19. Thọ dụng đầy đủ
Phẩm này mang tên ‘Thọ Dụng Ðầy Ðủ’ vì tất cả chúng sanh cõi ấy đều ‘hình dung diện mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại’; những thứ thọ dụng như vậy đều đầy đủ cả. Những phẩm trước chỉ nói chung chung là thân tâm của chánh báo, phước đức thù thắng của y báo đều siêu thắng hy hữu; phẩm này đặc biệt nói rõ về ‘phước đức vô lượng’, y phục, thức ăn, cung điện thảy đều ‘theo ý nghĩ liền xuất hiện trước mặt, không gì là chẳng đầy đủ’.
Chánh kinh: Lại nữa, trong Cực Lạc thế giới, tất cả chúng sanh hoặc là đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh đều được các sắc thân mầu nhiệm như thế, hình mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại. Hết thảy các thứ thọ dụng dư dật, cung điện, phục sức, hương hoa, phan, lọng, vật trang nghiêm… tùy ý cần thứ gì đều được như lòng mong.
Giải: Mấy câu đầu trong đoạn kinh này để tiếp nối ý chúng sanh trong cõi ấy ‘dung mạo vi diệu’ nói trong phẩm trước nên mới chép là tất cả chúng sanh hoặc là đã vãng sanh trong quá khứ, hoặc đang vãng sanh trong hiện tại, hoặc sẽ vãng sanh trong tương lai đều được ‘sắc thân nhiệm mầu như thế, hình mạo đoan nghiêm’ (đoan chánh, trang nghiêm). Chữ ‘như thế’ chỉ thân vượt xa thân của Lục Dục thiên vương đến ngàn vạn ức lần.
Những câu kinh tiếp đó nói rõ về sự thọ dụng đầy đủ. Kinh XưngTán Tịnh Ðộ nói: ‘Do các hữu tình trong thế giới ấy chẳng có hết thảy nỗi khổ nơi thân, nơi tâm chỉ hưởng vô lượng hỷ lạc thanh tịnh’; phẩm Mau Chứng Cực Quả trong kinh này cũng bảo: ‘Chỉ hưởng khoái lạc thanh tịnh tối thượng’. Ðó là ‘phước đức vô lượng’.
‘Trí huệ sáng suốt’ là kết quả của nguyện ‘quang minh, trí huệ, biện tài’. Phật đã nguyện: ‘Thành tựu hết thảy trí huệ’; phẩm Bồ Tát Tu Trì của kinh này cũng nói hết thảy Bồ Tát trong cõi ấy ‘đối với các tạng bí mật của chư Phật đều hiểu rõ rốt ráo’. Những câu như vậy đều diễn tả ý ‘trí huệ sáng suốt’. Hơn nữa, trong chữ ‘minh liễu’ (tạm dịch là sáng suốt), minh là minh bạch rõ ràng, liễu là rạch ròi phân minh. Cái gọi là ‘biết tự tâm đúng như thật’ trong Mật giáo chính là trí huệ sáng suốt. Câu ‘soi thấy năm uẩn đều không’ cũng diễn tả trí huệ sáng suốt.
‘Thần thông tự tại’ chính là ‘thần thông biến hóa hết thảy trời, người chẳng thể sánh nổi, vượt hơn thần thông của họ (trời, người cõi này) đến trăm ngàn vạn ức chẳng thể tính lần’. Trong phẩm Bồ Tát Tu Trì, câu: ‘Dùng trí phương tiện tăng trưởng sự hiểu biết rõ ràng; từ đấy trở đi an trụ trong thần thông’ cũng nói về ‘trí huệ sáng suốt’.
Thấu hiểu được cái gốc của thần thông thì mới có thể biến hóa thần thông tự tại vô ngại. Vì vậy tục ngữ mới nói: ‘Ðã nắm được cái gốc, còn lo chi cái ngọn’. Căn Bổn Trí chính là cái gốc, các thứ thần thông chỉ là tánh chất phụ thuộc của Thánh Trí. Do phước đức vô lượng nên cảm được ‘hết thảy các thứ thọ dụng đều dư dật’. Lại do trí huệ thần thông nên ‘cung điện, phục sức, hương hoa, phan, lọng, vật trang nghiêm tùy ý cần dùng thảy đều thỏa lòng mong’.
