Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

 43. Chẳng phải là Tiểu thừa

Kinh văn trong phẩm này phần nhiều trích từ bản Ðường dịch, những câu như ‘chẳng phải là Tiểu thừa’‘đệ tử bậc nhất’ lấy từ bản Tống dịch.

Phẩm này là phẩm đầu trong phần Lưu Thông, chỉ khuyên trì danh. Ðây chính là hội Quyền quy Thật, thâu ngọn trở về gốc.

Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao viết: ‘Phần trên tuy đã nói đến muôn hạnh vãng sanh, nhưng xét ra bổn nguyện của Phật cốt ý là muốn chúng sanh một bề chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà’.

Sách Ðại Kinh Thích của ngài Hắc Cốc có viết (rút gọn) như sau: ‘Ðến phần Lưu Thông, trước hết là phế bỏ hai môn thuộc các hạnh trợ niệm, chỉ nói đến Niệm Phật Vãng Sanh’.

Sách còn viết: ‘Chuẩn theo bổn nguyện nên trong phần Lưu Thông, trước hết là phế các hạnh, chỉ quy về niệm Phật’.

Ðủ thấy rằng bổn nguyện của đức Di Ðà thật sự là mong mỏi chúng sanh một bề chuyên niệm danh hiệu A Di Ðà, nên nay trong phần Lưu Thông bèn riêng bày Phật nguyện, độc xướng Trì Danh để phổ khuyến lưu thông. Bởi lẽ đó, phần Lưu Thông này được gọi là hậu thiện.

Chánh kinh: Phật bảo Từ Thị:

- Ông xem các Bồ Tát Ma Ha Tát ấy khéo đạt lợi ích. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân được nghe danh hiệu A Di Ðà Phật mà có thể sanh tâm vui thích trong một niệm, quy y chiêm lễ, tu hành đúng như lời dạy thì nên biết là người ấy được đại thiện lợi, sẽ đạt được công đức như trên đã nói, tâm chẳng hèn kém, cũng chẳng ngạo nghễ, thành tựu căn lành thảy đều tăng thượng. Nên biết là người ấy chẳng phải là Tiểu thừa. Ở trong pháp ta, [người ấy] đáng gọi là đệ tử bậc nhất.

 

Giải: Câu ‘ông xem các Bồ Tát Ma Ha Tát ấy khéo đạt lợi ích’ chỉ vô biên vô lượng các đại Bồ Tát từ mười phương vãng sanh đã nói trong những phẩm trước. Bọn họ được nghe danh hiệu Phật rồi vãng sanh nên được đại lợi ích. Như trong đoạn Ðại Luận đã trích dẫn ở phần trên có nói: Bồ Tát vãng sanh Cực Lạc thấy Phật A Di Ðà, liền được thân tất cánh và pháp bình đẳng với các đại Bồ Tát thuộc Bát Ðịa hay từ Bát Ðịa trở lên, nên mới bảo là ‘khéo đạt lợi ích’.

Ở đây, kinh nêu rõ mười phương thánh chúng vãng sanh được lợi ích để khiến chúng sanh tin ưa, phát nguyện.

Tiếp đó, kinh khen ngợi pháp Niệm Phật là bậc nhất để khuyến tín: nghe danh hiệu Phật ‘mà có thể sanh tâm vui thích trong một niệm’, quy y lễ kính, ‘tu hành đúng như lời dạy’ liền được đại lợi, sẽ đạt được hết thảy công đức do việc vãng sanh đem lại như trong kinh đã nói.

Ý ‘một niệm’ được bản Hán dịch ghi như sau: ‘Nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật, từ tâm hoan hỷ, hoan hỷ hớn hở trong một lúc, tâm ý thanh tịnh’ (bản Ngô dịch ghi giống vậy); còn bản Tống dịch ghi là: ‘Ðược nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật, phát nhất niệm tín tâm’. Bản Ngụy dịch thì ghi: ‘Ðược nghe danh hiệu đức Phật ấy, hoan hỷ, hớn hở dẫu chỉ một niệm’.

Theo ý tác giả Tuyển Trạch Tập, chữ ‘nhất niệm’ ở đây nghĩa là ‘nhất niệm thanh tịnh’, mà cũng chính là như trong phẩm Ba Bậc Vãng Sanh đã nói: ‘Phát nhất niệm tâm, niệm đức Phật ấy’.

