Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
Mục đích của Bốn Tantra

Những tantra được chia thành bốn bộ, Hoạt Động, Thực Hiện, Yoga và Yoga Tối Thượng, theo những khả năng khác nhau của người tu hành khi sử dụng tham muốn trong con đường. Khi tham muốn khởi từ nhìn ngắm, cười cợt, nắm tay hay ôm ấp, và kết hợp được dùng trong con đường cộng với tánh Không và những yoga hóa thần, tham muốn chính nó bị tiêu tan. Panchen Lama Đệ Nhất, Losangchoškigyeltsen (1569-1662) nói :

Một côn trùng sanh từ gỗ nhưng tiêu hủy gỗ trọn vẹn. Cũng cách ấy, một đại lạc được phát sanh nhờ vào một động cơ nguyên nhân, nó là sự tham muốn nhìn, cười, nắm tay hay ôm ấp, hay hợp nhất hai bộ phận. Trí huệ của đại lạc và tánh Không không thể phân chia – nó là đại lạc này phát sanh không thể phân chia với một tâm thức nhận biết tánh Không trong cùng thời gian – đốt tiêu hoàn toàn những phiền não, tham muốn, vô minh v.v…

Bốn Tantra được phân chia trên căn bản khả năng của những người tu hành chủ yếu của chúng, khi họ sử dụng trong con đường bốn hình thức này của tham muốn, chúng tùy thuộc vào bốn loại thỏa mãn tìm thấy trong những mức độ khác nhau của cõi dục. Những vị thiên của cõi Trời thứ Ba Mươi Ba và mọi chúng sanh dưới cõi Trời ấy, gồm cả con người, có được thỏa mãn qua kết hợp tình dục. Những vị thiên của cõi Trời Không Chiến Đấu có được thỏa mãn qua ôm ấp ; những vị của cõi Hoan Hỷ qua sự cầm nắm tay ; những vị của cõi Trời Thích Hóa Hiện qua sự cười ; và những vị của cõi Trời Kiểm Soát sự Hóa Hiện của Những Người Khác qua cái nhìn. Abhayakara khi giải thích tantra, dùng những vị thiên này như những thí dụ kiểu mẫu, và Tsongkapa nhấn mạnh rằng Abhayakara không muốn nói rằng chư thiên là những người tu hành chủ yếu để bốn tantra được thuyết giảng vì họ. Bốn bộ tantra được phô bày để thích hợp với những khả năng của bốn loại người dùng tham muốn trong con đường.

Tuy nhiên Alamkakalasha dạy rằng bốn tantra được diễn giải để thích hợp với bốn đẳng cấp. Ngài giải thích :

Những Tantra Hoạt Động được dạy để thích hợp với những Bà la môn vì họ thích tắm rửa và sự sạch sẽ, chủ trương quan điểm rằng người ta được giải thoát qua khổ hạnh, xem đẳng cấp họ là quan trọng, và chủ trương người ta được giải thoát nhờ trì tụng và đốt đồ cúng… Những Tantra Thực Hiện, dạy vừa yoga bên trong với trí huệ và phương tiện vừa những hoạt động bên ngoài, được nêu lên để thích hợp với đẳng cấp buôn bán bởi vì họ không thể đi vào khổ hạnh nghiêm ngặt, không muốn đi vào những hoạt động thấp, và xem nhẹ sự sạch sẽ bên ngoài và v.v… Những Tantra Yoga (trong đó những vị thiên và thiên nữ của những mạn đà la tương đương với một nhà vua và quần thần) được dạy để thích hợp cho những người của đẳng cấp vua chúa bởi vì họ không thể đi vào khổ hạnh mà thọ hưởng những lạc thú của năm thuộc tính của cõi dục… Những Tantra Yoga Tối Thượng, nó dạy sự sử dụng không có ý niệm năm loại thịt…, cũng như những hoạt động thấp, được dạy cho những người đẳng cấp tôi tớ họ không có chút ý thức nào về sự sạch sẽ, ăn mọi thứ, đi vào mọi hoạt động, và có ít ý niệm.

