III. CHỈ RA MƯỜI TẬP NHÂN VÀ SÁU GIAO BÁO
Kinh : “Anan, những điều như thế đều do nghiệp báo của các chúng sanh tự chiêu cảm lấy : Tạo mười Tập Nhân thì chịu sáu Giao Báo.
“Anan, thế nào là mười Tập Nhân ? Một là thói quen dâm dục giao tiếp, phát sanh nơi sự cọ xát lẫn nhau. Cọ xát không thôi, như vậy cho nên trong ấy có ngọn lửa lớn phát động ra, như người lấy hai tay xoa xát lẫn nhau thì cảm giác nóng hiện ra. Hai cái tập khí thiêu đốt nhau, nên mới có các thứ giường sắt, cột đồng. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem việc Hành Dâm đồng gọi là lửa dục. Bồ Tát xem thấy Dâm Dục như tránh hầm lửa.
“Hai là, thói quen tham lam, so đo tính toán, phát sanh nơi sự thu hút lẫn nhau. Hấp thu ôm ấp chẳng ngừng, như vậy cho nên trong ấy có chứa hơi lạnh thành giá cứng đông đặc, như người hút hơi gió vào thì cảm giác lạnh sanh ra. Hai cái tập khí lấn nhau, nên có những sự tra tra, ba ba, la la, sen sanh, đỏ, trắng, giá lạnh v.v... Bởi thế tất cả mười phương Như Lai xem việc Tham nhiều đồng gọi là nước tham. Bồ Tát xem thấy Tham như tránh biển độc.
“Ba là, thói quen kiêu mạn lấn lướt lẫn nhau phát sanh nơi chỗ ỷ thế với nhau, giong ruổi không thôi, như vậy cho nên có sự phóng túng, bôn ba, chứa sóng thành nước, như người miệng lưỡi tự chép làm cho nước bọt sanh ra. Hai cái tập khí chọi nhau nên có các việc sông máu, sông tro, cát nóng, biển độc, nước đồng bắt uống... Thế nên, tất cả mười phương Như Lai xem lòng Ngã Mạn, đồng gọi là uống nước si mê. Bồ Tát xem thấy Kiêu Mạn như tránh vực thẳm lớn.
“Bốn là, thói quen nóng giận xung đột lẫn nhau, phát sanh nơi sự chống đối lẫn nhau. Chống đối hoài không thôi, tâm nổi nóng phát ra lửa, nấu cái khí thành kim loại, như vậy cho nên có núi dao, đòn sắt, cội cây gươm, bánh xe gươm, búa rìu, thương, cưa, như người bị hàm oan thì sát khí nổi lên. Hai tập khí đánh nhau, nên có các sự thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, đập, đánh. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự Nóng Giận đồng gọi là kiếm, dao bén. Bồ Tát xem thấy Nóng Giận như tránh chém, giết.
“Năm là, thói quen giả dối, dụ gạt lẫn nhau, phát sanh nơi sự lôi kéo lẫn nhau. Dẫn dụ chẳng ngừng, như vậy cho nên có dây, cây thòng lọng, căng nọc, như nước thấm xuống ruộng thì cỏ cây sanh trưởng. Hai tập khí kéo nhau nên có các sự gông, cùm, xiềng xích, roi, gậy, qua, bổng. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự Giả Dối đồng gọi là Sàm Tặc. Bồ Tát xem thấy Gian Dối như sợ sói, beo.
“Sáu là, thói quen lừa gạt, phỉnh dối lẫn nhau, phát sanh nơi sự phỉnh gạt lẫn nhau. Phỉnh gạt chẳng thôi, phát tâm gây điều gian dối, như vậy cho nên có bụi, đất, đại tiện, tiểu tiện, dơ nhớp chẳng sạch; như bụi theo gió không thấy lẫn nhau. Hai cái tập khí dìm nhau nên có các sự chìm đắm, nhảy, ném, bay, rơi, trôi lăn. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự Lừa Gạt đồng gọi là cướp giết. Bồ Tát xem thấy việc Lường Gạt như dẫm rắn độc.
“Bảy là, thói quen thù oán, hiềm khích lẫn nhau, phát sanh nơi chỗ ôm ấp lòng giận. Như vậy cho nên có quăng đá, ném gạch, cũi nhốt, xe tù, bình đựng, đảy bọc, như người hiểm độc ôm ấp điều dữ. Hai cái tập khí nuốt nhau, nên có các việc ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, vất, ôm. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự Thù Oán đồng gọi là quỉ Vi Hại. Bồ Tát xem thấy Thù Oán như uống rượu độc.
“Tám là, thói quen tà kiến, tranh cãi với nhau. Như thân kiến, giới cấm thủ và các nghiệp hiểu biết sai lầm, phát sanh nơi chỗ chống trái lẫn nhau. Như vậy cho nên có quan lại chứng thực, nắm giữ giấy tờ, nhiều như người đi đường qua lại gặp nhau. Hai cái tập khí giao nhau nên có các sự khám hỏi, mưu chước, vặn hỏi, đòi hỏi, gạn xét, cứu tra cho rõ ràng và những đồng tử thiện ác tay cầm sổ sách, biện bạch, hạch sách. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem Ác Kiến đồng gọi là hố kiến chấp. Bồ Tát xem thấy các Thiên Chấp hư vọng như nhìn xuống hố độc.
“Chín là, thói quen vu vạ làm hại cho nhau, phát sanh nơi chỗ phao vu, bài báng. Như vậy cho nên có núi khép, đá khép, cối nghiền, cối xay, như kẻ sàm tặc, áp bức vu oan người lương thiện. Hai cái tập khí bài xích lẫn nhau, nên có các việc áp giải, đè đập, ép máu, tuốt mình. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự Vu Vạ đồng gọi là cọp sàm báng. Bồ Tát xem thấy sự Vu Vạ như bị sấm sét.
“Mười là, thói quen thưa kiện, cãi vã lẫn nhau, phát sanh ở chỗ che đậy. Như vậy cho nên có gương soi, đuốc chiếu, như giữa ban ngày chẳng thể giấu bóng. Hai cái tập khí phơi bày lẫn nhau, nên có các việc bạn ác, kiếng soi nghiệp, hỏa châu phơi bày nghiệp xưa mà đối nghiệm. Thế nên tất cả mươi phương Như Lai xem sự Che Đậy đồng gọi là giặc ngầm. Bồ Tát xem thấy sự Che Đậy như đội núi cao lội trong biển lớn.
Thông rằng : Đức Thế Tôn nói về mười Tập Nhân, mỗi mỗi phối hợp với sự việc trong địa ngục, không sai mảy tơ. Tập quán thì hẳn có nguyên nhân. Cái nhân đó chỉ có thể sanh ra các tướng nước, lửa, nhưng chưa có cái Dụng, lại thêm vào các thói quen giao tiếp đối đãi nhau mà thành sắt nóng, giá lạnh... các thứ. Nhưng mười phương Như Lai ở ngay trong chỗ nhân sanh khởi mà thấy suốt sự tốt, xấu nên chẳng có sự gì để tu. Bồ Tát thì biết rõ đó là cái họa hại nên thận trọng thanh khiết mà không phạm nên xa lánh chúng. Dù có địa ngục mà trước đã không có nhân, nên chỉ có Phật cùng Bồ Tát mới có thể nói là không có địa ngục vậy. Còn chưa đến Tâm, Hạnh như thế làm sao mà cho rằng tất cả là Không.
Đức Di Lặc nói : “Trong Dục Giới có ba mươi sáu chốn. Đó là tám đại địa ngục. Sao là tám ? Một là Đẳng Hoạt, hai là Hắc Thằng, ba là Chúng Hợp, bốn là Hiệu Khiếu, năm là Đại Hiệu Khiếu, sáu là Thiêu Nhiệt, bảy là Cực Nhiệt, tám là Vô Gián. Các chốn địa ngục này rộng mười ngàn do tuần.