Gia Tường Sớ cũng ghi: ‘Trong nhất niệm liền đầy đủ công đức vô thượng là ý nói: lợi ích sâu xa. Nhất niệm tin tưởng hết mực, tu hành phát nguyện thì ắt sanh Tịnh Ðộ, cuối cùng rồi sẽ được Phật quả nên bảo là vô thượng’.

Sách Tuyển Trạch Tập cũng bảo: ‘Vì niệm Phật là vô thượng’, ‘dẫu chỉ nhất niệm đã là đại lợi’.

Bởi thế, kinh dạy: nếu ai có thể dẫu chỉ trong một niệm, phát khởi lòng hoan hỷ, tin kính, trì danh cầu sanh thì ‘nên biết rằng người ấy sẽ được đại lợi, sẽ được các công đức như trên đã nói’.

‘Những công đức như trên đã nói’ chính là công đức vượt ngang khỏi tam giới, chứng trọn vẹn bốn cõi Tịnh Ðộ, nhất sanh bổ xứ thành Phật, cứu cánh tịch quang.

Tâm không hèn kém’ là tin tưởng nổi thiện căn của chính mình. ‘Cũng chẳng ngạo nghễ’ là tin vào Phật trí, ba thứ: tâm, Phật và chúng sanh không sai biệt. ‘Thành tựu căn lành’ là như trong bản khắc trên đá của kinh Tiểu Bổn đời Lục Triều đã chép: ‘Vì xưng danh chính là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên’.

‘Thảy đều tăng thượng’ là tịnh niệm tiếp nối, tinh tấn không thôi nên các thiện căn thảy đều tăng thêm. Sách A Di Ðà Yếu Giải lại bảo: ‘Ðồng Cư Tịnh Ðộ là do thiện nghiệp tăng thượng cảm thành’. Bởi niệm niệm chính là Phật nên nó trở thành nhân duyên gần để thành Phật. Tịnh niệm tiếp nối là đẳng vô gián duyên (duyên không gián đoạn). Lấy Phật hiệu làm sở duyên cảnh, đó là sở duyên duyên (8). Nói hai chữ “tăng thượng” đã gồm cả ba duyên trên, có lực dụng lớn.

Chữ ‘người ấy’ trong câu ‘nên biết người ấy chẳng phải là Tiểu thừa’ chỉ người nhất tâm niệm Phật như trên vừa nói. Ðời hay chê bai người niệm Phật chỉ cốt để giải thoát mỗi mình mình, thậm chí khinh rẻ pháp môn Niệm Phật thì thật là chẳng hiểu được ý Phật. Thế Tôn kim khẩu thân tuyên: ‘Những người như thế chẳng phải là Tiểu thừa’. Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải cùng bình đẳng ban cho cỗ xe trâu trắng lớn, chỉ là Nhất Thừa, chẳng còn hai hay ba thừa; bởi thế mới nói ‘chẳng phải là Tiểu thừa’.

Phật lại tán dương những người niệm Phật như thế ‘ở trong pháp ta đáng gọi là đệ tử bậc nhất’. Vì cớ sao? Vì pháp môn Niệm Phật thật là bậc nhất, thật khó tin nhất. Ðối với ‘pháp hết thảy thế gian khó tin được nổi này’ mà sanh nổi lòng tin chơn thật, phụng hành đúng như lời dạy thì đáng xưng tụng là bậc nhất vậy.

 Chánh kinh: Vì thế, ta bảo các ông: trời, người, thế gian, a tu la v.v… phải nên yêu thích tu tập, sanh tâm hy hữu. Ðối với kinh này tưởng như đạo sư. [Ai] muốn khiến cho vô lượng chúng sanh mau chóng an trụ đắc bất thối chuyển và muốn thấy cõi Phật ấy quảng đại trang nghiêm, nhiếp thọ thù thắng, viên mãn công đức thì nên phát khởi tinh tấn, nghe pháp môn này.

 Giải: Ðoạn này, Phật lại khuyên nên tôn trọng, y chỉ, yêu thích tu tập pháp môn đã được giảng dạy trong kinh này.

