sách nói : “Thầy tôi là Lục-Tổ ở Tào-Khê.”
126.– Hoàng nói : “Lục-Tổ lấy chi làm thiền định.”
127.– Sách nói : “Chỗ thấy của thầy tôi : mầu, lợt, tròn, lặng, thể dụng như-như, năm uẩn vốn không, sáu trần chẳng có, chẳng xuất, chẳng nhập, chẳng định, chẳng loạn ; tánh thiền vẫn không trụ, đừng trụ vào cái thiền vắng lặng ; tánh thiền vẫn không sanh, đừng sanh cái tưởng thiền, như hư-không mà cũng không có cái lượng hư-không.”
128.– Hoàng nghe câu nói ấy, mới đi thẳng đến nơi ra mắt Lục-Tổ.
129.– Tổ hỏi : “Nhơn-giả ở đâu đến ?”
130.– Hoàng thuật đủ chuyện gặp Huyền-Sách bữa trước.
131.– Tổ nói : “Hẳn thiệt như lời của Huyền-Sách nói.” – Tổ lại thương Hoàng có lòng ở xa tìm đến, nên ra ơn giải quyết cho Hoàng rõ.
 132.– Hoàng từ đó tỏ ngộ, mới biết chỗ đắc-tâm của mình trong hai mươi năm nay, đều không ảnh-hưởng gì cả. – Tại đêm ấy, những người ở Hà-Bắc đều nghe trên hư không có tiếng gọi rằng : “Hoàng thiền-sư ngày nay đắc đạo.”
133.– Hoàng sau đảnh lễ từ biệt Tổ trở về Hà-Bắc, mở đạo mà khai hóa hàng tứ-chúng. (Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.)
 ***
134.– Có một chàng đồng-tử tên Thần-Hội, con nhà họ Cao ở đất Tương-Dương, mới mười ba tuổi, từ chùa Ngọc-Tuyền đến tham lễ Lục-Tổ.
135.– Tổ hỏi : “Người tri-thức từ xa đi đến khó nhọc, có đem được cái bản-lai không ? – Nếu có bản, thì phải biết chủ, nói thử coi ?”
136.– Hội nói : “Lấy cái “không trụ” làm căn-bản, thấy tức là chủ.”
137.– Tổ nói : ”Kẻ Sa di kia ! Sao cứ nói theo thứ lớp ?”
138.– Hội trở lại hỏi : ”Hòa-thượng tọa thiền thấy hay chẳng thấy ?”
139.– Tổ lấy cây gậy chống, đánh Thần-Hội ba cái mà hỏi : “Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau ?”
140.– Hội nói : “Thưa ! – Cũng đau, cũng chẳng đau !”
141.– Tổ nói : “Ta đây cũng thấy, cũng chẳng thấy.”
142.– Thần-Hội hỏi : “Sao là cũng thấy cũng chẳng thấy ?”
143.– Tổ nói : “Chỗ thấy của ta, là ta thường thấy chỗ tội lỗi của tự-tâm, chớ chẳng thấy những sự phải, quấy, tốt, xấu của người khác ; ấy là cũng thấy, cũng chẳng thấy. – Còn ngươi nói cũng đau, cũng chẳng đau là sao ?
144.– “Ngươi nếu chẳng đau, thì giống như loài cây đá, vô-tình ; bằng đau, thì giống như kẻ phàm phu, tức là khởi lòng hờn giận. – Trước đây ngươi hỏi : “thấy hay chẳng thấy”, đó là chấp hai bên và ngươi nói : “đau cũng chẳng đau”, ấy là còn sanh diệt. – Vậy thì tự-tánh của ngươi, ngươi còn chẳng thấy, mà sao dám khinh sức cợt người.”
145.– Thần-Hội lạy tạ xin lỗi.
 146.– Tổ lại nói : “Ngươi nếu tâm mê chẳng thấy, thì phải hỏi người thiện-tri-thức mà tìm đường ; bằng ngươi tâm ngộ, thì tức là tự thấy tánh mình, y theo pháp mà tu hành. – Nay ngươi tự mê chẳng thấy được tâm mình mà trở lại hỏi ta “thấy cùng chẳng thấy” ; ta thấy thì tự ta biết, đợi gì cái mê của ngươi. – Còn ngươi nếu tự thấy, thì cũng chẳng đợi gì cái mê của ta. – Ngươi sao chẳng tự biết, tự thấy, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy mà chi !”
147.– Thần-Hội lại lễ hơn trăm lạy mà xin tạ sự lầm-lỗi, rồi hết sức siêng-năng hầu hạ bên Tổ, chẳng khi nào rời.
148.– Một ngày kia Tổ bảo đồ-chúng rằng : “Ta có một vật, không đầu, không đuôi, không tên, không chữ, không lưng, không mặt, các ngươi có biết vật chi không ?”
149.– Thần-Hội bước ra bạch rằng : “Cái ấy là gốc nguồn của các Phật và là Phật-tánh của Thần-Hội nầy.”
150.– Tổ nói : “Ta đã nói với ngươi là không tên, không chữ, mà ngươi lại kêu là gốc-nguồn, Phật-tánh ; ngươi dầu đi tới đâu mà có nắm tranh che đầu, cũng chỉ thành một người tông-đồ tri-giải mà thôi.”
151.– Sau khi Tổ sư tịch rồi, Thần-Hội vào đất Kinh-Lạc, mở rộng pháp Đốn-giáo của Tào-Khê và làm sách “Hiển tông ký”, thạnh hành trong đời, người gọi là : Hà-Trạch thiền-sư.
 &&&
152.– Có một ông tăng hỏi Tổ rằng : “Ý-chỉ của thầy Huỳnh-Mai, thiệt người nào đặng ?”
153.– Tổ nói : “Người hội Phật pháp được.”
154.– Tăng nói : “Hòa-thượng ta đặng chăng ?”
155.– Tổ nói : “Ta chẳng hội Phật-pháp.”
