Mọi việc phải được làm với thái độ của bạn, cách suy nghĩ của bạn, động cơ của bạn
Có một động cơ thanh tịnh
Điều tối quan trọng là bạn hãy có một động cơ (tâm nguyện) đúng đắn bất luận đó là hành động gì. Cho dù bạn là một nông dân hay một thiền sư nhưng nếu bạn hành động để nhằm đáp ứng sự ham muốn được vui sướng hay nổi tiếng thì bạn không khác gì súc sinh.
Khi tôi hỏi một tu viện trưởng "pháp thế gian" là gì, ông ta trả lời đó là việc đánh bạc, cày ruộng và vân vân. Cách suy nghĩ về hành động thế gian như thế này rất phổ biến, chỉ để ý tới hoạt động mà không để ý tới động cơ hay thái độ. Tuy nhiên, nếu được làm với một động cơ thanh tịnh thì những hoạt động như đánh bạc cày ruộng có thể trở nên Pháp thanh tịnh.
Không có một hành động nào tự bản thân nó được xác định trước là hành động thế gian. Nó có thể là một hành động Pháp thiêng liêng hoặc là một pháp thế gian, tức là đạo đức hoặc phi đạo đức - nó có thể là cái này hoặc cái kia. Chỉ khi nào biết được động cơ của nó bạn mới có thể nói nó là một Pháp thiêng liêng hay một pháp thế gian bất luận đó là công việc đồng áng hay việc thực hành thiền định.
Trong Giải thoát Trong lòng Bàn tay, ngài Pabongka Dechen Nyingpo đưa ra ví dụ sau: có bốn người trì tụng lời cầu nguyện
Hành động trì tụng của người thứ nhất trở thành nhân của giác ngộ. Hành động trì tụng của người thứ hai không trở thành nhân cho giác ngộ vì được làm với động cơ muốn giải thoát cho riêng mình. Hành động này sẽ là nhân dành riêng cho sự giải thoát, tức là thoát khỏi luân hồi nhưng không là nhân cho giác ngộ - vì giác ngộ là trạng thái tâm linh thoát khỏi tất cả lỗi lầm, viên mãn mọi chứng ngộ, mọi đức hạnh.
Việc trì tụng của người thứ ba không trở thành nhân của giác ngộ, cũng không trở thành nhân cho giải thoát. Vì động cơ là đạt tới hạnh phúc các kiếp sau, nên nó chỉ là nhân hạnh phúc trong luân hồi, sẽ có thể tái sanh ở cõi trời hay cõi người .
Hành động trì tụng của ba người này là hành động Pháp thiêng liêng. Nhưng hành động trì tụng của người thứ tư không phải là Pháp thiêng liêng. Đó là pháp thế gian bởi vì nó được làm với sự quan tâm đến thế gian, dính chặt vào cuộc đời này. Động cơ của nó là phi đạo đức. Như tôi đã đề cập trước đây, các hành động được làm do bát phong, do tham ái, dính chặt vào hạnh phúc đời này đều là phi đạo đức và quả là tái sanh vào địa ngục, ngã quỉ hay súc sanh. Cho nên, mặc dù lời cầu nguyện tự bản thân là Pháp nhưng hành động của người trì tụng có thể không là Pháp thiêng liêng.
Ngài Pabongka Dechen Nyingpo dùng hành động trì tụng lời cầu nguyện như một ví dụ để làm sáng tỏ sự nhầm lẫn thông thường. Rất dễ nhầm lẫn rằng một hành động nào có liên quan đến Pháp chẳng hạn như tụng kinh, đọc lời cầu nguyện, hay Thiền định đều là một hành động Pháp. Thật quá dễ tin như vậy.
