Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Sn 5.14: POSALA-MANAVA-PUCCHA

CÁC CÂU HỎI CỦA POSALA

Bài Kệ 1113 có câu nói rằng: Thấy cả trong và ngoài đều là “không có gì hết”…

Hình như  câu vừa dẫn có vẻ Bát Nhã Tâm Kinh, khi nói sáu nội xứ (mắt tai mũi lưỡi thân ý) và sáu ngoại xứ (sắc thanh hương vị xúc pháp) đều là rỗng rang, đều là thực tướng vô tướng?

Đức Phật trong bài Kệ 1115 nói rằng thấy như thế, tuệ quán được như thế, tức là giải thoát, không cần làm gì thêm.

Nơi đây, có thể dẫn ra Kinh SN 12.67 (Nalakalapiyo Sutta), khi Đức Phật dạy rằng các pháp hệt như những sợi cỏ tranh nương vào nhau, cột vào nhau, duyên vào nhau, và chỉ cần rút ra một sợi tranh là toàn bộ bó tranh đó tan rã (khi thức tịch diệt, thì tâm/thân hay danh/sắc đều đoạn tận; bản dịch Bodhi: with the cessation of consciousness comes cessation of name-and-form). Đó là Pháp Duyên Khởi.

Tuy nhiên, chữ “nothingness” được ngài Thanissaro ghi chú rằng “không có gì hết” (nothingess) là tầng định thứ 7, gọi là định “vô sở hữu”… Có đúng hay không, cũng là chỗ để tranh luận.

Nên dẫn ra Kinh MN 52 (Kinh Bát Thành -- Aṭṭhakanagara Sutta) trong đó nói rằng "định vô sở hữu"  vẫn còn là pháp hữu vi, chưa phải giải thoát, vì định vô sở hữu sẽ tan rã, cần bước thêm để phá lậu hoặc.

Bản dịch ngài Minh Châu, trích MN 52: “Vô sở hữu xứ định này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt.”

Bản dịch ngài Bodhi: “This attainment of the base of nothingness is conditioned and volitionally produced. But whatever is conditioned and volitionally produced is impermanent, subject to cessation.”

Do vậy, chữ “nothingness” nơi đây không chỉ vào pháp định vô sở hữu xứ, mà chỉ vào Tánh Duyên Khởi – tức là cái nhìn thấu suốt “ngũ uẩn giai không” và chúng ta có thể đoán rằng Kinh Sn 5.14 này cũng là một cội nguồn của Bát Nhã Tâm Kinh, khi Đức Phật dạy nhìn vào cái rỗng rang vô tướng ở cả nội và ngoại xứ.

Chúng ta cũng sẽ thấy như thế, khi đối chiếu với kinh kế tiếp, là Kinh Sn 5.15.

Tóm lược ý kinh: Khi thức không còn nơi trú, là giải thoát

Kinh này gồm các bài kệ từ 1112 tới 1115.

1112. [Posala] Đối trước người đã chỉ ra quá khứ, người đã bất động, người đã cắt đứt mọi ngờ vực, người toàn hảo trong mọi pháp, con tới với một câu xin hỏi:

1113. Đối với người đã đoạn tận tưởng về sắc, người đã buông bỏ thân toàn bộ, người thấy cả trong và ngoài đều là “rỗng rang, không có gì” – người như thế có sẽ bị dẫn dắt đi đâu?

1114. [Đức Phật]

Hỡi Posala. Như Lai biết tận tường tất cả các nơi trú của thức, biết nơi thức trụ vào, nơi thức sẽ được giải thoát, hay sẽ bước qua bờ giải thoát.

1115. Biết rõ cội nguồn của cái không có gì hết (origin of nothingness), do vậy hỷ chính là lậu hoặc trói buộc, biết trực tiếp tận tường như thế, nhìn bằng tuệ quán vào nơi đó. Đây là tri kiến thực của bậc Phạm chí, người đã thành tựu việc phải làm.

Hết Các Câu Hỏi của Posala

Xem mục lục