“Ngoài những chỗ này lại có tám chốn địa ngục lạnh. Sao là tám ? Một là Pháo, hai là Pháo Liệt, ba là Hác Phàm, bốn là Hác Hác Phàm, năm là Hổ Hổ Phàm, sáu là Thanh Liên, bảy là Hồng Liên, tám là Đại Hồng Liên. Từ chỗ này xuống ba mươi hai ngàn do tuần thì đến Đẳng Hoạt. Từ chỗ này lại cách bốn ngàn do tuần thì có địa ngục khác như chốn đại địa ngục Đẳng Hoạt. Chốn địa ngục lạnh ở trước cũng vậy. Từ chỗ này lại cách hai ngàn do tuần có các địa ngục khác nữa”.
Ngài lại dạy : “Ở trong đại địa ngục Đẳng Hoạt chịu nhiều cực hình khổ sở. Các hữu tình kia phần nhiều hướng về chỗ tạo nghiệp tăng thượng, sanh ra đủ thứ khổ, lần lượt khởi lên mà tàn hại lẫn nhau, chết giấc nằm lăn lóc trên đất. Khi ấy trên không có tiếng nói lớn, xướng lên rằng “Các hữu tình kia được sống trở lại hết thảy”. Liền đó, các hữu tình lại bỗng đứng dậy”.
Xem đây thì rõ là địa ngục không phải là không có chỗ nhất định.
Kinh Tịnh Độ Tam Muội nói : “Xưa Quốc Vương Tỷ Sa và Thủy Vương Duy Đà đánh nhau. Vua Duy Đà thua, phát thệ nguyện làm vua dưới đất. Khi ấy, bề tôi vua có mười tám người dẫn một trăm vạn người nguyện trên đầu mọc sừng theo vua giúp trị theo pháp để xử trị người có tội. Nay gọi là vua Diêm La, Ngưu Đầu, A Bàng đó vậy”.
Xem đây thì rõ ràng địa ngục cùng thân thể chẳng phải từ mười phương đến, mà chỉ do ác nghiệp trói buộc sanh ra thân địa ngục vậy.
Mười Tập Nhân : Dâm, Tham, Mạn, Sân, Trá, Cuống, Oán, Ác Kiến, Vu Vạ và Kiện Tụng tương tự như năm mươi mốt Tâm Sở : Phẫn, Hận, Não, Phú, Cuống, Siểm, Kiêu, Hại... Nhưng vì sao tóm lại thành mười ? Ở đây, chỉ kể các nghiệp bất thiện. Cho nên Tham, Sân, Mạn và Tà Kiến thuộc về Ý Nghiệp, mà Mạn được gọi là uống nước Si, thì trong đã có Si vậy. Oán, Sân và Dâm thuộc về Thân Nghiệp mà tập khí Oán, Sân, Sát... thì Sát, Đạo đã ở trong đó vậy.
Cuống, Trá, Vu Vạ, Kiện Tụng thì ý nghĩa cũng tương tự. Vì sao phân ra bốn ? Vì đó là bốn cái thuộc về Khẩu Nghiệp. Cho nên Cuống là Vọng Ngữ, Trá là Ỷ Ngữ, Vu Vạ là Lời Ác, và Kiện Tụng là Lưỡng Thiệt. Dâm là chỗ tự đến của thân kiến, lại là gốc ban đầu tạo nghiệp nên đầu hết nêu ra Dâm. Dâm do cọ xát mà sanh lửa. Tham do thu vào mà sanh nước. Tương tự như người dương thịnh thì nằm mộng thấy lửa, người âm thịnh thì nằm mơ thấy nước. Giường sắt, cột đồng là cái thói quen chồng chất của Vọng Tưởng ôm giữ, nằm nghỉ lâu dài vậy.
Ba ba, tra tra, la la là âm thanh rên chịu lạnh. Đó là tên khác của hổ hổ, hác hác. Sen xanh, đỏ, trắng là màu của băng lạnh vậy. Nước Si ở Thiên Trúc có, hễ uống vào thì si mê, cùng loại với nước suối tham, uống vào thì á khẩu, to bụng. Sự kiêu dật cũng có mùi vị ấy nên người cùng siểm nịnh thì như ngâm trong nước bẩn mà chẳng tự biết.
Thói quen dâm dục do nóng bức mà phát hỏa, tự hao tinh khí.
Thói quen nóng giận do nghịch khí phát hỏa, làm mạnh thêm khí nóng. Hỏa khắc Kim nên nung đốt cái Khí khiến cho Khí tuy cứng mà phải tự thương tổn.
Thói quen dối trá nương nơi gian dối mà khởi ác, ban đầu là cười vui, kế đến là lan man. Cái trí xảo như nước nên giả dối lấy trí mẹo làm đầu, như beo sói tuy rất nhỏ mà có thể ăn cọp.
Thói quen lừa gạt thì giả vờ có đức hạnh khiến người khác mê mờ, ví như gió nổi bụi khiến người không thấy. Bởi thế sự cướp hại, lừa người không thấy cũng như rắn độc bất ngờ cắn người vậy.
Giận dữ lộ ra ngoài nên sát khí nổi lên, thuộc về Sát. Oán ghét chứa bên trong nên ôm giữ độc ác như lấy bao trùm người mà đánh, đó là việc ám muội, tức thuộc về trộm. Quỉ Vi Hại, rượu chim Cưu đều là âm độc.
Thói quen tà kiến có năm : Một là Thân Kiến, là chấp thân có thực nên toan tính đủ điều. Hai là Biên Kiến, đó là với tất cả các pháp chấp là Đoạn, là Thường. Ba là Tà Kiến, là hiểu sai ngộ lầm, bác bỏ không có Nhân Quả. Bốn là Kiến Thủ, đó là chẳng phải thật Quả mà cho là Quả, ví như lấy cõi trời Vô Tưởng mà cho là Niết Bàn. Năm là Giới Cấm Thủ, đó là chẳng phải Nhân mà cho là Nhân, ví như giữ giới chó, bò... mà cho là Nhân để sanh cõi Trời. Năm Tà Kiến này gọi chung là ác kiến, tương phản lẫn nhau, như người đi đường, kẻ đi người lại, chỗ thấy biết trái khác nhau, nên cần phải khám hỏi. Ép uổng người lương thiện, chẳng vặn vẹo mà làm ra vặn vẹo, nên bị ép cái xác, khô kiệt máu huyết, hoặc cân đo máu và xác cho đúng lượng, như loài súc vật vậy.
Thói quen kiện tụng thì do đây kia, sanh ra chuyện kiện thưa, đâm ra nhọc nhằn, giống như đội núi mà đi dưới biển, Bồ Tát há chịu làm ư ?
Năm Kiến Chấp và Tham, Sân, Si, Mạn đoạn rồi thì chứng quả Thứ Ba là Đoạn Trừ Hoặc của chín phẩm của địa dưới. Còn các Hoặc(56) này chẳng có đoạn thì tạo nghiệp không ngớt, có nhân thế nào thì quả phải thế ấy.
Xưa, có Ông Lý Lưu Hậu, tự Đoan Nguyện hỏi thiền sư Đạt Quan rằng : “Người chết rồi đi về đâu ?”
Tổ Quan nói : “Chưa biết sống sao biết chết ?”
Ông Lý nói : “Sống thì Đoan Nguyện này biết rồi”.
Tổ Quan nói : “Sống từ đâu đến ?”
Ông Lý trầm ngâm.
Tổ vỗ vào ngực, nói : “Chỉ tại trong ấy, suy nghĩ cái gì ?”
Ông Lý : “Dạ, hiểu. Chỉ biết đường ham, ngờ đâu lạc nẻo !”
