Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Người không dính mắc vào cái được thấy và nghe, sẽ không thấy có gì phải tranh cãi, vì tranh cãi là kiến chấp vào những cái được thấy và nghe. Người nào tin rằng phải giữ gìn, hay tin rằng không cần giữ gìn giới luật đạo đức thì sẽ thanh tịnh được tâm cũng sai, vì cũng luân hồi trong nhân quả. Người giải thoát là xa lìa cả ước muốn thanh tịnh và bất tịnh, không dính mắc gì vào cái được thấy và nghe, nên không còn thấy có thước đo để nói là cao thượng hơn, thấp kém hơn, hay ngang bằng. Không dính vào bất kỳ những gì được thấy, được nghe, được hay biết. Không lập kiến, không cả khởi tâm đúng/sai, ưa/ghét.

Tóm lược ý kinh: Giữ tâm vô sở trụ. Không thấy một pháp nào để nắm giữ.

Kinh này gồm các bài kệ từ 895 tới 914.

895 (Câu hỏi)

Với những người cứ nắm giữ quan kiến riêng của họ

cãi mãi, “Chỉ thế này mới đúng!”

tất cả họ đáng bị chỉ trích

hay vài người trong họ còn đáng khen?

896 (Đức Phật)

Lời khen là chuyện nhỏ, không đủ để bình an.

Ta nói có hai kết quả của tranh cãi

Thấy thế, không nên tranh cãi làm gì

Thấy rằng an toàn là nơi không tranh cãi.

897

Với các ý kiến người ta thường giữ

người trí không nên dính vào ý nào trong đó.

Với người không dính mắc vào cái được thấy và nghe

sao lại phải dính mắc vào [các ý tranh cãi]?

898

Những người xem đạo đức mới là tối thắng

nói rằng thanh tịnh tới từ tự kềm chế

họ phát nguyện và giữ chặt vào

nghĩ rằng chỉ rèn luyện như thế mới là thanh tịnh

tự cho là tài giỏi, thực ra họ sẽ tái sinh luân hồi.

899

Nếu rơi ngã khỏi việc giữ đạo đức và lời nguyện tu tập

họ lo sợ, họ run rẩy vì không giữ như thế.

Họ hy vọng, thèm muốn thanh tịnh như kẻ lữ hành

lạc ra khỏi đoàn lữ hành đang tìm về nhà.

900

Nhưng ai đã buông tất cả giới luật và lời nguyện giữ

buông cả hành vi có thể bị quy lỗi và không bị quy lỗi

buông cả ước muốn hướng về thanh tịnh hay bất tịnh

sẽ sống không còn dính mắc, dù là [dính mắc vào] bình an. 

901

Hễ nương dựa vào tu tập khổ hạnh

hay dựa vào những gì được thấy, nghe, suy nghĩ

hay buông lung rồi tự tuyên bố thanh tịnh

là còn tham tái sinh, và còn tham không tái sinh.

902

Người nào tìm kiếm là còn ước muốn

và còn lo sợ về những việc họ phải tu tập

Nhưng với người đã xa lìa chết, xa lìa tái sinh

sẽ không còn lo sợ gì, không còn tham muốn gì.

903 (Câu hỏi)

Giáo thuyết mà người này nói là tối thắng

người khác bảo là thấp kém

thì đâu là sự thật

khi họ đều tự nhận là chuyên gia?

904 (Đức Phật)

Họ nói giáo thuyết của họ hoàn mỹ

và nói giáo thuyết người khác là kém

cứ vậy, họ tranh cãi nhau.

Ai cũng nói ý riêng họ là đúng.

905

Nếu vì người kia chê, mà cái này là kém

thì không thuyết nào là tốt nhất

Vì lẽ thường, họ phải bênh thuyết của họ

trong khi chỉ trích giáo thuyết khác.

906

Sụ thực là, tự biện hộ cho giáo thuyết của họ

chỉ là tự ca ngợi chính họ thôi.

Nếu giáo thuyết nào cũng đúng

thì họ đều thanh tịnh cả rồi.

907

Bậc Phạm hạnh không bước theo ai hết

với trí tuệ, không nắm giữ giáo thuyết nào

Do vậy, họ vượt xa khỏi các tranh cãi

Và vì không xem giáo thuyết nào là tối thắng.

908

Suy nghĩ rằng, “Tôi biết, tôi thấy, nó là thế này!”

một số người tin là thanh tịnh tới từ kiến (view).

Ngay cả nếu nhìn thấy, thì lợi ích nào cho họ?

Đi xa hơn, họ nói thanh tịnh là do phương tiện khác.

909

Khi nhìn, người ta chỉ thấy tâm và thân (danh, sắc)

Họ chỉ có thể thấy thế thôi

Chò dù họ thấy có nhiều hơn hay ít hơn

người trí nói thanh tịnh cũng không tới cách đó.

910

Còn người nói toàn giáo điều

đã bám vào kiến, không dễ huấn luyện họ đâu.

Họ tự cho chỉ có trong cái họ dựa vào

là đẹp, là thanh tịnh, là nơi họ chỉ thấy như thế là thực.

911

Bậc phạm hạnh không dựng chuyện, không chạy theo kiến,

cũng không tự buộc vào kiến thức [cái đã biết trong quá khứ].

Trong khi nhận biết các ý kiến đời thường

họ vẫn tịch lặng, trong khi kẻ khác nắm giữ [các kiến].

912

Người trí xa lìa mọi ràng buộc với thế giới này

Khi tranh cãi khởi dậy, họ không về phía nào

Giữa những người dao động, người trí vẫn tịch lặng

Giữa những người nắm giữ các kiến, người trí không nắm giữ gì.

913

Rời bỏ nghiệp cũ, không tạo nghiệp mới

không theo tham dục, không dựng giáo thuyết

lìa các kiến thủ, không dính mắc với thế giới này

người trí tuệ cũng không tự thấy có lỗi gì.

914

Bậc trí không thù nghịch với bất cứ

những gì được thấy, được nghe, được hay biết.

cũng không khởi ý kiến, cũng không ghét với ưa.

Bậc trí đã buông bỏ gánh nặng xuống.

Hết Kinh Sn 4.13

Xem mục lục