Tsongkapa chỉ ra những khuyết điểm trong sự giải thích này, Panchen Lama đệ Nhất còn nói thêm :

Thật sai lầm, khi xác định bốn bộ tantra từ quan điểm bốn đẳng cấp. Nếu điều này nghĩa là những người của bốn đẳng cấp là những người tu hành đặc biệt của bốn tantra, thì điều này kéo theo cái lỗi là quá rộng lớn (vì không phải tất cả những thành viên của các đẳng cấp đều thực hành tantra). Nếu nó nghĩa là thành viên của bốn đẳng cấp cần thiết cho những người tu hành chủ yếu của bốn tantra, bấy giờ điều này kéo theo cái lỗi quá chật hẹp (vì những người tu hành chủ yếu của bốn tantra đến từ bất cứ thành phần nào của xã hội, chứ không từ một đẳng cấp đặc biệt). Nếu nó có nghĩa là có những trường hợp bốn tantra thuần hóa những thành viên của bốn đẳng cấp, bấy giờ điều này kéo theo cái lỗi bất định (bởi vì có những trường hợp cả bốn tantra thuần hóa những thành viên của cả bốn đẳng cấp ; bởi thế điều này không thể dùng để phân biệt những tantra).

Tsongkapa nhấn mạnh rằng không có ngay cả phần lớn trường hợp những người tu hành của những tantra riêng biệt đến từ một thành phần riêng biệt của xã hội. Ngài chế nhạo ý kiến chính vì những Tantra Yoga dùng những mạn đà la phỏng khuôn theo triều đình, mà những người tu hành chủ yếu của chúng phải là những thành viên của đẳng cấp vua chúa.

Có vẻ giống hơn là ý kiến cho rằng giáo lý này áp dụng bốn tantra cho bốn đẳng cấp khởi từ sự dùng những thành viên của đẳng cấp như là ví dụ kiểu mẫu. Chẳng hạn một vị thầy khuyến khích những đệ tử sơ học rằng để thiền định về chính họ như là những nhân vật chủ yếu trong một mạn đà la Tantra Yoga, họ phải xem chính họ như những vị vua ; hay để thực hành sự sạch sẽ nghiêm ngặt đi cùng với vài nghi thức của Tantra Hoạt Động, họ phải giống như những Bà la môn, những người có tiếng là tắm nhiều lần trong một ngày ; hay để thực hành sự không phân biệt những tư tưởng sạch sẽ và không sạch sẽ trong Tantra Yoga Tối Thượng, họ phải giống như những thành viên của đẳng cấp thấp nhất.

Lý giải khác về bốn tantra, kể lại bởi cả Sošnamtsemo và Butošn (1290-1364) là bốn nghi lễ phát sanh hóa thần bổn tôn được dạy để thích hợp với những người theo bốn trường phái học thuyết. Truyền thống là :

1. Chính vì những nhà Vatsiputriya và Aparantaka-Vaibha-shika thừa nhận những sự vật bên ngoài thực có hiện hữu và một cái ngã không thể diễn tả được, nên nghi lễ phát sanh hóa thần trong những Tantra Hoạt Động gồm việc bố trí một bức vẽ hóa thần trước mặt mình, sắp xếp những đồ dâng cúng, tắm, tuân thủ sự sạch sẽ, thỉnh mời một sinh thể trí huệ (một hóa thần hiện thực) đến trước mặt mình – tương đương với một đối tượng bên ngoài – thấm nhuần thần chú vào trong lòng, và dấn thân vào trì tụng trong bối cảnh thấy vị hóa thần giống như một đạo sư và chính mình như người tôi tớ phục vụ. Chính vì những trường phái này thừa nhận một cái ngã không thể diễn tả, nên sinh thể trí huệ không phải là bức vẽ cũng không phải là chính mình.

