Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phẩm Tám trong Kinh Tập gồm 16 kinh, được dùng làm Kinh Nhật Tụng thời Đức Phật sinh tiền.

Kinh Phật Tự Thuyết trong Tiểu Bộ Kinh (ký số các bản Anh dịch là: Kinh Ud 5.6 Sona Sutta) kể rằng ngài Sona Kotikanna sau ba năm học Pháp trong cương vị cư sĩ, và một năm trong cương vị Tỳ Kheo với bổn sư là ngài MahaKaccana, được phép Thầy cho đi từ nơi cô tịch tới Savatthi để thăm Đức Phật. Đức Phật bảo ngài Anan sắp xếp chỗ ngủ cho ngài Sona trong cùng phòng với Đức Phật. Lúc rạng sáng hôm sau, Đức Phật hỏi rằng ngài Sona tu học ra sao, và rồi yêu cầu ngài Sona tụng đọc Pháp. Ngài Sona đọc toàn bộ 16 Kinh trong Phẩm Tám. Nghe xong, Đức Phật khen ngợi ngài Sona.

Bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu trong Kinh Phật Tự Thuyết (VI) (Ud, 57) trích như sau:

“…tôn giả Sona vâng đáp Thế Tôn, đọc thuộc lòng 16 phần của Phẩm Tám một cách đầy đủ. Rồi Thế Tôn, sau khi tôn giả Sona chấm dứt tụng đọc của mình. Thế Tôn cám ơn và nói: “Lành thay, lành thay tỷ kheo! Tỷ kheo đã khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì toàn bộ 16 phần trong Phẩm Tám. Người được đầy đủ thiện ngôn minh bạch, phát ngôn rõ ràng, ý nghĩa minh xác.
 Này tỷ kheo, ngươi có bao nhiêu tuổi an cư mùa mưa?”
…”(ngưng trích)

Nhóm 16 kinh trong Phẩm Tám của Kinh Tập trong Tạng Pali, có nhóm kinh tương đương là Kinh Nghĩa Túc trong hệ Hán Tạng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong tác phẩm "Đạo Bụt Nguyên Chất - Kinh Nghĩa Túc," nơi Lời tựa sách Đạo Bụt nguyên chất, đã ghi nhận rằng nhóm 16 kinh này dạy khi Đức Phật chưa tới 40 tuổi, trích:

 “Đạo Bụt Nguyên Chất là một cuốn sách gồm có 16 bài kinh rất nguyên chất, rất cổ xưa về văn và về nghĩa, được Bụt nói vào những năm đầu khi Ngài mới thành đạo. Những kinh này được dịch từ kinh Nghĩa Túc phẩm thứ tư của kinh tập (Sutta- Nipàta)...

Theo các công phu nghiên cứu cận đại thì kinh Nghĩa Túc là một kinh thuộc loại xưa nhất trong các kinh, đứng về phương diện văn cú cũng như đứng về phương diện giáo lý và hành trì. Đây là những giáo nghĩa Bụt dạy trong những năm đầu của sự nghiệp hoằng pháp của Ngài, khi Tăng đoàn còn thuần túy là những vị du sĩ không có chỗ ở nhất định…

Kinh Nghĩa Túc được nói trong thời gian Bụt còn dưới 40 tuổi...

Kinh Nghĩa Túc được truyền thừa bởi cả hai dòng Bắc Tông và Nam Tông, và trong thời gian truyền thừa, trước là khẩu tụng sau là nghi chép, thế nào cũng có sự rơi rụng và sai sót. So sánh hai bản Pali và Hán, ta thấy mỗi truyền thống đều có rơi rụng và sai sót. Một số những rơi rụng của truyền thống này lại không bị rơi rụng trong truyền thống kia, đó là một sự may mắn, và nhờ đó ta có cơ hội tái tạo được một văn bản gần với văn bản nguyên thủy nhất. Đó là niềm vui mà sự so sánh nghiên cứu hai văn bản có thể đem lại cho ta.” (ngưng trích)

Toàn văn sách Đạo Bụt Nguyên Chất đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh phổ biến trên nhiều mạng.

Sách “Kinh Nhật Tụng Sơ Thời” nơi đây sẽ dịch thuần theo Tạng Pali, không dám phân tích về những “rơi rụng và sai sót” có thể có giữa các bản Pali và Hán Tạng mà Thầy Nhất Hạnh đã ghi nhận.

Một điểm đặc biệt về Thiền sử được Thầy Nhất Hạnh nhận ra khi nghiên cứu nhóm Kinh Nghĩa Túc là, Phật giáo Việt Nam đã góp phần truyền bá Chánh Pháp sang Trung Hoa cổ thời. Sách Đạo Bụt Nguyên Chất có đoạn viết:

Chùa Kiến Sơ là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được thiết lập tại nước Ngô, do một vị thiền sư người Việt tên là Tăng Hội. Thầy Tăng Hội sinh ở Giao Châu, cha là thương gia gốc nước Khương Cư miền bắc Ấn Độ, mẹ là người Việt. Đi xuất gia từ hồi 11 tuổi. Thành tài, thầy Tăng Hội đã tổ chức dịch kinh và hoằng pháp ở Luy Lâu (Giao Châu) trước khi qua nước Ngô để truyền bá chánh pháp. Thầy qua tới kinh đô Kiến Nghiệp năm 247. Chùa Kiến Sơ được thiết lập với sự yểm trợ của vua Ngô Tôn Quyền. Khi thầy Tăng Hội qua tới thì chưa có vị xuất gia nào ở nước Ngô cả, và thầy là vị xuất gia đầu tiên xuất hiện ở nước Ngô.”

Xem mục lục