 &&&
156.– Một bữa nọ, Tổ muốn giặt cái y của Ngũ-Tổ truyền ngày trước, mà không có suối tốt, nhơn ra sau chùa ước năm dặm, thấy nơi ấy, núi rừng sung rậm, khí tốt đoanh xây, Tổ mới dộng tích-trượng cặm xuống đất, mạch suối liền theo tay mà tuôn ra, chứa đầy thành ao. – Tổ bèn quỳ gối trên đá mà vò giặt lấy y, thì có ông tăng ở đất Thục, tên là Phương-Biện vừa đến ra mắt Tổ.
157.– Tổ hỏi : “Thượng-nhơn chuyên làm nghề chi ?”
158.– Bạch : “Khéo về nghề đắp hình tượng.”
159.– Tổ nghiêm chỉnh nét mặt nói rằng : “Ngươi thử đắp hình ta coi !”
160.– Biện chẳng biết tính sao, qua vài ngày sau mới đắp thành chơn-tượng của Tổ, bề cao độ bảy tấc, đúng tột bực khéo.
161.– Tổ cười mà rằng : “Ngươi khéo về tánh đắp mà chẳng rõ tánh Phật.” – Nói rồi liền vò đầu Phương-Biện mà thọ ký rằng : đời đời làm phước-điền cho cõi Nhơn-Thiên. – Nhơn đó lấy y mà đáp ơn Phương-Biện.
162.– Biện lấy y phân làm ba phần ! Một phần choàng vào tượng đấp, một phần để lại cho mình, một phần thì dùng hộp đựng, rồi chôn dưới đất, và phát lời thệ rằng : “Đời sau, người nào đặng áo nầy, tức là ta ra đời, trụ trì ở nơi đây, sửa dựng ngôi chùa lại.”
163.– Đến đời Tống, niên hiệu Gia-Hựu, năm thứ tám, có tăng-nhơn, tên Duy-Tiên, sửa đền chùa, đào đất gặp đặng y hãy còn như mới. – Còn cái tượng của Lục-Tổ thì sau thờ tại chùa Cao-Tuyền, ai cầu khẩn việc gì cũng đều thấy linh-ứng.
&&&
164.– Có ông tăng đọc lại bài của Ngọa-Luân thiền-sư rằng :
Ngọa-Luân có nghề giỏi,
Dứt trăm tư tưởng rui,
Đối cảnh chẳng sanh tâm,
Bồ-đề thêm lớn cội.(49)
165.– Tổ nghe qua bèn nói rằng : “Bài kệ ấy chưa tỏ được chỗ tâm địa ; nếu y theo đó mà làm, thì thêm sự trói buộc.” – Nhơn đó Tổ mới tỏ một bài kệ lại rằng :
Huệ-Năng không tài nghề,
Chẳng hề dứt tư tưởng,
Đối cảnh tâm khởi luôn,
Bồ-đề làm sao lớn.(50)
 &&&
 
(1)Tức tâm là Huệ, Tức Phật là Định : “Tức tâm tức Phật” là nói : Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, gốc không riêng khác ; – bởi tâm tức là Phật nên tâm ấy là cái tâm sáng suốt, gọi là Huệ ; lại cũng bởi Phật tức là tâm nên Phật ấy là ông Phật thường trụ, gọi là : Định.
(2) Định Huệ đồng trì, trong ý thanh tịnh : ”Ý” nầy là chỉ cho “ý-căn”, tức là thức mạt-na thứ bảy ; – vì thức ấy tánh hay xét-nét nghĩ-lường, hay vận động, hay chấp ngã và làm chỗ sở-y cho ý thức thứ sáu phân biệt ; các nghiệp phiền não cũng do nó khởi ra, cho nên Định và Huệđều trì, thì nhờ có sức “Huệ” diệt trừ phiền não và nhờ có sức “Định” diệt trừ cái tánh nghĩ lường phân biệt, tức là ý phải thanh tịnh.
(3) Tỏ pháp-môn nầy, do ngươi tập tánh : là nói : Nhờ có cái sức huân tập của tự tánh chơn như ở trong mạnh mẽ mới bài trừ hết các thứ nghĩ lường phân biệt của ý mà tỏ ngộ được pháp môn Đốn-giáo ấy.
(4) Dùng gốc vô sanh, song tu là chánh : “Vô sanh” là nói : các pháp gốc tự chẳng sanh ; nhơn đó mới quán sát cái lý vô-sanh để phá trừ cái phiền-não sanh diệt, nên gọi là : “dùng gốc vô sanh”. – Nhưng muốn phá trừ cái phiền não sanh diệt, thì do nơi lý vô sanh ấy mà gồm tu cả Định và Huệ là chánh đáng hơn, nên gọi : “song tu là chánh”.
(5) Tức tâm là gốc Phật, chẳng ngộ mà mình khuất : là nói : Bởi trước kia không biết tâm gốc là Phật nên tự khuất là phàm mà tôn Phật là thánh ; ngày nay đã rõ tâm gốc là Phật rồi, thì đâu còn có sự tự khuất ấy.
(6) Ta biết Định Huệ nhơn, song tu lìa các vật : Tự tâm thanh tịnh là cái nhơn của Định, bản giác sáng suốt là cái nhơn của Huệ ; mà tự tâm đã thanh tịnh tức là chẳng sanh chẳng diệt, thường trụ Niết-bàn bản giác đã sáng suốt tức là thấy rõ sự lý dung-thông, tánh tướng bình đẳng. – Biết tu Định Huệ một cách như thế, thì còn có sự nghĩ lường phân biệt đâu mà bị các vật làm ngăn ngại ; cho nên nói : “Ta biết Định Huệ nhơn song tu lìa các vật” là thế.
(7) Lạy gốc bẻ mạn tràng, đầu sao chẳng chí đất : “Mạn” là tâm kiêu mạn ; “Tràng” là lá phướng, là nói : Cái tâm kiêu mạn của chúng-sanh thường tự cao lấy phần mình ; cũng ví như lá phướng treo cao trên đầu trụ, trồng ở trước chùa, nên gọi là : “mạn tràng”.
Còn phép lạy mà khom cái thân mình rồi mọp cả đầu và hai tay hai chơn xuống đất, làm cách khổ-cực như vậy, là để trừ dứt cái tâm kiêu mạn, đừng cho có thói tự cao nữa ; cũng ví như trụ phướng cao, đương đứng mà bẻ gãy vậy, nên gọi là : “bẻ mạn tràng”.
