NGÀY ĐẦU TIÊN, THẤT THỨ NHẤT
(Chủ nhật mồng 9 tháng giêng năm Quí Tỵ. 22/2/1953 tại chùa Ngọc Phật Thượng Hải)
Đại Hòa thượng (Vi Khang) nơi đây rất mực từ bi, chư sư Thủ lĩnh tâm đạo rất là tha thiết, thêm vào đó, các vị Đại cư sĩ mộ đạo tinh cần, ai nấy đều phát tâm đả Tịnh thất, mời Hư Vân này đến đây chủ trì, có thể nói đây là một nhân duyên thù thắng. Chỉ hiềm mấy năm nay tôi bị bệnh không thể giảng nhiều.
Đức Thế Tôn nói pháp hơn 40 năm, thuyết Hiển, Mật… ngôn giáo nhiều đến Ba tạng, Mười hai bộ Kinh. Giờ tôi thuyết, chẳng qua là thâu thập nhưng câu nói dư thừa của Phật Tổ. Phật lúc thăng tòa cuối cùng, đã cầm đóa hoa Kim Đàn Mộc vua trời Đại Phạm dâng cúng, đưa lên cho đại chúng xem. Lúc này cả đại chúng trời người đều không ai hiểu, chỉ Tôn giả Ma-ha-ca-diếp là mỉm cười. Thế Tôn liền bảo: “Ta có Chánh Pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay phó chúc cho ông”. Đây là “giáo ngoại biệt truyền” (truyền riêng ngoài giáo), chẳng lập văn tự, ngay đó nhận lấy pháp môn vô thượng. Người sau gọi chung chung đây là Thiền. Phải biết rằng trong Kinh Đại Bát Nhã, khi bàn tới Thiền, đã nêu lên hơn 20 loại, đều chẳng phải cứu cánh. Riêng Thiền trong Tông môn thì không lập giai cấp, ngay đó nhận hiểu (trực hạ liễu đương), kiến tánh thành Phật, là Thiền vô thượng, thì có gì là đả thất hay chẳng đả thất?
Chỉ do chúng sinh căn khí ngày một cùn lụt, vọng niệm quá nhiều nên mới thỉnh chư Tổ đặc biệt lập ra một pháp phương tiện nhiếp thọ. Tông này truyền tương tục từ ngài Ma-ha-ca-diếp đến nay đã trải qua sáu-bảy mươi đời. Vào thời Đường, Tống, Thiền tông phổ biến khắp thiên hạ, không Tông nào thịnh bằng. Hiện nay đã suy vi đến cùng cực, chỉ có các nơi như Kim Sơn, Cao Mân, Bảo Quang… là còn duy trì được mà thôi. Vì vậy mà nhân tài trong Tông môn rất ít. Ngay cả việc đả thất đa số chỉ có trên danh từ chứ không có thực chất.
Đời nay, chúng ta căn khí yếu hèn nên chư vị Đại tổ sư tạm lập phương tiện, dạy tham một câu thoại đầu. Tham có nghĩa là Tham khán, cho nên trong các Thiền đường đều có treo bốn chữ “Chiếu Cố Thoại Đầu”. Chiếu: tức là phản chiếu. Cố là quay nhìn lại, tức là nhìn lại tự tánh, dạy bọn chúng ta đem cái tâm chỉ một bề hướng ngoại tìm cầu, xoay lại phản chiếu thì mới đúng là khán thoại đầu.