2. Sự giải thích này về Tantra Hoạt Động căn cứ trên lời dạy trong Toát Yếu những Kim Cương Trí Huệ, một Tantra Yoga Tối Thượng, rằng trong những Tantra Hoạt Động không có sự kiêu hãnh chính mình là một hóa thần cũng không có sự đi vào của một sinh thể trí huệ vào chính mình (tưởng tượng chính mình như một hóa thần và rồi khiến hóa thần hiện thực, sinh thể trí huệ, đi vào). Tuy nhiên, Tsongkapa giải thích trong diễn giải của ngài về Tantra Hoạt Động rằng đoạn này ám chỉ đến những người tu hành cấp thấp nhất của những Tantra Hoạt Động, họ sợ hãi phải thiền định chính họ như một hóa thần, chứ không đến những người tu hành chủ yếu của Tantra Hoạt Động là những người hoàn toàn có khả năng thực hành yoga hóa thần.

3. Những Tantra Thực Hiện gồm sự phát sanh chính mình như một sinh thể tượng trưng và sự phát sanh một hóa thần trước mặt như một sinh thể trí huệ được dạy cho những người Kashmiri Vaibhashika và Sautrantika. Trì tụng được thực hiện trong bối cảnh thấy hóa thần – sinh thể trí huệ trước mặt – và chính mình – sinh thể tượng trưng (được tưởng tượng như một hóa thần) – như hai người đồng hành. Điều này giống như sự thừa nhận của các phái này về chủ thể và khách thể hiện hữu một cách tối hậu.

Sự giống nhau bề ngoài này không được tìm thấy bởi vì Kim Cương thừa là một phần của Đại thừa từ những quan điểm về cả giáo lý lẫn con đường. Bởi vì yoga tánh Không là một phần không thể thiếu của sự phát sanh yoga hóa thần, những người theo giáo lý Tiểu thừa không thể là những người tu hành chủ yếu của tantra nào cả, cũng không có hệ thống tantra nào trình bày sự hiện hữu tối hậu của chủ thể và đối tượng, điều ngược lại với tánh Không.

4. Những Tantra Yoga bao gồm sự phát sanh chính mình như là một sinh thể tượng trưng và rồi khiến sinh thể trí huệ đi vào chính mình được dạy cho Độc Giác. Nghi lễ này về phát sanh hóa thần thì tương tự với sự thừa nhận của Độc Giác về đối tượng và chủ thể hiện hữu một cách quy ước.

Sự giải thích này về Tantra Yoga được căn cứ trên thừa nhận của những nhà Yogachana-Svatantrika rằng Độc Giác nhận biết sự không thật của những đối tượng – sự không khác biệt trong thực thể giữa chủ thể và đối tượng. Tuy nhiên, ‘Độc Giác’ không phải là một trường phái học thuyết mà là một loại hành giả mà con đường của vị ấy được cả bốn phái Vaibhashika, Sautrantika, Chittamatra và Madhyamika trình bày.

5. Những Tantra Yoga Tối Thượng được dạy cho những nhà Chittamatra và Madhyamika của Đại thừa, họ thừa nhận rằng chủ thể và đối tượng cả hai đều không hiện hữu một cách tối hậu mà chỉ hiện hữu một cách quy ước. Những tantra này gồm sự phát sanh chính mình như một sinh thể tượng trưng và sự đi vào của một sinh thể trí huệ – tương đương với sự thừa nhận chủ thể và đối tượng một cách quy ước – nhưng không bao gồm sự thỉnh cầu hóa thần rời bỏ – tương đương với việc không thừa nhận cả chủ thể và đối tượng hiện hữu một cách tối hậu.

Lần nữa, sự giống nhau là nhỏ bé và gợi ý rằng trong quá khứ một vị thầy chỉ chỉ ra những khác biệt trong nghi lễ về sự phát sanh hóa thần qua so sánh với những khác biệt giữa các trường phái học thuyết, và điều này bị hiểu sai là những tantra được dạy cho người theo những trường phái học thuyết này.

