Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

CHÚ TÂM TRÊN 
MỘT ĐỐI TƯỢNG THẤY

Nếu con không thể để yên tâm thức con trong trạng thái này, con nên chú tâm bằng cách nhìn vào một đối tượng bên ngoài như một cây gậy, một viên sỏi, một tượng Phật, một ngọn lửa đèn sáp, bầu trời..., cái nào thích hợp với con. Chớ nghĩ về những vật đó theo màu sắc, hình dạng, mà đặt sự chú ý nhất tâm của con không lang thang chỉ trên bản thân đối tượng, không quá chặt hay quá lỏng. Hãy cắt đứt hoàn toàn mọi tư tưởng khác.

Nếu tâm bạn quá căng, bạn sẽ kinh nghiệm sự lo âu và bực mình, nếu quá lỏng thì hôn trầm, mù mờ và buồn ngủ. Như những dây đàn, tâm thức phải điều hợp không có những méo mó.

Tiến trình an định tâm trên một đối-tượng-thấy giống như thấy một hòn sỏi dưới đáy một ly nước đục. Không bận tâm về màu sắc hay hình dạng của hòn sỏi, bạn sẽ thấy nó rõ ràng khi bùn lắng xuống. Cũng thế, khi những tư tưởng của bạn lắng xuống bạn sẽ có một cái thấy rõ ràng đối tượng của bạn. Bởi thế hãy nhìn vào đối tượng như một trẻ nhỏ mà không nói năng hay bình luận gì.

Nếu bạn có thể chú tâm không có những tư tưởng ý niệm, vậy là tốt. Nhưng dù chúng có khởi lên, chớ có chạy theo chúng. Chỉ để chúng đi qua và chúng sẽ biến mất. Nếu bạn cho phép một tư tưởng phát triển thành một dòng tư tưởng, nó sẽ là một chướng ngại cho sự thiền định của bạn. Bạn phải thấu hiểu rằng những tư tưởng là trò chơi của tâm, như những sóng gợn lăn tăn trên mặt nước hay ánh sáng trên lá cây. Chúng tự nhiên tan biến.

Con cũng có thể chú tâm vào một chữ OM màu trắng, chữ AH màu đỏ và chữ HUM màu xanh được viết ra hay quán tưởng trước mặt, chúng là bản tánh của thân, ngữ, tâm của tất cả chư Phật hay một điểm màu trắng, đỏ, xanh, tùy cái nào thích hợp với con. Tóm lại, con cần nhắm vào và cố định tâm thức con nhất tâm vào hình thể thị giác nào hợp với tâm thức và cho nó sự thích thú để nắm giữ. Nếu con cố gắng an định tâm thức con vào một cái gì không thoải mái hay cái gì trí năng con không thể nắm bắt, bấy giờ khi con đưa tâm thức đến đối tượng, nó không nắm giữ được. Không thích thú với đối tượng ấy, nó sẽ chú tâm vào cái khác ngoài chủ đề.

Con cần cắt đứt hoàn toàn mọi ý niệm như “ta đang thiền” hay “ta không thiền” hay những mong cầu an định tâm con hay những lo lắng con không thể an định nó. Hãy thiền định với chánh niệm kiểm soát không cho tâm con trụ vào một cái gì ngoài chủ đề dù chỉ một khoảnh khắc. Hãy làm tốt điều đó và làm những thời thiền ngắn nhưng thường xuyên. Điều này quan trọng để huấn luyện cho tâm thức con an định nhất tâm với sự tương tục của sáng tỏ, minh bạch và thành khẩn, để cho nó không mất sự tương tục của trạng thái này vì mệt, chán.

Đầu tiên quan trọng là có những thời thiền ngắn nhưng thường xuyên. Nếu bạn thấy thiền định an lạc và êm ả, bạn nên làm lâu hơn. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu chán hay mệt khi thiền định, đó có lẽ vì thời thiền quá dài. Nếu bạn mệt, thiền định trở thành một thử thách không thích thú và bạn sẽ không muốn tiếp tục. Bởi thế hãy tự lượng và nghỉ một lát khi bạn còn tươi khỏe và còn muốn tiếp tục. Theo cách đó bạn sẽ vui vẻ lại tiếp tục thiền định. Hãy giả thiết bạn phải đi bộ hai mươi cây số. Nếu bạn đi chầm chậm và thường nghỉ, bạn sẽ không làm mệt mình và sẽ đến đích. Thiền định cũng như thế.

Nếu một đối tượng thấy nào thích hợp với con như là căn cứ hay tiêu điểm cho thiền định, con nên chọn cái đó. Nếu con muốn dùng lần lượt những đối tượng ấy thay phiên nhau cũng được. Nhưng nếu con đã chọn một cái và thấy như vậy là đủ, thì chớ cảm thấy phải thay đổi lần lượt như người tập học bản chữ cái. Tóm lại, tâm thức con nắm giữ một hình sắc thấy được nào thích hợp là điểm thứ hai cho thiền định.

Xem mục lục