BẢN TÁNH SÁNG NGỜI
CỦA TÂM THỨC *
Thật là một ích lợi lớn khi có thể đối diện với cuộc sống bằng một tâm thức tích cực và khá quân bình. Chúng ta hoàn toàn có lợi khi quen với một tâm thái đúng đắn, nhưng thói quen nhường bước cho những xúc động xung đột như giận dữ dựng lên những chướng ngại có tầm cỡ. Tuy nhiên, có thể vượt khỏi chúng. Chúng ta đạt đến đó bằng cách chánh niệm nhận ra mỗi một phiền não này ngay khi chúng biểu lộ và chữa lành nó tức thì. Khi người ta nắm lấy mọi cơ hội để thực tập như vậy, những phiền não thôi ngự trị chúng ta trong vòng vài năm. Về lâu về dài, ngay người dễ nổi giận nhất cũng đạt được sự gìn giữ tính bình thản.
Vài người tỏ ra dè dặt : nếu tâm thức không tự do để đi rông đây đó, chẳng phải người ta đã mất đi sự tự do mà người ta đã có khi tự điều phục sao ? Không. Sự việc không xảy ra như vậy. Nếu tâm thức bạn quân bình một cách đúng đắn, bạn tự do ngay lúc này, và nếu nó cư xử sai, bạn bắt buộc phải thuần phục nó.
Những người khác tự hỏi : người ta có thể hoàn toàn chấm dứt những phiền não hay chỉ có thể đè nén chúng ?
Đối với Phật giáo, tính cách quy ước của tâm thức biểu lộ từ một sự sáng ngời trong trẻo. Những khuyết điểm làm ô uế nó không nội tại nơi bản chất của nó mà chỉ là ngoại sanh. Chúng can thiệp một cách có chừng mực và như vậy có thể tách khỏi tâm thức. Nhưng bản tánh tối hậu nội tại ở tâm thức chính là tánh Không của nó.
Nếu những tình cảm như ghét thuộc về bản tánh của nó, tâm thức bắt buộc phải ghét một cách tiên thiên. Rõ ràng không phải là như vậy. Chúng ta chỉ hình thành giận dữ trong một vài trường hợp, ngoài ra nó không hiện hữu. Sự thù ghét và tâm thức quả thật là hai thứ khác biệt – dù cho ở trong nền tảng, cái này và cái kia đều là bản tánh sáng tỏ và thông hiểu bởi vì chúng đều thuộc về nguồn cội của tâm.
Thật ra, sự thù ghét căn cứ trên cái gì ? Trên những quá khích, phóng đại làm méo mó thực tại : chúng ta phải phủ lên những hiện tượng một lớp vẹc ni làm cho chúng ta thấy chúng xấu hay đáng ghét. Từ đó, chúng ta hình thành cơn giận đối với tất cả thứ gì dựng lên giữa chúng ta và ham muốn của chúng ta. Vậy thì tâm thức không có lý do gì để nâng đỡ cho sự thù ghét đó. Trái lại, rất đỗi hợp lý để mà thương yêu. Khi ác ý chống đối lại thiện tâm, cái này thế nào rồi cũng lôi cuốn nó theo mình.
Nếu chúng ta kiên trì trong một cách cư xử đúng đắn, nghiêm nhặt, với thời gian những phản ứng tai hại và vô căn cứ sẽ càng ngày càng hiếm. Những thái độ đúng đắn, đặt nền trên cái chân thực sẽ đến với chúng ta một cách tự nhiên. Khi các bạn tập nhảy xa, thành tích của các bạn tùy thuộc vào thân thể các bạn. Nó tuân theo những bó buộc của vật chất ; vật chất đặt ra những hạn chế cho sự mềm dẻo của thân. Tâm thức, tự nó, chỉ là sự sáng sủa và hiểu biết. Nó không chỉ không biết đến những giới hạn thuộc loại này, mà với một sự tập luyện dần dà, mọi phẩm tính quy định sự quân bình của nó chỉ có cách là nở bừng nơi tâm thức.
