MỤC NĂM :
CHỈ RA CÁI VỌNG THẤY
I. XIN CHỈ DẠY TÁNH THẤY CHẲNG DO THẤY
Kinh : Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, như Đức Thế Tôn vì chúng tôi mà chỉ dạy về Nhân Duyên, Tự Nhiên, các tướng Hòa Hợp và Chẳng Hòa Hợp, tâm tôi còn chưa khai ngộ. Nay lại nghe Phật dạy : Tánh Thấy chẳng do thấy, thì lại càng thêm mê muội.
“Cúi mong Phật thương xót, bố thí cho con mắt Đại Huệ, chỉ bày cho chúng tôi cái Giác Tâm sáng sạch”.
Nói vậy xong, khóc lóc cúi lạy, vâng nghe lời dạy.
Khi ấy, Thế Tôn thương xót Ông Anan và cả đại chúng, sắp muốn hiển bày pháp Đại Tổng Trì (Đà La Ni), các Tam Ma Đề là Con Đường Vi Diệu của sự tu hành, nên mới bảo Ông Anan rằng : “Ông tuy có trí nhớ mạnh mẽ, nhưng chỉ thêm phần đa văn, chứ nơi pháp Xa Ma Tha quán chiếu vi mật, tâm còn chưa rõ. Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông phân biệt chỉ bày, cũng là khiến cho những kẻ hữu lậu mai sau được quả Bồ Đề”.
Thông rằng : Tịch mà thường Chiếu, cho nên có thể soi rõ Kiến Tinh (cái Thấy) là hư vọng. Chiếu mà thường Tịch cho nên biết : “Tánh Thấy chẳng phải là cái thấy (Kiến phi thị kiến)”. Chỗ này mà hàng ngày chẳng viên dung ba Pháp Quán(43) thì chưa dễ hiểu nổi.
Sư Thạch Môn Uẩn Huy làm vườn ở chỗ Tổ Thanh Lâm.
Một ngày kia đang đứng hầu, Tổ nói : “Hôm nay ông làm gì ?”
Đáp : “Trồng rau”.
Tổ Lâm nói : “Khắp pháp giới, đó là thân Phật, ông hướng chỗ nào trồng”.
Sư đáp : “Cày vàng chẳng động đất, mầm linh tại chỗ sanh”.
Tổ Lâm hân hoan.
Hôm sau, Tổ Thanh Lâm vào vườn, gọi : “Uẩn Xà Lê !”
Sư Uẩn lên tiếng : “Dạ”.
Tổ Lâm rằng : “Trồng thêm cây không ảnh, để lại cho người sau xem”.
Sư Uẩn nói : “Nếu là cây không ảnh, há để chịu trồng ư ?”
Tổ Lâm nói : “Không chịu trồng thì để đó ! Ông từng thấy nhánh lá nó không ?”
Đáp : “Chẳng từng thấy”.
Tổ Lâm : “Đã chẳng từng thấy, sao biết nó chẳng chịu trồng ?”
Đáp : “Chỉ vì nó chẳng từng thấy, cho nên nó chẳng chịu trồng”.
Tổ Lâm rằng : “Đúng vậy, đúng vậy”.
Nếu ngộ được Tánh Thấy lìa mọi Tướng Thấy, thì tất cả Nhân Duyên, Tự Nhiên, Hòa Hợp do cái Thấy lập ra từ đâu mà sanh khởi ?
Thiền sư Trí Cự ban đầu hỏi Tổ Tiên Tào Sơn rằng : “Người xưa nâng giữ cho người bên ngoài mé, kẻ học nhân này làm sao lãnh hội ?”
Tổ Sơn đáp : “Lui bước liền tựu thành mình, muôn ngàn chẳng mất một !”
Thiền sư Trí Cự, ngay dưới lời, liền tiêu tan hết kiến giải, mới từ biệt đi. Sau đó, tham học khắp nơi.
Một hôm, đang xem kinh thì có vị sư hỏi : “Tâm của Thiền Tăng chẳng treo nhẫn đến một chữ cái, đâu thể học nhiều ?”
Ngài đáp : “Văn tự thì khác nhau, muôn pháp thể vốn không. Mê thì câu câu đều là ghẻ lở. Ngộ thì lời lời đều là Bát Nhã. Ví không lấy, bỏ, nào hại Vẹn Tròn kia.
Cho nên nhớ nhiều, đa văn mà được như Ngài Trí Cự thì cái gì mà chẳng có thể?