Nói về thoại đầu, thì “Niệm Phật là ai” chỉ là câu thoại. Câu thoại đó khi chưa nói ra mới là thoại đầu (đầu của lời nói), đã nói rồi thì trở thành thoại vĩ. Chúng ta tham thoại đầu thì điều quan trọng là phải tham đến chữ AI, khi nó chưa khởi lên thì rốt ráo như thế nào? Ví dụ như tôi đây đang niệm Phật, chợt có người đến hỏi: “Này ông! Người niệm Phật đó là ai vậy?”. Tôi liền đáp: “Người niệm Phật đó là tôi”. Hỏi tiếp: “người niệm Phật đó là ông, vậy thì ông niệm Phật bằng miệng hay bằng tâm? Nếu là miệng thì khi ông ngủ, vì sao miệng không niệm? Nếu mà tâm niệm thì lúc ông chết rồi làm sao tâm niệm?” Chúng ta do câu hỏi này bèn khởi nghi, cần phải truy cứu đến tận cùng cái nghi này, quán sát kỹ xem cái câu niệm Phật đó từ chỗ nào mà tới? Ra làm sao? Phải xem xét cho tỉ mỉ, phản chiếu lại thật kỹ lưỡng. Đây chính là “phản văn tự tánh”.
Trong lúc hành hương (kinh hành vòng quanh trong Thiền đường), cổ tựa vào cổ áo, bước từng bước theo sát chân người đi trước, trong lòng bình tĩnh chẳng cần phải ngó Đông, liếc Tây, chỉ một niệm chiếu cố thoại đầu.
Trong khi Tọa hương (ngồi thiền trong khoảng thời gian ấn định), ngực chẳng được quá ưỡn, hơi thở chẳng nên đưa quá cao hay hạ quá thấp, cứ để tự nhiên. Chỉ cần thâu nhiếp cửa lục căn lại, muôn niệm buông hết, nếu thoại đầu tham được đúng thì công phu tự nhiên thuần thục, các tập khí (thói quen) tự dung dứt hết.
Người mới dụng công đối với câu thoại đầu chẳng dễ gì tham đúng được. Các ông chỉ cần đừng sợ, cũng đừng tơ tưởng đến sự khai ngộ, hoặc khởi niệm cầu trí huệ… Cần biết đả thất chính là để khai ngộ, tức là cầu trí huệ, các ông nếu cứ khởi tâm mong cầu thì chẳng khác nào trên đầu lại đặt thêm một cái đầu nữa.
Các ông ngày hôm nay là người mới tập dụng công, thoại đầu khởi chẳng được thì ngàn muôn lần cũng không nên nôn nóng, chỉ cần muôn niệm rỗng rang, chiếu cố thoại đầu cho miên mật. Vọng tưởng có đến thì cứ cho nó đến, ta không lý tới nó thì vọng tưởng tự nhiên hết. Cho nên có câu: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Vọng tưởng có đến, ta chỉ cần dùng sức giác chiếu, nắm chặt một câu thoại đầu, thoại đầu nếu biến thì ta lập tức đề khởi lại. Lúc đầu, khi mới ngồi thiền thì dường như là vật lộn với vọng tưởng, nhưng lâu ngày ta mới đủ sức để khởi thoại đầu lên, chẳng cho nó chạy mất. Bấy giờ các ông đã tìm ra chổ để nắm rồi vậy. Những gì tôi nói ra chỉ là lời nói suông, tốt nhất là các ông hãy dụng công đi.
