Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

DUYÊN KHỞI CỦA
KINH LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Đề tựa : Núi Nam Nhạc, Quan Trương Kim Giản tên là Tăng Phụng Nghi, Thuấn Trưng Phụ.

Xưa, Ngài Thiên Thai Trí Giả theo học Đạo thiền sư Huệ Tư ở núi Nam Nhạc, đắc Pháp Hoa Tam Muội, thấy được pháp hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan. Từ đó xem Kinh, Luật hoát nhiên thông suốt. Đến khi Ngài giải thích ý nghĩa sáu Căn trong sạch trong kinh Pháp Hoa thì trầm ngâm rất lâu. Có một vị tăng người Ấn nói với Ngài : “Chỉ có kinh Thủ Lăng Nghiêm là nói rõ ràng công đức của sáu Căn, đủ để y chứng”. Từ đó, Ngài Trí Giả khao khát ngưỡng mộ. Suốt mười sáu năm, mỗi sáng tối hướng về phương Tây lễ bái. Ở phía trái chùa Thiên Thai ở núi Nam Nhạc vẫn còn Đài Kinh. Sau Ngài hơn một trăm năm, kinh Lăng Nghiêm mới vào Trung Quốc. Kinh do Tể Tướng Phòng Dung ghi chép, văn tự tao nhã, bởi thế các bậc học sĩ đại phu đều tụng kinh này. Tôi từng ba lần đến Bái Kinh Đài, lần nào cũng bồi hồi chẳng muốn về, thầm than : “Người xưa ngưỡng mộ kinh này hơn mười mấy năm mà chẳng được thấy. Nay Lăng Nghiêm bày đầy thì người ta lại chẳng hề xem ! Tại sao thế ?”. Nhơn đó, tôi bèn phát tâm viết bộ Lăng Nghiêm lên đá, thuê thợ chạm rồi xếp thành một tòa thạch thất, khiến người đến viếng Bái Kinh Đài sẽ đọc được mà đều nói : Kinh đã đến đây rồi ! Như là vì Ngài Trí Giả mà bổ sung cho một sự thiếu sót. Vừa cầm bút định viết, chợt nghĩ : chỗ ta viết đây là chữ, chẳng phải là nghĩa vậy ! Ngài Trí Giả mong bộ Kinh này đến đây là mong người người hiểu nghĩa của Kinh. Như Ngài Huyền Sa Sư Bị, nhân đọc Lăng Nghiêm mà phát minh tâm yếu, đó là thâm nhập vào nghĩa vậy. Cho đến thiền sư Linh Nham An, Trường Thủy Tuyền, Trúc Am Khuê, Hoàng Long Nam, Thiệu Long An Dân... đều do Lăng Nghiêm mà ngộ. Như vậy là các Ngài đã không cô phụ sự truyền sang của bộ kinh này. Nếu theo văn mà giải nghĩa, chú thích câu chữ, đến mấy mươi nhà mà nghĩa kinh càng ngày càng xa, đó là lỗi lầm do chẳng cầu ở tâm mình. Nếu tỏ ngộ tự tâm, thì tuy là kinh này chưa đến, mà chỗ y giáo lập nghĩa của Ngài Trí Giả, mỗi mỗi đều hợp với Lăng Nghiêm. Không ngộ được tự tâm, tuy là có kinh Lăng Nghiêm trước mặt, thì cũng như kinh ở tại Ấn vậy. Tức là kinh điển đầy nhà mà nào có ích ! Việc nhà của các thiền sư là quét sạch văn tự kiến giải cho là chẳng đủ để sùng thượng, thật có lý lắm thay ! Nhưng khi tiếp dẫn hàng sơ cơ, xuất lời thổ khí, lời lẽ ý tứ thật tợ Lăng Nghiêm. Cho đến sự phát minh hướng thượng, chứng nhập Bồ Đề, thì cùng với hai mươi lăm chỗ chứng viên thông, cơ duyên không khác. Tức là chẳng tụng Lăng Nghiêm, mà Lăng Nghiêm đã sẵn đủ hiện giờ. Tức là Lăng Nghiêm chưa đến cõi này, mà cõi này chẳng phải là chưa có Lăng Nghiêm.

Tôi chẳng biết tự lượng sức, góp khắp lời của Tông Môn, phối hợp vào kinh văn. Hoặc để thầm hợp, hoặc để cùng thấy, hoặc suy rộng ý kinh, hoặc bày tỏ chỗ chưa bày tỏ. Tôi cũng không ngờ mình làm nổi. Trong khoảng trời đất làm sao có được thứ nghị luận này. Âu cũng do túc nguyện nhiều đời vậy.

Đây là tôi nhờ các vị Lão Túc để làm rõ nghĩa kinh chứ chẳng phải tự do tôi, và lấy Thiền Tông để soi sáng kinh chớ chẳng phải lấy văn tự kiến giải mà giảng. Bèn đặt tên là Tông Thông[01]. Tông Thông cùng với Thuyết Thông. Phải tự đắc Bản Tâm thì mới cùng với các bậc Lão Túc mặc áo gặp nhau. Chẳng những một hội Lăng Nghiêm nghiễm nhiên chưa tan, mà Ngài Trí Giả đến nay cũng vẫn còn đó.

Bài văn tán ngợi rằng :

Sáu vạn ba ngàn lời mười trang
Giáo, Hạnh, Lý; Không, Giả, Trung quán
Viên thông Hoa tạng Tín Hạnh giải
Chứng rồi Định Huệ xứ Niết Bàn
Phá Vọng hiển Chân, Chân Nhất thật
Phản văn nung Ấm, Ấm tiêu tan
Tội lỗi vô minh mười phương ngục
Tội ấy băng tiêu, tọa Phật tràng.

Nam mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Chư Thánh Hiền Tăng.

(01) Tông Thuyết cu thông, nghiã là đạo lý nói ra đều là tự tại suốt thông. Có câu : Tông Thông là Thuyết Thông vậy. Phép thiền (thiền môn) từ khi được tỏ ngộ thấu đáo, nói rằng Tông Thông; nói pháp tự tại (không còn trở ngại), nói rằng Thuyết Thông. 
 Có câu : Tông Thuyết cu thông làm bậc Đại Tông Sư. 
 Tổ Đình Sự Vân Thất nói : Tổ Thanh Lương nói rằng Tông Thông là tự mình tu hành. Thuyết Thông chỉ bậc chưa tỏ ngộ. 
 Kinh lăng Già : Phật dạy Ông Đại Huệ : Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát có hai giống thông tướng. Gọi là Tông Thông, Thuyết Thông. 
 Đông Chú nói : Tông ấy là gốc của Đạo. Thuyết ấy là dấu tích của pháp giáo. 
 Chứng Đạo Ca nói : Tông cũng thông, Thuyết cũng thông. Định Huệ tròn sáng, chẳng trệ nơi không.
  

Xem mục lục