Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

 

Bài Thực Tập số 6
TẤM GƯƠNG

 

Thực tập này để chúng ta ý thức những phóng chiếu, phóng tưởng mà chúng ta không ngừng tạo tác ra và làm cho chúng ta hiểu được tiến trình của những phóng chiếu đó. Người ta hiểu “phóng chiếu” là khuynh hướng của tâm thức gán cho thế giới bên ngoài và những kinh nghiệm thứ màu sắc của những ý nghĩ hay những tình cảm của mình. Khi người ta phiền muộn, hình như toàn bộ thế giới liên hệ với chúng ta trở nên bất hạnh hơn, và khi người ta nhìn thấy “cuộc đời toàn màu hồng”, mọi sự có vẻ dễ dàng hơn, mọi người đều mỉm cười với ta, thậm chí những người không có liên hệ quen biết.

 

Rất thường người ta không hoàn toàn ý thức được tiến trình phóng tưởng này, và đó chính là vấn đề. Người ta luôn luôn thấy cọng tóc trong mắt người bên cạnh, mà không biết rằng đó là vì người ta có một cây xà trong mắt mình khiến mình thấy điều đó. Người ta tìm thấy ở những người trong gia đình hay những bạn đồng nghiệp những khuyết điểm mà người ta không chấp nhận thấy chúng hiện hữu trong mình. Ngược lại, người ta sẵn sàng thần tượng hóa những phẩm tính nơi những người khác mà tự họ cũng có, nhưng người ta không muốn tự nhận biết, điều này không phải không gây ra mọi loại phản ứng xúc cảm mâu thuẫn. Phóng chiếu như vậy lên những người khác tiềm năng tốt đẹp của mình lại thành ra trốn tránh trách nhiệm cần phát triển những phẩm tính mà ta vốn có nơi mình : dễ hơn khi tự nhận một lần cho tất cả là không thể đảo ngược và vô hy vọng. Người ta đóng vai trò “kẻ ác” và cho những người khác vai trò “kẻ thiện” : người ta nhất quyết chiếm lấy đặc quyền quên tất cả ý định phát triển và tiến bộ cá nhân...

 

“Tấm gương” chỉ cho chúng ta làm thế nào ý thức những tình cảm của chúng ta và cách chúng ta phóng chiếu chúng ra ngoài mình. Thực tập gồm hai giai đoạn : phần thứ nhất để xác định phần “ích lợi” của những tình cảm của chúng ta, cái cần giữ lại và nuôi dưỡng, và phần vô ích hay có hại nên bỏ. Trong phần hai, người ta khám phá hiệu ứng boomerang (một dụng cụ để săn của thổ dân Úc, phóng ra trúng con mồi và rồi trở lại với người phóng) của những phóng tưởng của chúng ta : cười đối lại cười, nhăn nhó đối lại nhăn nhó. Mọi cái chúng ta phóng chiếu lên những người khác trở lại với chúng ta và ảnh hưởng đến toàn bộ những quan hệ chúng ta có với họ, và như vậy cho đến ngày người ta có thể thấy họ như họ thật sự là – ngoài mọi khuyết điểm hay phẩm tính mà người ta gán cho họ qua những phóng chiếu của mình.

Quan trọng : Để cho bài thực tập này, phải cần những thời thiền rất ngắn – 15 đến 20 phút, một hay hai lần mỗi ngày. Hãy làm 5 đến 10 phút thư giãn trước mỗi thời.

 

Mô tả thực tập

 

Phần 1

 

1. Thư giãn (5-10 phút).

 

Bạn hãy ngồi trước một tấm gương, khá lớn đủ để có thể thấy toàn thân bạn. Hãy nghĩ rằng một tấm gương chỉ là một tấm lá thủy tinh phản chiếu lại một hình ảnh, hình ảnh này “hiện hữu” chỉ do bạn ở đó để tri giác nó.

 

Trong độ mười phút, hãy chỉ ngồi trước gương, mắt nhắm hay cái nhìn hướng xuống đất và hãy thư giãn ; hãy ý thức những cảm giác của bạn, những tư tưởng và những cảm xúc. Hãy đánh giá một cách khách quan những cái tích cực và cái tiêu cực trong cái bạn cảm thấy.