Ai cũng biết khả năng bao la của mình trong việc ghi nhớ, số thông tin khó tin nổi mà họ có khả năng cất chứa trong một tiến trình có phương pháp. Bây giờ, bạn chỉ nhớ giữ được ít bởi vì bạn chỉ dùng những mức độ sơ khai nhất của tâm thức. Nhưng khi bạn biết tìm kiếm chiều kích vi tế nhất của nó, các bạn sẽ nhớ được rất nhiều.
Những yếu tố quân bình có một tiềm năng phát triển vô tận. Chỉ cần chúng ta biết rút ra sự lợi lạc. Chúng ta càng đặt mình vào phía những thái độ tốt lành, chúng là những đối trọng chống lại sự độc hại của những phiền não, thì những cái này càng ít có thể làm hại chúng ta. Và nếu chúng ta kiên trì, chúng sẽ hoàn toàn thôi tác hại đến chúng ta.
Thế nên, phải nói rằng : tâm thức của chúng ta chỉ là quang minh và hiểu biết, với nó tất cả chúng ta đều có chất thể căn bản quyết định cho sự đạt được Phật tánh.
Tư tưởng Phật giáo đặt nền trên yếu tố này, nó bày tỏ khả năng toàn giác tiềm ẩn trong tâm thức, khả năng đó được tỏ rõ bởi bản tánh quang minh và hiểu biết của tâm thức. Luận đề này cho phép đề xướng rằng những thái độ hài hòa có thể nhân lên đến vô tận.
Vậy thì cực kỳ quan trọng nên chăm chú hàng ngày vào sự tìm kiếm bản chất quy ước của tâm thức, để học cách nhận ra nó và tập trung vào nó.
Các bạn chớ chán nản vì khó khăn. Những tư tưởng đến như hơi nước làm mờ sự trong sáng tự nhiên của gương tâm và tấm màn tạo bằng những tư tưởng ấy ngăn cản các bạn nhận ra nó.
Để bắt đầu, chớ bằng lòng đi theo trí nhớ trong những hồi ức của nó. Chớ phóng mình theo những chuyện tương lai. Hãy để cho tâm thức trôi chảy trong sắc độ riêng của nó, không khoác vào ý niệm. Hãy quan sát nó trong trạng thái yên nghỉ, trần truồng, trinh bạch với mọi tư tưởng.
Nếu các bạn còn chưa quen với sự thực hành này, ban đầu hình như với các bạn có đôi chút khó khăn ; nhưng đến một lúc tâm thức được nhìn thấy như nước trong trẻo. Hãy ở như thế. Quan sát dòng tư tưởng không có hình thể này mà không tưởng tượng gì cả.
Sự thiền định này được yêu cầu làm vào sáng sớm, khi tâm thức tỉnh thức và trong sáng. Lúc này là tốt nhất vì các giác quan chưa hoàn toàn hoạt động. Nếu bạn ăn ít vào tối hôm trước và không ngủ quá nhiều, tâm thức sẽ thanh nhẹ và sắc bén hơn vào lúc thức giấc. Dần dần, nó sẽ có được sự an định vững vàng, sự chú ý và trí nhớ sáng tỏ và chính xác.
Sự thực hành này có thể làm cho các tri giác của bạn thêm sắc bén. Hãy tỉnh giác trong sự thực hành đó suốt cả ngày. Trong thời gian không lâu, các bạn sẽ nhận thấy những tư tưởng thanh thản và êm ả hơn. Khả năng trí nhớ của các bạn khi mở rộng sẽ kích thích khả năng thấu thị phát sanh từ một sự chú tâm rất tinh tế. Về lâu dài, tâm thức các bạn sẽ có một sự sắc bén và sống động khiến nó tỏ ra có hiệu quả trong vài lãnh vực nào đó.
Nếu các bạn chỉ làm một thời thiền định ngắn trong mỗi ngày, tâm thức các bạn sẽ mất thói quen phân tán. Nó sẽ trầm mình trong sự quan sát chỉ một đối tượng. Các bạn sẽ phong phú đáng kể nhờ đó.
Trí tưởng tượng làm các bạn xoay vòng vô tận, mong ước điều thích, chối bỏ điều không thích, và tất cả những thứ theo đó cuối cùng sẽ có thể êm dịu trở lại. Một khoảng lặng nhỏ trong cái vô niệm, đó là một chút an nghỉ. Đấy đã là những khoảng trống vắng để nghỉ ngơi…
* Học Viện Clarement