NGÀY THỨ HAI, THẤT THỨ NHẤT
Mồng 10 tháng Giêng Quí Tỵ (23/2/1953)
Pháp đả thất là một pháp môn hay nhất, có ấn đinh kỳ hạn để chứng ngộ. Thuở xưa khi căn tánh con người còn lanh lợi, thì pháp này chưa được chú trọng lắm. Mãi đến triều Tống nó mới dần được mở rộng. Đến triều Thanh, khoảng niên hiệu Ung Chính (1723-1736), pháp môn này càng thịnh, vua Ung Chính thường đả thất tại hoàng cung, ông ta rất xem trọng Thiền, đồng thời mức thiền định của nhà vua cũng khá phi thường. Dưới tay ông có hơn mười người ngộ đạo. Ngài Thiên Huệ, vị tổ đã đắc pháp ở chùa Cao Mân, Dương Châu cũng ngộ đạo trong hội của nhà vua. Tất cả phép tắc quy củ của Thiền môn đều do ông một phen chỉnh đốn. Nhờ vậy mà tông phong đại chấn, nhân tài xuất hiện khá nhiều. Cho nên quy củ hết sức cần thiết, là khuôn phép tắc ấn định kỳ hạn để cùng tuân thủ, giống như Nho sinh khi vào trường thi, phải theo đề mà làm văn, y theo bài văn mà khảo xét, phải có thời gian nhất định. Đề mục đả thất của chúng ta gọi là tham Thiền, cho nên ngôi nhà này được gọi là Thiền Đường. Hiện nay trong Thiền Đường này, có ai tham thấu được nghi tình, ngồi dứt được mạng căn thì liền đồng với Như Lai. Cho nên Thiền Đường này còn có tên là Trường tuyển Phật, cũng gọi là Bát Nhã Đường. Những pháp học được trong nhà này đều là pháp vô vi. Vô: nghĩa là không có tạo tác, không một pháp để được, không một pháp để làm. Nếu hữu vi thì sinh diệt, có được thì có mất. Ngay đây nhận lấy (trực hạ thừa đương), chẳng cần phải xài ngôn thuyết nhiều.
Xưa, có một học nhân đến tham vấn Ngài Nam Tuyền, hỏi:
- Thế nào là đạo?
Đáp:
- Tâm bình thường là đạo.
Chúng ta thường ngày ăn cơm mặc áo, hít vào thở ra, không gì mà chẳng hành đạo. Chỉ vì chúng ta đụng đâu chấp đó, nên chẳng biết tâm mình là Phật.
Xưa, Thiền sư Pháp Thường Đại Mai, lúc mới đến tham vấn Mã Tổ, hỏi:
- Thế nào là Phật?
Tổ bảo:
- Chính tâm là Phật.
Sư liền đại ngộ, bèn từ giả Mã Tổ, đến Tây Minh, (chổ ẩn cư của ông Mai Tử Chân trước kia), cất am tranh trú ngụ. Khoảng niên hiệu Đường Trinh Nguyên (785-805), dưới hội Diêm Quang có một vị Tăng, nhân đi tìm cây làm gậy đến am của Sư, bèn hỏi:
- Hòa thượng ở nơi đây được bao lâu rồi?
Sư đáp:
- Chỉ thấy bốn núi xanh rồi vàng.
Lại hỏi:
- Đi lối nào ra khỏi núi?
- Theo dòng nước mà đi.
Ông Tăng trở về trình lại Diêm Quang. Quang nói:
- Lúc ở Giang Tây ta từng gặp một vị Tăng, từ đó về sau không nghe tin tức gì, chẳng biết có phải là ông ta chăng?
Bèn sai vị Tăng đi mời Sư, Đại Mai dùng bài kệ đáp
Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm
Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm
Tiều khách ngộ chi du bất cố
Dĩnh nhân na đắc khổ truy tầm
Nhất trì hà diệp y vô tận
Sổ thọ tùng hoa thực hữu dư
Cương bị thế nhân tri trụ xứ
Hựu di mao xá nhập thâm cư.
Cây khô gãy mục dựa rừng hoang
Mấy độ xuân về chẳng đổi tâm
Ông tiều gặp phải không thèm ngó
Dĩnh khách nhọc chi phải kiếm tầm?
Lá sen vô tận may làm áo
Lót dạ hoa thông mãi vẫn thừa
Vừa bị người đời hay chổ ở
Liền dời nhà ẩn tận non xanh
Mã Tổ nghe Sư trụ núi bèn sai Tăng đến hỏi:
- Hòa thượng, gặp Đại Sư Mã Tổ được cái gì mà vào ngụ trong núi này?
Sư đáp:
- Đại Sư nói tôi: “Tức tâm là Phật”, tôi liền vào ở đây.
Tăng nói:
- Gần đây Đại Sư dạy Phật Pháp đã khác đi rồi.
