NHỮNG ĐỐI TƯỢNG
GIÁC QUAN KHÁC
Khi con đã nắm giữ yên được một đối tượng thấy như vậy, bấy giờ theo thứ tự lần lượt con lấy một âm thanh làm đối tượng cho nhĩ thức của con, một mùi hương cho tỷ thức, một mùi vị cho thiệt thức, một cảm giác xúc chạm cho thân thức... Để làm được như vậy, khi nào những âm thanh, mùi hương v.v... đi đến, con cần hướng tâm thức con vào chỉ một âm thanh trổi bật và nắm giữ nó với cái móc của tỉnh giác không để tâm thức chạy lạc chỗ khác. Ngoài việc để cho tâm con an định nơi mức độ của bản thân nó, con không có bất kỳ phán đoán nào về phẩm tính, số lượng,... của đối tượng ấy.
Như thế bất cứ ở trong hoàn cảnh nào, hãy dùng nó để giúp cho khai triển định tâm. Nếu nơi bạn thiền định ồn ào hoặc có người nghe ra-đi-ô, hãy chú tâm vào cảm giác nghe thuần túy mà không có phê phán, phản ứng hay tìm hiểu âm thanh. Với xúc chạm, bạn có thể chú tâm vào cảm giác khi áo quần tiếp xúc với da. Không cần ăn trong khi thiền định để chú tâm vào vị. Bạn có thể làm điều đó khi dùng bữa. Chỉ không dính mắc và theo những giáo huấn như trước.
Khi tâm con đã trụ vào đối tượng, con nên ngưng thời thiền khi con còn đầy đủ sáng tỏ và rồi nghỉ một lát. Làm như vậy con sẽ không chán, mệt. Giữa những thời thiền chớ bỏ quên chánh niệm. Với cái nhìn, con có thể nhắm thẳng vào cái gì trước mũi con. Về thân và ngữ, dù đi hay ngồi, nói năng, hãy làm những việc đó không mạnh quá cũng không nhiều quá. Với tâm thức, hãy cố gắng cắt đứt dòng tư tưởng ý niệm và sự lải nhải của ý. Do những giai đoạn như vậy, con sẽ lập được thói quen nhất tâm. Đây là điểm thứ ba của thiền định.
Thế nên, nếu bạn giảm bớt những hoạt động, tâm thức bạn sẽ tự nhiên lặng xuống. Nếu bạn thường trực bận rộn, thật khó khăn để chú tâm bởi vì bạn sẽ lo toan nhiều thứ trong một lúc và dễ trở nên phân tán và mệt mỏi.