Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

 

 

XIV. VIÊN THÔNG VỀ TỶ THỨC

 

Kinh : Ông Tôn Đà La Nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Lúc tôi mới xuất gia, theo Phật vào Đạo, tuy đầy đủ Giới Luật, mà trong Tam Ma Địa thì tâm thường tán động, chưa được Vô Lậu. Thế Tôn dạy tôi và Ông Câu Hy La quán đầu mũi trắng. Lúc bắt đầu tu quán ấy trải qua ba lần bảy ngày, thấy hơi thở trong mũi ra vào như khói. Thân tâm bên trong sáng rỡ, rỗng suốt vẹn khắp thế giới, khắp hết thành rỗng không, sáng sạch, như ngọc lưu ly. Tướng khói lần lần hết mất, hơi thở hóa thành trắng. Tâm khai ngộ, các lậu hết sạch thì các hơi thở ra vào hóa thành hào quang, soi khắp mười phương thế giới, đắc A La Hán. Thế Tôn thọ ký cho tôi sẽ đắc Bồ Đề. 
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi dùng sự tiêu mất hơi thở, yên lặng lâu thì phát ra sáng suốt, sáng suốt tròn khắp thì diệt hết các lậu, đó là Thứ Nhất”.

 

Thông rằng : Ông Nan Đà là em ruột của Phật, rất thương vợ nên tâm thường tán động. Phật dùng nhiều phương tiện điều phục cho mà đắc quả. Trước điều khiển hơi thở là y nơi Căn, từ thô vào tế, từ tế vào Không, đó là xoay lại các Căn. Cách quán lỗ mũi trắng này là y nơi Thức. Hơi thở ban đầu như khói, kế hóa thành trắng, sau cùng thành quang minh, đó là phát từ Thức. Hơi thở trong mũi, sao lại thành khói ? Hơi thở do gió và lửa khởi ra, làm động cái phiền não trược, nên hình dạng như khói. Đến khi tịnh quán phát sáng, thân tâm rỗng suốt, phiền não trược dần dần tiêu, nên hơi thở nơi mũi hóa thành trắng. Tâm khai ngộ, hết sạch các Lậu, không còn phiền não, cái sáng suốt bên trong phát chiếu ra, thì thấy thế giới như ngọc lưu ly, thế hơi thở chẳng hóa thành quang minh ư ? Hai thứ này, các Đạo Gia dưỡng sanh cho là bí truyền; còn nếu nơi Căn Viên Thông mà chứng được, thì há chẳng phải là hột giống Phật ư ?

Xưa, Ngài Bách Trượng đang đi cùng Tổ Mã Tổ, thì thấy một bầy vịt trời bay qua.
Tổ nói : “Cái gì thế ?”
Ngài Trượng nói : “Vịt trời”.
Tổ nói : “Đi đâu rồi ?”
Ngài Trượng nói : “Bay qua rồi”.
Tổ bèn nắm mũi Bách Trượng kéo mạnh, Ngài đau quá la lên.
Tổ nói : “Còn nói bay qua nữa thôi ?”
Ngài Bách Trượng liền tỉnh ngộ, về liêu thị giả, tấm tức khóc lớn. 
Vị thị giả khác hỏi : “Ông nhớ cha mẹ ư ?”
Đáp : “Không”.
Hỏi : “Bị người mắng chăng ?”
Đáp : “Không”.
Hỏi : “Thế chuyện gì khóc ?”
Đáp : “Lỗ mũi tôi bị đại sư vặn đau quá mà chẳng thấu triệt”.
Hỏi : “Có nhân duyên gì chẳng khế hợp được ?”
Đáp : “Ông đi hỏi lấy đại sư đi !”
Vị thị giả ấy đi hỏi Mã Tổ : “Thị giả Hoài Hải Bách Trượng có nhân duyên gì không khế hợp, đang kêu khóc ở trong phòng, xin Hòa Thượng nói cho con!”
Đại sư nói : “Đó là hắn hiểu vậy, ông hãy tự mình hỏi lấy hắn ta xem”.
Vị ấy về phòng nói với Bách Trượng : “Hòa Thượng nói ông hiểu rồi, bảo tôi về tự hỏi ông ?” 
Bách Trượng ha hả cười lớn.
Vị thị giả nói : “Vừa mới khóc, sao giờ lại cười ?”
Bách Trượng nói : “Hồi nãy khóc, bây giờ cười !”
Vị thị giả chẳng hiểu sao cả.
Hôm sau, Mã Tổ lên tòa giảng, đại chúng vừa nhóm họp, thì Bách Trượng bước ra cuốn chiếu. Tổ bèn xuống tòa. Bách Trượng đi theo đến phương trượng. Tổ nói : “Hồi nãy ta chưa hề mở lời, tại sao ông lại cuốn chiếu ?”
Bách Trượng nói : “Hôm qua bị Hòa Thượng vặn lỗ mũi đau quá !”
Tổ nói : “Hôm qua ông lưu tâm chỗ nào ?”
Bách Trượng nói : “Lỗ mũi hôm nay lại không đau”.
Tổ nói : “Ông thật biết rõ chuyện hôm qua”.
Ngài Bách Trượng làm lễ rồi lui ra.
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Con vịt trời, biết sao đây ?
Mã Tổ vừa thấy, nói cùng nhau
Nói hết núi mây, trăng biển, tình
Như xưa, chẳng hội, liền bay mất
Muốn bay chăng ? 
Nắm đứng lại
Nói, nói !”

Lại có người nói được, thì phải như Bách Trượng lỗ mũi đau mà chẳng thấu triệt, mới được quang minh chiếu mười phương thế giới, đốn chứng Viên Thông.  

Xem mục lục