Nếu hành động tụng kinh và cầu nguyện với động cơ là sự quan tâm đến thế gian mà có thể mang đến thành công, nếu nó có thể trở nên nhân của hạnh phúc thì có thể nói đi cướp ngân hàng cũng có thể là nhân của hạnh phúc. Bằng việc cướp ngân hàng người ta có thể trở nên giàu sang, sống hạnh phúc. Vậy ăn cướp có gây nên hạnh phúc không? Có sự tương tự nào đấy giữa hai thí dụ này. Nếu nói một hành động phi đạo đức như ăn cướp (được làm vì ích kỷ, tham lam, sân hận hay vô minh) là nhân của hạnh phúc thì bạn cũng có thể có hạnh phúc từ việc phi đạo đức. Ý tưởng sai lầm này tự nhiên nẩy sinh.
Chỉ có những hành động nào không những không bị thúc đẩy bởi bát phong, mà còn chống lại chúng, mới trở thành Pháp. Từ sớm tới khuya, bất cứ hành động nào như ngủ, ăn, ngồi, đi lại, nói chuyện vân vân nếu được làm để chữa trị vọng tưởng thì nó trở thành Pháp. Ngược lại những hành động nào đáp ứng cho bát phong, cho tham ái bám chặt cuộc đời này thì sẽ trở thành pháp thế gian, hay còn gọi là phi đạo đức. Chúng nó không thể trở thành Pháp thiêng liêng được.
Như đại Bồ Tát Shantideva có nói trong Bồ Tát Hạnh:
Mặc dù ai cũng mong ước đạt hạnh phúc và chấm dứt khổ đau nhưng vì không biết được bí mật của tâm, ý nghĩa tối thượng của Pháp, nên chúng sinh vẫn mãi luân hồi một cách vô ích.
Ở đây "bí mật của tâm" không ám chỉ những thực chứng cao cấp như là tịnh quang, thân huyễn hay sự hợp nhất của chúng; "bí mật của tâm" cũng không nói về cái gì quá phức tạp. Chúng ta có thể hiểu "bí mật của tâm" là các mức độ khác nhau thuộc động cơ của tâm. Đoạn văn này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc canh chừng tâm, gìn giữ tâm được đạo đức bởi vì hạnh phúc hay khổ đau tùy thuộc vào tâm của ta, tức là những suy nghĩ của ta là thiện hay bất thiện. Cách suy nghĩ như thế này sẽ đưa tới hạnh phúc. Cách suy nghĩ như thế kia sẽ đưa tới đau khổ và hàng loạt vấn đề. Tất cả - từ những vấn đề hằng ngày và những khổ đau của sáu cõi luân hồi cho tới sự giải thoát, giác ngộ, tất cả đều tùy thuộc vào tâm của chúng ta, cách suy nghĩ của chúng ta.
Bạn có thể không để ý tới bí mật này của tâm: cách suy nghĩ và thái độ của bạn - mà từ đó xuất phát mọi hạnh phúc và khổ đau. Biết được bí mật này, bạn có thể loại bỏ những suy nghĩ sai lệch sản sinh các vấn đề, toàn bộ khổ đau ở các kiếp sau, toàn bộ chướng ngại ngăn cản giác ngộ. Với cách suy nghĩ đúng bạn có khả năng có được bất kỳ hạnh phúc nào bạn muốn.
Một đoạn văn khác trích từ Khai mở Cánh cửa Pháp như sau:
Trước khi có các hành động Pháp, khả năng của tâm (có nghĩa là động cơ, là tâm nguyện) là quan trọng nhất. Nếu một người nói hay làm với một tâm bất thiện, người ấy sẽ chuốc lấy khổ đau từ hành động đó như trong thí dụ về một người bị bánh xe cắt lìa đầu. Còn nếu một người nói hay làm với một tâm an lành, người ấy sẽ nhận được hạnh phúc từ hành động đó như thí dụ về cái bóng di chuyển.
Đoạn văn có ý nói rằng người ta nhận lấy đau khổ từ những hành động được làm với ba tâm độc.
Các thí dụ nêu trên liên quan đến câu chuyện sau đây do đức Song Rinpoche kể. Hai người ăn xin đi riêng rẽ đến xin ăn ở một tu viện. Một người đến lúc chiều tối khi các tăng dọn dẹp bếp xong nên ông ta không có được thức ăn. Người ăn xin thứ hai đến tu viện vào buổi trưa lúc các tăng đang dùng cơm nên ông ta xin được rất nhiều thức ăn.