Sư hỏi:
- Ngài dạy ra sao?
Tăng nói:
- Ngài bảo “Phi tâm phi Phật” (chẳng phải tâm chẳng phải Phật).
Sư nói:
- Cái ông già đó cứ mê hoặc người chẳng có ngày dừng. Mặc kệ thuyết “phi tâm phi Phật” của ổng, tôi chỉ biết “tức tâm là Phật”.
Vị Tăng trở về thuật lại tự sự cho Mã Tổ nghe, Tổ bảo:
- Trái mai đã chín rồi!
Qua mẫu chuyện trên thấy người xưa liễu ngộ đơn giản, thiết thực ra sao! Chỉ vì các ông và tôi căn cơ hạ liệt, vọng tưởng quá nhiều nên chư vị Tổ Sư mới dạy tham một câu thoại đầu, đây chỉ là việc bất đắc dĩ mà thôi!
Tổ Sư Vinh Gia nói:
Chứng thật tướng vô nhân pháp
Sát-na diệt khước A-tỳ nghiệp
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sinh
Nguyện chiêu bạt thiệt trần sa kiếp.
Chứng thật tướng, không nhân pháp
Sát-na diệt hết nghiệp A-tỳ.
Nếu đem lời dối gạt chúng sinh
Nguyện bị rút lưỡi trần xa kiếp.
Tổ sư Cao Phong Diệu nói: “Kẻ học đạo dụng công cũng giống như đem một mảnh ngói ném vào đầm sâu, nó sẽ chìm mãi xuống tới đáy mới dừng lại”. Bọn chúng ta khán câu thoại đầu, cần phải đem câu thoại đầu khán cho đến đáy, thẳng đến lúc khám phá được câu thoại đầu đó mới thôi. Tổ sư Cao Phong Diệu lại phát nguyện rằng: “Nếu có người đề cử một câu thoại đầu mà chẳng sinh hai niệm, nội trong bảy ngày nếu không ngộ đạo thì tôi sẽ vào địa ngục Bạt Thiệt vĩnh viễn”. Chỉ vì bọn chúng ta niềm tin chẳng thật, tu hành không kiên cố, buông vọng tưởng không nổi… Nếu như tâm sinh tử thiết tha thì một câu thoại đầu chẳng thể dễ dàng lẫn mất được.
Tổ Quy Sơn nói:
“Sinh sinh nhược năng bất thối
Phật giai quyết định khả kỳ”.
Nghĩa là:
Đời đời nếu không thối chuyển
Quả Phật quyết định có ngày.
Người mới phát tâm tu thảy đều có nhiều vọng tưởng. Ngồi thiền chân bị đau, chẳng biết dụng công sao cho đúng pháp. Kỳ thật, chỉ cần đem tâm sinh tử thiết tha, không rơi vào hôn trầm, không lạc vào trạo cử, thì lo gì quả Phật không có ngày?
Nếu gặp hôn trầm đến, ông có thể mở lớn mắt ra, ngồi thẳng lưng lên một chút nữa thì tinh thần tự nhiên được phấn chấn lại. Nếu dụng công quá lơ là thì vọng tưởng dễ sinh khởi, vọng tưởng đã khởi thì trạo cử khó điều phục. Cho nên trong lúc dụng công cần phải trong thô có tế, trông tế có thô, mới có thể khiến cho công phu đắc lực, vừa có thể khiến cho động tịnh nhất như.
Ngày xưa, tôi dự Bảo Hương tại các chổ như Kim Sơn… Sư Duy na giục đứng dậy khởi hương, hai chân chạy như bay, sư tăng chạy thật giỏi, nhưng vừa nghe tiếng bảng gõ thì đứng sựng lại như người chết, lúc đó còn có vọng tưởng hôn trầm gì nữa? Bọn chúng ta hiện nay tu tập Bảo Hương thật cách xa.