 

2. Tấm gương (15-20 phút).

 

Khoảng một lúc, khi bạn cảm nhận tâm thức bạn bắt đầu yên lặng, hãy nhìn vào trong gương. Trước tiên hãy ghi nhận bằng tâm thức hiệu quả khi bạn tự nhìn mình như vậy. Tiếp theo, hãy tưởng tượng rằng hơi thở bạn chuyên chở mọi tư tưởng, mọi ấn tượng và mọi tình cảm mà bạn đã cảm nhận, và khi thở ra bạn thổi chúng vào trong hình phản chiếu của bạn nơi tấm gương. Hãy có cảm tưởng làm trống bạn dần dần, hãy để tất cả những tình cảm của bạn đi ra khỏi bạn và vào trong gương. Cùng lúc, để cho bạn tràn ngập một cảm giác hư không, trong suốt và không thể nắm bắt ; hãy cảm thấy sự lùi lại của bạn đối với những tư tưởng.

 

Sau 15-20 phút của công việc này, hãy dẫn lại vào bạn – khi thở vào – những phẩm chất mà bạn muốn giữ và hãy nghĩ rằng bạn bỏ lại trong tấm gương mọi cái bạn không bằng lòng và bạn muốn gỡ khỏi chúng.

 

Hãy nhớ rằng chính bạn đã tạo ra hình ảnh trong gương, bằng cách phóng chiếu những tình cảm của bạn vào đó. Hãy ý thức sự kiện bạn đã nhận ra nơi hình ảnh đó một số phẩm chất và chính bạn chọn lựa cái bạn muốn lấy lại và giữ gìn trong bạn.

 

3. Thư giãn (5-10 phút).

Cuối thực tập, hãy dành 5-10 phút để thư giãn hoàn toàn, để cho những tư tưởng đến và đi tùy chúng.

• Hãy theo sự thực hành phần một này trong ít ra một tuần (khoảng một hay hai thời một ngày). Chớ qua phần hai trước khi có thể phóng chiếu dễ dàng những tình cảm của bạn vào tấm gương và nhất là trước khi bạn cảm thấy hơi sẵn sàng hơn để chứng nghiệm những sự vật với ít cứng đặc và vững chắc hơn trước kia.

 

Phần 2

 

1. Thư giãn (5-10 phút).
Hãy bắt đầu bằng thư giãn, như với phần 1. Hãy để tâm thức tự bình lặng tự nhiên.

 

2. Tấm gương (15-20 phút).

Hãy nhìn hình phản chiếu của bạn trong gương và xem xét rằng bạn sắp làm một cuộc trao đổi giữa cái mà bạn tự đồng hóa như là chính mình và cái nhân vật thấy trong gương. Sự trao đổi này xảy ra theo thời gian hơi thở :

– mỗi hơi thở ra, hãy thổi mọi thứ bạn cảm nhận trong bạn vào trong nhân vật trong gương.
¬
– mỗi hơi thở vào, hãy đưa trở lại vào bạn những tư tưởng và những tình cảm của nhân vật trong gương.

Tiếp tục sự trao đổi khi phối hợp nó với hơi thở của bạn. Hãy nhớ một cách sắc bén nhất rằng mọi cái bạn cảm thấy chỉ là kết quả của những phóng chiếu của bạn.

Chớ thử phân tích hay lý luận. Hãy bằng lòng làm thực tập mà không vượt quá những giới hạn thời gian của nó (15-20 phút).

 

2. Thư giãn (5-10 phút).

 

Như phần 1.

 

• Hãy thực hành phần 2 trong ba hoặc bốn tuần, khoảng một thời một ngày.

 

“Tấm gương” rất quan trọng để cho chúng ta khám phá cái ở nền tảng ý nghĩ mà người ta tự tạo về mình và về những người khác : tiến trình phóng chiếu. Thiết yếu đã hiểu rõ thực tập này để theo đuổi phần còn lại của việc chữa trị, khi những thực tập tiếp theo còn vận dụng hơn nữa cơ chế trao đổi với một hình ảnh mà người ta tự phóng chiếu ra : hình ảnh đức Phật, bạn bè, gia đình, kẻ thù... Vậy chớ nhảy ngang thực tập “Tấm Gương” nếu bạn muốn làm hết loạt thực tập.

 

Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy những khó khăn lớn, đến độ bạn không thể làm tốt thực tập này được nữa – vì sợ hãi hay những phản ứng do bài tập gây nên, hay do những kết bế trầm trọng – bạn có thể qua thẳng bài số 8 “Đức Phật Bên Trong”, tiếp theo đến bài số 10, “Triển Nở / Thu Rút”, và đến bài số 15, “Khối Cầu Cầu Vồng”, bởi vì những bài đó không đòi hỏi những cơ chế phóng chiếu.