Tổ khoát gạt ra, bảo : “Trăm năm một giấc chiêm bao”.
Ông Lý lại hỏi : “Địa ngục rốt cùng là có hay không ?”
Tổ đáp : “Chư Phật hướng về trong Không mà nói Có : mắt thấy Không-hoa. Ông lại ở trong Có tìm Không : tay mò trăng dưới nước. Nực cười thay trước mắt thấy nhà tù mà không tránh, ngoài tâm thấy thiên đường mà muốn sanh về ! Đâu biết thích sợ tại tâm thì thiện ác thành tựu. Ông chỉ rõ biết Tự Tâm, tự nhiên không nghi hoặc !”
Ông Lý hỏi : “Tâm làm sao rõ ?”
Tổ đáp : “Thiện ác thảy chẳng suy lường !”
Ông lại hỏi : “Chẳng suy lường rồi, tâm về chốn nào ?”
Tổ nói : “Mời Thái Úy về sở làm”.
Tổ Động Sơn hỏi nhà sư : “Ở đời cái gì là khổ nhất ?”
Nhà sư đáp : “Địa ngục khổ nhất”.
Tổ Sơn nói : “Không phải đâu ! Ngoảnh về dưới sợi chỉ dệt áo này mà chẳng rõ chuyện đại sự, ấy mới khổ”.
Ngài Đơn Hà tụng rằng :
“Vạc sôi lò lửa bao nhiêu chuyện
Địa ngục, tam đồ khổ hết than !
Phải tin Tổ Động, lời thân thiết
Dưới lớp cà sa chớ mơ màng !”.
Rõ đại sự thì không có nhân địa ngục, nên địa ngục chưa phải là khổ. Còn chẳng rõ Tự Tâm thì khổ hết chỗ than !
Kinh : “Thế nào là sáu Giao Báo ?
“Anan, hết thảy chúng sanh sáu Thức tạo nghiệp nên chiêu lấy ác báo từ sáu căn ra.
“Thế nào là Ác Báo từ sáu Căn ra ?
“Một là, Ác Báo về Thấy chiêu dẫn ác quả. Nghiệp Giao Báo về thấy này là khi lâm chung, trước hết thấy lửa hừng đầy cả mười phương, thần thức người chết bay đọa theo khói vào ngục Vô Gián, phát sanh hai tướng : Một là, thấy sáng thì thấy khắp các thứ vật dữ, sanh sợ hãi ghê gớm. Hai là, thấy tối thì lặng soi chẳng thấy gì sanh hoảng sợ vô cùng. Lửa-thấy như vậy đốt cái nghe thì có thể làm thành vạc sôi, đồng chảy; đốt hơi thở thì có thể làm thành lửa đỏ, khói đen; đốt cái nếm thì có thể làm thành hòn lửa, cơm sắt; đốt cảm xúc thì có thể làm tro nóng, lò than; đốt tâm thức thì có thể sanh sao lửa rưới khắp, làm rung động cõi hư không.
“Hai là, Ác Báo về Nghe chiêu dẫn ác quả. Nghiệp Giao Báo về Nghe này là khi lâm chung, trước hết thấy sóng cuộn ngập chìm trời đất, thần thức người chết sa xuống theo dòng nước vào ngục Vô Gián, phát sanh hai tướng : Một là, nghe rõ thì nghe đủ thứ ồn ào, tinh thần bấn loạn. Hai là, điếc hẳn, lặng ngất không nghe thấy gì, thần phách chìm đắm. Sóng nghe như vậy rót vào cái nghe thì có thể làm thành trách móc, cật vấn; rót vào cái Thấy thì có thể làm thành sấm, thành tiếng rống, làm hơi độc dữ; rót vào hơi thở thì có thể làm thành mưa thành mù, rưới các sâu độc đầy khắp thân thể; rót vào cái nếm thì có thể làm thành mủ, máu, các thứ dơ bẩn; rót vào cảm xúc thì có thể làm súc vật, làm quỉ, làm phân, làm nước tiểu; rót vào tâm ý có thể làm thành chớp, mưa đá, đập nát tâm phách.
“Ba là, Ác Báo về Ngửi chiêu dẫn ác quả. Nghiệp Giao báo về ngửi này là khi lâm chung, trước hết thấy hơi độc đầy dẫy xa gần, thần thức người chết từ đất trỗi lên vào ngục Vô Gián, phát sanh hai tướng : Một là, ngửi thông thì bị các hơi độc xông tột bực làm cho tâm rối loạn. Hai là, nghẹt mũi, hơi ngạt không thông, nằm chết giấc trên đất. Hơi ngửi như vậy xông vào hơi thở thì có thể làm thông, làm ngạt; xông vào cái thấy thì có thể làm thành lửa, thành đuốc; xông vào cái nghe thì có thể làm chìm ngập, làm chết đuối, làm nước lớn, làm nước sôi; xông vào cái nếm thì có thể làm sình, làm thối; xông vào cái cảm xúc thì có thể làm xấu, làm nát, làm ra núi thịt lớn có trăm ngàn con mắt, hút ăn không cùng; xông vào ý nghĩ thì có thể làm ra tro, ra khí độc, làm gạch đá bay lên đánh nát cơ thể.
“Bốn là, Ác Báo về Nếm chiêu dẫn ác quả. Nghiệp Giao Báo về nếm này là khi lâm chung, trước hết thấy lưới sắt nung đỏ che khắp thế giới, thần thức người chết từ dưới tung lên, mắc lưới treo ngược đầu xuống vào ngục Vô Gián, phát sanh hai tướng : Một là, nuốt vào thì kết thành giá lạnh làm nứt nẻ thân thể. Hai là, mửa ra thì bay lên thành lửa hừng, tiêu rụi xương tủy. Nếm biết như vậy, qua cái nếm thì có thể làm ra nhận ra chịu; qua cái Thấy thì có thể làm ra các thứ kim thạch đốt cháy; qua cái Nghe thì có thể làm binh khí sắc bén; qua hơi thở thì có thể làm lồng sắt rộng che hết cõi nước; qua cảm xúc thì có thể làm thành cung, thành tên, làm nỏ, làm bắn; qua ý nghĩ thì có thể làm sắt nóng bay, từ trên không rưới xuống.
“Năm là, Ác Báo về Xúc chiêu dẫn ác quả. Nghiệp Giao Báo về Xúc này là khi lâm chung, trước hết thấy núi lớn bốn mặt áp lại không còn lối ra, thần thức người chết thấy thành sắt lớn, rắn lửa, chó lửa, cọp sói, sư tử, lính ngục đầu trâu, la sát đầu ngựa tay cầm giáo chĩa lùa vào cửa thành hướng về ngục Vô Gián, phát sanh hai tướng : Một là, hợp xúc thì núi ép kẹp mình, xương thịt nát ra máu. Hai là, lìa xúc thì đao kiếm chạm đụng mình, tim gan cắt xẻ. Xúc hợp như vậy qua cái xúc thì có thể làm ra đường, ra quán, làm nha sảnh, làm tòa án; qua cái thấy thì có thể làm đốt, làm nung; qua cái nghe thì có thể làm thành đập, đánh, đâm, bắn; qua hơi thở thì có thể làm thành trùm, đẩy, tra, trói; qua cái nếm thì có thể làm cày, làm kềm, chém, chặt; qua ý nghĩ thì có thể làm rớt, làm bay, làm nấu, làm nướng.
“Sáu là, ác báo về Ý chiêu dẫn ác quả. Nghiệp Giao Báo về Ý này là khi lâm chung, trước hết thấy gió dữ thổi nát cõi nước, thần thức người chết bị thổi lên trên không, xoay rơi theo gió, sa vào ngục Vô Gián, phát sanh hai tướng : Một là, không biết, tột mê thì hoang mang, rông chạy không ngừng. Hai là, chẳng mê, hay biết thì khổ, bị nung đốt không cùng, đau buốt không chịu nổi. Ý lầm lạc như vậy kết vào ý nghĩ thì có thể làm thành nơi, làm chốn; kết vào cái thấy thì có thể làm gương soi, làm chứng cớ; kết vào cái nghe thì có thể làm ra núi lớn xáp vào nhau, làm ra giá, ra sương, ra đất, ra mù; kết vào hơi thở thì có thể làm ra xe lửa lớn, làm thuyền lửa, làm rọ lửa; kết vào cái nếm thì có thể làm kêu la to, làm ăn năn, làm khóc lóc; kết vào cái xúc thì có thể làm ra lớn, làm ra nhỏ, làm cho trong một ngày vạn lần sống, vạn lần chết, làm té sấp, té ngửa.
“Anan, đó là mười Tập Nhân và sáu Quả Báo của địa ngục. Nhân quả ấy đều do cái mê vọng của chúng sanh tạo ra. Nếu các chúng sanh tạo hết các nghiệp dữ thì vào địa ngục A Tỳ, chịu vô lượng khổ, trải qua vô lượng kiếp. Các căn trong sáu căn tạo riêng và nghiệp tạo ra gồm cả căn lẫn cảnh thì người ấy vào tám địa ngục Vô Gián. Ba thứ thân, khẩu, ý làm ra Sát, Đạo, Dâm thì người đó vào Thập Bát Địa Ngục. Không đủ cả ba nghiệp, trong đó chỉ có một cái hoặc Sát hay Đạo thì người ấy vào trong Tam Thập Lục Địa Ngục. Chỉ có một Căn riêng phạm một nghiệp, người ấy vào Nhất Bách Bát Địa Ngục.
“Đó là do chúng sanh riêng làm, riêng tạo, nên ở trong thế giới vào chỗ đồng phận, duyên từ Vọng Tưởng phát sanh, chẳng phải vốn là tự có.
Thông rằng : Chỗ hiện báo chuốc lấy của mười Tập Nhân là từ kiến phần sanh ra. Có Nhân ấy thì có Báo ấy, mỗi tùy theo loại. Sáu cái Giao Báo ấy là do sáu thức căn trần gồm thành tướng phần. Hiện báo lúc lâm chung và quả báo sanh vào địa ngục tuy chẳng lìa các căn nhưng khi tạo ác nghiệp của mười Tập Nhân thì sáu căn đều sử dụng, nên một căn chịu ác báo thì sáu căn cũng giao nhau cái ác báo đó vậy. Ví như một cái nghiệp tham mùi vị : Lưỡi nếm sanh mạng khiến các cái kia cũng chịu lây. Cho nên khi Lưỡi chịu quả báo vì món ăn này mà dùng lửa nấu nướng, nên cái thấy là sắt đá nóng; vì món ăn này, quay nướng thơm tho nên hơi thở là lồng sắt lớn. Vì món ăn này bắn giết thú, chim nên xúc là tên cung nỏ. Vì món ăn này, mong tưởng khát khao nên ý nghĩ là sắt nóng bay. Đó là sáu Giao Báo của Thiệt Căn, các căn khác có thể từ đó suy ra vậy.
Bộ Hiệp Luận dẫn kinh Dịch để chứng minh : Ly là mắt, Khảm là tai, Cấn là mũi, Đoài là miệng, Khôn là thân, suy nghĩ lại là Ly - Hỏa của địa vị tâm. Đốt cái nghe thì Ly Hỏa biến nơi Khảm Thủy nên làm ra vạc sôi, đồng chảy. Đốt hơi thở thì Ly Hỏa biến nơi Cấn Thổ nên làm ra khói đen, lửa đỏ. Đốt cái nếm thì Ly Hỏa biến nơi Đoài Kim nên làm ra hòn lửa, cơm sắt. Đốt cái xúc thì Ly Hỏa biến nơi Khôn Thổ nên làm ra tro nóng, lò than. Đốt tâm thức thì Ly Hỏa biến nơi Ly Hỏa của địa vị Tâm nên làm ra lửa sao rưới khắp. Đối với sự đốt cái thấy thì nghĩa đồng nhau, nên không lập lại, chứ không phải sót. Mỗi mỗi suy ra khá phù hợp, có vẻ mới lạ.
Sáu Căn cùng tạo tác đủ cả mười nghiệp thì quả là đọa vào địa ngục A Tỳ Vô Gián. Nghiệp đã không gián đoạn thì khổ cũng vô gián. Nếu một căn mà gồm đủ ba, bốn căn; trong mười nghiệp mà thiếu hai, ba nghiệp; và ba thứ Thân, Khẩu, Ý chẳng hết cả sáu căn, tạo nghiệp Sát, Đạo, Dâm không đủ cả mười Tập Nhân, hoặc đủ hai khuyết một, hoặc phạm một thiếu hai thì nghiệp nhẹ hơn nên khổ ít hơn. Nghiệp tuy mỗi người tạo riêng nhưng khổ thì cùng chịu, nặng nhẹ chẳng bằng nhau, mỗi mỗi đều có chỗ sẵn, hết thảy do sáu căn làm môi giới vậy.
Ở đoạn trước, mười phương vi trần Như Lai khác miệng đồng lời, nói với Ông Anan rằng : “Lành thay ! Anan, ông muốn biết về cái câu sanh Vô Minh. Cái khiến ông luân chuyển, kết căn của sanh tử chỉ là sáu căn của ông chứ chẳng phải gì khác. Ông lại muốn biết Vô Thượng Bồ Đề, khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát tịch tỉnh diệu thường, cũng là sáu Căn của ông chứ chẳng phải gì khác !” Ôi, một Căn tạo nghiệp thì sáu Căn chịu ác báo là như vậy. Một Căn thanh tịnh thì các Căn được thanh tịnh cũng là như vậy. Cơ mê ngộ chỉ trong khoảng sấp ngửa bàn tay ! Bởi thế, thấy biết mà xoay lại thì lửa chẳng thể đốt. Thấy, Nghe xoay về thì nước chẳng thể chìm. Chỉ khiến một Căn về nguồn, sáu Căn liền giải thoát. Đã không có nghiệp nhân thì cái gì là nghiệp quả ? Vọng Tưởng chẳng sanh, khắp khắp là chân tịnh. Lại còn có địa ngục nào ư ?
Tổ Dược Sơn chỉ dạy đại chúng rằng : “Tổ Sư chỉ dạy các ông bảo hộ. Tham, Sân nổi lên, một mực đề phòng, ngăn cấm. Chẳng có dạy thôi cảm xúc. Ấy là tự ông muốn như cây khô, tảng đá ! Lại cần gánh vác, thật không có lá cành chi khá được. Tuy nhiên như thế, lại nên tự xem, chẳng được tuyệt bỏ lời lẽ nói năng. Ta nay vì các ông nói ra cái lời lẽ ấy, hiển bày cái không lời. Cái ấy xưa nay vốn không có các thứ tai, mắt !”
Khi ấy, có nhà sư hỏi : “Sao có sáu đường chúng sanh ?”
Tổ Sơn nói : “Ta nơi yếu luân đây, tuy ở trong đó, vốn là chẳng nhiễm !”
Hỏi : “Chẳng rõ phiền não trong thân thì như thế nào ?”
Tổ Sơn nói : “Phiền não là cái tướng trạng gì ? Ta lại muốn ông xét xem coi, lại có một thứ gì chăng? Chỉ xem trên lưng giấy ba thứ ngữ ngôn ghi chép thì đa phần bị Kinh, Luận làm cho lầm lạc. Tôi chẳng từng xem sách vở, Kinh, Luận gì ráo ! Ông chỉ vì mê nơi Sự mà bỏ chạy. Tự mình chẳng định nên bèn có sanh tử tâm ! Chưa từng học được một lời hay nửa câu, một Kinh một Luận nào thì nói cái gì Bồ Đề với Niết Bàn, thế với xuất thế ? Còn cứ Bồ Đề, Niết Bàn, thế với xuất thế, đó là sanh tử. Như chẳng bị sự được, mất ràng buộc tức là không có việc sanh tử. Ông có thấy luật sư nói các đề mục trong Giới Luật thế ấy chính là cội gốc sanh tử. Tuy nhiên như thế, nghiên cứu rốt ráo sanh tử bèn chẳng thể đắc.
“Trên đến Chư Phật, dưới đến sâu kiến, trọn cả đều có Cái Ấy, dù cho dài ngắn tốt xấu chẳng đồng. Cái Ấy chẳng từ ngoài đến thì chỗ nào có người rỗi rảnh đào địa ngục chờ ông ? Ông muốn biết nẻo địa ngục thì nay đây chỉ cái kẻ nấu vạc nước sôi là đó. Muốn biết nẻo ngạ quỉ thì nay đây chỉ cái kẻ nhiều dối, ít thật, khiến người không tin là đó. Muốn biết nẻo súc sanh thì hiện đây kẻ không biết nhân nghĩa, không rõ thân sơ là đó. Há đợi gì mang lông đội sừng, chặt cắt, treo ngược ư ? Muốn biết trời, người thì chỉ nay đây người oai nghi trong sạch, ôm bát trì bình là đó. Thiết thân bảo nhậm thì khỏi đọa các nẻo. Thứ nhất là chẳng được vất bỏ Cái Ấy. Cái Ấy chẳng phải là dễ được. Cần hướng về đỉnh núi chót vót mà đứng, đáy biển mịt mù mà đi ! Chỗ ấy không dễ dàng đi đứng mới có chút phần tương ứng.
“Như nay bày ló ra đều là người lắm chuyện, thì làm sao mà tìm cái người si độn kia cho được !
Đừng chỉ ghi nhớ lời lẽ trong sách mà làm cái thấy biết của mình, thấy người không hiểu thì sanh ra khinh mạn. Cái đám đó đều là ngoại đạo, xiển đề có ăn nhằm gì cái Tâm Ấy đâu ! Cần miên mật mà xét cho thấu suốt ! Có nói như vậy cũng vẫn còn là chuyện bờ mé của tam giới !
“Ở dưới lớp áo thầy tu chớ có bỏ luống qua. Đến trong ấy lại càng tế vi nhặt nhiệm ! Chớ có rỗi nhàn, cần nên trân trọng !”
Lại như Tổ Mục Châu cùng vị giảng sư đang uống trà.
Tổ Mục Châu nói : “Tôi cứu ông chẳng được đâu !”
Nhà sư đáp : “Dạ, tôi hiểu, xin thầy chỉ bày”.
Tổ Châu chỉ cái bánh chiên, hỏi : “Đó là cái gì vậy ?”
Nhà sư đáp : “Sắc pháp !”
Tổ Châu nói : “Cái gã chun vào vạc dầu sôi này ! Chẳng kể tại gia hay xuất gia, chỉ là tự gây nghiệp, gồm căn, gồm cảnh mà chẳng được giải thoát !”
Kỳ dị thay lời lẽ của hai Ngài Dược Sơn, Mục Châu !
Kinh : “Lại nữa, Anan, nếu các chúng sanh đó chẳng phá Luật Nghi, phạm Bồ Tát Giới, hủy báng Niết Bàn của Phật mà chỉ phạm những tạp nghiệp khác thì sau nhiều kiếp bị thiêu đốt, đền hết tội rồi thì chịu những hình quỉ.
“Nếu nơi bản nhân do tham vật mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp vật thành hình gọi là Quái Quỉ. Do tham sắc mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp gió thành hình gọi là Bạt Quỉ. Do tham dối trá mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp súc vật thành hình gọi là Mỵ Quỉ. Do tham hận mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp sân thành hình, gọi là Cổ Độc Quỉ. Do tham ghi nhớ mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp sự suy tàn thành hình, gọi là Lệ Quỉ. Do tham ngạo mạn mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp khí thành hình, gọi là Ngạ Quỉ. Do tham lừa gạt mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp u uẩn thành hình gọi là Áp Quỉ. Do tham vạch bày mà làm nên tội thì khi đền tội xong, gặp tinh hoa thành hình, gọi là Vọng Lượng Quỉ. Do tham thành tựu mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp bóng sáng thành hình, gọi là Dịch Sử Quỉ. Do tham bè đảng mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp con người thành hình, gọi là Truyền Tống Quỉ.
“Anan, những người ấy đều do thuần Tình mà đọa lạc, khi lửa nghiệp đốt khô rồi thì lên làm Quỉ. Các thứ ấy đều do cái nghiệp tự vọng tưởng chiêu dẫn tới; nếu ngộ được Bồ Đề thì trong tánh Diệu Viên Minh, vốn nào đâu có.
Thông rằng : Thuần Tình, Nghiệp nặng ắt là đọa lạc. Lửa nghiệp thiêu khô, thần thức chẳng mê muội nên lại đới nghiệp mà lạc vào nẻo Quỉ. Ái nhiễm thì sanh Tình, Tình bắt đầu ở Tham nên mười Tập Nhân đều lấy tham mà nói vậy.
Tham vật thì làm Quái Quỉ, vì lấy chẳng đúng lý. Đời Tấn, có Thạch Ngôn, Vật Bằng là đó vậy.
Tham sắc thì là Bạt Quỉ, gió dâm càn quét làm tiêu tan mây, mưa. Đất Trung Châu gặp hạn hán thì cầu khắp Bạt Quỉ ở mồ mả, đầu lớn hơn cái đấu.
Tham dối trá thì làm Mỵ Quỉ, thói quen gian trá chưa quên nên biến hiện dáng dấp đẹp đẽ để lừa người.
Tham hận thì làm Cổ Độc Quỉ, kết oán hờn nơi ý nên chịu làm loài rắn độc để phun nọc độc. Ở Vân Nam, Quý Chân có nhiều, chỉ có điều là theo ý người.
Tham ghi nhớ thì làm Lệ Quỉ, giận hờn chẳng bỏ, khắc sâu vào cốt tủy, luôn luôn chờ người suy vi mà báo thù.
Tham ngạo mạn thì làm Ngạ Quỉ, trong không có Đức, bụng rỗng mà lòng cống cao, ấy là trước tự khinh dối lấy mình vậy.
Tham lừa gạt thì làm Áp Quỉ, thói quen dối trá lừa người, giống như dối gạt người ngủ say.
Tham vạch tội chỉ trích thì làm Vọng Lượng Quỉ, mỗi chấp lấy tà kiến của mình, làm yêu tinh ở núi, đầm, giống như Ngũ Hành hóa thành yêu quái.
Tham thành tựu thì làm Dịch Sử Quỉ, thói quen lao tâm uổng phí, để thành lỗi cho người, cứ mãi miết không thôi.
Tham bè đảng thì làm Truyền Tống Quỉ, thói quen kiện tụng úp mở, đưa lời chuyển lẽ, quả báo ở loài Quỉ mà còn nương nơi người để báo đền họa phước.
Mọi thứ này đều là nghiệp báo tự mình chuốc lấy. Như ngộ được Bồ Đề thì giống như mộng bỗng tỉnh, đâu có lời nói mớ, nên nói là “Vốn không có gì”.
Có nhà sư hỏi thiền sư Linh Ẩn Phật Hải : “Xưa, có một ông Tú Tài làm xong bài luận Không có Quỉ thì có một con Quỉ quát rằng : “Còn ta thì sao ?” Ý ra làm sao ?”
Ngài lấy tay gãi trán, nói : “Đâu giống !”
Nhà sư hỏi : “Còn như Ngũ Tổ lấy tay làm mỏ chim Bột Cưu mà kêu : “Cúc cu cu !” lại là thế nào ?”
Ngài nói : “Tự đốc xuất đấy. Tuy vậy chẳng đặng cứ một bề”.
Xưa, thị giả Hữu Ngộ thấy chỗ củi cháy tàn, có sự tỉnh ngộ, bèn đến phương trượng báo chỗ tỏ ngộ với Lặc Đàm Thâm thiền sư.
Tổ hét đuổi ra.
Hữu Ngộ vì thế thất chí, tự đến nhà cầu của Tổ Diên Thọ Đường, sau đó không ra nữa.
Đại chúng lấy làm lạ.
Thiền sư Trạm Đường Chuẩn nghe được, một mình đến nhà cầu, vừa mới cởi áo thì Hữu Ngộ liền đưa nước sạch đến.
Tổ Chuẩn nói : “Chờ ta cởi áo đã !”
Cởi áo xong, Hữu Ngộ lại đến, chốc lát lại dâng cây chùi đít.
Tổ Chuẩn rửa sạch xong, kêu đem thùng nước đi. Hữu Ngộ vừa cầm lấy, Tổ Chuẩn nắm lấy tay, nói : “Ông là Ngộ thị giả đấy ư ?”
Đáp rằng : “Dạ, phải”.
Tổ Chuẩn nói : “Có phải là khi ở liêu tri khách, ông thấy khươi củi đỏ mà có chỗ ngộ đấy không ? Chuyện tham thiền học Đạo chỉ cốt yếu là biết chỗ an trụ của bổn mệnh nguyên thần. Ông gượng ép làm vậy thì khó thành tựu. Khi ông ở tàng điện, dời giày của vị Thủ Tọa, há chẳng phải là sự ngộ đắc ngay lúc ấy ư ? Mỗi đêm ông ở đây xách nước, đưa cây, há chẳng phải là sự ngộ đắc ngay lúc ấy ư ? Do đâu mà không biết chỗ an trụ ấy ? Lại ở trong cái ấy mà làm phiền rối đại chúng !”
Tổ Chuẩn xô mạnh, tan tác như vách đổ. Từ đó không còn thấy nữa. Chỗ tay Ngài nắm nổi lằn, hơn nửa tháng mới hết.
Đây là chưa vào địa ngục mà làm Quỉ, vốn không có cái nhân địa ngục nên địa ngục chẳng nhận ! Được thứ đại cam lồ đây mà uống thì liền vãng sanh tùy ý nguyện. Như Tổ Trạm Đường Chuẩn thì không chỉ biết tình trạng của Quỉ Thần mà lại còn có thể vì chúng Quỉ mà thuyết pháp cho nữa.
Kinh : “Lại nữa, Anan, nghiệp Quỉ đã hết thì hai thứ Tình và Tưởng đều không, mới ở thế gian cùng người nợ cũ oán đối gặp nhau, thân làm súc sanh, để trả nợ xưa.
“Loài Quái Quỉ thì khi vật tiêu tan, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm chim Cưu. Loài Bạt Quỉ thì khi gió tiêu tan, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài báo điềm kỳ dị. Loài Mỵ Quỉ thì khi súc chết, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chồn, cáo. Loài Cổ Quỉ thì khi sâu bọ diệt, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài có độc. Loài Lệ Quỉ thì khi sự suy dứt, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài giun. Loài Ngạ Quỉ thì khi khí tiêu, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài bị ăn thịt. Loài Áp Quỉ thì khi u uẩn tiêu, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp đồ mặc. Loài Vọng Lượng Quỉ thì khi tinh hoa tiêu, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm chim mùa. Loài Dịch Sử Quỉ thì khi bóng sáng diệt, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài báo điềm lành. Loài Truyền Tống Quỉ thì khi người chết, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài thuần hóa.
“Anan, các loài ấy đều do lửa nghiệp đốt xong, sanh làm súc vật để trả nợ cũ. Hết thảy cũng đều tự hư vọng chiêu dẫn lấy nghiệp mà ra. Nhưng ngộ Bồ Đề thì các vọng duyên ấy vốn không chỗ có !
Thông rằng : Tình, Tưởng đã không, đáng ra không còn chỗ vướng mắc, vượt ngoài sự vật, nhưng chẳng khỏi làm súc vật vì trả nợ cũ vậy. Đây là chỗ nói “Rõ, liền nghiệp chướng bổn lai không; chưa rõ, bèn đền xong nợ cũ”.
Bởi do lửa Nghiệp thiêu khô nên Tình, Tưởng tạm thời chẳng sanh. Giống như người vác nặng đi xa, khí lực kiệt quệ nên muôn mối lo nghĩ đều không, cái ấy chưa thật là Không vậy.
Chim Cưu nương cục đất cho là con, chẳng lìa nơi Quái, đều do tham vật mà ra. Loài báo điềm xấu như chim Thương Dương báo về thủy tai, con Hạt Vũ báo về hạn hán. Bạt Quỉ quạt gió dâm cũng là thứ không lành, nên làm loài báo điềm xấu. Mỵ Quỉ thường nương chồn, cáo nên làm chồn, chồn nhiều xảo trá vì thói quen còn sót vậy. Cổ Quỉ nhóm tụ nhiều trùng độc mà ra, nên làm loài có độc, sự oán độc sâu xa nên nhiều lần biến đổi mà chẳng quên. Lệ Quỉ dựa tai, nương họa, vào trong thân người chuyển làm loài giun sán nương tựa trong thân, là sự sót lại của sân hận vậy. Ngạ Quỉ thì chịu đói, chuyển làm loài bị ăn thịt đó là do thói quen ngạo vật kiêu mạn, nên làm cái cho người nhai. Áp Quỉ nương tựa người, nên sanh làm trâu, ngựa hay tằm kén để người may mặc, rốt cuộc biểu lộ sự lừa dối tai mắt vậy. Vọng Lượng Quỉ là do thói vạch lỗi hòa với khí ở núi, đầm thì sanh làm loài chim mùa, như chim Xả Yến, Hàm Hồng, ứng với thời tiết bốn mùa, mỗi thứ cũng có cái Sở Kiến riêng vậy. Dịch Sử Quỉ cớ sao làm loài báo điềm lành ? Ấy là do ban đầu Điên Đảo thị phi, cái tâm thị phi chẳng phải là không sáng soi, nên khi tình chấp, hư dối hết thì tâm chân thật sanh. Nay làm loài báo điềm lành bởi vì chấm dứt sự nhọc nhằm bị sai sử vậy. Truyền Tống Quỉ vì sao phần nhiều làm loài thuần hóa ? Vì trước nương người nên thường thuận theo người, nay quả báo có trí khôn, có thể nuôi dạy, ấy cũng là cái tâm tranh cạnh mà cam chịu nghe lời vậy.
Các thứ vọng duyên này do Vọng Kiến sanh. Như ngộ Bồ Đề, như mắt không nhặm thì đâu có bóng lòa, nên nói rằng “Vốn không chỗ có”.
Tổ Huyền Sa thượng đường : “Ông đã có cái chỗ xuất thân rỡ ràng hiện giờ kỳ đặc như thế, sao chẳng phát minh lấy ? Vì đâu lại theo phía khác để hướng trong miếng thân ngũ uẩn, trong chốn nẻo Quỉ làm kế sanh nhai ? Ngay đây mà tự lừa dối rồi đó ! Bỗng nhiên Quỉ Vô Thường giết hại đến đây thì với cái mắt mũi lừa dối, thân kiến, mạng kiến làm sao đảm đương cho nổi. Khác nào đang sống mà đòi thoát khỏi mu rùa, khổ thay !
“Này các nhân giả ! Chớ có nắm giữ cái kiến giải ngủ gật đó, ông có biết không ? Ba cõi không yên, giống như nhà lửa, vả chăng ông chưa phải là người đã an lạc, chỉ rặt ròng gây nhóm, tạo bầy, liên can đến đời người khác, bay đi mé này, mé kia, khác nào nai hoang chỉ tìm ăn mặc. Nếu như vậy là tranh giành vương đạo của người khác, biết chăng ?
“Quốc Vương, đại thần chẳng bó buộc ông; cha mẹ để cho ông xuất gia; mười phương thí chủ cúng dường các ông cơm áo; Thổ Địa, Long Thần la mắng, giữ gìn ông. Vậy cần đủ hổ thẹn, biết ơn mới được. Chớ cô phụ lòng tốt của người, cứ mãi xếp hàng trên sàng, bám níu, rục rã mà cho là an lạc. Chưa ở trong đó thì đều là hạng được nuôi cơm cháo để tương tự như trái bầu lông chín héo.
“Thay đổi đi ! Chôn xuống đất đi thôi ! Nghiệp thức mang mang, không gốc gác để nương nhờ. Sa Môn mà do sao đến nỗi thế này ? Chỉ giống như sâu bọ loi nhoi trên đất, tôi gọi là đời ở địa ngục !
“Như nay mà chẳng rõ, mai kia mốt nọ vào trong thai lừa, bụng ngựa, xỏ mũi kéo cày, mang yên đóng hàm, cối đâm chày giã, nước lửa nấu thiêu, không dễ gì chịu nổi, phải biết khủng khiếp. Ấy là tự ông làm lụy, biết chăng ?
“Như rõ được ấy, thì liền đây vĩnh viễn chẳng nói với mấy ông có các chuyện ấy. Còn không rõ cái ấy thì nhân duyên phiền não, ác nghiệp chẳng phải một hai kiếp là hết đâu, mà còn sống thọ như thể kim cương của chính các ông, biết chăng ?”
Tổ Huyền Sa đại từ bi, chẳng tiếc khô miệng, đủ để làm vị lương dược cứu trị đời mạt pháp, đáng để cho người ta chép mà để bên phải chỗ ngồi vậy.
Ngài Mật Sư Bá đang cùng đi với Tổ Động Sơn, thấy con thỏ trắng chạy qua trước mặt.
Ngài Mật nói : “Giỏi thay !”
Tổ Sơn rằng : “Là sao ?”
Ngài Mật : “Giống như thường dân mà được bái tướng(57)”.
Tổ Sơn : “Bậc già cả mà nói lời lẽ ấy !”
Ngài Mật : “Thế ông thì sao ?”
Tổ Sơn : “Lâu đời quý phái, tạm thời bơ vơ”.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :
“Sức bằng sương tuyết
Nhẹ bước núi mây
Hạ Huệ bỏ nước
Tương Như qua cầu
Túc(59), Tào(60), mưu lược nên nhà Hán
Sào(61), Hứa(62) thân tâm muốn tránh Nghiêu
Vinh nhục bỏ rồi, thêm tự tín
Chân tình theo dấu lão ngư, tiều”.
Đại để, chỗ thấy của Ngài Mật là cần phải mượn sự tích lũy tu hành. Chỗ thấy của Tổ Động Sơn là riêng bày tỏ chỗ bổn lai tôn quý. Người xưa ngay nơi vật mà minh tâm, thường thường như thế.
Lại như Tổ Tuyết Phong đang cùng đi với Ngài Tam Thánh, thấy một bầy khỉ.
Tổ Phong nói : “Bầy khỉ này, mỗi con đều là bề trái của một mặt gương xưa !”
Ngài Thánh nói : “Bao kiếp vô minh, sao cho đó rõ ràng là gương xưa ?”
Tổ Phong nói : “Tỳ vết sanh ra rồi vậy”.
Ngài Thánh : “Thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà cái thoại đầu cũng không biết”.
Tổ Phong : “Việc trụ trì của lão tăng này phức tạp lắm !”
Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Ngay khi ấy mà thấy Tuyết Phong nói : “Tỳ vết sanh ra rồi” thì hãy đến gần trước mặt mà nói : “Dạ, dạ”. Hãy nói cớ sao như thế ? Tranh thì chẳng đủ, nhường thì có dư !”
Xem đây thì biết cơ dụng của nhà Thiền, há lấy chuyện mạnh yếu mà luận sự hơn thua ư ?
Kinh : “Như lời ông nói, nhóm Bảo Liên Hương, Lưu Ly Vương và Tỳ Kheo Thiện Tinh đều vốn tự mình bày đặt ra nghiệp dữ. Nghiệp ấy chẳng từ trời rơi xuống, cũng chẳng từ đất chui lên, mà cũng chẳng phải do ai trao tặng. Chính là tự hư vọng rước lấy rồi tự lãnh nhận. Trong Tâm Bồ Đề chúng đều là hư huyễn vọng tưởng ngưng kết.
“Lại nữa, Anan, các súc sanh ấy đều trả nợ trước mà nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ thì những chúng sanh ấy trở lại làm người đòi lại chỗ dư. Nếu bên kia có sức lại có cả phúc đức thì ở trong loài người không rời bỏ thân người mà hoàn lại chỗ thừa đó, còn nếu không có phúc đức thì phải làm súc sanh để đền lại chỗ thừa.
“Anan, ông nên biết, nếu dùng tiền của hoặc sức người ta thì đền đủ là xong, còn như trong ấy có giết thân mạng, hoặc ăn thịt, như vậy trải qua nhiều kiếp ăn nhau, giết nhau, giống như bánh xe quay hoài, chỗ cao thấp thay đổi nhau liên hồi không nghỉ. Trừ pháp Xa Ma Tha hoặc gặp Phật ra đời chứ chẳng thể nào thôi nghỉ được.
Thông rằng : Lưu Ly Vương phạm tội giết hại, Đức Thế Tôn bảo rằng sau bảy ngày sẽ chịu lửa đốt mà vào ngục Vô Gián, ông bèn trốn trên nước, lửa từ trong nước bốc lên mà cháy tiêu. Đây là quả báo của lửa Sân.
Tỳ kheo ni Bửu Liên Hương phạm dâm, nơi nữ căn bèn sanh ngọn lửa lớn, sau đó mỗi khúc đốt đều bị thiêu cháy. Đây là quả báo của lửa Dục.
Tỳ kheo Thiện Tinh phạm đại vọng ngữ, tuy có thể nói mười hai bộ kinh, được bốn thiền quả nhưng bác bỏ nhân quả, nói rằng Lưu Ly Vương giết hại giòng Cù Đàm mà chắc không có quả báo. Ấy là quá sức bất nhân nên ngay thân đang sống mà đọa vào địa ngục A Tỳ. Đó là chẳng từ trời rơi xuống, cũng chẳng từ đất chui lên, hay người đem cho, mà do tự hư vọng rước lấy vậy. Trong tâm Bồ Đề, xưa nay vô sự. Chỉ vì vọng tưởng ngưng kết, ngưng kết mà chẳng chuyển hóa, đó là cái nhân chịu nghiệp. Mười phần ngưng kết thì chịu mười phần quả báo, càng giảm thì càng nhẹ đi. Xuống đến làm súc vật để trả đền nợ trước, trả quá số nợ lại đòi chỗ dư. Nếu ăn nhau chưa xong thì rốt cuộc không có kỳ ra khỏi, trừ phi tự có định lực Xa Ma Tha, thoáng thấy mặt mũi Bồ Đề, thì sự ngưng kết đó mới hóa tiêu. Lại được gặp Phật ra đời, phát minh đại sự, ắt nghiệp chứa trữ phải tự tiêu tan. Chẳng như thế thì xoay vần mãi nơi ba cõi không hề ngưng nghỉ.