Phương pháp tu này đối với ai mới bắt đầu dụng công đương nhiên là không dễ, nhưng các ông cần phải dụng công trong từng giờ. Tôi nói thêm một ví dụ nữa: “Việc tu hành cũng giống như dùi đã lấy lửa, cần phải có phương pháp. Nếu không có phương pháp thì dù cho ông có đem viên đá lửa ấy đập nát, cũng không lấy được lửa. Điều cần yếu của phương pháp ấy là phải có một cái mồi bằng giấy cùng một con dao bật lửa, mồi giấy bắt lửa phải đặt phía dưới cục đá lửa. Sau đó mới dùng con dao lửa đập mạnh vào cục đá một cái thì lửa từ hòn đá xẹt ra, bắt vào mồi giấy, mồi giấy liền phát cháy. Chúng ta giờ đã biết rõ tự tâm mình là Phật, chỉ vì không thể thừa nhận nên đành mượn một pháp tu làm con dao bật lửa. Thuở xưa, Đức Thế Tôn một đêm nọ nhìn thấy sao mai, hoát nhiên ngộ đạo. Cũng giống như thế, chúng ta ngày nay đối với cách lấy lửa này lại không biết cho nên không rõ được tự tánh. Tự tánh của chúng ta vốn cùng với Phật không hai, chỉ do vọng tưởng chấp trước nên không được giải thoát. Vì vậy mà Phật vẫn là Phật ta cứ là ta. Tôi và các ông sáng nay đã biết được phương pháp rồi, có thể tự mình tham cứu, đây qua là một nhân duyên thù thắng không gì bằng, hy vọng các ông nỗ lực, trên đầu sao trăm thước tiến thêm một bước nữa, vượt khỏi trường thi này, ngõ hầu “Trên báo ân Phật, dưới lợi ích chúng sinh”. Trong Phật pháp, nhân tài không xuất hiện là vì các ông không chịu nỗ lực, tôi thật đau lòng mà nói như thế. Nếu như tin chắc lời dạy của ngài Vĩnh Gia cùng tổ Cao Phong Diệu, đã vì bọn chúng ta mà phát lời thệ nguyện thì chúng ta chắc chắn đều có khả năng ngộ đạo, các ông hãy nỗ lực mà tham đi!
NGÀY THỨ BA, THẤT THỨ NHẤT
11 tháng Giêng, năm Quí Tỵ (24/2/1953)
Thời giờ trôi qua thật mau, mới nói đả thất, nay đã qua ngày thứ ba. Với người dụng công, một câu thoại đầu chiếu cố đắc lực thì trần lao vọng niệm nào cũng lóng trong, có thể đi thẳng đến nhà. Cho nên cổ nhân nói: “Tu hành không tu gì khác, chỉ cần biết đường”. Đường đi nếu biết rành thì việc sinh tử dứt. Đường đi nếu biết rành thì việc sinh tử dứt. Đường của chúng ta chỉ cần buông hết gánh nặng xuống thì quê nhà gần trong tấc gang. Lục Tổ nói: “Niệm trước chẳng sinh là tâm, niệm sau chẳng diệt là Phật”. Các ông và tôi xưa nay tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có. Chỉ do vọng niệm chấp trước, yêu mến ràng buộc pháp huyễn thế gian nên mới thành ra: Tứ đại chẳng không, sinh tử chẳng rõ. Nếu như trên thể của một niệm khởi vô sinh, thì những pháp môn do chính Đức Phật Thích Ca nói ra, chẳng cần dùng đến, lẽ nào sinh tử chẳng thể dừng? Cho nên một pháp này trong Tông môn, chính là ánh sáng vô lượng chiếu khắp mười phương.