Thế mà Pháp-Đạt trong khi lạy Tổ mà đầu mọp chẳng chí đất, tức là cái tâm kiêu-mạn chưa hết ; cho nên bị Tổ quở.
(8) Có ta tội ắt sanh, quên công phước không bực : Bởi tâm kiêu-mạn chưa dứt hết, tức là trong tâm còn chấp có cái ta (ngã chấp) ; – vì chấp có cái ta ấy mới sanh ra nghĩ lường phân biệt mà tạo thành các thứ tội-nghiệp (phiền não) ; chớ ta tự quên lấy cái “công” của ta, tức là tâm không còn chấp có cái “ta” nữa, mà tâm đã không còn chấp có cái ta nữa tức là tâm thanh tịnh như hư không, thì phước đức cũng nhiều vô-lượng vô-biên như hư-không, có chi sánh bằng.
(9) Đọc khống luống theo hơi, tỏ lòng gọi Bồ-tát : Tụng kinh không phải tụng suông mà chỉ lên hơi xuống tiếng gọi là tụng kinh. – Thiệt ra tụng kinh, gốc để hiểu rõ chơn-lý của Phật ; mà đã hiểu rõ chơn-lýcủa Phật, tức là hiểu rõ chơn-tâm thường-trụ của mình. – Chơn tâm thường-trụ bản-lai nó vẫn trong sạch sáng suốt, không có chi là vô-minh phiền-não, đạt tới cảnh-giới ấy, tức là minh tâm (tỏ lòng) mà được bực minh tâm ấy tức là : Bồ-tát.
(10) Chỉ tin Phật không nói, hoa sen miệng mọc ra : Trong kinh Duy-Ma-Cật nói : Từ nơi gốc vô-trụ mà kiến lập hết thảy các pháp (tùng vô trụ bản, lập nhứt thiết pháp) mà vô-trụ tức là chơn không, chơn không thì tịch-diệt, cho nên các pháp đã gốc nơi chơn không tịch diệt mà lập ra, thì các pháp ấy là chơn không tịch diệt, – mà các pháp đã là chơn không tịch diệt, thì Phật nói ra các pháp cũng là cái nói chơn không tịch diệt, – mà cái nói đã là chơn-không tịch-diệt, thì cái nói ấy cũng tức là không nói.
Cho nên trong khi Phật sắp nhập Niết-bàn, các hàng đệ-tử đến cầu Phật, xin hỏi những chỗ pháp-yếu, thì Phật trả lời rằng : “Lâu nay các ngươi tưởng ta có nói pháp hay sao ? – Thiệt ra, trước từ vườn Lộc-Dã (là chỗ Phật thuyết pháp Tứ-diệu-đế độ cho bọn Kiều-Trần-Như năm người trước hết), sau đến sông Bạt-Đề (là chỗ Phật nhập diệt, trong khoảng bốn mươi chín năm), trong khoảng bốn mươi chín năm, chưa từng nói một chữ”, – Thế là Phật nói mà không nói.
Nếu người học Phật mà tin được cái “không nói” của Phật ấy, thì tức là tụng kinh Diệu-pháp liên-hoa. – Vậy nên gọi là : “chỉ tin Phật không nói, hoa sen miệng mọc ra” là thế. (Hoa sen, chữ Hán gọi là : liên-hoa, tức là nói kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa vậy.)
(11) Tâm mê Pháp-Hoa chuyển, tâm ngộ chuyển Pháp-Hoa : “Mê” là mê chấp theo văn tự của kinh mà không ngộ nhập được tri kiến của Phật ;“Ngộ” là ngộ nhập được tri kiến của Phật mà không mê chấp theo văn tự của kinh.
Còn “chuyển” là nghĩa : xây lật. – Bởi vì tụng kinh mà theo từng hàng, tính từng câu, đếm từng chữ, kể từng biến số, mà không rõ những văn tự trong kinh là cái để tiêu chỉ cho mình do đó mà ngộ nhập tri kiến của Phật ở nơi văn tự ấy, thế mà mình chấp theo văn tự, tức là bị văn tự xây lật mình, làm cho mình mê quên cái tri kiến của Phật, cho nên nói rằng : “tâm mê Pháp-Hoa chuyển”.
Còn như mình ngộ được tri kiến của Phật, thì tuy hằng ngày tụng kinh mà không thấy cái tướng văn-tự của kinh mà văn tự vẫn cứ phân minh, không sai một câu, không lầm một chữ, và lại câu nào chữ nào cũng tiêu dung vào trong biển tri-kiến của Phật. – Tụng kinh như thế, tức là tâm mình xây lật được văn-tự, không bị văn tự làm cho tâm mình mê quên, vậy nên gọi là : “tâm ngộ chuyển Pháp-Hoa”.
(12) Tụng kinh lâu chẳng rõ, với nghĩa vẫn thù gia : là nói : Tụng kinh cần phải hiểu nghĩa, vì có hiểu nghĩa mới nhập lý, mà có nhập lý mới ngộ được tri kiến của Phật. – Bằng như tụng kinh lâu mà không hiểu nghĩa, tức là tương phản với nghĩa, nên gọi là : thù.
(13) Không niệm, niệm ắt chánh, có niệm, niệm thành tà : là nói : Hằng ngày niệm kinh mà không khởi tưởng có cái tâm năng niệm và cái kinh sở niệm, thì năng sở đều quên tức là không niệm, mà cái không niệm ấy mới gọi là : chánh niệm. – Còn như niệm kinh mà cứ chấp cái niệm ấy để làm công khóa tức là năng sở chưa quên ; mà năng sở chưa quên, thì cái niệm ấy tức là : tà niệm.
(14) Có không đều chẳng quản, cỡi mãi Bạch-ngưu xa : “Bạch-ngưu xa” là cái xe trâu trắng kéo, xe ấy là ví dụ Phật thừa.