Butošn, sau khi thuật lại truyền thống này, nói, ‘Những lama Tây Tạng đã nói điều này, nhưng tôi không thấy một nguồn gốc nào cho nó.’ Đạo sư Kagyu Padmakarpo (1527-1592) nói :

Một vài vị thầy Tây Tạng đã giải thích rằng (những tantra) được phân chia thành bốn loại căn cứ trên những phù hợp với (bốn loại) những nhà Tirthika hay căn cứ trên bốn trường phái học thuyết Phật giáo. Bởi vì những nguồn gốc họ trích dẫn không xuất hiện trong bản văn nào, những giải thích này chỉ là ý nghĩ riêng của họ.

Đạo sư Sakya Sošnamtsemo kể rằng truyền thống này tuyên bố là theo Nagarjuna, và như đạo sư Geluk, Panchen Lama đệ Nhất nói, ‘Không đúng rằng nó được thừa nhận bởi Nagarjuna và Jnanapada bởi vì một trình bày như thế không được nêu ra trong bất kỳ tác phẩm nào của hai vị.’

Bởi vì tantra có việc dùng tham, sân và si (vô minh) trong con đường để chinh phục những phiền não và bởi vì những thực hành được thích ứng cho những người có một hay phiền não nào khác trổi vượt, nhiều người đã cho rằng bốn tantra được dạy cho bốn loại người bị những phiền não khác nhau thống trị. Dù một phiền não nào đó trong hành giả tantra có thể trổi vượt theo nghĩa nó mạnh hơn các phiền não khác, một nhà Mật thừa thì không bị những phiền não thống trị ; hơn nữa, nó sống dưới ảnh hưởng của lòng đại bi và tìm kiếm những phương cách nhanh nhất để đạt đến một trạng thái nơi đó nó có thể giúp đỡ hiệu quả chúng sanh khổ đau. Trong Giải thích Nghi Thức của Mạn đà la Guhyasamaja của mình, Dalai Lama thứ Bảy nói đến những người tu hành của Tantra Yoga Tối Thượng :

Một số người thấy rằng nếu người ta dựa vào Thừa Hoàn Thiện v.v…, người ta phải tích tập những tạng (công đức và trí huệ) trong ba vô số đại kiếp, và như thế phải có thời gian dài và có khó khăn lớn lao. Họ không thể chịu đựng khó nhọc như vậy và tìm kiếm cách đạt đến Phật tánh trong một thời gian ngắn bằng một con đường ít khó khăn. Những người này tuyên bố rằng bởi thế họ đi vào con đường ngắn của Mật Chú thừa nhưng thật ra họ ở ngoài lãnh vực của những người tu hành Mật thừa. Bởi vì để được gọi là một nhà Đại thừa tổng quát, người ta không thể tìm kiếm thanh bình chỉ cho riêng mình mà từ quan điểm xem những người khác thì thân thiết hơn chính mình, phải có thể vì sự lợi lạc cho những người khác, chịu đựng bất cứ khó khăn hay khổ đau nào có thể có. Bởi vì những nhà Mantrika Bí Mật là những người có những khả năng cực kỳ sắc bén trong Đại thừa, nên những người đã quay lưng với lợi lạc của những người khác và muốn ít khó khăn cho chính họ thì không gần gũi nổi một góc của Tantra Yoga Tối Thượng… Người ta phải đi vào Tantra Yoga Tối Thượng, con đường ngắn bí mật, với động lực của sự phát sanh tâm vị tha, không thể chịu đựng nổi sự việc chúng sanh sẽ bị phiền não trong một thời gian dài bởi vòng sanh tử nói chung và bởi những khổ đau mãnh liệt nói riêng và nghĩ, ‘Tốt đẹp biết bao nếu tôi có thể hoàn thành ngay bây giờ một phương cách để giải thoát họ !’