Người không xin được thức ăn đã nổi giận. Ông ta bực tức nói: "Tôi ước gì cắt đứt đầu các sư và xem các đầu đó rớt xuống đất". Chẳng bao lâu sau, khi ông ta nằm bên lề đường, một chiếc xe ngựa chạy qua đã cán lên người ông và cắt lìa đầu ông.
Còn người ăn xin kia khi nhận được nhiều thức ăn đã rất sung sướng. Biết ơn các sư tăng, ông ta nói: "Tôi ước gì có thể dâng cúng nước cam lồ của thiên nhân cho các sư". Lòng ước muốn này đã sản sinh rất nhiều công đức trong tâm ông ta. Sau đó ông ta đến nằm ở một công viên dưới một gốc cây.Từ xế đến chiều, bóng cây không rời ông ta. Vào dịp này dân địa phương đang cần tìm một người có phẩm hạnh đặc biệt để tôn làm tân vương. Khi thấy người ăn xin lúc nào cũng được bóng cây che mát, họ đã khẩn cầu người này làm vua.
Có ba loại nghiệp (xét lúc nghiệp đã chín muồi):
Nghiệp mà bạn tạo ra và nhận lấy quả ngay trong một đời; nghiệp mà bạn tạo ra trong đời này nhưng nhận lấy quả ở ngay kiếp sau; và nghiệp mà bạn tạo ra ở đời này nhưng sẽ nhận quả sau nhiều kiếp tái sanh. Mặc dù người ăn xin trên thực tế đã không cúng dường nước cam lồ, ông ta chỉ ước muốn mà thôi nhưng tăng đoàn có năng lực rất mạnh vì đã thực hiện rất nhiều giới hạnh nên người ăn xin đã tích lũy được công đức to lớn. Do vậy ông ta nhận được quả ngay trong cùng một đời.
Có câu chuyện khác nữa. Thông thường giết người là ác nghiệp. Thế nhưng, trong một kiếp quá khứ, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã giết một người. Vào kiếp đó, Ngài là vị thuyền trưởng của một chiếc thuyền đang chở năm trăm lái buôn và một người trong số đó có âm mưu giết tất cả những người kia. Biết được việc này, và vì nghĩ rằng nếu xảy ra chuyện, kẻ giết người ắt phải đi vào địa ngục và phải chịu đựng khổ đau trong rất nhiều đại kiếp, vị thuyền trưởng liền cảm thấy quá bi mẫn xót thương ông ta tới mức không chịu nổi. Ngài nghĩ : "Tôi sẽ vào địa ngục chịu thay cho ông ta. Tôi sẽ giết ông ta trước khi ông ta có cơ hội giết người. Cho dù việc giết ông ta sẽ đưa tôi vào địa ngục nhưng tôi vẫn phải làm". Vì lòng bi mẫn xót thương quá mức, vị thuyền trưởng đã giết người lái buôn đó.
Tuy nhiên, nhờ vào động cơ đại bi này, hành động giết người đã không trở thành nghiệp ác. Thay vì vậy, nó trở nên phương tiện tích lũy công đức rất đặc biệt và rút ngắn một trăm ngàn đại kiếp ở luân hồi. Kinh điển ở đây nói rất rõ rằng hành động này đã không trở thành nghiệp ác -mặc dù đôi khi việc này bị tranh cãi. Một số người thấy rất khó chấp nhận rằng việc giết người là đạo đức dù được thúc đẩy bởi lòng đại bi. Họ phản bác rằng động cơ là đạo đức nhưng hành động tự nó là phi đạo đức nên vị thuyền trưởng Bồ tát ắt phải chịu một quả bất thiện nào đó vì điều này. Một số tu sĩ đã phản bác như vậy trong luận giảng của Tiểu thừa, nhưng Kinh Đại thừa nói rất rõ rằng hành động của vị thuyền trưởng là không phải nghiệp ác.