Xưa, Tổ sư Đức Sơn là người Giản Châu, Tứ Xuyên, họ Chu. Sư xuất gia năm 20 tuổi, thọ giới cụ túc vào năm này. Sư nghiên cứu Luật tạng cùng tánh tướng các Kinh, hiểu thông suốt ý chỉ. Sư thường giảng Kinh Kim Cang Bát Nhã nên người thời đó gọi Sư là Chu Kim Cang. Sư thường bảo bạn đồng học rằng: “Một sợi lông nuốt biển, tánh biển vẫn không thiếu, ghim hạt cải trên đầu mũi kim, mũi kim vẫn bất động. Học cùng không học, chỉ có ta tự biết”. Sau, Sư nghe ở phương Nam Thiền tông thịnh hành, bất bình nói: “Kẻ xuất gia ngàn kiếp học oai nghi Phật, muôn kiếp học tế hạnh của Phật, còn chưa thành Phật. Vậy mà lũ ma ở phương Nam dám nói: “chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật”. Ta phải quét sạch hang ổ, diệt hết bọn chúng để báo ân Phật”. Rồi Sư gánh bộ Thanh Long Sớ Sao ra khỏi đất Thục. Trên đường đến Phần Dương, Sư gặp một bà già bán bánh, bèn dừng lại mua bánh điểm tâm. Bà già chỉ gánh hành lý của Sư hỏi:
- Đây là Kinh sách gì vậy?
Sư đáp:
- Thanh Long Sớ Sao.
- Thầy thường giảng Kinh gì?
- Kinh Kim Cang.
Bà già nói:
- Cho tôi hỏi một câu, nếu Thầy đáp được tôi xin cúng dường bánh điểm tâm, bằng đáp không được, xin mời đi nơi khác.
Sư bằng lòng, bà hỏi:
- Trong Kinh Kim Cang có câu: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được” Chẳng biết Thượng tọa muốn “điểm” cái tâm nào?
Sư không đáp được, bèn đi đến Long Đàm.
Tới Pháp Đường, Sư nói:
- Từ lâu đã nghe danh Long Đàm (đầm rồng) nhưng đến nới rồi thì đầm chẳng thấy, mà rồng cũng không.
Ngài Long Đàm bước ra bảo:
- Ông đã đến được Long Đàm rồi.
Sư không đáp được bèn dừng ở lại đây.
Một buổi tối, đến phiên Sư đứng hầu, Long Đàm nói:
- Khuya rồi, sao ông không về đi!
Sư trân trọng bước ra rồi quay lại thưa:
- Bên ngoài tối thui.
Long Đàm mồi đèn trao cho Sư, Sư vừa đưa tay nhận, Long Đàm liền thổi tắt. Sư ngay đây đại ngộ. Bèn làm lễ. Long Đàm hỏi:
- Ông thấy cái gì?
Sư thưa:
- Từ nay về sau con chẳng còn nghi ngờ lời của các Hòa thượng trong thiên hạ nữa.
Hôm sau, Long Đàm thăng tòa bảo đại chúng:
- Trong đây có một gã răng bén như kiếm, miệng tợ chậu máu, một gậy đánh chẳng quay đầu. Lúc khác, hắn ta sẽ lên ngọn núi cao dựng lập đạo của ta.
Sư đem bộ Thanh Long Sớ ra chất trước Pháp Đường châm lửa nói:
- Tột cùng các lời bàn về lý huyễn như một sợi lông ở giữa hư không. Hết thảy những trọng yếu trên đời tợ như một giọt nước gieo vào hồ lớn.
Và Sư đốt trụi lũi, rồi bái biệt ngài Long Đàm đi thẳng đến Quy Sơn.
Vào Pháp Đường, Sư đi từ phía Đông sang Tây, rồi từ Tây sang Đông, xong lại nhìn Phương trượng hỏi:
- Có chăng, có chăng?
Quy Sơn ngồi trên tòa không thèm dòm tới.
Sư nói:
- Không, không!
Rồi bỏ đi ra. Đến đầu Sơn môn lại nói:
- Mặc dù là vậy, cũng chẳng cẩu thả sơ sài.