Bởi vì “không niệm” đối với “có niệm” mà nói, thì “không niệm” chánh ; thiệt ra thì cái “không niệm” ấy cũng còn thuộc về thiên không Niết-bàn của Nhị thừa, chưa đoạn hết “cu sanh ngã pháp”, cho nên cái “có niệm” với cái “không niệm” đều dứt bặt, tức là “phân biệt ngã pháp” và “cu sanh ngã pháp” đều tiêu vong, thì mới viênthành Phật quả. – Cho nên những người đạt đến cảnh giới ấy gọi là : người cỡi xe trâu trắng.
(15) Tụng kinh ba ngàn bộ, Tào-Khê thảy bỏ ngay : Đây là ý Pháp-Đạt lâu nay lầm tưởng sự tụng kinh của mình được nhiều biến số như vậy là công đức nhiều, không dè ngày nay bị một câu nói của ngài Lục-Tổ khai thị rõ ràng, làm cho ông tự biết lại bao nhiêu những công đức tụng kinh của ông đều bay bổng trong trường ô hữu.
(16) Chưa rành ý xuất thế, há dứt kiến đời ngây : “Ý xuất thế” là nói : cái bản ý xuất thế độ sanh của Phật là gốc muốn cho chúng-sanh đều ngộ nhập được cái tri-kiến của Phật.
“Kiếp đời ngây” là nói : cái tập quán ngây khùng đã nhiều đời nhiều kiếp, bởi chấp theo vọng-tưởng mà mê quên chơn-tâm.
Thế mà ngày nay, nếu chưa rõ được cái ý xuất thế ấy, thì làm sao dứt được cái khùng mê chơn chấp vọng trong nhiều kiếp kia.
(17) Dê, Nai, Trâu quyền đặt, Sơ, Trung, Hậu đều hay : “Dê, Nai, Trâu” là ba cái xe, ví dụ với ba thừa : 1. Cái xe dê kéo là ví-dụ Thinh-Văn-thừa, 2. Cái xe nai kéo là ví dụ Bích-Chi-Phật-thừa (cũng gọi là Duyên-Giác-thừa), 3. Cái xe trâu kéo là ví dụ Bồ-tát-Đại-thừa.
Vì Phật thấy chúng-sanh căn độn, không thể đem Phật-thừa mà vội nói được, nên mới dùng trí-huệ phương-tiện quyền thuyết ra ba thừa, để cứu vớt chúng-sanh ra khỏi cái nhà lửa Tam-giới cho được rồi sau mới lần lần dắt dẫn về Phật-thừa, vậy nên gọi là : “quyền đặt”.
“Sơ” là thời Phật thuyết pháp ban đầu ; – “Trung” là thời Phật thuyết pháp về chặng giữa ; – “Hậu” là thời Phật thuyết pháp về lúc sau. – Cả trong ba thời thuyết pháp ấy đều hay cả, nên gọi là “sơ, trung, hậu đều hay”.
(18) Ai dè trong nhà lửa, vua pháp gốc là đây : “Nhà lửa”, là dụ : phiền-não ; – “Vua pháp”, là dụ : Bồ-đề Phật-tánh ; – tức là nói Bồ-đề Phật-tánh ở trong phiền-não, chớ không phải ngoài phiền não mà tìm Bồ-đề được ; – Cũng như câu : “vô minh thiệt tánh tức Phật tánh” của ngài Vĩnh-Gia nói, đồng một ý nghĩa.
(19) Tánh mình đủ ba thân : Tự tánh mình gốc vẫn thanh tịnh, lìa các danh tướng, dứt các hý luận, tức là Pháp-thân ; – tự tánh mình gốc vẫn đầy đủ hằng sa công đức, tức là : Báo-thân ; – tự tánh mình gốc vẫn có cái diệu dụng tùy duyên, tức là : Hóa-thân. – Cho nên Phật Phật đều có đủ ba thân là vì tự tánh có đủ ba thân, chớ không phải ba thân ấy lìa ngoại tự tánh mà có.
(20) Tỏ ra thành bốn trí : là Pháp thân thuộc về Đại viên cảnh trí, Báo thân thuộc về Bình đảng tánh trí, Hóa thân thuộc về Diệu quán sát trí, và thành sở tác trí. – Xem vậy thì biết : tức thân là trí tức trí tức thân, đều từ trong tự tánh mà phát minh ra cả.
 (21) Chẳng lìa duyên thấy nghe, vượt lên cõi Phật ấy
(22) Chớ học người chạy kiếm, trọn ngày nói Bồ-đề : là nói : Đừng học những kẻ trọn ngày nói thiền, nói đạo, tìm Phật ở ngoài tâm, mà không biết Bồ-đề ở trong tự tánh.
   
(23) Trí đại-viên-cảnh, tánh thanh tịnh : “Đại-viên-cảnh” là cái gương tròn lớn ; – là nói : Cái trí sáng láng tỏ sáng, soi khắp muôn trượng chẳng sót mảy lông, hết thảy các pháp hữu vô vi đều không phòng ngại ; cũng như trong cái gương tròn lớn mà hiện đủ hết thảy các thứ sắc tượng nên gọi là : Trí viên cảnh.
Trí ấy vốn là thức A-lại-da thứ tám chuyển trở lại mà thành ra ; cho nên trước kia nó là chơn vọng hòa hiệp, mà bây giờ chuyển thức (hữu lậu) thành trí (vô lậu) rồi, thì sạch hết phần vọng, chỉ còn lại cái tánh thể chơn như thanh tịnh mà thôi, nên gọi là : tánh thanh tịnh.
(24) Trí bình-đẳng-tánh, tâm không bịnh : “Bình đẳng tánh”, là cái trí đủ tánh chơn như bình đẳng, chẳng còn có cái tướng mỗi mỗi riêng khác, không oan thân, không nhơn ngã, tự và tha như một, tế độ khắp cả các chúng hữu tình, nên gọi là “trí bình đẳng tánh”.
Trí ấy vốn là thức Mạt-na thứ bảy chuyển trở lại mà thành ra ; cho nên trước kia nó vẫn chấp ngã mà thành sai biệt, bây giờ chuyển thức (hữu lậu) thành trí (vô lậu) rồi, thì cái ngã chấp sai biệt ấy tiêu hết mà đạt tới cái lý tánh vô ngã bình đẳng, tức là tâm không còn cái bịnh “ngã chấp” nữa, nên gọi là : “tâm không bịnh”.