Kinh Kim Cương nói “Nếu bị người khinh khi thì với các nghiệp đời trước, người đó đáng lẽ đọa vào đường ác mà nay bị người khinh khi nên các tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt”.
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :
“Minh châu nơi tay
Có công thì thưởng !
Hán, Hồ chẳng đến
Trọn không tài nghề !
Tài khéo đã không
Ba Tuần hết lối
Cù Đàm, Cù Đàm !
Biết ta không nhỉ ?”.
Ngài lại nói : “Khám phá rồi vậy”.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :
“Mắc míu công tội
Dính liền nhân quả
Ngoài gương, điên chạy Diễn Nhã Đa
Đầu trượng đánh tan ông bếp rớt(63)
Bếp rớt tan, đến chúc nhau
Lại nói trước đây cô phụ tớ !”.
Bài tụng trước là “Bị người khinh tiện, ít kẻ biết ta”.
Bài tụng sau là “Tội nghiệp tiêu trừ, cốt là Đốn Ngộ”. Công phu tu tập cũng chẳng quí vậy.
Hãy theo bài kệ của Ngài Phó Đại Sĩ mà điểm hóa ra.
Tụng rằng :
“Thân trước có báo chướng
Ngày nay thọ trì kinh
Tạm bị người khinh rẻ
Chuyển nặng thành ra nhẹ
Rõ được Y Tha Khởi
Liền trừ Biến Kế Chấp
Thường y Bát Nhã quán
Chỗ nào chẳng Viên Thành ?”
Có nhà sư hỏi Tổ Vân Cư : “Kinh giáo có nói : Với tội nghiệp đời trước lẽ ra người ấy phải đọa vào đường ác, nay đời này bị người khinh khi nên tội nghiệp đời trước được tiêu diệt. Ý này là sao ?”
Tổ Vân Cư nói : “Động thì phải đọa đường ác, tịnh thì bị người khinh khi”.
Tổ Sùng Thọ Trì nói : “Ngoài tâm có pháp, phải đọa đường ác. Trụ giữ tự kỷ, bị người khinh khi”.
Các vị tôn túc đều khéo chuyển kinh thay ! Ý chỉ cùng đoạn này đồng, nên trích ra cho đủ.
Kinh : “Nay ông nên biết, loài chim Cưu kia, trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngoan cố. Giống Cửu Trưng kia, trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng quái dị. Loài chồn kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngu dại. Những loài có độc kia, trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng nham hiểm. Những loài giun kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng hèn nhát. Những loại bị ăn thịt kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng nhu nhược. Những loài cung cấp đồ mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng lao nhọc. Những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng văn hoa. Những loài đem điềm lành kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông minh. Những loài thuần hóa phải trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông đạt.
“Anan, các chúng sanh đó đều do trả hết nợ cũ, trở lại hình của cõi người đều do từ vô thủy đến nay Điên Đảo mà gây nghiệp, sanh sát lẫn nhau, chẳng gặp Như Lai, chẳng nghe Chánh Pháp, ở trong trần lao cứ vậy mà xoay vần. Chúng ấy gọi là đáng thương xót vậy.
Thông rằng : Chúng sanh không nghe Chánh Pháp thì đều gọi là ăn giết lẫn nhau, số phận hẳn nhiên là thế. Không chỉ nghĩ đến chuyện Tào Tháo gạt người cô quả, xem như thiït dọn trên bàn ; về sau bị Tư Mã Ý trả báo, như cầm giấy nợ xét đòi, tơ hào chẳng sai lọt. Mượn người một con trâu thì trả lại người một con ngựa, trong chỗ u vi há cho kẻ ác chung thân đắc chí mà khỏi đền nợ sao ? Bởi thế, oán đối gặp nhau thì ắt phải trả đền. Trả hết thì trở lại hình người mà thói quen còn sót chưa chuyển hóa nên hạng mê muội, ngu si thì nhiều mà hạng thông minh sáng suốt thì ít, tham hợp tùy hạng loại.
Loài chim Cưu hẳn làm hạng ngoan cố, vì tham vật, nương hòn đất mà ăn nhau, suốt đời ngu ngoan bất nghĩa. Loài báo điềm dữ hẳn làm hạng quái dị, vì thói quen dâm bôn, phóng đảng, tập quán còn sót nên làm hạng yêu dị vậy. Loài cáo, chồn hẳn làm hạng ngu hèn, tráo trở, không có trí, chưa có kiến thức cao siêu. Loài có độc hẳn làm hạng nham hiểm, oán hận có dư, nên truyền độc chẳng cùng. Loài giun sân hận cớ sao làm hạng hèn nhát, vì khí giận tiêu tan mất hết vậy. Loài bị ăn thịt kiêu mạn cớ sao làm hạng nhu nhược, bởi vì đã làm cao thì bị hạ thấp vậy. Loài cung cấp đồ mặc cớ sao làm hạng lao nhọc, bởi vì uổng phí tâm thần nhọc mệt không ngớt vậy. Loài chim mùa kiến chấp cớ sao làm hạng văn hoa, vì theo khí hậu mùa màng mà có vẻ đẹp đẽ vậy. Loài báo điềm lành mà hợp vào hạng thông minh, bởi vì cong vạy hết thì trở lại ngay thẳng, nên tánh linh chẳng u ám. Loài thuần hóa mà hợp vào hạng thông đạt vì kiện tụng phân biệt họa phước nên thông đạt không vướng mắc.
Nói rằng tham hợp là tham hợp với cội nguồn, theo nẻo người mà sanh vậy. Các loài ấy theo nẻo người sanh ra : Tình, Tưởng tuy ngang nhau mà chẳng phải không có thông minh và ngu muội. Nay từ trong ba nẻo Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh mà ra, thì hợp với cái Tình u mê có đến tám phần mười, tham dự với cái Tưởng là hai phần mười.
Vị tăng Thiên Trúc là Ngài Kỳ Vực, đời Tấn Huệ Vương vào đất Lạc Dương, các vị Tỳ Kheo làm lễ, Ngài ngồi ngay thẳng mà nhận, rồi chỉ nhà sư tên Pháp Uyên, nói rằng : “Xứ này cả vạn vị tăng, nhưng vị Bồ Tát này từ loài dê đến”.
Ngài lại chỉ nhà sư người Thiên Trúc tên Pháp Hưng mà nói : “Vị Bồ Tát này từ cõi Trời đến”.
Ngài nhìn ra xa, thấy lâu đài, nói rằng : “Cũng giống như trời Đao Lợi, nhưng chốn kia do đạo lực mà đến, còn cõi này là do sức tịnh nghiệp của chúng sanh thành tựu”.
Ngài bảo với vị Sa Môn tên là Kỳ Xà Mật : “Người làm cung điện này từ cõi trời Đao Lợi xuống, thành việc rồi thì về trời. Dưới mái ngói, trên rường nhà, hẳn có đồ nghề !”.
Tìm ở đó quả thật có một ngàn năm trăm món đồ.
Ngài Kỳ Vực biết người thợ cả là từ cõi trời đến thì bảo Pháp Hưng là từ trời xuống, Pháp Uyên từ loài dê đến ắt hẳn không lầm.
Nhà sư Đàm Dực, hông có lông chim Trĩ, nên tên là Dực(64), nhân nghe kinh Pháp Hoa mà được độ thoát.
Lại có cô họ Vương tên Trĩ nghe kinh Pháp Hoa gần nửa bộ mà được độ thoát. Đều là từ loài chim Trĩ mà đến. Trĩ là loài văn minh, sanh trong nhơn đạo, bèn có thể chứng quả.