Bèn đầy đủ uy nghi đi trở vào yết kiến. Vừa đến cửa, Sư đã đưa tấm tọa cụ lên gọi: “Hòa thượng”. Quy Sơn toan nắm phất tử, Sư liền hét, phất áo đi ra.
Chiều đến, Quy Sơn hỏi sư Thủ tòa:
- Ông Tăng mới đến hôm nay còn đây không?
Thủ tòa thưa:
- Ngay lúc quay lưng ra khỏi pháp đường, ông đã xỏ giầy đi thẳng.
Quy Sơn bảo:
- Gã này ngày sau lên đỉnh núi cao, kết am trang la Phật, mắng Tổ ở đó.
Sư trụ ở Lễ Dương 30 năm. Gặp lúc Đường Võ Tông phế giáo, Sư lánh nạn ở một mình trong Thạch Thất ở Phù Sơn. Năm Đại Trung đầu tiên (847), quan Thái thú Tiết Đình Vọng ở Võ Lăng, trùng tu tại Tịnh Xá Đức Sơn đề hiệu là Cổ Đức Thiền Viện, định mời những vị cao đức đến trụ trì, nghe đạo hạnh của Sư liền đến nài thỉnh nhiều phen. Nhưng Sư vẫn từ chối không chịu xuống núi. Đình Vọng bèn lập kế sai người đem trài muối đến vu cáo, bảo Sư phạm pháp rồi giải về châu. Chiêm lễ xong ông khẩn khoản mời Sư ở lại xiển dương Thiền tông. Người sau đồn nhau: “Đức Sơn hét, Lâm Tế gậy”.
Được như ngài Đức Sơn thì lo gì sanh tử chẳng dứt. Môn đệ ngài Đức Sơn có Nham Đầu, Tuyết Phong. Môn đệ Tuyết phong có Vân Môn Pháp Nhãn, rồi Quốc sư Đức Thiều, Vĩnh Minh Diên Thọ, đều nhờ một gậy đánh này mà xuất hiện. Trải qua các triều đại, Phật pháp đến nay đều nhờ các vị Đại tổ sư trong Tông môn gánh vác.
Chư vị đến đây đả thất, đều đã thể hội sâu đạo lý tối thượng này, ngay đây nhận lấy, liễu thoát sinh tử, chẳng phải là chuyện khó. Còn nếu xem chuyện tu hành như trò đùa trẻ con, chẳng chịu đạt đến tử tâm. Cả ngày chỉ thấy bóng sáng cửa quỷ, (quang ảnh môn đầu) hoặc cứ ở trong hang ổ văn tự mà toan tính, nên cuối cùng sinh tử chẳng thể dứt. Xin các ông hãy nỗ lực tinh tấn!
Dịch giả : Kiến Châu – Như Thủy
NXB Phương Đông
Thiền Sư Hư Vân (Vào năm 1955, cư sĩ Lương Hàn Chiêu vào núi, cung thỉnh Ngài giải thích nguyên nhân phát khởi sự tranh luận giữa Thiền Tông và Tịnh Độ
Lành thay, lành thay! Ðúng như vậy. Nầy Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, nghĩa của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến nghĩa vô
Đức Dhakpa Tulku RinpocheNguyên tác: “Venerable Dhakpa Tulku Rinpoche”Bản dịch Việt ngữ của Thanh LiênĐức Dhakpa Tulku Rinpoche được xác nhận là hóa thân của Gaden Tripa (1) Lobsang Dhargye Rinpoche thứ
Cái thường được hiểu như là tu tập chỉ có nghĩa là sống thuận theo [bất cứ trạng thái nào của] tâm mà ngươi ở nơi đó để thanh tịnh hóa, và
Khi vị tăng Trí Thông hỏi về Bốn Trí, Lục tổ nói bài kệ:Đại viên cảnh trí: tánh thanh tịnh Bình đẳng tánh trí: tâm không bệnh Diệu quan sát trí: thấy
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt