Giải thích kinh này dựa theo quy cách của tông Hoa Nghiêm và khuôn mẫu A Di Ðà Sớ Sao, chia tổng quát thành mười môn: Một, giáo khởi nhân duyên; hai: thể tánh kinh này; ba: tông thú của bộ kinh; bốn: phương tiện lực dụng, năm: căn khí được hóa độ; sáu: tạng giáo sở nhiếp; bảy: bộ loại sai biệt; tám: dịch, hội hiệu, thích; chín: tổng thích danh đề; mười: phần giải thích chính ý nghĩa của kinh.
Chín môn đầu luận về cương yếu, tông thú, bộ loại của toàn kinh, có điểm đại đồng tiểu dị với ngũ trùng huyền nghĩa của Tông Thiên Thai. Tuy về mặt rộng, lược, lấy, bỏ có chút sai khác, nhưng nói chung: trước hết, tổng luận để phát huy rõ ràng điểm cương yếu của kinh, khiến cho người đọc trước hết nhận thức tổng thể, sau mới nghiên cứu kinh văn. Cái lưới trương lên thì các mắt lưới mở ra, lãnh hội dễ dàng. Ðiều này cũng giống như trong các sách vở cận đại luôn có phần khái luận đặt ở đầu. Ở đây tôi gọi là khái yếu, là phần thứ hai [của bản chú giải].