Tiếp đó, kinh lần lượt diễn tả từng phương diện ăn uống, y phục, chỗ ở. Trước hết kinh nói về vấn đề ăn uống.
Chánh kinh: Nếu lúc muốn ăn thì bình bát bằng bảy báu tự nhiên hiện ra trước mặt, thức ăn trăm vị tự nhiên đựng đầy ắp trong đó, nhưng chỉ có thức ăn như vậy chứ không thật sự có ăn uống. Chỉ nhìn thấy hình sắc, ngửi mùi hương liền nghĩ là đã ăn, sắc lực tăng trưởng, chẳng có đại tiểu tiện dơ dáy, thân tâm nhu nhuyễn, không tham đắm mùi vị. Ăn xong thức ăn biến đi, đúng thời lại hiện ra.
Giải: Chữ bát trong ‘bình bát’ (bát khí) là gọi tắt chữ Phạn Bát Ða La, Tàu dịch là Ứng Khí, hoặc Ứng Lượng Khí; đó là đồ dụng đựng thức ăn của người xuất gia. Bản Hán dịch ghi: ‘Thức ăn trăm vị mặc lòng chứa đầy ắp trong bát, tùy ý hiện đến, cũng chẳng đi về đâu; cũng chẳng cần phải nấu nướng, chỉ tự nhiên hóa sanh thôi’. Như vậy, các thứ như bình bát, thức ăn… đều là từ bổn nguyện của Phật Di Ðà cảm thành nên chẳng cần phải tạo tác, cứ tự nhiên xuất hiện.
Trong câu ‘thức ăn trăm vị’, chữ ‘trăm vị’ chỉ trăm thứ mùi vị ngon lành. Ðại Luận viết: ‘Có kẻ bảo dùng trăm thứ bánh để cúng dường nên gọi là trăm vị. Có hơn cả năm trăm loại bánh nên vị của chúng phải hơn trăm. Do đó gọi là trăm vị. Có kẻ bảo: Trăm thứ dược thảo, dược quả nghiền làm Hỷ Hoàn cho người ăn uống nên gọi là trăm vị’. Xét ra, thức ăn có được do quả báo của Bồ Tát và thức ăn do Bồ Tát dùng thần thông biến hóa ra đã có đến vô lượng vị; vậy thì thức ăn cam lộ vị cõi Cực Lạc phải có đến chẳng thể nghĩ bàn vị. Nói ‘thức ăn trăm vị’ chỉ là thuận theo thói quen của thế gian này mà thôi!
‘Thật chẳng có ăn uống’: do chúng sanh cõi ấy hóa sanh từ hoa sen, thân thanh hư, thể vô cực nên chẳng hề có cái khổ đói, khát. Vì vậy, chẳng cần ăn uống, chỉ là thích ý mà ăn thôi. Bởi thế, ‘thấy hình sắc, ngửi mùi hương liền nghĩ là đã ăn’, chứ thật sự chẳng ăn uống gì. Những thức ăn ấy lại có công dụng tăng thượng: tăng trưởng hình sắc, sức mạnh. Ăn xong chẳng cần phải tiêu tiểu bẩn thỉu. Rõ ràng là hết thảy mọi thức trong cõi Cực Lạc đều siêu thế hy hữu!
Hơn nữa, ăn vào ‘thân tâm nhu nhuyễn’, cũng chẳng tham đắm mùi vị kỳ diệu của những thức ăn đó. Phẩm Bồ Tát Tu Trì trong kinh này cũng bảo: ‘Với tất cả những điều mình thọ dụng đều không có tâm lấy, bỏ’ và ‘xả ly hết thảy chấp trước’. Vì thế, ‘chẳng tham đắm mùi vị’. Ăn xong, thức ăn lại tự nhiên biến đi, khi muốn ăn hễ nghĩ tới lại hiện ra, hết thảy tự tại vô ngại vậy.
Ðoạn kinh này hiển thị môn ‘trang nghiêm thọ dụng công đức thành tựu’ của Vãng Sanh Luận. Bài kệ trong Luận như sau: ‘Vui hưởng Phật pháp vị, dùng thiền tam muội làm thức ăn’. Sách Luận Chú giảng: ‘Vì thế, Phật hưng khởi đại nguyện, nguyện trong cõi nước ta dùng Phật pháp, Thiền Ðịnh, tam muội làm thức ăn; dứt trọn vẹn cái khổ ăn uống nơi phương khác’.