Luận giảng Tiểu thừa đã khẳng định rằng ba hành động của thân (sát sanh, trộm cắp, tà dâm) và bốn hành động của lời nói (nói láo, nói vu khống, nói thêu dệt, nói lời độc ác) là ác nghiệp. Không cho phép được làm những hành động này vì luận giảng Tiểu thừa chú trọng hành động hơn thái độ. Tuy nhiên trong giáo lý Đại thừa, Đức Phật đã cho phép làm những hành động này vì khi đó Bồ tát biết chắc chắn sẽ mang lợi lạc to lớn đến chúng sanh hữu tình.
Đức Phật cho phép việc này bởi vì sẽ không có nguy hiểm cho một vị Bồ tát về phương diện phát triển tâm. Hành động như vậy của vị Bồ tát sẽ không trở thành chướng ngại ngăn trở giác ngộ; thay vào đó, trên thực tế nó giúp vị Bồ tát đạt giác ngộ nhanh hơn. Khi có lợi ích lớn và đặc biệt khi không có nguy hiểm thì Đức Phật cho phép làm những hành động như vậy.
Tiểu thừa là nền tảng của Đại thừa nhưng giáo lý Tiểu thừa không đề cập bồ đề tâm như đã triển khai trong Đại thừa. Trong Đại thừa, tâm của vị Bồ tát có thể khiến cho hành động phi đạo đức trở thành đạo đức. Trong việc phát triển tâm, trước hết bạn chuyển hóa tâm vô ký (không phân biệt) thành tâm đạo đức; rồi thì, nhờ phát sinh và từng bứơc tăng trưởng bồ đề tâm, sau một giai đoạn nào đó, bạn sẽ đạt tiến bộ ở mức đủ để có khả năng chuyển hóa ngay cả phi đạo đức thành ra đạo đức. Bồ đề tâm có khả năng khiến cho bạn làm được điều này.
Trong tác phẩm Giải thoát trong Lòng Bàn tay Pabongka Dechen Nyingpo giải thích rằng hành động giết người của vị thuyền trưởng đã "tích lũy rất nhiều công đức" và ở đây trong luận giảng này sự việc đã được làm sáng tỏ hơn thế nữa: "Hành động giết người này đã không trở thành nghiệp bất thiện mà ngược lại nó là một phương pháp đặc biệt để làm cho công đức được trọn vẹn". Nhiều giáo lý khác cũng đồng ý với điều này và ngay cả theo quan điểm thế gian nó cũng hợp lý nữa.
Luận giảng cũng giải thích tiếp:
Nếu bạn cho ai thức ăn, thức uống với mục đích trêu chọc hay tạo ra phiền phức thì sự bất hạnh sẽ đến thay vì sự hạnh phúc.
Nói cách khác câu này nói việc bạn cho thức ăn thức uống với động cơ xấu là làm hại họ, gây rắc rối cho họ. Ở đây mặc dù hành động trông có vẻ tốt nhưng trên thực tế kết quả trở nên bất thiện - bất hạnh trong đời này và khổ đau trong các kiếp sau - bởi vì động cơ là bất thiện. Điều này ngược lại với thí dụ về vị thuyền trưởng Bồ tát, hành động giết người không trở thành nghiệp bất thiện, thay vì vậy, nó trở thành phương tiện để tích luỹ công đức.
Luận giảng tiếp tục như sau:
Nếu một người cho hay tặng với sự tôn kính, sự sùng mộ cùng với lòng Đại Bi vân vân… thì sẽ có hỉ lạc ở cả người cho và người nhận. Và đại hỉ lạc sau này cũng sẽ đến từ nghiệp này. Do đó mọi sự tuỳ thuộc vào tâm. Hạnh phúc, khổ đau, nghiệp thiện, nghiệp bất thiện: mọi sự xảy ra tùy theo các tâm khác nhau.