 

Câu hỏi : Phần đầu của thực tập cho phép tôi chuyển di vào tấm gương tất cả một lượng những tình cảm đau buồn mà tôi có trong mình, và tôi đã cảm thấy một sự nhẹ nhõm lớn. Nhưng tôi tự hỏi đó có phải là một loại ảo tưởng không ?

 

Trả lời : Chắc chắn trong một nghĩa nào, bất kỳ thực tập gì cũng là một ảo tưởng, nhưng đó cũng là cơ hội và phương tiện để học điều phục, làm chủ tâm thức. Dù nếu một thực tập không thể giải thoát rốt ráo cho bạn khỏi những khổ đau và khó nhọc của bạn, thì bạn cũng có thể cảm thấy một lợi lạc nào đó trong tức thời, tuy nhiên cái cốt yếu nằm trong sự thực tập làm chủ tâm thức, nó là phương tiện độc nhất để đến chỗ giải thoát khỏi khổ đau – tính về lâu dài.

 

Câu hỏi : Tôi tự hỏi phải chăng người ta có thể xem thực tập tấm gương như một bài học về vô thường. Tôi có thể xem nó như vậy không, hay tôi phải bằng lòng với việc chuyển di những tình cảm của tôi vào tấm gương và ngược lại ?

 

Trả lời : Khi bạn nhìn sự phản chiếu của bạn trong tấm gương, bạn có thể hiểu rất rõ sự trong suốt và vô thường của nó và bao gồm hai tính chất đó trong mọi cái bạn thấy. Thật vậy, đó là một thí dụ rất tốt. Bạn cũng có thể dùng sự phản chiếu một cách thích đáng để thoát khỏi những căng thẳng của bạn và để “làm thành ra bên ngoài” những vấn đề đang gặm nhấm bạn ở bên trong. Chính bạn là người quyết định cách sử dụng, lợi ích mà bạn muốn từ bài thực tập.

 

Câu hỏi : Điều ấy không gây ra một ít “vô trật tự” khi để lại trong gương mọi cái mà tôi không thích – cái tiêu cực hay khốn khổ trong tôi – sao ? Tôi có phải lau chùi bằng tâm thức tấm gương bỏ lại đằng sau trước khi có một người khác dùng nó ?

 

Trả lời : Không, tôi không tin điều đó là cần thiết ! Tấm gương không bị hư, nó không lưu giữ khổ đau. Người ta chỉ dùng nó như điểm tựa để làm trống một ít khổ đau và nhọc nhằn của mình – như khi người ta đổ đi một phần thừa của một bình chứa người ta làm quá đầy, để tránh nó tràn. Với những tình cảm cũng như vậy : đôi khi đem chúng ra bên ngoài là ích lợi, và điều đó nhờ ở tấm gương.

 

Câu hỏi : Điều tôi thấy trong gương trong phần hai của thực tập làm tôi rất khốn khổ, và phải thu nó lại vào tôi chỉ làm tôi tệ ra thêm. Điều độc nhất giúp đỡ tôi là ý nghĩ rằng không phải những tình cảm tôi cảm nhận, cũng không phải hình ảnh phản chiếu trong gương là có thực chất. Đó có phải là một lối tốt và một giải pháp chấp nhận được cho vấn đề không ?

 

Trả lời : Hoàn toàn như vậy. Khi người ta tự nhìn mình trong một tấm gương, rất quan trọng phải hiểu rằng cái người ta thấy trong đó không phải là cái gì có thực chất và cứng đặc. Bởi thế, chớ có xem những tình cảm là quá nghiêm trọng – khó nhọc hay dễ chịu – mà bài thực tập gây ra, vì chẳng có cái nào là có thực chất. Chớ gán cho chúng sự quan trọng thái quá.

 

(Lời nói thêm của người dịch tiếng Việt : “Tấm gương là một thực hành trong Yoga Thân Huyễn, một trong sáu Yoga của Naropa. Nhờ sự thực hành “Tấm Gương”, người ta sẽ hiểu được tiến trình phóng chiếu của tâm thức mình, do đó sẽ thâm nhập sự thật “Ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức”. Đó không chỉ là chủ đề chính của phái Duy Thức, mà là chân lý được xiển dương trong những kinh tạo ra Đại thừa, như Hoa Nghiêm, Viên Giác, Đại Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Lăng Già... mà hành giả phải chứng nghiệm trên con đường đi đến Phật tánh.)


 

 

Xem mục lục