‘Vui hưởng Phật pháp vị’ là như khi Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh nói kinh Pháp Hoa suốt cả sáu mươi tiểu kiếp, người nghe kinh trong hội ngồi yên một chỗ suốt sáu mươi tiểu kiếp mà tưởng chỉ lâu chừng khoảng bữa ăn. Chẳng có một ai dù là thân hay tâm sanh nhọc mỏi cả.
‘Dùng Thiền Ðịnh làm thức ăn’ là các đại Bồ Tát thường trụ trong tam muội, không còn có các thứ ăn uống. Tam muội là nếu khi các trời, người cõi ấy cần ăn thì thức ăn ngon trăm vị bày la liệt trước mặt; mắt thấy sắc, mũi ngửi hương, thân hưởng vui sướng, tự nhiên no đủ. Ăn xong biến mất đi. Nếu lại cần nữa thì tự nhiên hiện ra. Những việc như vậy có chép trong kinh nên luận mới ghi: ‘Hưởng vui Phật pháp vị; dùng Thiền tam muội làm thức ăn’.
Chánh kinh: Lại có các thứ y báu tốt đẹp, mũ, đai, chuỗi anh lạc vô lượng quang minh, trăm ngàn sắc nhiệm mầu thảy đều đầy đủ, tự nhiên khoác trên thân.
Giải: Ðoạn kinh này thuật rõ người cõi Cực Lạc tự tại thọ dụng y phục, vật trang sức.
‘Ðai’ là dây thắt lưng. ‘Chuỗi anh lạc’: đàn ông, đàn bà thuộc giới quý tộc Ấn Ðộ thường kết ngọc thành chuỗi để đeo trên mình, gọi là ‘anh lạc’. Các thứ y phục, trang sức như thế đều bằng các thứ báu hợp thành nên kinh nói: ‘Các thứ y báu tốt đẹp…’ Vì chúng do các báu hợp thành nên có quang sắc vi diệu như Quán kinh tả: ‘Mỗi một thứ báu tỏa ra năm trăm sắc quang’. Do đó, y phục, vật trang sức có ‘vô lượng quang minh’. Quán kinh lại bảo: ‘Mỗi một quang minh có tám vạn bốn ngàn màu’ nên y phục, vật trang sức có ‘trăm ngàn sắc nhiệm mầu’. Nói ‘trăm ngàn’ cũng chỉ là cách nói ước lệ để diễn tả một con số rất lớn.
Trong mỗi sắc lại phóng quang minh như Quán kinh nói: ‘Trong sắc lưu ly tỏa ánh sáng vàng ròng; trong sắc pha lê tỏa ánh sáng màu hồng…’ Bởi thế, quang sắc trùng trùng vô tận. Các thứ y phục, vật trang sức như vậy tự nhiên hiện trên thân chẳng cần phải nhọc công tạo tác.
Chánh kinh: Nhà cửa họ ở đều tương xứng với hình sắc. Lưới báu trùm khắp, treo các linh báu kỳ diệu trân dị, trang hoàng khắp nơi, quang sắc chói lòa, trang nghiêm đẹp đẽ đến cùng cực. Lầu, quán, lan can, đường vũ phòng gác: rộng, hẹp, vuông, tròn dù lớn hay nhỏ, hoặc ở trên không hay trên mặt đất đều thanh tịnh an ổn, vi diệu, khoái lạc, ứng theo tâm niệm mà hiện ra trước không thứ gì chẳng đầy đủ.
Giải: Ðoạn kinh nói về việc thọ dụng chỗ ở một cách đầy đủ.
‘Xá trạch’ (nhà cửa) là nơi để ở, tục thường gọi là ‘túc xá, trú trạch’. Sách Hội Sớ giảng chữ ‘hình sắc’ trong câu ‘tương xứng với hình sắc’ như sau: ‘Hình là thân lớn hay nhỏ; sắc là xanh, vàng, đỏ, trắng’. Câu này có thể hiểu theo hai cách:
a. Một là hình thể và màu sắc của phòng ốc tương xứng, hòa hợp với nhau.
b. Hai là hình dáng, kết cấu, màu sắc, kích thước v.v… của nhà cửa đều tương xứng với sắc tướng của người sống trong ấy.