Như Jangkya (1717-86) nói trong Trình Bày những Giáo Lý của ngài :

Có nói trong những tantra quý báu và trong nhiều bình giải rằng ngay cả những người tu hành của Mật thừa có những khả năng thấp cũng phải có rất nhiều đại bi, những khả năng sắc bén, và một cuộc đời cao cả hơn những người tu hành có khả năng sắc bén nhất trong Thừa Hoàn Thiện. Bởi thế, người nào nghĩ và nói rằng Mật thừa được dạy cho những người nản lòng trước sự thành tựu giác ngộ trải qua một thời gian dài và với nhiều khó khăn cho thấy rõ họ đã không thâm nhập ý nghĩa của tantra. Hơn nữa, phát biểu rằng Mật thừa thì nhanh chóng hơn Thừa Hoàn Thiện là liên hệ đến những người tu hành họ là những pháp khí thích hợp ; chứ không phải cho bất cứ ai. Bởi thế, giáo lý là Mật thừa thì chưa đủ ; con người phải thực sự dấn thân vào Mật thừa.

Không dạy cho những người không thể tiến trên Thừa Hoàn Thiện, bốn tantra được trình bày cho những người có lòng đại bi đặc biệt lớn lao họ có những khả năng khác nhau để dùng cái thường vốn là những nguyên nhân của vòng sanh tử như là những phương tiện để vượt khỏi nó.

Những truyền thống mật truyền về tantra đã được loan truyền rộng rãi ở Tây phương trong khi ở Tây Tạng nhiều truyền thống về những lý do có bốn tantra được phân biệt thực hư bởi những thiền giả học giả để tìm ra vị trí đích thật tối hậu của chúng. Panchen Lama đệ Nhất nói :(20)

Hệ thống riêng của chúng ta nói rằng lý do cho sự ấn định bốn cổng vào khác biệt (để thực hành Mật thừa) từ quan điểm của bốn tantra là những người tu hành chủ yếu được dành cho Kim Cương thừa thì có bốn loại. Bốn loại này được đặt ra vì có bốn cách dùng tham muốn đối với những thuộc tính của cõi dục trong con đường và bốn loại khả năng cao hơn và thấp hơn để nâng cấp yoga, nó là sự hợp nhất của trí huệ nhận biết tánh Không và yoga hóa thần dùng bốn cách thức này trong con đường.

Panchen Lama đề cập đến sự hiểu lầm khác về tantra cũng đang được biết đến rộng rãi ở Tây phương.(20) ‘Những người này của Thừa Hoàn Thiện nhận biết bản tánh của những hiện tượng bằng những ví dụ và lý luận trong khi ở đây (trong Mật thừa) tánh Không được nhận biết một cách trực tiếp…’ Lại nữa, ‘Những người của Thừa Hoàn Thiện tin và nghĩ, “Tất cả các hiện tượng là thoát khỏi những tạo tác ý niệm”, nhưng không nhận biết chúng trong cách ấy. Ở đây (trong Mật thừa) tánh Không được nhận biết một cách trực tiếp qua nhiều phương tiện…’ Tuy nhiên, trí huệ bất nhị là đời sống của cả hai con đường Kinh và Tantra, và trong cả hai con đường sự nhờ cậy ban đầu vào lý luận phán đoán để mở bày bản tánh của những hiện tượng, vốn che dấu với kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta, là cần thiết. Qua sự trau dồi lập đi lập lại, cái hiểu biết có ý niệm về tánh Như trở thành trí huệ không ý niệm. Những người không xem những đại luận nêu ra con đường lý luận của trung đạo, như Trung Đạo Luận của Nagarjuna, như là những nguyên tắc cho sự thực hành sẽ chủ trương lầm lẫn tantra chỉ là một kỹ thuật khác để nhận biết tánh Không. Đã bỏ đi con đường cho sự thấu hiểu tánh Không, họ – qua sự hiểu sai ý nghĩa của tantra – cũng bỏ đi phương pháp đặc biệt của tantra cho sự phát triển Sắc thân của một vị Phật, là yoga hóa thần.

Xem mục lục