Nói cách khác, mọi sự xảy ra tùy theo tâm của chính bạn, tuỳ theo động cơ, cách suy nghĩ của bạn. Trong một luận giảng về Lamrim, Lama Tsong Khapa nói rằng trừ những trường hợp ngoại lệ thì hành động( trong đời thường-ND) trở thành nhân cho luân hồi, nhân cho khổ đau trừ phi nó được thúc đẩy bởi một trong ba mặt căn bản của đường đạo. Các hành động ngoại lệ, không tùy thuộc vào động cơ, là những hành động liên quan đến các đối tượng thiêng liêng như Đức Phật, Pháp và Tăng đoàn. Cúng dường cho các đối tượng thiêng liêng này, ngay cả với động cơ của bát phong cũng đưa đến quả hạnh phúc.
Kinh điển nói rằng "Thế giới được dẫn dắt bởi tâm". Điều này có nghĩa rằng tâm là nhà sản xuất, người kiến tạo thế giới. Như đã nói, hạnh phúc phát sinh từ tâm đạo đức. Mọi quả tốt - thân người hay thiên nhân ở thượng giới, những trần cảnh ưa thích… tất cả đều phát sinh từ tâm đạo đức. Bằng cách tu tập bồ đề tâm, hành giả có khả năng phát triển toàn bộ phần còn lại của con đường Đại thừa, các chứng ngộ Tantra và giác ngộ. Toàn bộ những điều này có được từ bồ đề tâm.
Toàn bộ mọi khổ đau được dẫn dắt bởi tâm phi đạo đức. Toàn bộ những hoàn cảnh xấu - sinh làm các chúng sinh luân hồi đau khổ, các cõi thấp -đều phát sinh từ tâm phi đạo đức.
Mọi sự đến từ tâm, nhưng tâm không hình tướng. Kinh nói tiếp: "Tâm không thấy được tâm". Tôi nghĩ câu này có nghĩa là: vì tâm không có hình tướng, không màu sắc nên chúng ta không thể thấy được, không cảm giác được nó theo kiểu chúng ta thấy và cảm giác về thân ta và các đối tượng khác. Tâm chúng ta và các vọng tưởng của chúng ta là không hình tướng, không màu sắc. Nhưng vô-minh-chấp-thấy-hiện-hữu-chắc-thật (chắc chắn có thật) của chúng ta thì còn cứng chắc hơn dãy núi đá. Các vọng tưởng của chúng ta cứng hơn thép.
Núi đá và thép có sinh và có diệt. Núi và thép có thể bị hủy hoại bởi các nguyên nhân bên ngoài chẳng hạn như lửa vào cuối đại kiếp hay sức nóng của bảy mặt trời.
Tuy nhiên, các vọng tưởng vô minh của chúng ta thì liên tục từ vô thỉ (không có chỗ bắt đầu - ND). Vô minh của chúng ta là vô thỉ tuy nhiên đến giờ vẫn không thay đổi. Điều này thật đáng ngạc nhiên. Và vọng tưởng của chúng ta sẽ vô chung (không chấm dứt - ND) trừ phi chúng ta luyện tâm và làm cho đường đạo trở thành hiện thực. Nếu chúng ta triển khai được cách thức tu sửa do đường đạo chỉ ra thì chúng ta có thể chấm dứt vọng tưởng. Đoạn trích dẫn từ Kinh, kết thúc như sau: "Bất kể hành động đạo đức hay phi đạo đức đều do tâm tạo".
Aryadeva kể một câu chuyện về một vị Arhat (A-la-hán) đang bị đau quá mức và yêu cầu vị tăng là đệ tử của Ngài hãy làm cho Ngài chết ngạt. Người đệ tử vâng lời đã làm cho Ngài chết. Sau đó, ông ta đến gặp Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và hỏi về nghiệp của mình. Đức Phật nói rằng bởi vì hành động được làm bởi động cơ tốt, nên không thể tạo ra nghiệp giết vị Arhat - nghiệp giết Arhat là một trong nghiệp ngũ nghịch bất tận. Hành động được làm với một tâm tốt bỡi vì khi đó vị Arhat đang bị đau quá mức ; Đức Phật nói nó không trở thành nghiệp ngũ nghịch bất tận mà trở thành đạo đức.