Ngài Tịnh Ảnh nói: ‘Từ chữ “vì thế” trở đi là khuyên học kinh này. Do trong kinh này nói về đức Vô Lượng Thọ, [ai] nghe sẽ được đại lợi. Vì thế, dù đại hỏa tràn ngập cả tam thiên đại thiên thế giới, cũng phải vượt qua đó để nghe nhận kinh này, huống hồ là các nạn nhỏ khác’.

Ðó là vì kinh này là kinh bậc nhất của Tịnh tông, giảng về nhân địa, nguyện hạnh của Phật Di Ðà, y báo, chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc, chánh nhân vãng sanh của ba bậc, nhân quả uế tịnh của hai cõi, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại v.v… không điều gì chẳng bao gồm. Bởi thế, ‘phải nên đối với kinh này tưởng như đạo sư’, kính vâng theo kinh giáo, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm.

Ðức Thế Tôn lại dạy: Phàm muốn làm cho vô lượng chúng sanh mau chứng bất thối, và muốn thấy ‘cõi Phật thù thắng quảng đại trang nghiêm’, nguyện học theo Phật cũng như để tự nhiếp thọ cõi Phật, dùng các sự quảng đại thù thắng như thế độ khắp các căn, rộng thâu vạn loại hòng viên mãn công đức thì phải nên khởi lòng tinh tấn nghe nhận pháp môn này.

Chánh kinh: Vì để cầu pháp này thì chẳng nên sanh lòng thối chuyển, khuất lấp, siểm ngụy. Dù phải vào trong lửa lớn cũng chẳng nghi hối. Vì cớ sao? Vô lượng ức các vị Bồ Tát đều cầu pháp môn vi diệu này, tôn trọng nghe nhận, chẳng sanh lòng chống trái. Có nhiều vị Bồ Tát muốn nghe kinh này mà chẳng được nghe. Vì thế các ông phải cầu pháp này.

Giải: Ở đây, Phật lại thiết tha khuyên bảo đại chúng vững tin vào pháp môn Tịnh Ðộ này và kinh Vô Lượng Thọ.

Trước hết, Phật dạy: ‘Vì để cầu pháp này thì chẳng nên sanh lòng thối chuyển, khuất lấp, siểm ngụy’. Ấy là vì trong tứ hoằng thệ nguyện, có nguyện ‘pháp môn vô thượng thệ nguyện học’, mà Tịnh tông lại là pháp bậc nhất và Ðại kinh đây cũng lại là kinh bậc nhất của Tịnh tông.

Lúc còn tu nhân, Phật Di Ðà đã từng nói: ‘Ví dầu cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng kiên cố dũng mãnh cầu chánh giác’. Muốn cầu chánh giác thì trước hết phải cầu chánh pháp. Do đó, chẳng nên tự sanh tâm siểm ngụy. ‘Thối’ là thối chuyển, ‘khuất’ là cong vạy, ‘siểm ngụy’ là hư vọng. 

Chữ ‘dẫu’ hàm nghĩa giả sử, ý nói: vì để cầu pháp phải đi vào lửa lớn ‘cũng chẳng nghi hối’, phải nên như Phật Di Ðà trong lúc tu nhân ‘dầu cho thân ở trong các khổ, nguyện tâm như thế mãi chẳng thối’ thì mới là lòng tin sâu chắc, tâm nguyện thiết tha.

‘Vì cớ sao?’ là lời đức Phật hỏi, tiếp đó, Phật dùng cả hai khía cạnh thuận và nghịch để giảng rõ thêm:

a. Một là như trong phẩm Bồ Tát Vãng Sanh đã thuật, vô lượng vô số các vị Bồ Tát trong mười phương thế giới đều cầu pháp môn vi diệu này, tôn trọng lắng nghe, tin nhận, phụng hành, đều sanh Cực Lạc.

b. Hai là trái lại, ‘có nhiều vị Bồ Tát muốn nghe kinh này mà chẳng được nghe’. Phẩm tiếp ngay sau phẩm này còn nói: Có một ức Bồ Tát do chẳng nghe kinh này nên bị thối chuyển vô thượng Bồ Ðề.

Ðây là dùng điều tương phản để khuyến dụ vững tin. Cuối phẩm, để tổng kết toàn phẩm, đức Từ Tôn từ bi phó chúc, phủ dụ: ‘Vì thế các ông phải nên cầu pháp này’.

Xem mục lục