(25) Trí diệu-quán-sát, thấy chẳng công : “Diệu quán sát”, là sức xét nét rất mầu ; – là nói : Cái trí xem xét khắp cả tự tướng cọng tướng của các pháp mà không ngăn ngại, ứng theo căn cơ của chúng hữu tình mà thuyết pháp một cách tự tại, làm cho chúng hữu tình đều được trở mê về ngộ nên gọi là : “Diệu quán sát”.
Trí ấy gốc là ý thức thứ sáu chuyển trở lại mà thành ra ; cho nên trước kia nó lấy cái thấy rõ ràng phân biệt làm công, bây giờ chuyển thức (hữu lậu) thành trí (vô lậu) rồi, thì cái thấy ô nhiễm ấy không dùng đến nữa, nên gọi là : “thấy chẳng công”.
(26) Trí-thành-sở tác, đồng viên cảnh : “Thành sở tác” là thành tựu những việc làm ; – là nói : Cái trí toàn lấy sự lợi tha làm mục đích, mà vì cả chúng phàm phu và nhị thừa làm cho thành tựu những việc nên làm trí theo bản nên gọi là : thành sở tác.
Trí ấy vốn là năm thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) chuyển trở lại mà thành ra, vì trước kia nó gốc do chủng tử (hột giống) của thức A-lại-da thứ tám ngậm chứa mà phát khởi, nên bây giờ chuyển thức (hữu lậu) thành trí (vô lậu) rồi, thì nó cũng đồng như trí Đại viên-cảnh của thức A-lại-da chuyển thành đó vậy, nên gọi là : “đồng viên cảnh”.
(27) Năm, tám, sáu, bảy, quả nhơn xây : “Năm” là năm thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) ; – “Tám” là thức A-lại-da thứ tám ; – “Sáu” là ý thức thứ sáu ; – “Bảy” là thức Mạt-na thứ bảy.
Còn “quả nhơn xây”, là nói thức thứ sáu và thức thứ bảy mà xây trở lại thành trí ấy, là xây trong lúc tu nhơn ; còn năm thức và thức thứ tám mà xây trở lại thành trí ấy, là xây trong khi chứng quả ; nên gọi là : “quả nhơn xây”.
  (28) Chỉ dùng danh ngôn không thiệt tánh : là nói Thức mà xây trở lại thành trí ấy, là chỉ xây cái danh (kêu gọi) đó thôi, chớ không phải thiệt xây cái thể (tánh) ; vì thức với trí cũng như sóng với nước gốc không phải hai thể vậy.
(29) Bằng chỗ xây ấy chẳng lưu tình, bộn bàng mãi ở Na-già-định : “Na già”, nếu nói đủ là “ma-ha na-già”, tức là : biệt hiệu của Phật.
Trong Khế-kinh nói : “Na-già hành tại định, na-già trụ tại định, na-già tọa tại định, na-già ngọa tại định.” – Nghĩa là : Phật lúc đi cũng định, lúc ở cũng định, lúc ngồi cũng định, lúc nằm cũng định, tức là Phật không lúc nào chẳng ở trong định.
Cho nên đây nói : Nếu trong chỗ xây ấy, mà mình chẳng còn khởi một tình niệm gì đoạn vọng (thức) cầu chơn (tri), thì dầu cho muôn trượng sum la rộn-ràng trước mắt, ngàn trần náo-nhiệt khua động bên tai, hay là sự-vật vây bọc xung-quanh thân mình đi nữa, thì tâm mình vẫn ở trong cảnh giới na-già đại-định không xao động mảy nào. – Vậy nên gọi là : “bộn-bàng mãi ở na-già-định”.
: là nói : Nếu ta ngộ được ba thân bốn trí đều là tự tánh sở hiện, thì chẳng cần phải đoạn vọng, chẳng cần phải cầu chơn chỉ ở trong cái hoàn cảnh mắt thấy, tai nghe mà tự siêu lên Phật địa.
(30) Ba thân vốn ngã thể, bốn trí gốc tâm minh : “Ngã-thể”, là cái bản-thể của ta ; bản-thể cũng như bản-tánh ; – nghĩa là nói : Ba thân của Phật vốn không ngoài bản thể của ta mà có.
Còn “Tâm minh”, là cái tâm giác-ngộ ; cho nên tâm mê thì thành bát-thức, lúc tâm ngộ thì thành tứ-trí ; thế là tứ-trí cũng không ngoài tự-tâm giác ngộ của ta mà thành được.
(31) Thân trí hòa không ngại, ứng vật mặc theo hình : “Thân” và ”trí” đã đồng do trong một nguồn tự-tâm bản tánh mà có ra, thì nó vẫn dung-thông lẫn nhau như nước hòa với nước, “không” hiệp với ”không”, chẳng có gì ngăn-ngại. – Mà đã chẳng có gì ngăn ngại, thì tha hồ ứng vật tùy hình, xuất sanh nhập tử, thần-thông biến hóa, thuyết pháp độ sanh, mỗi mỗi đều theo bản nguyện.
(32) Dấy tu đều vọng-động, trụ giữ chẳng chơn-tình : “Dấy tu” là khởi tâm tu hành, hoặc tu thiền, tu quán, tu giải-thoát, tu niệm Phật, vân vân… chẳng hạng tu pháp-môn nào ; mà đến lúc ngộ lúc chứng, cũng là ngộ chứng lại cái của mình sẵn có, chớ không phải cái gì mới được mà khác.
Cái của mình sẵn có ấy, tức là cái bản-thể thanh tịnh bồ-đề Niết-bàn từ hồi vô-thỉ, cũng gọi là : chơn-tâm thường trụ. – Nó đã thanh-tịnh, đã thường-trụ, thì nó không sanh diệt, không biến đổi, trên từ bực chư-Phật Bồ-tát, dưới đến loài xuẩn động hàm-linh cũng đồng một tâm-thể ấy, ở nơi Thánh không thêm, ở nơi phàm không bớt, thì có cái gì phải tu phải chứng.