Tuy nhiên, đối với việc giết chúng sanh với lý do muốn giải thoát đau khổ thì có một khía cạnh khác cần phải lưu ý xem xét. Nếu một người hay một súc sanh sắp sửa tái sinh vào địa ngục thì nỗi đau đang chịu đựng ở cõi người không thấm vào đâu so với nỗi đau ở địa ngục, nên có thể tốt hơn nếu để họ chịu đựng thêm một ngày nữa ở cõi người nơi mà sự đau khổ có ít hơn. Nhưng nếu chúng sanh sắp tái sinh vào cõi cao hơn như cõi trời hay cõi người thì đây chỉ là sự thay đổi cái thân. Cho nên việc này cần có khả năng hiểu thấu suốt vấn đề. Thực ra, chúng ta cần có khả năng siêu việt để có một quyết định như vậy.
Sát hại chúng sanh như vậy có thể trở thành đạo đức bởi vì nó được làm với tâm thiện; nhưng xét đến cõi tái sinh xem có thể là cõi thấp hay cõi cao thì có sự chọn lựa khác biệt cho chúng sanh bị giết. Đây là lý do tại sao Ngọn đèn Soi đường đến Giác ngộ có nói rằng thật khó khăn để làm lợi cho chúng sinh một khi không có được khả năng siêu việt.
Có một câu chuyện nữa về một tu sĩ già có người con trai cũng là tu sĩ trong cùng một tu viện. Vào ngày nọ, tu viện đánh chuông báo cho biết đến giờ sám hối. Nghe tiếng chuông, tu sĩ trẻ bảo cha đi nhanh hơn. Vì đi gấp bất ngờ tu sĩ già đột quị chết tại chỗ. Sau đó tu sĩ trẻ đến tham vấn Đức Phật; và Đức Phật nói rằng vì hành động được làm bởi tâm thiện nên không thể trở thành một nghiệp ngũ nghịch bất tận là giết cha.
Aryadiva cũng nêu ra một thí dụ khác: một người trông thấy tượng Phật để ngoài trời đang mưa nên đã lấy đôi giày của mình đặt trên đầu tượng để che mưa. Sau khi dứt mưa có một người khác đi ngang qua thấy thế, nói: "Thật tệ khi đặt đôi giày lên trên tượng Phật" và ông ta đã lấy giày xuống. Cả hai người này đã tạo được nhân để tái sanh làm Chuyển-luân-Vương. Tại sao? Bởi vì các hành động đều được làm bởi động cơ tốt. Cả hai, người đặt giày lên để che mưa và người lấy giày xuống, hai người đã tạo được nghiệp thiện.
Động cơ là điều hết sức quan trọng, đặc biệt là động cơ nhân, như tôi đã đề cập ở trước. Nếu có thể được thì động cơ lúc xảy ra cũng là thiện nhưng trong hai loại động cơ thì động cơ nhân quan trọng hơn. Không kể đến những hành động liên quan đến Tam Bảo Phật, Pháp và Tăng - thì chính động cơ nhân là cái quyết định hành động là đạo đức hoặc phi đạo đức.
Việc này được viết ra đặc biệt rất rõ trong Khai mở Cánh cửa Pháp, tôi muốn lập lại lần nữa:
Với hầu hết mọi người, giết người là một nghiệp bất thiện. Tuy nhiên vì hành động giết người của vị thuyền trưởng được thúc đẩy bởi lòng Đại Bi nên không trở thành nghiệp bất thiện. Và còn hơn thế nữa, nó đã trở thành một phương pháp đặc biệt để hoàn thành công đức.
Một kho tàng công đức đã được tích lũy vì vị thuyền trưởng đã hy sinh trọn vẹn, đã cam chịu sinh vào địa ngục khi giết người, nhờ công đức đó ông ta tránh khỏi rơi vào địa ngục.
Các Kinh điển nói rất nhiều lần rằng bồ đề tâm là phương pháp đặc biệt để tích lũy công đức. Điều này cũng được giải thích rất rõ trong rất nhiều luận giảng về luyện tâm của Kachen Yeshe Gyaltsen. Cho nên người ta có thể chuyển hóa phi đạo đức thành đạo đức. Tất cả đều do ở động cơ, do tâm nguyện.