Như vậy, hình dạng nhà cửa tương xứng với thân một cách như ý; màu sắc nhìn vui mắt, đẹp lòng người.
‘Lưới báu’ là lưới do các viên bảo châu kết thành. ‘Che khắp’ là phủ kín. ‘Linh báu’ là các phong linh (windchime) do các thứ trân bảo tạo thành, gió thổi qua liền phát ra những âm thanh vi diệu. ‘Kỳ diệu trân dị’ là lạ lùng, đặc sắc, đẹp đẽ, tinh xảo, quý báu, hiếm lạ. Câu kinh này khen ngợi sự thù thắng của các thứ báu hợp thành lưới và linh. ‘Khắp nơi’ nghĩa là khắp tất cả không sót chỗ nào.
Sách Hội Sớ giảng chữ ‘trang hoàng’ như sau: ‘Bày xen lẫn nhau để tô điểm’. ‘Chói ngời’: Như trên đã nói, trong mỗi quang minh có nhiều màu, mỗi màu lại tỏa nhiều quang minh, chiếu rọi lẫn nhau nên bảo là ‘quang sắc chói ngời’.
‘Ðường vũ’: Ðường là tòa nhà lớn, thời xưa gọi là ‘đường’, từ thời Hán trở đi gọi là ‘điện’. ‘Vũ’ là dãy phòng ở hai bên điện, hoặc dãy nhà phụ của điện. ‘Phòng’ là chỗ ở. Chỗ ở trong điện lại gọi là ‘chánh thất’, những chỗ ở thuộc các dãy nhà phụ gọi là ‘phòng’. ‘Gác’ là lầu. ‘Vuông, tròn’ là hình dáng vuông vức hay tròn trịa. Hơn nữa, những gì xây dựng thành một dãy thẳng cũng gọi là ‘vuông’, xây theo đường cong thì coi là ‘tròn’. Ví dụ như xây theo hình cánh quạt thì được coi là có cả hình dáng vuông lẫn tròn.
Mỗi kiến trúc lớn, nhỏ, cao, thấp ‘hoặc ở trên không hay trên mặt đất’ đều vừa ý người ở, hễ nghĩ đến liền hiện ra như bản Ngô dịch chép: ‘Sống trong nhà cửa bằng bảy báu; trong những nhà cửa ấy, có cái ở trên hư không, có cái trên mặt đất. Nếu người sống trong ấy muốn nhà cửa thật cao thì nhà cửa liền cao lên. Kẻ sống trong đó muốn nhà cửa thật to thì nhà cửa liền to ra. Kẻ sống trong ấy muốn nhà treo trên hư không thì nhà cửa liền ở trên hư không. Hết thảy đều tự nhiên biến hiện theo ý muốn’. Như vậy, hình dáng, màu sắc, kích thước của nhà cửa nơi cõi ấy, dù ở trên hư không hay trên mặt đất, mỗi mỗi đều thuận ý người, ứng hiện theo ý nghĩ. Bản Ðường dịch cũng ghi: ‘Tự nhiên xuất hiện trước chúng sanh, ai nấy tự cho là mình ở trong ấy’. Do chúng sanh vô lượng nên có vô lượng cung điện, dung nhập lẫn nhau, dù đây hay kia cũng chẳng hề trở ngại, thật là đã hiển thị rõ pháp giới sự sự vô ngại.
Sách Hội Sớ giảng câu ‘Thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc’ như sau: ‘Không có ngũ trược nên thanh tịnh; không biến đổi nên an ổn, ngay đến từng hạt bụi cũng đã là chẳng thể nghĩ bàn nên vi diệu. Vĩnh viễn xa lìa nỗi khổ não nơi thân tâm nên khoái lạc’.
Lại theo Vãng Sanh Luận, tất cả điều trên đều từ một thanh tịnh cú biến hiện nên bảo là ‘thanh tịnh’. Các vật thọ dụng chẳng thể nghĩ bàn trên đây đều ứng theo tâm niệm lập tức hiển hiện nên bảo là ‘ứng theo tâm niệm mà hiện ra trước’. Các vật thọ dụng viên minh cụ đức không thiếu, không dư nên bảo ‘không thứ gì chẳng đầy đủ’.