Thế mà đương không, mình lên cái niệm tu hành cầu ngộ cầu chứng, tức là mình làm cho loạn-động cái bản-thể thanh tịnh thường-trụ của tự-tâm ; mà tự-tâm đã loạn-động tức là vọng : cũng ví như biển nước, đương đứng lặng mà thoạt-nhiên gió thổi làm xao-động thành sóng vậy. – Cho nên kinh Lăng-Nghiêm nói : người vứt mống lòng, trần-lao dấy nước (như tạm cử tâm, trần-lao tiên khởi), là thế.
Còn như mình không khởi niệm tu hành mà mình cứ trụ giữ nơi cái vắng-lặng ấy, cũng chẳng phải là chơn; vì mình còn biết khởi làđộng, trụ là tịnh, động là quấy, tịnh là phải, tức là tâm còn phân biệt, thì phân biệt cũng là vọng nữa. – Cho nên kinh Lăng-Nghiêm nói : Dầu dứt hết thảy những thứ : thấy, nghe, hay, biết, mà giữ cái nhàn-tịnh tối kín ở trong, thì cũng còn là việc bóng dáng của pháp-trần phân biệt (túng việc nhứt thiết kiến văn giác tri, nội thủ ư nhàn, du vi pháp trần phân biệt ảnh sự.)
Pháp-trần là cái cảnh sở-đối của ý-căn. – Ý-căn đối với pháp-trần có hai thứ : sanh-trần và diệt trần, cho nên mình không khởi niệm tu hành mà còn trụ giữ nơi cái vắng lặng ấy, là thuộc về diệt trần, chớ đâu phải thanh tịnh mà đã không thanh tịnh, thì đâu phải là chơn. (Chơn tịnh là cái chơn tâm thuần toàn không xen tạp.)
(33) Ý nhiệm nhờ thầy dạy, trót quên nhiễm ô-danh : “Ý nhiệm“, là tông-chỉ mầu-nhiệm của pháp Đốn-giáo, nhờ Tổ dạy pháp ấy mà Trí-Thông hiểu rõ được cái bản-lai thường-trụ chơn-tâm, lúc nào cũng vẫn thanh-tịnh, làm cho ông không còn bị ở trong phạm-vi vọng-thức mà chịu cái danh ô nhiễm. – (Vì vọng thức hay tạo thành các nghiệp thiện ác hữu lậu, nên gọi là nhiễm ô.)
(34) Từ câu : “Chẳng thấy pháp gì giữ không thấy”… tới câu : “Lại như trên không chớp điện nháy” là nói : Nếu mình chẳng thấy và chẳng biết một pháp gì, tức là mình đã lìa được pháp chấp phân biệt. Thế mà mình còn chấp giữ lấy cái “chẳng thấy chẳng biết ấy làm phải, thì cũng chưa thoát khỏi cái lồng phân biệt của ý thức ; vì bởi có phân biệt mới có thủ xả (lấy bỏ) ; có thủ xả mới bởi cái “có thấy có biết” mà chấp lấy cái “không thấy không biết” như vậy.
Huống chi chơn-tâm của ta bản lai nó vẫn sáng suốt mà ngày nay bị cái chấp “không thấy” ấy làm cho khuất lấp, thì có khác nào đám mây kia che tối mặt trời. – Lại chơn tâm của ta bản lai nó vẫn thanh tịnh như hư không, mà ngày nay bị cái chấp “không biết” ấy lọt vào trong làm cho vọng động, thì có khác nào ở giữa hư không thoạt sanh ra chớp điện. – Cho nên ngài Vĩnh-Gia Huyền-Giác thiền-sư cũng có nói : Bỏ “có” chấp “không” bịnh in nhau, ví như sợ đắm, chun vào lửa. (Khí hữu chấp không bịnh diệc nhiên, thí như tỵ nịch nhi đầu hỏa.)
Ngài lại nói : Bỏ vọng tâm, lấy chơn lý, tâm còn lấy bỏ là hư ngụy, người tu chẳng rõ trở làm theo, thiệt là nhận giặc làm con quý. (Xả vọng tâm, thủ chơn lý, thủ xả chí tâm thành xảo ngụy, học nhơn bất liễu dụng tu hành, chơn thành nhận tặc tương vi tử.)
(35) Những tri-kiến ấy thoạt dấy lên, không rõ phương-tiện mà nhận bậy : “Tri kiến ấy” là nói : Chấp cái “không thấy không biết” như vậy làm cái thấy biết chơn chánh, mà chẳng hiểu là mình nhận lầm. – Nếu người tu mà còn thấy một pháp gì hay còn biết một pháp gì, thì cái thấy thuộc về nhãn-thức phân biệt và các biết ấy thuộc về ý thức phân biệt, đều là vọng cả, rồi trở lại chấp cái “không thấy không biết” làm chơn. – Ngờ đâu mình bỏ cái “thấy có biết có” kia mà lại chấp cái “thấy không biết không” nọ, thì cái “thấy không biết không” đó cũng y nhiên còn ở trong cái thấy biết, chớ đã thoát khỏi ngoài vòng “năng kiến sở kiến, năng tri sở tri” được đâu ; cho nên gọi là : nhận bậy.
(36) Một niệm ngươi nên biết lỗi mình, ánh sáng tự-tâm thường hiện vậy : “Ánh sáng tự tâm” là cái “bản hữu trí-quang” của tự tâm, – là nói : Nếu trong một niệm năng sở đều vong, có không thảy bặt, không phân biệt, không thủ xả, thì tự tâm thanh tịnh ; mà tự tâm đã thanh tịnh, thì bản hữu trí quang của ta thường thường hiển hiện vậy.“Theo bóng”, là nói : Mê đăm theo cảnh sở duyên ở ngoài.
“Luống trôi dời”, là nói : Từ hồi nào đến bây giờ, cứ trôi lăn trong biển sanh-tử mà chịu nỗi thay hình đổi xác ; oan uổng không biết dường nào !
Nói tóm lại : Bởi trải kiếp mê quên cái tánh thể sáng suốt của mình mà đeo đuổi theo ngoại trần phân biệt chấp trước, rồi khởi hoặc tạo nghiệp mà phải chịu cái quả báo sanh tử luân hồi như vậy.
