Phật bảo A Nan : Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, đủ thứ điên đảo, giống nghiệp tự nhóm lại như chùm ác xoa. Những người tu hành không thành Bồ đề (Giác ngộ) vô thượng mà chỉ thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến thuộc của ma, đều do chẳng biết hai thứ căn bản, tu tập sai lầm. Giống như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua số kiếp nhiều như bụi, rốt chẳng thể được.
Thế nào là hai thứ căn bản ?
A Nan, một là căn bản sanh tử từ vô thủy, chính là cái tâm bám níu theo duyên hiện giờ mà ông và các chúng sanh đang dùng cho là tự tánh.
Hai là cái thể Bồ đề Niết bàn vốn thanh tịnh từ vô thủy, tức là cái thức tinh vốn sáng hiện giờ của ông, hay sanh các duyên nhưng ông lại duyên theo các sanh khởi ấy mà bỏ quên nó. Do các chúng sanh bỏ quên cái vốn tự sáng này, nên tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng tự biết, uổng lạc vào sáu nẻo.
…………………………..
Cả hai cái, căn bản sanh tử và Bồ đề Niết bàn đều là cái hiện giờ của mình từ vô thủy, vẫn là cái đang dùng từ xưa nay, thế mà nhận lầm dùng lầm thì cát vẫn là cát, không thể thành cơm, còn cơm vẫn là cơm, không thể thành cát.
Gọi là căn bản vì chưa từng thiếu hụt, đầy dẫy khắp nơi, mở mắt liền thấy. Cái thức tinh, tinh túy của thức, hay là tánh giác ấy thì vốn sáng, như tấm gương sáng bao đời nay vẫn ở trước mặt mỗi người. Trong tánh giác như tấm gương sáng ấy hay sanh, nói đúng hơn, hay hiện các duyên, các tướng, các bóng. Biết thì sống trong tấm gương và biết các tướng, các bóng chẳng phải có chẳng phải không, nghĩa là như huyễn, chẳng ăn nhập gì gương. Còn không biết (vô minh) bèn chạy theo các duyên khởi hiện như huyễn ấy thì thành các tướng của sanh tử, bỏ quên cái vốn tự sáng là tấm gương của chính mình.
Gương thì luôn luôn sáng (minh), hay hiện các bóng. Nhưng gương vốn là vô sanh (Không) và thường sáng (Minh). Đây là điều người ta có thể chứng nghiệm trong bất cứ lúc nào của cuộc sống hằng ngày.
Cho nên, Bồ đề Niết bàn là cái có sẵn trước mắt, vốn thanh tịnh từ vô thủy. Còn sanh tử được chạy theo ấy chỉ là cái giả lập, cái duyên hiện như huyễn sau này. Nếu không giả lập các bóng cho là có tự tánh, thì chính đây là gương, có bao giờ ra khỏi nó đâu.
Thấy trực tiếp được tấm gương vốn thanh tịnh từ vô thủy, đây gọi là ngộ, là thấy tánh, là Kiến đạo vị chung cho cả Nguyên thủy và Đại thừa, là đạt đến một phần Pháp thân. Rồi y vào tấm gương chân tâm ấy mà thực hành, gọi là Tu tập vị, cho đến viên mãn. Y vào tấm gương Pháp thân thường trụ mới thực là tu, mới gọi là nấu cơm để thành cơm. Còn y vào các bóng sanh diệt trong gương thì vẫn chưa có nền tảng để thoát khỏi sanh tử, đây gọi là nấu cát mà muốn thành cơm.