  (37) Khi không khởi biết thấy, trước-tướng tìm Bồ-đề : là nói : Tự tâm bản lai gốc vẫn thanh tịnh, không năng không sở, không tự không tha, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải chẳng có, chẳng phải chẳng không, lìa cả danh tướng, tuyệt cả hý luận, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật, không đợi phải tu phải chứng gì nữa cả.
Thế mà đương khi không lại khởi ra cái biết, cái thấy phân biệt thủ xả, rồi chấp theo pháp tướng mà cầu đạo Bồ-đề, ấy là ngoài tâm cầu Phật, ngoài tâm cầu pháp, chẳng bao giờ được.
Nhưng phải biết : Cái lầm của ông Trí-Thường nói đây, là một cái lầm chung của đa số người học Phật, gốc nó phát nguyên từ trong một nguồn “tánh giác tất minh vọng vi minh giác” mà lưu bố ra cả.
(38) Tình còn một niệm ngộ, khó thoát buổi xưa mê : “Tình còn một niệm”, là nói : cái tình niệm quá ít ; “Ngộ” là giác ngộ (tỏ biết, thức tỉnh) ; – “buổi xưa mê” là nói : cái hoặc vô minh từ hồi vô thỉ làm cho tất cả chúng-sanh mê ám mà không rõ chơn lý.
Đây là nói : Nếu trong tâm tình ta mà còn một niệm cầu ngộ, hay biết mình là ngộ, thì tức là y-nhiên còn mê ; vì mê với ngộ tuy khác nhau cái danh mà cũng đồng một tâm thể : hễ tâm còn phân biệt chấp trước tức là mê, tâm hết phân biệt chấp trước tức là ngộ ; cái ngộ ấy là ngộ lại cái bản thể thanh tịnh của tự tâm, chớ không phải ngộ cái gì khác.
Thế mà ngày nay, ta dầu còn một chút tình niệm về sự cầu ngộ, hay biết mình là ngộ, tức là tâm phân biệt chấp trước chưa hết, thì làm sao hết được cái mê !
(39) Tự tánh thể nguồn giác, theo bóng luống trôi dời : “Tự tánh thể nguồn giác”, là nói : cái bản thể diệu minh chơn giác của tự tánh, nó chính là cái nguồn sáng suốt trong sạch, phát sanh ra các thứ trí đức vô lậu.
(40) Chẳng được vào nhà Tổ, không khỏi chạy hai nơi : “Nhà Tổ” là tiêu biểu cái cảnh giới “ly ngôn tuyệt tướng, tâm Phật đều vong, muôn cảnh yêm-đềm, một màu vắng bặt”, Nhị-thừa khó đi tới, ngoại đạo không tìm ra, trời đất hết ngỏ lường quỷ-thần chẳng dòm thấy.
Cho nên những người học Phật mà chưa đạt tới cảnh giới ấy, thì không sao khỏi chạy lạc về hai đầu, nghĩa là chẳng chấp “có”, cũng chấp “không” chẳng chấp “tướng”, cũng chấp “tánh”, không thể nào trực hạ thừa đương cho được.
(41) Bực Niết-bàn vô-thượng, tròn sáng thường lặng soi : “Vô-thượng-đại”, nghĩa là : Không có bực gì cao lớn hơn nữa, cho nên Niết-bàn mà gọi rằng : Vô-thượng-đại, là tiêu biểu riêng cái nghĩa Niết-bàn nầy, không phải như Niết-bàn của hàng Tiểu-thừa, chỉ dứt bặt cái khổ “phân đoạn sanh-tử” trong Tam-giới, và cũng không phải như Niết-bàn của bực Đại-thừa, dứt bặt luôn cả cái khổ “biến dịch sanh-tử” ở ngoài Tam-giới. – Thiệt ra chính là nói : Niết-bàn của Phật vậy.
Niết-bàn của Phật gồm đủ lý thể và trí dụng ; lý thể thì thường lặng bặt, nên gọi là : “tịch” mà khi chuyển lý thể ra trí dụng (hiện thân thuyết pháp), thì gọi là : “tuy chiếu mà tịch”. – Còn trí dụng thì thường sáng soi, nên gọi là : “chiếu” ; mà khi thâu trí dụng về lý thể (nhiếp hóa quy chơn), thì gọi là : “tuy tịch mà chiếu” cho nên nói “tròn sáng thường lặng soi” là thế.
(42) Phàm-ngu gọi là chết, Ngoại-đạo chấp làm đoạn : là nói : Những kẻ phàm-phu và ngoại đạo không rõ cái lý Niết-bàn tịch chiếu như vậy, nên phàm ngu thì gọi là : chết, nghĩa là nói : người ta sau khi tắt hơi, thì xác tiêu xuống đất, hồn thẳng về trời. – Còn ngoại đạo thì chấp làm đoạn nghĩa là cố chấp không đúng với chơn lý mà nhận định rằng sau khi người ta mãn thọ trong đời nầy rồi, thì dứt bặt luôn, chớ không lý nào nối sanh làm thân khác trở lại được nữa.
(43) Các kẻ cầu nhị-thừa, chỉ cho là không dấy : là nói : Các hàng nhị-thừa chấp về thiên không Niết-bàn, nên tự lấy làm không dấy (vô tác), nghĩa là đã xa lìa hết các pháp hữu-vi, không còn tạo tác gì nữa.
(44) Thảy suy tính theo tình, gốc sáu mươi hai thấy : là nói : Hết thảy các thứ kể chấp “là chết, là đoạn, là vô tác” trên đây, đều là không rõ cái nghĩa chơn thiệt của Phật nói mà suy tính theo vọng tình ; tóm lại đều là căn bản ở trong sáu mươi hai thứ tà kiến ấy cả.
(45) Bạ lập cái giả danh, đâu phải nghĩa chơn thiệt : là nói : Cái danh kêu rằng Niết-bàn, cũng là cái danh giả lập ra, chớ không phải là nghĩa chơn-thiệt ; vì đối với sanh tử mà nói là Niết-bàn và đối với sanh tử là khổ mà nói Niết-bàn là vui cho đến đối với Niết-bàn của nhị thừa là thiên không mà nói Niết-bàn của Phật là tịch chiếu, tóm lại đều nhơn theo cái sở-đối mà lập thành danh tự như vậy đó thôi. – Thiệt ra không có chi gọi là chúng-sanh, thì có đâu sanh-tử ; cũng không có chi gọi là Phật, thì có đâu Niết-bàn, nếu nói giống một vật gì đều chẳng nhằm cả.
(46) Từ câu : “Chỉ có người quá lượng“… đến câu : “mà chẳng tưởng phân biệt” : “Người quá lượng”, là bực người siêu diệt ở ngoài độ lượng của quần-chúng, không một việc gì chẳng biết đến cái nghĩa rốt-ráo của nó ; cho nên nói chỉ có người quá lượng là thông suốt hết thảy các pháp mà không chấp lấy một pháp nào và không lìa bỏ một pháp nào.
Tự nơi phàm phu mê ám thì nhận lầm cái thân ngũ-uẩn làm thiệt mà tin chắc ở trong thân ngũ-uẩn có cái “ta” làm chủ-tể cho các việc hành-động ; duy có người quá lượng thì rõ biết cái thân ngũ-uẩn là do các duyên giả hiệp mà thành ra chớ không có thiệt thể ; mà thân ngũ-uẩn đã không thiệt thể, thì trong uẩn lại có cái gì là cái “ta” làm chủ tể hằng còn được.
Vậy nên tự nơi con mắt cu-nhãn của người quá lượng kia, coi thấy pháp ngũ-uẩn và cái “ta” trong uẩn mà hiện ra các thứ sắc tướng và âm-thanh ở ngoài đó, cũng như thấy những cảnh vọng hiện trong chiêm bao và như những đồ biến hóa của huyễn thuật, tuy có đủ mà chẳng gì là chơn thiệt cả.
Bởi thế nên ở trong đó, không bao giờ khỏi ra cái thấy, cái biết rằng : kia là phàm, nọ là thánh, kia là sanh tử, nọ là Niết-bàn, cũng chẳng chấp là có, chẳng chấp là không, và cũng chẳng nghĩ đến trước là quá khứ, nay là hiện tại, sau là vị lai đoạn cả hai bên, dứt cả ba khoản ; tuy thường thường ứng dụng theo các căn : cũng mắt thấy, cũng tai nghe, cũng mũi ngửi, cũng lưỡi nếm, cũng thân xúc động, cũng ý phân biệt, mỗi mỗi ứng dụng như vậy mà không khởi tưởng là dụng.
Cho đến mắt cũng phân biệt đủ các sắc – tai cũng phân biệt đủ các tiếng – mũi cũng phân biệt đủ các hương – lưỡi cũng phân biệt đủ các vị – thân cũng phân biệt đủ các thứ : nóng nguội, mềm cứng, ý cũng phân biệt đủ cả sự sự vật vật, – mỗi mỗi phân biệt như vậy mà không khởi tưởng là phân biệt.
(47) Từ câu : “Lửa kiếp đốt đáy biển…“ đến câu : “tướng Niết-bàn như vậy” : “Tai lửa”, là đến khi hoại kiếp, về kiếp “tăng giảm” 
rốt sau hết thì có hỏa-tai dấy lên thiêu đốt suốt tới đáy biển, làm cho sông biển đầm ao đều khô hết, rồi kế phong tai nổi lên có trận gió tỳ-lam thổi trốc cả núi, làm cho núi bay hòn nầy chọi với hòn khác, nát nghiến như bùn. – Lúc ấy là lúc thế giới tiêu hoại không còn gì ráo ; ấy là lấy cái tướng hoại kiếp mà hình dung cái tướng chơn thường tịch diệt của Niết-bàn.
Tức như khi gió thổi, núi chọi là một cái cảnh hết sức náo động như vậy, mà tướng vui Niết-bàn vẫn cũng vắng bặt luôn, không khi nào xao loạn ; lại như khi thế giới tiêu hoại thành tro bùn như thế mà cái tướng vui Niết-bàn vẫn cũng chơn-thường luôn, không khi nào biến đổi.
Đó là hiển rõ cái tướng “động” và tướng “tịnh” về cái thấy phân biệt của kẻ phàm phu ; chớ thiệt ra, ngoài “tịnh” không “động” ngoài “động” không “tịnh” ; nếu lìa tâm phân biệt, thì “động tịnh” vẫn bình đẳng ; cho nên nói : “tướng Niết-bàn như vậy”.
 
(48) Từ câu : “Ta nay cưỡng nói ra“… đến câu : “cho ngươi biết phần ít”. Đây là Tổ e cho Chí-Đạo chấp theo lời nói của ngài làm nhứt định mà không rõ cái nói ấy là phương-tiện quyền-xảo tùy bịnh cho thuốc, nên ngài mới tỏ cho biết rằng : “Niết-bàn gốc không hình không tướng, không danh không tự, thì có chi nói được. – Nhưng tuy không nói được mà cưỡng nói ra, là muốn cho ngươi dứt bỏ hết những chỗ kiến-giải tà-vọng mà đạt tới chỗ chánh-kiến chánh-tri vậy. – Nếu ngươi lãnh-hội được cái ý-chỉ ở ngoài lời nói của ta, thì ngươi mới có phần biết được chút ít.”

(49) Từ câu : “Ngọa-Luân có nghề giỏi”… đến câu “Bồ-đề thêm lớn cội”. Cứ theo ý bài kệ nầy là phân biệt trong tâm ngoài cảnh, còn đoạn trừ phiền-não, cầu chứng Bồ-đề, tức là chưa đạt tới cái nghĩa “phiền não với Bồ-đề không phải hai thể tâm với cảnh không khác nòi”, thì dầu có dứt hết được tư-tưởng mà một niệm chẳng sanh đi nữa cũng không thoát khỏi cái phạm-vi so lường suy tính của ý-căn, cho nên bị Tổ bác-khước rằng “chưa tỏ được tâm-địa” là thế.
(50) Huệ-Năng không tài nghề, chẳng hề dứt tư tưởng, đối cảnh tâm khởi luôn, Bồ-đề làm sao lớn : Bài kệ nầy là phản đối với bài kệ của Ngọa-Luân thiền-sư mà rất đúng với chơn-lý.

 

Xem mục lục